Kinh Bách Dụ ♦ Quyển 3
Thuở xưa có một thương gia đang trên chuyến buôn bán. Giữa đường, chẳng may con lạc đà bỗng dưng bị chết. Ở trên lưng con lạc đà này mang rất nhiều trân bảo, các tấm thảm mềm mại, và những đồ lặt vặt. Khi con lạc đà đã chết, người thương chủ lóc da của nó, rồi tiếp tục lên đường.
Sau đó, ông giao mấy miếng da đó cho hai kẻ làm mà bảo rằng:
“Hãy trông chừng mấy miếng da lạc đà này cho tốt. Chớ để bị ướt, bằng không nó sẽ bị thối rữa.”
Về sau khi trời đổ mưa, hai kẻ ngu ngốc lấy một tấm thảm quý mà bọc mấy miếng da kia. Kết quả đã làm cho tấm thảm hoàn toàn hư hoại. Giá trị giữa da lạc đà và tấm thảm quý thì chênh lệch một trời một vực. Song do bởi ngu si nên họ mới lấy tấm thảm quý mà bọc.
Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Không sát sanh ví như tấm thảm quý. Da của lạc đà thì dụ cho tiền tài. Trời mưa làm ẩm ướt, mục nát, thì dụ cho sự buông lung đã phá hoại việc lành.
Giới không sát sanh chính là nhân duyên vi diệu tối thượng để dẫn đến chứng đắc Pháp thân của Phật. Tiếc thay, người đời chẳng ai chịu tu. Trái lại, họ dùng tiền tài để xây tháp dựng miếu, hoặc cúng dường chư Tăng. Họ bỏ gốc lấy ngọn mà chẳng cầu bổn nguyên. Và thế là, họ trôi dạt trong năm đường mà chẳng thể tự ra khỏi. Vì vậy, người tu hành phải nên trì giới không sát sanh với lòng thanh tịnh.
Thuở xưa có một người đã bỏ rất nhiều công sức đi mài một tảng đá. Năm tháng trôi qua, hắn làm được một con bò nhỏ để chơi. Tiếc thay, y đã bỏ biết bao công sức mà kết quả đạt được lại quá bé nhỏ.
Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Mài tảng đá dụ cho sự cần cù chịu gian khổ để trau dồi học vấn. Làm được một con bò nhỏ để chơi dụ cho sự thị phi qua lại vì danh vọng. Là một vị học giả thì phải miệt mài nghiên cứu để được học thức uyên bác. Hơn nữa, họ nên dùng những lý thuyết đã học vào thực hành và cầu một kết quả thù thắng. Họ không nên cầu tiếng tăm mà kiêu căng ngã mạn, bởi đó chỉ tăng thêm hoạn nạn.
Thuở xưa có một người đương lúc đói bụng, hắn thèm ăn hết bảy cái bánh nướng. Nhưng khi ăn tới phân nửa của cái bánh thứ bảy thì đã quá no.
Cảm thấy hối tiếc, người ấy lấy tay tát vào mặt của mình mà tự trách rằng:
“Bây giờ chỉ với nửa cái bánh này mà đã làm mình no nê. Tiếc là mình đã lãng phí sáu cái bánh trước. Nếu biết nửa cái bánh này có thể làm cho mình no vậy thì mình đã sớm ăn nó trước rồi.”
Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Từ hồi nào đến giờ, họ luôn chẳng có an lạc. Nhưng do bởi ngu si điên đảo, họ lầm tưởng mà cho là vui sướng. Đây cũng như kẻ ngu kia đã nghĩ rằng, hắn no là do nửa miếng bánh.
Thế nhân vô tri. Họ cho rằng phú quý là vui sướng. Lúc chưa có, kẻ mong giàu sang phải chịu biết bao khổ nhọc. Khi đã có rồi, họ cũng sầu khổ vì phải lo canh giữ. Rồi sau khi mất chúng, họ càng khổ hơn vì tiếc nuối khôn nguôi. Suốt trong ba thời, họ đều chẳng có an lạc. Đây cũng như có người cho rằng quần áo và thức ăn là vui sướng. Vì vậy, họ ở trong nhọc nhằn mà lầm tưởng là vui sướng.
Cho nên chư Phật đã dạy:
“Khắp ba cõi không an và đều là khổ ách.”
Phàm phu do điên đảo mê muội nên mới lầm tưởng mà cho là an vui.
Thuở xưa có một người sắp phải đi xa.
Ông dặn dò kẻ nô bộc rằng:
“Hãy trông chừng cửa ngõ kỹ càng, cũng như trông chừng con lừa và sợi dây.”
Sau khi chủ nhà đi vắng, đúng lúc ấy ở nhà hàng xóm có âm nhạc ca xướng. Kẻ đầy tớ háo hức muốn đi nghe và gã chẳng thể nào kiềm lòng cho được. Thế là hắn buộc sợi dây vào cánh cửa, rồi bỏ lên lưng con lừa, và đèo chúng đến chỗ nhộn nhịp để nghe âm nhạc. Lúc nô bộc đi rồi, tài vật trong nhà bị giặc lấy hết trơn hết trọi.
Khi chủ nhà trở về, ông hỏi hắn rằng:
“Tài bảo của ta đâu hết rồi?”
Kẻ đầy tớ liền đáp rằng:
“Dạ thưa, trước đó lão gia chỉ dặn là phải canh chừng cửa ngỏ, con lừa, và sợi dây. Mấy việc khác con hoàn toàn không biết.”
Chủ nhà lại nói rằng:
“Ta căn dặn ngươi trông chừng cửa nẻo, cốt ý là để canh giữ tài vật. Giờ thì tài vật đã mất, ngươi còn trông giữ cánh cửa để làm gì!”
Kẻ ngu ở chốn sanh tử, họ làm nô bộc cho ái dục thì cũng như thế. Như Lai dạy họ phải luôn canh giữ cửa của các căn và chớ dính mắc vào sáu trần. Hãy trông chừng con lừa vô minh và sợi dây ái dục. Thế nhưng có những Bhikṣu [bíc su] không vâng lời Phật dạy mà tham cầu lợi dưỡng. Họ giả vờ ngồi tĩnh tọa để tỏ ra vẻ thanh tịnh, nhưng thực tế thì tâm ý rong ruổi theo năm dục. Và thế là, họ bị sắc thanh hương vị xúc pháp não loạn, bị vô minh che mờ tâm trí, và bị sợi dây ái dục siết trói. Thế nên, chánh niệm giác ý và tài bảo của các Phẩm Trợ Đạo thảy đều tiêu mất.
Thuở xưa có một nhóm người ở làng nọ cùng bắt trộm một con bò để ăn thịt.
Người mất bò lần theo vết mà tìm đến ngôi làng đó, rồi gọi hỏi người trong ấy rằng:
“Các người sống ở tại làng này à?”
Nhóm người trộm bò trả lời:
“Ở đây thật chẳng có làng nào cả.”
Lại hỏi rằng:
“Ở trong làng này có một cái hồ. Các người đã cùng nhau bắt ăn thịt một con bò ở cạnh bờ hồ đó phải không?
Đáp rằng:
“Làm gì có hồ nào ở đây chứ.”
Lại hỏi rằng:
“Ở bờ hồ có một cái cây phải không?”
Đáp rằng:
“Ở đây chẳng có cây nào hết.”
Lại hỏi rằng:
“Lúc ăn trộm bò, các người đang ở bên hướng đông của ngôi làng này phải không?”
Đáp rằng:
“Nơi này không có hướng đông.”
Lại hỏi rằng:
“Khi các người ăn trộm bò, lúc đó là giữa trưa đúng không?”
Đáp rằng:
“Ở đây chẳng có giữa trưa.”
Lại hỏi rằng:
“Cho dù có thể là không có làng và không có cây đi nữa, nhưng làm sao ở dưới thiên hạ này mà lại không có phương hướng và thời gian? Đây rõ ràng là các người đang nói dối. Tôi quyết không tin đâu. Vậy rốt cuộc là các người có trộm con bò của tôi để ăn thịt hay không?”
Đáp rằng:
“Vâng, thật sự chúng tôi đã ăn thịt con bò của anh.”
Những kẻ phá giới thì cũng như thế. Họ giấu giếm tội lỗi và chẳng chịu thừa nhận, nên khi chết họ phải vào địa ngục. Nhưng với thiên nhãn quán soi của chư thiên thiện thần, họ chẳng thể nào che giấu được. Đây cũng như nhóm người kia đã ăn thịt con bò, cuối cùng họ chẳng thể nào chối cãi vậy.
Thuở xưa ở một nước ngoài nọ, dân chúng đang ăn mừng một ngày lễ lớn của họ. Tất cả phụ nữ đều lấy hoa sen xanh cài lên tóc.
Khi ấy có một cô vợ nói với anh chồng nghèo nàn của mình rằng:
“Nếu anh có thể tìm được hoa sen xanh về đây cho em, thì em vẫn là vợ của anh, bằng không em sẽ bỏ anh đấy.”
Trước đây, anh chồng này rất khéo có thể giả tiếng kêu của chim uyên ương. Thế là hắn lén vào trong ao của nhà vua và giả tiếng kêu của chim uyên ương để ăn cắp hoa sen xanh.
Chợt nghe có tiếng động, lính gác hô lớn mà hỏi rằng:
“Ai ở trong ao?”
Kẻ nghèo này lỡ miệng trả lời:
“Tôi là chim uyên ương.”
Lính gác liền tóm bắt và dẫn đến chỗ của vua. Trên đường đi, kẻ nghèo lại giả tiếng kêu của chim uyên ương.
Lính gác mới nói rằng:
“Hồi nãy sao không kêu, giờ kêu có ích gì?”
Những kẻ ngu ở thế gian thì cũng như thế. Suốt đời họ tàn hại người khác và làm những nghiệp ác. Họ chẳng chịu điều chỉnh tâm hạnh để làm việc lành.
Cho đến khi sắp mạng chung mới nói rằng:
“Bây giờ tôi muốn tu thiện.”
Thế nhưng ngục tốt vẫn lôi họ đến trước Diêm Vương. Cho dù bây giờ họ muốn tu thiện thì cũng quá trễ rồi. Đây cũng như kẻ ngu kia đã bị giải đến gặp quốc vương mà vẫn giả tiếng kêu của chim uyên ương vậy.
Thuở xưa có một con dã can nằm nghỉ ở dưới gốc cây. Khi làn gió thổi qua, cành cây rớt trúng trên lưng của nó. Con dã can liền nhắm mắt và chẳng muốn nhìn cây nữa. Sau đó, nó bỏ đi đến chỗ đất trống và cho đến trời sập tối nó cũng chẳng thèm trở lại.
Khi ấy từ nơi xa xa, con dã can thấy gió thổi cành lá của cây to kia dao động lên xuống.
Thế là nó liền bảo rằng:
“A, chắc là cây đang gọi mình trở về đó!”
Những đệ tử ngu si thì cũng như thế. Sau khi đã xuất gia, họ được gần gũi với bậc sư trưởng. Nhưng chỉ với sự quở trách nho nhỏ, họ lập tức bỏ đi. Thời gian sau, họ gặp phải kẻ xấu ác và bị chúng não loạn không ngừng. Tới lúc đó, họ mới nghĩ quay về. Đi đi về về như vậy thật là ngu muội.
Thuở xưa có hai đứa bé lặn xuống sông vui chơi. Ở dưới đáy sông, chúng lấy được một chùm lông.
Một đứa trẻ nói rằng:
“Đây là râu của ông tiên.”
Đứa trẻ khác bảo:
“Đây là lông của con gấu.”
Lúc bấy giờ ở ven sông có một tiên nhân. Do cứ tranh cãi không ngừng, thế nên hai đứa trẻ này đến chỗ của vị tiên nhân kia để giải trừ nghi ngờ. Khi ấy, vị tiên nhân kia liền lấy ít gạo và hạt mè bỏ vào trong miệng nhai, rồi nhổ vào trong tay.
Ông bảo bọn trẻ rằng:
“Đồ ở trong tay ta giống hệt như là phân của con công đó.”
Bởi vậy ai cũng biết rằng, vị tiên nhân này đã không trả lời câu hỏi được đặt ra.
Những kẻ ngu ở thế gian thì cũng như thế. Khi bàn luận giáo Pháp, họ hí luận các pháp và không trả lời đúng chân lý. Đây cũng như vị tiên nhân kia đã không trả lời câu hỏi được đặt ra và phải bị mọi người cười chê. Nói khoác lác hư ngụy thì cũng vậy.
Thuở xưa có một người thình lình bị gù lưng và đến xin thầy thuốc chữa trị. Trước tiên, thầy thuốc thoa dầu vào chỗ lưng gù, rồi lấy hai miếng gỗ kẹp lại chỗ đó và dùng sức ép thật mạnh. Ngờ đâu, việc ấy đã khiến cặp mắt của bệnh nhân lồi ra ngoài.
Những kẻ ngu ở thế gian thì cũng như thế. Vì muốn giàu sang, họ dùng đủ mọi thủ đoạn phi pháp để làm ăn buôn bán. Tuy việc đó có thể sẽ thành công, nhưng tài lợi kiếm được chẳng đủ bù đắp cho việc đã tổn hại. Trong tương lai, họ sẽ đọa địa ngục. Đây cũng dụ như cặp mắt của kẻ gù lưng bị lồi ra ngoài vậy.
Thuở xưa có năm người mua chung một nữ tỳ.
Có một người trong bọn họ bảo tớ gái đó rằng:
“Hãy mang quần áo của ta đi giặt.”
Một người khác cũng lại bảo đi giặt quần áo.
Tớ gái nói với người đó rằng:
“Tôi sẽ giặt cho ai mang quần áo đến trước.”
Kẻ đến sau nổi giận và quát rằng:
“Ta cùng với mấy người trước đồng mua ngươi về. Sao ngươi chỉ phục vụ riêng cho một người?”
Thế là liền quất mười roi. Sau đó, bốn người còn lại cũng thế. Ai nấy đều đánh tớ gái mười roi.
Năm uẩn thì cũng vậy. Chúng là nhân duyên của phiền não và hợp lại để làm thành thân này. Thế nhưng năm uẩn này luôn quất đòn chúng sanh với vô lượng khổ não của sanh già bệnh chết.
Thuở xưa có một nhạc công khảy đàn ở trước quốc vương và trước đó nhà vua cũng hứa là sẽ thưởng 1.000 đồng tiền. Khi tấu xong, kẻ ấy hỏi về số tiền thưởng, nhưng nhà vua không chịu đưa.
Nhà vua bảo rằng:
“Ngươi tấu nhạc chỉ làm trẫm tạm vui một lát. Cho nên, dù trẫm cho tiền thì cũng chỉ làm ngươi tạm vui một lát mà thôi.”
Quả báo của thế gian thì cũng như thế. Ở nhân gian hoặc trên trời, dù có thọ hưởng một chút vui sướng nhưng nó cũng chẳng có thật. Sự vô thường và hoại diệt thì chẳng thể nào bền lâu. Đây cũng như người tấu nhạc làm cho nhà vua tạm thoáng vui vậy.
Thuở xưa có một vị thầy có hai đệ tử. Do đôi chân nhức nhối nên vị thầy sai hai đệ tử phải tùy thời xoa bóp và giao mỗi đứa một chân. Tuy nhiên hai đứa học trò này luôn ganh ghét đối phương. Một ngày nọ, nhân cơ hội đứa kia đi giải lao, đứa này liền lấy đá đập vào chân mà đứa kia đang xoa bóp. Lúc đứa đầu tiên quay lại, thấy vậy nên nổi giận và lại cầm đá đập vào chân của đứa thứ hai đang xoa bóp.
Có những người học Phật Pháp thì cũng như thế. Học giả Đại Thừa thì bài xích Nhị Thừa. Còn học giả Nhị Thừa thì lại bài xích Đại Thừa. Cho nên, họ khiến Đại Thánh Pháp điển của hai trường học phải suy vong.
Thuở xưa có một con rắn.
Có một hôm, cái đuôi bảo đầu rắn:
“Mình phải ở phía trước.”
Đầu rắn bảo đuôi rằng:
“Ta luôn ở phía trước. Sao bỗng dưng lôi thôi vậy hả?”
Nói rồi, đầu rắn vẫn thản nhiên đi về phía trước. Khi ấy đuôi rắn quấn chặt vào gốc cây và làm đầu rắn chẳng tài nào đi được. Và tới khi đuôi rắn giành đi trước, nó liền rơi xuống hầm lửa và bị thiêu chín mà chết.
Đây cũng tương tự như các trường hợp giữa thầy và trò.
Đệ tử nói rằng:
“Sư phụ đã già cả mà vẫn phải luôn cực nhọc chỉ dẫn. Đệ tử thì còn trẻ, thế nên hãy để cho con thống lãnh.”
Nhưng do lớp trẻ như vậy không trì giới luật mà lại còn phạm nhiều lỗi lầm, kết quả là họ cùng kéo nhau vào địa ngục.
Thuở xưa có một quốc vương có một vị thần thân tín. Ở trong quân trận, vị thần này đã xả mạng cứu giá nên khiến nhà vua được an toàn. Khi ấy nhà vua vô cùng hoan hỷ và muốn ban thưởng.
Nhà vua liền hỏi rằng:
“Khanh muốn cầu điều gì? Tất cả trẫm đều sẽ cho.”
Vị thần liền tâu rằng:
“Tâu đại vương! Khi đến lúc đại vương cần cạo râu, kính mong đại vương cho phép thần cạo.”
Nhà vua nói rằng:
“Nếu đây là ước nguyện của khanh, trẫm sẽ cho khanh mãn nguyện.”
Kẻ ngu như thế thật đáng bị người thế gian chê cười. Hắn đã có thể hỏi xin nửa giang sơn để thống trị, hoặc làm đại thần hay tể tướng–tất cả đều có thể được. Thế nhưng, gã chỉ mong được làm một việc thấp hèn.
Mấy kẻ ngu thì cũng vậy. Chư Phật đã ở trong vô lượng kiếp tu hành những khổ hạnh khó làm và sau đó mới thành Phật. Nếu ai gặp được Phật hoặc nghe được Pháp di giáo và cùng lúc có được thân người, thì cũng ví như con rùa mù mà gặp được một khúc gỗ có lỗ thủng đang trôi. Hai việc này rất khó tao ngộ, nhưng nay đã gặp được. Thế nhưng tâm ý của họ kém cỏi, phụng trì một ít giới mà cho là đủ và chẳng cầu tịch diệt. Trong lòng cũng không tiến cầu diệu Pháp thù thắng. Họ tự mình hành tà sự mà cho là đã đủ.
Thuở xưa có hai người đang đi chung trên đường và chợt thấy có một kẻ đang hì hục đẩy cỗ xe chở hạt mè ra khỏi ổ gà, nhưng vẫn không sao ra được.
Khi ấy, gã kéo xe gọi hai người kia rằng:
“Xin hãy phụ tôi đẩy cỗ xe này ra khỏi ổ gà đi các anh!”
Hai người kia hỏi rằng:
“Vậy anh sẽ cho cái gì?”
Gã kéo xe trả lời:
“Tôi sẽ cho các anh cái không!”
Lúc đó hai người này liền phụ đẩy cỗ xe đến chỗ đất bằng phẳng.
Sau đó họ nói với gã kéo xe rằng:
“Hãy cho chúng tôi cái gì đi nào.”
Gã kéo xe đáp rằng:
“Chỉ có cái không thôi.”
Có một người lại nói rằng:
“Vậy hãy cho chúng tôi cái không đi.”
Ở trong hai người họ, có một người vừa cười mà nói rằng:
“Hắn đâu có thể cho được, sao phải buồn chứ?”
Người kia trả lời:
“Hắn nói là sẽ cho chúng ta cái không. Chắc phải có cái không chứ.”
Người đời nói cái không. Đó là do hai chữ ghép lại. Nó chỉ là giả danh. Nếu kẻ phàm phu thế tục chấp cái không thì sẽ sanh vào Vô Sở Hữu Xứ.
Người trí nói cái không. Đó chính là không, vô tướng, và vô nguyện.
Thuở xưa có một đại phú trưởng giả. Những kẻ đi theo vì muốn lấy lòng nên đều hết mực cung kính. Hễ khi ông trưởng giả khạc nhổ, mấy kẻ ở cạnh liền dùng chân chà lên. Trong số đó cũng có một kẻ ngu đi theo, nhưng chẳng tài nào chà kịp.
Thế là hắn nghĩ như vầy:
“Lúc mới vừa nhổ xuống đất thì đã bị mấy kẻ kia chà rồi. Lần sau khi ngài muốn khạc nhổ, mình phải tranh thủ chà trước mới được.”
Rồi đến lúc ông trưởng giả sắp khạc nhổ, kẻ ngu này liền đưa chân đạp mòm ông trưởng giả, khiến làm dập môi và gãy mấy cái răng.
Ông trưởng giả quát kẻ ngu rằng:
“Sao mày đạp vào miệng của ta hả?”
Kẻ ngu trả lời:
“Dạ thưa, khi ông vừa mới nhổ nước miếng xuống đất thì mấy kẻ nịnh cạnh bên liền chà đi mất. Tuy con muốn chà nhưng luôn luôn chẳng kịp. Cho nên con nghĩ, nếu khi ông sắp khạc nhổ mà con đưa chân đạp trước thì sẽ làm ông hài lòng biết cỡ nào.”
Phàm làm việc gì thì phải biết thời điểm. Thời điểm chưa đến mà miễn cưỡng ra công sức, ngược lại sẽ chuốc lấy khổ não. Bởi vậy, người sống trên đời phải biết khi nào đúng lúc và khi nào không đúng lúc.
Thuở xưa ở nước Lực Sĩ có một gia tộc thuộc dòng dõi quý tộc. Người cha lâm bệnh trầm trọng và biết nhất định sẽ chết.
Ông căn dặn hai đứa con:
“Sau khi cha chết, hai con hãy khéo phân chia tài sản cho công bằng.”
Sau khi người cha qua đời, hai đứa con vâng lời dạy và chia làm hai phần. Thế nhưng người anh phàn nàn là đứa em đã phân chia không công bằng.
Lúc bấy giờ có một lão già hồ đồ xúi bậy rằng:
“Ta sẽ dạy cậu làm sao phân chia cho công bằng. Các tài vật hiện giờ, cậu hãy phá làm hai phần. Phải phá làm thế nào? Ví dụ, y phục thì cắt làm đôi. Mâm đựng chai lọ cũng đập vỡ ra làm đôi. Có bao nhiêu chén bát thì cũng đập vỡ ra làm đôi. Tiền cũng xé ra làm đôi. Tất cả mọi tài vật khác như thế cũng đều phá ra làm đôi như vậy.”
Cách phân chia tài vật như thế thật đáng bị người chê cười.
Đây cũng như có hàng ngoại đạo chỉ nghiêng tu về Phân Biệt Đáp Luận Môn để trả lời cho mọi câu hỏi.
Thế nhưng luận môn có bốn loại:
[1] Quyết Định Đáp Luận Môn, tức trả lời tuyệt đối. Ví dụ: “Tất cả mọi người đều phải chết.”
[2] Phân Biệt Đáp Luận Môn, tức trả lời riêng rẽ. Ví dụ, nếu có ai hỏi rằng: “Người chết sẽ thọ sanh hay không?” Câu hỏi này nên trả lời riêng rẽ như vầy: “Ai đã tận trừ ái dục thì sẽ không còn sanh; ai có ái dục thì ắt phải thọ sanh.”
[3] Phản Vấn Đáp Luận Môn, tức đảo ngược câu hỏi và câu trả lời. Ví dụ, nếu có ai hỏi rằng: “Loài người có phải là tối thắng không?” Câu hỏi này có thể hỏi ngược như sau: “Anh hỏi đối với ba đường ác hay là chư thiên? Nếu hỏi đối với ba đường ác, thì loài người đích thật là tối thắng; nhưng nếu hỏi đối với chư thiên, thì loài người quả thật chẳng bằng.”
[4] Trí Đáp Luận Môn, tức không trả lời câu hỏi. Ví dụ, nếu có ai hỏi một trong 14 loại câu hỏi khó, như là: “Thế giới có giới hạn hay không giới hạn, hoặc chúng sanh có thỉ có chung hay vô thỉ vô chung?”
Hàng ngoại đạo ngu si nhưng tự cho có trí tuệ. Họ phá chia bốn loại luận môn ra mà chỉ dùng độc nhất Phân Biệt Đáp Luận Môn. Đây cũng như kẻ ngu bày cách phân chia tài sản, bằng cách phá chúng ra làm đôi vậy.
Thuở xưa có hai người đi ngang qua chỗ của người thợ gốm và thấy chân họ đạp xoay bánh, còn tay thì nặn uốn lọ gốm. Hai người đó nhìn hoài mà không chán. Hồi lâu sau, một người phải rời khỏi để đi dự đại hội. Người ấy không những được dùng các món ngon tuyệt hảo mà còn được tặng trân bảo. Người kia thì ở lại để xem cách làm lọ gốm.
Hắn thầm nghĩ:
“Mình phải ráng đợi xem cho đến khi làm xong.”
Và dần dần như thế, hắn ngồi xem cho đến khi mặt trời lặn mà cái lọ vẫn chưa làm xong. Y đã bỏ lỡ các món ngon và trân bảo đáng được có.
Đây cũng như mấy kẻ ngu. Họ lo bận bịu việc nhà mà chẳng biết gì về lẽ vô thường.
Hôm nay tính việc này
Ngày mai tạo nghiệp kia
Chư Phật rồng lớn hiện
Tiếng sấm rền thế gian
Mưa Pháp không chướng ngại
Vướng duyên nên chẳng nghe
Chẳng biết chết ập đến
Bỏ lỡ chư Phật hội
Không được Pháp trân bảo
Luôn ở đường ác khổ
Từ bỏ rời Chánh Pháp
Do xem lọ gốm kia
Đến cuối chẳng được gì
Cho nên mất Pháp lợi
Vĩnh viễn không giải thoát
Thuở xưa có một chàng ngốc đi đến một cái ao lớn và chợt thấy bóng vàng ròng ở dưới đáy nước.
Hắn liền hô:
“Có vàng!”
Thế là hắn liền nhảy xuống nước và khuấy bùn tìm kiếm. Hắn lục lạo một hồi đến mệt lả người mà chẳng thấy gì, nên đành trở lên bờ và ngồi ở chỗ cũ. Một lát sau, nước trong như cũ và lại hiện sắc vàng. Thế là hắn lại vào trong nước và khuấy bùn tìm một lần nữa, nhưng cũng chẳng thấy gì hết. Đến lúc này, người cha đi tìm con đã tới.
Khi thấy con mình như thế, ông hỏi đứa con rằng:
“Con làm gì mà mệt nhoài ra thế?”
Đứa con thưa với cha rằng:
“Ở dưới đáy nước có vàng ròng đó cha. Nãy giờ con lặn xuống nước và khuấy bùn tìm đến mệt lả người nhưng cũng chẳng thấy gì.”
Khi nhìn xuống đáy nước, người cha thấy cái bóng vàng ròng. Ông biết rằng số vàng này nằm ở trên cây, còn ở dưới đáy nước chỉ là bóng hiện mà thôi.
Người cha bảo:
“Chắc là do con chim nào đó ngậm số vàng này rồi bỏ ở trên cây.”
Đứa con liền nghe theo lời cha và quả nhiên đã tìm được vàng ở trên cây.
Phàm phu người ngu si
Vô trí cũng như vậy
Ở trong vô ngã uẩn
Khởi sanh có ngã tưởng
Như kẻ thấy bóng vàng
Cực nhọc mà kiếm tìm
Chuốc khổ được gì đâu
Các Phạm Chí đều nói Đại Phạm Thiên Vương là cha của thế gian và có quyền năng sáng tạo vạn vật. Đấng sáng tạo vạn vật có một đệ tử. Anh ta nói rằng y cũng có khả năng sáng tạo vạn vật. Kẻ đó tự cho mình có trí tuệ. Thật quả là ngu si.
Gã thưa với Phạm Thiên rằng:
“Con muốn tạo ra vạn vật.”
Đại Phạm Thiên Vương bảo rằng:
“Chớ khởi ý nghĩ đó. Con không thể nào làm được.”
Thế nhưng hắn chẳng nghe lời của Phạm Thiên và vẫn muốn tạo vạn vật.
Sau khi thấy những vật mà kẻ đệ tử này đã tạo ra, Phạm Thiên liền bảo rằng:
“Con làm cái đầu thì quá lớn mà làm cái cổ thì quá nhỏ. Lại làm bàn tay thì cực lớn mà làm cánh tay thì cực nhỏ. Còn làm cái chân thì tí ti mà gót chân thì to đùng. Tạo vật như thế với quỷ hút tinh khí có khác là bao.”
Cho nên thông qua nghĩa lý này thì phải hiểu rằng, nghiệp của mỗi người là do chính mình tạo chứ không phải là quyền năng của Phạm Thiên.
Chư Phật thuyết Pháp để dạy chúng sanh đừng chấp vào nhị biên: đừng chấp đoạn diệt và cũng đừng chấp thường hằng. Đạo lý này có thể tìm thấy ở Tám Chánh Đạo. Ngược lại, hàng ngoại đạo thấy cái này là đoạn diệt, cái kia là thường hằng, rồi khởi sanh chấp trước, dối gạt người thế gian, và bày vẽ làm các hình tượng. Những điều họ nói, thật chẳng đúng với Phật Pháp.
Thuở xưa có một người bị bệnh nguy kịch. Sau khi chẩn đoán, lương y bảo rằng phải luôn ăn thịt của một loại chim trĩ nọ thì mới có thể lành. Thế là người bệnh này đến chợ và mua được một con chim trĩ. Sau khi đã ăn hết, từ đó trở đi hắn không ăn thêm nữa.
Một thời gian sau, thầy thuốc đến gặp và hỏi rằng:
“Bệnh của anh đã khỏi chưa?”
Bệnh nhân trả lời:
“Trước đó ngài bảo tôi phải luôn ăn thịt chim trĩ. Cho nên sau khi đã ăn hết nguyên một con chim trĩ, tôi không còn dám ăn nữa.”
Thầy thuốc lại nói rằng:
“Nếu trước đó anh đã có thể ăn hết nguyên một con chim trĩ, tại sao lại không ăn tiếp chứ? Chẳng lẽ anh nghĩ rằng chỉ ăn thịt của một con chim trĩ thôi mà mong được lành bệnh à?”
Hết thảy ngoại đạo thì cũng lại như vậy. Họ nghe chư Phật và Bồ-tát là những bậc lương y vô thượng, và đã dạy rằng: hãy liễu giải cái tâm thức này. Tuy nhiên, hàng ngoại đạo vẫn chấp vào cái thấy thường hằng. Họ cho là quá khứ, hiện tại, cùng vị lai, rằng duy chỉ có tâm thức là không bao giờ đổi dời. Đây cũng như kẻ ngu chỉ ăn một con chim trĩ vậy. Thế nên, những chứng bệnh ngu muội và phiền não của họ chẳng thể nào chữa trị.
Với đại trí tuệ, chư Phật dạy các ngoại đạo phải trừ bỏ cái thấy thường hằng của họ. Đó là bởi tất cả mọi pháp đều có sự sanh diệt trong từng niệm. Nếu vậy thì sao chỉ có riêng tâm thức là không biến đổi? Đây cũng như vị thầy thuốc thế gian kia, ông bảo phải ăn thêm thịt trĩ thì mới được lành bệnh.
Phật cũng giống như vậy. Ngài giáo hóa các chúng sanh để khiến họ được giải thoát, và dạy rằng: các pháp có hư hoại nên chúng chẳng thường hằng, các pháp có tiếp nối nên chúng chẳng đoạn diệt. Một khi ai đã thấu hiểu thì chứng bệnh của cái thấy thường hằng sẽ lập tức diệt trừ.
Thuở xưa ở nước Hương Lâm có một đoàn hát. Nhân do gặp thời đói kém, họ phải bỏ đến nước khác để kiếm ăn. Trên đường đi, họ phải leo qua núi Pala [ba la]. Nhưng ở trong núi này được biết là có rất nhiều ác quỷ và quỷ bạo ác ăn thịt người.
Do trời lúc ấy đã tối, các nghệ nhân nhóm lửa lên và cùng nằm ngủ qua đêm giữa núi rừng gió lạnh. Khoảng nửa đêm, ở trong chúng nghệ nhân có một người do quá lạnh, anh ta trùm đại đồ hóa trang giả quỷ bạo ác vào, rồi ngồi ở đống lửa để sưởi ấm. Lúc đó có một người bạn đồng hành thức dậy từ trong giấc ngủ, và bất chợt thấy ở bên đống lửa có một con quỷ bạo ác. Bởi chẳng chịu nhìn cho kỹ, anh ta hốt hoảng bỏ chạy và đã làm kinh động mọi người. Khi chợt trông thấy, ai nấy đều chạy bạt mạng. Khi ấy kẻ mặc y phục giả làm quỷ bạo ác cũng không biết chuyện gì đã xảy ra, nên hắn cũng đuổi chạy theo mọi người.
Khi chúng nghệ nhân nhìn thấy hình dáng kia đuổi theo ở đằng sau và cho là nó muốn gây hại, họ càng kinh sợ gấp bội. Họ băng sông vượt núi và nhảy qua hầm hố, khiến thân thể tổn thương và mệt mỏi kiệt quệ. Mãi cho đến trời sáng, họ mới biết đó không phải là quỷ.
Hết thảy phàm phu thì cũng như thế. Ở giữa chốn phiền não, họ đói khát Pháp lành và muốn đi xa để cầu Pháp thực vô thượng của thường lạc ngã tịnh. Tuy nhiên ở trong năm uẩn, họ bám chấp nơi ngã. Do bởi thấy chúng có ngã, họ trôi theo dòng sanh tử và bị phiền não truy đuổi. Do chẳng được tự tại, họ rớt xuống hầm hố của ba đường ác. Mãi cho đến trời sáng dụ cho đêm tối của sanh tử đã hết. Khi có trí tuệ minh liễu, thì họ mới biết rằng năm uẩn thật chẳng có ngã.
Thuở xưa có một ngôi nhà mà dân chúng đồn là ở trong đó thường có ác quỷ. Cho nên mọi người đều sợ hãi và chẳng ai dám ngủ nghỉ gì ở trong ngôi nhà đó. Bấy giờ có một người khoe là mình có can đảm ghê gớm.
Gã nói rằng:
“Tôi muốn ngủ một đêm ở trong ngôi nhà đó.”
Ngay tối ấy, y vào ngôi nhà đó để ngủ. Tình cờ trong ngày ấy cũng có một người khác. Anh ta cho mình còn dũng cảm hơn cả người trước nữa. Sau khi nghe mọi người đồn là ở trong ngôi nhà đó luôn có ác quỷ, hắn cũng muốn vào trong đó. Tối hôm ấy, trong lúc gã đang đẩy cửa trước để vào, thì lúc bấy giờ, kẻ vào trước cho là quỷ nên liền đè cửa lại. Kẻ đến sau không mở cửa được nên càng tin chắc là quỷ. Thế là hai người này cứ giằng co mãi cho đến khi trời sáng, rồi mới thấy đối phương chẳng phải là quỷ.
Hết thảy người đời thì cũng như thế. Do nhân duyên hội đủ nên mới tạm được thân này, nhưng thật ra nó chẳng phải là ông chủ. Hãy phân tích tỉ mỉ, cái ngã này là ai? Tuy nhiên, do các chúng sanh suy tính đúng sai nên mới khởi sanh tranh tụng. Đây cũng như hai kẻ kia vậy–không chút sai khác.
Thuở xưa có một người đàn bà hoang dâm vô độ. Chẳng những lòng dâm dục hẫy hừng mà còn rất căm ghét chồng mình. Mỗi ngày, người đàn bà này đều nghĩ mọi mưu kế để giết chồng, song thảy đều thất bại. Đúng lúc người chồng được sai đến nước láng giềng để làm sứ giả, người đàn bà này âm thầm mưu tính và làm những viên thuốc độc để hòng giết hại chồng.
Bà nói lời phỉnh gạt với chồng rằng:
“Nay anh phải đi xa, em lo anh sẽ bị thiếu thốn. Hôm nay em đã làm xong 500 viên thuốc bổ dưỡng. Anh hãy mang theo để làm tư lương. Nếu trong lúc anh trên đường đến nơi tha phương mà cảm thấy đói bụng, thì anh nhớ lấy ăn nhé.”
Người chồng nghe lời và mang theo. Mặc dù đã đi qua biên giới nhưng người chồng vẫn chưa ăn viên nào. Lúc ấy là vào giữa đêm tối ở trong rừng, anh ta sợ có thú dữ nên đã leo lên cây và nghỉ đêm ở trên đó, nhưng lại bỏ quên bao thuốc bổ dưỡng ở dưới gốc cây. Ngẫu nhiên cũng ở đêm đó, có 500 tên cướp đã trộm 500 con ngựa cùng vật báu từ quốc vương của nước kia, rồi cũng dừng nghỉ ngay ở dưới gốc cây này. Do bọn cướp bỏ chạy gấp rút nên ai nấy đều đói khát và kiệt sức. Khi thấy ở dưới gốc cây có bao thuốc bổ dưỡng, bọn giặc cướp chia mỗi đứa một viên và lấy ăn. Do độc tánh của thuốc cực mạnh nên chẳng mấy chốc, 500 tên giặc đều thiệt mạng.
Lúc trời sáng, khi người leo ngủ trên cây thấy bọn giặc đã chết ở dưới cây, anh ta dùng xảo kế, bằng cách lấy đao chém và lấy tên đâm vào tử thi. Sau đó, anh ta chất tài bảo lên lưng ngựa và dẫn chúng đi về hướng của nước kia.
Trong khi ấy, quốc vương của nước kia dẫn theo rất nhiều binh lính và lần theo manh mối để truy bắt bọn cướp.
Khi gặp người ấy ở giữa đường, nhà vua hỏi rằng:
“Ngươi là ai? Ngươi từ đâu mà có bầy ngựa này?”
Người kia tâu rằng:
“Muôn tâu đại vương! Thần là người ở nước ấy. Trên đường đi, thần gặp bọn giặc cướp này và đã cùng quyết chiến với chúng. Hiện giờ, 500 tên giặc đó đều đã bị thần giết chết ở dưới gốc cây kia. Do bởi vậy, thần mới có được bầy ngựa và số trân bảo này để mang trả về cho quý quốc. Nếu đại vương không tin thì có thể sai người đến tra xét chỗ mà thần đã giết bọn giặc cướp này.”
Nhà vua liền sai người thân tín để đến tra xét và họ đã tìm thấy những việc đúng như lời của người đó kể. Khi ấy, nhà vua rất vui mừng và ngợi khen là việc chưa từng có.
Sau khi trở về nước kia, người ấy được vua ban chức tước trọng hậu, cho nhiều trân bảo, và được phong mấy làng ấp để cai quản.
Tuy nhiên, những cựu thần đều sanh lòng ganh ghét và tâu với vua rằng:
“[Tâu đại vương!] Đó là người từ phương xa và không thể tin cậy. Tại sao đại vương lại vội sủng mến, thậm chí phong tước trọng thưởng còn cao quý hơn các vị cựu thần nữa?”
Khi nghe những lời tâu đó, người từ phương xa nói rằng:
“Nếu ai có can đảm dám cùng với tôi so tài, thì xin hãy bước ra chỗ đất bằng phẳng. Tôi muốn được thọ giáo tài nghệ của quý vị.”
Khi ấy những cựu thần đều hoảng hốt và chẳng một ai dám khiêu chiến cả.
Về sau ở một nơi hoang dã của nước đó, có một con sư tử hung dữ giết hại người qua lại và nó đã cắt đứt tuyến đường đến vương cung.
Bấy giờ những cựu thần kia cùng thảo luận về việc này và họ nói rằng:
“Người từ phương xa kia tự cho là anh dũng và thách không ai có thể địch nổi. Nay nếu hắn có thể giết con sư tử đó để trừ hại cho quốc gia, thì mới công nhận là người kỳ đặc.”
Khi đã bàn tính như vậy rồi, họ trình tâu lên vua. Sau khi nghe tâu xong, nhà vua ban dao gậy cho người từ phương xa và ra lệnh phải thi hành ngay.
Khi nhận được sắc lệnh, ý chí của người từ phương xa càng vững vàng. Thế là anh ta tiến về hướng của con sư tử đang ở. Đương lúc con sư tử thấy anh ta, nó gầm hống dữ dội và phóng nhảy về phía trước. Bấy giờ người từ phương xa kinh hoàng và liền trèo lên cây. Khi ấy con sư tử há mồm và ngước đầu lên cây. Lúc đó, người kia do quá run sợ nên đã làm rớt thanh đao xuống dưới. Trùng hợp thay, thanh đao lọt ngay vào miệng của con sư tử và khiến nó chết tức khắc.
Lúc bấy giờ người từ phương xa vui mừng hớn hở, rồi quay về bẩm báo và đã làm cho nhà vua càng kính trọng bội phần. Kể từ ấy, toàn dân chúng ở trong nước kia đều kính phục và đồng ngợi khen anh ta.
[Trong câu chuyện này:]
– Những viên thuốc bổ dưỡng của người vợ, được dụ như sự bố thí bất tịnh.
– Vua sai làm sứ giả, được dụ như Thiện Tri Thức.
– Đến được nước khác, được dụ như chư thiên.
– Giết bọn giặc, được dụ như đắc Quả Nhập Lưu, bởi đã đoạn năm dục và các phiền não.
– Gặp quốc vương, được dụ như gặp được hiền thánh.
– Chúng quần thần sanh lòng đố kỵ, được dụ như các ngoại đạo khi thấy có người trí có thể đoạn trừ phiền não và năm dục, nên họ liền sanh lòng phỉ báng mà bảo rằng chẳng có việc đó.
– Người từ phương xa thách thức nhưng các cựu thần chẳng ai dám địch lại, được dụ như ngoại đạo chẳng dám kháng cự.
– Giết con sư tử, được dụ như phá chúng ma và đoạn trừ phiền não; khi chế phục ác ma thì liền được tâm không chấp trước và Đạo Quả phong thưởng.
– Thường hay khiếp sợ, được dụ như có thể lấy yếu chế mạnh.
Lúc ban đầu, mặc dù có người với tâm bất tịnh đi làm bố thí, nhưng do sự bố thí đó mà họ gặp Thiện Tri Thức nên được quả báo thù thắng. Bố thí bất tịnh mà còn được như thế, huống nữa là người với tâm lành mà hoan hỷ bố thí. Cho nên ở nơi phước điền, hãy hết lòng làm bố thí.