Chánh Ngữ là gì
Pháp Giới 12 tháng trước

Chánh Ngữ là gì

Chánh ngữ là lời nói chân chánh. Đức Phật dạy rằng, Chánh Ngữ có bốn đặc tính:

  1. Chúng là những lời chân thật
  2. Chúng khiến người ta phấn khởi, không phải là những lời ác độc hay cay đắng mà đem lại niềm vui.
  3. Chúng nhẹ nhàng, không thô lỗ hay cộc cằn.
  4. Chúng khiêm cung, không vô ích hay vô nghĩa.

Đức Phật dạy rằng, người thường nói lời dịu dàng, tử tế, sẽ nhanh chóng được tin cậy và tôn trọng. Người như thế sẽ được hưởng một trạng thái tâm bình lặng và thanh tịnh. Và ai gặp cũng có cảm giác thân thiện, yêu quý.

  • Tam giới là gì.
  • Lục căn, lục trần và lục thức là gì.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • 10 Chuyện tâm linh có thật.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Chánh ngữ là gì
Chánh ngữ là gì

Đức Phật dạy về Chánh ngữ

Bạn có để ý rằng người ta thường nói với bạn bằng cung cách mà họ nghe bạn nói không? Nếu ta thường phóng đại hay nói dối, người khác cũng thấy dễ nói dối lại với chúng ta. Nếu ta có thói quen nói xiên xỏ, người khác cũng có xu hướng xiên xỏ lại .

Nếu chúng ta thường nói lời chân thật, thì lời nói của ta được người tin hơn. Nếu ta thường kín miệng, người khác cũng khó nói xấu về ta. Nếu lời nói của ta luôn tử tế, dịu dàng. Thì người khác cũng thấy xấu hổ khi dùng lời thô tục hay cộc cằn trước mặt ta.

Rõ ràng là lời nói tạo ra một môi trường để chúng ta vun vén cho hạnh phúc hay phá hoại nó. Và chúng ta hầu như không biết, hành động và suy nghĩ của ta, bị ảnh hưởng nặng nề bởi những lời nói ở quanh ta.

Chánh Ngữ: 1.Nói Sự Thật

Đặc tính đầu tiên của Chánh Ngữ là luôn nói sự thật. Đức Phật dạy đừng bao giờ nói dối dầu vì lợi ích của bản thân, hay lợi ích của người. Đức Phật đã tóm tắt những lời hướng dẫn cho việc nói sự thật như sau:

Khi ai đó được hỏi làm nhân chứng, “Này bạn, hãy nói những gì bạn biết”: Khi biết, thì nói, “tôi biết”; Không biết, thì nói, “Tôi không biết”; Không thấy, thì nói, “Tôi không thấy”; Nếu thấy, thì nói, “Tôi thấy”; Không cố ý nói sai sự thật vì ích lợi của mình hay của ai đó

Cũng có khi thái độ im lặng cũng hàm ý một sự trả lời gì đó. Nếu sự im lặng của chúng ta sẽ phản ảnh một điều sai sự thật, thì chúng ta phải lên tiếng.

Thí dụ, người cảnh sát điều tra ở một nơi vừa xảy ra án mạng. Ông ta hỏi đám đông đứng quanh là họ có nhìn thấy gì không. Nếu mọi người đều giữ im lặng, vị cảnh sát sẽ kết luận rằng không có ai chứng kiến sự việc xảy ra.

Nếu có ai đó trong đám đông là nhân chứng, thì họ đã nói dối bằng cách giữ yên lặng. Họ có thể cảm thấy rằng mình có đầy đủ lý do để không nói gì. Thế nhưng sự im lặng của họ dầu gì cũng là một sự dối trá.

Chúng ta cũng có thể nói dối bằng ngôn ngữ của thân. Đôi khi một cái nhún vai hay nhíu mày có thể bị lầm hiểu là “Tôi không biết”. Nhưng nếu bạn thực sự biết, thì cái nhún vai của bạn là một sự lừa dối.

*

Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ: Khi sự thật cần phải được giữ kín vì nếu nói ra có thể làm hại người khác. Trong những trường hợp như thế, chúng ta phải đợi đến lúc thích hợp để nói lời thích hợp, cho người thích hợp. Chính Đức Phật cũng thường giữ yên lặng khi câu trả lời của Ngài có thể làm tổn hại đến ai đó.

Có lần một người đã tham vấn với Đức Phật rằng có đời sống sau khi chết không. Đức Phật chỉ ngồi giữ im lặng cho đến khi người kia bỏ cuộc và đi nơi khác. Sau đó, Ngài A nan thưa hỏi vì sao Phật không trả lời.

Đức Phật giải thích rằng bất cứ câu trả lời nào cũng sẽ khiến người kia đau khổ. Nếu Ngài trả lời rằng có một đời sống sau khi chết. Người đó sẽ suy luận rằng có một bản ngã hiện hữu bất diệt. Đây là một tri thức sai lầm đưa đến khổ đau. Nhưng nếu Ngài trả lời rằng không, người kia cũng sẽ phát triển một sự hiểu lầm khác: “Nếu thế thì tôi sẽ không còn tái sinh nữa!” và sẽ đau khổ vô cùng vì điều đó.

Để tránh làm người đó đau khổ, Đức Phật quyết định giữ im lặng. Đức Phật đã đặt ra những quy ước. Theo đó mà Ngài quyết định là sẽ trả lời hay giữ yên lặng. Nếu Ngài biết điều gì đó không đúng, sai sự thật, hay không ích lợi, thì Ngài sẽ không nói điều đó. Chúng ta có thể học rất nhiều từ đức hạnh của Ngài. 

Chánh Ngữ: 2. Lời nói không phải là Vũ khí

Tính chất thứ hai của Chánh Ngữ là tránh nói thâm độc. Như một câu nói dân gian đã dạy rằng: “Lưỡi là một vũ khí không có xương bị dính giữa hai hàm răng.” Khi chúng ta nói lời cay độc, lưỡi tuôn ra những gươm đao. Những lời đó sẽ khiến người ta mất danh dự, mất uy tín. Dầu điều mà chúng ta nói về ai đó đúng sự thật. Nhưng nếu mục đích nói là để gây tổn hại cho người đó, thì là thâm độc.

Đức Phật định nghĩa tà ngữ là những lời nói làm cắt đứt tình cảm giữa hai người. Đây là một thí dụ: Giả dụ trong một chuyến đi tôi gặp một người quen của bạn tôi. Tôi nhớ vài tháng trước, bạn tôi đã kể một câu chuyện chẳng hay ho gì về người này. Tôi có thể không nhớ hoàn toàn câu chuyện, nên đã thêm thắt một ít khi nhớ lại lời bạn. Tôi còn làm ra vẻ như tôi đang giúp người đó biết rằng bạn tôi đã nói sau lưng anh ta. Người nghe đó phản ứng một cách nóng nảy.

Khi về, tôi lặp lại những lời nói của người đó với bạn tôi. Rồi theo thói quen tôi lại thêm thắt một chút để câu chuyện hấp dẫn hơn. Vì việc đó gây ra sự bất đồng và đổ vỡ một tình bạn, thì những lời nói như thế là tà ngữ. Đôi khi chúng ta ngụy trang tà ngữ như là sự lo lắng, quan tâm về hành động của người khác. Hay chúng ta tiết lộ một bí mật mà ai đó đã tin tưởng nói cho ta nghe, tin rằng ta làm như thế “là vì lợi ích của họ.”

*

Khi bạn định nói trong cách đó, hãy tự hỏi xem mục đích của bạn là gì? Nếu là để tỏ ra hơn người khác, để được ai đó mang ơn, cảm kích…Thì lời nói của bạn là để thỏa mãn tự ngã và thâm độc hơn là đạo đức. Lời nói ở nơi công cộng cũng có thể thâm độc như thế.

Những tờ báo lá cải, các chương trình truyền thanh trực tuyến; Hoặc các phòng chat trên internet; Và ngay cả một số những phương tiện truyền thông đều kiếm sống bằng cách sử dụng lời nói. Đôi khi họ sử dụng ngôn ngữ như là một vũ khí.

Thí dụ những tin tức nóng hổi về những điều mới xảy ra hầu hết được dùng từ ngữ gây sốc. Việc này làm tăng thêm số lượng độc giả và thu lợi nhuận từ quảng cáo. Những lời thâm độc sẽ hạ người này xuống để tâng bốc người kia lên. Chúng khiến người nói này có vẻ bản lĩnh, thông minh, hay chịu chơi, không kể gì đến quyền lợi của người khác.

Không phải tất cả các tà ngữ đều thô tục. Đôi khi người ta sử dụng những lời có vẻ dịu dàng, êm ái nhưng mà ý thì thâm độc. Những lời nói gươm giáo nguỵ trang như thế thì còn nguy hiểm hơn là những lời ác độc bộc trực. Vì chúng dễ đi sâu vào tâm trí người nghe.

Chánh Ngữ: 3. Lời nói Hòa nhã

Loại tà ngữ thứ ba là lời cộc cằn, thô lỗ. Xúc phạm bằng lời nói, nói cay độc, xiên xỏ. Hoặc nói lời kiêu căng, chỉ trích nặng lời hay chửi rủa thậm tệ…Tất cả đều là thí dụ của lời nói cộc cằn, thô lỗ. Lời nói là một công cụ đầy quyền lực có thể được dùng cho việc tốt hay việc xấu. Đức Phật đã so sánh lời nói với một cái búa: “Mỗi người sinh ra đời, được sinh ra với cái búa trong miệng. Kẻ ngu dùng những lời thô tục là tự làm mình và người khác bị thương bằng cái búa đó.”

Ta có dùng lời nói để cảnh tĩnh, an ủi, khuyến khích người khác không? Hay là ta sẽ dùng lời nói để hạ gục họ, và làm thương tổn bản thân trong quá trình đó? Lời nói xiên xỏ, đồn đại ác ý, nói dối, hoặc những câu nói đùa thô tục, vô tâm…Không chỉ xúc phạm người khác mà cũng khiến cho bản thân ta giống như những kẻ ngu: Không thể sử dụng cái búa trong miệng mà không tự làm chảy máu bản thân.

Chúng ta cũng là kẻ khờ nếu nghĩ rằng: Lời nói cộc cằn, thô lỗ có thể làm được việc gì một cách tích cực. Dầu ta có thể cảm thấy rất hài lòng khi hạ được người nào. Nhưng đó không phải là một chiến thắng tốt đẹp gì. Như Đức Phật đã dạy: “Kẻ ngu nghĩ rằng mình đã thắng với những lời nói cộc cằn thô lỗ. Nhưng biết làm thế nào để tự kiềm chế. Chỉ việc đó đã là chiến thắng.”

*

Dùng lời thô lỗ, xúc phạm để khiến người khác phải im lặng là việc dễ dàng. Một người đối đầu khôn ngoan thường sẽ rút lui khỏi một sự chạm trán như thế và phản ứng lại bằng sự im lặng lạnh lùng. Ta có thể tự khen mình và nghĩ: “Tôi đã thực sự dạy cho hắn một bài học, hắn ta im ngay khi nghe nói”. Nhưng sự chiến thắng bên ngoài đó của ta rất nông cạn. Người đối đầu với ta có thể đã thề chẳng bao giờ giao tiếp với ta nữa; Hoặc họ sẽ bí mật trả thù ta một lúc nào đó trong tương lai. Ác tâm và những khổ thọ mà ta tạo ra cho người, sẽ dội trở lại. Và ta sẽ hứng chịu hậu quả lúc không ngờ nhất.

Không khó tìm ra các thí dụ khác về những ảnh hưởng tiêu cực của lời nói thô lỗ. Thí dụ bạn có một đồng nghiệp rất giỏi, rất thông minh về kỹ thuật, nhưng cách ăn nói của anh ta có nhiều vấn đề. Anh ta gây hiềm khích với các bạn đồng nghiệp. Anh ta liên tục buông những lời thô lỗ, cộc cằn, cao ngạo, cay độc, và miệt thị. Vì thế, dầu công việc anh ta làm rất tốt, không ai có thể chịu đựng nổi anh. Kết quả là anh không có đường tiến thân.

*

Một thí dụ khác đáng buồn hơn là ảnh hưởng tiêu cực của lời nói thô lỗ, cộc cằn đối với trẻ em. Chúng ta ai chẳng từng nghe các bậc cha mẹ nói với con cái mình: “Mày thiệt là nhục”; “Mày không thể làm gì đúng”; “Mày sẽ không làm nên tích sự gì.” Có thể chúng ta cũng nhớ đã từng bị nói như thế khi còn nhỏ. Sự xúc phạm bằng lời nói có thể để lại những vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn đứa trẻ.

Dĩ nhiên, đôi khi cha mẹ cũng phải dùng lời lẽ cứng rắn với con cái để chúng không gặp chuyện nguy hiểm, như là: Chơi với diêm quẹt hay chạy chơi ngoài đường. Nhưng những lời nói cứng rắn đó phát xuất từ tình thương, lòng lo lắng. Không phải bằng chủ ý muốn hạ nhục hay hăm doạ.

Nói với ai đó, “Tôi thực sự cảm kích những việc bạn làm,” “Bạn đã giải quyết vấn đề đó thật tốt đẹp,” hay “Thật vui được gặp anh”. Những lời nói đó sẽ làm ấm lòng người nói cũng như người nghe.

*

Lời nói dịu dàng là mật ngọt trên môi. Bày tỏ sự thán phục hay biết ơn sẽ khiến mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn. Chúng giúp ta tạo ra và giữ được tình bằng hữu, vì ai cũng muốn liên hệ với người mà lời nói nhẹ nhàng, dịu dàng khiến người nghe cảm thấy thư thái, dễ chịu. Lời nhẹ nhàng, dịu dàng giúp trẻ em trưởng thành với cảm giác tự tin về giá trị bản thân. Những lời nói như thế cũng giúp ta dễ học hỏi và tri ân giáo lý của Đức Phật.

Nếu ta nói lời tử tế, khôn ngoan, thì hạnh phúc mà ta có thể ban trải cho người chung quanh trở nên vô hạn. Nhưng hãy cẩn trọng: Lời dịu dàng, tử tế phải thành thật và phát xuất từ một mục đích cao thượng. Nói lời nhẹ nhàng, êm ái trong khi suy nghĩ hay làm điều ngược lại là giả dối, không phải là một đức hạnh.

Chánh Ngữ: 4. Tránh nói chuyện Phù phiếm

Loại tà ngữ thứ tư là nói chuyện phù phiếm, mà Đức Phật gọi là những lời nói vô nghĩa hay u mê. Nói sau lưng người là tà ngữ, không cần biết những gì chúng ta nói về người đó có đúng hay không. Suy cho cùng nếu ba người kể một câu chuyện với một người thứ tư, thì mỗi câu chuyện lại khác nhau.

Bản tánh con người thường tin vào bất cứ điều gì chúng ta nghe trước, dầu đó có thể chỉ phản ảnh quan điểm của một người. Những điều nói đó có thể dựa trên sự thật, nhưng lời nói sau lưng thường được phóng đại, thêm thắt. Nói sau lưng thường dẫn đến tranh cãi và hiểu lầm. Nó có thể làm tan vỡ những mối liên hệ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nó có thể đưa đến khiếu kiện vì đã mạ lỵ hay làm mất danh tiếng người khác. 

Nếu chúng ta nghe ai đó tung tin đồn hay thông tin tai hại, ta có hai chọn lựa: Hoặc là ta chấm dứt câu chuyện hay là ta không tán đồng với tin đồn thất thiệt.

Phần đông chúng ta bỏ nhiều thì giờ nói về những món ta đã ăn mấy ngày hay mấy tháng trước đó, hay nhớ đến những chi tiết trong một bộ phim hay một chương trình truyền hình nhảm nhí nào đó mà ta đã xem. Chúng ta còn hoang phí thời gian để nói những câu chuyện chọc cười thiên hạ. Những câu chuyện này chẳng ích lợi gì cho sự phát triển trí tuệ của ta.

*

Khi ta nghĩ đến cuộc sống ngắn ngủi thế nào và chúng bị cướp mất đi do tai nạn, bệnh hoạn, thì ta có thực sự muốn lãng phí thời gian quí báu bằng những cuộc chuyện trò phù phiếm không?

Cũng đúng là có những câu chuyện dường như không quan trọng hay vô bỗ nhưng thực ra chúng được nói với một mục đích quan trọng. Đôi khi chúng ta phải dùng những lời nhẹ nhàng vô nghĩa để an ủi ai đó hay để nối kết tình thâm với con cái. Tất cả những lời nói chánh niệm xuất phát từ tình thương yêu và lòng bi mẫn đều là một phần được chấp nhận của Chánh Ngữ.

Phương cách để xét đoán là dừng lại và tự hỏi mình trước khi nói: “Điều tôi sắp nói có đúng sự thật không? Có tử tế không? Có ích lợi không? Có hại cho ai không? Đây có phải là thời điểm để nói ra điều ấy không?”

Chánh ngữ: Thay cho lời kết

Đây là những điều tóm lược để ngăn cản khổ đau bằng phương cách của Chánh Ngữ:

  • Chánh ngữ có nghĩa là không được nói dối, không nói lời thô lỗ, cộc cằn và phù phiếm.
  • Nói dối bằng cách im lặng thì vẫn là nói dối.
  • Nói lời thâm độc là loại ngôn ngữ phá hoại tình bằng hữu của người khác hay làm tổn hại đến thanh danh họ.
  • Tấn công bằng lời nói, nói mỉa mai, thô tục, giả dối, chỉ trích hạ nhục quá đáng, tất cả đều thuộc loại lời nói thô lỗ, cộc cằn.
  • Lời nói thô lỗ, cộc cằn làm tổn thương người khác và hạ thấp phẩm giá của người nói.
  • Nói chuyện người khác, nói chuyện phù phiếm thường dẫn đến tranh cãi, hiểu lầm, làm mất thời gian và khiến tâm bấn loạn.
  • Tất cả mọi lời nói không xuất phát từ tâm xả, với tình thương, và lòng bi mẫn đều tai hại.

Một cách để xét xem bạn có sử dụng Chánh Ngữ hay không, là dừng lại và tự hỏi trước khi nói: “Điều này nói có đúng không? Điều này nói có tử tế không? Điều này nói có ích lợi không? Có làm hại ai không? Có đúng lúc để nói điều đó không?”. Sử dụng chánh niệm để củng cố thêm quyết tâm không nói điều gì gây tổn hại và chỉ nói những lời nhẹ nhàng, đã được chọn lọc có thể mang lại sự hòa hợp cho mọi người trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào

(Chánh ngữ là gì – Theo Thiền Sư Bhante Henepola Gunaratana)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Long An: Bổ nhiệm Sư cô Thích nữ An Hà làm trụ trì chùa Thiên Thuận

5 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog