Kinh Bách Dụ ♦ Quyển 1
Pháp Giới 4 tháng trước

Kinh Bách Dụ ♦ Quyển 1

Kinh Bách Dụ ♦ Quyển 1

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại Vườn trúc Thước Phong gần thành Vương Xá, cùng với các vị đại Bhikṣu [bíc su], chư đại Bồ-tát, và thiên long bát bộ; tổng cộng là 36.000 vị.

Khi ấy trong chúng hội có 500 Phạm Chí từ các trường học khác nhau, họ từ chỗ ngồi đứng dậy và hỏi Đức Phật rằng:

“Chúng tôi nghe là Phật Đạo rất thâm sâu và không gì có thể ngang bằng. Thế nên chúng tôi đến hỏi. Mong Ngài hãy thuyết giảng cho!”

Đức Phật bảo:

“Lành thay!”

Phạm Chí hỏi rằng:

“Vũ trụ tồn tại hay không tồn tại?”

Đức Phật bảo:

“Nó vừa tồn tại mà cũng không tồn tại.”

Phạm Chí hỏi rằng:

“Nếu nó tồn tại, sao Ngài nói nó không? Nếu nó không tồn tại, sao Ngài nói nó có?”

Đức Phật bảo:

“Người sống nói là có, nhưng kẻ chết nói là không. Do đó, Ta có thể nói nó tồn tại và không tồn tại.”

Phạm Chí hỏi rằng:

“Con người nhờ vào gì để sống?”

Đức Phật bảo:

“Con người nhờ vào ngũ cốc để sống.”

Phạm Chí hỏi rằng:

“Ngũ cốc từ đâu sanh ra?”

Đức Phật bảo:

“Ngũ cốc sanh ra từ bốn đại: đất, nước, gió, lửa.”

Phạm Chí hỏi rằng:

“Bốn đại từ đâu sanh ra?”

Đức Phật bảo:

“Bốn đại sanh ra từ không.”

Phạm Chí hỏi rằng:

“Không từ đâu sanh ra?”

Đức Phật bảo:

“Không sanh ra từ không chỗ có.”

Phạm Chí hỏi rằng:

“Không chỗ có từ đâu sanh ra?”

Đức Phật bảo:

“Không chỗ có sanh ra từ tự nhiên.”

Phạm Chí hỏi rằng:

“Tự nhiên từ đâu sanh ra?”

Đức Phật bảo:

“Tự nhiên sanh ra từ tịch diệt.”

Phạm Chí hỏi rằng:

“Tịch diệt từ đâu sanh ra?”

Đức Phật bảo:

“Sao nay ông lại hỏi việc sâu xa như vậy? Tịch diệt là Pháp bất sanh bất tử.”

Phạm Chí hỏi rằng:

“Đức Phật đã đắc tịch diệt chưa?”

Đức Phật bảo:

“Ta vẫn chưa đạt đến tịch diệt.”

“Nếu Ngài vẫn chưa đạt đến tịch diệt, thế thì làm sao Ngài biết được tịch diệt là thường lạc?”

Đức Phật hỏi rằng:

“Bây giờ Ta hỏi ông, chúng sanh ở thế gian là khổ hay vui?”

Phạm Chí đáp rằng:

“Chúng sanh rất khổ.”

Đức Phật hỏi rằng:

“Làm sao ông biết họ khổ?”

Phạm Chí đáp rằng:

“Khi chúng sanh chết, tôi thấy họ chịu thống khổ khôn xiết. Do đó, tôi biết chết là khổ.”

Đức Phật bảo:

“Tuy bây giờ ông chưa chết, nhưng ông cũng biết chết là khổ. Tương tự như vậy, vì Ta thấy mười phương chư Phật đều bất sanh bất tử, cho nên Ta biết tịch diệt là thường lạc.”

Ngay lúc ấy, 500 vị Phạm Chí được tâm khai ý giải và xin thọ trì Năm Giới. Sau đó họ đều đắc Quả Nhập Lưu.

Khi họ đã trở về chỗ ngồi, Đức Phật bảo:

“Các ông hãy lắng nghe! Bây giờ Ta sẽ rộng nói các thí dụ cho các ông.”

Thuở xưa có một kẻ ngu đến thăm nhà của một người bạn. Khi chủ nhà đã dọn những món ăn để tiếp đãi, anh ta phàn nàn là quá lạt nên chủ nhà thêm một chút muối. Kẻ ngu ăn tiếp thì cảm thấy thức ăn ngon hơn.

Thế là hắn tự nghĩ thầm:

“Sở dĩ được ngon như thế là nhờ có muối. Mới nếm một tí thôi mà ngon thế này, huống nữa là nếu ăn càng nhiều hơn.”

Nghĩ vậy, kẻ ngu vô trí liền chỉ ăn toàn muối. Khi ăn xong, hắn chuốc cái họa bị phỏng miệng.

Đây cũng như có hàng ngoại đạo, khi nghe rằng bỏ ăn bỏ uống thì sẽ có thể đắc Đạo, nên liền tuyệt thực đến 7 ngày hoặc 15 ngày. Họ chỉ tự làm mình đói khát khốn khổ mà không có lợi gì đối với việc tu Đạo. Hàng ngoại đạo đó thì cũng như kẻ ngu kia, do bởi ham vị mặn mà chỉ ăn toàn muối. Kết quả là bị phỏng miệng vậy.

Thuở xưa có một kẻ ngu sắp dọn tiệc để tiếp đãi mấy người khách của mình. Anh ta muốn tích trữ sữa bò để chiêu đãi họ.

Anh ta nghĩ:

“Bây giờ nếu mình vắt sữa mỗi ngày thì sữa tất sẽ rất nhiều, nhưng mà mình lại không có đủ chỗ để chứa, nên nó sẽ bị chua thôi. Chi bằng cứ để yên ở trong bụng con bò, chờ khi nào khách đến thì mình hãy đi vắt.”

Nghĩ như thế xong, hắn liền tách bò mẹ và chú bê con ra, rồi cột chúng ở mỗi nơi riêng biệt. Một tháng trôi qua cho đến ngày mở tiệc, sau khi đã nghênh tiếp và mời khách ngồi, anh ta mới đi dắt con bò đến để vắt sữa. Thế nhưng sữa bò đã khô cạn và chẳng có giọt nào. Khi đó mấy người khách, có kẻ nổi sân, còn có kẻ thì cười nhạo anh ta.

Đây cũng giống những người ngu muốn làm bố thí hết một lần, và nói rằng họ đợi đến khi nào đã trở thành giàu sang, rồi sau đó mới đi bố thí. Nhưng thường là trước khi họ dành dụm đủ tiền thì đã bị tham quan chiếm đoạt, hoặc gặp nạn nước lửa, hoặc bị đạo tặc cướp đi, hoặc bất chợt lìa đời trước khi kịp làm bố thí. Họ cũng ví như kẻ ngu để dành sữa bò vậy.

Thuở xưa có một kẻ ngu với cái đầu hói. Khi ấy có một người lấy mấy trái lê chọi vào đầu anh ta và làm đầu hắn tổn thương. Tuy nhiên, anh ta vẫn yên lặng chịu đựng mà không biết lánh đi.

Những người xung quanh thấy thế nên mới bảo rằng:

“Sao anh không biết lánh đi để khỏi bị ném trúng đầu?”

Kẻ ngu trả lời:

“Cái người đó bày đặt ra oai biểu diễn sức mạnh của mình. Hắn thật ngu ngốc hết cỡ. Gã thấy trên đầu tôi không có tóc nên mới tưởng là cục đá, rồi lấy mấy trái lê chọi vào đầu của tôi mà thôi.”

Những người xung quanh bảo rằng:

“Anh mới là kẻ ngu si, vậy mà còn gọi hắn là ngu si! Nếu anh không ngốc nghếch thì sao để cho người ta ném, khiến cho đến cái đầu phải tổn thương mà chẳng biết chạy trốn?”

Đây cũng như có hàng Bhikṣu không thể giữ tín tâm kiên cố và tu hành giới định tuệ, mà chỉ giữ vẻ uy nghi để thu hút lợi dưỡng. Hạng Bhikṣu này thì cũng như thế. Họ cũng như kẻ ngu kia bị người khác ném tổn thương đến cái đầu mà không biết lánh đi, rồi lại bảo ngược là người ta ngu dốt vậy.

Thuở xưa có một kẻ ngu hết mực thương yêu người vợ xinh đẹp của mình, nhưng người vợ thì lại chẳng có lòng trung trinh. Đương lúc đó, cô đang thông gian với một người khác. Bởi lòng tà dâm hẫy hừng, cô muốn bỏ chồng theo tình lang.

Thế là cô vợ đã âm thầm căn dặn với một bà lão rằng:

“Sau khi tôi rời khỏi, bà hãy mang xác chết của một phụ nữ khác bỏ vào trong phòng, rồi nói với chồng tôi, rằng tôi đã chết.”

Sau đó đợi đến lúc người chồng đi vắng, bà lão lấy một xác chết bỏ vào trong nhà. Khi người chồng trở về, bà nói rằng vợ hắn đã chết. Thế là người chồng vội đi xem và tin đó là vợ của mình. Hắn ta khóc lóc buồn bã, rồi gom nhiều củi và dầu để chuẩn bị hỏa thiêu. Khi thiêu xong, hắn bỏ tro cốt vào trong túi đựng và ngày đêm mang theo bên mình.

Một thời gian sau, cô vợ sanh lòng chán nản bên người tình, nên liền quay về nhà.

Cô nói với người chồng rằng:

“Em là vợ của anh đây!”

Người chồng trả lời:

“Vợ tôi đã chết từ lâu. Cô là ai mà dám nói láo là vợ tôi à.”

Mặc dù cô vợ đã ráng giải thích nhiều lần nhưng hắn vẫn không chịu tin.

Đây cũng như có hàng ngoại đạo, một khi họ đã học tà thuyết thì tâm sanh mê muội và chấp trước, rồi cho đó là chân thật và vĩnh viễn không chịu sửa đổi. Dù sau đó có nghe được chánh giáo đi nữa thì họ vẫn không tin cùng thọ trì.

Thuở xưa có một kẻ ngu si vô trí. Anh ta hết sức khát nước và mong có nước để uống. Khi thấy ảo ảnh giữa trời nắng gắt, hắn nhầm tưởng cho là nước nên liền chạy đến, rồi lần lần theo tới được dòng sông Ấn. Khi đến bờ sông, anh ta chỉ nhìn chằm chằm mà không chịu uống.

Thấy vậy nên những người xung quanh mới nói rằng:

“Thấy anh khát dữ lắm nên mới chạy tới đây. Giờ anh đã tìm thấy nước rồi, sao không uống?”

Xem Thêm:   Kinh Công Đức Không Thể Nghĩ Bàn Được Chư Phật Hộ Niệm ♦ Quyển thượng

Kẻ ngu trả lời:

“Nếu như có thể uống hết thì tôi sẽ uống. Nhưng nước ở đây quá nhiều, tôi sẽ không bao giờ uống hết đâu. Cho nên, tôi sẽ không uống một giọt nào.”

Khi những người xung quanh nghe anh ta nói thế, họ đều bật cười lớn.

Đây cũng như có hàng ngoại đạo cứ cố giữ cái luận thuyết của mình. Họ tự nghĩ rằng sẽ không thể nào thọ trì tất cả giới luật của Phật, cho nên họ không chịu giữ giới nào cả. Bởi vậy mà ở tương lai, họ chẳng được một phần nào của Đạo và phải lưu chuyển trong sanh tử. Họ cũng giống như kẻ ngu kia bị người khác cười, bởi vì tuy thấy nước nhưng không chịu uống vậy.

Thuở xưa có một kẻ ngu nuôi bảy đứa con. Bất chợt có một đứa qua đời. Khi thấy con mình đã chết, kẻ ngu này vẫn giữ nó trong nhà, còn mình thì dọn ra ngoài ở.

Những người xung quanh thấy thế nên mới nói rằng:

“Sanh tử là hai con đường riêng biệt. Ông hãy mau mai táng nó đàng hoàng tại một nơi xa xôi. Tại sao ông lại muốn giữ một cái xác chết, rồi còn mình thì dọn ra ngoài chứ?”

Lúc bấy giờ, khi kẻ ngu nghe lời ấy xong thì liền tự nghĩ thầm:

“Nếu như mình không thể giữ cái xác chết ở lại mà phải nên mai táng, vậy mình cần giết thêm một đứa nữa thì sẽ cân bằng khi đặt chúng ở hai đầu gánh, như thế mình mới có thể quẩy đi chôn được.”

Và thế là, hắn liền giết thêm một đứa con nữa và gánh chúng vào rừng hoang để chôn cất. Khi những người xung quanh thấy vậy, họ hết sức kinh ngạc và không nén được cười.

Đây cũng như khi các Bhikṣu lén lút vi phạm một giới và cảm thấy sợ sám hối. Thế rồi họ âm thầm che giấu và tự nói mình là thanh tịnh.

Song nếu chẳng may gặp người trí phát hiện và bảo rằng:

“Người xuất gia phải gìn giữ giới luật như hộ trì viên minh châu và đừng để sai phạm. Nay thầy vi phạm giới đã thọ, mà cớ sao không muốn sám hối?”

Kẻ phạm giới trả lời:

“Đằng nào tôi cũng cần sám hối, tôi chờ vi phạm thêm vài giới nữa, rồi sau đó mới sám hối hết một lượt.”

Thế là họ tùy tiện phá giới và làm thêm nhiều việc ác, rồi sau đó xin sám hối. Hạng Bhikṣu này thì cũng như kẻ ngu kia, khi thấy một đứa con chết thì lại giết thêm một đứa khác vậy.

Thuở xưa có một người với tướng mạo đoan chánh và lại còn thông minh. Anh ta cũng có rất nhiều tiền tài; mọi người không ai là chẳng tấm tắc khen ngợi. Lúc ấy có một kẻ ngu thấy người kia như vậy nên liền mạo nhận là anh của mình.

Vì sao thế? Bởi người kia có tiền. Cho nên khi nào cần tiền thì kẻ ngu nhận là anh của mình. Đến lúc thấy người kia mắc nợ, kẻ ngu liền chối đó không phải là anh của mình.

Thấy vậy nên những người xung quanh mới nói rằng:

“Anh là một người ngu. Tại sao lúc anh cần tiền thì nhận là anh của mình, còn khi thấy người kia mắc nợ thì chối đó không phải là anh của mình.”

Kẻ ngu đáp rằng:

“Tôi vì muốn được tiền tài của người kia nên mới nhận là anh của mình. Thật ra đó không phải là anh tôi. Khi thấy người kia mắc nợ, dĩ nhiên tôi phải phủ nhận chứ!”

Khi mọi người nghe xong, không ai là chẳng bật cười.

Đây cũng như có hàng ngoại đạo khi nghe lời dạy thiện xảo của Phật thì khởi lòng tham, rồi trộm về sử dụng như của mình. Sau đó, họ dùng những lời thiện xảo này để dạy đồ chúng tu hành. Tuy nhiên, đồ chúng của họ chẳng chịu làm theo.

Thấy vậy, họ nghĩ rằng:

“Mình vì lợi dưỡng nên mới lấy những lời dạy của Phật để chỉ dạy cho đồ chúng. Tuy nhiên, họ đều chẳng vâng làm. Cho nên mình cần gì phải tu hành theo.”

Họ cũng như kẻ ngu mạo nhận người khác là anh của mình để chiếm lời, nhưng khi thấy người kia mắc nợ thì chối đó không phải là anh của mình.

Vào đời quá khứ có một kẻ sơn dã ăn cắp đồ vật trong quốc khố của nhà vua rồi chạy rất xa để trốn. Lúc bấy giờ nhà vua sai người truy bắt tên trộm ở khắp nơi. Cuối cùng hắn bị bắt và dẫn tới trước nhà vua.

Nhà vua liền cáo buộc rằng:

“Ngươi từ đâu mà có được những y phục này?”

Kẻ sơn dã tâu rằng:

“Dạ, những y phục này là của ông nội tiện dân để lại.”

Nhà vua ra lệnh cho tên trộm mặc vào để chứng minh, nhưng bởi không phải là quần áo của mình nên kẻ sơn dã không biết phải mặc như thế nào. Hắn xỏ hai tay vào chỗ của hai chân, còn phần lưng thì lại phủ lên đầu. Khi thấy tên trộm như thế, nhà vua triệu tập quần thần để cùng luận nghị về việc này.

Sau đó, nhà vua phán rằng:

“Nếu những y phục này là của ông nội ngươi để lại thì ngươi tất sẽ biết mặc làm sao. Tại sao ngươi mặc chúng một cách lộn xộn như vậy? Bởi ngươi không biết cách mặc, chắc chắn rằng đó không phải là y phục của ngươi, mà là y phục đã ăn cắp về.”

Ở trong thí dụ này, nhà vua được ví như Phật. Y phục quý báu thì ví như Pháp. Còn kẻ sơn dã ngu si thì cũng như có hàng ngoại đạo nghe trộm Phật Pháp, rồi dùng như là của mình. Bởi họ đã không nghe trọn vẹn theo thứ tự nên chẳng thể thấu hiểu Phật Pháp. Họ điên đảo mê muội và không biết pháp tướng. Đây cũng như kẻ sơn dã kia, tuy trộm được y phục quý báu của vua nhưng không biết thứ tự để mặc vào. Kết quả là hắn mặc chúng với một cách loạn xạ.

Thuở xưa có một người ca ngợi đức hạnh của cha mình ở giữa đám đông.

Anh ta nói rằng:

“Cha của tôi rất nhân từ. Ông ấy không hề giết hại hay trộm cắp. Cha của tôi luôn nói lời thành thật và còn thực hành bố thí nữa.”

Khi ấy có một kẻ ngu nghe qua những lời nói này, hắn ta liền nói rằng:

“Đức hạnh của cha tôi còn hơn cha anh nữa kìa!”

Nghe vậy nên mọi người xung quanh mới hỏi rằng:

“Cha anh có đức hạnh gì? Xin hãy kể ra xem!”

Kẻ ngu trả lời:

“Cha tôi từ hồi còn trẻ đã đoạn tuyệt dâm dục và không hề bị nhiễm ô.”

Mọi người xung quanh mới nói rằng:

“Nếu cha anh từ lúc trẻ đã đoạn tuyệt dâm dục, vậy anh làm sao sanh ra?”

Khi ấy mọi người đều cười châm biếm kẻ ngu kia.

Đây cũng như mấy hạng người vô trí ở thế gian. Họ muốn ca ngợi đức độ của người khác nhưng chẳng biết hư thực. Kết quả ngược lại là phải làm trò cười cho thiên hạ. Họ cũng giống kẻ ngu kia, mặc dù có ý tốt ca ngợi cha mình nhưng rốt cuộc đã nói lỡ lời.

Vào thời xưa có một người giàu ngu si ngoan cố. Một ngày nọ, hắn đến nhà của một người giàu khác. Hắn thấy ngôi nhà ấy có ba tầng, cao thoáng, rộng rãi, và trang nghiêm tráng lệ.

Khi ấy trong lòng hắn khao khát và liền nghĩ thầm:

“Tiền tài của ta không thua kém gì hắn. Sao ta không mau xây một tòa nhà như vậy?”

Thế là hắn liền kêu người thợ mộc đến và bảo rằng:

“Ngươi có thể xây cho ta một tòa nhà giống như thế không?”

Người thợ mộc đáp rằng:

“Tất nhiên là được. Tòa nhà đó là do tôi đã xây mà.”

Hắn liền bảo rằng:

“Vậy giờ ngươi hãy xây một tòa nhà như thế cho ta.”

Khi ấy người thợ mộc liền san bằng khu đất, rồi sau đó đặt móng xây nền. Khi kẻ ngu thấy người thợ mộc đặt móng xây nền, thì trong lòng bối rối và chẳng thể biết ông ta đang làm gì.

Thế là hắn mới hỏi rằng:

“Ngươi đang làm cái gì thế?”

Người thợ mộc đáp rằng:

“Dạ, tôi đang xây tòa nhà ba tầng đó.”

Kẻ ngu lại nói rằng:

“Ta không muốn hai tầng dưới. Ngươi hãy xây cho ta tầng thứ ba trước đi.”

Người thợ mộc đáp rằng:

“Đây là chuyện không thể nào. Nếu tôi không xây tầng thứ nhất thì làm sao tôi có thể xây tầng thứ hai? Và nếu tôi không xây tầng thứ hai thì làm sao tôi có thể xây tầng thứ ba chứ?”

Xem Thêm:   Kinh Diệu Cát Tường Bồ-tát Thuyết Giảng Đại Trí Độ ♦ Quyển thượng

Kẻ ngu cố chấp nói tiếp:

“Ta bây giờ không cần hai tầng dưới làm gì. Ngươi hãy xây cho ta tầng thứ ba mà thôi.”

Khi nghe xong lời nói trên, mọi người liền bật cười ha hả và đều nói rằng:

“Ai đời không xây tầng dưới, thì làm sao có được tầng trên!”

Đây cũng như có những hạng đệ tử trong bốn chúng của Phật, họ không thể tinh tấn tu hành hay tôn kính Tam Bảo.

Họ lười biếng, nhưng lại muốn cầu Đạo Quả mà nói rằng:

“Tôi giờ chẳng cần ba quả vị ở dưới làm gì. Tôi chỉ cầu đắc Đạo Ứng Chân mà thôi.”

Họ cũng giống hệt như kẻ ngu kia không khác và trở thành trò cười của mọi người.

Thuở xưa có một Phạm Chí tự nghĩ rằng sự hiểu biết của mình rất bao la, và cho là thuật chiêm tinh cùng mọi kỹ năng khác, không một thứ nào mà ông chẳng thông đạt. Với cái tánh tự phụ như thế, ông đi đến nước khác để muốn biểu diễn bản lãnh của mình. Bấy giờ ông bồng con mà khóc.

Lúc đó có người hỏi Phạm Chí rằng:

“Sao ông lại khóc?”

Phạm Chí trả lời:

“Đứa trẻ này nội trong bảy ngày sẽ chết. Tôi khóc lóc và xót thương là vì nó phải chết quá sớm.”

Khi ấy mọi người mới nói rằng:

“Vận mạng con người thật khó biết. Có lẽ ông đã tính sai. Biết đâu chừng bảy ngày sau, nó có thể sẽ không chết. Ông hà tất phải khóc trước làm gì?”

Phạm Chí nói rằng:

“Mặt trời và mặt trăng có thể mờ tối, các vì sao có thể rơi xuống, nhưng sự tính toán của tôi quyết không bao giờ nhầm lẫn.”

Vì danh lợi và cũng để chứng minh lời nói của mình, đến ngày thứ bảy, ông đích tay giết chết con mình.

Khi mọi người nghe tin con ông đã chết sau bảy ngày, họ đều ca ngợi ông là bậc có trí tuệ chân chánh và lời nói của ông chẳng hề sai lệch. Họ càng khởi lòng tin tưởng hơn và đều đến cung kính.

Đây cũng như có những hạng đệ tử trong bốn chúng của Phật, vì lợi dưỡng mà tự mạo xưng là mình đã đắc Đạo. Họ mê hoặc và giết hại người lương thiện, nhưng bề ngoài thì giả vờ hiền từ và có đức độ. Thế nên khiến cho ở tương lai, họ sẽ chịu thống khổ vô cùng. Họ cũng như Phạm Chí kia, vì muốn mê hoặc người đời nên đã giết con để chứng nghiệm cho lời nói của mình.

Thuở xưa có một kẻ ngu đang nấu đường mật. Đúng lúc có một người giàu đến nhà thăm.

Khi ấy kẻ ngu này liền nghĩ như vầy:

“Ta bây giờ nên lấy đường mật để tiếp đãi ông phú gia đó.”

Nghĩ vậy, hắn liền đổ một ít nước vào trong chảo, rồi đặt lên bếp lửa đang cháy. Sau đó, hắn lấy cây quạt để quạt và hy vọng rằng sẽ làm cho chảo đường mật nguội đi.

Thấy vậy nên những người xung quanh mới nói rằng:

“Nếu không tắt lửa ở dưới, dù có tiếp tục quạt đi nữa thì làm sao đường mật nguội cho được?”

Khi ấy mọi người đều cười chế giễu.

Đây cũng như có hàng ngoại đạo không chịu diệt trừ lửa hừng hực của phiền não. Họ tu một chút khổ hạnh, như là nằm trên chông gai, hoặc phơi thân xác dưới trời nắng gắt với xung quanh đốt lửa, rồi hy vọng là sẽ được mát mẻ và dẫn tới con đường tịch tĩnh. Đây quyết không thể được. Việc làm điên rồ như vậy sẽ bị người trí chê cười. Chẳng những phải chịu thống khổ ở hiện tại mà họ sẽ còn chuốc lấy tai ương cho những kiếp về sau.

Xưa kia có một nhóm người ngồi tụm lại bàn tán ở trong nhà. Họ khen nhân cách của một người lạ nọ rất tốt. Tuy nhiên, anh ta chỉ có hai khuyết điểm. Thứ nhất là anh ta rất dễ nổi nóng. Thứ nhì là anh ta cư xử quá lỗ mãng.

Chẳng may đúng lúc ấy, người này tình cờ đi ngang qua nhà. Khi nghe vậy, kẻ ngu si hung dữ lập tức nổi sân và liền vào trong nhà túm lấy người đang phê phán mình và dùng tay đánh cho một trận.

Thấy thế nên mọi người mới hỏi rằng:

“Tại sao anh lại đánh người ta?”

Kẻ ngu đáp rằng:

“Tôi chưa bao giờ nổi nóng hay lỗ mãng cả. Thế mà kẻ này lại dám bảo tôi là hay dễ nổi nóng và cư xử quá lỗ mãng. Cho nên tôi mới đánh hắn.”

Nghe vậy nên những người xung quanh mới bảo rằng:

“Hành vi của anh bây giờ không phải đã chứng minh là anh rất nóng giận và thô bạo lắm sao? Cớ sao anh còn che giấu?”

Khi kẻ kia nghe người khác nói điều sai quấy của mình thì liền khởi lòng oán trách. Đó chỉ càng làm mọi người cười nhạo là một kẻ ngu ngốc mà thôi.

Đây cũng như mấy kẻ nghiện rượu, say sưa lúy túy và chuyên làm điều xằng bậy. Khi người khác quở trách thì khởi sanh oán hận. Ngược lại, họ còn đưa ra mọi lý do để dẫn chứng và tự biện bạch cho việc làm của mình. Họ cũng như kẻ ngu kia, khi nghe ai vạch lỗi của mình thì muốn nhào tới đánh.

Thuở xưa có nhóm thương nhân muốn vào biển cả để tìm châu báu. Mà hễ vào biển cả thì cần người hướng dẫn. Thế là sau đó, họ cùng nhau đi tìm, và rồi cũng kiếm ra được một người hướng dẫn. Khi đã có người hướng dẫn, họ đồng xuất phát lên đường. Trong chuyến đi, họ đến một nơi hẻo lánh và nơi đó có một ngôi miếu. Hễ muốn qua chỗ này thì bắt buộc phải cúng tế một người, rồi sau đó mới qua được.

Khi ấy, nhóm thương nhân bàn bạc với nhau:

“Chúng ta đều là bạn đồng nghiệp với bao năm quen biết thân tình. Làm sao mà có thể giết bất cứ ai trong chúng ta chứ? Chỉ riêng người hướng dẫn là không phải. Chúng ta nên dùng hắn để tế trời.”

Và thế là, họ mang người hướng dẫn ra cúng tế. Sau khi đã tế trời xong, họ lạc mất đường đi. Do chẳng biết đang ở nơi nào, họ phải chịu khốn ách tột cùng và cuối cùng đều bị chết sạch.

Nếu ai muốn vào biển Pháp để lấy trân bảo, họ cần phải tu các Pháp lành và xem đó như là người hướng dẫn. Nếu phá hủy các Pháp lành, họ vĩnh viễn sẽ không bao giờ ra khỏi chốn sanh tử thênh thang. Họ sẽ phải chịu thống khổ lâu dài trong ba đường ác. Phần đông người thế gian cũng như nhóm thương nhân kia. Tuy họ muốn vào biển cả nhưng lại giết chết người hướng dẫn. Kết quả là bị lạc mất phương hướng, rồi cuối cùng phải chịu khốn ách mà chết vậy.

Thuở xưa có một ông vua vừa sanh được một nàng công chúa.

Nhà vua truyền gọi ngự y vào mà bảo:

“Khanh có thể cho trẫm một toa thuốc để khiến công chúa vụt lớn không?”

Ngự y đáp rằng:

“Thần có thể cho một toa thuốc đặc biệt để khiến công chúa lập tức lớn ngay. Chỉ là hiện giờ thần không có phương thuốc này bên mình. Thần cần phải đi rất xa để kiếm về. Tuy nhiên, trong suốt thời gian thần đi kiếm thuốc, đại vương nhất định đừng tới thăm công chúa. Khi nào thần đã cho uống thuốc xong, sau đó thần sẽ dẫn đến gặp đại vương.”

Rồi thì ngự y liền đi rất xa để tìm thuốc về. Trải qua 12 năm thì mới tìm được và mang về. Sau đó, ngự y cho công chúa uống thuốc, rồi dẫn đến gặp quốc vương.

Khi thấy công chúa khôn lớn, nhà vua vui mừng vô cùng và liền tự nghĩ thầm:

“Thật đúng là một vị lương y! Ông ta đã có thể cho một toa thuốc để khiến công chúa của trẫm vụt lớn như vậy.”

Thế là nhà vua liền sai người ban cho thầy thuốc nhiều trân bảo.

Lúc ấy mọi người đều cười nhà vua không có trí tuệ, rằng không biết tính đếm năm tháng đã trải qua kể từ khi công chúa chào đời. Khi thấy con mình khôn lớn, thì cho là do ảnh hưởng của thuốc.

Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế.

Họ tìm đến Thiện Tri Thức mà thưa rằng:

Xem Thêm:   Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ( Kinh Pháp Hoa) Trọn Bộ Kèm Link PDF

“Con muốn cầu Đạo. Mong ngài hãy chỉ dạy để khiến con lập tức đắc Quả.”

Do Thiện Tri Thức dùng phương tiện mà chỉ dạy tọa thiền và quán 12 Duyên Khởi, nên họ dần dần tích lũy công đức và đắc Đạo Ứng Chân.

Khi đó, họ vui mừng hớn hở bội phần mà bảo rằng:

“Mau thật đấy! Sư phụ có thể mau khiến chúng ta chứng Pháp tối diệu như vậy.”

Thuở xưa có hai người cùng trồng mía và họ đánh cược với nhau rằng:

“Ai trồng mía tốt sẽ có thưởng, còn ai trồng mía xấu sẽ bị phạt nặng.”

Khi ấy có một người trong bọn họ thầm nghĩ:

“Nước mía thì ngọt vô cùng. Nếu mình ép nước mía ra, rồi lấy tưới trở lại vào cây mía, chắc chắn nước mía sẽ rất ngon ngọt và mình nhất định sẽ thắng hắn ta.”

Thế là kẻ ngu liền ép nước mía ra, rồi lấy tưới trở lại vào cây mía và hy vọng rằng mía trồng ra được sẽ ngọt hơn. Nhưng trái lại đã làm hư hạt giống của những cây mía trồng và toàn bộ mùa thu hoạch đều mất sạch.

Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Tuy muốn cầu phước lành, nhưng họ lại ỷ vào sự giàu có cùng cậy nương thế lực, mà hà hiếp kẻ dưới và cướp đoạt tài vật người khác. Họ làm như thế mà mong được quả phước lành, thì không biết rằng trong tương lai sẽ chuốc tai ương ngược lại. Đây cũng như kẻ ngu ép nước mía ra, rồi lấy tưới trở lại vào cây mía–kết quả là đều mất sạch vậy.

Xưa kia có một thương nhân cho người ta mượn nửa xu tiền. Nhưng chờ hoài mà không thấy trả, nên anh ta quyết định đi đòi. Trên đường đi, anh ta gặp con sông lớn và phải trả hai xu tiền để qua sông. Khi đã đến nhà người thiếu nợ thì mới hay họ không có ở nhà. Thế là kẻ ngu đành phải quay về, rồi ngồi đò qua sông, và lại phải mất thêm hai xu tiền nữa.

Rốt cuộc chỉ vì nửa xu tiền mà còn mất thêm bốn xu tiền. Đó là chưa kể trên đường phải chịu bao mệt nhọc. Tiền cho mượn quá ít mà tiền mất đi lại quá nhiều. Kết quả là bị mọi người chê cười.

Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Chỉ vì chút ít danh lợi mà hủy đi đại hạnh của mình. Họ chỉ lo bản thân mà không màng lễ nghĩa. Hiện đời họ bị mang tiếng xấu, còn đời sau họ sẽ chịu quả báo khổ đau.

Thuở xưa có một người bần cùng khốn khổ phải làm việc cho vua. Ngày tháng trôi qua, thân thể trở nên gầy gò. Nhà vua thấy thế nên rất xót thương và ban cho một con lừa đã chết. Khi nhận được, kẻ nghèo liền lóc da lừa. Nhưng vì dao bị cùn nên phải đi tìm đá để mài. Cuối cùng, hắn tìm được một cục đá mài ở trên lầu. Khi đã mài dao cho bén xong, kẻ nghèo lại đi xuống để lóc da lừa. Cứ như vậy, hắn chạy lên chạy xuống để mài dao. Càng về sau thì càng mệt mỏi và hắn không thể lên lầu nữa. Cuối cùng kẻ ngu vác nguyên con lừa lên lầu và mài dao ở trên đó. Kẻ ngu như vậy thật đáng bị mọi người chê cười.

Việc làm của kẻ ngu này thì cũng như hạng người, một mặt phá giới, mặt khác lấy nhiều tiền bạc dùng để tu phước, và hy vọng sẽ được sanh lên trời. Họ như kẻ ngu vác nguyên con lừa lên lầu và mài dao ở trên đó. Mặc dù đã bỏ biết bao công sức, nhưng phần thu hoạch lại quá ít ỏi.

Thuở xưa có một người làm rớt một cái bát bằng bạc xuống nước đương lúc ngồi thuyền qua biển.

Anh ta liền nghĩ thầm:

“Mình bây giờ hãy đánh dấu trên nước và cứ gửi ở đó. Sau khi trở về, mình sẽ mò lấy cái bát.”

Trải qua hai tháng, anh ta đã đến nước Sư Tử và tiếp tục hành trình đến các nước khác. Khi thấy một dòng sông nọ, anh ta liền vào trong nước để tìm lại cái bát đã mất.

Thấy vậy nên mọi người mới hỏi rằng:

“Anh đang làm gì vậy?”

Anh ta đáp rằng:

“Lúc trước tôi đã làm mất cái bát. Bây giờ tôi muốn tìm lại nó.”

Mọi người hỏi rằng:

“Anh đã làm mất nó ở chỗ nào?”

Anh ta đáp rằng:

“Lần trước lúc qua biển, tôi đã làm mất nó.”

Mọi người lại hỏi rằng:

“Anh đã làm mất lúc nào?”

Đáp rằng:

“Khoảng hai tháng trước.”

Mọi người hỏi rằng:

“Nếu đã mất hai tháng trước, tại sao anh lại tìm ở đây?”

Đáp rằng:

“Khi mất cái bát, tôi đã vẽ ký hiệu trên nước và gửi ở đó. Cái ký hiệu được vẽ trên nước ở chỗ xưa và nước ở đây chẳng có khác biệt gì. Cho nên bây giờ tôi mới đi kiếm lại.”

Mọi người lại hỏi rằng:

“Mặc dù nước thì không khác, nhưng chỗ làm mất thì ở tận nơi kia. Bây giờ anh tìm ở chỗ này thì làm sao kiếm được?”

Khi ấy mọi người không ai mà chẳng bật cười lớn.

Đây cũng như có hàng ngoại đạo không tu hành đúng cách. Họ chịu khốn khổ để cầu giải thoát với cách tu hành sai lầm. Họ cũng như kẻ ngu kia–mất cái bát một nơi mà lại tìm một ngả vậy.

Thuở xưa có một người nói xấu lỗi lầm của nhà vua.

Người ấy nói rằng:

“Nhà vua rất bạo ngược và trị quốc một cách vô lý.”

Khi những lời này lọt đến tai, nhà vua hết sức phẫn nộ. Chẳng điều tra rõ là do ai đã nói, nhà vua vội tin theo lời nịnh bợ của mấy kẻ xung quanh và bắt giữ một vị hiền thần, rồi ra lệnh lóc 100 lạng thịt trên lưng của vị ấy.

Sau đó có người chứng minh là vị hiền thần này không hề nói lời ấy. Nhà vua cảm thấy hối hận và sai người mang 1.000 lạng thịt để bù đắp. Nhưng nửa đêm, vị hiền thần này rên rỉ và kêu la khổ xiết.

Khi nhà vua nghe tiếng kêu la thì hỏi vị hiền thần này:

“Sao khanh khổ xiết dữ vậy? Trẫm chỉ lấy 100 lạng thịt của khanh, song trẫm đã cho khanh gấp mười lần rồi mà. Khanh còn không vừa ý sao? Tại sao còn rên la nữa?”

Khi ấy, những người ở cạnh tâu rằng:

“Tâu đại vương! Nếu đại vương đã chém đầu con ngài, cho dù đại vương có trả lại 1.000 cái đầu đi nữa, thì con của đại vương cũng không sao thoát khỏi cái chết. Tuy được trả lại gấp mười lần thịt đã mất, nhưng ông ta cũng không sao tránh khỏi đau đớn.”

Đây cũng như mấy kẻ ngu chẳng sợ quả báo ở đời sau. Họ chỉ biết tham khát khoái lạc ở hiện tại mà gây tạo biết bao khổ ách cho chúng sanh. Thời gian sau thì phân phát nhiều tài vật cho mọi người. Họ mong sẽ diệt đi tội đã làm và tích phước báo cho mai sau. Họ cũng giống như ông vua kia, ra lệnh lóc thịt trên lưng của vị hiền thần, rồi sau đó lấy thịt khác để bù vào, và hy vọng rằng ông ta sẽ chẳng còn đau đớn nữa. Thật không có việc ấy!

Vào thời xưa có một người phụ nữ, tuy đã có một đứa con rồi nhưng lại muốn cầu thêm nữa.

Người ấy đi hỏi những phụ nữ khác rằng:

“Ai biết cách nào để khiến tôi có thêm con không?”

Khi ấy có một bà già bảo người phụ nữ này rằng:

“Tôi có thể chỉ cách giúp cô có thêm con, nhưng cô phải làm lễ tế trời.”

Người phụ nữ này hỏi bà lão:

“Tôi phải lấy gì để tế trời?”

Bà cụ bảo rằng:

“Phải giết con của cô, rồi lấy máu của nó để tế trời thì sẽ được nhiều con.”

Khi đó người phụ nữ này chẳng hề do dự mà liền nghe theo lời của bà lão và toan muốn giết con mình.

Trong số người xung quanh lúc ấy, có một người trí cười nhạo cô ta và mắng chửi rằng:

“Thật là ngu si dốt nát! Trong khi chưa rõ là mình có thể sanh được con hay không nữa, thế mà đã muốn giết chết đứa con hiện có.”

Đây cũng như mấy kẻ ngu. Bởi cho rằng muốn hưởng vui sướng đời sau, thì họ phải nhảy vào hầm lửa để chịu muôn sự đau đớn và nghĩ là như vậy sẽ được sanh lên trời.

Nguồn Bài Viết : https://daitangkinh.net/ ( Đại Tạng Kinh )

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog