Kinh Pháp Cú – Kèm Bản 423 Hình Ảnh Minh Hoạ
Pháp Giới 4 tháng trước

Kinh Pháp Cú – Kèm Bản 423 Hình Ảnh Minh Hoạ

Kinh Pháp Cú là một tập hợp những câu dạy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của Đức Phật Thích Ca trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau. Những câu trong Kinh này do chính Đức Phật khi còn tại thế nói ra trong suốt 45 năm thuyết pháp của Ngài.

Kinh Pháp Cú ♦ Quyển thượng

♦ PHẨM 1: VÔ THƯỜNG

Phẩm Vô Thường có 21 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói lúc tỉnh mà chạy theo dục vọng thì sẽ hôn ám mê loạn. Vinh hoa và tánh mạng đều khó có thể bảo hộ lâu dài. Duy chỉ có Đạo mới là chân thật.

[1]
Tỉnh giác từ ngủ say
Nên hoan hỷ tư duy
Lắng nghe điều Ta nói
Soạn tập lời Phật dạy

[2]
Tất cả hành vô thường
Đều là pháp hưng suy
Có sanh ắt phải tử
Tịch diệt an vui nhất

[3]
Ví như người thợ gốm
Trộn đất nắn làm đồ
Chúng thảy rồi vỡ nát
Mạng sống cũng như vậy

[4]
Như nước sông chảy xiết
Trôi xuôi chẳng ngược dòng
Đời người cũng như thế
Qua rồi không trở lại

[5]
Như người cầm roi trông
Chăn bò cho ăn cỏ
Già chết cũng như thế
Nuôi lớn rồi cướp đi

[6]
Trăm ngàn chẳng được một
Hào quý bất cứ ai
Tích trữ chứa tài sản
Không gì chẳng suy tàn

[7]
Bề bộn suốt ngày đêm
Mạng sống tự giảm dần
Tuổi thọ khi tiêu hết
Như giếng khô cạn nước

[8]
Thường hằng rồi cũng tận
Cao tột rồi cũng đọa
Có hợp ắt có tan
Có sanh ắt có tử

[9]
Chúng sanh cùng tương tranh
Cho đến mất cả mạng
Tùy nghiệp mà đọa thăng
Họa phước tự lãnh thọ

[10]
Già yếu nếm khổ đau
Khi chết thức ra đi
Tham luyến ngục gia đình
Sanh tử chẳng thể đoạn

[11]
Thoáng chốc cái già đến
Hình sắc suy biến tàn
Thiếu thời tâm như ý
Tuổi già nạn bủa vây

[12]
Dù sống đến trăm tuổi
Cũng bị chết bám theo
Già bệnh mãi áp bức
Hoạn nạn đến đời sau

[13]
Một ngày đã trôi qua
Thọ mạng cũng giảm dần
Như cá đang thiếu nước
Thử hỏi có gì vui?

[14]
Lúc già nhan sắc tàn
Bệnh tật hủy hoại ta
Thân thể thối rữa nát
Cái chết là lẽ thường

[15]
Thân này để làm gì?
Nơi luôn tiết đồ dơ
Bệnh hoạn làm khốn khổ
Già suy rồi phải chết

[16]
Tham dục ý buông lung
Sai quấy ngày càng tăng
Không thấy cũng chẳng nghe
Thọ mạng là vô thường

[17]
Chẳng con chẳng cha anh
Có thể cậy nương nhờ
Bị chết làm khổ bức
Không ai có thể hộ

[18]
Ngày đêm lười kiêu mạn
Đã già còn dâm dật
Có tiền không bố thí
Chẳng vâng lời Phật dạy
Bị bốn việc đó che
Tự mình hại chính mình

[19]
Vào biển trú hư không
Dù vào tận hang núi
Chẳng có một nơi nào
Thoát miễn khỏi phải chết

[20]
Việc này do mình tạo
Nghiệp báo sẽ như thế
Ai siết bởi phiền não
Thẳng tiến già chết sầu

[21]
Biết rồi, tự tĩnh lặng
Như thế thấy hết sanh
Bhikṣu [bíc su]! Nhàm phiền não
Ra khỏi chốn sanh tử

♦ PHẨM 2: GIÁO HỌC

Phẩm Giáo Học có 29 bài kệ. Đại ý của phẩm này là chỉ dạy phương cách tu hành; hãy cởi bỏ hôn ám và ngu muội của mình thì sẽ thấy được ánh sáng của Đạo.

[1]
Dậy đi! Sao ngủ mãi?
Như ong, ốc, trai, mọt
Ẩn náu nơi bất tịnh
Mê lầm cho tốt thay

[2]
Đã bị trọng thương nặng
Lòng nhói như bệnh đau
Gặp phải lắm ách nạn
Sao còn lo ham ngủ?

[3]
Tư duy chẳng buông lung
Nhân từ học thánh Đạo
Từ đó không ưu sầu
Chánh niệm vọng tự trừ

[4]
Chánh kiến học Đạo tăng
Trí tuệ soi thế gian
Phước sanh trăm ngàn đời
Vĩnh không đọa đường ác

[5]
Chớ học theo tà đạo
Mà tin lời tà kiến
Chớ nhiễm thói phóng đãng
Mà khiến dục vọng tăng

[6]
Thiện Pháp khéo tu hành
Học tập chớ vi phạm
Hành Đạo không ưu phiền
Đời đời thường an vui

[7]
Siêng học nhiếp thân tâm
Lời nói luôn thận trọng
Tất đến nơi bất tử
Hành diệt sẽ được an

[8]
Điều sai chớ có học
Việc đúng hãy thực hành
Hiểu rõ Pháp tu trì
Lậu tận đắc tịch diệt

[9]
Thấy Pháp lợi thân tâm
Tất đến nơi an lành
Tinh cần làm lợi ích
Đó là bậc hiền minh

[10]
Ai khởi niệm giác ngộ
Học Đạo thêm kiên cố
Ai chấp diệt buông lung
Tổn giảm mà chẳng tăng

[11]
Chuyên nhất ý kiên cường
Tu học đắc Trung Đạo
Ai hiểu nghĩa lý này
Nên nhớ luôn hành trì

[12]
Trước đoạn tâm tham ái
Kiêu mạn và tà kiến
Diệt sạch mọi kết sử
Đó là thượng Đạo Nhân

[13]
Tu học nếu không có
Bạn tốt Thiện Tri Thức
Giữ thiện tu một mình
Đừng cùng với kẻ ngu

[14]
Tu học siêng trì giới
Cần chi bạn đồng hành?
Một mình chẳng ưu phiền
Như voi giữa rừng hoang

[15]
Trì giới lại đa văn
Cả hai khéo rõ thông
Mới xưng bậc giới văn
Nên học gắng tu hành

[16]
Học Đạo trước giữ giới
Sáu căn sẽ kiên cố
Bố thí chẳng cầu báo
Siêng năng chớ nằm lười

[17]
Dù ai sống trăm năm
Tà kiến tâm bất thiện
Chẳng bằng sống một ngày
Tinh tấn thọ Chánh Pháp

[18]
Dù ai sống trăm năm
Thờ lửa luyện phép thuật
Chẳng bằng trong khoảnh khắc
Trì giới được thắng phước

[19]
Làm được mới hãy nói
Chẳng thể chớ nói suông
Giả dối không thành tín
Bậc trí sớm vứt trừ

[20]
Học Đạo cầu tín giải
Quán sát lẽ đúng sai
Biết Pháp hãy dạy người
Đuốc tuệ chẳng còn mê

[21]
Bện tóc học đạo tà
Áo cỏ nội tâm tham
Mờ mịt chẳng hiểu rõ
Như điếc nghe nhạc âm

[22]
Có tu mới xả ác
Dùng thuốc trừ ba độc
Trượng phu vượt sanh tử
Như rắn lột thay da

[23]
Tu học mà đa văn
Trì giới không sai phạm
Hiện đời cùng vị lai
Tiếng thơm sở nguyện thành

[24]
Tu học kém hiểu biết
Trì giới không trọn vẹn
Hiện đời cùng vị lai
Thọ khổ bổn nguyện tan

[25]
Học Đạo có hai điều
Luôn gần bậc đa văn
Chân Đế giải nghĩa thâm
Tuy nhọc chẳng đọa tà

[26]
Cỏ dại hại đồng lúa
Nhiều dục hại tu học
Nhổ cỏ trừ tà ác
Thu hoạch tất được nhiều

[27]
Nghĩ kỹ rồi hãy nói
Ngôn từ chớ hung bạo
Y Pháp giảng nghĩa lý
Lời lẽ chớ phạm sai

[28]
Khéo học chớ vi phạm
Sợ ác rõ cấm kỵ
Ai biết thấy tường tận
Hoạn nạn, sau chẳng còn

[29]
Lìa xa tội cùng phước
Việc làm sẽ tịnh hạnh
Luôn mãi tự nhiếp phục
Ấy là bậc khéo tu

♦ PHẨM 3: ĐA VĂN

Phẩm Đa Văn có 19 bài kệ. Đại ý của phẩm này cũng khuyên tu học nghe Pháp. Vun bồi học rộng, trở thành bậc thánh, và tự đạt đến chánh giác.

[1]
Đa văn vững tu hành
Trì Pháp làm bức tường
Tinh tấn hủy khó leo
Từ đó giới tuệ thành

[2]
Đa văn khai sáng tâm
Tâm sáng trí tuệ tăng
Trí tăng rộng giải nghĩa
Thấy nghĩa hành Pháp an

[3]
Đa văn khéo trừ lo
Khéo nhập thiền định an
Khéo giảng Pháp cam lộ
Tự đắc Đạo tịch diệt

[4]
Nghe Pháp biết Kinh giới
Trừ nghi thấy chân lý
Do nghe lìa pháp ác
Đi đến nơi bất tử

[5]
Minh sư khéo hiện Đạo
Trừ nghi tu học thông
Thanh tịnh gốc phiền não
Pháp tạng khéo phụng trì

[6]
Khéo nhiếp giảng nghĩa thâm
Hiểu rõ chẳng sai phạm
Thọ Pháp nương theo Pháp
Từ đó mau được an

[7]
Nếu chỉ hiểu chút ít
Tự đại kiêu mạn khinh
Đó như mù cầm đuốc
Soi người chẳng soi mình

[8]
Cầu tài ham tước vị
Quyền quý hưởng phước trời
Tuệ biện xuất thế gian
Đa văn là đệ nhất

[9]
Vua trọng bậc hiền minh
Chư thiên cũng như thế
Đa văn là bảo tạng
Lực mạnh giàu sang nhất

[10]
Bậc trí kính đa văn
Đạo Nhân cũng hoan hỷ
Vua chúa hết lòng mến
Thiên đế, Phạm, cũng thế

[11]
Tiên nhân trọng đa văn
Hà huống đại phú gia
Bởi tuệ là quý nhất
Đáng kính không gì hơn

[12]
Thờ trời vì ánh sáng
Hiếu cha vì ân đức
Trung vua vì bảo hộ
Kính hiền vì đa văn

[13]
Mạnh khỏe nhờ lương y
Muốn thắng nhờ hào kiệt
Phật Pháp ở trí tuệ
Phước tu sáng muôn đời

[14]
Bạn lành ở công việc
Chân tình lúc hiểm nguy
Hạnh phúc nơi căn buồng
Biết trí qua ngôn lời

[15]
Đa văn lợi hiện đời
Vợ con anh em bạn
Cũng được phước đời sau
Tích lũy thành thánh trí

[16]
Muốn khéo diệt âu lo
Cũng trừ việc hung suy
Muốn được an ổn lành
Hãy kính bậc đa văn

[17]
Trọng thương chẳng bằng ưu
Trúng tên chẳng bằng ngu
Dù mạnh chẳng thể nhổ
Đa văn mới tận trừ

[18]
Như mù có được mắt
Như ngu có được đuốc
Học rộng dẫn người đời
Như sáng dẫn kẻ mù

[19]
Cho nên ai trừ si
Ly dục diệt kiêu mạn
Học tập kính đa văn
Đó là tích lũy đức

♦ PHẨM 4: CHÁNH TÍN

Phẩm Chánh Tín có 18 bài kệ. Đại ý của phẩm này nói về tín tâm là căn bổn của việc học Phật tu Đạo. Nếu có được chánh kiến thì sự tu hành sẽ không thoái chuyển.

[1]
Tín giới tàm quý tài
Là Pháp thánh hiền khen
Đạo này bậc trí giảng
Giúp người sanh lên trời

[2]
Kẻ ngu chẳng tu thiện
Bố thí cũng chẳng khen
Tín thí trợ người hiền
Từ đó đến chốn lành

[3]
Tín tâm trưởng dưỡng Đạo
Niệm Pháp trụ an lạc
Ai gần đắc thượng trí
Trường thọ giữa thánh hiền

[4]
Tin sâu mới đắc Đạo
Như Pháp được diệt độ
Từ đó trí tuệ thành
Nơi đến quang minh chiếu

[5]
Vững tin vượt bể sâu
Nhiếp ý làm thuyền trưởng
Tinh tấn trừ khổ ách
Trí tuệ qua bờ kia

[6]
Ai tín niệm phụng hành
Thánh hiền sẽ ngợi khen
Ai vui thích vô vi
Cởi bỏ mọi buộc ràng

[7]
Tín tâm và giới Pháp
Tuệ ý khéo tu hành
Trượng phu đoạn phiền não
Nhân đó thoát luân hồi

[8]
Tín khiến giới thành tựu
Cũng được thọ và tuệ
Nơi nơi khéo hành Đạo
Chốn chốn người cúng dường

[9]
So sánh lợi xuất thế
Tín tuệ là trí mẫu
Tài này cao quý thượng
Gia sản vốn chẳng thường

[10]
Muốn thấy chư thánh hiền
Thích nghe giáo Pháp mầu
Khéo xả tâm cấu trược
Đó mới là tin sâu

[11]
Có tín mới vượt sông
Phước ấy khó xâm đoạt
Giặc cướp khéo ngăn trừ
Nhàn tĩnh Đạo Nhân lạc

[12]
Bất tín chẳng tu hành
Lời thật ưa bác bỏ
Như vụng về múc nước
Khuấy suối nổi bùn dơ

[13]
Bậc trí tu tín tuệ
Khát ngưỡng Đạo thanh cao
Như khéo múc nước suối
Nhẹ nhàng chẳng khuấy tung

[14]
Tín tuệ không nhiễm ác
Chỉ gần bậc hiền minh
Điều hay nên học hỏi
Việc xấu phải lánh xa

[15]
Lòng tin như ngồi xe
Chở ta đến nơi đích
Giống như huấn luyện voi
Tự điều là tối thắng

[16]
Tín tài và giới tài
Tàm tài cộng quý tài
Cùng với văn, thí, tuệ
Gọi là Bảy Pháp Tài

[17]
Do tín mà giữ giới
Thanh tịnh thường quán Pháp
Tu tuệ lợi mình người
Phụng kính chẳng lãng quên

[18]
Ai có Bảy Pháp Tài
Chẳng kể nam hay nữ
Mãi mãi không nghèo túng
Bởi họ thấy chân lý

♦ PHẨM 5: TRÌ GIỚI

Phẩm Trì Giới có 16 bài kệ. Đại ý của phẩm này là sách tấn tu trì thiện Pháp, ngăn chặn tà kiến và phi pháp, để về sau khỏi phải hối tiếc.

[1]
Tâm ai thường trong sáng
Phụng trì giới đầy đủ
Thanh tịnh tu việc lành
Đó là giới thành tựu

[2]
Bậc trí khéo hộ giới
Sẽ được ba phước báo
Lợi lành tiếng thơm vang
Mạng chung sanh lên trời

[3]
Nên thấy người trì giới
Hộ giới trí tuệ sanh
Thành tựu chánh tri kiến
Họ được an vui lành

[4]
Trì giới được an lạc
Khiến thân chẳng não phiền
Đêm nằm điềm tĩnh yên
Thức dậy thường an vui

[5]
Giữ giới hành bố thí
Tu phước tích phước điền
Từ đó qua bờ kia
Thường đến nơi an vui

[6]
Điều gì là cực thiện?
Tu gì được an lạc?
Thứ gì trân quý nhất?
Cái gì chẳng thể đoạt?

[7]
Giới hạnh là cực thiện
Trì giới được an lạc
Trí tuệ trân quý nhất
Phước đức chẳng thể đoạt

[8]
Bhikṣu lập giới đức
Thủ hộ nhiếp các căn
Ăn uống biết chừng mực
Ngủ thức ý tương ứng

[9]
Dùng giới hàng phục tâm
Thủ hộ chánh định ý
Nhất tâm tu Chỉ Quán
Không quên là chánh trí

[10]
Hiền minh thủ hộ giới
Chánh trí tâm tư duy
Hành Đạo luôn tương ứng
Khổ ách tự trừ sạch

[11]
Trừ sạch các tội cấu
Nhổ tận chớ sanh nghi
Trọn đời cầu giới Pháp
Thánh niệm chớ lìa xa

[12]
Giới định tuệ giải thoát
Phải nên khéo quán sát
Trần cấu đều đã lìa
Diệt trừ họa ba cõi

[13]
Giải thoát mọi ràng buộc
Si mê diệt trừ sạch
Vượt khỏi các cảnh ma
Chiếu sáng như mặt trời

[14]
Ngã mạn với cuồng mê
Bhikṣu phải xa lánh
Tu hành giới định tuệ
Tinh cần chớ lìa xa

[15]
Trì giới ý thanh tịnh
Nhiếp tâm chẳng buông lung
Chánh trí đã mở thông
Chẳng gặp tà kiến vây

[16]
Đi đến nơi cát tường
Chứng thành Đạo vô thượng
Cũng lìa pháp ác tà
Ly chướng trừ chúng ma

♦ PHẨM 6: TƯ DUY

Phẩm Tư Duy có 12 bài kệ. Đại ý của phẩm này là dạy chúng ta hãy cẩn thận gìn giữ niệm khởi vi tế của tâm và quán sát hơi thở ra vào, tất sẽ ngộ trọng yếu của Đạo.

[1]
Quán hơi thở ra vào
Chú tâm tư duy kỹ
Thông suốt đầu đến cuối
Quán sát như Phật dạy

[2]
Đó là chiếu thế gian
Như mây tan trăng hiện
Đi đứng học tư duy
Nằm ngồi đừng quên lãng

[3]
Bhikṣu lập niệm này
Hiện đời và hậu thế
Thắng lợi mãi chẳng cùng
Vĩnh không đọa sanh tử

[4]
Nếu thấy thân an trụ
Sáu căn gìn giữ hộ
Bhikṣu luôn nhất tâm
Tự biết chứng tịch diệt

[5]
Đã có các niệm này
Tự mình luôn hành trì
Như vậy mà chẳng thể
Vĩnh không chế phục tâm

[6]
Ai tu Pháp căn bổn
Như thế vượt trần lao
Ý niệm mà khéo ngộ
Đắc định tâm an vui
Tùy thời tu các Pháp
Mới thoát sanh già chết

[7]
Bhikṣu ngộ ý niệm
Phải khiến niệm tương ứng
Sanh tử phiền não đoạn
Chứng đắc Đạo tịch diệt

[8]
Thường nên nghe diệu Pháp
Tự ngộ tâm ý mình
Ai giác làm thánh hiền
Sợ hãi vĩnh chẳng còn

[9]
Giác ngộ tâm tương ứng
Ngày đêm siêng tu học
Liễu giải Pháp cam lộ
Nhất định được vô lậu

[10]
Nếu ai được lợi lành
Tất đến Quy Y Phật
Cho nên ngày lẫn đêm
Thường niệm Phật Pháp Tăng

[11]
Tự ngộ tâm ý mình
Đó là đệ tử Phật
Ngày đêm hãy luôn niệm
Công đức Phật Pháp Tăng

[12]
Niệm thân niệm vô thường
Niệm giới bố thí đức
Vô nguyện, không, vô tướng
Ngày đêm hãy nhớ niệm

♦ PHẨM 7: TỪ BI

Phẩm Từ Bi có 18 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói về nơi tu hành của thánh nhân; bậc đại nhân luôn dùng đức hạnh để rộng độ vô lượng chúng sanh.

[1]
Lòng từ không giết hại
Thân nghiệp luôn khéo nhiếp
Đó là chốn bất tử
Nơi đến chẳng hoạn nạn

[2]
Lòng từ không giết hại
Gìn giữ ngữ ý nghiệp
Đó là chốn bất tử
Nơi đến chẳng hoạn nạn

[3]
Não loạn đã điều phục
Thủ hộ tâm từ bi
Thấy sân vẫn nhẫn chịu
Đó là tu tịnh hạnh

[4]
Từ tốn tâm chí thành
Không thốt lời ác ôn
Với người chẳng sân hận
Đó là tu tịnh hạnh

[5]
An tĩnh chắp tay kính
Chẳng hại các chúng sanh
Chẳng gây phiền não sầu
Đó là tu tịnh hạnh

[6]
Từ mẫn luôn thương xót
Thanh tịnh như Phật dạy
Biết đủ biết dừng lại
Tất vượt thoát sanh tử

[7]
Học rộng ít tham muốn
Lợi danh chẳng mê mang
Nhân nghĩa không xâm phạm
Thế gian ngợi tán dương

[8]
Hiền nhân không tổn phạm
Chẳng theo phù du ảo
Người đời tranh đua giành
Trí tuệ tâm an nhiên

[9]
Hiền lương lòng bác ái
Xót thương các chúng sanh
Tâm từ luôn rải khắp
Nơi đến sẽ an lành

[10]
Hiền nhân không tà ngụy
An trụ chẳng ưu phiền
Chư thiên theo hộ vệ
Bậc trí quý từ bi

[11]
Ngày đêm sanh niệm từ
Dứt tuyệt tâm tranh đấu
Chẳng hại các chúng sanh
Tức không gặp oán cừu

[12]
Giết hại thiếu tâm từ
Phạm giới lại nói dối
Lầm lỗi không bố thí
Chẳng màng sanh già chết

[13]
Uống rượu mất lý trí
Hành vi càng xằng bậy
Chết đọa ba đường ác
Xảo ngụy không chân thành

[14]
Bước theo hạnh từ bi
Bác ái cứu chúng sanh
Có được mười một lợi
Phước đức luôn tùy thân

[15]
Ngủ yên tỉnh giấc an
Chẳng thấy cơn ác mộng
Trời hộ người kính mến
Thuốc độc chiến tranh, không
Chẳng gặp nạn nước lửa
Nơi ở được phước lợi
Chết sanh cõi Phạm Thiên
Đây là mười một lợi

[16]
Nếu dùng tâm từ bi
Vô lượng chẳng quên lãng
Sanh tử dần dần đoạn
Được lợi siêu thế gian

[17]
Nhân từ không loạn chí
Hạnh bi rất khó hành
Thương xót các chúng sanh
Phước đó là vô lượng

[18]
Dù ai trọn suốt đời
Phụng thờ khắp thần linh
Voi ngựa mang tế trời
Chẳng bằng hành từ bi

♦ PHẨM 8: LỜI NÓI

Phẩm Lời Nói có 12 bài kệ. Đại ý của phẩm này là dạy chúng ta hãy cẩn thận lời nói trong việc nói năng, đàm luận, và phải nên sử dụng phù hợp với Đạo lý.

[1]
Mắng chửi nói lời ác
Kiêu ngạo khinh miệt người
Dấy khởi việc ác này
Oán hận càng sanh thêm

[2]
Thuận ngôn lời khiêm tốn
Tôn trọng kính mến người
Nhẫn ác trừ phiền não
Oán hận tự diệt tan

[3]
Lòng ác ai luôn giữ
Như rìu ở trong miệng
Cho nên tự trảm thân
Do bởi nói lời ác

[4]
Tranh giành đoạt chút lợi
Như mất tài bảo giấu
Từ đó sanh tranh đấu
Khiến tâm hướng đường ác

[5]
Khen ác ca việc xấu
Cả hai đều xấu ác
Miệng lưỡi ưa tranh đấu
Về sau tất chẳng an

[6]
Vô đạo đọa đường ác
Tự tăng địa ngục khổ
Lìa si tu nhẫn ý
Chánh niệm tức không phạm

[7]
Làm lành được giải thoát
Làm ác bị trói buộc
Hiểu suốt làm thánh hiền
Đó là thoát não phiền

[8]
Bhikṣu thu nhiếp ý
Lời nói không vội vã
Nghĩa lý hợp như Pháp
Lời ấy ngọt dịu êm

[9]
Lời nói ai khéo dùng
Họ tất không chiêu hoạn
Cũng chẳng xung khắc người
Đây là lời thiện xảo

[10]
Lời nói hợp với ý
Cũng làm người hoan hỷ
Đừng khiến tâm hướng ác
Lời nói người tin vui

[11]
Chí thành giảng cam lộ
Như Pháp chẳng lỗi lầm
Lời nói hợp Pháp nghĩa
Là gần gốc của Đạo

[12]
Ai giảng như Phật dạy
Cát tường được diệt độ
Tất khéo đoạn phiền não
Đó là lời tối thượng

♦ PHẨM 9: SONG YẾU

Phẩm Song Yếu có 22 bài kệ. Đại ý của phẩm này là dùng thiện ác đối nhau để sáng tỏ nghĩa lý.

[1]
Tâm là gốc các pháp
Tâm chỉ đạo làm chủ
Nếu trong tâm nghĩ ác
Thì liền nói liền làm
Tội khổ tự truy đuổi
Như bánh xe theo vết

[2]
Tâm là gốc các pháp
Tâm chỉ đạo làm chủ
Nếu trong tâm nghĩ thiện
Thì liền nói liền làm
Phước lạc tự truy đuổi
Như bóng hiện theo hình

[3]
Loạn ý theo tâm khởi
Ngu si dẫn vào tối
Tự đại không biết Pháp
Làm sao hiểu lời hay?

[4]
Chánh ý theo tâm khởi
Thông suốt hiểu minh bạch
Chẳng bị ganh ghét tham
Liễu đạt rõ lời hay

[5]
Oán hận ai ôm giữ
Oán mãi chưa từng nghỉ
Không hận hận tự trừ
Là Đạo đáng phụng hành

[6]
Kỳ vọng ở nơi người
Chẳng bằng tự xét mình
Như ai biết lẽ này
Hoạn nạn vĩnh diệt trừ

[7]
Tà kiến cho thân tịnh
Các căn chẳng nhiếp phục
Ăn uống không chừng mực
Biếng nhác lại khiếp nhược
Khống chế bởi tà ác
Như cỏ ngã theo gió

[8]
Hãy quán thân bất tịnh
Các căn khéo nhiếp phục
Ăn uống biết chừng mực
Tinh tấn luôn vui thích
Không bị tà ác động
Như gió thổi thái sơn

[9]
Tánh độc không nhổ trừ
Tham muốn lòng rong ruổi
Chưa thể tự điều phục
Không xứng mặc Pháp y

[10]
Tánh độc khéo nhổ trừ
Giữ giới ý an nhiên
Tâm đó đã điều phục
Xứng đáng mặc Pháp y

[11]
Lấy thật cho là giả
Lấy giả cho là thật
Đó là tâm tà kiến
Không được lợi ích lành

[12]
Chân thật biết là thật
Hư ngụy biết là giả
Đó là tâm chánh kiến
Tất được lợi ích lành

[13]
Mái nhà nếu chẳng kín
Trời mưa sẽ luôn rỉ
Ý ai không tư duy
Mãi có tham sân si

[14]
Mái nhà nếu lợp kín
Trời mưa sẽ chẳng rỉ
Ý ai tự tư duy
Vĩnh không tham sân si

[15]
Kẻ xấu ảnh hưởng người
Như gần vật hôi thối
Mê dần làm việc xấu
Bất giác trở thành ác

[16]
Bậc hiền ảnh hưởng người
Như gần làn khói hương
Trí tăng làm việc lành
Hạnh nghiệp tỏa ngát thơm

[17]
Gây ưu đời sau ưu
Tạo ác với sầu muộn
Sợ hãi luôn ưu phiền
Thấy tội lòng ngậm ngùi

[18]
Tạo vui đời sau vui
Làm thiện với hoan hỷ
Hân hoan thường vui vẻ
Thấy phước tâm an nhiên

[19]
Nay khổ đời sau khổ
Làm ác với khổ đau
Tự mình gặp tai ương
Thọ tội phiền não nhiệt

[20]
Nay vui đời sau vui
Làm thiện với hoan hỷ
Tự mình gặp duyên lành
Phước báo thọ an vui

[21]
Tham cầu nói khôn khéo
Phóng đãng không giữ giới
Ôm lòng tham sân si
Chỉ Quán chẳng tư duy
Tụ tập như bầy trâu
Không phải đệ tử Phật

[22]
Vô cầu nói đúng lúc
Hành Đạo hợp như Pháp
Diệt trừ tham sân si
Chánh giác ý liễu giải
Thấy nghịch tâm chẳng động
Đó là đệ tử Phật

♦ PHẨM 10: BUÔNG LUNG

Phẩm Buông Lung có 20 bài kệ. Đại ý của phẩm này là chỉ dạy giới luật để ngăn trừ điều tà ác và lỗi lầm; dùng Đạo khuyến tu hiền đức.

[1]
Giới là Đạo cam lộ
Buông lung là tử lộ
Không tham sẽ bất tử
Mất Đạo sẽ tự diệt

[2]
Người trí hành thắng Đạo
Vĩnh viễn chẳng buông lung
Hoan hỷ do không tham
Pháp lạc từ đây sanh

[3]
Tư duy luôn niệm Đạo
Dũng mãnh tu chánh hạnh
Trượng phu vượt thế gian
Cát tường không gì hơn

[4]
Chánh niệm luôn hưng khởi
Thanh tịnh ác dễ diệt
Y Pháp tự chế phục
Không phạm tiếng thơm vang

[5]
Tinh tấn không buông lung
Chế phục tự điều tâm
Trí tuệ sanh định minh
Hố thẳm chẳng còn rơi

[6]
Kẻ ngu trí kém hiểu
Ưa loạn thích tranh đấu
Thượng trí luôn thận trọng
Chánh niệm hộ như báu

[7]
Chớ tham chớ đua tranh
Cũng đừng ham dục lạc
Tâm ý chẳng buông lung
Mới được an vui lớn

[8]
Buông lung luôn tự cấm
Khéo trừ làm thánh hiền
Đã thăng lầu trí tuệ
Bỏ nguy liền được an
Người trí nhìn kẻ ngu
Như núi so với đất

[9]
Chánh hạnh giữa chốn loạn
Đó là Độc Giác ngộ
Lực này hơn sư tử
Bỏ ác là đại trí

[10]
Say ngủ nặng như núi
Che trùm bởi si mê
Nằm lì chẳng nghĩ cách
Nên luôn thọ bào thai

[11]
Tâm ý không phóng túng
Lậu tận được ý giải
Ma thừa lúc buông lung
Như sư tử vồ nai

[12]
Ai khéo chẳng buông lung
Là người trì giới luật
Thanh tịnh chánh tư duy
Luôn nên tự hộ tâm

[13]
Bhikṣu hãy cẩn thận
Buông lung lắm ưu phiền
Tranh tụng nhỏ thành lớn
Tích ác vào đám lửa

[14]
Giữ giới tăng phước thiện
Phạm giới tâm lo âu
Khéo đoạn lậu ba cõi
Đó mới gần tịch diệt

[15]
Ai trước từng buông lung
Sau khéo tự cấm chế
Là chiếu sáng thế gian
Họ nên nhớ tu định

[16]
Thuở xưa lỡ làm ác
Bù lại siêng làm lành
Là chiếu sáng thế gian
Họ nên nhớ tu thiện

[17]
Thiếu niên mà xuất gia
Siêng tu lời Phật dạy
Là chiếu sáng thế gian
Như trăng lìa mây che

[18]
Ai trước lỡ làm ác
Sau ngừng không tái phạm
Là chiếu sáng thế gian
Như trăng lìa mây che

[19]
Hiện đời không não hại
Lúc chết chẳng âu lo
Kia thấy Đạo vô úy
Lìa khổ được an vui

[20]
Đoạn trừ pháp ô trược
Chỉ học Pháp thanh tịnh
Sanh tử không quay lại
Xả ái dừng việc ác
Dục lạc chẳng còn nhiễm
Diệt dục không ưu sầu

♦ PHẨM 11: TÂM Ý

Phẩm Tâm Ý có 12 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói về tâm ý thức; tuy không có hình tướng nhưng sự tạo tác của chúng là vô cùng vô tận.

[1]
Rong ruổi ý sai sử
Khó phòng khó cấm chế
Chánh trí hàng bổn tâm
Tuệ minh chiếu hiển hách

[2]
Vụt nhanh khó hộ trì
Là nơi dục niệm trú
Nhiếp ý là việc lành
Điều phục liền khinh an

[3]
Ý niệm rất khó thấy
Theo dục mà rong ruổi
Trí tuệ luôn tự hộ
Khéo giữ liền được an

[4]
Đơn độc đi cùng khắp
Ẩn tàng vô hình tướng
Nhiếp ý gần với Đạo
Giải thoát khỏi ma chướng

[5]
Vọng tâm chẳng dừng nghỉ
Cũng chẳng biết Pháp lành
Trầm mê việc thế gian
Không có chánh tri kiến

[6]
Vọng niệm chẳng dừng nghỉ
Vô biên bất đoạn tuyệt
Phước lực khéo trừ ác
Giác ngộ làm thánh hiền

[7]
Phật nói tất cả pháp
Tuy diệu nhưng phi chân
Vọng niệm nên cảnh giác
Chớ theo tâm buông lung

[8]
Thấy Pháp an lạc nhất
Sở nguyện tất viên thành
Trí tuệ phòng hộ ý
Đoạn trừ khổ nhân duyên

[9]
Thân này chẳng bao lâu
Trở về với cát bụi
Thân hoại thức ra đi
Sao còn tham luyến nhớ?

[10]
Tâm hướng nơi tạo tác
Đến đi không dấu vết
Nếu lòng nhiều tà ác
Tai họa tự chuốc lấy

[11]
Niệm này do mình tạo
Chẳng phải cha mẹ làm
Trừ tà tu chánh định
Tu phước chớ thoái lui

[12]
Nhiếp sáu căn như rùa
Phòng hộ ý như thành
Kiếm tuệ chiến đấu ma
Thắng lợi không hoạn nạn

♦ PHẨM 12: HƯƠNG HOA

Phẩm Hương Hoa có 17 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói học tập Phật Pháp cần phải sáng suốt và thực tiễn tu hành. Nhân có hoa nên mới thấy quả. Hãy chuyển hư ngụy thành chân thật.

[1]
Ai khéo lựa nơi xứ
Lìa đường ác sanh thiên?
Ai khéo giảng Pháp nghĩa
Như khéo hái hoa xinh?

[2]
Học nhân khéo lựa nơi
Lìa đường ác sanh thiên
Khéo giảng diệu Pháp nghĩa
Khéo hái hoa công đức

[3]
Quán thân như sành gốm
Huyễn hóa như ảo ảnh
Chặt đứt nụ hoa ma
Không đọa vòng sanh tử

[4]
Thấy thân như bọt nước
Biết đó là huyễn hóa
Chặt đứt nụ hoa ma
Không đọa vòng sanh tử

[5]
Thân bệnh ắt suy nhược
Như hoa rơi héo tàn
Một mai cái chết đến
Ví như nước chảy xiết

[6]
Tham dục không nhàm chán
Tiêu tan mọi chánh niệm
Ý tà ham tài bảo
Chiêu họa dối gạt mình

[7]
Ví như ong hút mật
Không tổn hoa sắc hương
Chỉ lấy vị rồi đi
Như Bhikṣu vào làng

[8]
Chuyện người chớ lưu tâm
Tốt xấu việc của họ
Mà hãy luôn phản tỉnh
Thiện ác của chính mình

[9]
Ví như hoa khả ý
Sắc đẹp mà chẳng thơm
Lời hoa mỹ cũng thế
Không có lợi ích gì

[10]
Ví như hoa khả ý
Sắc đẹp lại ngát thơm
Lời dịu êm cũng thế
Tất được phước lợi lành

[11]
Lấy nhiều hoa xinh đẹp
Kết thành vòng trang sức
Ai rộng tích thiện căn
Đời sau sanh chốn lành

[12]
Kỳ hoa dị thảo hương
Không ngược làn gió thổi
Hiền giả gần Chánh Đạo
Đức hạnh tỏa ngát thơm

[13]
Hương mộc và hương đàn
Cùng hương hoa sen xanh
Tuy ngửi thật ngát thơm
Không bằng giới đức hương

[14]
Hương hoa tỏa nhạt nhòa
Chẳng thể gọi là thật
Huân tu trì giới hương
Thù thắng thơm thấu trời

[15]
Thành tựu đầy đủ giới
Tu hành chẳng buông lung
Định tuệ đoạn sanh tử
Vĩnh viễn lìa tà ma

[16]
Ví như ở mương ruộng
Gần cạnh nơi đại lộ
Trong đó mọc hoa sen
Thơm khiết rất đáng yêu

[17]
Có sanh ắt phải chết
Phàm phu ưa nơi đó
Bậc trí quyết thoát ra
Đó là đệ tử Phật

♦ PHẨM 13: NGU ÁM

Phẩm Ngu Ám có 21 bài kệ. Đại ý của phẩm này là khai mở tối tăm và phơi bày trạng thái của nó, hầu khiến cho những ai u mê thấy được ánh sáng.

[1]
Đêm dài ai mất ngủ
Đường dài ai mệt mỏi
Ngu mê luân hồi mãi
Chẳng biết Phật Chánh Pháp

[2]
Si mê luôn hôn ám
Cuốn trôi như dòng nước
Thà rằng đi một mình
Chớ cùng với kẻ ngu

[3]
Kẻ ngu chấp vận mạng
Lo lắng mãi không thôi
Sống chung kẻ dốt, khổ
Với ta sanh oán thù

[4]
Có tiền có con cái
Kẻ ngu mãi lo toan
Cả ta chẳng phải ta
Huống nữa tiền và con?

[5]
Mùa hè sống ở đây
Mùa đông sống ở đây
Kẻ ngu lo lắm việc
Chẳng biết tương lai biến

[6]
Dù ngu đần cực điểm
Tự nhận biết sẽ khôn
Ngu mà cho mình giỏi
Đó mới là cực ngu

[7]
Ngu ám gần bậc trí
Ví như vá múc canh
Cho dù múc luôn khi
Vẫn không biết vị gì

[8]
Thông minh gần bậc trí
Ví như lưỡi nếm vị
Dù chỉ một thoáng thôi
Pháp yếu liền rõ thông

[9]
Hành động của kẻ ngu
Khiến thân chiêu hoạn nạn
Ưa khoái làm việc ác
Tai ương tự chuốc lấy

[10]
Hành vi mà bất thiện
Về sau lòng hối hận
Nước mắt chảy đầm đìa
Báo ứng nghiệp ác xưa

[11]
Hành vi mà lương thiện
Về sau lòng hoan hỷ
Vị lai hưởng phước báo
Mỉm cười tâm vui sướng

[12]
Nghiệp tội chưa chín mùi
Kẻ ngu cho bình yên
Tới khi báo ứng đến
Tự chịu tội khổ đau

[13]
Kẻ ngu chốn ước mong
Không nhận đó là khổ
Mãi khi đọa hiểm nguy
Mới biết nó chẳng lành

[14]
Kẻ ngu lúc làm ác
Không thể tự hiểu thấu
Ương họa đuổi theo đốt
Nghiệp tội cháy phừng phừng

[15]
Kẻ ngu ham ăn ngon
Năm tháng càng tham đắm
Niệm Pháp mười sáu phần
Một phần cũng chưa có

[16]
Kẻ ngu mãi lo toan
Đến cuối không chút lợi
Dao gậy tự chiêu cảm
Báo ứng như ấn chương

[17]
Biết ngu xem hành vi
Không thí mà lắm cầu
Sa đọa đường tà ác
Luôn làm điều ác xấu

[18]
Xa Đạo gần kẻ tham
Mưu sanh tại lợi danh
Gia đình do luyến tham
Lấy nhiều vật cúng dâng

[19]
Học Đạo đừng mắc phải
Chớ làm Đạo Nhân nhà
Tham nhà phạm Thánh giáo
Về sau tự thiếu hao

[20]
Việc đó đồng kẻ ngu
Chỉ khiến dục vọng tăng
Cầu lợi trái sở nguyện
Cầu Đạo cũng chẳng thành

[21]
Bởi vậy ai có trí
Xuất gia Phật đệ tử
Bỏ ái lìa trần lụy
Mãi không đọa sanh tử

♦ PHẨM 14: MINH TRIẾT

Phẩm Minh Triết có 16 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói những ai tu hành trí tuệ chân thật thì phải tu phước báo và tinh tấn học tập Chánh Đạo. Hãy dùng Phật Pháp làm gương sáng.

[1]
Quán sát rõ thiện ác
Lòng biết sợ điều ác
Sợ ác chẳng vi phạm
Cát tường mãi không sầu
Nên ai muốn có phước
Tư duy siêng hành trì
Khéo đạt như ý nguyện
Phước lộc chuyển bội tăng

[2]
Làm phước tin việc lành
Tích thiện không nhàm mỏi
Tin hiểu tu âm đức
Lâu dần sẽ huy hoàng

[3]
Luôn tránh chuyện vô nghĩa
Không gần kẻ ngu si
Tưởng mến theo bạn hiền
Thân cận bậc thượng sĩ

[4]
Pháp hỷ nằm an vui
Tâm vui ý trong sáng
Thánh nhân diễn nói Pháp
Bậc trí luôn mến hành

[5]
Nhân đức bậc trí tuệ
Trai giới kính phụng Đạo
Như trăng giữa vì sao
Chiếu sáng khắp thế gian

[6]
Thợ cung chỉnh góc độ
Thuyền phu chèo lái thuyền
Thợ mộc gọt đẽo gỗ
Bậc trí khéo điều thân

[7]
Ví như khối đá nặng
Cuồng phong không thể dời
Bậc trí ý kiên định
Chê khen chẳng động dao

[8]
Ví như vực nước sâu
Tĩnh lặng lại trong veo
Người trí nghe Đạo mầu
Tâm tịnh ý an nhiên

[9]
Trượng phu tâm vô cầu
Nơi ở tuệ sáng soi
Dù gặp vui hay khổ
Thái độ chẳng tự cao

[10]
Thánh hiền xa việc đời
Chẳng mong tiền và con
Giữ giới luôn tu Đạo
Không tham tà phú quý

[11]
Người trí biết niệm động
Như cây giữa bãi cát
Bằng hữu chí chưa vững
Theo ý nhiễm bụi trần

[12]
Thế gian đều chìm đắm
Ít ai qua bờ kia
Giả sử dù có người
Muốn qua nhưng chạy nhanh

[13]
Cầu Đạo ai chí thành
Tiếp thọ Phật chánh giáo
Người ấy gần bờ kia
Thoát tử làm thượng nhân

[14]
Đoạn trừ pháp năm uẩn
Tĩnh lự trí tuệ sanh
Vực thẳm chẳng còn rơi
Xả ái hiện quang minh

[15]
Chế phục lòng tham luyến
Vô vi đoạn dục lạc
Ai khéo tự cứu mình
Khiến tâm sanh tuệ minh

[16]
Tu học giữ chánh trí
Tâm luôn niệm Chánh Đạo
Nhất tâm thọ Chân Đế
Dục lạc chẳng khởi sanh
Lậu tận tập trừ sạch
Đó là vượt thế gian

♦ PHẨM 15: ỨNG CHÂN

Phẩm Ứng Chân có 10 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói tánh linh của bậc giác ngộ thì xa lìa ái dục, tâm không chấp trước, và ý kiên định không biến đổi.

[1]
Lìa xa mọi ưu sầu
Thoát khỏi mọi hoạn nạn
Trói buộc đã cởi ra
Tĩnh lặng chẳng não phiền

[2]
Tâm tịnh có chánh niệm
Dục lạc chẳng còn tham
Đã qua hố si mê
Như nhạn bỏ ao khô

[3]
Ăn uống biết chừng mực
Tài vật không cất giấu
Vô nguyện, không, vô tướng
Tu hành độ chúng sanh
Như chim giữa bầu trời
Bay xa không trở ngại

[4]
Thế gian tập khí tận
Chẳng còn ham ăn uống
Tâm không chẳng hoạn nạn
Đã đến chốn giải thoát
Ví như loài chim bay
Thoáng đậu rồi liền đi

[5]
Căn tánh ai chế ngự
Như ngựa đã thuần phục
Xả bỏ thói kiêu mạn
Tất được trời cung kính

[6]
Như đất không phẫn nộ
Như núi không dao động
Thánh hiền không cấu nhiễm
Đoạn tuyệt thoát sanh tử

[7]
Vọng niệm đã dừng nghỉ
Chánh ngữ lại chánh hạnh
Chánh Đạo khiến giải thoát
An nhiên vào tịch diệt

[8]
Lìa dục không chấp trước
Chặt đứt chướng ba cõi
Vọng niệm đã đoạn tuyệt
Đó là bậc thượng nhân

[9]
Hoang dã hoặc xóm làng
Đất bằng hay đồi cao
Chỗ qua của Ứng Chân
Chẳng ai không nhờ ơn

[10]
Thánh nhân thích vắng vẻ
Phàm phu chẳng thể ở
Lành thay không dục vọng
Không chỗ để cầu mong

♦ PHẨM 16: SỐ NGÀN

Phẩm Số Ngàn có 16 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói rằng, dù học Phật Pháp rất nhiều nhưng lại không lãnh hội được trọng yếu, thì chẳng bằng như học ít mà thông suốt vậy.

[1]
Dù tụng cả ngàn kệ
Chẳng hiểu có ích gì?
Đâu bằng hiểu một câu
Nghe rồi ý tịch nhiên

[2]
Dù tụng cả ngàn kệ
Chẳng hiểu có ích gì?
Đâu bằng chỉ một câu
Nghe rồi liễu thoát khổ

[3]
Dù tụng nhiều Kinh điển
Chẳng hiểu có ích gì?
Thông suốt chỉ một câu
Tu hành sẽ đắc Đạo

[4]
Ngàn ngàn vạn quân địch
Một người thắng tất cả
Chẳng bằng tự hàng tâm
Đó là thắng cao nhất

[5]
Thắng mình làm thánh hiền
Xứng danh bậc nhân hùng
Hộ ý điều thân tâm
Luôn tự diệt niệm tà

[6]
Dù là trời chí tôn
Thần ma, Phạm, thiên đế
Thảy đều chẳng thể hơn
Ai đã tự thắng mình

[7]
Mỗi tháng tới miếu đền
Suốt đời không thôi nghỉ
Đâu bằng trong thoáng chốc
Nhất tâm niệm Chánh Pháp
Một niệm phước của Đạo
Hơn kẻ thờ trọn đời

[8]
Dù trọn cả trăm năm
Phụng thờ miếu thần lửa
Chẳng bằng trong khoảnh khắc
Cúng dường Phật Pháp Tăng
Phước đức một lần tu
Hơn kẻ thờ trăm năm

[9]
Cầu phước cúng tế thần
Hãy xem phước về sau
Bốn phần chưa được một
Đâu bằng lễ hiền nhân

[10]
Ai khéo làm việc lành
Thường kính bậc trưởng lão
Bốn phước tự nhiên tăng
Sắc, lực, thọ, an vui

[11]
Dù ai sống trăm năm
Xa Đạo không trì giới
Chẳng bằng sống một ngày
Giữ giới nhập chánh định

[12]
Dù ai sống trăm năm
Tà ngụy không có trí
Chẳng bằng sống một ngày
Nhất tâm học chánh trí

[13]
Dù ai sống trăm năm
Lười biếng không tinh tấn
Chẳng bằng sống một ngày
Dũng mãnh hành tinh tấn

[14]
Dù ai sống trăm năm
Không biết việc thành bại
Chẳng bằng sống một ngày
Thấy nhân biết được quả

[15]
Dù ai sống trăm năm
Không thấy Đạo cam lộ
Chẳng bằng sống một ngày
Uống được vị cam lộ

[16]
Dù ai sống trăm năm
Không biết nghĩa Đại Đạo
Chẳng bằng sống một ngày
Tu học Phật Pháp yếu

♦ PHẨM 17: TỘI CHƯỚNG

Phẩm Tội Chướng có 22 bài kệ. Đại ý của phẩm này là thương cảm những kẻ làm ác–do nghiệp ác nên phải thọ tội báo. Nếu ai không làm ác, họ sẽ không gặp hoạn nạn.

[1]
Thấy thiện chẳng vâng làm
Tâm ác vội chạy theo
Cầu phước không chân chánh
Lại còn thích tà dâm

[2]
Hễ ai làm việc ác
Tự mình không tỉnh ngộ
Ngu si khoái chí làm
Về sau chịu thống khổ

[3]
Kẻ ác gây bạo ngược
Lâu dần thành thói quen
Những ai ham dục lạc
Tội báo tự nhiên thành

[4]
Người hiền tu phước đức
Tích tụ ngày càng tăng
Trong lòng nguyện làm lành
Phước báo tự nhiên thành

[5]
Yêu nghiệt hưởng phước báo
Bởi ác chưa chín mùi
Đến khi ác chín mùi
Tai vạ tự chuốc lấy

[6]
Hiền lương gặp tai họa
Bởi thiện chưa chín mùi
Đến khi thiện chín mùi
Sẽ thọ phước báo đó

[7]
Đánh người bị người đánh
Oán thù gặp oán thù
Chửi người bị người chửi
Phẫn nộ gặp phẫn nộ

[8]
Người đời không nghe thấy
Chẳng biết Phật Chánh Pháp
Sanh ra thọ mạng ngắn
Sao còn làm việc ác?

[9]
Chớ khinh việc ác nhỏ
Cho rằng không tai họa
Giọt nước tuy cỏn con
Lâu dần cũng đầy thùng
Tội ác đầy rẫy khắp
Từ nhỏ tích tụ thành

[10]
Chớ khinh việc thiện nhỏ
Cho rằng không phước báo
Giọt nước tuy cỏn con
Lâu dần cũng đầy thùng
Phước lành đầy rẫy khắp
Từ nhỏ tích tụ thành

[11]
Việc làm của phàm phu
Bất luận tốt hay xấu
Thảy đều vì bản thân
Quả báo luôn ứng theo

[12]
Những ai giỏi cướp đoạt
Sẽ tự có khả năng
Chiếm lấy của kẻ khác
Nhưng cũng bị người đoạt

[13]
Ác báo không vội đến
Ví như vắt sữa bò
Nghiệp tội tại âm gian
Như lửa dưới tro tàn

[14]
Vui cười làm việc ác
Đã tạo thân chịu lấy
Gào khóc thọ tội báo
Tùy nghiệp tội đến vây

[15]
Làm ác không suy xét
Như bị giặc chặn bắt
Lôi đi mới tỏ ngộ
Tạo ác nên sa đọa
Về sau chịu khổ báo
Của tội trước gây ra

[16]
Như độc ung nhọt sưng
Như thuyền bị xoáy cuốn
Việc ác cứ diễn ra
Đầy rẫy cảnh tan thương

[17]
Làm ác vu khống người
Thanh bạch do chẳng uế
Tai ương tự trở về
Như bụi ném ngược gió

[18]
Lỗi lầm trót tạo xưa
Sám hối nay làm lành
Là đèn soi thế gian
Như trời không mây che

[19]
Việc làm của phàm phu
Về sau sẽ tự thấy
Làm thiện được quả lành
Làm ác gặp tai ương

[20]
Có tình có thai sanh
Kẻ ác đọa địa ngục
Làm thiện sanh lên trời
Vô vi đắc tịch diệt

[21]
Trên trời dưới biển sâu
Ẩn náu núi đá cao
Chẳng có một nơi nào
Thoát khỏi nghiệp ác xưa

[22]
Chúng sanh chịu khổ não
Già chết không thoát miễn
Chỉ có bậc thượng trí
Vô niệm đoạn ác tà

♦ PHẨM 18: DAO GẬY

Phẩm Dao Gậy có 14 bài kệ. Đại ý của phẩm này là dạy người tu tập từ bi và đừng dùng dao gậy để tàn hại chúng sanh.

[1]
Tất cả đều sợ chết
Chẳng ai không sợ đau
Lấy mình làm thí dụ
Chớ đánh chớ giết hại

[2]
Luôn khéo an chúng sanh
Không dùng các độc hại
Hiện đời chẳng gặp họa
Hậu thế mãi bình an

[3]
Chớ nói lời thô ác
Phải sợ báo chiêu cảm
Lời ác mang tai vạ
Dao gậy về thân ta

[4]
Miệng nói lời hòa nhã
Như gõ vào chuông khánh
Bản thân không tranh luận
Độ đời tất dễ dàng

[5]
Đánh đập bậc hiền lương
Gièm pha người vô tội
Ương họa tăng gấp mười
Tai vạ chóng không tha

[6]
Sanh thời chịu đau đớn
Thân thể gãy tổn thương
Tự nhiên gặp não bệnh
Hoảng hốt tâm điên cuồng

[7]
Bị người vu khống oan
Quan liêu làm khốn khổ
Tài sản hao hụt hết
Thân quyến biệt ly tan

[8]
Nhà cửa vật sở hữu
Hỏa hoạn thiêu cháy rụi
Khi chết đọa địa ngục
Đó là mười tai ương

[9]
Lõa hình cắt râu tóc
Thân luôn mặc áo cỏ
Tắm gội ngồi trên đá
Si mê có ích gì?

[10]
Không phạt, phóng hỏa, giết
Cũng không cầu chiến thắng
Nhân ái khắp thiên hạ
Nơi đến chẳng hận thù

[11]
Trên đời nếu có người
Khéo mà biết hổ thẹn
Đó là cầu hướng thượng
Ví như cưỡi ngựa thuần

[12]
Ví như cưỡi ngựa thuần
Thẳng tiến chạy xa xăm
Nếu ai có tín giới
Nhiếp ý tâm tinh tấn
Tu Đạo trí tuệ thành
Liền diệt các khổ não

[13]
Nghiêm trì học Phật Pháp
Đoạn dục tu tịnh hạnh
Chúng sanh không tổn hại
Là Đạo của Đạo Nhân

[14]
Chúng sanh không tổn hại
Trọn đời không hoạn nạn
Luôn từ với tất cả
Còn ai khởi oán thù?

♦ PHẨM 19: GIÀ SUY

Phẩm Già Suy có 14 bài kệ. Đại ý của phẩm này là khuyên dạy mọi người cần phải tinh tấn tu hành và đừng tranh danh đoạt lợi–chớ để khi già mới hối hận thì có ích gì?

[1]
Có gì mà vui sướng?
Thế gian luôn bốc cháy
Xấu ác chốn tối tăm
Chẳng bằng cầu định tuệ

[2]
Hãy quán thân thể này
Chớ cậy cho là an
Vọng tưởng tất sanh bệnh
Phải biết thân chẳng thật

[3]
Lúc già nhan sắc tàn
Bệnh tật không tươi sáng
Da nhăn cơ bắp teo
Cái chết sắp cận kề

[4]
Khi chết thức ra đi
Như người lìa bỏ xe
Thịt rã xương rải rác
Thân này làm sao hộ?

[5]
Thân thể ví như thành
Xương cốt thịt bao phủ
Từ sanh đến già chết
Chỉ chứa kiêu mạn sân

[6]
Lúc già nhan sắc tàn
Tựa như cỗ xe cũ
Pháp lành khéo trừ khổ
Cho nên hãy gắng tu

[7]
Làm người không học hỏi
Lúc già như bò đực
Nó chỉ tăng béo phì
Chẳng có chút phước tuệ

[8]
Sanh tử vô số lần
Đến đi đầy gian khó
Ý cậy tham luyến thân
Sanh tử khổ muôn vàn

[9]
Người trí thấy ách khổ
Cho nên lìa bỏ thân
Diệt ý đoạn các hành
Ái tận chứng vô sanh

[10]
Đã chẳng tu tịnh hạnh
Lại còn không tích của
Lúc già như cò trắng
Ôm giữ cái ao khô

[11]
Đã chẳng giữ giới luật
Lại còn không tích của
Già suy khí lực kiệt
Thử hỏi có ích gì?

[12]
Già như lá mùa thu
Thân tàn làm sao quản?
Bệnh tật bỗng kéo đến
Sau nuối tiếc ích gì?

[13]
Mạng sống ngày đêm giảm
Hãy mau gắng nỗ lực
Thế gian là vô thường
Chớ mê, đọa tối tăm

[14]
Hãy thắp ngọn đèn tâm
Tu học cầu trí tuệ
Lìa cấu chớ nhiễm ô
Cầm đuốc soi đường đi

♦ PHẨM 20: ÁI THÂN

Phẩm Ái Thân có 13 bài kệ. Đại ý của phẩm này là khuyên hãy dùng thân này để tu học Phật Pháp thì sau này sẽ có ích lợi cho bản thân; khi tội diệt phước liền sanh.

[1]
Nếu ai quý thân mình
Thận trọng mà bảo hộ
Như muốn trừ ái dục
Học Pháp chớ ngủ say

[2]
Thân là trân quý nhất
Tự mình luôn gắng học
Thông đạt rồi dạy người
Kiên định trí tuệ sanh

[3]
Trước hãy tự chân chánh
Rồi sau dạy người khác
Nếu ai tự chân chánh
Mới gọi là thượng nhân

[4]
Nếu mình chưa an vui
Làm sao lợi kẻ khác?
Thân tâm đã điều phục
Nguyện gì mà chẳng thành?

[5]
Việc này xưa ta tạo
Về sau ta tự thọ
Làm ác tự chuốc lấy
Như kim cang xuyên báu

[6]
Nếu ai chẳng trì giới
Ví như dây leo quấn
Dục tình thêm cực mạnh
Việc ác ngày càng tăng

[7]
Làm ác nguy hại thân
Kẻ ngu cho dễ làm
Làm thiện thân an vui
Kẻ ngu bảo khó làm

[8]
Theo lời dạy thánh nhân
Dùng Đạo làm lẽ sống
Kẻ ngu sanh ganh ghét
Khi thấy sanh lòng ác
Gây ác chịu ác báo
Ví như gieo nhân khổ

[9]
Làm ác tự thọ tội
Làm lành tự thọ phước
Khi nghiệp đã chín mùi
Nó sẽ chẳng đổi thay
Tu thiện sẽ được thiện
Cũng như trồng trái ngọt

[10]
Lợi mình và lợi người
Lợi ích chẳng lãng phí
Muốn biết lợi ích thân
Giới văn là tối thượng

[11]
Như muốn lo cho mình
Muốn sanh về cõi trời
Kính mến nghe giáo Pháp
Hãy nhớ lời Phật dạy

[12]
Suy nghĩ trước khi làm
Chớ làm việc tổn hại
Tâm ý được như thế
Việc làm chẳng uổng công

[13]
Trượng phu làm việc gì
Tất đều được lợi ích
Thấy thiện hãy nên làm
Như thế sở nguyện thành

♦ PHẨM 21: THẾ TỤC

Phẩm Thế Tục có 14 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói thế gian như huyễn hóa và như giấc mộng. Cho nên hãy xả bỏ thế giới phù du mà gắng sức tu Đạo.

[1]
Như xe đi trên đường
Lìa bỏ lối bằng phẳng
Hư hoại theo lối hiểm
Trục gãy tất âu lo

[2]
Lìa bỏ Pháp như thế
Do đó phi pháp tăng
Kẻ ngu giữ đến chết
Cũng bị ương hoạn khổ

[3]
Tùy thuận hành Chánh Đạo
Chớ có theo tà nghiệp
Đi đứng nằm ngồi an
Đời đời chẳng hoạn nạn

[4]
Vạn vật như bọt nước
Ý niệm như ảo ảnh
Thế gian như huyễn hóa
Sao còn thích nơi đó?

[5]
Nếu ai trừ ái dục
Chặt đứt cả gốc rễ
Ngày đêm tu như thế
Họ sẽ nhập thiền định

[6]
Bố thí với thành tín
Người ấy được an vui
Tâm ý mà phiền não
Dù có dâng thức ăn
Kẻ đó suốt đêm ngày
Tâm ý chẳng an định

[7]
Thế gian chẳng có mắt
Không thấy Đạo chân thật
Như ai thấy chút sáng
Thiện ý hãy vun bồi

[8]
Như nhạn dẫn cả bầy
Tránh lưới bay lượn cao
Người trí dẫn thế gian
Vượt thoát khỏi tà mê

[9]
Thế gian đều phải chết
Khắp ba cõi không an
Chư thiên tuy vui sướng
Phước hết cũng tiêu tan

[10]
Hãy quán sát thế gian
Có sanh ắt phải chết
Muốn lìa sanh già chết
Chánh Đạo nên tu hành

[11]
Si mê trùm thiên hạ
Tham dục nên chẳng thấy
Tà nghi lìa bỏ Đạo
Ngu si khổ theo sau

[12]
Nên lìa xa một pháp
Đó là người nói dối
Không ác gì chẳng làm
Đời sau khổ chẳng tha

[13]
Dù trữ nhiều trân bảo
Cao tột đến cõi trời
Như thế khắp thế gian
Đâu bằng thấy dấu Đạo

[14]
Ác xem như điều thiện
Ái xem như chẳng ái
Lấy khổ cho là vui
Cuồng phu bị chôn vùi

Kinh Pháp Cú ♦ Hết quyển thượng

Kinh Pháp Cú ♦ Quyển hạ

♦ PHẨM 22: ĐỨC PHẬT

Phẩm Đức Phật có 21 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói về thần lực và uy đức của Phật. Ngài làm lợi ích và cứu độ chúng sanh, là ngọn đèn sáng của thế gian.

[1]
Tự mình thắng phiền não
Thế gian chẳng ai hơn
Thông suốt trí vô ngại
Dẫn kẻ mê vào Đạo

[2]
Đoạn nghi không ngăn ngại
Ái tận không nơi chứa
Phật Pháp sâu thăm thẳm
Chưa tu hãy tu hành

[3]
Dũng mãnh tâm chuyên chú
Xuất gia ngày đêm tu
Lìa dục đoạn vô minh
Học Pháp niệm sáng trong

[4]
Thấy Pháp tịnh vô uế
Đã lìa năm đường ác
Phật xuất chiếu thế gian
Diệt trừ khổ chúng sanh

[5]
Khó được sanh làm người
Khó được sống trường thọ
Khó gặp Phật xuất thế
Khó nghe Pháp của Phật

[6]
Tự ngộ không thầy dạy
Một mình không bạn lữ
Nhất tâm tu Chánh Pháp
Phật Đạo tự nhiên thông

[7]
Thuyền trưởng khéo lái thuyền
Tinh tấn làm cầu nối
Người bị dòng tộc vây
Ai thoát là trượng phu

[8]
Phá ác tu Phật Đạo
Ngưng vọng hạnh thanh tịnh
Trừ tham học Chánh Pháp
Đoạn phiền Phật đệ tử

[9]
Nhẫn nhục là đệ nhất
Tịch diệt là tối thượng
Xả ác làm Đạo Nhân
Không nhiễu loạn hại người

[10]
Không não không nhiễu loạn
Thọ trì tất cả giới
Xả tham ăn thanh đạm
Ẩn dật nơi tĩnh mịch
Chánh niệm trí tuệ sanh
Là khéo hành lời Phật

[11]
Không làm các điều ác
Vâng làm mọi việc lành
Thanh tịnh tâm ý mình
Là lời chư Phật dạy

[12]
Phật là bậc tôn quý
Lậu tận đoạn tuyệt dâm
Thế Hùng tộc Năng Nhân
Chúng sanh đều cung kính

[13]
Lành thay đại phước báo
Sở nguyện đều viên thành
Mau được đệ nhất diệt
Dần dần vào tịch diệt

[14]
Nhiều người đi nương tựa
Thần cây thần sông núi
Xây miếu vẽ hình tượng
Cúng tế cầu xin phước

[15]
Nương tựa nơi như thế
Chẳng an chẳng tối thượng
Bởi thần không thể đến
Diệt trừ khổ của ta

[16]
Nếu ai Quy Y Phật
Quy Y Pháp cùng Tăng
Tu tập Bốn Thánh Đế
Tất thấy chân trí tuệ

[17]
Sanh tử chốn nhọc nhằn
Độ thoát nhờ Bốn Đế
Độ đời Tám Chánh Đạo
Diệt trừ mọi khổ đau

[18]
Quy y nơi Tam Bảo
Tối thượng cát tường nhất
Duy chỉ Phật Pháp Tăng
Mới trừ mọi khổ đau

[19]
Nếu ai tu Chánh Đạo
Cầu Pháp chẳng keo tiếc
Người ấy được lợi lành
Chính là Quy Y Phật

[20]
Người trí rất khó gặp
Cũng không dễ gì gần
Ở mọi nơi sanh ra
Thân tộc nhờ ơn lành

[21]
Vui thay Phật xuất thế
Vui thay Pháp thuyết giảng
Vui thay Tăng hòa thuận
Hòa vui thường an lạc

♦ PHẨM 23: AN LẠC

Phẩm An Lạc có 14 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói về bình an và hiểm nguy có thứ tự sai khác. Bỏ ác hướng thiện thì sẽ được vui sướng và không đọa lạc.

[1]
Ta sống trong bình an
Chẳng ôm lòng oán hận
Giữa chúng người thù hận
Ta sống không hận thù

[2]
Ta sống trong bình an
Chẳng mắc bệnh phiền não
Giữa chúng người phiền não
Ta sống không não phiền

[3]
Ta sống trong bình an
Chẳng lo lắng ưu sầu
Giữa chúng người lo âu
Ta sống không âu lo

[4]
Ta sống trong bình an
Thanh tịnh và vô vi
Lấy vui làm thức ăn
Như ở trời Quang Âm

[5]
Ta sống trong bình an
Đạm bạc không phiền toái
Dù mang củi cả nước
Cũng chẳng thể đốt ta

[6]
Hơn người người sanh oán
Thua người ta xấu hổ
Vứt bỏ tâm hơn thua
Không tranh sẽ tự an

[7]
Lửa nào bằng dâm dục
Độc nào bằng phẫn nộ
Khổ nào bằng phiền não
Vui nào bằng tịch diệt

[8]
Chớ thích niềm vui nhỏ
Trí nhỏ biện luận nhỏ
Hãy cầu đại trí tuệ
Mới được an vui lớn

[9]
Ta là Đức Thế Tôn
Giải thoát vĩnh không sầu
Siêu việt khỏi ba cõi
Một mình hàng chúng ma

[10]
Vui thay thấy thánh nhân
Vui thay được nương tựa
Lìa xa kẻ ngu mê
Tu thiện tự an vui

[11]
Vui thay trì Chánh Đạo
Vui thay thuyết giảng Pháp
Với đời không đua tranh
Giữ giới luôn an vui

[12]
Sống cùng với thánh hiền
Vui như gặp người thân
Gần gũi bậc trí tuệ
Đa văn đức cao thâm

[13]
Ít ai thọ mạng dài
Mà lắm kẻ chết non
Tu Đạo giữ trọng yếu
Đến già vẫn bình an

[14]
Muốn được Pháp cam lộ
Đoạn trừ diệt ái dục
Muốn thoát sanh tử khổ
Phải uống vị cam lộ

♦ PHẨM 24: YÊU THƯƠNG

Phẩm Yêu Thương có 12 bài kệ. Đại ý của phẩm này là dạy chúng ta đừng quá si ái. Nếu có thể chẳng khởi tâm tham dục, tất sẽ không có lo âu và hoạn nạn.

[1]
Nghịch Đạo thì thuận mình
Thuận Đạo thì trái mình
Lìa Đạo giữ ham muốn
Đó là theo ái dục

[2]
Không nên vướng yêu thương
Cũng đừng có oán ghét
Thương chẳng gặp thì lo
Ghét thấy nhau lại sầu

[3]
Cho nên chớ yêu thương
Bởi thương sanh oán ghét
Siết buộc ai đã trừ
Thương ghét không chỗ sanh

[4]
Yêu thương sanh âu lo
Yêu thương sanh sợ hãi
Yêu thương nếu chẳng có
Lo sợ làm sao sanh?

[5]
Mong cầu sanh âu lo
Mong cầu sanh sợ hãi
Mong cầu nếu chẳng có
Lo sợ làm sao sanh?

[6]
Tham dục sanh âu lo
Tham dục sanh sợ hãi
Tham dục nếu chẳng có
Lo sợ làm sao sanh?

[7]
Trì Pháp, giới thành tựu
Chí thành biết xấu hổ
Tu hành gần với Đạo
Mọi người đều mến thương

[8]
Chẳng phóng túng tham dục
Suy nghĩ kỹ mới nói
Tâm không tham ái dục
Tất chặt đứt luân hồi

[9]
Như người đi rất lâu
Từ xa về bình an
Quyến thuộc ra chào đón
Niềm nở mừng trở về

[10]
Ai khéo tu phước đức
Từ đây đến nơi kia
Tự mình thọ phước lạc
Như quyến thuộc đến mừng

[11]
Tu tập theo Thánh giáo
Ngăn trừ điều bất thiện
Kính mến ai gần Đạo
Chớ thân ai xa Đạo

[12]
Chánh Đạo gần với xa
Chỗ trụ có khác nhau
Gần Đạo sanh lên trời
Xa Đạo đọa địa ngục

♦ PHẨM 25: SÂN HẬN

Phẩm Sân Hận có 26 bài kệ. Đại ý của phẩm này là dạy chúng ta hãy dùng nhu hòa, khoan dung, và từ bi khi đối mặt với sân hận. Nếu làm được như thế, chư thiên tất sẽ che chở và mọi người thương mến.

[1]
Sân hận không thấy Pháp
Sân hận không hiểu Đạo
Sân hận ai khéo trừ
Phước lạc thường tùy thân

[2]
Tham dục không thấy Pháp
Si mê cũng như thế
Lìa si đoạn trừ dục
Phước ấy là đệ nhất

[3]
Sân hận tự kiềm chế
Như dừng xe chạy nhanh
Là người lái xe giỏi
Bỏ tối tiến vào sáng

[4]
Nhẫn nhục thắng sân hận
Thiện đức thắng tà ác
Bậc trí khéo bố thí
Chí thành thắng lừa dối

[5]
Tham dục với sân hận
Si mê cũng chẳng có
Như tu ba việc này
Khi chết sanh lên trời

[6]
Thường tự nhiếp thân tâm
Lòng từ không giết hại
Tất sẽ sanh lên trời
Đến nơi chẳng ưu sầu

[7]
Tâm ý luôn tỉnh giác
Sáng tối siêng tu học
Lậu tận ý giải thoát
Sẽ đắc Đạo tịch diệt

[8]
Người đời chê bai nhau
Từ xưa cho đến nay
Đã chê ai nói nhiều
Lại chê ai nói ít
Cũng chê ai nói vừa
Chẳng ai không bị chê

[9]
Dục niệm không phải thánh
Chẳng thể tự kiềm chế
Lúc khen lúc hủy báng
Chỉ vì lợi với danh

[10]
Điều khen của thánh nhân
Chỉ khen ai hiền đức
Người trí giữ giới luật
Không chỗ để phỉ báng

[11]
Tịnh như bậc Ứng Chân
Chớ có hủy báng họ
Hàng người đều tán thán
Chư thiên cũng tán dương

[12]
Thân luôn gìn giữ hộ
Điều phục tánh sân hận
Diệt trừ thân làm ác
Tinh tấn làm việc lành

[13]
Ngữ luôn gìn giữ hộ
Điều phục tánh sân hận
Diệt trừ lời xấu ác
Đọc tụng học Pháp ngôn

[14]
Ý luôn gìn giữ hộ
Điều phục tánh sân hận
Diệt trừ tâm tà ác
Tư duy chánh niệm Đạo

[15]
Gìn lời thủ hộ thân
Giữ ý nhiếp tâm mình
Bỏ sân hành Chánh Đạo
Nhẫn nhục kiên cố nhất

[16]
Bỏ sân lìa ngạo mạn
Lánh xa các ái duyên
Không chấp nơi danh sắc
Vô vi diệt khổ đau

[17]
Sân khởi liền diệt trừ
Dâm sanh tự khắc chế
Xả bỏ niệm u mê
Tất sẽ được bình an

[18]
Sân đoạn nằm ngủ yên
Khuể diệt không ưu sầu
Phẫn nộ là căn độc
Nhu hòa ý thanh tịnh
Lời hay được ngợi khen
Trừ ác không hoạn nạn

[19]
Chung hướng dễ gần nhau
Nếu chuyên làm việc ác
Về sau chuốc sân hận
Như lửa đốt phiền não

[20]
Chẳng biết lẽ hổ thẹn
Xằng bậy lại phẫn nộ
Ai bị sân dẫn dắt
Không chán việc xấu làm

[21]
Phẫn nộ gần binh đao
Nhu hòa gần an tường
Hạnh nhẫn là tối thượng
Thế nên phải luôn nhẫn

[22]
Phẫn nộ người khinh chê
Ai sân nên học nhẫn
Hạnh nhẫn là tối thượng
Thế nên phải luôn nhẫn

[23]
Chẳng kể ta hay người
Phải sợ tham sân si
Nếu biết họ khởi ác
Tâm ta nên diệt trước

[24]
Lợi mình và lợi người
Vì họ ta khuyên bảo
Nếu biết họ khởi ác
Tâm ta nên diệt trước

[25]
Trí nhẫn thắng ngu si
Kẻ ngu nói lời ác
Muốn luôn chiến thắng họ
Chỉ nên giữ im lặng

[26]
Những ai mà làm ác
Phẫn nộ khởi sanh oán
Nếu sân mà chẳng khởi
Tức là chiến thắng họ

♦ PHẨM 26: TRẦN CẤU

Phẩm Trần Cấu có 19 bài kệ. Đại ý của phẩm này nói về sự khác biệt giữa thanh tịnh và ô trược. Tu Đạo cần phải học tập thanh tịnh, đừng làm việc nhiễm ô và nhục nhã.

[1]
Lúc sanh chẳng làm lành
Khi chết đọa đường ác
Chịu khổ không gián đoạn
Đến nơi chẳng tư lương

[2]
Hãy siêng cầu trí tuệ
Tu trì ý kiên định
Lìa cấu chớ nhiễm ô
Tất sẽ thoát ách khổ

[3]
Bậc trí luôn tinh cần
An tường chầm chậm tiến
Tẩy trừ tâm cáu bẩn
Như thợ đúc vàng ròng

[4]
Như sắt bị rỉ sét
Trở lại ăn thân nó
Ác sanh từ nơi tâm
Trở lại hủy thân đó

[5]
Chẳng tụng lời sẽ dơ
Chẳng siêng nhà sẽ bẩn
Chẳng nghiêm sắc sẽ cấu
Buông lung việc sẽ uế

[6]
Keo khiến huệ thí dơ
Ác khiến hành vi bẩn
Hiện đời cùng vị lai
Pháp ác luôn cấu uế

[7]
Dơ bẩn trong dơ bẩn
Chẳng gì bằng si mê
Tu học nên trừ ác
Bhikṣu [bíc su] không cấu uế

[8]
Cẩu thả vô liêm sỉ
Như chim có mỏ dài
Mặt dày chịu uất nhục
Đó gọi là sanh uế

[9]
Liêm khiết sống tuy khổ
Nhưng nghĩa giữ trong sáng
Chẳng dối lìa uất nhục
Đó gọi là sanh tịnh

[10]
Kẻ ngu ưa giết hại
Lời nói chẳng thành thật
Trộm lấy vật không cho
Vợ người thích xâm phạm

[11]
Khoái ý ưa phạm giới
Say mê nơi rượu chè
Kẻ đó mãi đời đời
Đào mộ tự chôn mình

[12]
Những ai hiểu lẽ phải
Chẳng nên khởi niệm ác
Kẻ ngu gần phi pháp
Lâu dần đốt dìm mình

[13]
Nếu tin làm bố thí
Danh tiếng muốn vang lừng
Gặp người luôn khoe khoang
Chẳng thể nhập chánh định

[14]
Đoạn trừ tất cả dục
Diệt tận gốc của ý
Ngày đêm giữ chánh niệm
Tất sẽ nhập chánh định

[15]
Chấp trước nhiễm trần cấu
Do nhiễm sanh hữu lậu
Chẳng nhiễm chẳng làm uế
Thanh tịnh lìa si mê

[16]
Thấy người tự nhiễm trần
Lòng ta luôn tỉnh ngộ
Làm uế là dối mình
Lậu tận không cấu uế

[17]
Lửa nóng nào bằng dâm
Vụt nhanh nào bằng sân
Lưới kín nào bằng si
Sông chảy nào bằng ái

[18]
Hư không chẳng dấu vết
Đạo Nhân chẳng ý dơ
Người đời ưa làm ác
Duy Phật tịnh vô uế

[19]
Hư không chẳng dấu vết
Đạo Nhân chẳng ý dơ
Thế gian đều vô thường
Phật lìa ngã, ngã sở

♦ PHẨM 27: PHỤNG TRÌ

Phẩm Phụng Trì có 17 bài kệ. Đại ý của phẩm này là giảng giải ý nghĩa của Đạo. Tu học Phật Pháp quý nhất là ở đức hạnh. Tâm đừng có tham lam và ưa hưởng thụ xa xỉ.

[1]
Ai thích trì Kinh Đạo
Lợi danh chẳng đua tranh
Có lợi hay vô lợi
Không tham không si mê

[2]
Tu học luôn quý mến
Chánh tâm dùng tu hành
Ôm ấp trí tuệ báu
Đó là người vì Đạo

[3]
Gọi là bậc trí tuệ
Không phải lời khôn khéo
Chẳng sợ chẳng kinh hoàng
Tu thiện là bậc trí

[4]
Gọi là bậc trì Pháp
Không phải đọc tụng nhiều
Dù chỉ nghe ít thôi
Y Pháp thân hành trì
Giữ Đạo chẳng lãng quên
Đó là người trì Pháp

[5]
Gọi là bậc trưởng lão
Không phải tuổi tác cao
Già nua tóc bạc trắng
Ngu si chẳng biết tội

[6]
Chánh Pháp luôn ôm ấp
Nhu hòa lòng từ bi
Hiểu rộng tâm thanh tịnh
Đó là bậc trưởng lão

[7]
Gọi là người đoan chánh
Không phải đẹp như hoa
Keo kiệt lòng ganh ghét
Lời nói có lỗi lầm

[8]
Ai khéo lìa việc ác
Căn nguyên đã đoạn trừ
Thông tuệ chẳng sân hận
Đó là người đoan chánh

[9]
Gọi là bậc Đạo Nhân
Không phải cạo râu tóc
Nói dối nhiều tham ái
Tham dục như phàm phu

[10]
Ai khéo ngưng việc ác
Đạo Pháp rộng tuyên dương
Tâm an vọng tưởng diệt
Đó là bậc Đạo Nhân

[11]
Gọi là bậc Bhikṣu
Không phải đi khất thực
Làm ác kỳ vọng người
Cầu lợi cầu tiếng tăm

[12]
Ai khéo biết tội phước
Luôn tu hạnh thanh tịnh
Dùng tuệ diệt trừ ác
Đó gọi là Bhikṣu

[13]
Gọi là bậc hiền minh
Không phải giữ lặng thinh
Nội tâm chẳng thanh tịnh
Ngoại thân nhiễm bụi trần

[14]
Bất nhiễm tâm vô vi
Thanh tịnh như hư không
Người ấy được tịch diệt
Đó là bậc hiền minh

[15]
Gọi là bậc đắc Đạo
Không phải chỉ cứu một
Rộng độ khắp chúng sanh
Vô hại là hành Đạo

[16]
Dạy người chẳng nhiều lời
Lời thật việc làm chánh
Ai muốn được định tuệ
Chỉ cần vọng khép trừ

Ý muốn cầu an lạc
Chớ làm việc phàm phu
Kết sử chưa trừ sạch
Vẫn không được giải thoát

♦ PHẨM 28: CHÁNH ĐẠO

Phẩm Chánh Đạo có 28 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói về Pháp yếu để đạt đến giải thoát. Đó là Đạo vi diệu tối thượng.

[1]
Tối thượng Tám Chánh Đạo
Dấu Pháp Bốn Thánh Đế
Vô dục tôn quý nhất
Cúng đèn được mắt sáng

[2]
Đạo này chẳng còn sợ
Thấy tịnh mới độ thế
Phá tan chúng ma binh
Gắng hành diệt tà khổ

[3]
Ta đã khai Chánh Đạo
Vì chúng hiện quang minh
Đã nghe hãy tự hành
Đã hành cởi buộc tà

[4]
Sanh tử vô thường, khổ
Soi thấy bằng trí tuệ
Muốn lìa hết thảy khổ
Hành Đạo trừ tất cả

[5]
Sanh tử vô thường, không
Soi thấy bằng trí tuệ
Muốn lìa hết thảy khổ
Chỉ nên siêng hành Đạo

[6]
Lúc tu hãy nên tu
Đừng như kẻ ngu si
Sa đọa mà chẳng màng
Chần chừ chẳng cầu Đạo

[7]
Niệm tương ứng là chánh
Niệm tán loạn là tà
Có trí chẳng khởi tà
Tu Đạo tuệ sẽ thành

[8]
Gìn lời giữ ý niệm
Bất thiện thân không làm
Như thế tịnh ba nghiệp
Phật nói là đắc Đạo

[9]
Chặt cây chẳng bứng gốc
Rễ còn, sẽ sanh tiếp
Rễ đứt mới không cây
Bhikṣu đắc tịch diệt

[10]
Không thể chặt đứt cây
Thân quyến thương luyến nhớ
Ý tham tự trói buộc
Như nghé thèm sữa mẹ

[11]
Khéo đoạn gốc ý niệm
Và sanh tử vô biên
Đó là gần với Đạo
Tất mau đắc tịch diệt

[12]
Tham dục dẫn đến già
Sân hận dẫn đến bệnh
Si mê dẫn đến chết
Độc trừ sẽ đắc Đạo

[13]
Trước buông sau cởi bỏ
Giải thoát qua bờ kia
Tất cả mọi niệm diệt
Chẳng còn sanh già chết

[14]
Người đời nuôi vợ con
Chẳng quán lẽ vô thường
Cái chết bỗng chợt đến
Ví như nước chảy xiết

[15]
Cha con chẳng thể cứu
Họ hàng hy vọng gì?
Mạng hết cậy quyến thuộc
Như mù cầm đèn sáng

[16]
Bậc trí hiểu ý trên
Kinh giới hãy tu trì
Siêng hành vượt thế gian
Diệt trừ tất cả khổ

[17]
Lìa xa các vực thẳm
Như gió thổi tan mây
Đã diệt tư tưởng tà
Đó là chánh tri kiến

[18]
Tuệ là báu thế gian
An lạc chứng vô vi
Ai biết thọ chánh giáo
Vĩnh đoạn sanh già chết

[19]
Biết các hành là không
Tức thấy bằng trí tuệ
Nhàm chán khổ thế gian
Đây là Đạo trừ khổ

[20]
Biết các hành là khổ
Tức thấy bằng trí tuệ
Nhàm chán khổ thế gian
Đây là Đạo trừ khổ

[21]
Các hành không có ngã
Tức thấy bằng trí tuệ
Nhàm chán khổ thế gian
Đây là Đạo trừ khổ

[22]
Ta đã giảng dấu Đạo
Ái dục như tên bắn
Hãy nên tự khích lệ
Thọ trì lời Phật dạy

[23]
Dục niệm Ta đều diệt
Luân hồi sanh tử tận
Cởi bỏ mọi buộc ràng
Đạo nhãn diễn nói Pháp

[24]
Chảy xiết đổ vào biển
Nước chảy sẽ mau đầy
Thuyết Đạo cho người trí
Khéo đến uống cam lộ

[25]
Trước chưa nghe Pháp luân
Chuyển vì thương chúng sanh
Ai phụng sự tu hành
Kính lễ vượt ba cõi

[26]
Ba niệm mà niệm thiện
Ba niệm sẽ lìa ác
Từ niệm mà có hành
Diệt cấu là Chánh Đoạn

[27]
Ba định chuyển ba niệm
Bỏ ngã hành vô lượng
Đắc định trừ ba kết
Giải kết hãy nên niệm

[28]
Biết lấy giới ngăn ác
Tư duy tuệ vui niệm
Biết thế giới thành bại
Ý dừng tất cả giải

♦ PHẨM 29: QUẢNG THUYẾT

Phẩm Quảng Thuyết có 14 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói rằng, chẳng kể là việc thiện hay ác, tất cả đều là từ nhỏ tích thành lớn, và hãy nên chứng ngộ Pháp nghĩa của mỗi chương cú.

[1]
An vui cho tuy nhỏ
Phước báo sau rất lớn
Dù ban chút trí tuệ
Thọ phước chẳng nghĩ bàn

[2]
Sầu ưu trút cho người
Mà muốn quả báo lành
Tai ương trở về thân
Tự gặp thâm oán thù

[3]
Đã làm rất nhiều việc
Việc sai cũng đi làm
Chơi bời ca hát nhảy
Nghiệp ác ngày càng tăng

[4]
Tinh tấn luôn hành trì
Tu học phải bỏ sai
Tu thân tự tỉnh giác
Đó gọi là chánh nghiệp

[5]
Đã tự hiểu biết sâu
Lại còn học vấn rộng
Dần dần càng rộng khắp
Như sữa đổ vào nước

[6]
Đã tự không trí tuệ
Lại còn lười học vấn
Dần dần thu nhỏ hẹp
Như bơ đổ vào nước

[7]
Gần Đạo danh tiếng thơm
Như núi Tuyết cao vót
Xa Đạo mờ tăm tối
Như ban đêm bắn tên

[8]
Là đệ tử của Phật
Hãy luôn tự tỉnh giác
Ngày đêm thường niệm Phật
Tư duy Pháp và Tăng

[9]
Là đệ tử của Phật
Hãy luôn tự tỉnh giác
Sớm tối tư duy tu
Thiền quán tâm chuyên chú

[10]
Là người hãy nhớ nghĩ
Khi ăn tự biết đủ
Tức sẽ bớt tham muốn
Tiết chế tất sống lâu

[11]
Tu khó bỏ ác khó
Tại gia sống cũng khó
Hợp hội đồng lợi khó
Khó nhất vượt ba cõi

[12]
Bhikṣu khất thực khó
Sao không tự gắng sức?
Tinh tấn được tự tại
Sau khỏi nhờ mong ai

[13]
Có tín giới sẽ thành
Từ giới nhiều tài bảo
Do giới hợp với Đạo
Nơi nơi người cúng dường

[14]
Bất luận đi nằm ngồi
Một mình không buông lung
Hãy tự hàng phục tâm
Lòng vui chốn núi rừng

♦ PHẨM 30: ĐỊA NGỤC

Phẩm Địa Ngục có 16 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói về những việc mà sẽ khiến đọa địa ngục. Hễ làm ác tất sẽ chịu quả ác; nghiệp tội lôi đi chẳng tha.

[1]
Nói dối gần địa ngục
Đã làm mà nói không
Hai tội, sau đều thọ
Nghiệp đó tự lôi đi

[2]
Pháp y khoác trên thân
Làm ác chẳng thôi nghỉ
Ai cẩu thả làm ác
Khi chết đọa địa ngục

[3]
Phạm giới thọ cúng dường
Há không hại chính mình?
Chết ăn viên sắt nóng
Lửa dữ cháy thành than

[4]
Buông lung có bốn việc
Vợ người thích xâm phạm,
Gặp họa chẳng phước lợi,
Bị chê, dâm dục tăng

[5]
Không phước lợi đọa ác
Sợ ác sợ chút lạc
Gian dâm luật trừng phạt
Khi chết đọa địa ngục

[6]
Ví như nhổ cỏ may
Nắm lơi sẽ cắt tay
Đạo Nhân không giữ giới
Địa ngục siết lôi đi

[7]
Ai tu hành chểnh mảng
Chẳng thể trừ trần lao
Tịnh hạnh có khiếm khuyết
Vĩnh không thọ đại phước

[8]
Việc đúng nên luôn làm
Hãy làm hết sức mình
Lìa xa các ngoại đạo
Chớ nhiễm trần cấu ô

[9]
Việc sai chớ nên làm
Bởi sau chịu thống khổ
Làm lành luôn may mắn
Nơi đến chẳng hối tiếc

[10]
Ở trong các việc ác
Sẽ làm hoặc đã làm
Khổ này chẳng thể trừ
Tội siết khó miễn tha

[11]
Nói dối tham hối lộ
Việc làm không chân chánh
Vu khống người lương thiện
Phạt oan bậc thiện sĩ
Tội siết những kẻ đó
Tự lọt hố hiểm sâu

[12]
Ví như phòng vệ thành
Trong ngoài đều kiên cố
Ai tự giữ tâm họ
Phi pháp chẳng thể sanh
Lầm lỗi nảy ưu sầu
Khiến đọa chốn địa ngục

[13]
Nên đáng thẹn không thẹn
Chẳng đáng thẹn lại thẹn
Kẻ đó sanh tà kiến
Khi chết đọa địa ngục

[14]
Nên đáng sợ không sợ
Chẳng đáng sợ lại sợ
Bởi tin theo tà kiến
Khi chết đọa địa ngục

[15]
Nên đáng lánh không lánh
Chẳng đáng gần lại gần
Do huân tập tà kiến
Khi chết đọa địa ngục

[16]
Nên đáng gần thì gần
Nên đáng xa thì xa
Chánh kiến luôn gìn giữ
Khi chết sanh chốn lành

♦ PHẨM 31: VOI DỤ

Phẩm Voi Dụ có 18 bài kệ. Đại ý của phẩm này là dạy người giữ thân nghiệp chân chánh; làm lành sẽ được lành và thọ hưởng phước báo vui sướng.

[1]
Như voi lúc giao đấu
Chẳng sợ bị trúng tên
Luôn dùng lòng thành tín
Độ kẻ không giới đức

[2]
Ví như voi điều phục
Mới để cho vua cưỡi
Khéo điều làm hiền nhân
Mới được lời thành tín

[3]
Dù ai giỏi huấn luyện
Như khéo huấn luyện ngựa
Lại khéo huấn luyện voi
Đâu bằng điều phục mình

[4]
Kẻ kia chẳng thể chở
Lại cũng chẳng thể đến
Chỉ ai tự điều phục
Mới đến nơi an lành

[5]
Như voi tên Hộ Tài
Hung mãnh khó điều phục
Trói chân không cho ăn
Do bởi voi hung bạo

[6]
Ai cứ chuyên làm ác
Tham dục luôn tự trói
Như voi chẳng biết chán
Nên mãi thọ bào thai

[7]
Bổn tâm đã thuần thục
Và luôn được an lành
Tất sẽ cởi bỏ trói
Như móc sắt phục voi

[8]
Tu Đạo chớ buông lung
Khéo luôn hộ tâm mình
Tất sẽ lìa ách khổ
Như voi ra khỏi bẫy

[9]
Nếu có được bạn lành
Hãy cùng rộng tu thiện
Khéo thông điều nghe qua
Đi đến nơi chánh niệm

[10]
Nếu chẳng được bạn lành
Chớ cùng gây tan thương
Lánh xa chỗ huyên náo
Một mình không làm ác

[11]
Một mình làm việc lành
Đừng cùng với kẻ ngu
Một mình không làm ác
Như voi, sợ tự hộ

[12]
Vui thay sống lợi ích
Vui thay bạn nhu hòa
Vui thay chết an lành
Vui thay không làm ác

[13]
Vui thay có mẹ mong
Vui thay có cha nhờ
Vui thay có Đạo Nhân
Vui thay có Chánh Đạo

[14]
Vui thay luôn trì giới
Vui thay có chánh tín
Vui thay được trí tuệ
Vui thay chẳng làm ác

[15]
Ví như cưỡi ngựa thuần
Tùy ý đến nơi muốn
Tín giới và tinh tấn
Định tuệ sẽ đầy đủ

[16]
Giới Pháp đã thành lập
Nhẫn hòa tâm an định
Sẽ đoạn mọi khổ đau
Tùy ý như ước mong

[17]
Từ đó nhập thiền định
Như ngựa đã thuần phục
Đoạn sân được vô lậu
Tất thọ phước lạc trời

[18]
Tinh tấn giữa buông lung
Giác ngộ giữa ngủ say
Như ngựa đã thuần phục
Bỏ ác làm thánh hiền

♦ PHẨM 32: ÁI DỤC

Phẩm Ái Dục có 32 bài kệ. Đại ý của phẩm này là dạy phải lìa xa sự tham luyến của ái dục. Người đời vì nó mà chuốc lấy biết bao tai họa nguy hại.

[1]
Phóng túng tâm dâm dục
Ái dục thêm cành nhánh
Lan rộng càng hẫy hừng
Như khỉ nhảy hái quả

[2]
Vì ái kham chịu khổ
Tham dục chấp thế gian
Ưu sầu ngày đêm tăng
Mọc dài như dây leo

[3]
Người bị ân ái mê
Ái tình chẳng thể buông
Bởi thế nhiều đau thương
Róc rách chảy đầy ao

[4]
Phàm phu lắm ưu sầu
Thế gian đầy khổ đau
Chỉ vì ái duyên hữu
Lìa ái sẽ vô ưu

[5]
Tâm an lìa ưu sầu
Ái đoạn, dứt sanh tử
Vô ưu chẳng mong cầu
Lìa ái tất được an

[6]
Khi chết lòng ưu sầu
Thân thuộc thương luyến nhớ
Buồn đau chốn luân hồi
Ái khổ luôn đọa nguy

[7]
Là người tu Chánh Đạo
Đừng cùng với ái dục
Trước đoạn gốc ái dục
Gốc rễ chẳng chỗ sanh
Chớ như cắt cỏ lau
Khiến tâm sanh trở lại

[8]
Như rễ cây sâu chắc
Dù chặt vẫn mọc lên
Tâm ái không trừ sạch
Liền sẽ lại thọ khổ

[9]
Như khỉ rời khỏi cây
Rồi lại đến cây khác
Phàm phu cũng như thế
Thoát ngục lại vào ngục

[10]
Ý tham luôn chảy mãi
Ác tập với kiêu mạn
Tư tưởng bám tham dục
Tự che chẳng thể thấy

[11]
Tất cả dòng ý chảy
Ái siết như dây sắn
Duy tuệ phân biệt thấy
Khéo đoạn gốc của ý

[12]
Người bị ái thấm ướt
Tư tưởng càng lan xa
Ái dục sâu không đáy
Già chết chỉ tăng thêm

[13]
Ái dục sanh bất tận
Chỉ dùng tham dục ăn
Nuôi oán, lợi gò mả
Kẻ ngu luôn miệt mài

[14]
Tuy ngục có móc xích
Người trí chẳng bảo chắc
Kẻ ngu thấy vợ con
Nhiễm ái hơn lao ngục

[15]
Phật nói ái là ngục
Kiên cố khó ra khỏi
Cho nên hãy đoạn trừ
An lạc không tham dục

[16]
Thấy sắc tâm mê muội
Vô thường không tư duy
Kẻ ngu cho tốt đẹp
Nào biết đó chẳng thật

[17]
Cuộn mình trong ái dục
Ví như tằm nhả tơ
Bậc trí khéo đoạn trừ
Chẳng tiếc, trừ khổ ách

[18]
Tâm ai mãi buông lung
Thấy dâm bảo là tịnh
Ân ái ý gia tăng
Từ đó vào ngục lao

[19]
Ý ai diệt trừ dâm
Thường niệm dục bất tịnh
Từ đó thoát ngục tà
Khéo đoạn già chết khổ

[20]
Lưới dục tự quấn lấy
Lọng ái tự phủ che
Phóng túng siết ở ngục
Như cá vào miệng rọ
Già chết luôn đến bức
Như nghé thèm sữa mẹ

[21]
Lìa dục diệt gốc ái
Xé lưới chẳng còn giam
Tu Đạo thoát ngục trói
Giải trừ mọi chướng ngại
Đã được qua bờ kia
Đó là bậc đại trí

[22]
Chớ gần kẻ xa Pháp
Cũng chớ bị ái nhiễm
Ba đời ai không đoạn
Vẫn phải đọa sanh tử

[23]
Nếu ngộ hết thảy pháp
Các pháp không chấp trước
Ý giải tất cả ái
Đó là hiểu Thánh ý

[24]
Pháp thí thắng mọi thí
Đạo vị thắng mọi vị
Pháp lạc thắng mọi lạc
Ái tận hết khổ đau

[25]
Kẻ ngu trói bởi tham
Chẳng mong qua bờ kia
Do tham tài với ái
Hại người cũng hại mình

[26]
Tâm ái dục là ruộng
Tham sân si là hạt
Ai bố thí độ đời
Phước báo vô cùng tận

[27]
Ít người mà nhiều hàng
Thương nhân sanh kinh sợ
Tham dục giặc hại mạng
Bậc trí chẳng tham dục

[28]
Ái dục tâm ham muốn
Đâu chỉ năm dục thôi?
Mau lìa tuyệt năm dục
Mới là bậc dũng mãnh

[29]
Vô dục sẽ không sợ
Đơn sơ chẳng ưu sầu
Dục trừ kết sử giải
Đó là thoát vực sâu

[30]
Nguồn gốc của tham dục
Là do vọng tưởng sanh
Nếu tâm chẳng nghĩ tưởng
Ái dục sẽ không sanh

[31]
Chặt cây hốt nhiên ngừng
Cây sanh các pháp ác
Chặt cây lẫn nhổ gốc
Bhikṣu đắc diệt độ

[32]
Phàm phu chẳng chặt cây
Thân thuộc không ít nhiều
Tâm trói ở nơi đó
Như nghé mong mỏi mẹ

♦ PHẨM 33: LỢI DƯỠNG

Phẩm Lợi Dưỡng có 20 bài kệ. Đại ý của phẩm này là khích lệ mình hãy tinh tấn và đề phòng tâm tham. Khi thấy bậc đức độ thì hãy học hỏi, tư duy và chớ để niệm ô uế khởi sanh.

[1]
Buồng chín, chuối sẽ khô
Cỏ lau, trúc, cũng thế
Con la chết khi chửa
Con người chết bởi tham

[2]
Bởi vậy tham vô lợi
Phải biết từ si sanh
Vì tham, ngu hại hiền
Đầu cổ rơi xuống đất

[3]
Dù trời mưa bảy báu
Kẻ tham vẫn chưa thỏa
Vui ít đời nhiều khổ
Ai giác làm thánh hiền

[4]
Tuy có phước lạc trời
Bậc trí xả chẳng tham
Ân ái chẳng muốn ham
Đó là đệ tử Phật

[5]
Xa Đạo thuận tà ác
Bhikṣu tham lợi dưỡng
Chỉ có lòng keo tiếc
Cung phụng chính bản thân

[6]
Chớ vì tham lợi dưỡng
Cầu cúng cho người đời
Việc đó chẳng hợp Đạo
Thử hỏi có ích gì?

[7]
Kẻ ngu nghĩ cách ngu
Dục mạn ngày càng tăng
Phi pháp tham lợi dưỡng
Tịch diệt không thể đến

[8]
Chân lý ai khéo biết
Bhikṣu chân Phật tử
Không thích tham lợi dưỡng
Thanh nhàn trừ loạn ý

[9]
Tự chứng không cậy nhờ
Cũng không cầu mong người
Bhikṣu cầu mong người
Sẽ không đắc chánh định

[10]
Thân tâm muốn an lạc
Dừng vọng tự tỉnh giác
Chẳng màng hay tính toán
Y phục và ẩm thực

[11]
Thân tâm muốn an lạc
Dừng vọng tự tỉnh giác
Tri túc không tham lam
Luôn nhớ tu Pháp lành

[12]
Thân tâm muốn an lạc
Dừng vọng tự tỉnh giác
Như chuột ở hang kín
Ẩn dật tu chánh giáo

[13]
Lợi dưỡng chớ truy cầu
Tư duy phụng trì giới
Sẽ được bậc trí khen
Thanh khiết chớ biếng lười

[14]
Ba Minh có đầy đủ
Giải thoát được vô lậu
Trí kém người si mê
Sẽ không nhớ biết gì

[15]
Đối với các ẩm thực
Thọ nhận từ người khác
Mà khởi sanh pháp ác
Ganh ghét do lợi dưỡng

[16]
Lợi dưỡng kết nhiều oán
Tuy mặc ba Pháp y
Chỉ mong thức ăn ngon
Không vâng lời Phật dạy

[17]
Phải biết lỗi lầm này
Lợi dưỡng rất đáng sợ
Không tham không ưu sầu
Bhikṣu hãy xả tâm

[18]
Không ăn, mạng khó sống
Ai mà chẳng cần ăn?
Người xem ăn trên hết
Biết vậy đừng nên ganh

[19]
Đố kỵ trước hại mình
Sau đó mới hại người
Đánh người bị người đánh
Việc này chẳng thể tránh

[20]
Thà nuốt viên sắt nóng
Khát uống nước đồng sôi
Không lấy thân phạm giới
Thọ nhận đồ cúng dường

♦ PHẨM 34: ĐẠO NHÂN

Phẩm Đạo Nhân có 32 bài kệ. Đại ý của phẩm này là giáo huấn các đệ tử thọ trì và tu hành Chánh Pháp, thì sẽ được giải thoát và đắc Đạo thanh tịnh.

[1]
Mắt tai mũi lưỡi thân
Đoan chánh luôn hộ ý
Bhikṣu tu như thế
Tất sẽ trừ ách khổ

[2]
Thân nghiệp chớ sai phạm
Ngữ nghiệp nhu thuận hòa
Ý nghiệp luôn an định
Tu hành được tịch nhiên

[3]
Tu học phải gìn lời
Lời nói luôn an hòa
Nghĩa lý hợp như Pháp
Lời ấy ngọt dịu êm

[4]
Thích Pháp vui mến Pháp
Tư duy Pháp an lành
Bhikṣu y Pháp hành
Tu học chớ lãng quên

[5]
Tu học không cầu lợi
Với người không sanh ái
Bhikṣu khởi sanh ái
Sẽ không đắc chánh định

[6]
Bhikṣu đi khất thực
Nếu có, chớ tích trữ
Trời người ngợi tán dương
Sanh tịnh không uế trược

[7]
Bhikṣu luôn từ mẫn
Kính trọng lời Phật dạy
Vào sâu diệu Chỉ Quán
Diệt uế mới được an

[8]
Hết thảy các danh sắc
Không thật chớ mê lầm
Không gần sẽ không ái
Mới là chân Bhikṣu

[9]
Bhikṣu chèo chiếc thuyền
Thuyền trống lướt nhẹ nhàng
Diệt trừ tham sân si
Rồi sẽ đến tịch diệt

[10]
Xả năm, đoạn trừ năm
Năm căn tư duy quán
Khi khéo phân biệt năm
Mới thoát qua sông sâu

[11]
Hành thiền chẳng buông lung
Chớ bị dục loạn tâm
Không uống nước đồng nung
Kẻo đốt hủy thân mình

[12]
Không thiền sẽ vô trí
Vô trí sẽ không thiền
Đạo từ thiền trí sanh
Gần tới Đạo tịch diệt

[13]
Tu học nhập không định
Bhikṣu luôn an tĩnh
Yêu thích nơi vắng vẻ
Quán sát pháp bình đẳng

[14]
Năm uẩn khéo chế phục
Điều tâm như dòng nước
Thanh tịnh luôn hòa vui
Là uống vị cam lộ

[15]
Bhikṣu tu trí tuệ
Đồ vật không sở hữu
Tri túc nhiếp sáu căn
Giới luật thảy phụng trì

[16]
Trọn đời tu tịnh hạnh
Cầu gặp thầy bạn lành
Bậc trí thành tựu Đạo
Trừ khổ sống an vui

[17]
Ví như những hoa lài
Khi héo nó tự rụng
Diệt trừ tham sân si
Sanh tử tự giải thoát

[18]
Thân ngữ không làm ác
Nhiếp ý tâm tịch tĩnh
Bhikṣu lìa thế gian
Đó là đắc tịch diệt

[19]
Đối với sắc thân này
Trong tâm luôn tinh tấn
Hộ thân niệm Chánh Đạo
Bhikṣu sống an vui

[20]
Tự mình cho là ngã
Suy ra chẳng có ngã
Cho nên hãy trừ ngã
Điều phục làm thánh hiền

[21]
Hoan hỷ lời Phật dạy
Tu trì thêm an lạc
Thẳng đến Đạo tịch tĩnh
Hành diệt mãi an vui

[22]
Mặc dù làm chút ít
Nhưng đúng lời Phật dạy
Là chiếu sáng thế gian
Như trời không mây che

[23]
Ngã mạn diệt trừ sạch
Như sen khỏi mặt nước
Tu học lìa đây kia
Phải biết là thắng hạnh

[24]
Cắt ái không lưu luyến
Như sen chẳng dính bùn
Bhikṣu vượt sông ái
Thắng tuệ trừ ái dục

[25]
Ra khỏi dòng ái dục
Nhiếp tâm trừ dục vọng
Phàm phu chẳng đoạn dục
Tâm ý mãi rong ruổi

[26]
Tu hành chớ làm ác
Tinh tấn tự điều tâm
Xuất gia mà lười biếng
Ý nhiễm lại khởi sanh

[27]
Tu hành mà lười biếng
Nhọc tâm chẳng trừ khổ
Không phải là tịnh hạnh
Làm sao được báu lớn?

[28]
Đạo Nhân tu Pháp gì?
Nếu ý không chế phục
Từng bước nhiễm trần lao
Chỉ chạy theo tư tưởng

[29]
Pháp y khoác trên vai
Làm ác chẳng ngừng nghỉ
Ai luôn làm điều ác
Khi chết đọa địa ngục

[30]
Buông lung, khó răn bảo
Như gió thổi héo cây
Tự làm tự lãnh thọ
Sao lại chẳng tinh tấn?

[31]
Chẳng phải cạo râu tóc
Phóng đãng không giới luật
Xả tham tư duy Đạo
Mới là chân Bhikṣu

[32]
Chẳng phải cạo râu tóc
Buông lung không thành tín
Khéo diệt các khổ não
Thành bậc đại Đạo Nhân

♦ PHẨM 35: TỊNH HẠNH

Phẩm Tịnh Hạnh có 40 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói rằng: nếu hành vi, lời nói, và sự tu học mà thanh tịnh không cấu uế, thì mới xưng là bậc Đạo Nhân.

[1]
Ra khỏi dòng ái dục
Vô dục như Phạm Thiên
Các hành đã trừ sạch
Mới là bậc tịnh hạnh

[2]
Chỉ Quán khéo tu hành
Thanh tịnh chẳng cấu uế
Đoạn trừ ái dục siết
Mới là bậc tịnh hạnh

[3]
Chẳng kia cũng chẳng đây
Đây kia đã rỗng không
Lìa bỏ tâm tham dục
Mới là bậc tịnh hạnh

[4]
Tư duy vô cấu nhiễm
Tu hành chẳng hữu lậu
Không khởi tâm mong cầu
Mới là bậc tịnh hạnh

[5]
Ban ngày trời chiếu sáng
Ban đêm trăng sáng soi
Áo giáp rạng quân binh
Thiền định soi Đạo Nhân
Khi Phật hiện thế gian
Sáng rực khắp muôn nơi

[6]
Cạo đầu chưa Đạo Nhân
Xưng thiện chưa tịnh hạnh
Nếu khéo diệt mọi ác
Mới là bậc tịnh hạnh

[7]
Lìa ác là tịnh hạnh
Chánh hạnh là Đạo Nhân
Bỏ ngã trừ cấu uế
Mới gọi là xuất gia

[8]
Nếu đối với ái dục
Tâm ý không tham luyến
Đã xả đã chánh hạnh
Đó là diệt trừ khổ

[9]
Thân ngữ cùng với ý
Thanh tịnh không lỗi lầm
Khéo nhiếp ba nghiệp này
Mới là bậc tịnh hạnh

[10]
Nếu tâm hiểu rõ ràng
Pháp của chư Phật nói
Quán tâm tự quy y
Thanh tịnh như nước trong

[11]
Chẳng phải ai bện tóc
Gọi là bậc tịnh hạnh
Chân thành tu tập Pháp
Thanh tịnh làm thánh hiền

[12]
Bện tóc nhưng vô trí
Áo cỏ mặc phô trương
Bên trong chẳng lìa nhiễm
Ngoài xả có ích gì?

[13]
Ai mặc áo vải thô
Chân thật hành thiện Pháp
Nơi vắng tư duy Pháp
Mới là bậc tịnh hạnh

[14]
Phật không dạy bảo ai
Tự mình ngợi khen mình
Không dối hợp như Pháp
Mới là bậc tịnh hạnh

[15]
Cắt đứt mọi ái dục
Ý chí không tham trước
Xả bỏ mọi dục lạc
Mới là bậc tịnh hạnh

[16]
Khéo đoạn sông sanh tử
Khéo nhẫn vượt thế gian
Tự giác thoát hào sâu
Mới là bậc tịnh hạnh

[17]
Bị chửi bị đánh đập
Nhẫn nhịn không khởi sân
Có sức đại nhẫn nhục
Mới là bậc tịnh hạnh

[18]
Nếu ai bị lấn hiếp
Hãy nhớ giữ giới hạnh
Đoan thân tự điều phục
Mới là bậc tịnh hạnh

[19]
Trong tâm lìa pháp ác
Như rắn lột thay da
Chẳng bị dục nhiễm ô
Mới là bậc tịnh hạnh

[20]
Giác ngộ sanh là khổ
Từ đó diệt ý tham
Nhấc bỏ gánh nặng xuống
Mới là bậc tịnh hạnh

[21]
Thâm giải diệu trí tuệ
Biết rõ đường đúng sai
Liễu giải vô thượng nghĩa
Mới là bậc tịnh hạnh

[22]
Rời bỏ duyên gia đình
Xuất gia, không sợ hãi
Biết đủ chẳng mong cầu
Mới là bậc tịnh hạnh

[23]
Buông bỏ việc mưu sinh
Không khởi tâm giết hại
Chẳng gây phiền não sầu
Mới là bậc tịnh hạnh

[24]
Lánh tranh chẳng đua tranh
Bị phạm chẳng oán hờn
Ác đến thiện tiếp đãi
Mới là bậc tịnh hạnh

[25]
Diệt trừ tham sân si
Kiêu mạn các việc ác
Như rắn lột thay da
Mới là bậc tịnh hạnh

[26]
Đoạn tuyệt chuyện thế sự
Không thốt lời ác ôn
Quán sát Tám Chánh Đạo
Mới là bậc tịnh hạnh

[27]
Lành dữ đời ngợi khen
Dài ngắn hay lớn bé
Chẳng lấy cũng chẳng cho
Mới là bậc tịnh hạnh

[28]
Đời này gieo nhân sạch
Đời sau quả chẳng dơ
Không làm các điều ác
Mới là bậc tịnh hạnh

[29]
Xả bỏ tâm ỷ lại
Không học lời dị đoan
Pháp ác diệt trừ sạch
Mới là bậc tịnh hạnh

[30]
Nghiệp tội và phước báo
Cả hai đã vĩnh trừ
Vô ưu chẳng nhiễm trần
Mới là bậc tịnh hạnh

[31]
Tâm vui chẳng nhiễm trần
Sáng tròn như trăng rằm
Hủy báng đã trừ sạch
Mới là bậc tịnh hạnh

[32]
Thấy kẻ ngu đến đi
Rớt hào sâu chịu khổ
Muốn tự qua bờ kia
Không nên nghe tà thuyết
Diệt ác đừng khởi sanh
Mới là bậc tịnh hạnh

[33]
Ân ái đã đoạn trừ
Xuất gia lìa ái dục
Ái dục nếu trừ sạch
Mới là bậc tịnh hạnh

[34]
Lìa xa chốn đông người
Không tham hưởng phước trời
Chẳng nương các nơi đó
Mới là bậc tịnh hạnh

[35]
Yêu ghét ai xả bỏ
Tịch diệt ác chẳng sanh
Dũng mãnh đoạn sanh tử
Mới là bậc tịnh hạnh

[36]
Việc cần làm đã xong
Diệt độ chẳng còn sanh
Giác ngộ không chỗ nương
Mới là bậc tịnh hạnh

[37]
Đã ra khỏi năm đường
Chẳng còn đọa luân hồi
Trừ sạch mọi ác tập
Mới là bậc tịnh hạnh

[38]
Quá khứ cùng vị lai
Hiện tại không chấp trước
Chẳng buông cũng chẳng giữ
Mới là bậc tịnh hạnh

[39]
Tối hùng tối dũng mãnh
Có thể tự giải thoát
Giác ngộ chẳng lay động
Mới là bậc tịnh hạnh

[40]
Tự biết việc đời trước
Vốn từ nơi nào đến
Tận trừ gốc sanh tử
Thông triệt Đạo huyền thâm
Chiếu sáng như Năng Nhân
Mới là bậc tịnh hạnh

♦ PHẨM 36: TỊCH DIỆT

Phẩm Tịch Diệt có 36 bài kệ. Đại ý của phẩm này là thuyết giảng nơi đại quy y của Chánh Đạo, nơi tịch diệt vắng lặng, và nơi vượt khỏi sự sợ hãi của sanh tử.

[1]
Nhẫn nhục là đệ nhất
Tịch diệt là tối thượng
Xuất gia chẳng phạm giới
Tâm tịch không gì hại

[2]
Không bệnh là lợi nhất
Biết đủ là giàu nhất
Cốt nhục là thân nhất
Tịch diệt là vui nhất

[3]
Đói khát là hoạn nhất
Các hành là khổ nhất
Ai biết như thật ấy
Tịch diệt an vui nhất

[4]
Ít ai đến chốn lành
Phần nhiều đến nẻo ác
Ai biết như thật ấy
Tịch diệt an vui nhất

[5]
Do nhân sanh chốn lành
Do nhân sanh nẻo ác
Do nhân đắc tịch diệt
Còn duyên thì cũng thế

[6]
Nai sống nơi hoang dã
Chim bay giữa bầu trời
Vạn pháp do nhân duyên
Đạo Nhân về tịch diệt

[7]
Ngã có, vốn là không
Xưa có ngã, nay không
Chẳng không cũng chẳng có
Như nay chẳng thể được

[8]
Tâm tư rất khó thấy
Tập tánh có thể thấy
Những ai hiểu ái dục
Mới thấy rõ hoàn toàn
Dục lạc đã lìa xa
Khổ đau sẽ diệt trừ

[9]
Ái dục ai lưu luyến
Thống khổ chỉ tăng thêm
Tuệ minh ý chẳng nhiễm
Thanh tịnh khéo điều phục
Ái dục nếu chẳng gần
Khổ đau sẽ diệt trừ

[10]
Thấy như thật mà thấy
Nghe như thật mà nghe
Nhớ như thật mà nhớ
Biết như thật mà biết
Không chấp trước dù thấy
Cho đến biết cũng vậy
Mọi thứ đều buông xả
Khổ đau sẽ diệt trừ

[11]
Không thân, tưởng diệt trừ
Thống khổ được mát mẻ
Các hành vĩnh dừng nghỉ
Thức tưởng chẳng còn sanh
Khổ đau sẽ diệt trừ

[12]
Nhiễm ô tâm tạo tác
Thanh tịnh tâm vô vi
Dục lạc chớ có gần
Bởi nó chẳng an vui
Ái dục chẳng thân cận
Thì tâm sẽ vắng lặng
Khi tâm đã vắng lặng
Đến đi sẽ chẳng còn

[13]
Khi đến đi đoạn trừ
Sanh tử sẽ chẳng còn
Khi sanh tử đoạn trừ
Kia đây sẽ chẳng còn
Khi kia đây đoạn trừ
Tham trước sẽ chẳng còn
Khi tham trước diệt sạch
Khổ đau sẽ dứt trừ

[14]
Bhikṣu! Hễ có sanh
Tất sẽ có tạo tác
Vô sanh không còn hữu
Vô tác không chỗ hành

[15]
Chỉ ai được vô niệm
Mới đạt đến tịch diệt
Vô sanh không còn hữu
Vô tác không chỗ hành

[16]
Những ai còn tạo tác
Là chưa ngộ Pháp yếu
Nếu đã liễu vô sanh
Không hữu cũng không hành

[17]
Bởi hữu mà có sanh
Từ sanh hữu lại khởi
Do hành có sanh tử
Mở bày muôn nghiệp quả

[18]
Do ăn nhân duyên sanh
Do ăn có vui buồn
Việc đó ai diệt trừ
Chẳng còn vết của hành
Các khổ đã tận trừ
Hành diệt tâm an nhiên

[19]
Bhikṣu! Ta đã biết
Chẳng còn vào các Xứ
Không, Thức Vô Biên Xứ
Hay Vô Sở Hữu Xứ

[20]
Không vào Phi Phi Tưởng
Không đời này đời sau
Cũng không nhật nguyệt tưởng
Không đến cũng không đi

[21]
Ta đã không trở lại
Chẳng đi cũng chẳng đến
Chẳng chết cũng chẳng sanh
Đó là cảnh tịch diệt

[22]
Như thế không danh tướng
Vui buồn đã hiểu rõ
Cái thấy chẳng còn sợ
Vô nghi không lời nói

[23]
Bắn hạ mũi tên lậu
Si mê không chỗ nương
Đó là an lạc nhất
Đạo này tịch vô thượng

[24]
Tâm nhẫn như đại địa
Hành nhẫn như cánh cửa
Vô cấu như nước trong
Không còn thọ sanh tử

[25]
Thắng lợi chưa đủ nhờ
Tuy thắng vẫn còn khổ
Hãy tự cầu thắng Pháp
Đã thắng chẳng còn sanh

[26]
Nghiệp hết chẳng tạo mới
Nhàm thai không hành dâm
Hạt cháy chẳng còn sanh
Ý diệt như lửa tắt

[27]
Bào thai là biển dơ
Sao còn thích hành dâm?
Tuy có nơi thượng thiện
Đều chẳng bằng tịch diệt

[28]
Phải biết đoạn tất cả
Chẳng còn đắm thế gian
Buông xả mà diệt độ
Đây là Đạo tối thắng

[29]
Chánh Pháp Phật thuyết giảng
Trí dũng khéo phụng trì
Thanh tịnh không nhiễm ô
Tự biết vượt thế gian

[30]
Học Đạo trước lìa dục
Sớm trì Phật Kinh giới
Diệt trừ tất cả ác
Dễ như chim giữa trời

[31]
Nếu đã hiểu Pháp cú
Chí tâm tu Chánh Đạo
Là qua bờ sanh tử
Hết khổ chẳng hoạn nạn

[32]
Đạo Pháp chẳng lạ quen
Chẳng màng mạnh hay yếu
Chủ yếu trừ tâm nhiễm
Buông xả sẽ thanh tịnh

[33]
Thượng trí nhàm thân lậu
Mỏng manh không chân thật
Khổ nhiều mà vui ít
Chín lỗ đều bất tịnh

[34]
Trí chuyển nguy thành an
Bỏ tham thoát ách nạn
Thân rữa, tan như bọt
Tuệ kiến xả chẳng tham

[35]
Quán thân chứa toàn khổ
Sanh già bệnh đau đớn
Lìa cấu tu thanh tịnh
Mới được an vui lớn

[36]
Nương tuệ bỏ tà niệm
Lậu tận chẳng còn thọ
Tịnh tu vượt thế gian
Trời người thảy kính lễ

♦ PHẨM 37: SANH TỬ

Phẩm Sanh Tử có 18 bài kệ. Đại ý của phẩm này là nói rằng, con người khi chết, thần hồn sẽ tùy theo nghiệp mà chuyển sanh.

[1]
Mạng như trái tự chín
Luôn sợ bị rụng xuống
Có sanh ắt phải chết
Ai nào thoát miễn đâu?

[2]
Từ xưa thích ân ái
Do ái thọ bào thai
Mạng sống như điện chớp
Ngày đêm trôi chẳng ngừng

[3]
Thân là vật của chết
Thần thức vô hình tướng
Giả như chết rồi sanh
Tội phước vẫn chẳng mất

[4]
Thỉ chung đâu một đời
Do si ái dài lâu
Tự mình thọ vui khổ
Thân chết thức chẳng diệt

[5]
Thân bốn đại là sắc
Thức bốn uẩn là danh
Tình cảnh mười tám giới
Sanh khởi mười hai duyên

[6]
Thức nương chín cõi phàm
Sanh tử chẳng đoạn diệt
Thế gian ngu không nghe
Ám che vô thiên nhãn

[7]
Che lấp bởi ba độc
Không mắt thấy sai lầm
Cho chết như khi sanh
Hoặc chết là đoạn diệt

[8]
Thần thức tạo ba cõi
Lành dữ ở năm đường
Âm thầm lặng lẽ tới
Nơi đến như âm vang

[9]
Cõi dục, sắc, vô sắc
Đều do nhân đời trước
Như bóng hiện theo hình
Báo ứng tự nhiên đến

[10]
Thức lấy thân làm danh
Như lửa theo chất đốt
Dùng lửa mồi bó đuốc
Bốc cháy tùy cỏ than

[11]
Tâm khởi pháp cũng khởi
Tâm diệt pháp cũng diệt
Hưng suy như mưa đá
Lưu chuyển chẳng tự biết

[12]
Thần thức rong năm đường
Không nơi nào chẳng đến
Xả thân lại thọ thân
Như bánh lăn trên đất

[13]
Như người sống trong nhà
Một ngày rời nhà cũ
Thức lấy thân làm nhà
Thân hoại thức vẫn còn

[14]
Thần thức nương ở thân
Như chim núp trong lọ
Lọ vỡ chim sẻ bay
Thân hoại thức chuyển sanh

[15]
Si mê luôn nghĩ tịnh
Ái thân khởi hoài nghi
Vọng niệm chuyện phi pháp
Phật bảo là vô minh

[16]
Từ một triển chuyển hai
Ba độc năm uẩn rộng
Các biển mười ba sự
Ra khỏi đến an vui

[17]
Ba việc khi đứt hẳn
Hơi thở, hơi nóng, thức
Thì biết mạng chẳng còn
Bỏ thân mà chuyển sanh

[18]
Thây chết nằm trên đất
Vô tri như cỏ cây
Tư duy quán như thế
Chỉ ngu tham huyễn hóa

♦ PHẨM 38: ĐẠO LỢI

Phẩm Đạo Lợi có 20 bài kệ. Đại ý của phẩm này giảng về việc làm của bậc hiền minh, khai thị thiện đạo, và chỉ dẫn mọi người làm việc lành.

[1]
Ai biết phụng bậc trên
Đạo Nhân, vua, cha, thầy
Tín, giới, thí, văn, tuệ
Trọn đời mãi bình an

[2]
Đời trước tu phước đức
Khi sanh liền tôn quý
Lấy Đạo an thiên hạ
Trì Pháp người kính theo

[3]
Vua là chủ muôn dân
Luôn ban lòng từ ái
Đích thân trì Kinh giới
Dạy bảo điều đúng sai

[4]
Khi an chẳng quên nguy
Lo xa phước chuyển tăng
Báo ứng của phước đức
Chẳng kể sang với hèn

[5]
Chúa lãnh của thế gian
Tu thiện chẳng xảo ngụy
Điều tâm thắng tà ác
Như thế là minh quân

[6]
Chánh kiến khéo thí huệ
Nhân ái khéo lợi người
Lợi ích chia đồng đều
Như thế người cậy trông

[7]
Như bò gắng qua sông
Đúng hướng cả đàn nhờ
Phụng Pháp tâm chẳng tà
Như thế muôn người an

[8]
Chớ quấy nhiễu voi thần
Mà chuốc phải khổ đau
Ác ý sẽ giết mình
Chết không đến nơi lành

[9]
Giới đức khéo bảo hộ
Phước báo luôn tùy thân
Thấy Pháp làm nhân sư
Vĩnh xa ba đường ác

[10]
Giữ giới trừ hãi sợ
Phước đức ba cõi kính
Quỷ rồng tà độc hại
Không phạm ai trì giới

[11]
Bất nghĩa không thành tín
Lừa dối ưa đấu tranh
Phải biết lìa xa đó
Gần ngu tội tăng thêm

[12]
Hiền minh lời thành tín
Đa văn giới đầy đủ
Phải biết thân cận đó
Gần trí thiện tăng thêm

[13]
Nói khéo không trì giới
Ý loạn chẳng làm lành
Dù trú nơi vắng vẻ
Cũng không tu học Pháp

[14]
Lời chánh giáo đứng đầu
Lời Pháp nghĩa là hai
Lời từ ái là ba
Lời thành tín là bốn

[15]
Lời vô ích như dao
Sẽ dễ tổn thương mình
Kẻ ngu ưa nói dối
Tạo nghiệp chịu khổ đau

[16]
Tham dục sân hận si
Là ba nghiệp xấu ác
Hại mình với ba độc
Quả báo do ái sanh

[17]
Tu phước sanh trời người
Làm ác sanh đường dữ
Thánh nhân rõ quả báo
Nên luôn tu Pháp lành

[18]
Giới đức tu nghiệp lành
Phước báo luôn tùy thân
Trời người khen việc lành
Chánh tâm luôn an lạc

[19]
Làm ác chẳng thôi nghỉ
Thống khổ chẳng hối lỗi
Cuộc đời như dòng nước
Đáng sợ, hãy giữ giới

[20]
Đầu ta nay đã bạc
Dấu hiệu thời trẻ qua
Thiên sứ đến báo tin
Đến lúc phải xuất gia

♦ PHẨM 39: CÁT TƯỜNG

Phẩm Cát Tường có 19 bài kệ. Đại ý của phẩm này là thuyết giảng về sự tu hành. Nếu bỏ ác hướng thiện thì về sau sẽ được cát tường lớn lao.

[1]
Phật đức thắng chư thiên
Như Lai luôn thuyết Pháp
Có Phạm Chí đến hỏi
Điều gì cát tường nhất?

[2]
Bấy giờ Phật thương xót
Liền giảng Đạo chân thật
Tín thọ mến Chánh Pháp
Đó là cát tường nhất

[3]
Nếu không từ trời người
Hy vọng cầu may mắn
Cũng không cúng thờ thần
Đó là cát tường nhất

[4]
Bạn hiền, sống chốn lành
Thường nghĩ tích phước đức
Thân nghiệp luôn chân chánh
Đó là cát tường nhất

[5]
Lìa ác tu việc lành
Bỏ rượu biết tiết chế
Nữ sắc không tham đắm
Đó là cát tường nhất

[6]
Đa văn siêng trì giới
Kinh giới tinh tấn học
Tu thân không đua tranh
Đó là cát tường nhất

[7]
Hiếu thảo thờ mẹ cha
Lo lắng cho gia đình
Chẳng làm việc vô nghĩa
Đó là cát tường nhất

[8]
Không ngạo mạn tự đại
Luôn phản tỉnh biết đủ
Dành thời gian đọc Kinh
Đó là cát tường nhất

[9]
Lòng nhẫn việc không tốt
Vui muốn thấy Đạo Nhân
Nghe Pháp luôn tín thọ
Đó là cát tường nhất

[10]
Ăn chay tu tịnh hạnh
Luôn mong gặp thánh hiền
Thân cận bậc trí tuệ
Đó là cát tường nhất

[11]
Tín tâm nơi Chánh Đạo
Chánh ý không hoài nghi
Muốn thoát ba đường ác
Đó là cát tường nhất

[12]
Tâm bình đẳng bố thí
Phụng sự bậc đắc Đạo
Cũng kính hàng trời người
Đó là cát tường nhất

[13]
Luôn muốn lìa tham dục
Sân hận và si mê
Khéo tu thấy dấu Đạo
Đó là cát tường nhất

[14]
Nếu bỏ việc phi pháp
Siêng năng tu Chánh Đạo
Luôn làm việc nên làm
Đó là cát tường nhất

[15]
Tất cả vì thiên hạ
Kiến lập tâm đại từ
Tu thiện an chúng sanh
Đó là cát tường nhất

[16]
Muốn cầu phước cát tường
Hãy kính tin chư Phật
Muốn cầu phước cát tường
Hãy nghe Pháp cú nghĩa

[17]
Muốn cầu phước cát tường
Hãy cúng dường chư Tăng
Tịnh giới ai đầy đủ
Đó là cát tường nhất

[18]
Người trí sống thế gian
Luôn làm việc cát tường
Thành tựu chân trí tuệ
Đó là cát tường nhất

[19]
Phạm Chí nghe Phật dạy
Trong lòng rất vui mừng
Đảnh lễ sát chân Phật
Quy mạng Phật Pháp Tăng

Kinh Pháp Cú ♦ Hết quyển hạ

Kinh Pháp Cú với 423 bài kệ và hình vẽ minh hoạ

—o0o—

Xem Thêm:   Kinh Bảy Ức Phật Mẫu Tâm Đại Cundī Tổng Trì

Phẩm Song Yếu 

1. Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động,

Khổ não bước theo sau,

Như xe, chân vật kéo.

2. Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý thanh tịnh,

Nói lên hay hành động,

An lạc bước theo sau,

Như bóng, không rời hình.

3. Nó mắng tôi, đánh tôi,

Nó thắng tôi, cướp tôi 

Ai ôm hiềm hận ấy,

Hận thù không thể nguôi.

4. Nó mắng tôi, đánh tôi,

Nó thắng tôi, cướp tôi

Không ôm hiềm hận ấy,

Hận thù được tự nguôi.

5. Với hận diệt hận thù,

Ðời này không có được.

Không hận diệt hận thù,

Là định luật ngàn thu.

6. Và người khác không biết,

Chúng ta đây bị hại.

Chỗ ấy, ai hiểu được

Tranh luận được lắng êm.

7. Ai sống nhìn tịnh tướng,

Không hộ trì các căn,

ăn uống thiếu tiết độ,

biếng nhác, chẳng tinh cần.

Ma uy hiếp kẻ ấy,

như cây yếu trước gió.

8. Ai sống quán bất tịnh,

Khéo hộ trì các căn,

ăn uống có tiết độ,

Có lòng tin, tinh cần,

Ma không uy hiếp được,

Như núi đá, trước gió.

9. Ai mặc áo cà sa. [1]

tâm chưa rời uế trược,

không tự chế, không thực,

không xứng áo cà sa

10. Ai rời bỏ uế trược,

giới luật khéo nghiêm trì,

tự chế, sống chơn thực,

thật xứng áo cà sa.

11. Không chân, tưởng chân thật,

chân thật, thấy không chân:

Chúng không đạt chân thật,

do tà tư, tà hạnh.

12. Chân thật, biết chân thật,

Không chân, biết không chân:

Chúng đạt được chân thật,

do chánh tư, chánh hạnh.

13. Như mái nhà vụng lợp,

Mưa liền xâm nhập vào.

Cũng vậy tâm không tu,

Tham dục liền xâm nhập.

14. Như ngôi nhà khéo lợp,

Mưa không xâm nhập vào.

Cũng vậy tâm khéo tu,

Tham dục không xâm nhập.

15. Nay sầu, đời sau sầu,

Kẻ ác, hai đời sầu;

Nó sầu, nó ưu não,

Thấy nghiệp uế mình làm.

16. Nay vui, đời sau vui,

Làm phước, hai đời vui,

Nó vui, nó an vui,

Thấy nghiệp tịnh mình làm.

17. Nay than, đời sau than,

Kẻ ác, hai đời than,

Nó than: ‘Ta làm ác’

Ðọa cõi dữ, than hơn.

18. Nay sướng, đời sau sướng ,

Làm phước, hai đời sướng.

Nó sướng: ‘Ta làm thiện’,

Sanh cõi lành, sướng hơn.

19. Nếu người nói nhiều kinh,

Không hành trì, phóng dật;

Như kẻ chăn bò người,

Không phần Sa môn hạnh.

20. Dầu nói ít kinh điển,

Nhưng hành pháp, tùy pháp,

Từ bỏ tham, sân, si,

Tĩnh giác, tâm giải thoát,

Không chấp thủ hai đời,

Dự phần Sa môn hạnh.

Chú thích: [1] Áo màu vàng, chỉ bậc xuất gia.

—o0o—

2. Phẩm Không Phóng Dật

21. Không phóng dật, đường sống,

Phóng dật là đường chết.

Không phóng dật, không chết,

Phóng dật như chết rồi.

22. Biết rõ sai biệt ấy,

Người trí không phóng dật,

Hoan hỷ, không phóng dật,

An vui hạnh bậc Thánh.

23. Người hằng tu thiền định,

Thường kiên trì tinh tấn.

Bậc trí hưởng Niết Bàn,

Ðạt an tịnh vô thượng.

24. Nỗ lực, giữ chánh niệm,

Tịnh hạnh, hành thận trọng

Tự điều, sống theo pháp

,Ai sống không phóng dật,

Tiếng lành ngày tăng trưởng.

25. Nỗ lực, không phóng dật,

Tự điều, khéo chế ngự.

Bậc trí xây hòn đảo,

Nước lụt khó ngập tràn.

26. Chúng ngu si, thiếu trí,

Chuyên sống đời phóng dật.

Người trí, không phóng dật,

Như giữ tài sản quý.

27. Chớ sống đời phóng dật,

Chớ mê say dục lạc.

Không phóng dật, thiền định,

Ðạt được an lạc lớn.

28. Người trí dẹp phóng dật,

Với hạnh không phóng dật,

Leo lầu cao trí tuệ,

Không sầu, nhìn khổ sầu,

Bậc trí đứng núi cao,

Nhìn kẻ ngu, đất bằng.

29. Tinh cần giữa phóng dật,

Tỉnh thức giữa quần mê.

Người trí như ngựa phi,

Bỏ sau con ngựa hèn.

30. Ðế Thích [1] không phóng dật,

Ðạt ngôi vị Thiên chủ.

Không phóng dật, được khen ;

Phóng dật, thường bị trách.

31. Vui thích không phóng dật,

Tỷ kheo sợ phóng dật,

Bước tới như lửa hừng,

Thiêu kiết sử lớn nhỏ.

32. Vui thích không phóng dật,

Tỷ kheo sợ phóng dật,

Không thể bị thối đọa,

Nhất định gần Niết Bàn.

Chú thích:

[1] Ðế Thích: Magha (Manavaka), vị lãnh đạo chư Thiên

—o0o—

3. Phẩm Tâm

33. Tâm hoảng hốt giao động,Khó hộ trì, khó nhiếp,Người trí làm tâm thẳng,Như thợ tên, làm tên.

34. Như cá quăng lên bờ,Vất ra ngoài thủy giới;Tâm này vùng vẫy mạnh,Hãy đoạn thế lực Ma.

35. Khó nắm giữ, khinh động,Theo các dục quay cuồng.Lành thay, điều phục tâm;Tâm điều, an lạc đến.

36. Tâm khó thấy, tế nhị,Theo các dục quay cuồng.Người trí phòng hộ tâm,Tâm hộ, an lạc đến.

37. Chạy xa, sống một mình,Không thân, ẩn hang sâu [1]Ai điều phục được tâm,Thoát khỏi Ma trói buộc. [2]

38. Ai tâm không an trú,Không biết chân diệu pháp,Tịnh tín bị rúng động,Trí tuệ không viên thành.

39. Tâm không đầy tràn dục,Tâm không (hận) công phá,Ðoạn tuyệt mọi thiện ác,Kẻ tỉnh không sợ hãi.

40. Biết thân như đồ gốm,Trú tâm như thành trì,Chống Ma với gươm trí ;Giữ chiến thắng [3] không tham [4]

41. Không bao lâu thân này,Sẽ nằm dài trên đất,Bị vất bỏ, vô thức,Như khúc cây vô dụng.

42. Kẻ thù hại kẻ thù,Oan gia hại oan gia,Không bằng tâm hướng tà, [5]Gây ác cho tự thân.

43. Ðiều mẹ cha bà con,Không có thể làm được,Tâm hướng chánh làm đượcLàm được tốt đẹp hơn.

Chú thích:[1] Trú xứ của Thức

[2] Dục giới, sắc giới, vô sắc giới

[3] Tức là quán (vipassana) mới chứng được.

[4] Ðối với các thiền mới chứng

[5] Hướng về 10 pháp bất thiện như sát sanh v.v…

—o0o—

4. Phẩm Hoa

44. “Ai chinh phục đất nàyDạ ma, Thiên giới này?Ai khéo giảng Pháp cú,Như người khéo hái hoa?”

 

45. “Hữu học chinh phục đất,Dạ ma, Thiên giới này.Hữu học giảng Pháp cú,Như người khéo hái hoa.”

 

46. “Biết thân như bọt nước,Ngộ thân là như huyễn,Bẻ tên hoa của ma,Vượt tầm mắt thần chết.”

 

47. “Người nhặt các loại hoa,Ý đắm say, tham nhiễm,Bị thần chết mang đi,Như lụt trôi làng ngủ.”

 

48.Người nhặt các loại hoa,Ý đắm say tham nhiễm,Các dục chưa thỏa mãn,Ðã bị chết chinh phục.”

 

49. “Như ong đến với hoa,Không hại sắc và hương,Che chở hoa, lấy nhụy.Bậc Thánh đi vào làng “.

 

50. “Không nên nhìn lỗi người,Người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình.Có làm hay không làm.”

 

51. “Như bông hoa tươi đẹp,Có sắc nhưng không hương.Cũng vậy, lời khéo nói,Không làm, không kết quả.”

 

52. “Như bông hoa tươi đẹp,Có sắc lại thêm hương;Cũng vậy, lời khéo nói,Có làm, có kết quả.”

 

53. “Như từ một đống hoa,Nhiều tràng hoa được làm. Cũng vậy, thân sanh tử, Phải làm nhiều việc lành.”

 

54. “Hương các loại hoa thơmKhông ngược bay chiều gióNhưng hương người đức hạnh – Ngược gió khắp tung bay – Chỉ có bậc chân nhân – Tỏa khắp mọi phương trời.”

 

55. “Hoa chiên đàn, già la,Hoa sen, hoa vũ quý,Giữa những hương hoa ấy,Giới hương là vô thượng.”

 

56. “Ít giá trị hương này,Hương già la, chiên đàn;Chỉ hương người đức hạnh,Tối thượng tỏa Thiên giới.”

 

57. “Nhưng ai có giới hạnh, An trú không phóng dật, Chánh trí, chơn giải thoát, Ác ma không thấy đường.”

 

58. “Như giữa đống rác nhớp, Quăng bỏ trên đường lớn,Chỗ ấy hoa sen nở, Thơm sạch, đẹp ý người.”

 

59. “Cũng vậy giữa quần sanh,Uế nhiễm, mù, phàm tục,Ðệ tử bậc Chánh Giác,Sáng ngời với Tuệ Trí.”

—o0o—

5. Phẩm Ngu

60. “Ðêm dài cho kẻ thức,Ðường dài cho kẻ mệt,Luân hồi dài, kẻ ngu,Không biết chơn diệu pháp.”

 

61. “Tìm không được bạn đường,Hơn mình hay bằng mình,Thà quyết sống một mình,Không bè bạn kẻ ngu.”

 

62. “Con tôi, tài sản tôi,Người ngu sanh ưu não,Tự ta, ta không có,Con đâu, tài sản đâu.”

 

63. “Người ngu nghĩ mình ngu,Nhờ vậy thành có trí.Người ngu tưởng có trí,Thật xứng gọi chí ngu.”

 

64. “Người ngu, dầu trọn đời,Thân cận người có trí,Không biết được Chánh pháp,Như muỗng với vị canh.”

 

65. “Người trí, dầu một khắc,Thân cận người có trí,Biết ngay chân diệu pháp,Như lưỡi với vị canh.”

 

66. “Người ngu si thiếu trí,Tự ngã thành kẻ thù.Làm các nghiệp không thiện,Phải chịu quả đắng cay.”

 

67. “Nghiệp làm không chánh thiện,Làm rồi sanh ăn năn,Mặt nhuốm lệ, khóc than,Lãnh chịu quả dị thục.”

 

68. “Và nghiệp làm chánh thiện,Làm rồi không ăn năn,Hoan hỷ, ý đẹp lòng,Hưởng thọ quả dị thục.”

 

69. “Người ngu nghĩ là ngọt,Khi ác chưa chín muồi;Ác nghiệp chín muồi rồi,Người ngu chịu khổ đau.”

 

70. “Tháng tháng với ngọn cỏ,Người ngu có ăn uốngKhông bằng phần mười sáuNgười hiểu pháp hữu vi.”

 

71. “Nghiệp ác đã được làm,Như sữa, không đông ngay,Cháy ngầm theo kẻ ngu,Như lửa tro che đậy.”

 

72. “Tự nó chịu bất hạnh,Khi danh đến kẻ ngu.Vận may bị tổn hại,Ðầu nó bị nát tan.”

 

73. “Ưa danh không tương xứng,Muốn ngồi trước tỷ kheo,Ưa quyền tại tịnh xá,Muốn mọi người lễ kính.”

 

74. “Mong cả hai tăng, tục,Nghĩ rằng (chính ta làm).Trong mọi việc lớn nhỏ,Phải theo mệnh lệnh ta ”Người ngu nghĩ như vậyDục và mạn tăng trưởng.

 

75. “Khác thay duyên thế lợi,Khác thay đường Niết Bàn.Tỷ kheo, đệ tử Phật,Hãy như vậy thắng tri.Chớ ưa thích cung kính,Hãy tu hạnh viễn ly.”

 

—o0o—

6 – Phẩm Hiền Trí

76. “Nếu thấy bậc hiền trí,Chỉ lỗi và khiển trách,Như chỉ chỗ chôn vàngHãy thân cận người trí!Thân cận người như vậy,Chỉ tốt hơn, không xấu.”

 

77. “Những người hay khuyên dạy,Ngăn người khác làm ác,Ðược người hiền kính yêu,Bị người ác không thích.”

 

78. “Chớ thân với bạn ác,Chớ thân kẻ tiểu nhân.Hãy thân người bạn lành,Hãy thân bậc thượng nhân.”

 

79. “Pháp hỷ đem an lạc,Với tâm tư thuần tịnh;Người trí thường hoan hỷ,Với pháp bậc Thánh thuyết.”

 

80. “Người trị thủy dẫn nước,Kẻ làm tên nắn tên,Người thợ mộc uốn gỗ,Bậc trí nhiếp tự thân.”

 

81. “Như đá tảng kiên cố,Không gió nào giao động,Cũng vậy, giữa khen chê,Người trí không giao động.”

 

82. “Như hồ nước sâu thẳm,Trong sáng, không khuấy đục,Cũng vậy, nghe chánh pháp,Người trí hưởng tịnh lạc.”

 

83. “Người hiền bỏ tất cả,Người lành không bàn dục,Dầu cảm thọ lạc khổ,Bậc trí không vui buồn.”

 

84. “Không vì mình, vì người.Không cầu được con cái,Không tài sản quốc độ,Không cầu mình thành tựu,Với việc làm phi pháp.Vị ấy thật trì giới,Có trí tuệ, đúng pháp.”

 

85. “Ít người giữa nhân loại,Ðến được bờ bên kiaCòn số người còn lại,Xuôi ngược chạy bờ này.”

 

86. “Những ai hành trì pháp,Theo chánh pháp khéo dạy,Sẽ đến bờ bên kia,Vượt ma lực khó thoát.”

 

87.Kẻ trí bỏ pháp đen,Tu tập theo pháp trắng.Bỏ nhà, sống không nhà,Sống viễn ly khổ lạc.”

 

88. “Hãy cầu vui Niết Bàn,Bỏ dục, không sở hữu,Kẻ trí tự rửa sạch,Cấu uế từ nội tâm.”

 

89. “Những ai với chánh tâm,Khéo tu tập giác chi,Từ bỏ mọi ái nhiễm,Hoan hỷ không chấp thủ.Không lậu hoặc, sáng chói,Sống tịch tịnh ở đời.”

 

—o0o—

Phẩm A La Hán

90. “Ðích đã đến, không sầu,

Giải thoát ngoài tất cả,

Ðoạn trừ mọi buộc ràng,

Vị ấy không nhiệt não.”

 

91. “Tự sách tấn, chánh niệm,Không thích cư xá nào,Như ngỗng trời rời ao,Bỏ sau mọi trú ẩn.”

 

92. “Tài sản không chất chứa,Ăn uống biết liễu tri,Tự tại trong hành xứ,“Không vô tướng, giải thoát, ”Như chim giữa hư không,Hướng chúng đi khó tìm.”

 

93. “Ai lậu hoặc đoạn sạch,Ăn uống không tham đắm,Tự tại trong hành xứ,“Không, vô tướng giải thoát. ”Như chim giữa hư không,Dấu chân thật khó tìm. ”

 

94. “Ai nhiếp phục các căn,Như đánh xe điều ngự,Mạn trừ, lậu hoặc dứt,Người vậy, Chư Thiên mến.”

 

95. “Như đất, không hiềm hận,Như cột trụ, kiên trì,Như hồ, không bùn nhơ,Không luân hồi, vị ấy.”

 

96. “Người tâm ý an tịnh,Lời an, nghiệp cũng an,Chánh trí, chơn giải thoát,Tịnh lạc là vị ấy.”

 

97. “Không tin, hiểu vô vi.Người cắt mọi hệ lụyCơ hội tận, xả lyVị ấy thật tối thượng.”

 

98. “Làng mạc hay rừng núiThung lũng hay đồi cao,La Hán trú chỗ nào,Ðất ấy thật khả ái “.

 

99. “Khả ái thay núi rừng,Chỗ người phàm không ưa,Vị ly tham ưa thích,Vì không tìm dục lạc.”

 

—o0o—-

Phẩm Ngàn

100. “Dầu nói ngàn ngàn lời,Nhưng không gì lợi ích,Tốt hơn một câu nghĩa,Nghe xong, được tịnh lạc.”

 

101. “Dầu nói ngàn câu kệNhưng không gì lợi ích,Tốt hơn nói một câu,Nghe xong, được tịnh lạc.”

 

102 “Dầu nói trăm câu kệNhưng không gì lợi ích,Tốt hơn một câu pháp,Nghe xong, được tịnh lạc.”

 

103. “Dầu tại bãi chiến trườngThắng ngàn ngàn quân địch,Tự thắng mình tốt hơn,Thật chiến thắng tối thượng.”

 

104. “Tự thắng, tốt đẹp hơn,Hơn chiến thắng người khác.Người khéo điều phục mình,Thường sống tự chế ngự.”

 

105. “Dầu Thiên Thần, Thát Bà,Dầu Ma vương, Phạm ThiênKhông ai chiến thắng nổi,Người tự thắng như vậy.”

 

106. “Tháng tháng bỏ ngàn vàng,Tế tự cả trăm năm,Chẳng bằng trong giây lát,Cúng dường bậc tự tu.Cùng dường vậy tốt hơn,Hơn trăm năm tế tự.”

 

107. “Dầu trải một trăm năm,Thờ lửa tại rừng sâu,Chẳng bằng trong giây lát,Cúng dường bậc tự tu.Cúng dường vậy tốt hơn,Hơn trăm năm tế tự.”

 

108. “Suốt năm cúng tế vật,Ðể cầu phước ở đời.Không bằng một phần tưKính lễ bậc chánh trực.”

 

109. “Thường tôn trọng, kính lễBậc kỳ lão trưởng thượng,Bốn pháp được tăng trưởng:Thọ, sắc, lạc, sức mạnh.”

 

110.Dầu sống một trăm nămÁc giới, không thiền định,Tốt hơn sống một ngày,Trì giới, tu thiền định.”

 

111. “Ai sống một trăm năm,Ác tuệ, không thiền định.Tốt hơn sống một ngày,Có tuệ, tu thiền định.”

 

112 “Ai sống một trăm năm,Lười nhác không tinh tấn,Tốt hơn sống một ngàyTinh tấn tận sức mình.”

 

113. “Ai sống một trăm năm,Không thấy pháp sinh diệt,Tốt hơn sống một ngày,Thấy được pháp sinh diệt.”

 

114. “Ai sống một trăm năm,Không thấy câu bất tử,Tốt hơn sống một ngày,Thấy được câu bất tử.”

 

115. “Ai sống một trăm năm,Không thấy pháp tối thượng,Tốt hơn sống một ngày,Thấy được pháp tối thượng.”

 

—o0o—

Phẩm Ác

116. “Hãy gấp làm điều lành,Ngăn tâm làm điều ác.Ai chậm làm việc lành,Ý ưa thích việc ác.”

 

117. “Nếu người làm điều ác,Chớ tiếp tục làm thêm.Chớ ước muốn điều ác,Chứa ác, tất chịu khổ.”

 

118. “Nếu người làm điều thiện,Nên tiếp tục làm thêm.Hãy ước muốn điều thiện,Chứa thiện, được an lạc.”

 

119. “Người ác thấy là hiền.Khi ác chưa chín muồi,Khi ác nghiệp chín muồi,Người ác mới thấy ác.”

 

120. “Người hiền thấy là ác,Khi thiện chưa chín muồi.Khi thiện được chín muồi,Người hiền thấy là thiện.”

 

121. “Chớ chê khinh điều ác,Cho rằng “chưa đến mình “,Như nước nhỏ từng giọt,Rồi bình cũng đầy tràn.Người ngu chứa đầy ácDo chất chứa dần dần.”

 

122. “Chớ chê khinh điều thiệnCho rằng “Chưa đến mình, ”Như nước nhỏ từng giọt,Rồi bình cũng đầy tràn.Người trí chứa đầy thiện,Do chất chứa dần dần.”

 

123. “Ít bạn đường, nhiều tiền,Người buôn tránh đường hiểm.Muốn sống, tránh thuốc độc,Hãy tránh ác như vậy.”

 

124. “Bàn tay không thương tích,Có thể cầm thuốc độc.Không thương tích, tránh độc,Không làm, không có ác.”

 

125. “Hại người không ác tâm,Người thanh tịnh, không uế,Tội ác đến kẻ ngu,Như ngược gió tung bụi.”

 

126. “Một số sinh bào thai,Kẻ ác sinh địa ngục,Người thiện lên cõi trời,Vô lậu chứng Niết Bàn.”

 

127. “Không trên trời, giữa biển,Không lánh vào động núi,Không chỗ nào trên đời,Trốn được quả ác nghiệp.”

 

128. “Không trên trời, giữa biển,Không lánh vào động núi,Không chỗ nào trên đời,Trốn khỏi tay thần chết.”

 

—o0o—

Phẩm Hình Phạt

129. “Mọi người sợ hình phạt,Mọi người sợ tử vong.Lấy mình làm ví dụKhông giết, không bảo giết.”

 

130. “Mọi người sợ hình phạt,Mọi người thích sống còn;Lấy mình làm ví dụ,Không giết, không bảo giết.”

 

131. “Chúng sanh cầu an lạc,Ai dùng trượng hại người,Ðể tìm lạc cho mình,Ðời sau không được lạc.”

 

132. “Chúng sanh cầu an lạc,Không dùng trượng hại người,Ðể tìm lạc cho mình,Ðời sau được hưởng lạc.”

 

133. “Chớ nói lời ác độc,Nói ác, bị nói lại,Khổ thay lời phẩn nộ,Ðao trượng phản chạm mình.”

 

134. “Nếu tự mình yên lặng,Như chiếc chuông bị bể.Ngươi đã chứng Niết BànNgươi không còn phẩn nộ.”

 

135. “Với gậy người chăn bò,Lùa bò ra bãi cỏ;Cũng vậy, già và chết,Lùa người đến mạng chung.”

 

136. “Người ngu làm điều ác,Không ý thức việc làm.Do tự nghiệp, người nguBị nung nấu, như lửa.”

 

137. “Dùng trượng phạt không trượng,Làm ác người không ác.Trong mười loại khổ đau,Chịu gấp một loại khổ.”

 

138. “Hoặc khổ thọ khốc liệt,Thân thể bị thương vong,Hoặc thọ bệnh kịch liệt,Hay loạn ý tán tâm.”

 

139. “Hoặc tai họa từ vua,Hay bị vu trọng tội;Bà con phải ly tán,Tài sản bị nát tan.”

 

140. “Hoặc phòng ốc nhà cửaBị hỏa tai thiêu đốt.Khi thân hoại mạng chung,Ác tuệ sanh địa ngục.”

 

141. “Không phải sống lõa thểBện tóc, tro trét mình,Tuyệt thực, lăn trên đất,Sống nhớp, siêng ngồi xổm,Làm con người được sạch,Nếu không trừ nghi hoặc.”

 

142 “Ai sống tự trang sức,Nhưng an tịnh, nhiếp phục,Sống kiên trì, phạm hạnh,Không hại mọi sinh linh,Vị ấy là phạm chí,Hay sa môn, khất sĩ.”

 

143. “Thật khó tìm ở đời,Người biết thẹn, tự chế,Biết tránh né chỉ tríchNhư ngựa hiền tránh roi.”

 

144. “Như ngựa hiền chạm roi,Hãy nhiệt tâm, hăng hái,Với tín, giới, tinh tấn,Thiền định cùng trạch pháp.Minh hạnh đủ, chánh niệm, Ðoạn khổ này vô lượng.”

 

145. “Người trị thủy dẫn nước,Kẻ làm tên nắn tên,Người thợ mộc uốn ván,Bậc tự điều, điều thân.”

 

—o0o—

Phẩm Già

146. “Cười gì, hân hoan gì,Khi đời mãi bị thiêu?Bị tối tăm bao trùm,Sao không tìm ngọn đèn?”

 

147. “Hãy xem bong bóng đẹp,Chỗ chất chứa vết thương,Bệnh hoạn nhiều suy tư,Thật không gì trường cửu.”

 

148. “Sắc này bị suy già,Ổ tật bệnh, mỏng manh,Nhóm bất tịnh, đỗ vỡ,Chết chấm dứt mạng sống.”

 

149. “Như trái bầu mù thu,Bị vất bỏ quăng đi,Nhóm xương trắng bồ câu,Thấy chúng còn vui gì?”

 

150. “Thành này làm bằng xương,Quét tô bằng thịt máu,Ở đây già và chết,Mạn, lừa đảo chất chứa.”

 

151. “Xe vua đẹp cũng già.Thân này rồi sẽ già,Pháp bậc thiện, không già.Như vậy bậc chí thiệnNói lên cho bậc thiện.”

 

152. “Người ít nghe kém học,Lớn già như trâu đực.Thịt nó tuy lớn lên,Nhưng tuệ không tăng trưởng.”

 

153. “Lang thang bao kiếp sốngTa tìm nhưng chẳng gặp,Người xây dựng nhà này,Khổ thay, phải tái sanh.”

 

154. “Ôi! Người làm nhà kiaNay ta đã thấy ngươi!Ngươi không làm nhà nữa.Ðòn tay ngươi bị gẫy,Kèo cột ngươi bị tanTâm ta đạt tịch diệt,Tham ái thảy tiêu vong.”

 

155. “Lúc trẻ, không phạm hạnh,Không tìm kiếm bạc tiền.Như cò già bên ao,Ủ rũ, không tôm cá.”

 

156. “Lúc trẻ không phạm hạnh,Không tìm kiếm bạc tiền;Như cây cung bị gẫy,Thở than những ngày qua.”

 

—o0o—Phẩm Tự Ngã—o0o—

157. “Nếu biết yêu tự ngã,Phải khéo bảo vệ mình,Người trí trong ba canh,Phải luôn luôn tỉnh thức.”

 

158. “Trước hết tự đặt mình,Vào những gì thích đáng.Sau mới giáo hóa người,Người trí khỏi bị nhiễm.”

 

159. “Hãy tự làm cho mình,Như điều mình dạy người.Khéo tự điều, điều người,Khó thay, tự điều phục!”

 

160. “Tự mình y chỉ mình,Nào có y chỉ khác.Nhờ khéo điều phục mình,Ðược y chỉ khó được.”

 

161. “Ðiều ác tự mình làm,Tự mình sanh, mình tạo.Nghiền nát kẻ ngu si,Như kim cương, ngọc báu.”

 

162. “Phá giới quá trầm trọng,Như dây leo bám câyGieo hại cho tự thân,Như kẻ thù mong ước.”

 

163. “Dễ làm các điều ác,Dễ làm tự hại mình.Còn việc lành, việc tốt,Thật tối thượng khó làm.”

 

164. “Kẻ ngu si miệt thị,Giáo pháp bậc La Hán,Bậc Thánh, bậc chánh mạng.Chính do ác kiến này,Như quả loại cây lauMang quả tự hoại diệt.”

 

165. “Tự mình, làm điều ác,Tự mình làm nhiễm ô,Tự mình không làm ác,Tự mình làm thanh tịnh.Tịnh, không tịnh tự mình,Không ai thanh tịnh ai!”

 

166. “Chớ theo pháp hạ liệt.Chớ sống mặc, buông lung;Chớ tin theo tà kiến,Chớ tăng trưởng tục trần.”

 

—o0o—Phẩm Thế Gian—o0o—167. “Dầu lợi người bao nhiêu,Chớ quên phần tư lợi,Nhờ thắng trí tư lợi.Hãy chuyên tâm lợi mình.”

 

168. “Nỗ lực, chớ phóng dật!Hãy sống theo chánh hạnh;Người chánh hạnh hưởng lạc,Cả đời này, đời sau.”

 

169. “Hãy khéo sống chánh hạnh,Chớ sống theo tà hạnh!Người chánh hạnh hưởng lạc,Cả đời này, đời sau.”

 

170. “Hãy nhìn như bọt nước,Hãy nhìn như cảnh huyễn!Quán nhìn đời như vậy,Thần chết không bắt gặp.”

 

171. “Hãy đến nhìn đời này,Như xe vua lộng lẫy,Người ngu mới tham đắm,Kẻ trí nào đắm say.”

 

172. “Ai sống trước buông lung,Sau sống không phóng dật,Chói sáng rực đời này.Như trăng thoát mây che.”

 

173. “Ai dùng các hạnh lành,Làm xóa mờ nghiệp ác,Chói sáng rực đời này,Như trăng thoát mây che.”

 

174. “Ðời này thật mù quáng,Ít kẻ thấy rõ ràng.Như chim thoát khỏi lưới,Rất ít đi thiên giới.”

 

175. “Như chim thiên nga bay,Thần thông liệng giữa trời;Chiến thắng ma, ma quân,Kẻ trí thoát đời này.”

 

176. “Ai vi phạm một pháp,Ai nói lời vọng ngữ,Ai bác bỏ đời sau,Không ác nào không làm.”

 

177. “Keo kiết không sanh thiên,Kẻ ngu ghét bố thí,Người trí thích bố thí,Ðời sau, được hưởng lạc.”

 

178. “Hơn thống lãnh cõi đất,Hơn được sanh cõi trời,Hơn chủ trì vũ trụ,Quả Dự Lưu tối thắng.”

 

—o0o—

Phẩm Phật Đà

179. “Vị chiến thắng không bại,Vị bước đi trên đời,Không dấu tích chiến thắng,Phật giới rộng mênh mông,Ai dùng chân theo dõiBậc không để dấu tích?”

 

180. “Ai giải tỏa lưới tham,Ái phược hết dắt dẫn,Phật giới rộng mênh mông,Ai dùng chân theo dõi,Bậc không để dấu tích?”

 

181. “Người trí chuyên thiền định,Thích an tịnh viễn ly,Chư thiên đều ái kính,Bậc chánh giác, chánh niệm.”

 

182. “Khó thay, được làm người,Khó thay, được sống còn,Khó thay, nghe diệu pháp,Khó thay, Phật ra đời!”

 

183. “Không làm mọi điều ác.Thành tựu các hạnh lành,Tâm ý giữ trong sạch,Chính lời chư Phật dạy.”

 

184. “Chư Phật thường giảng dạy;Nhẫn, khổ hạnh tối thượng,Niết bàn, quả tối thượng;Xuất gia không phá người;Sa môn không hại người.”

 

185. “Không phỉ báng, phá hoại,Hộ trì giới căn bản,Ăn uống có tiết độ,Sàng tọa chỗ nhàn tịnhChuyên chú tăng thượng tâm,Chính lời chư Phật dạy.”

 

186. “Dầu mưa bằng tiền vàng,Các dục khó thỏa mãn.Dục đắng nhiều ngọt ít,Biết vậy là bậc trí.”

 

187. “Ðệ tử bậc chánh giác,Không tìm cầu dục lạc,Dầu là dục chư thiên,Chỉ ưa thích ái diệt.”

 

188. “Loài người sợ hoảng hốt,Tìm nhiều chỗ quy y,Hoặc rừng rậm, núi non,Hoặc vườn cây, đền tháp.”

 

189. “Quy y ấy không ổn,Không quy y tối thượng.Quy y các chỗ ấy,Không thoát mọi khổ đau.”

 

190. “Ai quy y Ðức Phật,Chánh pháp và chư tăng,Ai dùng chánh tri kiến,Thấy được bốn Thánh đế.”

 

191. “Thấy khổ và khổ tập,Thấy sự khổ vượt qua,Thấy đường Thánh tám ngành,Ðưa đến khổ não tận.”

 

192. “Thật quy y an ổn,Thật quy y tối thượng,Có quy y như vậy,Mới thoát mọi khổ đau.”

 

193. “Khó gặp bậc thánh nhơn,Không phải đâu cũng có.Chỗ nào bậc trí sanh,Gia đình tất an lạc.”

 

194. “Vui thay, Phật ra đời!Vui thay, Pháp được giảng!Vui thay, Tăng hòa hợp!Hòa hợp tu, vui thay!”

 

195. “Cúng dường bậc đáng cúng,Chư Phật hoặc đệ tử,Các bậc vượt hý luận,Ðoạn diệt mọi sầu bi.”

 

196. “Cúng dường bậc như vậy,Tịch tịnh, không sợ hãi,Các công đức như vậy,Không ai ước lường được.”

 

—o0o—

Phẩm An Lạc

197. “Vui thay, chúng ta sống,Không hận, giữa hận thù!Giữa những người thù hận,Ta sống, không hận thù!”

 

198. “Vui thay, chúng ta sống,Không bệnh, giữa ốm đau!Giữa những người bệnh hoạn,Ta sống, không ốm đau.”

 

199. “Vui thay, chúng ta sống,Không rộn giữa rộn ràng;Giữa những người rộn ràng,Ta sống, không rộn ràng.”

 

200. “Vui thay chúng ta sống,Không gì, gọi của ta.Ta sẽ hưởng hỷ lạc,Như chư thiên Quang Âm.”

 

201. “Chiến thắng sinh thù oán,Thất bại chịu khổ đau,Sống tịch tịnh an lạc.Bỏ sau mọi thắng bại.”

 

202. “Lửa nào sánh lửa tham?Ác nào bằng sân hận?Khổ nào sánh khổ uẩn,Lạc nào bằng tịnh lạc.”

 

203. “Ðói ăn, bệnh tối thượng,Các hành, khổ tối thượng,Hiểu như thực là vậy,Niết Bàn, lạc tối thượng.”

 

204 “Không bệnh, lợi tối thượng,Biết đủ, tiền tối thượng,Thành tín đối với nhau,Là bà con tối thượng.Niết Bàn, lạc tối thượng.”

 

205. “Ðã nếm vị độc cư,Ðược hưởng vị nhàn tịnh,Không sợ hải, không ác,Nếm được vị pháp hỷ.”

 

206. “Lành thay, thấy thánh nhân,Sống chung thường hưởng lạc.Không thấy những người ngu,Thường thường được an lạc.”

 

207. “Sống chung với người ngu,Lâu dài bị lo buồn.Khổ thay gần người ngu,Như thường sống kẻ thù.Vui thay, gần người trí,Như chung sống bà con.”

 

208. “Bậc hiền sĩ, trí tuệBậc nghe nhiều, trì giới,Bậc tự chế, Thánh nhân;Hãy gần gũi, thân cậnThiện nhân, trí giả ấy,Như trăng theo đường sao.”

 

—o0o—

Phẩm Hỷ Ái

209. “Tự chuyên, không đáng chuyênKhông chuyên, việc đáng chuyên.Bỏ đích, theo hỷ ái,Ganh tị bậc tự chuyên.”

 

210. “Chớ gần gũi người yêu,Trọn đời xa kẻ ghét.Yêu không gặp là khổ,Oán phải gặp cũng đau.”

 

211. “Do vậy chớ yêu ai,Ái biệt ly là ác;Những ai không yêu ghét,Không thể có buộc ràng.”

 

212. “Do ái sinh sầu ưu,Do ái sinh sợ hãi,Ai thoát khỏi tham ái,Không sầu, đâu sợ hãi?”

 

213. “Ái luyến sinh sầu ưu,Ái luyến sinh sợ hãi.Ai giải thoát ái luyếnKhông sầu, đâu sợ hãi?”

 

214. “Hỷ ái sinh sầu ưu,Hỷ ái sinh sợ hãi.Ai giải thoát hỷ ái,Không sầu, đâu sợ hãi?

 

215. “Dục ái sinh sầu ưu,Dục ái sinh sợ hãi,Ai thoát khỏi dục ái,Không sầu, đâu sợ hãi?”

 

216. “Tham ái sinh sầu ưu,Tham ái sinh sợ hãi.Ai thoát khỏi tham ái,Không sầu, đâu sợ hãi.”

 

217. “Ðủ giới đức, chánh kiến;Trú pháp, chứng chân lý,Tự làm công việc mình,Ðược quần chúng ái kính.”

 

218. “Ước vọng pháp ly ngônÝ cảm xúc thượng quảTâm thoát ly ác dục,Xứng gọi bậc Thượng Lưu.”

 

219. “Khách lâu ngày ly hương,An toàn từ xa về,Bà con cùng thân hữu,Hân hoan đón chào mừng.”

 

220. “Cũng vậy các phước nghiệp,Ðón chào người làm lành,Ðời này đến đời kia.Như thân nhân, đón chào.”

 

—o0o—

Phẩm Phẫn Nộ

221. “Bỏ phẫn nộ, ly mạn,Vượt qua mọi kiết sử,Không chấp trước danh sắc.Khổ không theo vô sản.”

 

222. “Ai chận được phẫn nộ,Như dừng xe đang lăn,Ta gọi người đánh xe,Kẻ khác, cầm cương hờ.”

 

223. “Lấy không giận thắng giận,Lấy thiện thắng không thiện,Lấy thí thắng xan tham,Lấy chơn thắng hư ngụy.”

 

224. “Nói thật, không phẫn nộ,Của ít, thí người xin,Nhờ ba việc lành này,Người đến gần thiên giới.”

 

225. “Bậc hiền không hại ai,Thân thường được chế ngự,Ðạt được cảnh bất tử,Ðến đây, không ưu sầu.”

 

226. “Những người thường giác tỉnh,Ngày đêm siêng tu học,Chuyên tâm hướng Niết Bàn,Mọi lậu hoặc được tiêu.”

 

227. “A-tu-la, nên biết,Xưa vậy, nay cũng vậy,Ngồi im, bị người chê,Nói nhiều bị người chê.Nói vừa phải, bị chê.Làm người không bị chê,Thật khó tìm ở đời.”

 

228. “Xưa, vị lai, và nay,Ðâu có sự kiện này,Người hoàn toàn bị chê,Người trọn vẹn được khen.”

 

229. “Sáng sáng, thẩm xét kỹ.Bậc có trí tán thán.Bậc trí không tỳ vết,Ðầy đủ giới định tuệ.”

 

230. “Hạnh sáng như vàng ròng,Ai dám chê vị ấy?Chư thiên phải khen thưởng,Phạm Thiên cũng tán dương “.

 

231. “Giữ thân đừng phẫn nộ,Phòng thân khéo bảo vệ,Từ bỏ thân làm ác,Với thân làm hạnh lành.”

 

232 “Giữ lời đừng phẫn nộ,Phòng lời, khéo bảo vệ,Từ bỏ lời thô ác,Với lời, nói điều lành.”

 

233. “Giữ ý đừng phẫn nộ,Phòng ý, khéo bảo vệ,Từ bỏ ý nghĩ ác,Với ý, nghĩ hạnh lành.’

 

234. “Bậc trí bảo vệ thân,Bảo vệ luôn lời nóiBảo vệ cả tâm tư,Ba nghiệp khéo bảo vệ.”

 

—o0o—

Phẩm Cấu Uế

235. “Ngươi nay giống lá héo,Diêm sứ đang chờ ngươi,Ngươi đứng trước cửa chết,Ðường trường thiếu tư lương.”

 

236. “Hãy tự làm hòn đảo,Tinh cần gấp, sáng suốt.Trừ cấu uế, thanh tịnh,Ðến Thánh địa chư Thiên.”

 

237. “Ðời ngươi nay sắp tàn,Tiến gần đến Diêm Vương.Giữa đường không nơi nghỉ,Ðường trường thiếu tư lương.”

 

238. “Hãy tự làm hòn đảo,Tinh cần gấp sáng suốt.Trừ cấu uế, thanh tịnh,Chẳng trở lại sanh già.”

 

239. “Bậc trí theo tuần tự.Từng sát na trừ dần.Như thợ vàng lọc bụiTrừ cấu uế nơi mình.”

 

240. “Như sét từ sắt sanh,Sắt sanh lại ăn sắt,Cũng vậy, quá lợi dưỡngTự nghiệp dẫn cõi ác.”

 

241. “Không tụng làm nhớp kinh,Không đứng dậy, bẩn nhà,Biếng nhác làm nhơ sắc, Phóng dật uế người canh”

 

242. “Tà hạnh nhơ đàn bà,Xan tham nhớp kẻ thí,Ác pháp là vết nhơ,Ðời này và đời sau.”

 

243. “Trong hàng cấu uế ấy,Vô minh, nhơ tối thượng,Ðoạn nhơ ấy, tỷ kheo,Thành bậc không uế nhiễm.”

 

244. “Dễ thay, sống không hổSống lỗ mãng như quạ,Sống công kích huênh hoang,Sống liều lĩnh, nhiễm ô.”

 

245. “Khó thay, sống xấu hổ,Thường thường cầu thanh tịnh.Sống vô tư, khiêm tốn,Trong sạch và sáng suốt.”

 

246. “Ai ở đời sát sinh,Nói láo không chân thật,Ở đời lấy không cho,Qua lại với vợ người.”

 

247. “Uống rượu men, rượu nấu,Người sống đam mê vậy,Chính ngay tại đời này,Tự đào bới gốc mình.”

 

248. “Vậy người, hãy nên biết,Không chế ngự là ác.Chớ để tham phi pháp,Làm người đau khổ dài.”

 

249. “Do tín tâm, hỷ tâmLoài người mới bố thí.Ở đây ai bất mãnNgười khác được ăn uống,Người ấy ngày hoặc đêm,Không đạt được tâm định?”

 

250. “Ai cắt được, phá được,Tận gốc nhổ tâm ấy.Người ấy ngày hoặc đêm,Ðạt được tâm thiền định.”

 

251. “Lửa nào bằng lửa tham!Chấp nào bằng sân hận!Lưới nào bằng lưới si!Sông nào bằng sông ái! ”

 

252. “Dễ thay thấy lỗi người,Lỗi mình thấy mới khó.Lỗi người ta phanh tìm,Như sàng trấu trong gạo,Còn lỗi mình, che đậy,Như kẻ gian dấu bài.”

 

253. “Ai thấy lỗi của người,Thường sanh lòng chỉ trích,Người ấy lậu hoặc tăng,Rất xa lậu hoặc diệt.”

 

254. “Hư không, không dấu chân,Ngoài đây, không sa môn,Chúng sanh thích hý luận,Như lai, hý luận trừ.”

 

255. “Hư không, không dấu chân,Ngoài đây, không sa môn.Các hành không thường trú,Chư Phật không giao động.”

 

—o0o—

Phẩm Pháp Trụ

256. “Ngươi đâu phải pháp trụ,Xử sự quá chuyên chế,Bậc trí cần phân biệtCả hai chánh và tà!”

 

257. “Không chuyên chế, đúng pháp,Công bằng, dắt dẫn người,Bậc trí sống đúng pháp,Thật xứng danh pháp trụ.”

 

258. “Không phải vì nói nhiều,Mới xứng danh bậc trí.An ổn, không oán sợ.Thật đáng gọi bậc trí.”

 

259. Không phải vì nói nhiều,Mới xứng danh trì pháp,Những ai tuy nghe ít,Nhưng thân hành đúng pháp,Không phóng túng chánh pháp,Mới xứng danh trì pháp.”

 

260. Không phải là trưởng lão,Dầu cho có bạc đầu.Người chỉ tuổi tác cao,Ðược gọi là: “Lão ngu.”

 

261. “Ai chân thật, đúng pháp,Không hại, biết chế phục,Bậc trí không cấu uế,Mới xứng danh Trưởng Lão.”

 

262. “Không phải nói lưu loát,Không phải sắc mặt đẹp,Thành được người lương thiện,Nếu ganh, tham, dối trá.”

 

263. “Ai cắt được, phá đượcTận gốc nhổ tâm ấyNgười trí ấy diệt sân,Ðược gọi người hiền thiện.”

 

264. “Ðầu trọc, không sa mônNếu phóng túng, nói láo.Ai còn đầy dục tham,Sao được gọi sa môn?”

 

265. “Ai lắng dịu hoàn toàn,Các điều ác lớn nhỏ,Vì lắng dịu ác pháp,Ðược gọi là Sa môn.”

 

266. ” Chỉ khất thực nhờ người,Ðâu phải là tỷ kheo!Phải theo pháp toàn diện,Khất sĩ không, không đủ.”

 

267. ” Ai vượt qua thiện ác,Chuyên sống đời Phạm Hạnh,Sống thẩm sát ở đời,Mới xứng danh tỷ kheo.”

 

268. “Im lặng nhưng ngu si,Ðâu được gọi ẩn sĩ?Như người cầm cán cân,Bậc trí chọn điều lành.”

 

269. ” Từ bỏ các ác pháp,Mới thật là ẩn sĩ.Ai thật hiểu hai đờiMới được gọi ẩn sĩ.”

 

270. ” Còn sát hại sinh linh,Ðâu được gọi Hiền thánh.Không hại mọi hữu tình,Mới được gọi Hiền Thánh.”

 

271. “Chẳng phải chỉ giới cấmCũng không phải học nhiều,Chẳng phải chứng thiền định,Sống thanh vắng một mình.”

 

272. “Ta hưởng an ổn lạc,Phàm phu chưa hưởng được.Tỷ kheo, chớ tự tinKhi lậu hoặc chưa diệt.”

 

—o0o—Phẩm Đạo—o0o—

273. “Tám chánh, đường thù thắng,Bốn câu, lý thù thắng.Ly tham, pháp thù thắng,Giữa các loài hai chân,Pháp nhãn, người thù thắng.”

 

274. “Ðường này, không đường khácÐưa đến kiến thanh tịnh.Nếu ngươi theo đường này,Ma quân sẽ mê loạn.”

 

275. “Nếu người theo đường này,Ðau khổ được đoạn tận.Ta dạy người con đường.Với trí, gai chướng diệt.”

 

276. “Người hãy nhiệt tình làm,Như Lai chỉ thuyết dạy.Người hành trì thiền địnhThoát trói buộc Ác ma.”

 

277. “Tất cả hành vô thường ”Với Tuệ, quán thấy vậyÐau khổ được nhàm chán;Chính con đường thanh tịnh.”

 

278. “Tất cả hành khổ đauVới Tuệ quán thấy vậy,Ðau khổ được nhàm chán;Chính con đường thanh tịnh.”

 

279. “Tất cả pháp vô ngã,Với Tuệ quán thấy vậy,Ðau khổ được nhàm chánChính con đường thanh tịnh.”

 

280. “Khi cần, không nỗ lực,Tuy trẻ mạnh, nhưng lườiChí nhu nhược, biếng nhác.Với trí tuệ thụ động,Sao tìm được chánh đạo?”

 

281. “Lời nói được thận trọng,Tâm tư khéo hộ phòng,Thân chớ làm điều ác,Hãy giữ ba nghiệp tịnh,Chứng đạo Thánh nhân dạy.”

 

282. “Tu Thiền, trí tuệ sanh,Bỏ Thiền, trí tuệ diệt.Biết con đường hai ngảÐưa đến hữu, phi hữu,Hãy tự mình nỗ lực,Khiến trí tuệ tăng trưởng.”

 

283. “Ðốn rừng không đốn câyTừ rừng, sinh sợ hãi;Ðốn rừng (1) và ái dục,Tỷ kheo, hãy tịch tịnh.”

 

284. “Khi nào chưa cắt tiệt,Ái dục giữa gái trai,Tâm ý vẫn buộc ràng,Như bò con vú mẹ.”

 

285. “Tự cắt dây ái dục,Như tay bẻ sen thu,Hãy tu đạo tịch tịnh,Niết-Bàn, Thiện Thệ dạy.”

 

286. “Mùa mưa ta ở đâyÐông, hạ cũng ở đây,Người ngu tâm tưởng vậy,Không tự giác hiểm nguy.”

 

287. “Người tâm ý đắm sayCon cái và súc vật,Tử thần bắt người ấy,Như lụt trôi làng ngủ. ”

 

288. “Một khi tử thần đến,Không có con che chở,Không cha, không bà con,Không thân thích che chở.”

 

289. “Biết rõ ý nghĩa này,Bậc trí lo trì giới,Mau lẹ làm thanh tịnh,Con đường đến Niết-Bàn.”

 

Chú thích:

(1) Dục vọng

—o0o—

Phẩm Tạp Lục

290. “Nhờ từ bỏ lạc nhỏ,Thấy được lạc lớn hơn,Bậc trí bỏ lạc nhỏ,Thấy được lạc lớn hơn.”

291. “Gieo khổ đau cho người,Mong cầu lạc cho mình,Bị hận thù buộc ràngKhông sao thoát hận thù.”

292. “Việc đáng làm, không làm,Không đáng làm, lại làm,Người ngạo mạn, phóng dật,Lậu hoặc ắt tăng trưởng.”

293. “Người siêng năng cần mẫn,Thường thường quán thân niệm,Không làm việc không đáng,Gắng làm việc đáng làm,Người tư niệm giác tỉnh,Lậu hoặc được tiêu trừ.”

294. “Sau khi giết mẹ cha,Giết hai Vua Sát lỵ,Giết vương quốc, quần thầnVô ưu, phạm chí sống.”

295. “Sau khi giết mẹ cha,Hai vua Bà-la-môn,Giết hổ tướng thứ nămVô ưu, phạm chí sống.”

296. “Ðệ tử Gotama,Luôn luôn tự tỉnh giácVô luận ngày hay đêm,Tưởng Phật Ðà thường niệm.”

297. “Ðệ tử Gotama,Luôn luôn tự tỉnh giác,Vô luận ngày hay đêm,Tưởng Chánh Pháp thường niệm”

298. “Ðệ tử Gotama,Luôn luôn tự tỉnh giác,Vô luận ngày hay đêm,Tưởng Tăng Già thường niệm.”

299. “Ðệ tử Gotama,Luôn luôn tự tỉnh giác,Vô luận ngày hay đêm,Tưởng sắc thân thường niệm.”

300. “Ðệ tử Gotama,Luôn luôn tự tỉnh giác,Vô luận ngày hay đêm,Ý vui niềm bất hại.”

301. “Ðệ tử Gotama,Luôn luôn tự tỉnh giác,Vô luận ngày hay đêm,Ý vui tu thiền quán.”

302. “Vui hạnh xuất gia khó,Tại gia sinh hoạt khó,Sống bạn không đồng, khổ,Trôi lăn luân hồi, khổ,Vậy chớ sống luân hồi,Chớ chạy theo đau khổ.”

303. “Tín tâm, sống giới hạnhÐủ danh xưng tài sản,Chỗ nào người ấy đến,Chỗ ấy được cung kính.”

304. “Người lành dầu ở xaSáng tỏ như núi tuyết,Người ác dầu ở gần Như tên bắn đêm đen.”

305. “Ai ngồi nằm một mình. Ðộc hành không buồn chán,Tự điều phục một mìnhSống thoải mái rừng sâu.”

—o0o—

Phẩm Địa Ngục

306. “Nói láo đọa địa ngụcCó làm nói không làm,Cả hai chết đồng đẳng,Làm người, nghiệp hạ liệt.”

 

307. “Nhiều người khoác cà sa,Ác hạnh không nhiếp phục.Người ác, do ác hạnh,Phải sanh cõi Ðịa ngục.”

 

308. “Tốt hơn nuốt hòn sắtCháy đỏ như than hồng,Hơn ác giới, buông lungĂn đồ ăn quốc độ.”

 

309. “Bốn nạn chờ đợi người,Phóng dật theo vợ người;Mắc họa, ngủ không yên,Bị chê là thứ ba,Ðọa địa ngục, thứ bốn.”

 

310 “Mắc họa, đọa ác thú,Bị hoảng sợ, ít vui.Quốc vương phạt trọng hình.Vậy chớ theo vợ người.”

 

311. “Như cỏ sa (1) vụng nắm,Tất bị họa đứt tayHạnh Sa môn tà vạy,Tất bị đọa địa ngục.”

 

312. “Sống phóng đãng buông lung,Theo giới cấm ô nhiễm,Sống Phạm hạnh đáng nghiSao chứng được quả lớn?

 

313. “Cần phải làm, nên làmLàm cùng tận khả năngXuất gia sống phóng đãng,Chỉ tăng loạn bụi đời.”

 

314. “Ác hạnh không nên làm,Làm xong, chịu khổ lụy,Thiện hạnh, ắt nên làm,Làm xong, không ăn năn.”

 

315. “Như thành ở biên thùy,Trong ngoài đều phòng hộ. Cũng vậy, phòng hộ mình, Sát na chớ buông lung.Giây phút qua, sầu muộn.Khi rơi vào địa ngục.”

 

316. “Không đáng hổ, lại hổ.Việc đáng hổ, lại không.Do chấp nhận tà kiến,Chúng sanh đi ác thú.”

 

317. “Không đáng sợ, lại sợ,Ðáng sợ, lại thấy không,Do chấp nhận tà kiến.Chúng sanh đi ác thú.”

 

318. “Không lỗi, lại thấy lỗi,Có lỗi, lại thấy không,Do chấp nhận tà kiến,Chúng sanh đi ác thú.”

 

319. “Có lỗi, biết có lỗi,Không lỗi, biết là không,Do chấp nhận chánh kiến,Chúng sanh đi cõi lành.”

 

—o0o—

Phẩm Voi

320. “Ta như voi giữa trận,Hứng chịu cung tên rơi,Chịu đựng mọi phỉ báng.Ác giới rất nhiều người.”

 

321. “Voi luyện, đưa dự hội,Ngựa luyện, được vua cưỡi,Người luyện, bậc tối thượngChịu đựng mọi phỉ báng.”

 

322. “Tốt thay, con la thuần,Thuần chủng loài ngựa Xinh.Ðại tượng, voi có ngà.Tự điều mới tối thượng.”

 

323 “Chẳng phải loài cưỡi ấy,Ðưa người đến Niết-Bàn,Chỉ có người tự điều,Ðến đích, nhờ điều phục.”

 

324. “Con voi tên Tài Hộ,Phát dục, khó điều phục,Trói buộc, không ăn uống.Voi nhớ đến rừng voi.”

 

325. “Người ưa ngủ, ăn lớnNằm lăn lóc qua lại,Chẳng khác heo no bụng,Kẻ ngu nhập thai mãi.”

 

326. “Trước tâm này buông lung,Chạy theo ái, dục, lạc.Nay Ta chánh chế ngự,Như cầm móc điều voi.”

 

327. “Hãy vui không phóng dật,Khéo phòng hộ tâm ý.Kéo mình khỏi ác đạo,Như voi bị sa lầy.”

 

328. “Nếu được bạn hiền tríÐáng sống chung, hạnh lành,Nhiếp phục mọi hiểm nguyHoan hỷ sống chánh niệm.”

 

329. “Không gặp bạn hiền trí.Ðáng sống chung, hạnh lànhNhư vua bỏ nước bại,Hãy sống riêng cô độc,Như voi sống rừng voi.”

 

330. “Tốt hơn sống một mình,Không kết bạn người ngu.Ðộc thân, không ác hạnhSống vô tư vô lự,Như voi sống rừng voi.”

 

331. “Vui thay, bạn lúc cần!Vui thay, sống biết đủ,Vui thay, chết có đức!Vui thay, mọi khổ đoạn.”

 

332. “Vui thay, hiếu kính mẹ,Vui thay, hiếu kính cha,Vui thay, kính Sa môn,Vui thay, kính Hiền Thánh.”

 

333. “Vui thay, già có giới!Vui thay, tín an trú!Vui thay, được trí tuệ,Vui thay, ác không làm.”

 

—o0o—

Phẩm Tham Ái

334. “Người sống đời phóng dật,Ái tăng như giây leo.Nhảy đời này đời khác,Như vượn tham quả rừng.”

 

335. “Ai sống trong đời này,Bị ái dục buộc ràngSầu khổ sẽ tăng trưởng,Như cỏ Bi gặp mưa.”

 

336. “Ai sống trong đời nàyÁi dục được hàng phụcSầu rơi khỏi người ấyNhư giọt nước lá sen.”

 

337. “Ðây điều lành Ta dạy,Các người tụ họp đây.Hãy nhổ tận gốc áiNhư nhổ gốc cỏ Bi.Chớ để ma phá hoại,Như giòng nước cỏ lau.”

 

338. “Như cây bị chặt đốn,Gốc chưa hại vẫn bềnÁi tùy miên chưa nhổ,Khổ này vẫn sanh hoài.”

 

339. “Ba mươi sáu dòng Ái (1),Trôi người đốn khả ái.Các tư tưởng tham ái.Cuốn trôi người tà kiến.”

 

340. “Dòng ái dục chảy khắp,Như giây leo mọc tràn,Thấy giây leo vừa sanh,Với tuệ, hãy đoạn gốc.”

 

341. “Người đời nhớ ái dục,Ưa thích các hỷ lạc.Tuy mong cầu an lạc,Họ vẫn phải sanh già.”

 

342 “Người bị ái buộc ràng,Vùng vẫy và hoảng sợ,Như thỏ bị sa lưới.Họ sanh ái trói buộc,Chịu khổ đau dài dài.”

 

343. “Người bị ái buộc ràng,Vùng vẫy và hoảng sợ,Như thỏ bị sa lưới.Do vậy vị tỷ kheo,Mong cầu mình ly thamNên nhiếp phục ái dục.”

 

344. “Lìa rừng lại hướng rừng (2)Thoát rừng chạy theo rừng.Nên xem người như vậy,Ðược thoát khỏi buộc ràng.Lại chạy theo ràng buộc.”

 

345. “Sắt, cây, gai trói buộcNgười trí xem chưa bền.Tham châu báu, trang sứcTham vọng vợ và con.”

 

346. “Người có trí nói rằng:“Trói buộc này thật bền.Rì kéo xuống, lún xuống,Nhưng thật sự khó thoát.Người trí cắt trừ nó,Bỏ dục lạc, không màng.”

 

347. “Người đắm say ái dục Tự lao mình xuống dòngNhư nhện sa lưới dệt.Người trí cắt trừ nó,Bỏ mọi khổ, không màng.”

 

348. “Bỏ quá, hiện, vị lai,Ðến bờ kia cuộc đời,Ý giải thoát tất cả,Chớ vướng lại sanh già.”

 

349. “Người tà ý nhiếp phục,Tham sắc bén nhìn tịnh,Người ấy ái tăng trưởng,Làm giây trói mình chặt.”

 

350. “Ai vui, an tịnh ý,Quán bất tịnh, thường niệm,Người ấy sẽ diệt ái,Cắt đứt Ma trói buộc.”

 

351. “Ai tới đích, không sợ,Ly ái, không nhiễm ôNhổ mũi tên sanh tử,Thân này thân cuối cùng.”

 

352. “Ái lìa, không chấp thủ.Cú pháp khéo biện tàiThấu suốt từ vô ngại,Hiểu thứ lớp trước sau.Thân này thân cuối cùngVị như vậy được gọi,Bậc Ðại trí, đại nhân.”

 

353. “Ta hàng phục tất cả,Ta rõ biết tất cả,Không bị nhiễm pháp nào.Ta từ bỏ tất cảÁi diệt, tự giải thoát.Ðã tự mình thắng trí,Ta gọi ai thầy ta?”

 

354. “Pháp thí, thắng mọi thí!Pháp vị, thắng mọi vị!Pháp hỷ, thắng mọi hỷ!Ái diệt, dứt mọi khổ!”

 

355. “Tài sản hại người ngu.Không người tìm bờ kiaKẻ ngu vì tham giàu,Hại mình và hại người.”

 

356. “Cỏ làm hại ruộng vườn,Tham làm hại người đời.Bố thí người ly tham,Do vậy được quả lớn.”

 

357. “Cỏ làm hại ruộng vườn,Sân làm hại người đời.Bố thí người ly sân,Do vậy được quả lớn.”

 

358. “Cỏ làm hại ruộng vườn,Si làm hại người đời,Bố thí người ly si,Do vậy được quả lớn.”

 

359. “Cỏ làm hại ruộng vườn,Dục làm hại người đời.Bố thí người ly dục,Do vậy được quả lớn.”

 

—o0o—

Phẩm Tỷ Kheo

360. “Lành thay, phòng hộ mắt!Lành thay, phòng hộ tai.Lành thay, phòng hộ mũi,Lành thay, phòng hộ lưỡi.”

 

361. “Lành thay,phòng hộ thân!Lành thay, phòng hộ lời,Lành thay, phòng hộ ý.Lành thay, phòng tất cả.Tỷ kheo phòng tất cả.Thoát được mọi khổ đau.”

 

362. “Người chế ngự tay chân,Chế ngự lời và đầu,Vui thích nội thiền định.Ðộc thân, biết vừa đủ,Thật xứng gọi tỷ kheo.”

 

363. “Tỷ kheo chế ngự miệng,Vừa lời, không cống cao,Khi trình bày pháp nghĩa,Lời lẽ dịu ngọt ngào.”

 

364. “Vị tỷ kheo thích Pháp,Mến pháp, suy tư Pháp.Tâm tư niệm chánh Pháp,Không rời bỏ chánh Pháp.”

 

365. “Không khinh điều mình được,Không ganh người khác đượcTỷ kheo ganh tị người,Không sao chứng Thiền Ðịnh.”

 

366. “Tỷ kheo dầu được ít,Không khinh điều mình được,Sống thanh tịnh không nhác,Chư thiên khen vị này.”

 

367. “Hoàn toàn, đối danh sắc,Không chấp Ta, của Ta.Không chấp, không sầu não.Thật xứng danh Tỷ kheo.”

 

368. “Tỷ kheo trú từ bi,Tín thành giáo Pháp Phật,Chứng cảnh giới tịch tỉnh.Các hạnh an tịnh lạc.”

 

369. “Tỷ kheo, tát thuyền này,Thuyền không, nhẹ đi mau.Trừ tham, diệt sân hận,Tất chứng đạt Niết-Bàn.”

 

370. “Ðoạn năm (1), từ bỏ năm (2),Tu tập năm (3) tối thượng,Tỷ kheo cắt năm trói (4),Xứng danh vượt “bộc lưu” (5).”

 

371. “Tỷ kheo, hãy tu thiền,Chớ buông lung phóng dật,Tâm chớ đắm say dục,Phóng dật, nuốt sắt nóngBị đốt, chớ than khổ!”

 

372. “Không trí tuệ, không thiền,Không thiền, không trí tuệ.Người có thiền có tuệ,Nhất định gần Niết-Bàn.”

 

373. “Bước vào ngôi nhà trống,Tỷ kheo tâm an tịnh,Thọ hưởng vui siêu nhânTịnh quán theo chánh pháp.”

 

374. “Người luôn luôn chánh niệm,Sự sanh diệt các uẩn,Ðược hoan hỷ, hân hoan,Chỉ bậc bất tử biết.”

 

375. “Ðây Tỷ kheo có trí,Tụ tập pháp căn bảnHộ căn, biết vừa đủ,Giữ gìn căn bản giới,Thường gần gũi bạn lành,Sống thanh tịnh tinh cần.”

 

376. “Giao thiệp khéo thân thiện,Cử chỉ mực đoan trang.Do vậy hưởng vui nhiều,Sẽ dứt mọi khổ đau.”

 

377. “Như hoa Vassikà (6),Quăng bỏ cánh úa tàn,Cũng vậy vị Tỷ kheo,Hãy giải thoát tham sân.”

 

378. “Thân tịnh, lời an tịnh,An tịnh, khéo thiền tịnh.Tỷ kheo bỏ thế vật,Xứng danh “bậc tịch tịnh “.

 

379. “Tự mình chỉ trích mình,Tự mình dò xét mình,Tỷ kheo tự phòng hộChánh niệm, trú an lạc.”

 

380. “Tự mình y chỉ mình,Tự mình đi đến mình,Vậy hãy tự điều phục,Như khách buôn ngựa hiền.”

 

381. “Tỷ kheo nhiều hân hoan,Tịnh tín giáo pháp Phật,Chứng cảnh giới tịch tịnh,Các hạnh an tịnh lạc.”

 

382. “Tỷ kheo tuy tuổi nhỏSiêng tu giáo pháp Phật,Soi sáng thế gian này,Như trăng thoát khỏi mây.”

 

Chú thích:

(1) Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục ái, sân.(

2) Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh.

(3) Tín, tấn, niệm, định, tuệ

(4) 5 trói buộc: tham, sân, si, mạn, tà kiến

(5) Bộc lưu: dòng nước lũ

(6) Bông lài.

—o0o—

Phẩm Bà La Môn

383. “Hỡi này Bà là môn,Hãy tinh tấn đoạn dòng,Từ bỏ các dục lạc,Biết được hành đoạn diệt,Người là bậc vô vi.”

 

384. “Nhờ thường trú hai pháp (1)Ðến được bờ bên kia.Bà-la-môn có trí,Mọi kiết sử dứt sạch.”

 

385. “Không bờ này, bờ kia (2)Cả hai bờ không có,Lìa khổ, không trói buộcTa gọi Bà-la-môn.”

 

386. “Tu thiền, trú ly trầnPhận sự xong, vô lậu,Ðạt được đích tối thượng,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

387. “Mặt trời sáng ban ngày,Mặt trăng sáng ban đêm.Khí giới sáng Sát lỵ,Thiền định sáng Phạm chí.Còn hào quang đức Phật,Chói sáng cả ngày đêm.”

 

388. “Dứt ác gọi Phạm chí,Tịnh hạnh gọi Sa môn,Tự mình xuất cấu uế,Nên gọi bậc xuất gia.”

 

389. “Chớ có đập Phạm chí!Phạm chí chớ đập lại!Xấu thay đập Phạm chíÐập trả lại xấu hơn!”

 

390. “Ðối với Bà-la-môn,Ðây (3) không lợi ích nhỏ.Khi ý không ái luyến,Tâm hại được chận đứng,Chỉ khi ấy khổ diệt,”

 

391. “Với người thân miệng ý,Không làm các ác hạnhBa nghiệp được phòng hộ,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

392. “Từ ai, biết chánh phápBậc Chánh Giác thuyết giảng,Hãy kính lễ vị ấy,Như Phạm chí chờ lửa.”

 

393. “Ðược gọi Bà-la-môn,Không vì đầu bện tóc,Không chủng tộc, thọ sanh,Ai thật chân, chánh, tịnh,Mới gọi Bà-la-môn.”

 

394. “Kẻ ngu, có ích gìBện tóc với da dê,Nội tâm toàn phiền não,Ngoài mặt đánh bóng suông.”

 

395. “Người mặc áo đống rác,Gầy ốm, lộ mạch gân,Ðộc thân thiền trong rừng.Ta gọi Bà-la-môn.”

 

396 “Ta không gọi Phạm Chí,Vì chỗ sanh, mẹ sanh.Chỉ được gọi tên suôngNếu tâm còn phiền não.Không phiền não, chấp trướcTa gọi Bà-la-môn.”

 

397. “Ðoạn hết các kiết sử,Không còn gì lo sợKhông đắm trước buộc ràngTa gọi Bà-la-môn

 

398. “Bỏ đai da (4), bỏ cương (5)Bỏ dây (6), đồ sở thuộc (7),Bỏ then chốt (8), sáng suốt,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

399. “Không ác ý, nhẫn chịu,Phỉ báng, đánh, phạt hình,Lấy nhẫn làm quân lực,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

400. “Không hận, hết bổn phận,Trì giới, không tham ái,Nhiếp phục, thân cuối cùng,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

401. “Như nước trên lá sen,Như hột cải đầu kim,Người không nhiễm ái dục,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

402. “Ai tự trên đời này,Giác khổ, diệt trừ khổ,Bỏ gánh nặng, giải thoát,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

403. “Người trí tuệ sâu xa,Khéo biết đạo, phi đạoChứng đạt đích vô thượng,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

404. “Không liên hệ cả hai,Xuất gia và thế tục,Sống độc thân, ít dục,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

405. “Bỏ trượng, đối chúng sanh,Yếu kém hay kiên cường,Không giết, không bảo giết,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

406. “Thân thiện giữa thù địchÔn hòa giữa hung hăng.Không nhiễm, giữa nhiễm trước,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

407. “Người bỏ rơi tham sân,Không mạn không ganh tị,Như hột cải đầu kim,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

408. “Nói lên lời ôn hòa,Lợi ích và chân thật,Không mất lòng một ai,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

409. “Ở đời, vật dài, ngắn,Nhỏ, lớn, đẹp hay xấuPhàm không cho không lấy,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

410. “Người không có hy cầu,Ðời này và đời sau,Không hy cầu, giải thoát,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

411. “Người không còn tham ái,Có trí, không nghi hoặc,Thể nhập vào bất tử,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

412. “Người sống ở đời nàyKhông nhiễm cả thiện ác,Không sầu, sạch không bụiTa gọi Bà-la-môn.”

 

413 “Như trăng, sạch không uếSáng trong và tịnh lặng,Hữu ái, được đoạn tận,Ta gọi Bà là môn.”

 

414. “Vượt đường nguy hiểm này,Nhiếp phục luân hồi, si,Ðến bờ kia thiền địnhKhông dục ái, không nghi,Không chấp trước, tịch tịnh,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

415. “Ai ở đời, đoạn dục,Bỏ nhà, sống xuất gia,Dục hữu được đoạn tận,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

416. “Ai ở đời đoạn áiBỏ nhà, sống xuất gia,Ái hữu được đoạn tận,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

417. “Bỏ trói buộc loài người,Vượt trói buộc cõi trời.Giải thoát mọi buộc ràng,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

418. “Bỏ điều ưa, điều ghét,Mát lạnh, diệt sanh yBậc anh hùng chiến thắng,Nhiếp phục mọi thế giới,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

419. “Ai hiểu rõ hoàn toànSanh tử các chúng sanh,Không nhiễm, khéo vượt qua,Sáng suốt chân giác ngộ,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

420. “Với ai, loài trời, ngườiCùng với Càn thát bà,Không biết chỗ thọ sanhLậu tận bậc La hán.Ta gọi Bà-la-môn.”

 

421 “Ai quá, hiện, vị laiKhông một sở hữu gì,Không sở hữu không nắm,Ta gọi Bà-la-môn.”

 

422. “Bậc trâu chúa, thù thắng

Bậc anh hùng, đại sĩ,

Bậc chiến thắng, không nhiễm,

Bậc tẩy sạch, giác ngộ,

Ta gọi Bà-la-môn.”

 

423. “Ai biết được đời trước,

Thấy thiên giới, đọa xứ,

Ðạt được sanh diệt tận

Thắng trí, tự viên thành

Bậc mâu ni đạo sĩ.

Viên mãn mọi thành tựu

Ta gọi Bà-la-môn.”

 

Chú thích:

(1) Thiền Chỉ và Thiền Quán

(2) 6 nội xứ, 6 ngoại xứ

(3) Sự trả đủa, trả thù

(4) Hận.

(5) Ái.

(6) Tà kiến.(

7) Tuỳ miên.

(8) Vô minh.

214 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog