Hỉ xả là gì
Pháp Giới 8 tháng trước

Hỉ xả là gì

Hỉ xả là dù có chúng sanh làm những điều tội ác, vong ân, khinh hủy, hiểm độc, tổn hại cho người hoặc cho mình, cũng an nhẫn vui vẻ mà bỏ qua. Lòng hỉ xả giải được chướng hận thù báo phục.

  • Tâm từ bi là gì.
  • Thập thiện là gì.
  • Âm đức là gì.
  • Sự thật về hạn tam tai.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Chuyện tâm linh có thật.
  • Hành dịch bệnh quỷ vương Lệ quỷ.
  • Thiên ma là loại ma gì
Hỉ xả là gì
Hỉ xả là gì

Vì sao chúng ta nên dùng tâm hỉ xả

Tổ Thiền Tâm bảo: “Khi bị người khinh báng mưu hại, nên dùng tâm hỉ xả mà an nhẫn. Đừng tìm cách biện minh chống trái. Ví như tờ giấy trắng bị vết mực làm lem, cứ để yên, nó chỉ dơ một chỗ đó rồi lần lần phai nhạt; Nếu lấy đồ lau chùi, tất sẽ hoen ố cả toàn diện. Luận Niệm Phật Bảo Vương Tam Muội nói: “Bị oan ức chớ cầu biện minh, nếu biện minh tất oán hận càng sanh.” Bởi người đã cố tâm nói xấu, ta biện minh tức là cho kẻ đó nói sai. Kẻ ấy dĩ nhiên sẽ sanh sự oán thù tranh cãi. Mà khi đã tranh cãi nhau sai hay đúng đâu còn ý nghĩa gì ngoài thù hận?

Thông thường, người mới tu hay thấy mình phải kẻ khác quấy. Người tu hơi lâu, thấy mình và kẻ khác đều có phải có quấy. Người tu càng lâu, duy chỉ thấy mình quấy. Tại sao thế? Bởi khi việc khinh báng xảy ra, nếu hiện tại mình không sai quấy tất kiếp trước cũng lỗi lầm, nên đời nay phải chịu quả. Giả sử kiếp trước ta không có biệt nghiệp trực tiếp gây nên lỗi, thì cũng do cộng nghiệp tội ác, mới đồng sanh trong cõi ngũ trược này.

“Đã mang lấy nghiệp vào thân.

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.”

Lời của cụ Nguyễn Du nói, cũng thầm hợp với lý đạo.

Phật tử phải tin sâu nhân quả mới dụng được tâm Hỉ xả

Chúng ta từ trước đến nay luân hồi trong sáu nẻo, mỗi đời đều gây nghiệp trái hoặc ân hoặc oán, từ việc nhỏ đến việc lớn, có thể nói là vô lượng vô biên. Cho nên khi ta hành đạo, tuy nhờ công đức tu tập tiêu trừ một phần nào, nhưng các nghiệp chưa tan, tất phải lần lượt đền trả.

Như ta bị người vô cớ đánh mắng, hoặc thường đau yếu hoặc tàn tật..Thảy đều do kiếp trước đã tạo nghiệp sát sanh hoặc đánh đập người. Ngày nay vô cớ bị người đánh hại, cũng nên dùng tâm hỉ xả mà đền trả nợ tiền kiếp mà thôi. Bởi mọi thứ đều không ra khỏi vòng nhân quả, nên không phải tự nhiên mà ta bị người ám hại đâu!

Như ta vô cớ bị nhiều tiếng thị phi khen chê. Đây là  do kiếp trước ỷ thông minh quyền thế xem rẻ người, hoặc đã tạo nghiệp hủy báng. Nay cũng chỉ nên dùng tâm hỉ xả mà nhẫn chịu để trả nợ cho xong.

Như ta nghèo khổ thiếu hụt, bị người vô cớ cướp tiền của cũng là do kiếp trước không có lòng xót thương tu hạnh bố thí. Hoặc tiền kiếp cậy mạnh mà cướp đoạt của người. Nay thời tiết nhân duyên đến lúc đền trả, có chi đâu mà muộn phiền tức giận?

*

Như thế cho đến: Người bị gông cùm tra khảo tù đày, do kiếp trước hay trói buộc, đánh đập, giam nhốt chúng sanh. Kẻ bị cô độc lẻ loi thiếu người phụ trợ, do kiếp trước không hoan hỷ kết duyên với mọi người. Hết thảy đều có nguyên nhân, không có gì tự nhiên xảy ra cả. Chỉ là con mắt phàm phu chúng ta chẳng thấu được nghiệp duyên mà thôi.

Những nghiệp như thế vô lượng vô biên, ngày nay tu hành khi bị oan trái đến, phải dụng tâm hỉ xả mà an lòng nhẫn nại chịu đền trả, không nên oán trách buồn phiền.

Nơi kiếp luân hồi, chúng sanh đều có ăn uống cùng gia đình đôi bạn, nên trong các nghiệp duy có nghiệp sát và nghiệp ái là nặng nhứt. Cổ đức đã than: “Bể nghiệp mênh mang, khó đoạn không chi hơn ái dục. Cõi trần man mác, dễ phạm duy chỉ có sát sanh!”

Gương dụng tâm hỉ xả trả nợ duyên tiền kiếp

Trong Niệm Phật thập yếu, Tổ Thiền Tâm có kể lại kha khá chuyện người xưa dụng tâm hỉ xả để trả nợ tiền kiếp. Nay chép lại vào bài này để bạn thấy cách dụng tâm của người xưa khi đi trên con đường giải thoát.

Dụng tâm hỉ xả trả nợ về nghiệp ái

…Bút giả từng nghe một Phật tử Bắc Việt thuật lại câu chuyện. Vì lâu quá chỉ nhớ phần đại khái, quên mất tên họ địa chỉ của người trong cuộc. Phật tử ấy nói: “Có một vị sư nguyên là thầy giáo. Vì tỉnh ngộ cảnh thế phù du, nên lên tịnh tu trên núi. Trải một thời gian, vị sư được chư thần mách bảo rằng: Ông có duyên nợ mười chín năm với một cô tên họ là thế. Nay tuy đã tu hành không nên kết duyên chồng vợ. Nhưng phải xuống núi dạy dỗ giác ngộ cô kia. Trả xong mối nợ tiền khiên đúng như thời hạn ấy, rồi trở lên núi tu hành mới có thể thành công.

Vị sư y lời xuống núi, quả nhiên gặp một cô tên họ đúng như chư thần đã bảo, cảm mến đeo đuổi. Sư khuyên nhủ dạy đạo cho cô, trả xong y theo thời hạn rồi lên núi. Lúc lâm biệt cô ấy vẫn còn quyến luyến khóc lóc.” Đây là sự trả nợ nần về nghiệp ái.

Dụng tâm hỉ xả trả nợ nghiệp sát

Về nghiệp sát, như Sư Tử tôn giả bên Ấn Độ và Thần Quang nhị tổ ở Trung Hoa tuy đều đắc đạo, nhưng ngày kết liểu vẫn phải an nhiên chịu chém để đền nợ mạng.

Lại như ngài Mục Kiền Liên tuy đắc quả A La Hán, thần thông bậc nhất trong hàng Thanh Văn. Về sau Ngài vì muốn trả túc nghiệp, nên để bọn hung đồ dùng đá gậy liệng đánh cho đến chết. Chúng giết Ngài rồi đem thi hài vùi trong hầm phẩn. Đức Phật thấy thế thương xót, sai đệ tử đem thây Ngài lên tắm rửa sạch sẽ; Xoa ướp dầu thơm, rồi đem đi trà tỳ thâu lấy xá lợi.

Và như thái tử nước An Tức xuất gia tu hành đắc đạo. Ngài dùng Túc Mạng Trí thấy mình còn nghiệp trái sát sanh. Bởi thế nên ba phen Ngài chuyển kiếp đến xứ Lạc Dương ở Trung Hoa trả nợ mạng ba lần. Kiếp sau rốt, ngài là sa môn An Thế Cao.

Cho nên trên đường tu đâu biết ai là toàn vẹn, ta không nên tự mãn mà khinh thường người. Bởi nghiệp trái của chúng sanh rất nhiều, có khi đền trả hết lớp này lại đến lớp khác. Nhiều vị xem dường rảnh rang không oan trái, nhưng chưa hẳn là không có. Chỉ vì chưa đến thời tiết nhân duyên đền trả đó thôi. Muốn dứt oan khiên ta phải dùng tâm hỉ xả mà an nhẫn sám hối. Rồi từ đó cố gắng tu hành để diệt trừ cho tâm địa thanh lương.

Dụng tâm hỉ xả trị Oán Tắng Hội Khổ

Oán Tắng Hội Khổ, tức sự khổ về oan gia hội ngộ, là một trong bát khổ của thế gian. Chúng sanh thời mạt đa phần đều phải chịu cái khổ này. Chúng ta chẳng biết rằng: Vợ chồng con cái do 4 nhân duyên mà có, đó là: Báo ân, báo oán, trả nợ và đòi nợ

Cho nên khi ta bị những kẻ đối nghịch thù oán ở gần bên gièm pha nói xấu, phá phách mưu hại. Làm cho ta phải bực tức khó nhẫn, lo sợ không yên. Lại còn nhiều gia đình, cha mẹ anh em hoặc vợ chồng không đồng ý kiến; Thường có sự tranh cãi giận ghét buồn phiền lẫn nhau. Cần phải hiểu rằng đó là sự gặp gỡ trong oan gia.

Nếu bạn theo thế cuộc mà sanh tâm chống trái tất mọi mâu thuẫn ân oán sẽ càng trầm trọng hơn. Đến khi tỉnh ngộ thì có khi thân bằng quyến thuộc đã trở thành oan gia cừu hận. Nếu bạn dụng tâm hỉ xả, tuy lúc đó có thấy mình thiệt thòi đôi chút, nhưng quan hệ do đó mà trong ấm ngoài êm. Mình nhẫn nhục một chút được nhiều lợi lạc như thế, tại sao không làm?

(Hỉ xả là gì – Theo niệm Phật thập yếu)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Bạn có biết Quỷ thần là gì không

8 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog