Góp thêm những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo
Pháp Giới 2 tháng trước

Góp thêm những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

Nghiên cứu cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều chúng ta dễ dàng bắt gặp là ở chỗ Người có nhiều mối quan hệ gắn bó với Phật giáo, không chỉ ở mặt tư tưởng, tình cảm mà cả chính bằng những việc làm cụ thể.

Trên bình diện tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều mặt gần gũi, gặp gỡ với giáo lý Phật giáo. Cốt tủy của Phật giáo là Từ bi hỷ xả, Vô ngã vị tha, Cứu khổ cứu nạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”(1).

Mang khát vọng giải phóng nhân quần ra khỏi cảnh khổ đau, Thái tử Tất Đạt Đa đã rời bỏ cảnh sống vương giả, xuất gia tìm đạo: “Ta không muốn sống trong cung vàng điện ngọc, Ta không muốn sống trong cảnh vương giả trị vì thiên hạ, hưởng cuộc đời sung sướng cao sang trên mồ hôi nước mắt của lê dân. Ta không muốn sống trong xã hội bất công mà Ta đã chứng kiến. Ta quyết định ra đi, dù phải xông pha trên gió bụi lao lung, Ta cố tìm ra mối đạo giải thoát cho nhân loại muôn loài”(2).

Cùng với hạnh nguyện trên đây của Thái tử Tất Đạt Đa, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, đã sớm nhận ra cảnh:

Trên đời nghìn vạn điều cay đắng
Cay đắng chi bằng mất tự do.

Điều đó thôi thúc Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi gian khổ hiểm nguy, bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước, cứu dân. “Tôi muốn đi ra nước ngòai xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”(3). Với ý chí và quyết tâm đó, nên ngay giữa thủ đô Paris, trong sự bủa vây của mật thám Pháp, Nguyễn Ái Quốc vẫn không hề nao núng về lý tưởng cứu nước, cứu dân của mình: “Tôi thích làm chính trị thì tôi chẳng sợ chết, cũng chẳng sợ tù đày. Trong đời này chúng ta chỉ chết có một lần, tại sao lại sợ?”(4).

Cách đây trên 2.500 năm, khát vọng công bằng xã hội đã được Đức Thế Tôn nêu lên như một quy luật xã hội, cô đọng lại trong lời dạy nổi tiếng, mang tính vượt thời gian: “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn. Mỗi người khi mới sanh không phải có sẵn dấu tin-ca (tilca) trên trán, không đeo sẵn dây chuyền trong cổ”(5). Phật dạy các đệ tử: “Này các Tỳ kheo! Hãy tu hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho chư Thiên và loài người” (Tương Ưng Bộ kinh); “Này các Tỳ kheo! Xưa và nay Ta chỉ nói lên sự khổ và diệt khổ” (Trung Bộ kinh).

Với Hồ Chí Minh thì “tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng… Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(6). Vì vậy đối với Người, “bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích là làm sao ích quốc lợi dân. Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn đau khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Phật giáo chủ trương: “Dĩ chúng tâm kỷ tâm”. Đối với Phật giáo, con người là cao hơn tất cả: “Nhân thị tối thắng”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân chúng công nông là gốc cách mệnh” (7) và “nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không có gì tốt đẹp vẻ vang bằng phục vụ lợi ích cho nhân dân”(8).

Trong Phật giáo, các vị Bồ tát xem nỗi đau khổ của chúng sinh là nỗi đau khổ của minh, bao giờ nỗi đau khổ của chúng sinh chưa dứt thì thề chưa thành Phật, ngài Địa Tạng Bồ tát thệ nguyện:

Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề,
Địa ngục vị không thệ bất thành Phật”.

(Chúng sinh độ hết mới chứng đạo Bồ đề,
Địa ngục nếu còn thề không thành Phật).

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “suốt đời, tôi chỉ có một ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(9). Nhân bản Hồ Chí Minh nói theo cách nói của Phật giáo là sự “kết tinh bằng Từ bi, Trí tuệ, Dũng mãnh, hướng dẫn chúng sinh đạt tới mục đích Giác ngộ và Giải thoát, chuyển cõi Sa bà này thành cõi Tịnh độ, và cuộc đời cơ cực này thành nếp sống Cực lạc”(10).

Xem Thêm:   Hàng ngàn em nhỏ đến Việt Nam Quốc Tự thắp đèn trung thu trong Đêm hội trăng rằm

Nhận rõ những giá trị cao đẹp của Phật giáo, có sự gần gũi, gặp nhau với tư tưởng Phật giáo trên những nét lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng nhìn Phật giáo với một thái độ trân trọng: “Nền tảng và truyền thống của triết học Ấn Độ là lý tưởng hòa bình bác ái. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, tư tưởng của Phật giáo, nghệ thuật khoa học Ấn Độ đã lan khắp thế giới”(11). Năm 1958, khi sang thăm Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi rất sung sướng được thăm quê hương Đức Phật, quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới”(12). Nhà thơ Huy Cận viết: “Khi bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn có một tấm long kính mộ sâu sắc và cảm động đối với Đức Phật Thích Ca – người sáng lập ra đạo Phật, cũng như đối với tất cả các vị sáng lập những tôn giáo lớn. Người đã cảm nhận ở các vị giáo chủ này trước hết là lòng thương cảm sâu sắc đối với số phận của những chúng sinh và ý muốn thiết tha làm sao giảm nhẹ hoặc xóa bỏ những nỗi đau khổ của con người trên trái đất”(13).

Trong hành động cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều gắn bó với Phật giáo. Theo nghị sĩ Thái Lan Si-pha-nôn Vi-shit Va-ra-ron, năm 1927, khi hoạt động ở Thái Lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng điện Phật to nhất của chùa Phô-thi-sôm tỉnh U-đon, Đông Bắc Thái Lan. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã vận động Việt kiều góp sức, góp của và đứng ra chủ trì việc xây dựng. Cũng thời gian này, chùa Lô-ka-nu-kho (Băng-cốc) là cơ sở hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây, Người đã được Hòa thượng Thích Bình Lương hết lòng giúp đỡ.

Khi nước nhà được độc lập, nhà sư về nước. Lúc nhà sư lâm bệnh điều trị ở Bệnh viện Việt – Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm. Khi nhà sư viên tịch, Người đã gửi vòng hoa đến viếng với nội dung: “Kính viếng Hòa thượng Thích Bình Lương”, dòng chữ nhỏ dưới đề: “Đồng chí Hồ Chí Minh”. Giáo sư Trần Văn Giàu cũng cho biết thêm khi hoạt động cách mạng ở Thái Lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống rất giản dị và kham khổ như một nhà tu hành, có khi Người đã mặc áo cà sa của nhà sư.

Năm 1941, khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong điều kiện hết sức khó khăn giữa núi rừng Pắc Bó, Nguyễn Ái Quốc đã vẽ ảnh Phật treo trên vách đá để quần chúng có nơi chiêm ngưỡng vào những dịp lễ Tết.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, mặc dầu bề bộn với nhiều công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đến thăm chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá. Nói chuyện với Tăng Ni, tín đồ Phật tử ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhà nước chúng tôi luôn luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, Tăng Ni và Phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần Tư bi, Vô ngã, Vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”(14). Đối với Người, làm được như vậy tức là “đã làm theo lòng Đại từ, Đại bi của Đức Phật Thích Ca”(15).

Trong thời gian từ năm 1954 đến lúc qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm nhiều chùa, nhiều cơ sở Phật giáo ở miền Bắc, tiếp xúc với nhiều Tăng Ni, Phật tử. Ngày 19-5-1960, trong lúc Hoà thượng Thích Thanh Chân, trụ trì chùa Hương, đang chuẩn bị vào Phủ Chủ tịch để chúc thọ Hồ Chủ tịch tròn 70 tuổi, thì 5 giờ sáng hôm đó, Người lại vào thăm chùa Hương. Tại đây, Người đã chỉ thị cho chính quyền địa phương phải sửa lại những con thuyền, bắc thêm cầu phao và làm thêm một con đường mới, để các Tăng Ni, Phật tử đi lại chiêm bái được dễ dàng và an toàn.

Xem Thêm:   Đồng Nai: Lễ tưởng niệm Hòa thượng Thích Thiện Phước - vị sáng lập Liên tông Tịnh độ Non Bồng

Khi ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách kỳ thị tôn giáo, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Tăng Ni, Phật tử “hãy ra sức giúp đỡ cán bộ, hăng hái thực hiện mọi công tác của Chính phủ, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, ngăn chặn âm mưu của Mỹ – Diệm và bọn tay sai chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, hãy ra sức đấu tranh giành thống nhất đất nước”(16). Khi chính quyền Ngô Đình Diệm tiến đến chính sách tiêu diệt Phật giáo bằng việc ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Lễ Phật đản năm 1963, Tăng Ni, Phật tử miền Nam đã đứng dậy đấu tranh quyết liệt.

Để phản đối chính sách bất công, gian ác của chính quyền Ngô Đình Diệm, ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn với hạnh nguyện:

“Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác,
Tro trắng phẳng san hố bất bình”(17).

Trước sự hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức cảm động và Người đã có câu đối kính viếng Hòa thượng:

Vị pháp thiêu thân, vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt;
Lưu danh bất hủ, bách niên chính khí địa sơn hà”(18).

Đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành “Kế hoạch nước lũ”, cho quân tấn công hầu hết các ngôi chùa dùng làm cơ sở đấu tranh trên khắp miền Nam. Tiếp theo, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp khốc liệt cuộc đấu tranh của sinh viên, học sinh Sài Gòn phản đối Diệm đàn áp tôn giáo. Ngày 25-8-1963, nữ sinh Quách Thị Trang bị bắn chết trước bùng binh chợ Bến Thành (Sài Gòn). Ngày 28-8-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời tuyên bố, nghiêm khắc lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man Tăng Ni, Phật tử và khủng bố, bắt bớ giáo sư, sinh viên, học sinh miền Nam: “Gần đây, ở miền Nam Việt Nam lại xảy ra thêm một tình trạng cực kỳ nghiêm trọng và đau thương. Bọn Ngô Đình Diệm đốt phá chùa chiền, khủng bố sư sãi và đồng bào theo đạo Phật. Chúng đóng cửa các nhà trường, bắt bớ hàng loạt giáo sư và sinh viên, học sinh. Tội ác của chúng, nhân dân ta đều căm giận. Cả thế giới đều lên tiếng phản đối, nhân dân tiến bộ Mỹ cũng tỏ lòng bất bình… Trước tình hình ấy, đồng bào miền Nam ta đã đoàn kết nhất trí, không phân biệt sĩ nông công thương, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam tất yếu sẽ thắng lợi: “Dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cuộc đấu tranh chính nghĩa của đồng bào miền Nam được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, nhất định giành được thắng lợi”; đồng thời bày tỏ sự cảm ơn đối với nhân dân thế giới đã ủng hộ cuộc đấu tranh của Tăng Ni, tín đồ Phật tử miền Nam chống chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm: “Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn nhân dân và chính phủ các nước Phật giáo, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, cảm ơn nhân dân yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa trên thế giới, cảm ơn nhân dân và nhân sĩ tiến bộ nước Mỹ đã nghiêm khắc lên án Mỹ – Diệm và nhiệt tình ủng hộ nhân dân miền Nam”(19).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao những đóng góp, hy sinh của Tăng Ni, tín đồ Phật giáo trong hai cuộc kháng chiến. Năm 1964, trong thư gửi Đại hội kỳ 3 Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, Người viết: “Các vị Tăng Ni, tín đồ Phật giáo trước đây có công với kháng chiến, nay thì đang góp sức cùng toàn dân xây dựng miền Bắc giàu mạnh và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”. Hòa thượng Thích Đôn Hậu (chùa Linh Mụ, Huế), người thoát ly tham gia kháng chiến vào dịp quân và dân miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, rất có lý khi khẳng định rằng: “Sự hiểu biết của Người rất uyên bác, không những Người nắm chắc lịch sử yêu nước của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ, mà Người còn theo dõi rất cụ thể những hoạt động yêu nước của Phật giáo nước ta hiện nay”(20). Ông Srivalisnha, Chủ tịch Hội Truyền bá đạo Phật Mahabodi ở Ấn Độ phát biểu trong lần tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người sang thăm Ấn Độ (1958): “Chúng tôi kính cẩn và nhiệt liệt hoan nghênh ngài Chủ tịch đã từ bỏ những hào nhoáng lộng lẫy… Cũng như Hoàng đế Asoka, một Phật tử đầy lòng hy sinh, Chủ tịch đã nêu cao trước thế giới một lý tưởng mà chỉ có thể thực hiện bởi một người đầy lòng tin tưởng… Chủ tịch thật là một người kiêm cả công, nông, trí thức cách mạng với một lòng từ bi là đạo đức quý nhất của tín đồ Phật giáo. Các Phật tử Ấn Độ chúng tôi rất lấy làm tự hào mà xem Ngài là một con người của một nước đã có quan hệ mật thiết về văn hóa và tín ngưỡng hơn hai ngàn năm với Ấn Độ chúng tôi”(21). Và, thực tế là đã có một con đường mang tên Hồ Chí Minh ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Những dòng tư liệu trên đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn và đầy đủ hơn về mối quan hệ gắn bó sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo trong quá trình hoạt động cách mạng của Người, cả trong nhận thức và trong hành động; nó giải thích rõ vì sao Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến đã đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn và đã có những đóng góp hết sức to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và ngày nay đang chung lưng đấu cật cùng với toàn dân bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Xem Thêm:   Giải tỏa oan ức

Lê Cung (PGS.TS.Khoa Lịch sử)

(1) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Tập IV, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1958, tr.39.
(2) Thích Diệu Niệm. Tư tưởng Hồ Chí Minh gần gũi với tư tưởng Phật giáo. Nội san Nghiên cứu Phật giáo số 1, Hà Nội, 1991, tr.33.
(3) Trần Dân Tiên. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. NXB Văn Học, Hà Nội, 1970, tr.11.
(4) Nguyễn Phan Quang. Thêm một số tư liệu về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp 1917-1923. NXB TP.HCM, 1995, tr.47.
(5) Võ Đình Cường. Ánh đạo vàng. Phật học Viện Quốc tế xuất bản, USA, 1987, tr.92-93.
(6) Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập IV. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1984, tr.1.
(7) Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập II. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1984, tr.197.
(8) Hồ Chí Minh. Phát huy tinh thần cầu học cầu tiến. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1960, tr.62-63.
(9) Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập IV. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1984, tr.100.
(10) Thích Đức Nghiệp. Hồ Chủ tịch, một biểu trưng nhân bản Việt Nam, trong Đạo Phật Việt Nam. NXB TP.HCM, 1995, tr.318.
(11) Hồ Chí Minh. Truyện và ký. NXB Văn Học, Hà Nội, 1985, tr.201.
(12) Hồ Chí Minh. Sđd, tr.208
(13) Cù Huy Cận. Hồ Chí Minh – nhà văn hóa lớn, một người hiền của thời đại chúng ta. Báo Nhân Dân ngày 1-9-1989.
(14) Thích Đức Nghiệp, Sđd, tr.321-322.
(15) Thư Hồ Chủ tịch gởi Hội Phật tử Việt Nam, ngày 30-8-1947.
(16) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Tập IV. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1958, tr.39.
(17) Kệ thiêu thân cúng dường Chánh pháp của Hòa thượng Thích Quảng Đức viết trước lúc tự thiêu.
(18) Phạm Hoài Nam. Bồ tát Thích Quảng Đức, ngọn đuốc xả thân vì Đạo pháp và Tổ quốc. Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 30-5-2005.
(19) Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình miền Nam Việt Nam hiện nay. Báo Quân Đội Nhân Dân, ngày 29-8-1963, tr.1.
(20) Bác Hồ trong lòng dân Huế. Thành ủy Huế, 1990, tr.35.
(21) Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1990, tr.30.

Nguồn: https://giacngo.vn/

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

1 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog