Duyên nợ Vợ Chồng và Con cái vốn đã từ nhiều đời nhiều kiếp
Pháp Giới 5 tháng trước

Duyên nợ Vợ Chồng và Con cái vốn đã từ nhiều đời nhiều kiếp

Duyên nợ vợ chồng và con cái không phải tự nhiên mà có, đấy đều là do nghiệp đời trước chiêu cảm mà thành. Để sống chung trong một gia đình, phải là duyên rất sâu từ nhiều đời nhiều kiếp. Và những nhân duyên gấy gần như là định nghiệp, cực khó để có thể can thiệp. Người thế gian chẳng biết rằng: Vợ chồng và con cái do bốn nhân duyên mà đến, bốn nhân duyên ấy là:

  1. Báo ân.
  2. Báo oán.
  3. Trả nợ.
  4. Đòi nợ.

Nếu do báo ân hoặc trả nợ mà hội tụ thì thủy chung hạnh phúc, cháu con hiếu thuận, trong ấm ngoài êm. Nếu do báo oán hoặc đòi nợ mà đến thì gia đình hiếm có lúc được yên; không chuyện phiền phức này xảy ra, thì cũng có chuyện điên đảo khác sẽ đến.

Chúng ta nghiệp nặng nên sanh nhằm thời mạt pháp, tuyệt chẳng có gia đình nào yên ổn. Từ giàu sang cho đến nghèo hèn, chẳng nhà nào không có chuyện phiền não. Cho nên, nếu gia đình bạn do báo ân và trả nợ mà hội tụ thì chẳng có chi bằng. Nếu ngược lại thì muốn cho cuộc sống được an yên, thật chẳng đơn giản một chút nào.

  • Tình yêu thương sẽ hóa giải hận thù.
  • Cách cúng đầu năm mới.
  • Cách cúng về nhà mới.
  • Thần Linh, ông là ai.
  • Thập Thiện Nghiệp là gì. 
  • Lời Phật dạy về chữ Nhẫn.
  • Quỷ là gì – HT Tuyên Hóa giảng.
Duyên nợ Vợ Chồng và Con cái vốn đã từ nhiều đời nhiều kiếp
Duyên nợ vợ chồng và con cái

Duyên nợ Vợ chồng và con cái

Phải có duyên sâu nhiều đời nhiều kiếp và chung một cộng nghiệp mới tụ được trong một gia đình. Nếu đúng là người nên duyên với bạn, thì dù bạn có lên trời hay chui xuống đất, cũng không cách chi mà thoát được. Còn như chẳng phải là người ấy, bạn có muốn tiến tới hôn nhân, cũng không cách chi tác thành, kiểu gì cũng hỏng chuyện.

Cho nên ta thường thấy thế gian nhiều những chuyện oái ăm, kiểu như: Chồng cao to, đẹp trai, mà vợ vừa lùn vừa xấu; Vợ xinh xắn, giỏi gang, con nhà gia giáo, nhưng lại lấy phải anh chồng vừa đen vừa xấu, lại hay ghen tuông. Con cái cũng na ná như vậy không khác. Nhân quả vô cùng vô tận và bị chi phối bởi nhân duyên, nên ngoài tuệ giác của đức Phật ra, không ai có thể giải thích tường tận cho được. 

Vậy nên bạn đừng tăng xông, đừng buồn phiền, cũng đừng cản trở nếu con bạn giỏi giang thành đạt, mà người nó yêu không có nổi một chút gì tương xứng. Bạn cũng đừng bao giờ tự trách mình rằng: Ngày xưa bao nhiêu người yêu mình, họ đều tài giỏi, thành đạt, phong độ…sao mình chẳng lấy, lại đi rước cái cục nợ, vừa xấu, vừa đen hôi, vừa cục súc về làm chồng….vv..và vv…Mấy thứ đó, nó do nghiệp duyên dẫn dắt quyết định, không phải việc bạn có thể lựa chọn hay người khác có thể can thiệp mà được. Bởi can thiệp được vào nghiệp duyên là điều vô cùng khó, và thường, việc ấy chỉ giúp người ta chuốc lấy phiền não vào thân.

*

Tổ Ấn Quang bảo: “Chuyện trong thiên hạ đều có nhân duyên. Sự được thành hay chăng đều do nhân duyên xui khiến. Dù có người làm cho việc thành hay hoại, nhưng quyền lực thật sự là do nhân trước của ta, chứ chẳng do duyên hiện tại. Hiểu điều này sẽ vui biết mạng trời, chẳng oán, chẳng trách, làm đúng theo địa vị, bổn phận nên dẫu sống trong nghịch cảnh, tâm vẫn an nhiên.”

Vợ chồng con cái có bốn nhân: Một là báo ân, hai là báo oán, ba là trả nợ, bốn là đòi nợ.

Báo ân nghĩa là trong đời trước vợ chồng con cái có ân sâu với nhau. Nay hội tụ trong một gia đình để báo đáp lẫn nhau. Do đó mà gia đình yên ấm hạnh phúc, cháu con hiếu thảo. Dù giầu hay nghèo, vẫn vợ chồng thủy chung, con hiếu, cháu thuận.

*

Báo oán là đời trước vợ chồng con cái từng gây hại lẫn nhau. Nay hội tụ trong một gia đình để não hại nhau. Như vợ chồng thì hoặc cãi cọ chì chiết, đánh mắng nhau; hoặc bồ bịch ngoại tình, dày vò nhau cho hết kiếp. Như Cha mẹ từng phụ ân con, nên nó sanh vào làm con để báo oán. Lúc nhỏ ngỗ nghịch khiến cha mẹ buồn lòng, lớn lên gây họa khiến cha mẹ mắc vạ lây.

Trả nợ và đòi nợ là đời trước mắc nợ danh lợi, tiền tài, tình ái. Nay để đền trả bèn hội tụ cùng nhau, nợ gì trả nấy. Nếu nợ nhiều sẽ suốt đời yêu thương cung phụng một cách vô điều kiện. Nếu nợ ít thì trả xong là thôi. Như vợ chồng giữ đường đứt gánh hoặc con cái giữa chừng chết trước cha mẹ…”

Luận về nhân duyên giữa cha mẹ và con cái

Từ vô số kiếp trong quá khứ đến nay, những kẻ muốn theo ta báo oán ắt nhiều không kể xiết, mà những kẻ muốn theo ta trả ơn cũng nhiều không kể xiết. Cho nên, nghiệp thiện tự nhiên chiêu cảm quả thiện; việc ác tự nhiên tương ứng quả ác.

Trong số người làm cha mẹ quyến thuộc của ta nhiều đời, cũng có cả những người do oan gia nghiệp báo mà đến với ta? Ta nhận ân huệ của một người, đó là người ấy đền trả nợ cũ cho ta. Người khác nhận ân huệ của ta, đó là ta đền trả nợ cũ cho người ấy.

Ví như những người thân thiết cốt nhục, quả thật do duyên lành mà đến với nhau, thì do thương yêu quá sâu nặng cũng không khỏi có sự dạy dỗ trách mắng quá mức. Trách mắng mãi không thôi ắt sinh lòng giận dỗi; giận dỗi mãi không thôi ắt sinh hiềm khích giữa đôi bên. Đời này có chút hiềm khích nhỏ nhặt với nhau, ắt gieo nhân để đời tiếp theo kết thành oán cừu. Đã kết thành oán cừu, ắt lại gieo nhân để đời tiếp theo nữa sẽ giết hại, ăn nuốt lẫn nhau.

*

Trong cái vòng xoay đó thì mạnh hiếp yếu, lớn nuốt nhỏ, không điều gì không làm. Nên biết rằng, cội gốc của oán cừu chính là từ nơi thân quyến. Con người nếu không có người thân ắt không có kẻ oán, không có kẻ oán ắt cũng chẳng có người thân. Kẻ oán người thân vốn là đối đãi nhau mà có, thành ra căn bản của luân hồi. Đức Như Lai dạy chúng ta đối với kẻ oán người thân bình đẳng như nhau, quả thật là một lời dạy hết sức tinh tế nhiệm mầu, có thể mang đến lợi lạc cho khắp muôn loài. 

Năm cuối triều Nam Tống, ở Lâm Xuyên có người họ Vương, vợ là Lương thị bị giặc Nguyên bắt đi, cưỡng lại mà chết. Trải qua nhiều năm, người chồng định tái hôn nhưng cứ luôn gặp việc trắc trở không thành. Một đêm mộng thấy người vợ hiện về nói: “Tôi đã thác sanh vào nhà ấy, nay được mười tuổi. Bảy năm nữa sẽ làm vợ anh.”

Hôm sau liền cho người đến tìm theo lời trong mộng, quả nhiên tìm được. Anh ta bèn đợi sau bảy năm, mang lễ vật đến xin cưới, chỉ một lần là được ngay. Cho nên, nhân duyên vợ chồng rất sâu nặng là như thế.

Duyên nợ Vợ chồng: Đảo lộn kẻ oán người thân

Theo Kinh Pháp Cú Thí Dụ: “Vào thời đức Phật còn tại thế, trong thành Xá-vệ có một người Bà-la-môn giàu có nhưng hết sức keo kiệt. Mỗi khi trong nhà ăn uống thì đóng chặt cửa lại vì sợ có khách đến. Ngày nọ, nhà ấy giết thịt một con gà làm cỗ. Hai vợ chồng cùng ngồi ăn với một đứa con nhỏ ngồi giữa. Thỉnh thoảng họ lại bốc một miếng thịt gà đút vào miệng cho con.

Đức Phật biết rõ người bà-la-môn này ngày trước có tu tập; phước duyên nay đã thuần thục có thể cứu độ, nên ngài liền hóa thành một vị sa-môn, hốt nhiên hiện ra ngay trước mặt người ấy. Người bà-la-môn vừa nhìn thấy thì nổi giận, quát rằng: “Người tu hành sao không biết xấu hổ, tự nhiên xông vào nhà ta?”

Vị sa-môn kia liền đáp: “Chính ông mới là người ngu si. Giết cha ăn thịt, cưới mẹ làm vợ, nuôi dưỡng kẻ oán thù. Thế mà lại dám bảo ta là người tu hành không biết xấu hổ!”

*

Người Bà-la-môn kinh ngạc hỏi lại: “Ông nói thế là ý nghĩa gì?”

Vị sa-môn đáp: “Con gà trên bàn kia vốn là cha của ông trong đời trước; vì tham lam keo kiệt nên thường sinh trong loài gà. Còn đứa con ông đó, trước đây là quỷ la-sát, những đời trước thường hay làm hại ông. Nay nghiệp cũ của ông chưa dứt hết, nên nó lại sinh vào nhà ông để tiếp tục làm hại.  Người vợ hiện nay của ông chính là mẹ ông trong đời trước. Bởi sự ái luyến sâu nặng nên quay lại tái sinh làm vợ ông. Những sự luân chuyển xoay vần như thế, người ngu si không biết, chỉ có bậc tu hành giác ngộ mới thấy rõ tất cả.”

Ngay lúc đó, đức Phật thị hiện thần thông, khiến cho người bà-la-môn kia tự thấy rõ các đời trước. Bà-la-môn liền phát tâm sám hối tội nghiệp, xin được thọ giới. Đức Phật lại thuyết pháp cho nghe, ông liền chứng quả Tu-đà-hoàn.

Nghiệp quả của Cha mẹ, con cái

Theo An Sĩ Toàn Thư: “Thượng Lâm làm quan huyện lệnh Vu Sơn, thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Một hôm viên huyện úy tên Lý Chú bị bệnh mà chết. Thượng Lâm giúp tiền bạc đưa người mẹ của Lý Chú; nhờ đó mà đưa thi hài của ông về quê ở Hà Đông. Sau đó lại tìm một nhà danh giá mà đứng ra gả con gái của Lý Chú về làm dâu.

Một đêm nọ, Thượng Lâm nằm mộng, bỗng thấy Lý Chú hệt như lúc còn sống, bái lạy ông mà khóc rồi nói rằng: “Số mệnh ông vốn không có con. Tôi đội ơn ông giúp đỡ nên đã hết sức thỉnh cầu Ngọc Đế. Ngài cho tôi được làm con nối dõi nhà ông.” 

Trong tháng ấy, quả nhiên vợ Thượng Lâm có thai. Sang năm sau, Thượng Lâm từ quan về quê. Một hôm lại mộng thấy Lý Chú nói: “Ngày mai tôi sẽ ra đời.” Quả nhiên hôm sau vợ Thượng Lâm sinh một bé trai. Nhân đó liền đặt tên là Thượng Dĩnh.

*

Dĩnh lớn lên hiếu thảo, hiền hậu trung thực; sau làm quan đến chức Tự thừa. Như thế gọi là làm con để trả nợ cho cha. Đời trước của Lý Chú ắt hẳn cũng đã tu tích phước đức, nên đời này tuy sinh ra để báo ân cho người, nhưng bản thân cũng được hưởng phú quý. Cho dù nói thế, nhưng trong biển nghiệp thức mênh mang mờ mịt, muốn tự nhìn lại mình e cũng không có dịp.

Bởi thế Luận Tỳ-bà-sa nói rằng: “Cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc trong gia đình chỉ làm tăng thêm sự tham cầu; chẳng bao giờ thấy đủ, thấy chán. Nếu như biết được rằng con cái là người đến đòi nợ ta; gia đình là chỗ tụ hội bao điều oan nghiệp, ắt có thể bừng tỉnh giấc mộng đời; hết thảy bao nhiêu tâm bệnh khổ não không cần trị liệu cũng tự nhiên dứt sạch.” Dù chưa được như thế, lẽ nào lại muốn kết thêm nhiều oan nghiệp oán thù, nhúng tay vào nhiều điều xấu ác?

Nghiệp quả giữa cha mẹ và con cái

Vùng Huy Lăng thuộc tỉnh Giang Tô có người tên Lương Thạch Trụ. Nhà Trụ giàu có, sinh được một đứa con trai, hết sức thương yêu. Niên hiệu Thuận Trị năm cuối cùng, đứa con ấy được 19 tuổi thì bị bệnh nặng. Thạch Trụ đau buồn lắm. Một hôm, đứa con bỗng gọi tên Thạch Trụ mà nói rằng:

“Tôi đời trước chính là người mang tên ấy họ ấy… ở Từ Châu. Lúc ấy tôi có 300 lượng bạc, cùng ông đi buôn chung. Tôi bị bệnh lỵ, giữa đường vào nhà xí đi tiêu; ông thừa cơ hội dùng mũi nhọn xuyên qua một lỗ trống ở vách nhà xí, đâm vào giữa ngực tôi đến chết. Sau đó ông tự cắt tay cho chảy máu để làm bằng chứng, nói dối với gia đình tôi là giữa đường tôi bị bọn cướp giết chết. Sau khi chết, tôi thác sinh vào nhà họ Vương ở Huy Lăng.

Cách đây 20 năm, tôi chính là người họ Vương mang tên ấy… Ngày đó, sau khi tôi chết thì 3 năm sau ông chết, rồi cũng thác sinh ở Huy Lăng, chính là thân ông ngày nay. Những năm trước tôi tìm ông không gặp. Tình cờ một hôm vào huyện nộp tiền, bỗng gặp ông ngay phía trước. Khi ấy tôi lập tức nổi giận, dùng nắm đấm nện ông, nhưng tự mình cũng chẳng hiểu vì sao lại giận dữ như thế. Khi ấy ông cho tôi là kẻ mất trí nên không lưu tâm. Tôi không trả thù được ông, trở về sinh lòng buồn giận phẫn uất, mấy ngày sau thì chết; cuối cùng lại thác sinh làm con ông, nay đã mười chín tuổi.

*

Tính ra từ khi tôi bị bệnh đậu mùa, ông tốn kém một số tiền; mời thầy dạy học cho tôi tốn kém một số tiền; cưới vợ cho tôi tốn kém một số tiền; tôi đi thi lại tốn kém một số tiền; cộng thêm các khoản tốn kém linh tinh khác nữa, cũng đã trả đủ số tiền cướp đoạt của tôi. Tuy là mạng sống của tôi vẫn chưa đền lại được. Nhưng bao năm qua, ông đối đãi với tôi quá nặng tình; tôi thật không nỡ nhắc lại chuyện cũ nữa, nay xin từ biệt. Tôi chỉ sợ Diêm vương nơi âm phủ không tha thứ cho tội của ông mà thôi.” Nói xong thì chết.

Từ đó Lương Thạch Trụ đêm ngày than khóc, lại nói với mọi người rằng: “Con tôi hiếu thảo, thông minh. Nó vì tôi đau buồn nên mới bịa ra những chuyện như vậy. Trong thiên hạ liệu ở đâu lại có được tình cha con như thế chăng?”

Rồi không lâu sau, Thạch Trụ lấy một cây thương mài thật sắc, có ai hỏi thì nói: “Năm nay mất mùa, nhà tôi lại ở cuối thôn vắng vẻ nên phải chuẩn bị để khi cần thì có thể tự vệ.”

*

Một hôm, Thạch Trụ đặt cán thương quay vào tường, quay đầu nhọn ra ngoài hướng vào ngực mình; rồi bỗng nhiên kêu lớn: “Con đợi ta tự đâm là được rồi.” Liền hướng về phía mũi nhọn, lấy hết sức mà lao vào. Mũi thương đâm sâu vào ngực đến bảy tám tấc, ghim thấu tận xương.

Than ôi: Dương gian có thể có những người chịu ơn không báo đáp; nhưng âm phủ thì không một món nợ nào có thể không đền trả. Người đời chỉ biết món nợ trong đời này là nặng, chẳng biết rằng món nợ để qua đời sau lại càng nặng hơn. Người đi đòi món nợ trong đời này, chỉ đến trước cửa chứ không dám vào nhà vì sợ chủ nhà giận tức, căm ghét.

Nhưng người đi đòi món nợ từ đời trước để lại thì vào tận trong nhà kẻ trốn nợ; an nhiên nằm đó mà khiến cho cả vợ chồng kẻ mắc nợ phải đủ điều trân quý mình, phải chăm lo bú mớm bồng ẵm; cho đến lúc lớn khôn thì lập tức phá sạch cả sản nghiệp, ruộng vườn nhà cửa; đến một cây kim ngọn cỏ cũng không chừa. Nhớ lại nửa đời khổ công gây dựng, không khỏi như người bỏ vốn cầu lãi; cuối cùng lại uổng công làm thân trâu ngựa cho người; chẳng phải thật ngu si mà đáng thương lắm sao?

Duyên nợ Vợ chồng và con cái: Ba lần thác sinh

Tỉnh An Huy, huyện Đồng Thành có nhà nho tên Diêu Đông Lãng, sinh được một đứa con trai. Thằng bé lên mười tuổi thì bệnh nặng, sắp chết. Cha mẹ đau buồn thương tiếc, nói với con rằng: “Con quả thật không có duyên làm con chúng ta nữa sao?”

Đứa trẻ bỗng nói giọng người phương bắc, bảo Diêu Đông Lãng rằng: “Trước đây tôi là một vị tăng ở Sơn Đông, mang tên ấy họ ấy… Tôi dành dụm tích cóp được 30 lượng bạc. Trong chùa có vị sư huynh rình biết được, nên xô tôi xuống nước để đoạt lấy tiền.

Khi ấy tôi kêu cứu với Bồ Tát Quán Âm, liền thấy ngài hiện ra bảo rằng: ‘Số mạng ngươi đã hết nên mới gặp việc xấu ác này.’ Thế là tôi chết chìm. Người dân ở đó báo sự việc lên quan, lúc bấy giờ chính ông đang làm quan huyện ở đó. Sư huynh tôi liền lấy ba mươi lượng bạc của tôi mà dâng cho ông; nhân đó sự việc liền bị ém nhẹm.

Tôi vì nỗi oan chưa rửa sạch nên thác sinh làm em trai ông, tức là Diêu Tung Thiệu đã chết. Khi ấy tôi theo ông suốt hơn 20 năm mà chưa đòi được nợ cũ. Cho nên lúc chết rồi lại thác sinh làm con ông. Mười năm qua, ông tốn kém với tôi cũng đã hoàn trả gần đủ số bạc 30 lượng rồi, tôi phải đi thôi. Hiện trong nhà ông có một cây gậy mà tôi rất thích, xin ông đốt tặng tôi, cũng là thêm vào vừa đủ số tiền ngày xưa.

*

Vị sư huynh ngày trước của tôi nay cũng vì muốn đòi số tiền đó mà thác sinh làm con gái đầu của ông; nay đã gả cho nhà họ Phan ở Lật Dương, hiện có thai sắp sinh nở. Bây giờ sau khi chết, tôi sẽ thác sinh vào nhà đó để đòi món nợ sinh mạng.” Đứa trẻ nói xong những lời này thì chết.

Chuyện này xảy ra hồi trước tháng 5 năm Ất Mão trong khoảng niên hiệu Khang Hy triều Thanh. Cho nên có thể thấy rằng: Cha mẹ, anh em, vợ chồng, quyến thuộc với nhau, hết thảy đều có quan hệ oan trái theo nhau. Lúc chưa nói rõ sự việc ra thì nhìn thấy trước mắt đều là những người ruột thịt thân thích; nếu được người sáng suốt thấu rõ chỉ ra cho biết sự thật, hẳn sẽ thấy chung quanh mình đều toàn là những kẻ theo đòi nợ cũ. Thế nhưng người đời lại muốn vì những kẻ theo đòi nợ đó mà tích lũy tiền tài, kết thêm thù oán…Thật không thể hiểu nổi ấy là tâm địa gì?

( Duyên nợ vợ chồng và con cái – Theo An Sĩ Toàn Thư )

Tuệ Tâm 2022.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Lão Thật Niệm Phật là gì

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog