Thiền sư Chí Công Thần dị chuyện
Pháp Giới 9 tháng trước

Thiền sư Chí Công Thần dị chuyện

Thiền sư Chí Công là Quốc sư trong triều đại của vua Lương Võ Đế (463 – 549). Ngài là người đã soạn thảo bộ Lương Hoàng Bảo Sám, một bộ sám pháp nổi tiếng và có công năng siêu diệt tội chướng thần dị. Thực ra Ngài vốn là một hóa Thân Bồ Tát. Do lúc Ngài Chí Công biên soạn, đã được Bồ Tát Di Lặc ứng mộng ban tên là: “Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp”, lại bắt nguồn từ vua Lương Võ Đế, nên gọi là “Lương Hoàng Bảo Sám”. Cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài đầy rẫy nhưng điều thần dị, được lưu truyền kim cổ.

  • Ngài Quả Khanh là hóa thân Bồ Tát.
  • Ma Ha Ca Diếp Tôn giả.
  • A Nan Tôn giả.
  • Đế Thích Thiên là ai.
  • Tứ Đại Thiên Vương gồm những ai.
  • Sự thực về vua A Xà Thế.
  • Chuyện tâm linh có thật.

 

Thiền sư Chí Công Thần dị chuyện
Thiền sư Chí Công: Minh họa

Thiền Sư Chí Công

Thuở xưa vào triều đại nhà Lương ở Trung Hoa có Thiền sư Chí Công là một bậc Đại đức cao tăng. Không sử sách nào ghi lại song thân của Thiền sư là ai. Người ta thường kể với nhau rằng: Một hôm nọ, có người phụ nữ nghe tiếng khóc của một hài nhi trên cành cây cao. Cô ta trèo lên, thấy một hài nhi nằm trong tổ chim ưng, bèn đem hài nhi về nuôi. Tuy thân thể hài nhi này hoàn toàn giống như người nhưng những móng tay, móng chân giống như móng chim ưng.

Khi trưởng thành, xuất gia tu đạo, chứng được ngũ nhãn lục thông. Không biết cha mẹ Ngài là ai, chỉ biết Ngài sinh trong tổ chim ưng nên mọi người đều phỏng đoán Ngài được sinh ra từ trứng chim ưng vậy. Thời ấy, vua Lương Vũ Đế cũng như mọi người đều rất kính trọng và tin phục các Thiền sư. Bất luận khi họ gặp những sự kịên gì trong đời sống, như sinh con, cha mẹ qua đời, cưới hỏi… họ đều cung thỉnh các Thiền sư đến để tụng kinh chú nguyện.

Một hôm, có một gia đình giàu có thỉnh Thiền sư đến tụng kinh chú nguyện nhân dịp đám cưới người con gái của họ, đồng thời thỉnh Thiền sư ban cho vài lời chúc mừng để mong rằng trong tương lai, việc hôn nhân đều được tốt lành như ý. Thiền sư Chí Công đến nhà ấy, khi nhìn thấy cô dâu chú rể, Ngài liền nói: “Thật cổ quái, thật cổ quái!” “Cháu cưới bà nội”

Thiền sư Chí Công: Cháu cưới bà nội

“Thật cổ quái” nghĩa là xưa nay chưa từng có một việc như vậy. Đây không phải là chuyện xưa nay thường xảy ra. Thật kỳ lạ khi nhìn một đứa cháu cưới bà nội mình làm vợ. Trên thế gian này, nếu không thông đạt những nhân duyên trong thời quá khứ thì không thể nào lý giải được những mối quan hệ cha con, mẹ con, vợ chồng, anh em, bè bạn… của nhau.

Vì sao? Vì mọi người đều có thể là chồng hoặc vợ của nhau trong đời trước. Một người có thể là cha hoặc là con của nhau trong nhiều đời trước. Hoặc một người đều là mẹ và con gái của nhau trong đời trước. Ông nội của quý vị trong đời trước lại kết hôn với cháu gái của quý vị trong đời này. Hoặc là bà ngoại đời trước lại tái sinh làm con gái của quý vị. Tất cả mọi việc đều có thể xảy ra, và đều chịu sự biến hóa khôn lường.

Trong nhà này, chuyện “cháu cưới bà nội” là do trước kia, khi bà nội sắp mất, bà trăn trối lại với toàn gia quyến: “Con trai ta vừa mới cưới vợ và đã có con nối dòng. Con gái ta cũng đã có chồng, ta không còn bận tâm gì nữa”. Bà ta hoàn toàn thỏa mãn và đã gạt mọi sự bận tâm qua một bên, ngoại trừ một điều: Còn đứa cháu nội, “tương lai rồi sẽ ra sao? Ai sẽ chăm sóc nó? Liệu người vợ của nó có đảm đang hay không? Ta không thể nào không lo cho nó được!” Bà nắm tay đứa cháu nội và qua đời.

Thiền sư Chí Công: Sự khủng khiếp của cận tử nghiệp

Người ta bảo rằng nếu mọi việc đều toại nguyện, lúc lâm chung có được tâm trạng thơ thới thì người chết sẽ nhắm mắt. Còn nếu không, thì người chết không nhắm mắt được. Bà lão nói: “Bà rất lo lắng cho cháu, bà chết không nhắm mắt được”. Nói xong, bà ra đi mà mắt vẫn mở. Thần thức của bà vẫn còn lo âu. Khi đến gặp Diêm vương, bà ta than khóc, thưa rằng: – Tôi còn đứa cháu nội, không ai chăm sóc nó.

Diêm vương đáp: – Được rồi, bà hay trở lại dương gian chăm sóc cho nó Nói xong, bà ta được đầu thai trở lại trong cõi trần. Khi đến tuổi thành hôn, bà ta lấy người cháu nội trước đây của bà ta.

Vì vậy nên nói “cháu lấy bà nội”. Qúy vị thấy có phải là cổ quái thật không? Chỉ vì một niệm ái luyến không buông xả được mà tạo nên biết bao duyên nghiệp buộc ràng về sau. Bà ta chỉ vì bận tâm vì đứa cháu, mà về sau phải làm vợ cho nó. Qúy vị thử nghĩ lại xem, đây chẳng phải là chuyện cổ quái hay sao? Q

úy vị sẽ hỏi: “Làm sao mà Thiền sư Chí Công biết được điều ấy?” Thiền sư biết được là vì Ngài đã đạt được ngũ nhãn và lục thông. Nên chỉ cần nhìn qua, là Ngài liền biết được ngay kiếp trước của cô dâu vốn là bà nội của chú rể. Chỉ vì bà nội đã khởi một niệm ái luyến sai lầm nên nay phải đầu thai trở lại làm người, và làm vợ của đứa cháu nội mình.

Thiền sư Chí Công: Lục đạo chúng sanh

Một niệm lành còn như thế huống gì là niệm ác, hoặc khởi trùng trùng niệm ác thì luân hồi trong tam đồ lục đạo biết bao giờ dứt, biết bao giờ mới mong ra khỏi. Thiền sư lại nhìn trong số khách đến dự đám cưới, có một bé gái đang ăn thịt, Ngài nói: “Con gái ăn thịt mẹ”.

Vì miếng thịt mà em bé đang ăn là thịt dê, con dê này vốn là mẹ của em bé đầu thai lại. Kiếp trước bà ta đã tạo nghiệp ác quá lớn nên đã phải đọa làm dê. Nay lại bị chính con mình ăn thịt. Vòng oán nghiệp khởi dậy do vô minh của chúng sinh không lời nào kể hết được. Chư Bồ Tát thương xót, phát tâm cứu độ chúng sinh là do điểm này. Khi Thiền sư nhìn các nhạc công, thấy có vị đang đánh trống. Ngài nói: “Con trai đang đánh bố”.

Vì cái trống ấy bịt bằng da lừa. Con lừa này chính là cha của anh nhạc công đầu thai vào. Con lừa này bị giết thịt, lấy da làm mặt trống. Thật là đau thương cho kiếp luân hồi. Ngài nhình quanh đám cưới, nói tiếp: “Heo dê ngồi ở trên” Ngài thấy có vô số loài heo, cừu, dê, gà được đầu thai trở lại làm người, nay họ đều là bà con thân quyến của nhau nên cũng đến dự đám cưới này.

Nhìn trong bếp, Ngài nói: “Lục thân bị nấu trong nồi”. Chính là cha mẹ, anh em, bà con, bè bạn do kiếp trước đã sát sinh heo, gà quá nhiều để ăn, nay lại bị đọa làm heo, dê, gà trở lại; rồi bị giết thịt, bỏ vào nồi chiên nấu trở lại.

*

Ngài nói tiếp: “Mọi người đều vui vẻ chúc mừng nhau” Mọi người đến dự đám cưới đều rất vui vẻ mà chúc tụng nhau. Ngài tự than với mình rằng: “Trông thấy cảnh ấy mà lòng đau xót, ta biết đó chính là những oán nghiệp xoay vần vay trả, tạo nên nỗi khổ chất chồng”. Thiền sư Chí Công biết rõ nhân quả khi nhìn vào gia đình này. Làm sao chúng ta có thể hiểu được hết chuỗi nhân quả của từng gia đình với trùng trùng khác biệt nhau ra sao.

Cho nên những người tu đạo phải rất cẩn trọng trong khi tu nhân, vì khi nhân duyên chín mùi sẽ gặt lấy quả tương ứng với nhân đã gieo. Tại sao người lại trở lại làm người? Là để trả nợ, trả những món nợ nhân quả ở thế gian. Nếu quý vị không tìm cách trả món nợ này thì nợ nần vẫn tiếp tục, như món nợ đã vay của ngân hàng vậy.

Tôi nhớ một câu chuyện này nữa. Có một gia đình nuôi một con lừa, dùng nó để kéo cối xay và chuyên chở. Người chủ thấy lừa quá chậm chạp nên thường dùng roi đánh nó để thúc giục. Con lừa làm việc miệt mài trong cực nhọc cho đến khi chết. Nó được đầu thai làm người. Khi người chủ hay đánh đập lừa chết, lại đầu thai làm một người phụ nữ. Khi cả hai người này đến tuổi thành hôn thì họ cưới nhau. Qúy vị có biết cặp vợ chồng này sống với nhau như thế nào không? Suốt ngày người chồng đánh đập người vợ.

Thiền sư Chí Công: Luân hồi vay trả

Ông đánh vợ bất kỳ lúc nào, bất luận đang cầm vật gì trên tay, cả lúc đang ăn cơm cũng đánh vợ bằng đũa. Ông ta vừa đánh vừa chửi, cho dù người vợ chẳng làm điều gì sai trái. Một hôm Thiền sư Chí Công đi qua nhà họ. Người phụ nữ bèn thưa với Ngài:

– Chồng con ngày nào cũng đánh và chửi con quá chừng mà con không biết tại sao. Bạch Ngài, xin Ngài hãy dùng ngũ nhãn, lục thông bảo cho con biết mối tương quan nhân quả của chúng con đời trước ra sao mà đời này chồng con đánh đập và chửi mắng con hoài vậy?

Thiền sư Chí Công đáp:

– Tôi sẽ nói rõ tương quan nhân quả của hai người cho mà nghe. Trong đời trước, bà là một người đàn ông. Ngày nào bà cũng đánh đập chửi mắng con lừa, thúc giục nó phải kéo cối xay bột. Ông chủ ấy thường đánh con lừa bằng cái chổi tre. Nay ông chủ được đầu thai lại làm người phụ nữ, đó chính là bà. Còn con lừa thì được đầu thai làm người chồng. Nay ông ta thường hay đánh đập chửi mắng bà cũng như kiếp trước bà đã thường đánh chửi ông tức là con lừa vậy.

Nay bà đã hiểu rõ nhân quả tương quan với nhau rồi, tôi sẽ bày cho một cách để chấm dứt vòng oán nghiệp này. Bà hãy cất giấu tất cả mọi dụng cụ trong nhà ngoại trừ cái chổi đuôi ngựa (chổi dây). Khi người chồng thấy chẳng còn vật gì dùng để đánh cô, anh ta sẽ cầm chổi dây này để đánh.

*

Cứ để cho anh ta đánh vài trăm roi, thì nợ cũ của bà mới được trả. Lúc đó, bà mới báo cho anh ta biết nhân đời trước và quả đời sau báo ứng với nhau rất rõ ràng như tôi vừa giải thích cho bà. Anh ta sẽ không còn đánh bà nữa. Người phụ nữ làm đúng như lời Thiền sư Chí Công chỉ dạy. Khi người chồng về đến nhà, ông ta liền kiếm vật gì đó để đánh vợ. Chỉ còn thấy chiếc chổi đuôi ngựa, ông ta cầm lấy và đánh. Thông thường như mọi khi, cô ta tìm cách chạy trốn. Nhưng lần này cô ta kiên nhẫn ngồi đó chịu đòn cho đến khi ông chồng ngừng tay.

Thấy lạ, ông ta hỏi tại sao bà không bỏ chạy. Cô ta kể lại việc được Thiền sư Chí Công giải thích cặn kẽ tương quan nhân quả của hai người. Ông chồng nghe xong ngẫm nghĩ: “Như thế thì từ nay ta không nên đánh chửi cô ta nữa. Nếu còn đánh, thì kiếp sau cô ta sẽ đầu thai trở lại rồi tìm ta để đánh chửi”.

Từ đó ông chồng không còn đánh mắng người vợ nữa. Thế nên quý vị phải biết mọi người đều có sự quan hệ với nhau tương ứng với nhân đã tạo. Qúy vị chẳng thể nào biết được trong đời trước, ai đã từng là mẹ, là anh, là cha hay là chị em của mình. Cái nhân đã tạo ở đời trước sẽ tạo thành quả đời này và nhất định có liên quan đến bà con quyến thuộc của mình.

Thiền sư Chí Công: Thị hiện thần thông

Nếu quý vị hiểu được đạo lý nhân quả, thì quý vị có thể chuyển hóa, biến cải được nhân bằng cách từ bỏ những việc ác. Còn một chuyện nữa về Thiền sư Chí Công. Một ngày Ngài ăn hai con chim bồ câu. Ngài rất thích món ăn này. Người đầu bếp nghĩ rằng món thịt bồ câu chắc là rất ngon nên ngày nọ anh ta quyết định nếm thử.

Anh ta làm việc này với hai ý nghĩ: Một mặt là muốn thử xem thức ăn hôm nay mình làm có ngon hay không? một mặt khác anh ta nghĩ rằng Ngài Chí Công ngày nào cũng thích ăn bồ câu, nhất định đây là một món ăn rất ngon, nên muốn thưởng thức một chút rồi mới đem đến cho Thiền sư dùng. Khi người đầu bếp mang thức ăn đến. Ngài nhìn đĩa thức ăn và hỏi:

– Hôm nay có ai nếm trộm thức ăn này? Có phải chính anh không?

Người đầu bếp liền chối. Thiền sư liền bảo: – Anh còn chối. Tôi sẽ cho anh thấy tận mắt ai là người nếm trộm. Hãy nhìn đây! Ngài liền ngồi ăn. Ăn hết hai con bồ câu rồi, Ngài liền há miệng rộng, trong đó, một con bồ câu liền vẫy cánh bay ra còn con kia thì bị mất một cánh, không thể bay lên được. Thiền sư mới bảo:

– Anh thấy đó, nếu anh không nếm trộm thì tại sao con bồ câu này không thể bay được? Chính là vì anh đã ăn hết một cánh của nó.

Chuyện này làm cho anh đầu bếp biết Thiền sư Chí Công không phải là người thường. Ngài chính là hóa thân của Bồ – tát.

*

Thế nên Ngài có năng lực biến những con bồ câu bị nấu thành thức ăn rồi thành bồ câu sống. Không phải là Bồ – tát, không làm chuyện này được. Thiền sư Chí Công còn thường ăn một loại cá gọi là Tuệ Ngư. Cũng đem cá ra nấu nướng rồi Ngài ăn từ đuôi lên đầu. Nhưng sau đó Ngài lại há miệng ra làm cá sống lại.

Vì vậy, những việc này là rất thường đối với cảnh giới của hàng Bồ – tát. Thiền sư Chí Công là một vị Bồ – tát, nhưng không bao giờ Ngài nói: “Các ngươi biết không, ta là một vị Bồ – tát, ta đang giáo hóa chúng sanh, ta có đại nguyện này, hạnh nguyện kia…” Các vị không bao giờ mong khởi ý niệm ấy. Cho nên chúng ta là hàng phàm phu, dù có thấy Chư Phật hay Bồ – tát cũng không thể nào nhận biết được.

Việc làm của Bồ – tát cũng gần như hành xử của người thường, nhưng thực chất lại không giống nhau. Là vì phàm phu khi hành động chỉ nghĩ đến lợi ích của chính mình, không nghĩ đến sự giúp đỡ cho người khác. Còn Bồ – tát thì chỉ nghĩ đến lợi ích của người khác mà không nghĩ đến mình. Khác nhau là ở điểm này. (Hòa thượng Tuyên Hóa kể)

Thiền sư Chí Công và Lương Hoàng Bảo Sám

Do Hoàng hậu Hy Thị là vợ vua Lương Võ Đế, lòng nhiều tật đố, kinh khi Tam bảo, tính dữ như độc xà, thấy vua Lương Võ Đế ưa học Phật tu hành bà rất ghét. Bà từng xé kinh “Diệu Pháp Liên Hoa”, luôn tìm cách phá hoại giới hạnh thanh tịnh các tu sĩ; Hay ác khẩu cuồng ngôn, hủy thanh quy Phật. Do bà sống không biết tích phúc, chẳng tin báo ứng nhân quả, ngày ngày tạo ác nghiệp dẫy đầy, vì vậy mà yểu mệnh, mới ba mươi tuổi đã lìa đời.

Bà chết rồi thì đọa làm mãng xà, chịu đói khát, toàn thân luôn bị côn trùng rúc rỉa đau đớn, chẳng lúc nào được an. Bà bèn báo tin cho vua Lương Võ Đế hay, cầu ông cứu mình.

Vua vội bái hỏi Hòa thượng Chí Công: – Hy Thị do đâu bị đọa làm mãng xà?

Chí Công đáp: – Do bà sống bất kính Tam bảo, tật đố lục cung, chẳng chịu tạo thêm phúc mà chỉ biết tận hưởng. Cứ tưởng vương cung là thiên đường, không tin nhân quả, chẳng sợ báo ứng, gây ra quá nhiều nghiệp ác.

Vua hỏi: – Làm sao để siêu độ bà?

Chí Công đáp: – Nếu muốn siêu độ, bệ hạ cần thiết trai phạn thỉnh cao tăng cúng dường, lập Đại đàn tràng sám hối tuyên dương Phật pháp. Ngài cần nghiên cứu kinh tạng, đích thân lễ bái, tụng niệm sám hối…Vua làm theo lời dạy và thỉnh ngài Chí Công soạn ra áng văn sám hối này. Sau đó chúng tăng lập đàn tràng lễ sám, cầu cho Hy Thị.

*

Khi bộ “Lương Hoàng Sám” vừa tụng xong, thì thấy một vị trời dung nhan xinh đẹp bảo vua Lương rằng: Tôi nhờ Phật lực nên thoát kiếp mãng xà, được sinh thiên, nên nay đến lễ tạ ân.

Do lúc Ngài Chí Công biên soạn, đã được Bồ Tát Di Lặc ứng mộng ban tên là: “Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp”, lại bắt nguồn từ vua Lương Võ Đế, nên gọi là “Lương Hoàng Bảo Sám”. Lúc bái sám, có Sư hướng dẫn đại chúng hành theo, ý nghĩa sám là: Dùng hình thức này giúp mọi người đồng tu, hằng giữ chính niệm, giờ giờ khắc khắc luôn phản tỉnh kiểm soát bản thân, nhờ chí thành sám hối, dẹp trừ chướng ngại mà được thanh lương.

Bộ “Lương Hoàng Bảo Sám” này sau khi siêu độ được hoàng hậu Hy Thị thu được kết quả vi diệu rồi, thì trải qua nhiều đời, vẫn tiếp tục phát huy uy lực, chiêu nhiều cảm ứng thần kỳ. Do vậy mà được tôn là Bảo Sám – Bắt nguồn từ chữ “Sám”, bởi nếu không chân chính sám hối thì không là “Đạo Tràng Từ Bi” mà cũng không thể gọi là “Bảo”. Vì vậy “Lương Hoàng Bảo Sám” chứa ân huệ vạn ngàn, đức trùm thiên thu”, công đức sám hối, tán thán không sao hết được.( Quả Khanh)

Thiền sư Chí Công: Tiền kiếp của vua Lương

Vào thời đó, có Hòa thượng Chí Công, hiệu Bảo Chí là bậc đắc đạo, danh vang đồn khắp, Lương Võ đế rất mực cung kính, quý trọng, tôn ngài làm Quốc sư. Một hôm, nhà vua lên chùa vãng cảnh và thỉnh cầu Hòa thượng soi kiếp cho mình. Hòa thượng từ chối, nhưng nhà vua vẫn cố nài thỉnh. Hòa thượng Chí Công đành phải nễ tình mà nói ra và dặn đừng kể lại với ái phi.  Nhà vua hứa giữ lời. 

Câu chuyện như sau: “Ngày xưa, có một anh tiều phu nhà nghèo, rất hiếu thảo với cha mẹ. Họ cùng sống chung dưới mái nhà tranh lụp xụp, nằm ẩn trong rừng sâu. Một hôm, anh vào rừng đốn củi, tình cờ gặp một ngôi chùa bỏ hoang, vách chùa vẫn còn đứng vững, nhưng mái thì hư sụp. Trên bàn thờ có bảy pho tượng Phật.

Anh thấy Phật ngồi bị nắng dội mưa chang, bụi đất dính đầy, rất lấy làm thương cảm, bèn phát tâm mua bảy cái nón rơm để đội cho bảy tượng Phật. Có lần anh vào núi, đến một tảng đá khá to nằm kề bóng cây râm mát bên dòng suối chảy trong veo. Anh để gói cơm trên đó và ung dung vào rừng đốn củi. Trưa anh gánh củi ra, xuống suối rửa mặt và tay chân rồi định lấy cơm ăn,  bỗng dưng gói cơm biến mất. Anh lại thấy cơm vung vãi, bèn lần theo dấu vết, bắt gặp bầy khỉ đang ăn cơm của mình.

Thiền sư Chí Công: Tiền kiếp của Hoàng hậu

Vừa đói bụng, vừa tức giận, anh rượt theo bầy khỉ. Con khỉ đầu đàn bèn dẫn cả bầy khỉ chạy vào hang, anh liền lấy đá lấp kín miệng hang. Bầy khỉ không cách nào thoát ra được, chúng đều bị chết đói.”

Hòa thượng Chí Công kết luận: “Tiền thân của bệ hạ là anh tiều phu, nhờ phước cúng nón che đầu cho các tượng Phật mà được làm vua. Nhưng vì hại bầy khỉ chết đói, nên sau này bệ hạ sẽ phải bị quả báo chết đói trong cơn biến loạn.” 

Nhà vua nghe xong không vui, nhưng lại thỉnh cầu Hòa thượng nói luôn về tiền thân của ái phi Hy Thị. Hòa thượng e ngại không muốn kể, nhưng nhà vua cố tình yêu cầu ngài Chí Công phải nói ra: 

“Thuở xưa, có một ngôi chùa ở trên núi. Trụ trì ngôi chùa này là một vị Hòa thượng Thiền sư tu đắc đạo, chư Tăng trong chùa cả thảy một trăm vị. Có thầy thủ tọa làm quản chúng. Một hôm, Hòa thượng phải xuống núi có việc ở lại đêm. Thầy thủ tọa và chư tăng thức khuya nên ngủ trễ.

Phía dưới lu nước bên hiên nhà phương trượng có con dế mèn, nhờ ở chùa lâu năm nghe kinh kệ nên nó có tánh linh. Cứ mỗi buổi khuya, đầu canh năm nó gáy vang. Tăng chúng ai nấy đều thức dậy hành lễ công phu khuya. Hôm đó, đúng giờ nó gáy. Thầy thủ tọa không chịu thức dậy. Nó gáy đến lần thứ ba, thầy thủ tọa bực mình liền đứng lên lấy con dao tìm nó chặt vào lưng đứt làm hai khúc, rồi vào tiếp tục ngủ nữa.

*

Sáng hôm sau, Hòa thượng đi về, bước ra lu nước rửa mặt, thấy con dế bị chặt làm hai, kiến bu khắp thân mình, ngài liền kêu thị giả lấy bẹ chuối làm quách, lấy lụa đỏ quấn con dế lại chú nguyện rồi đem nó đi chôn. Hòa thượng dạy:

“Con dế ở chùa lâu năm đã có tánh linh, biết gáy đúng giờ để đánh thức chúng tăng tụng kinh. Ai giết nó e khó tránh khỏi quả báo sau này.”

Hòa thượng Chí Công kết luận: “Tiền thân của tôi là thầy thủ tọa. Còn con dế là lệnh bà Hy thị, ái phi của bệ hạ. Vì vậy ái phi rất ghét tôi và chư tăng.”

Nhà vua nói: “Hèn chi, ái phi thường hay đau lưng và lúc nào cũng quấn miếng lụa đỏ ở quanh bụng.” 

Hòa thượng Chí Công tâu: “Xin Hoàng thượng đừng nói cho ái phi biết chuyện này. Nếu biết thì oan trái sẽ tăng thêm.” 

Chiều đó, vua hồi cung, lộ vẻ không vui. Hy Thị hỏi chuyện thì nhà vua nói tránh việc khác. Ái phi lại tiếp tục gạn hỏi. Nhà vua không giấu được, bèn thuật lại câu chuyện ngài Chí Công kể về tiền thân của vua và ái phi. Hi thị nghe qua nhưng cũng không nói gì. Thời gian sau, bà ái phi nghĩ ra cách mưu hại Hòa thượng Chí Công bèn đứng ra tổ chức lễ Trai tăng tại cung vua, thỉnh Hòa thượng Chí Công chứng minh và toàn thể chư Tăng của chùa ngài cùng tham dự tròn đủ 100 vị. Bà bí mật làm bánh bao nhân thịt chó để cúng dường.

Thiền sư Chí Công: Vải thưa che mắt Thánh

Hòa thượng Chí Công đã chứng đạo nên biết việc này, cũng cho làm 100 cái bánh bao chay, ra lệnh mỗi thầy giữ một cái bánh trong tay áo hậu. Đợi khi chứng trai, khéo léo đổi bánh để ăn và phải ăn cho hết, không chừa một cái nào. Lúc đó, trời hiện năm sắc mây lành, mọi người ra coi, không ai để ý. Quý thầy thừa cơ lấy bánh bao chay trong tay áo ra đổi rồi ngồi ăn tự nhiên. 

Sau lễ Trai tăng, Hy Thị nói với nhà vua rằng: “Bệ hạ bị gạt rồi. Lão Chí Công đã dựng chuyện, nói việc tiền thân để mắng xéo bệ hạ là hàng hạ tiện tiều phu, còn thiếp là loài súc sanh. Ông ta đâu có đắc đạo mà biết được tiền kiếp.” 

Nhà vua hỏi: “Tại sao ái khanh biết?” 

Hy Thị đáp: “Lễ trai tăng vừa rồi, thiếp cho làm bánh bao nhân thịt chó. Chư tăng và lão Chí Công đã ăn hết, có phải là phàm phu Tăng không? Nếu là Thánh Tăng thì tự biết, sẽ không ăn. Như vậy, chuyện tiền kiếp chỉ là bịa đặt, dối gạt bệ hạ mà thôi.” 

Vua nghe nói nổi trận lôi đình, liền kéo một đội quân tinh nhuệ lên núi, tính giết chết Hòa thượng Chí Công và toàn thể chư Tăng trong chùa. Hòa thượng Chí Công biết trước, nên ra đứng trước cổng tam quan chờ đợi.

*

Nhà vua hầm hầm kéo quân đến, thấy Hòa thượng đứng giữa chắn đường.

Vua hỏi: “Hòa thượng làm gì đứng đây?” 

Hòa thượng đáp: “Tôi biết bệ hạ lên giết tôi, cho nên tôi đứng đây để cho bệ hạ giết, khỏi ô uế chốn già lam và cũng để cho bệ hạ nhẹ bớt tội.” 

Nhà vua nghe qua bèn phán: “Nếu Hòa thượng biết được như thế, tại sao lại ăn bánh bao nhân thịt chó?” 

Hòa thượng đáp: “Chúng tôi đâu có ăn. Mời bệ hạ vô chùa rồi sẽ rõ.” 

Nhà vua truyền cho quân lính đứng bên ngoài, còn ông theo Hòa thượng Chí Công vào chùa, cả hai đi ra sau vườn. Hòa thượng bảo chú điệu lấy cuốc đào lên thì bánh bao nhân thịt chó vẫn còn nguyên 100 cái. Nhà vua biết được sự thật, xin sám hối Hòa thượng rồi hạ lệnh rút quân về. Ái phi Hy Thị hại Hòa thượng Chí Công không được, đâm ra giận hờn bực tức mà sanh bạo bệnh rồi qua đời.

Sau đó bị quả báo làm thân mãng xà nằm trên máng xối cung điện hoàng gia, chịu đói khát khổ cực; Chỉ uống nước mưa sương và bị các loài côn trùng cắn rỉa đau đớn suốt đêm ngày. Lương Võ đế nằm mộng biết được Hy Thị bị đọa làm thân rắn. Ông đến thỉnh cầu Hòa thượng Chí Công soạn văn Lương Hoàng Bảo Sám. Sau đó nhà vua lập đàn cầu nguyện, đích thân ông hành lễ; Thỉnh ngài Chí Công và 100 vị cao tăng, đại đức tụng kinh sám hối trong hai tuần.

Thiền sư Chí Công: Nhân quả không hư dối

Đến cuốn thứ năm thì bà Hy Thị thoát khỏi thân rắn, sanh lên cung trời Đao Lợi. Bà hiện thân đứng giữa hư không từ tạ mọi người.” Về sau cái chết của Lương Võ đế bị các sử gia sau này cho là ông đã phải trả giá khá đắt; Do quan điểm quá khoan dung, nhân hậu, từ bi, ảnh hưởng của Phật Giáo.

Khi về già, ông đã đối xử nương tay với các thành viên trong hoàng tộc; Mặc tình để họ tham ô, lạm quyền, bức hiếp dân lành… Bởi vậy, khi tướng Hầu Cảnh vốn là một bại tướng từ Đông Ngụy đến đầu hàng nhà Lương, được Võ đế phục chức trọng dụng. Tướng này sau đó lại tạo phản, nổi dậy đảo chánh nhà vua. Võ đế già yếu, mất hết quyền lực…

Vì thế Hầu Cảnh đã chiếm được kinh thành Kiến Khang. Ông ta bắt giam và kiểm soát chặt chẽ Lương Võ đế cùng với Giản Văn đế. Đẩy nhà Lương vào tình trạng hỗn loạn, giành ngôi, huynh đệ tương tàn. Lương Võ đế qua đời khi bị Hầu Cảnh bỏ đói cho đến chết trong ngục lạnh. Các sử gia không thấu triệt đạo lý Nhân quả; Chẳng hiểu Hầu Cảnh có ẩn nghĩa chữ Hầu là khỉ, chính là hậu thân của con khỉ chúa trong đàn khỉ mà kiếp trước Lương Võ đế là anh chàng tiều phu lấp hang cho đàn khỉ chết đói. Ôi! Nhân quả rất rõ ràng. (Cao Tăng Truyện) 

(Thiền sư Chí Công và Lương Hoàng Bảo Sám)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tiểu sử bà Phạm Minh Hương là ai? Cơ duyên đến với Phật pháp của vị chủ tịch HĐQT

9 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog