Bát Nhã Tâm Kinh – Bản Full Kèm Link Tải PDF Giảng Giải Chi Tiết
Pháp Giới 4 tháng trước

Bát Nhã Tâm Kinh – Bản Full Kèm Link Tải PDF Giảng Giải Chi Tiết

Chú Giải Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh - 🙏 Thanh Âm Thư Giãn Updated 2021

BÁT NHÃ TÂM KINH Tiếng Hán

觀自在菩薩。行深般若波羅蜜多時。照見五蘊皆空。度一切苦厄。舍利子。色不異空。空不異色。色即是空。空即是色。受想行識亦復如是。舍利子。是諸法 空相。 不生不滅。不垢不淨不增不減。是故空中。無色。無受想行識。無眼耳鼻舌身意。無色聲香味觸法。無眼界。乃至無意識界。無無明。亦無無明盡。乃至無老死。亦 無老死盡。無苦集滅道。無智亦無得。以無所得故。菩提薩埵。依般若波羅蜜多故。心無罣礙。無罣礙故。無有恐怖。遠離顛倒夢想。究竟涅槃。三世諸佛。依般若 波羅蜜多故。得阿耨多羅三藐三菩提。故知般若波羅蜜多。是大神咒。是大明咒是無上咒。是無等等咒。能除一切苦。真實不虛故。說般若波羅蜜多咒即說咒曰 揭帝揭帝 般羅揭帝 般羅僧bê揭帝菩提僧莎訶

Bát Nhã Tâm Kinh Phiên Âm Hán

Quán tự tại bồ tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị.

Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung, vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới; vô vô minh diệc vô vô minh tận; nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc.

Dĩ vô sở đắc cố, bồ đề tát đỏa y Bát nhã ba la mật đa cố tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố vô hữu khủng bố; viễn ly điên đảo mộng tưởng; cứu cánh niết bàn, tam thế chư Phật y Bát nhã ba la mật đa cố đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Cố tri Bát nhã ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thiệt bất hư.

Cố thuyết Bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết: Yết đế, Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế, Bồ đề. Tát bà ha.

Bát Nhã Tâm Kinh Việt Dịch

Bồ Tát Quán Tự Tại khi hành giải thoát trí tuệ sâu mầu, Ngài soi thấy năm uẩn đều không, độ tất cả khổ ách.
Này Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không. Không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

Này Xá Lợi Tử! Tướng không của các pháp ấy không sinh, không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. Vì vậy, trong không: Không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có mắt cho đến không có thức; không có vô minh, cũng không có hết vô minh; cho đến không có già, không có chết; cũng không có hết già chết; không có khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế; không có trí, cũng không có chứng đắc.

Vì không có cái để chứng đắc. Bồ-tát do nương giải thoát trí tuệ nên tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, đạt đến Niết-bàn rốt ráo. Ba đời các Đức Phật do nương giải thoát trí tuệ nên chứng được Bồ Đề vô thượng.

Cho nên, giải thoát trí tuệ là chú linh mầu lớn, là chú sáng rỡ lớn, là chú không gì hơn, có thể trừ tất cả khổ. Vì chơn thật không hư dối nên nói chú giải thoát trí tuệ. Liền nói chú rằng: “Yết đế yết đế ba la yết đế ba la tăng yết đế bồ đề tát bà ha.”

Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải – Hòa Thượng Tuyên Hóa

Bát Nhã Tâm Kinh giảng giải này do Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng. Ngài bảo: “Bộ tâm kinh này có công năng khai mở trí huệ và phá trừ được ba chướng là báo chướng, nghiệp chướng và phiền não chướng. Làm sao phá trừ được ? Do có trí huệ chân chánh, trí huệ vi diệu, tâm như như bất động, và chân tâm nên phá trừ được ba chướng. Chúng ta hiểu rõ giáo nghĩa Bát Nhã Tâm Kinh thì mới có trí huệ chân chánh, dẹp trừ được ba chướng.”.

Bát Nhã Tâm Kinh là bản kinh ngắn, gồm 260 chữ, thuyết minh về cái Lý Không và cái Thật Tướng của vạn pháp. Tuy ngắn nhưng Bát Nhã Tâm Kinh lại bao hàm toàn bộ những gì tinh yếu nhất của bộ Đại Bát Nhã 600 quyển. Tuy chỉ có 260 chữ nhưng để lược giảng được Bộ Kinh này, Hòa Thượng Tuyên Hóa đã mất tới hơn 42,000 chữ. Theo đó thì biết nội dung kinh này thật phi thường.

Bát Nhã Tâm Kinh

Quán Tự Tại Bồ Tát khi hành sâu xa Bát Nhã Ba La Mật Đa, soi thấy năm uẩn đều không, vượt hết thảy khổ ách.

Này Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc chính là Không, Không chính là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng giống như vậy

Này  Xá  Lợi  Tử!  Tướng  Không của các pháp ấy chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng tăng, chẳng giảm. Vì thế, trong Không chẳng có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, chẳng có Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý, chẳng có Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, chẳng có Nhãn Giới, cho đến chẳng có Ý Thức Giới. Không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết. Không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Không trí mà cũng không đắc.

Do không có gì để được nên Bồ Tát nương theo Bát Nhã Ba La Mật tâm không vướng mắc. Do không vướng mắc nên không có sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, rốt ráo Niết Bàn.

Ba đời chư Phật do nương theo Bát Nhã Ba La Mật nên đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Cho nên biết Bát Nhã Ba La Mật là đại thần chú, là đại minh chú, là chú không gì hơn, là chú không gì có thể sánh bằng, có thể trừ hết thảy khổ, chân thật không dối.

Vì thế, nói chú Bát Nhã Ba La Mật. Liền nói chú rằng:

Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

*****

BÁT NHÃ TÂM KINH GIẢNG GIẢI – HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA

Kệ Bát nhã ba la mật đa tâm kinh.

Diệu trí phương hà đạt bỉ ngạn,

Chân tâm tự năng khế giác nguyên

pháp dụ lập danh siêu đối đãi

Không chư pháp tướng thể tuyệt ngôn

Tông thú nguyên lai vô sở đắc

Lực dụng khu trừ tam trược

Thục tô phán tác kỳ giáo nghĩa

Ma ha phản chuyển bát nhã thuyền

Dịch:

Dùng diệu trí mới đạt bờ giác

Chân tâm tự năng hợp nguồn giác

Lập danh pháp dụ vượt đối đãi

Pháp tướng vốn không, thể không lời

Tông thú xưa nay không chỗ đắc

Dụng lực dẹp trừ ba chướng trược

Thục tô xác định giáo nghĩa này

Ma ha phản chuyển thuyền bát nhã”.

Bát Nhã Tâm Kinh được phân ra thành hai phần:

  1. Giải thích tổng quát về danh đề .
  2. Giải thích riêng về văn nghĩa.

Phần giải thích về danh đề được phân làm hai: Kinh đề và nhân đề.

Bàn về đề mục của kinh, trong ba tạng kinh điển, mười hai phần giáo có bảy loại lập đề.

Bảy loại lập đề

1. Ðơn nhân lập đề (lập đề mục riêng một người): Sao gọi là đơn nhân lập đề? Như Phật thuyết kinh A Di Ðà. Phật là người. Phật A Di Ðà cũng là người, nên gọi là đơn nhân lập đề.

2. Ðơn pháp lập đề ( lập đề mục cho một pháp đơn độc): Sao gọi là đơn pháp lập đề? Như Phật thuyết kinh Niết Bàn, Ngài dùng tướng pháp làm đề mục, đó là đơn pháp lập đề.

3. Ðơn dụ lập đề (dùng một ví dụ đơn độc mà lập ra đề mục): Phật thuyết kinh Phạm Võng, là ví dụ đơn độc. Vì sao? Kinh Phạm Võng thuyết về giới luật. Giới luật giống như tràng la võng ( tràng lưới) ở cõi trời Ðại Phạm. Tràng lưới này hình vòng tròn, được treo trước cung điện vua trời Ðại Phạm; biểu hiện sự trang nghiêm. Mỗi tràng lưới có rất nhiều lỗ. Nơi mỗi lỗ có treo một hạt bảo châu. Những hạt châu này rất quý giá. Chúng hỗ tương chiếu sáng. Mỗi lỗ lưới đều tương thông lẫn nhau.

Hạt châu này chiếu soi những hạt châu kia. Hạt châu kia chiếu soi những hạt châu nọ. Chúng hỗ tương soi sáng. Ánh sáng của chư vị chiếu soi ánh sáng của tôi. Ánh sáng của tôi chiếu soi ánh sáng của chư vị. Tuy nhiên, những ánh sáng này không lấn áp xung đột lẫn nhau. Không thể cho rằng ánh sáng của tôi không được chiếu đến ánh sáng của chư vị và ánh sáng của chư vị không được chiếu đến ánh sáng của tôi. Ánh quang tương chiếu, lỗ lỗ tương thông.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Giới luật cũng giống như những hạt bảo châu, ánh quang hỗ tương soi chiếu. Chư vị giữ một giới thì có một ánh quang. Chư vị giữ nhiều giới thì có nhiều ánh hào quang. Mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh, mỗi mỗi giới đều phóng ra giới quang, cũng giống như tràng lưới trời Ðại Phạm vậy. Vì sao bảo châu chiếu rọi trong những lỗ lưới? Ví như, trước khi thọ giới Bồ Tát, tâm chúng ta có những chỗ lậu hoặc. Tuy thế, những lậu hoặc này có thể chuyển đổi thành bảo châu. Chư vị giữ một giới thì có một hạt bảo châu chiếu sáng. Nếu phạm giới thì tạo lậu hoặc (lỗ hổng).

Ánh sáng tương chiếu; lỗ lỗ tương thông cũng biểu thị cho Phật pháp. Tâm Phật, tâm Bồ Tát, tâm chúng sanh, tâm tâm tương ấn. Vì sao chư Phật chứng quả vị Phật? Vì do tu hành giới luật mà thành tựu. Bồ Tát cũng nương nhờ giới luật mà thành Phật. Chúng sanh cũng phải tôn thủ giới luật thì mới mong thành Phật được, biến hóa vô cùng, thật không cùng tận.
Ðấy là do ví dụ mà lập đề như kinh Phạm Võng này.

Ba loại lập đề bên trên được gọi là đơn tam (ba lập đề đơn độc).

*

4. Nhân pháp lập đề. Như kinh Văn Thù Sư Lợi vấn Bát Nhã, Văn Thù là người. Bát Nhã là pháp, cũng là pháp tướng. Thế nên gọi là nhân pháp (người và pháp) lập đề.

5. Nhân dụ lập đề (người và ví dụ). Như kinh Như Lai Sư Tử Hống, Như Lai là người, sư tử hống là dụ. Ðức Như Lai thuyết pháp cũng giống như tiếng rống của sư tử, khiến muôn thú đều run sợ.

6. Pháp dụ lập đề. Như kinh này, Bát Nhã Ba La Mật Ða là pháp, tâm là ví dụ, nên kinh này lấy pháp và dụ lập đề.

Ba loại trên thuộc về lập đề kép. Sao gọi là kép? Kép tức là trùng phức, hợp hai loại đề thành một.

7. Nhân pháp dụ lập đề. Có người, có pháp, có dụ, đầy đủ cả. Như kinh Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Ðại Phương Quảng là pháp, Phật là người. Hoa Nghiêm là dụ. Ðây biểu thị dùng nhân vạn hạnh mà làm hoa trang nghiêm cho quả đức vô thượng. Ðại Phương Quảng là thuyết về thể của pháp. Hoa Nghiêm biểu thị dụng của pháp.

Ðại Phương Quảng tức nói về Phật đã tu các pháp đại phương quảng, rộng lớn mới thành Phật được. Nhân hoa vạn hạnh là tu chứng được lục độ cũng như hoa nở. Quả đức vô thượng chính là hạnh đức Phật quả. Thế nên bảo rằng dùng vạn hạnh như hoa làm chủng nhân để trang nghiêm hạnh đức Phật quả vô thượng. Ở trên là nói về bảy loại lập đề.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Nay tôi sẽ dùng kệ mà giải thích đề kinh. Mỗi phần đoạn dùng tám câu kệ để giải thích. Tám câu kệ này giảng rõ về kinh bát nhã ba la mật đa. Giảng về đề mục của kinh này, y chiếu theo năm loại huyền nghĩa.

Thứ nhất là giải thích danh nghĩa.

“Diệu trí phương hà đạt bỉ ngạn, (dùng diệu trí mới đạt bờ giác)”. Sao gọi là diệu trí? Bát Nhã là diệu trí. Ðạt đến bờ bỉ ngạn (bờ giác) tức là bát nhã ba la mật đa. Vì thế, chư vị dùng trí bát nhã thì mới đạt đến bờ giác.

“Chân tâm tự năng khế giác nguyên, (chân tâm tự khế hợp nguồn giác)”. Chân tâm này là chữ tâm, cũng là bát nhã. Chư vị có trí huệ vi diệu bát nhã. Khi có chân tâm này, thì tự nhiên năng khế hợp với nguồn giác, cũng là tương hợp với bổn giác của chư Phật, đắc được thể của bổn giác. Khế hợp được tức là tương hợp được, cùng hiệp thành một khối.

” Pháp dụ lập danh vượt đối đãi, (lập danh pháp dụ vượt đối đãi)”. Tâm kinh bát nhã ba la mật đa lấy pháp và dụ mà lập danh đề. Bát nhã ba la mật đa là pháp. Tâm là dụ. Bát nhã là gì? Bát nhã có ba loại là văn tự bát nhã, quán chiếu bát nhã, thật tướng bát nhã. Dùng văn tự bát nhã mà xuất sanh quán chiếu bát nhã. Dùng quán chiếu bát nhã mà khế hợp với thật tướng bổn giác bát nhã. Cùng tột thật tướng bát nhã chính là trí huệ, tức là trí huệ vi diệu, cũng gọi là trí huệ triệt để. Trí huệ này thật triệt liễu, là trí huệ để mình trở về quê nhà, tức là trí huệ của chư Phật.

*

Sao nói như thế? Vì trí huệ bát nhã chính là chân tâm. Chân tâm cũng là trí huệ. Chữ ‘bát nhã’ được dịch là ‘chân tâm’. Kinh này nói về tâm trong tâm. Ðây là tâm mà sáu trăm quyển bát nhã luôn đề cập tới. Bộ kinh này nói về tâm trong tâm. Bát nhã là tâm, cũng là tâm trong tâm. Tâm trong tâm nghĩa là tâm, nên gọi là tâm kinh. Vì chữ ‘bát nhã’ được dịch là ‘nhất chân tâm’, nên kinh đại bát nhã cũng gọi là kinh ‘đại chân tâm’. Tâm này không phải là tâm giả dối, mà là diệu lý thật dụng.

Bộ tâm kinh là tâm trong tâm bát nhã, tuy chỉ có hai trăm sáu mươi chữ mà lấy chữ tâm trong kinh bát nhã làm chủ thể, nên gọi tâm trong tâm. Nay lại nói chữ tâm này, chính là tâm trong tâm, nên gọi là tâm kinh. Chân tâm biểu hiện chân tâm, nên dùng một chữ tâm. Pháp này là bát nhã ba la mật đa, cũng là pháp đạt đến bờ giác. Tâm là dụ. Kinh này lấy tâm trong một đời người làm chủ thể, nên tuyệt không và vượt ngoài đối đãi. Pháp tuyệt không đối đãi này cũng không có pháp nào đối đãi được, siêu việt, vượt ngoài cảnh giới đối đãi.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Thứ hai là hiển thể.

“Không chư pháp tướng thể tuyệt ngôn, (pháp tướng vốn không, thể không lời)”. Thể của kinh này là gì? Tức là không có tướng của các pháp, cũng là các pháp không tướng. Không tướng tức không có tướng thật. Không chư pháp tướng được dùng làm thể của kinh. Tuyệt ngôn ngữ tức là không chi nói được. Thể đó là không chư pháp tướng; việc chi cũng không có, cho đến lời nói hay ho của chư vị cũng thế. Thể đã tuyệt ngôn ngữ tức là kinh xa lìa tướng của ngôn ngữ lời nói. Xa rời tâm thường duyên theo hình tướng, xa lìa tướng văn tự, xa rời tất cả tướng, tức xa rời tất cả pháp.

Thứ ba là chỉ rõ tông thú (đường hướng của tông giáo).

“Tông thú nguyên lai vô sở đắc, (tông thú vốn không chỗ đắc”. Câu thứ năm chỉ rõ đường hướng của tông giáo. Bộ kinh này theo tông chỉ gì? Lấy vô sở đắc (không có chứng đắc) làm tông chỉ. Bên trên, kinh nói rằng vô trí diệc vô sở đắc (không trí cũng không có chỗ đắc). Tông thú (đường hướng của tông giáo) là gì? Tức là không có chỗ đắc.

Nay dùng pháp thế gian mà giảng Phật pháp. Như con người, là danh xưng thông thường. Con người thì gọi là người. Kinh này gọi là kinh. Gọi tên người như thế nào? Hoặc gọi Trương Tam, Lý Tứ, đó là giải thích về danh tự. Người đó tên là Trương Tam, mà cao, thấp, trắng, mập, ốm như thế nào? Thể tánh của người đó ra sao? Thân thể có hoàn toàn hay không? Có mắt, mũi, tai không? Nói rõ ràng thể tánh của người đó tức là hiển thể.

Kế tiếp, chỉ rõ tông giáo. Chỉ rõ tông giáo như thế nào? “Ông ấy là người rất cao, nên làm được nhiều việc khó nhọc. Ông ấy là người có học vấn, nên có thể làm bí thư. Ðó là tông chỉ của ông ta! Ông ta trước kia là người như thế nào thì nay có thể làm những việc như thế ấy”.

Ðó là nói rõ tông chỉ.

Thứ tư là luận bàn về dụng.

“Lực dụng khu trừ tam trược, (dùng lực dẹp trừ ba chướng trược”. Dùng lực gì? Ðể làm gì? Dùng tâm kinh bát nhã ba la mật đa để làm chi? Tức là dùng lực dụng của kinh này để phá trừ ba chướng. Ba chướng là gì? Một là báo chướng. Hai là nghiệp chướng. Ba là phiền não chướng.

Báo chướng có hai loại là chánh báo và y báo. Sao gọi là chánh báo, y báo? Chánh báo tức là chúng ta đang thọ báo trong hiện tại, cũng là thân thể chính mình. Y báo tức là y cứ theo cuộc sống mà thọ báo, như y phục, thức ăn, chỗ ở, v.v… Chánh báo của con người là thân thể đẹp xấu, khỏe mạnh hay bịnh tật, tướng mạo anh tuấn hay xấu xí, người người trông thấy đều hoan hỷ, ái kính hay ghét bỏ. Hoặc giả người có trí huệ, hay có thiện căn. Tuy nhiên trong mỗi hạng, cũng phân làm hai.

Thứ nhất, người có trí huệ mà không có thiện căn. Vì sao thế ? Những hạng người này đa số đều từ quỷ quái yêu ma mà sanh ra trên thế gian. Như sơn tinh ở núi lâu năm thành yêu quái, là loài si mị võng lượng (quỷ xuất sanh từ gỗ đá). Những loại quỷ thần đầu trâu mặt ngựa này là những yêu tinh lâu năm thường ăn thịt người, hay những yêu quái đã chết lâu rồi, nay trở lại làm người.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Chúng rất thông minh như những người khác. Tuy nhiên, chúng làm việc gì cũng đều không thông minh, luôn làm những việc sai lầm, chuyên môn không giữ luật lệ. Những việc có hại đến người khác thì chúng đều làm. Chúng thường nói những điều làm loạn trật tự xã hội, vì sợ thiên hạ không bị loạn. Loại người này có trí huệ mà không có thiện căn.

Lại nữa, người có thiện căn mà không có trí huệ. Có thiện căn là vì đời trước có làm những việc lành, nhưng không nghiên cứu kinh điển, nên không có trí huệ, rất ngu si. Bàn về chánh báo, có người tướng mạo đầy đủ, thọ mạng lâu dài, được phú quý. Lại có người tướng mạo xấu xí, thọ mạng ngắn ngủi, chết lúc tuổi còn nhỏ. Tất cả đều do tiền nhân hậu quả, (nhân trước quả sau).

Y báo là y phục, thức ăn, nhà cửa v.v…Y báo cũng là quả báo của đời quá khứ. Ðời trước trồng nhân lành thì đời này được quả báo tốt. Ðời trước trồng quả ác thì đời này chịu quả báo xấu. Tương lai có thể còn chịu quả báo xấu nữa. Ðó là báo chướng.

Bàn về nghiệp chướng thì nghiệp tức là sự nghiệp, công nghiệp. Không luận người xuất gia hay tại gia, nhất định đều có sự nghiệp. Tạo ra sự nghiệp rồi thì nhiều vấn đề khó khăn phát sanh. Khi có khó khăn thì liền sanh phiền não, rồi gặp bao việc không vui. Ðó gọi là nghiệp chướng.

*

Nói về phiền não chướng thì chúng ta ai ai cũng có ít nhất một loại phiền não. Phiền não này phát sanh từ đâu? Nó do tâm tham, tâm sân, tâm si phát khởi ra. Sao chư vị phát sanh phiền não? Vì có tâm tham, nên tham không được liền sanh phiền não. Vì có tâm sân hận nóng giận, mọi sự tình đều không hợp với tâm ý chư vị, liền phát sanh phiền não. Vì tâm ngu si, không sáng suốt, nên phát sanh phiền não. Vì còn tâm ngã mạn, kiêu căng, nên xem thường người khác, nên phát sanh phiền não.

Vì tâm nghi, đối với tất cả sự tình đều phát sanh hoài nghi. Do có hoài nghi nên tạo ra phiền não. Lại vì còn tà kiến, nên kiến giải của chư vị không chánh đáng, nên phát sanh phiền não. Nếu có chánh tri chánh kiến, tức có trí huệ chân chánh thì đối với mọi việc, chư vị đều hiểu rõ ràng. Vì thông suốt từ đầu đến cuối nên không sanh phiền não. Vì vậy, phiền não do tâm tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn, tà kiến phát khởi lên.

Bộ tâm kinh này năng phá trừ được ba chướng là báo chướng, nghiệp chướng và phiền não chướng. Làm sao phá trừ được ? Do có trí huệ chân chánh, trí huệ vi diệu, tâm như như bất động, và chân tâm nên phá trừ được ba chướng. Chúng ta hiểu rõ giáo nghĩa tâm kinh bát nhã ba la mật đa thì mới có trí huệ chân chánh, dẹp trừ được ba chướng.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Thứ năm là nói rõ giáo tướng.

“Thục tô phán tác kỳ giáo nghĩa, (thục tô xác định giáo nghĩa này”. Dùng thục tô mà xác định nghĩa lý tâm kinh bát nhã ba la mật đa. Thục tô là thời đức Phật thuyết pháp Bát Nhã lần thứ tư. Ðức Phật thuyết pháp có năm thời tám giáo. Năm thời tám giáo này do Trí Giả đại sư tông Thiên Thai phân lập ra. 

Nay tôi y chiếu hai nghĩa trí huệ quyền thật mà thuyết về năm thừa.

Thời Hoa Nghiêm: Lần đầu tiên đức Phật thuyết pháp, vừa quyền vừa thật, cộng thảy hai mươi mốt ngày. Ngài thuyết ra thật pháp, thật trí, và quyền trí. Sao gọi là thật trí và quyền trí ? Kinh Hoa nghiêm giảng về đạo lý của pháp giới, mà trong đó có sự pháp giới và lý pháp giới. Sự lý vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới. Giáo nghĩa này tuy Phật vì Bồ Tát mà thuyết, nhưng cũng là pháp phương tiện quyền xảo cùng trí huệ chân thật của Phật pháp. Thời kinh Hoa Nghiêm là nhất quyền và nhất thật, (một quyền, một thật).

Thời A Hàm: Lần thứ hai, duy chỉ có quyền giáo pháp mà không thật pháp. Giảng về quyền giáo, dùng pháp môn phương tiện quyền xảo để dạy dỗ, giáo hóa chúng sanh. Trong thời thứ hai, chỉ có quyền pháp chứ không có thật pháp, không có thật trí.

*

Thời phương đẳng: Là thời thứ ba, có ba loại quyền, một loại thật. Tại sao? Vì thời này là bốn giáo đồng luận đàm. Bốn giáo là tạng, thông, biệt, viên. Dẹp phá thiên chấp tiểu giáo, tán thán đại giáo. Thiên chấp tức kiến chấp thiên lệch của chư vị không đúng. Phá tiểu, tức nói giáo lý tiểu thừa không đúng. Tán đại tức là tán thán đại thừa, phô trương viên giáo. Sao gọi là phương đẳng ? Vì đồng đàm luận bốn giáo. Ðồng thời khi giảng về đạo lý bốn giáo cũng nói về ba loại quyền pháp, tức tạng, thông, biệt. Loại quyền pháp này cũng là viên giáo.

Thời Bát Nhã: Là thời thứ tư, có hai loại quyền và một loại thật. Hai loại quyền là thông giáo và biệt giáo. Một loại thật là viên giáo.

Thời Pháp Hoa, Niết Bàn: Chỉ có thật pháp mà không có quyền pháp, có thật trí, không có quyền trí, lại không có pháp phương tiện quyền xảo.

Năm thời bên trên luận bàn y cứ theo pháp quyền thật. Năm thời này thường được giảng tới giảng lui. Mỗi lần giảng kinh đều nhắc đến. Chư vị nếu thông được điểm nào thì hiểu được điểm đó.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

“Ma ha phản chuyển bát nhã thuyền, (ma ha chuyển ngược thuyền bát nhã)”.

Ma ha nghĩa là lớn. Chuyển ngược tức là đảo chuyển trở lại. Ðảo chuyển như thế nào? Tức đảo chuyển thuyền bát nhã. Tại sao chư vị muốn đảo chuyển thuyền bát nhã mà không đảo chuyển bát nhã? Ðảo chuyển gì? Ðó là đảo chuyển ngu si của mình. Chuyển được tức là niết bàn. Chuyển ngược dòng nước, phải dùng hết sức lực chứ không thể dể duôi mà đi được. Tuy nhiên, không cần phải đợi ba a tăng kỳ mà trong một đời, hai đời, ba đời v.v…, có thể đắc được trí huệ chân chánh.

Nói thời gian dài quá thì chúng ta đâm ra chán ngán, không muốn tu. Không muốn tu cũng không thể miễn cưỡng. Miễn cưỡng không phải là đạo. Thế nên đệ tử của tôi muốn đọa lạc thì cứ đọa lạc. Chư vị không muốn chuyển ngược thuyền bát nhã, thì thuận theo dòng nước lớn mà trôi xuống, càng trôi xuống thì càng xa. Nếu chư vị chuyển ngược, tức là đi trở lên dòng nước. Nếu không muốn phản chuyển, thì sẽ đi xuống theo dòng hạ lưu. Xem thấy chư vị đang đi lên thượng lưu, rồi lại chạy xuống theo dòng hạ lưu.

*

Bát nhã ba la mật đa là pháp. Tâm là ví dụ. Kinh là bộ kinh này. Kinh có thông danh và biệt danh. Thông danh là thống nhiếp hết mọi bộ kinh. Biệt danh là mỗi bộ kinh có danh tự riêng biệt, những bộ kinh khác không có tên giống nhau. Tâm kinh bát nhã ba la mật đa là biệt danh của bộ kinh này. Bộ tâm kinh bát nhã ba la mật đa này thuộc trong bộ Bát Nhã, biểu thị tâm trong tâm.

Sao gọi là kinh? Kinh tức là kinh pháp thường bất chuyển, không thể thay đổi. Một chữ cũng không thể bỏ được, hay cũng không một chữ được. Ðó là kinh pháp thường bất biến.

Lại “kinh” là một con đường, nghĩa là tu hành phải đi qua một con đường nhất định. Chư vị có muốn tu hành à? Nhất định chư vị phải đi trên đường đạo này. Nếu chư vị không đi trên đường đạo này thì sẽ bị lạc vào rừng rậm hoang vu. Chư vị phải nên đi trên đường tu hành thì không bị lạc đường. Ngày này qua ngày nọ đều được bình an, sáng suốt.

Sao gọi là đi lạc? Vì chư vị xưa nay quên mất, không biết tụng niệm kinh này. Qua ba bốn tháng, không tụng niệm nên quên mất, mới đi lạc. Tụng kinh được lợi ích gì? “Tụng kinh không được lợi ích gì cả, chỉ mất thời gian, tốn sức thôi. Tụng bộ kinh này từ đầu cho đến cuối tốn khí lực, thời gian, tinh thần. Sao lại cho là có ích lợi?”

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Này chư vị cư sĩ! Ðừng để tâm vô minh che lấp. Chư vị đừng tìm cầu lợi ích. Càng tìm cầu thì càng không chân thật. Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng (nếu còn có tướng thì đều là hư giả cả). Nếu có hình có tướng mà chư vị có thể thấy được thì không phải là lợi ích chân thật.

Tại sao lại không thấy được ích lợi? Chư vị tụng kinh một lần thì tự tánh được rửa sạch một lần. Như khi chư vị tụng kinh Kim Cang, tụng qua một lần thì hiểu rõ ý nghĩa của kinh đôi chút. Tụng hai lần thì hiểu thêm nữa. Tụng ba lần thì lại càng hiểu rõ thêm. Tụng kinh khiến trí huệ tự tánh càng gia tăng. Nhưng khi trí huệ gia tăng thì chư vị không thể thấy, chỉ tự cảm giác thôi. Thế nên, lợi ích của sự tụng kinh không thể nói hết được.

Nhưng, không nên vì tụng kinh mà sanh ra phiền não. Chớ nói: “Này đạo hữu! Ðạo hữu tụng kinh quá nhanh, khiến tôi theo không kịp. Hoặc đạo hữu tụng kinh quá chậm, khiến tôi phải đợi. Hoặc tiếng tụng kinh của đạo hữu không hay lắm, khiến tôi không thích nghe.”

*

Không nên dùng công phu tu học như thế. Chúng ta biết rằng mọi người đều là những kẻ mới bắt đầu học Phật pháp. Không phải ai cũng biết tụng kinh hết, hay có người biết tụng mà không muốn tụng. Nhưng, tất cả mọi người đều phải đồng tụng kinh. Ðược như thế thì ai ai cũng đều đồng huân tu tập. Lại nữa, không nên mình tìm lỗi xấu người; người khác tìm lỗi xấu mình.

Nếu thật có lỗi xấu thì thì mọi người nhất định phải tự mình nhìn thấy. Nếu không tự mình nhìn thấy thì lỗi xấu càng ngày càng nhiều; tu hành không thể tương ưng với đạo được. Thế nên, tụng kinh tức là hộ giúp cho tự tánh mình. Hộ giúp việc gì? Tức là hộ giúp khai mở trí huệ. Tụng kinh Kim Cang thì trí huệ được khai mở. Tụng tâm kinh cũng khai được trí huệ. Thế nên, chư vị bảo tụng kinh không có lợi ích nhưng kỳ thật sự lợi ích này rất lớn. Chư vị không thể thấy được lợi ích thì mới chân thật là lợi ích. Nếu chư vị thấy được lợi ích thì đó chỉ thấy ngoài da thôi. Ðó là ý nghĩa của sự tụng kinh.

Kinh cũng có bốn loại ý nghĩa, tức là quán, nhiếp, thường, pháp. Chữ quán, nghĩa là quán xuyến, tức là tất cả nghĩa lý đều nối thông với nhau như nối lại tất cả đường chỉ với nhau.

*

Nhiếp tức là nhiếp trì hóa độ những chúng sanh có duyên lành. Kinh năng nhiếp thủ những chúng sanh có cơ duyên, tùy theo bịnh mà cho thuốc. Sao gọi là nhiếp? Chư vị có thấy nam châm hút sắt không? Tuy sắt ở xa, nhưng nam châm vẫn hút được. Kinh cũng giống như nam châm hút sắt. Tất cả chúng sanh như sắt cứng, ương ngạnh cứng cõi, tánh nóng giận hẩy hừng, lỗi lầm đầy dẫy. Nhưng nhờ sức hút của kinh, tâm tánh chúng sanh từ từ nhũn nhặn, tập khí cũng dần dần tiêu hết.

Chữ thường nghĩa là vĩnh viễn thường hằng bất biến. Mãi không biến đổi là từ đầu đến cuối, từ xưa đến nay, đều y chiếu theo kinh mà tu hành.

Pháp là phương pháp. Dùng phương pháp này để tu hành. Ðời quá khứ, hiện tại và vị lai đều dùng phương pháp này mà tu hành. Vì vậy ba đời đồng tôn kính gọi là pháp. Xưa và nay không đổi nên gọi là thường.

Lại nữa, kinh nghĩa là mực thước. Thợ mộc xưa kia dùng dây nhuộm phấn đen. Khi muốn gạch lằn ngang liền căng dây ra, rồi ấn xuống. Khi lấy dây lên tạo ra một lằn phấn đen để làm mực thước, không như hiện nay có phấn có thước kẻ đường ngay ngắn.

Tóm lại, kinh là quy củ, tiêu chuẩn, mực thước. Nay chúng ta nghiên cứu kinh Bát nhã, cũng là y theo quy tắc Bát Nhã. Chư vị nếu y theo quy tắc Bát Nhã thì nhất định sẽ khai mở trí huệ.

Bát Nhã Tâm Kinh: Giải thích danh đề tổng quát.

Giảng về đề kinh, đại khái cũng giống như những lời giảng ở phần trên. Nay giảng trạch về người phiên dịch. Hiện tại, chúng ta hiểu rõ bộ kinh này phải nhớ ơn người phiên dịch. Nếu không có người phiên dịch, sợ rằng ngày nay chúng ta không thể đọc, nghe được tên kinh này. Nếu không được nghe, không được đọc đến tên kinh này thì chúng ta y chiếu theo kinh nào, phương pháp nào để tu hành? Không có phương pháp thì làm sao chúng ta tìm được con đường tu hành.

Thế nên, chúng ta phải tri ân người phiên dịch kinh. Trải qua bao thời đại, người dịch giả, vì lòng từ bi giáo hóa chúng sanh nên phát tâm phiên dịch kinh điển và lưu truyền lại cho đến hôm nay. Thế nên, công đức của người phiên dịch kinh điển không thể nghĩ bàn, thật to lớn. Người phiên dịch kinh này là ai? Chính là do tam tạng pháp sư Ðường Huyền Trang vâng chiếu dịch kinh. Ðường tức là Ðường triều. Tam tạng là kinh tạng, luật tạng, và luận tạng. Tạng kinh có rất nhiều bộ kinh. Tạng luật giảng về giới luật. Tạng luận giảng về đạo lý kinh điển.

*

Pháp Sư là lấy pháp làm thầy, đem pháp bố thí cho người. Dùng tam tạng kinh điển của Phật pháp làm thầy mình, và đem pháp giáo hóa chúng sanh, nên gọi là tam tạng Pháp Sư. Mỗi vị pháp sư hiện nay tôn tam tạng kinh điển làm thầy và đem pháp ra giáo hóa chúng sanh. Ðầy đủ hai nghĩa này thì chư vị mới có thể gọi họ là vị pháp sư tôn kính pháp làm thầy và dùng pháp để giáo hóa chúng sanh.

Huyền Trang là tên của một vị pháp sư. Căn cơ của Ngài rất thâm hậu, áo diệu. Cảnh giới của Ngài thật không thể nghĩ bàn. Bàn về Phật giáo đời cận đại, Ngài là một vị pháp sư rất cao thâm, vĩ đại. Vì sao ? Ngài qua Ấn Ðộ thỉnh kinh. Khi ấy, chưa có phương tiện giao thông như máy bay, xe lửa, tàu bè, chỉ dùng ngựa thôi.

*

Thế nên, Ngài cỡi ngựa từ Tân Cương qua trung tâm Á Tế Á, vượt dãy Hy Mã Lạp Sơn đến Ấn Ðộ. Cuộc hành trình của Ngài xa viễn, gian khổ. Chưa ai làm được như Ngài.

Trước khi qua Ấn Ðộ thỉnh kinh, mỗi ngày Ngài thực tập đi bộ từ sáng đến tối. Vùng gần nhà không có núi, Ngài sắp ghế bàn lại với nhau, rồi nhảy qua bàn qua ghế, thực tập cách leo núi, trèo non. Vì vậy trên đường từ trung tâm Á Tế Á đến Ấn Ðộ, tuy có rất nhiều núi non hiểm trở cheo leo, nhưng nhờ khi ở nhà Ngài đã từng thực tập chuẩn bị rồi nên Ngài đi như bay, bao nguy hiểm đều vượt khỏi. Cuối cùng, Ngài đạt mục đích là đến được Ấn Ðộ. Ngài lưu lại Ấn Ðộ mười bốn năm ròng rã, rồi sau đó thỉnh kinh trở về nước để phiên dịch.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Phụng chiếu dịch; phụng là thừa phụng; chiếu là chiếu thư; dịch tức là phiên dịch. Từ tiếng Phạm của Ấn Ðộ, phiên dịch thành tiếng Hoa. Nay có nhiều vị cư sĩ thông đạt Anh văn, Phạm văn, Ðức văn v.v… Nếu có thể phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ ở tây phương thì công đức thật vô lượng. Ảnh hưởng này không phải một đời mà kéo dài đời này qua đời nọ. Người tây phương sẽ rất tri ân. Vì vậy, tôi hy vọng mỗi vị Phật đừng để người sau thất vọng, mà hãy mau học tiếng Tàu, rồi phiên dịch kinh điển ra tiếng Anh, ngõ hầu cống hiến phục vụ cho người tây phương.

Hãy tranh thủ mà làm. Ngày nay thế giới thật là hư hoại. Chỉ có Phật pháp mới năng vãn hồi cứu độ kiếp ác này. Nếu mọi người đều không hiểu Phật pháp thì e sợ rằng thế giới sẽ đến thời kỳ diệt vong. Ðạo Gia Tô nói về ngày tận thế. Ngày tận thế cũng không xa lắm đâu ! Nếu kinh điển Phật giáo được phiên dịch qua tiếng Anh, khiến người người đều thông hiểu Phật pháp, biết rõ rằng không nên lười biếng, cố gắng tiến bước phát tâm tu đạo. Nếu được như thế thì ngày tận thế càng lúc càng xa vời, và không biết con người sẽ sống đến bao nhiêu đại kiếp nữa, hoặc giả không có luôn ngày tận thế.

*

Tại sao? Vì Phật pháp thường chuyển đại pháp luân, nên khiến mặt trời luôn trụ mãi, không tan mất đi. Vì vậy, không có ngày tận thế. Mọi việc trên thế gian đều sống động cả. Chúng không chết cứng, ù lỳ. Ngày tận thế thật chẳng phải là ngày tận thế. Nếu đến ngày tận thế, cũng không chính là ngày tận thế. Việc quan trọng là nếu mọi người đều học Phật pháp thì chắc sẽ không có ngày tận thế. Nếu không ai chịu học Phật pháp thì ngày tận thế đã đến.

Lý này rất sống động chứ không cứng nhắc. Giống như lúc trước có tin rằng trong tháng tư năm nay thành phố Cựu Kim Sơn sẽ có động đất, cả thành phố đều sẽ bị chìm xuống biển. Tin đồn này không phải mới phát sanh trong năm nay mà năm trước cũng đã có rồi. Nhiều kẻ giàu có, sợ chết chìm nên đã bỏ đi đến sống nơi khác. Năm rồi tôi có nói rằng chư vị chỉ nên cố gắng học Phật pháp thì thành phố Cựu Kim Sơn sẽ không bị động đất.

*

Năm nay tôi lại nói rằng chư vị nên thành tâm tụng chú đại bi, học Phật pháp. Tôi bảo đảm với chư vị là thành phố Cựu Kim Sơn sẽ không bị động đất. Những lời này tôi cũng đã từng nói với chư vị rồi. Tại sao cho đến nay Cựu Kim Sơn cũng chưa có động đất ? Có phải là do sự cảm ứng không? Chư vị thành tâm tụng chú Lăng Nghiêm, học Phật pháp nên thiên long bát bộ đều ủng hộ đạo tràng. Vì vậy, không phát sanh động đất.

Việc này cũng giống như ngày tận thế. Ngày tận thế chuyển thành ngày không tận thế. Hà huống có sự động đất ở vùng Cựu Kim Sơn? Muốn động đất cũng không có động đất, như chúng ta muốn dời nhà nhưng không tìm được nơi thích hợp nên không thể đời đi được. Không thể tìm được nơi tương xứng nên vùng Cựu Kim Sơn sẽ không bị động đất.

*****

Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải: Biệt Giải Văn Nghĩa P1.

Quán Tự Tại Bồ Tát.

Hồi quang phản chiếu quán tự tại

Giác chư hữu tình tức tát đỏa

Như như bất động tâm quân thái

Liễu liễu thường minh chủ nhân ông

Lục chủng thần thong hồn gian sự

Bát phương phong vũ cảnh vô hống

Quyện chi tắc thối tạng ư mật

Phóng chi tắc di lục giáp trung

Dịch:

Hồi quang phản chiếu Quán Tự Tại

Giác chư hữu tình tức Tát Ðỏa

Như như bất động tâm quân thái

Rõ rõ thường biết, chủ nhân ông

Sáu loại thần thông hồn gian sự

Mưa gió tám phương không sợ hãi

Quyện cuộn tròn giữ nơi bí mật

Phóng xả liền đầy khắp thế gian”.

Quán Tự Tại Bồ Tát. Quán tức là quán tưởng. Tự Tại là trong mọi thời đều an lạc, không buồn, không bị trở ngại. Không trở ngại tức là Quán Tự Tại. Chư vị nếu bị trở ngại thì không tự tại.

“Hồi quang phản chiếu Quán Tự Tại”.

Chư vị hồi quang phản chiếu thì quán tự tại. Bằng ngược lại thì không thể quán tự tại. Sao gọi là hồi quang phản chiếu? Hồi quang phản chiếu tức là trong mọi việc đều phải tự hỏi chính mình. Ví như người khác đối xử không tốt, thì mình phải tự hỏi lấy rằng tại sao như thế. Mình phải tự suy nghĩ. A! Nguyên nhân vì mình không tốt. Ðó gọi là hồi quang phản chiếu.

Nếu có người đối xử không tốt mà không kể mình đúng hay sai, liền đùng đùng đánh đối phương lỗ đầu chảy máu. Thật là tự mình không có lý trí. Chư vị hồi quang phản chiếu thì có lý trí. Vì thế, hồi quang phản chiếu là quán tự tại. Hãy tự hồi quang phản chiếu xem coi mình có được tự tại hay không? Tự tại tức là tự chính mình. Tại tức là hiện tại ngay nơi đây. Tôi sẽ giải thích cho chư vị từng chữ một.

Sao gọi là ngay tại đây? Nói cách khác, chư vị có khởi vọng tưởng hay không? Nếu khởi vọng tưởng thì không được tự tại. Không có vọng tưởng thì được tự tại. Ngay tại nơi đây, chư vị hãy nhìn xem, thật rất đơn giản! Chư vị hồi quang phản chiếu tức là tự xem coi mình có vọng tưởng hay không. Có vọng tưởng tức không tự tại. Không vọng tưởng tức được tự tại. Chư vị thấy có vi diệu lắm không!

“Giác chư hữu tình tức Tát Ðỏa”.

Sao gọi là Bồ Tát? Bồ Tát nghĩa là giác ngộ cho loài hữu tình. Giác nghĩa là người tâm trí được thông suốt minh mẫn; tâm không rối loạn. Thêm chữ ‘thủ (tay)’ bên cạnh chữ ‘giác’ thì thành chữ ‘giảo (rối)’. Như thế không giác ngộ cho loài hữu tình được, chỉ khiến cho họ càng thêm ngu si. Giác ngộ cho loài hữu tình nghĩa là khiến cho tất cả loài hữu tình đều được trí huệ minh mẫn thông suốt.

Loài hữu tình là ai? Hữu tình tức là chúng sanh. Chư vị chớ hiểu lầm chữ nghĩa. Giảng về loài hữu tình đây đại khái nói đến loài có tình ái! Giác ngộ loài hữu tình nghĩa là khiến cho tình ái của chúng đều dứt sạch. Luyến ái hết tận thì là Tát Ðỏa. Ðó là Bồ Tát. Do đó tâm được an nhiên, như như bất động.

“Như như bất động tâm quân thái, (như như bất động tâm thư thái)”.

Như như bất động tức là không pháp nào mà không như như. Tất cả pháp đều là như pháp. Mọi phiền não, chướng ngại đều không có. Như như bất động cũng là định lực. Tâm quân thái nghĩa là tâm luôn luôn thư thái an nhiên. Kinh Pháp Hoa nói: “Kỳ tâm thái nhiên (tâm thư thái an nhiên này)”.

Thái nhiên tức là tâm an lạc bình thản.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

“Liễu liễu thường minh chủ nhân ông, (rõ rõ thường biết, chủ nhân ông)”. 

Chư vị phải có trí huệ bát nhã liễu liễu thường minh (rõ rõ thường biết), chớ nên để tâm bất liễu (không rõ), bất minh (không biết), hay bất minh (không biết) bất liễu (không rõ). Do đó, phải liễu (rõ) lại thêm liễu (rõ), minh lại thêm minh (biết). Liễu liễu minh minh (rõ rõ, biết biết). Minh minh liễu liễu (biết biết rõ rõ). Phải thông suốt tất cả. Không hồ đồ (mê mờ), không ngu si. Rõ biết việc không đúng mà cứ làm.

Có phải đã ngu si lại tăng thêm một lớp ngu si nữa không? Ðấy chỉ vì không biết rõ ông chủ của mình. Có người nói: “Ông chủ tức là mình làm chủ được. Mình chính là ông chủ. Mình có thể bảo người khác, mà không thể bị người khác sai bảo. Bất cứ công việc gì mình cũng không làm, chỉ cần bảo người khác làm cho mình”.

Có phải như thế không? Xin đáp rằng không phải như thế.

Tâm quân thái (an nhiên thư thái). Ông chủ tức không nói lời nhảm nhí, không làm việc xằng bậy. Ðó là chư vị tự làm chủ được. Làm chủ được tức tự mình có trí huệ chân chánh. Ông chủ có trí huệ chân chánh không còn có những suy nghĩ tà tri tà kiến. Nếu còn làm những việc tà quấy thì vẫn còn ngu si.

“Lục chủng thần thông hồn an sự, (sáu thần thông chỉ thông thường)”.

Nếu chư vị thường tự làm chủ thì sẽ đắc được sáu thần thông. Sáu thần thông là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm tâm, thần túc thông, túc mệnh thông, lậu tận thông. Sao chư vị không có sáu thần thông? Vì chư vị không tự làm chủ được. Gặp cảnh giới liền chấp trước, nên bị cảnh chuyển. Thấy việc lạ kỳ, tâm tư thay đổi, tức chư vị bị cảnh chuyển mà chưa chuyển được cảnh. Nếu chư vị có thể chuyển được cảnh thì bất cứ cảnh giới nào đến, không thể bị giao động. Ðừng nói lúc tỉnh giác mà khi mộng mị cũng không bị cảnh giới chuyển. Ðó mới thực là chủ nhân ông.

Nếu làm chủ được thì có trí huệ chân chánh. Khi ấy sáu thần thông là chuyện bình thường. Không phải là việc khó có mà rất phổ thông, bình thường.

“Bát phương phong vũ cảnh vô hống, (gió mưa tám hướng không khinh sợ)”.

Gió mưa tám hướng tức là “tám gió thổi không động, ngồi vững trên hoa sen vàng tím”.

Tô Ðông Pha làm kệ :

Ngưỡng thủ thiên trung thiên.

Mao quang chiếu đại thiên.

Bát phong xuy bất động.

Ðoan tọa tử kim liên”

Dịch :

Kính đấng trời giữa trời.

Lông mao chiếu đại thiên

Tám gió thổi không động

Ngồi vững sen vàng tím”.

Thiền sư Phật Ấn liền đề bốn chữ:” Phóng thí! Phóng thí! (đánh rắm, đánh rắm)”.

Tô Ðông Pha vừa thấy bốn chữ này liền giận dữ, không nhịn được. Khi ấy ông ta không những đánh rắm mà còn phóng hỏa nữa (lửa nổi lên trong lòng), thậm chí muốn thiêu đốt luôn ngài Phật Ấn. Thế nên, từ Giang Nam, ông lập tức đến Giang Bắc để tìm ngài Phật Ấn. Vừa gặp, ông liền hỏi: “Ông Thầy kia! Sao dám mắng chửi người? Tôi nói những lời ngộ đạo mà sao Thầy lại nói rằng tôi ‘đánh rắm’?”

*

Ngài Phật Ấn bảo: “Tôi có chửi mắng ai đâu? Ông nói rằng tám gió thổi cũng không động mà tôi chỉ viết hai câu ‘đánh rắm’ thì ông lại từ Giang Nam chạy đến Giang Bắc. Sao ông nói tám gió thổi không động? Chỉ cần có hai câu của tôi thôi mà khiến ông phải đến nơi này”.

Tô Ðông Pha suy nghĩ một hồi. “Ðúng rồi! Tám gió gì cũng không động mình. Chỉ có bốn chữ mà khiến phải nổi nóng mà đến đây. Thật không đúng”. Do đó ông đảnh lễ sám hối.

Sao gọi là tám gió. Tức là xưng, kỵ, khổ, lạc, lợi, suy, đắc, thất. Xưng nghĩa là xưng tán. “A! Ðạo hữu thật là Phật tử chân chính, lại hiểu rõ Phật pháp, có trí huệ, cũng rất thông minh, biện tài vô ngại!”

Ðó là xưng tán chư vị

Kỵ nghĩa là kỵ phúng. “Sao đạo hữu lại học Phật pháp. Hiện tại là thời đại khoa học. Học những lời cổ xưa cả mười tám đời, thật không có ý nghĩa gì hết. Hãy suy nghĩ kỹ. Thời đại khoa học sao lại học Phật pháp, nhân nhân quả quả, vô nhân vô ngã. Trong thời đại khoa học, mình là mình và người lại là người.”

Ðó là lời kỵ phúng (chê bai). Khổ đau cũng là một loại gió.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Lạc tức là an lạc, sung sướng. Ăn ngon, mặc đẹp, ở sang trọng, ngày ngày đều sung sướng an lạc. Việc gì cũng mong tốt đẹp hết. Ðó là một loại gió.

Lợi tức là lợi ích. “Tôi tu hành rất khổ cực. Tôi cũng không khởi vọng tưởng, lại có người cúng dường cả chục ngàn đồng để giúp tôi xây chùa, nên tâm tôi rất vui vẻ”.

Suy là suy bại. Có người muốn phá hoại, nói:” Hòa Thượng kia không tốt. Việc gì thầy cũng làm. Chớ nên tin tưởng thầy đó. Tốt nhất là hãy tin tôi.”

Ðắc nghĩa là được. Thất tức là mất. Chúng đều là gió cả. Gió mưa tám hướng mà không khinh sợ thì tám gió thổi đến cũng không động.

“Quyện chi tắc thối tạng ư mật, (cuộn lại giữ gìn trong bí mật)”.

Bộ kinh này phải nên để nơi thanh tịnh, không nên để nơi bất kính. Chư vị phải tôn kính bộ kinh này.

“Phóng chi tắc di lục giáp trung, (mở ra chấn động khắp thế gian)”.

Một khi mở kinh ra thì trí huệ Bát Nhã phóng quang đầy khắp sáu phương (tức đông tây nam bắc và trên dưới). Chư vị có thấy pháp môn Bát Nhã vi diệu lắm không?

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Ða thời, ( lúc hành thâm bát nhã ba la mật đa).

*

Hành đạo tu thân mạc ngoại tầm

Tự tánh Bát Nhã thâm mật nhân

Bạch lãng xung tiêu hắc ba chỉ

Niết bàn bỉ ngạn nhậm vận đăng

Thời hề thời hề vật thác quá

Thận chi thận thủ thiên chân

Yểu yểu minh minh thông hưu tức

Hoảng hoảng hốt hốt kiến bổn tôn

Dịch:

Hành đạo tu thân chớ tìm ngoài

Tự tánh Bát nhã nhân thâm mật

Bọt trắng tiêu, sóng đen dừng

An nhiên bước lên bờ Niết Bàn

Thời qua thời chớ đánh mất dịp

Thận trọng thận trọng giữ thiên chân

Mờ mờ ảo ảo thông tin tức

Vội vội vàng vàng thấy bổn tôn.”

Hành tức là tu hành. Thâm là đối ngược với thô thiển mà gọi là thâm. Bát nhã là trí huệ. Ba la mật đa là đạt đến bờ giác. Thời là thời gian.

Ðoạn này nói về Bồ Tát Quán Tự Tại tu hành thâm nhập bát nhã, chớ không phải tu bát nhã thô thiển. Sao gọi là thâm bát nhã ? Ðó là diệu trí huệ. Sao gọi là bát nhã thô thiển? Ðó là giáo pháp tiểu thừa, bốn diệu đế, mười hai nhân duyên. Nhờ diệu trí huệ chân chánh mới đạt đến bờ giải thoát. Nếu chư vị không có trí huệ chân chánh thì không thể đạt đến bờ giác được. AI năng đạt đến bờ giác? Là Bồ Tát Quán Tự Tại.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Nơi đây Phật Thích Ca Mâu Ni đề cử ra Bồ Tát Quán Tự Tại, là vị Bồ Tát tu hành pháp Bát Nhã thậm thâm và đã đạt đến bờ giải thoát. Thế nên nói rằng hành thâm bát nhã ba la mật đa thời.

Người nhị thừa chỉ tu bát nhã thô thiển mà không tu pháp bát nhã thậm thâm. Sao gọi là bát nhã thô thiển? Tức là năng phân tích, gở tháo pháp không. Tích tức là phân tích. Phân tích vi tế. Phân tích nhũng gì? Phân tích sắc pháp, tâm pháp. Sao gọi là sắc pháp? Sắc pháp là có hình có tướng, có thể nhìn thấy được.

Sao gọi là tâm pháp? Tâm pháp là không thể nhìn thấy được. Hữu hình tức là có sắc pháp. Vô hình tức là tâm pháp. Hữu hình là gì? Tất cả vật có tướng trạng đều gọi là hữu hình. Tâm pháp thì vô hình vô tướng, chỉ có trí giác. Có trí giác và vô hình vô tướng gọi là tâm pháp. Có hình tướng nhưng lại vô tri giác là sắc pháp. Sắc trong năm uẩn tức là sắc pháp, thọ, tưởng, hành, thức cũng gọi là tâm pháp. Thọ tưởng hành thức thì vô hình tướng.

Lúc Bồ Tát Quán Tự Tại hành thâm bát nhã ba la mật đa, thì thấy rõ năm uẩn đều không. Ngài nhận thấy chúng đều không. Ngài bảo: “Sắc không khác không, không không khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức cũng đều như thế. Thọ tưởng hành thức giống như sắc pháp, cũng là không”.

*

Nay giảng về không vì Bát Nhã đàm luận về không. Tánh không có rất nhiều loại. Nay chỉ giản lược nói về năm loại.

Thứ nhất là ngoan hư không. Ngoan tức là ngoan bì (ngu hèn). Gọi là hư không vì nó vô tri vô thức, không có sự tồn tại của tánh tri giác. Tất cả mọi người đều biết là hư không (trống rỗng). Mọi người đều chấp trước hư không. Mắt thấy hư không nhưng không có tánh tri giác, nên gọi là ngoan hư không. Phàm phu chấp trước cũng là ngoan hư không. Sao gọi là hư không? Tức là không có chi hết, nhưng có thật là chân không, không ? Không phải, đó là ngoan (ngu ngơ) hư không. Ðây là hư không mà phàm phu thường chấp trước.

Thứ hai là đoạn diệt không. Ðó là gì? Là không mà ngoại đạo chấp trước vào. Ngoại đạo không biết ý nghĩa của không. Họ cho rằng người chết rồi là hết, đoạn diệt luôn, cũng là không. Thế nên, họ chấp vào đoạn diệt không.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Thứ ba là pháp không quán. Người nhị thừa tu tích pháp không quán. Tích cũng là phân tích sắc tức là sắc, tâm tức là tâm. Họ không biết tất cả đều là không. Thế nên không thể đắc và chứng được diệu lý chân không, chỉ tạm trú tại hóa thành thôi, không đồng với địa vị của Bồ Tát. Hóa thành là nơi không vọng, chỉ là trạm dừng chân. Họ tu loại tích pháp không quán, nên gọi là bát nhã thô thiển. Bát nhã thô thiển tức là bát nhã không thâm sâu. Họ tu hành pháp bát nhã này thì chấm dứt phần đoạn sanh tử, nhưng biến dịch sanh tử vẫn còn.

Sao gọi là phần đoạn sanh tử? Ai ai cũng có thân thể. Chư vị có một phần. Tôi có một phần. Từ sanh đến chết có một đoạn. Một phần một đoạn gọi là phần đoạn sanh tử. Phần đoạn cũng gọi là hình đoạn của mỗi người. Chư vị cao năm thước. Họ cao sáu thước. Lại có người cao bảy thước. Mỗi người đều có một phần đoạn. Thánh nhân chứng sơ quả, nhị quả, tam quả, và tứ quả A La Hán chặt đứt được phần đoạn sanh tử mà vẫn còn biến dịch sanh tử.

*

Sao gọi là biến dịch sanh tử? Biến tức là biến hóa. Dịch tức là dung dịch, cũng là biến hóa, giao dịch, mậu dịch. Biến dịch sanh tử là gốc của phần đoạn sanh tử. Vì sao gọi là thế? Biến dịch sanh tử cũng là bao loại vọng tưởng. Những vọng tưởng này luôn lưu xuất, vọng niệm trước diệt, vọng niệm sau sanh, vọng niệm sau diệt, vọng niệm kế lại sanh. Sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, nên gọi là biến dịch sanh tử.

Một niệm diệt tức là mất. Một niệm sanh tức là đã sanh, cũng là vọng niệm của chúng ta. Tứ quả A La Hán chưa đoạn diệt hẳn hết, nên chỉ có Bồ Tát đại thừa mới năng đoạn tận hết. Biến dịch sanh tử cũng là cội gốc sanh tử của chúng ta. Sao chúng ta có sanh tử? Vì chúng ta có vọng tưởng. Những vọng tưởng này phát sanh từ đâu? Vọng tưởng vốn do vô minh phát sanh. Vì có vô minh nên mới phát sanh bao loại vọng tưởng.

Thứ tư là thể pháp không quán: Duyên Giác tu thể pháp không quán

Thứ năm là diệu hữu không quán: Bồ Tát tu diệu hữu không quán. Chân không diệu hữu.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Lúc Bồ Tát Quán Thế Âm hành thâm bát nhã ba la, Ngài soi thấy năm uẩn đều không. Ðó là đắc được công năng tu hành bát nhã ba la mật đa. Nay y chiếu theo kệ của tôi mà giảng giải.

“Hành đạo tu thân mạc ngoại tầm, (hành đạo tu thân chớ tìm ngoài)”.

Chư vị muốn tu đạo, tu thân, thì chớ tìm bên ngoài. Không nên hướng ngoại tìm cầu, mà hãy tìm lại tự tánh của mình.

“Tự tánh bát nhã thâm mật nhân, (tự tánh bát nhã nhân thâm mật)”.

Trong tự tánh bát nhã có hạt giống thâm mật.

“Bạch lãng xung tiêu hắc ba chỉ, (sóng bạc tiêu lặn biển đen dừng)”.

Lúc tu đạo, sóng bạc tức là trí huệ, như nước chảy tạo thành sóng màu sắc trắng. Sóng biển đen tức là phiền não. Khi sóng đen ngừng thì trí huệ tăng, pháp thậm thâm cũng cao siêu. Hành bát nhã ba la mật đa, lưu xuất pháp thậm thâm không ? Vì pháp này rất cao siêu, nhìn xem không thể thấy, nên gọi là bát nhã thậm thâm. Sóng đen dừng tức là phiền não dừng.

“Niết bàn bỉ ngạn nhậm vận đăng, (bờ Niết Bàn, từ từ leo lên)”.

Một khi đã có trí huệ thì tự nhiên biết cách để đạt đến bờ niết Bàn, không bỏ phí sức lực nào.

*

“Thời hề thời vật thác quá, (thời qua thời chớ để trôi qua)”.

Chúng ta tu đạo, thời gian rất quý báu, đừng để chúng trôi qua vô ích. Thế nên, thời qua thời chớ để trôi đi. Thời gian nào ? Tức là lúc hành thâm bát nhã ba la mật. Chư vị chớ nên để thời gian trôi qua vô ích.

“Thận chi thận thủ thiên chân, (thận trọng, thận trọng giữ thân chân)”.

Chư vị phải cẩn thận, đừng để thời gian trôi mất, ngày đêm luống qua vô ích. Hiện tại phải tu hành đắc được pháp bát nhã thậm thâm, chân lý cao thượng.

“Yểu yểu minh minh thông hưu tức, (mờ mờ ảo ảo thông tin tức)”.

Mờ mờ ảo ảo, nói nghe nhưng thực không nghe, nói thấy nhưng thực không thấy.

“Hoảng hoảng hốt hốt kiến bổn tôn, (vội vội vàng vàng thấy bổn tôn)”.

Hiện nay, chư vị phải được tin tức mờ mờ ảo ảo, vội vội vàng vàng thấy bổn chân. Lại như không có hình tướng mà nói thấy hình tướng. Thấy bổn tôn tức là thấy rõ tự tánh của chính mình.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Soi thấy năm uẩn đều không.

*

Tam quang phổ chiếu thấu tam tài

Nhất quy hợp xứ phục nhất lai

Kiến sắc tức không thọ nạp thị

Vọng tưởng quyện lưu hành nghiệp bài

Thức nãi liễu biệt ngũ âm cụ

Cảnh hoa thủy nguyệt tuyệt trần ai

Không nhi bất không minh đại dụng

Kiến do vị kiến lạc khoái tai.”

Dịch:

Ba quang phổ chiếu thấu ba tài

Nhất quy hợp xứ lại nhất lai

Thấy sắc tức không thọ nạp thế

Vọng tưởng chuyển lưu, tan hạnh nghiệp

Thức vẫn phân biệt đủ năm âm

Gương hoa trăng nước tuyệt trần ai

Không mà chẳng không rõ đại dụng

Thấy như chưa thấy vui vô vàn”.

“Tam quang phổ chiếu thấu tam tài, (ba quang phổ chiếu thấu ba tài)”.

Ba quang là mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao. Phổ chiếu tức là phổ biến chiếu sáng. Ba tài là trời, đất, người. Ba quang là văn tự bát nhã quang, quán chiếu bát nhã quang, thật tướng bát nhã quang. Thật tướng bát nhã quang tức là thậm thâm bát nhã quang. Soi thấy năm uẩn đều không. Dùng ba quang chiếu thấu ba tài, tức chiếu khắp trời, đất, người.

“Nhất quy hợp xứ lại nhất lai”.

Nhất quy hợp xứ tức tự tánh của mình. ‘Nhất’ là nói tự tánh. ‘Hợp xứ’ cũng là chỗ của tự tánh. Xưa nay muôn pháp đều quy về một. Một quy về hợp xứ. Ngài Thần Quang có nói bài kệ :

Muôn pháp quy về một

Một quy về hợp nhất

Thần Quang vốn chẳng sớm biết Ðạt Ma

Vếch tai núi quỳ nghe Ngài dạy chín năm

Chỉ cầu thoát khỏi Diêm La”.

Vì sao thế? Tâm chúng ta cũng chính là tánh. Một khi quay về liền hợp xứ. Hợp tức là tương hợp. Tương hợp với gì? Cùng tương hợp với Phật tánh. Chư vị cùng Phật tánh tương hợp, rồi trở về cội gốc, lại xuất sanh diệu dụng. Diệu dụng này chính giúp thành tựu Phật quả, gọi là trở về nhất lai, cũng là ông Phật của chư vị.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

“Thấy sắc tức không thọ nạp thế”.

Thấy sắc tức không, nghĩa là thấy được sắc mà sắc vốn là không. Sao nói sắc vốn không? Phàm phu chúng ta đều chấp trước sắc này. Chấp vào sắc gì? Tổng thể của sắc. Sắc pháp tuy có nhiều loại, mà tổng thể của sắc chính là thân thể chúng ta, gọi là sắc thân. Sao sắc thân lại là không? “Thật sự thân này có mà !”

Chư vị biết mặc đồ, ăn uống, ngủ nghỉ, sao chẳng biết không? Nếu chư vị hiểu rõ sắc thân này được hình thành như thế nào thì chư vị sẽ hiểu rõ tánh không của nó. Vì vậy nên giảng về chân không tích pháp, cũng là pháp phân tích. Thân này là tổng tướng của sắc. Ðất nước gió lửa là biệt tướng (tướng riêng) của sắc. Thân thể của chúng ta do đất nước gió lửa hợp thành. Xương cốt thịt thà chính là đất. Nước mắt, nước mũi, máu, tiểu tiện, mồ hôi, là nước.

Thân thể được ấm áp là nhờ có lửa. Vận động hô hấp nhờ thân thể có gió. Bốn đại hòa hợp thì thân thể còn. Chúng phân tán thì thân thể mất. Ðất trở về đất đá. Nước trở về nước. Gió trở về gió. Lửa trở về lửa. Mỗi đại đều trở về cội gốc, nên không thật có. Vì thế, mọi người chấp trước vào thân thể, tự cho là có, thật là sai lầm. Sao thân thể không phải là mình? Thân thể không phải là mình. Mình là gì? Có thể giữ gìn thân thể, có thể thấy, nghe, ngửi, biết, nhận thức bằng tri giác. Tri giác này cũng là mình. Thân thể là gì? “Thân thể chính là mình, mình là thân thể”.

*

Không thể cho rằng thân thể chính là mình được, vì thân thể chỉ giống như nhà ở. Chư vị không thể cho rằng nhà mình ở chính là mình. Chư vị gọi nhà ở chính là mình thì sợ rằng người ngoài cười cho. Nhưng nói thân thể chính là mình thì không ai cười cả. Sao không ai cười chư vị? Vì ai cũng cho rằng thân thể chính là mình, tức là chấp nhà ở chính là mình.

Thấy, nghe, ngữi, nếm, giác, biết đều là Phật tánh. Phật tánh cũng chính là tự tánh của chư vị. Thân thể bất quá chỉ do nhân duyên hòa hợp. Nhân duyên ly biệt thì thân thể phân tán. Thế nên, chư vị đừng cho rằng thân thể chính là mình. Mình ở trong nhà, những việc bên ngoài không thể biết. Thế nên đừng chấp trước nhà ở chính là mình.

Bàn về sắc, chư vị hãy phân tích rõ, nó cũng là không. Do từ không mà biến thành sắc pháp. Ðất nước gió lửa hợp thành thân thể mà có người lại nói rằng thượng đế tạo ra người. Dùng gì để tạo ra? Cũng dùng đất nước gió lửa mà tạo thành. Chúng ta cũng có thể dùng một chút đất, nước, gió, lửa để tạo ra thân người. Ai ai cũng đều tạo ra người khác được. Con người do nhân duyên hòa hợp tạo thành. Nhân duyên biệt ly thì thân thể phân tán.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Thế nên đừng gọi thân thể là mình. Sắc tức là không. Chư vị nếu hiểu rõ sắc tức là không thì không chấp trước thân thể là mình. Tất cả vật dụng thuộc về mình, mình đều bảo tồn, phụ trợ. Ðó là làm nô lệ cho thân mình. Tâm của chư vị chính là tánh tri giác. Chư vị phải hiểu rõ thân thể là sắc pháp, là giả hợp, đừng nên chấp trước. Nếu không chấp trước thân thể tức là phá được sắc uẩn. Khi phá được sắc uẩn rồi thì nó biến thành không.

Thọ nạp như thế. Thọ uẩn cũng giống như sắc uẩn, là không thật có.

“Vọng tưởng quyện lưu hạnh nghiệp an bài, (vọng tưởng chuyển lưu, nghiệp an bài)”.

Vọng tưởng là tưởng uẩn. Quyện lưu tức là hành uẩn. Hành nghiệp an bài là hành uẩn được an bài cùng hành nghiệp.

“Thức nãi liễu biệt ngũ âm cụ, (thức cũng liễu biệt đủ năm ấm)”.

Liễu biệt là thức uẩn. Phân biệt đầy đủ năm ấm. Năm ấm là sắc thọ tưởng hành thức.

“Cảnh hoa thủy nguyệt liễu trần ai, (hoa gương trăng nước tuyệt bụi trần)”.

Năm ấm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, giống như hoa hiện trong gương, như trăng hiện trên mặt nước. Tuyệt bụi trần tức là không còn một vết ô nhiễm bụi trần. Nói lên ý nghĩa là năm uẩn đều không.

“Không nhi bất không minh đại dụng, (không mà chẳng không rõ đại dụng)”.

Chư vị phải hiểu rõ năm uẩn đều không. Lúc không hiểu rõ năm uẩn là không thì có nhiều phiền não, vọng tưởng. Hiểu rõ được thì chuyển thức thành trí. Khi ấy đắc đại diệu dụng phi thường. Hiểu rõ diệu dụng này tức thấy mà như chưa thấy thì an lạc sung sướng.

“Kiến do vị kiến lạc khoái tai, (thấy như chưa thấy, vui vô vàn)”.

Nơi chân không xuất sanh ra diệu hữu, cùng đại dụng. Khi ấy chư vị thấy rõ mà cũng đồng như chưa thấy. Không bị cảnh giới chuyển. Có thế, chư vị mới đắc được an lạc chân chánh. Vì vậy nói rằng vui vẻ vô vàn.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Ðộ nhất thiết khổ ách, (vượt tất cả khổ ách).

*

Ðộ qua khổ ải xuất luân hồi

Vũ tễ thanh tinh nguyệt chánh huy

Khôn nguyên đạo thể nhân trung thánh

Bất hoại kim khu thế thượng hy

Thoát sanh hà thuận thiên niên lạc

Chứng diệt khởi thị vạn kiếp kỳ

Nhị tử vĩnh vong ngũ trụ tận

Tiêu diêu pháp giới nhậm đông tây

Dịch :

Vượt qua cửa khổ thoát luân hồi

Mưa tạnh trời trong trăng sáng hiện

Càn nguyên thể đạo thánh giữa người

Vàng chẳng hoại diệt thế gian hiếm

Thoát sanh tử cần chi thuốc tiên

Chứng diệt đợi chi muôn kỳ kiếp

Hai chết mất hẳn năm trụ tận

Dạo chơi pháp giới khắp đông tây”.

Vượt qua tất cả khổ ách. Ðộ tức là độ thoát. Tất cả là bao quát hết mọi khổ ách. Khổ thật khó thọ nhận, mà lại gia tăng thêm cái ách nữa thì thật rất khó lãnh thọ.

Ðộ, sao gọi là độ? Ðộ thoát, sao gọi là độ thoát? Tức là xa khổ đau đắc được an lạc, nên gọi là độ thoát, cũng là giải thoát. Tại sao không gọi là giải thoát tất cả khổ ách, mà là độ thoát tất cả khổ ách?

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Vì tiếp theo câu trên “Soi thấy năm uẩn đều không”, mà nói. Ý nói là độ cho những người tu hành. Chư vị tuy thấy năm uẩn đều không nhưng phải tu hành. Tu hành mới độ thoát được tất cả khổ ách. Nếu chư vị không tu hành mà chỉ đơn giản thấy năm uẩn là không thì có dụng ích chi? Soi thấy chúng đều không thì mới biết rõ tánh không, hay giác ngộ chúng là không, nhưng phải nên tu hành. Vì vậy, tuy đốn ngộ lý mà sự thì phải tiệm tu (tu dần dần).

Hiểu rõ lý rồi thì phải tu hành mới độ thoát được tất cả khổ ách. Nếu chỉ biết chúng là không mà chẳng chịu tu hành thì cái không đó chả có ích lợi gì. Vì thế, chư vị phải nên tu hành, thật tiển tu hành. Ðộ cũng là cung hành thật tiển, thật thật tại tại tu hành, thật thật tại tại mà làm. Không nên dùng khẩu đầu thiền, nói khai ngộ, đắc được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Ðã khai ngộ. Vậy khai ngộ gì, đắc được gì? Chứng đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề như thế nào? Nói thì rất dễ mà hành thì rất khó. Nói là pháp, mà hành là đạo. Thế nên, chư vị nói được thì phải hành được. Hiểu rõ chúng là không thì phải tu. Dùng cái không mà tu cái có. Dùng chân không mà tu diệu hữu.

*

Ðộ thoát tất cả khổ ách. Tất cả khổ ách là không phải một việc khổ mà nói bao quát hết mọi khổ ách. Khổ tựu chung có ba loại khổ, tám khổ, vô lượng khổ. Ba loại khổ là khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Lại gọi ba thọ tức thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc, cũng là khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ.

Sao gọi là thọ? Thọ nghĩa là tiếp thọ. Tiếp thọ khổ, lạc, và không khổ không lạc. Khổ khổ tức là khổ thọ. Hoại khổ tức là lạc thọ. Ðừng cho rằng hưởng lạc mà không có khổ trong đó. Trong an lạc có hoại. Hoại rồi thì có hoại khổ. Không khổ không lạc gọi là hành khổ.

Tám khổ là gì? Tức là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thương mà xa lìa khổ, oán ghét mà gần nhau khổ, cầu mà không được khổ, năm ấm hẩy hừng khổ. Ai mà không được cha mẹ sanh ra? Có sanh tức có khổ vì sanh. Ai không già yếu. Có người nói rằng trẻ thơ chưa già mà chết. Tuy chưa già nhưng vốn chưa có tri giác. Trẻ em chưa già nhưng vẫn có khổ vì bịnh, khổ vì chết, cũng gọi là khổ vì già.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Sao bảo trẻ em khổ vì già? Ngày em bé chết chính là ngày em đã già. Nếu không già thì sao lại chết. Chư vị bảo trẻ em cũng biến thành già sao? Vì em chết nên cũng gọi là già. Vì thọ mạng của em không được dài lâu. Thời gian từ sanh đến chết rất ngắn ngủi. Khi chết cũng là đã già rồi. Nếu không già thì sao lại chết? Thế nên, không thể thoát khỏi khổ vì già.

Bệnh khổ. Có ai dám nói rằng bệnh không khổ không? Bệnh thật rất thống khổ. Chư vị cũng hiểu rõ rồi. Sanh ra lại khổ vì bệnh. Phật Thích Ca Mâu Ni cũng bị quả báo gậy đập, ăn lúa ngựa. Tại sao vậy? Vì trong một đời tiền kiếp, Ngài làm một đứa trẻ. Lúc ấy trong vùng Ngài ở, dân chúng bị đói khát, không có gì để ăn. Chợt có một con cá voi bị mắc cạn. Ngài dùng côn đánh vào đầu khiến cá chết. Sau đó dân làng áp ra róc thịt cá voi mà ăn.

Do đó, sau khi thành Phật rồi, Ngài thường thường cảm giác nhức đầu tựa như bị cây đập lên đầu, nên gọi là quả báo gập đập. Lại nữa, trong một đời tiềp kiếp, Ngài có nói một câu sai lầm rằng đối với người tu đạo, phải tu hành khổ hạnh chân chánh bằng cách ăn lúa ngựa. Sau khi Ngài thành Phật, trong một kỳ an cư kiết hạ, quốc vương không cúng dường gì hết, chỉ cho Ngài và tăng chúng tỳ kheo lúa ngựa thường ăn. Ðó là do Ngài tạo nghiệp lúc còn tu hành ở nhân địa, nên hiện đời phải cảm thọ quả báo.

*

Chết, ai ai cũng đều không thích chết. Vì sao? Vì quan hệ đến khổ đau. Lại có khổ vì thương nhau mà xa lìa, ghét nhau mà thường gặp, cầu mà không được như ý, năm ấm luôn thay đổi hẩy hừng. Những loại khổ này đều gọi là khổ. Nay chúng ta tu hành nên phải dẹp trừ ba khổ, tám khổ, vô lượng khổ, nên gọi là độ thoát tất cả khổ ách.

“Ðộ qua khổ ải xuất luân hồi, (vượt qua biển khổ xuất luân hồi)”.

Mọi khổ đều nằm trong biển khổ. Nếu chư vị vượt qua hết tất cả khổ ách thì chắc chắn sẽ thoát khỏi sáu nẻo luân hồi: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, người, trời.

“Vũ tễ thanh tịnh nguyệt chánh huy, (mưa tạnh trời trong trăng sáng hiện)”.

Khi ấy mưa tạnh tức là không còn hạt mưa nào hết. Bầu trời trong sáng. Trăng sáng hiển hiện. Mặt trăng trong không trung chiếu sáng. Năm ấm đều không. Không còn năm ấm giống như không còn mây, mưa. Bầu trời trong sáng, thanh tịnh. Trăng treo lơ lững, muôn dặm không áng mây. Cảnh giới này khiến chư vị phát sanh trí huệ chân chánh, chiếu sáng khắp cả, nhờ đó mà độ thoát qua hết tất cả khổ ách.

“Càn nguyên đạo thể nhân trung thánh, (Càn nguyên đạo thể thánh giữa người)”.

Khi chứng sơ quả A La Hán, thân thể chư vị tràn ngập khí dương. Càn là số dương trong kinh dịch, nên gọi là càn nguyên. Ðạo thể là thể chất của việc tu đạo. Trung nhân thánh là thánh nhân trong loài người.

“Bất hoại kim khu thế thượng hy, (vàng chẳng hoại diệt thế gian hiếm)”.

Khi chứng sơ quả Tu Ðà Hoàn, chư vị cắt đứt được tám mươi tám phần kiến hoặc. Thân thể chư vị bất hoại như vàng ròng, trên thế gian rất hiếm có.

“Thoát sanh hà thuận thiên niên dược, (thoát sanh tử cần chi thuốc tiên)”.

Xưa, vua Thái Thủy đến đảo Bồng Lai tìm thuốc trẻ mãi không già, giải thoát sanh tử. Chư vị không cần thiết phải đi tìm thuốc trẻ mãi không già, chỉ nên độ thoát hết tất cả khổ ách. Khi đó muốn sống thì sống, muốn chết thì chết. Chết sống do tự chính mình. Vua Diêm La không thể cai quản được, giống như tổ Bồ Ðề Ðạt Ma.

“Chứng diệt khải thị vạn kiếp kỳ, (chứng diệt đợi chi muôn kỳ kiếp)”.

Pháp bốn diệu đế: Khổ, tập, diệt đạo. Khi chứng đắc diệt đế thì thành đạo, đắc vô dư Niết Bàn, không đợi trải qua tám muôn bốn ngàn kiếp, mà mau chứng đắc vô dư Niết Bàn.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

“Nhị tử vĩnh vong ngũ trụ tận, (hai chết mất hẳn năm trụ diệt)”.

Chư vị chứng đến độ thoát tất cả khổ ách, vượt khỏi vòng luân hồi, đắc được thân kim cang bất hoại. Khi ấy nhị tử mãi không mất. Sao gọi là nhị tử? Có phải là chết hai lần không? Không phải là chết hai lần mà là hai lần chết. Một lần là phần đoạn sanh tử. Một lần là biến dịch sanh tử. Gọi là hai lần chết. Khi chứng quả A La Hán thì cắt đứt phần đoạn sanh tử. Khi chứng quả vị Bồ Tát mới cắt đứt biến dịch sanh tử. Nay, Bồ Tát Quán Thế Âm đã cắt đứt được biến dịch sanh tử. Chữ vong (mất), đây không phải là tử vong (chết mất). Trong sách đại học nói: “Nhi kim vong hỷ (như nay mất rồi)”.

Chữ ‘vong’ đọc là không. Chúng ta có thể đọc là vong, hay không cũng được, không cần giảng giải. Hai loại chết này đều không.

“Ngũ trụ tận (tận hết năm trụ)”. Nghĩa là năm trụ phiền não. Chúng là gì ? Thứ nhất, kiến trụ phiền não, là trụ ái kiến. Thứ hai, trụ ái dục. Thứ ba, trụ sắc ái. Thứ tư, trụ vô sắc ái. Thứ năm, trụ vô minh ái. Vì năm trụ ái này mà chúng ta sanh chấp trước, biến thành năm loại phiền não. Bồ Tát Quán Thế Âm dẹp trừ hết năm loại phiền não này.

“Tiêu diêu pháp giới nhậm đông tây, (dạo chơi pháp giới khắp đông tây)”.

Tiêu diêu có nghĩa là tự tại. Tự tại cũng là tiêu diêu. Tiêu diêu cũng là tự do. Tự do, nghĩa là an lạc, sung suớng. Sao an lạc sung sướng? Vì có thể tùy tiện đi nơi này nơi nọ. “Nhậm đông tây”, nghĩa là nếu chư vị muốn qua cõi tây phương cực lạc thì tùy ý mà đi. Muốn qua cõi đông phương Tịnh Lưu Ly Phật thì cũng có thể đi. Muốn đến cõi Ta Bà thì không thành vấn đề, cũng không cần hộ chiếu do tòa lãnh sự sứ quán cấp. Không có những thủ tục rườm rà. Nếu muốn đi thì cứ đi, nên gọi là tiêu diêu pháp giới.

Pháp giới không phải chỉ trong vòng, đông tây, nam, bắc, mà cả trên dưới, mười phương.Chư vị muốn đi đến đâu thì đều được hoan nghinh khi đến những nơi đó. Không phải nói là muốn đi đến nơi kia, nơi kia không hoan nghinh tiếp đón chư vị, không cho nhập cảnh. Muốn đến nơi nào cũng được hết. Tiêu diêu pháp giới nhậm đông tây. Chư vị thấy cảnh giới này có an lạc lắm không, tự do lắm không! Tiêu diêu, tự do, đó là tánh pháp giới chân chánh bình đẳng. Khi hai lần chết và năm trụ đều tận diệt thì đắc được tự do. Ðó là tự do chân thật, an lạc chân thật, bình đẳng chân thật, và tiêu diêu chân thật.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Xá Lợi Tử.

*

Xá Lợi Tử thị kiên cố vi

Dịch tác Thu Lộ mẫu nghĩa hình

Giới định viên minh châu quang hiện

Hạnh giải tương ưng thể linh lung

Ðại trí chi hà nhân ngu biểu

Thiện ban kỷ tại nương phúc sanh

Nhân giai cụ thử chân thật huệ

Thủ chư tào khê bảo lâm phong

Dịch:

Xá Lợi Tử nghĩa là kiên cố

Dịch là Thu Lộ hình giống mẹ

Giới định sáng tròn chân ảnh hiện

Hạnh giải tương ưng thể sáng trong

Bậc đại trí sao giống kẻ ngu

Biện tài giỏi nhờ thai sanh trợ

Người người đầy đủ chân trí huệ

Giữ phong cách Bảo Lâm Tào Khê”.

“Xá Lợi Tử thị kiên cố vi”

Xá Lợi Tử cũng là Xá Lợi Phất. “Xá Lợi” là tiếng Phạm. “Tử” cũng là tiếng Phạm. “Xá Lợi Tử” nghĩa là “Kiên Cố”. Vì sao? Ðó chỉ cho trí huệ kiên cố. Thế nên Xá Lợi Tử nghĩa là kiên cố.

“Dịch tác thu lộ mẫu nghĩa hình, (dịch là Thu Lộ hình giống mẹ)”.

“Xá Lợi” phiên dịch ra tiếng Tàu gọi là “thu lộ”. Thu lộ là một loài chim biển. Chim này bay rất cao và rất xa, đôi mắt lanh lẹ trong sáng như hai ống dòm. Lúc cá bơi qua bơi lại trên biển, nó đang trên hư không liền bay xà xuống mau như hỏa tiển, để bắt lấy cá mà ăn. “Xá Lợi” cũng là tên của loài chim thu lộ. Ở Ấn Ðộ, con cái thường lấy tên cha, mà cũng đôi khi lấy tên mẹ, hay dùng cả tên cha lẫn mẹ. Xá Lợi Tử là chỉ lấy tên mẹ thôi. Mẹ của ngài Xá Lợi Tử tên là Xá Lợi. “Tử” tức là con của bà Xá Lợi, cũng y chiếu theo hình thái của bà mà tạo ra tên đó.

“Giới định viên minh châu quang hiện, (giới định sáng tròn chân ảnh hiện) “.

Ngài Xá Lợi Tử trong tiền kiếp, sanh sanh thế thế đều tu giới, định, huệ. Giới, định, huệ của Ngài đều viên mãn tròn đầy, viên minh (tròn sáng) như hạt châu phóng ánh sáng, nên nói là hạt châu hiển hiện.

“Hạnh giải tương ưng thể linh lung”.

Ngài vừa tu hành vừa học giáo điển, nên trí huệ rất quảng đại. Thể linh lung nghĩa là thân thể của Ngài trong sáng như pha lê.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

“Ðại trí chi hà nhân ngu biểu, (bậc đại trí sao giống kẻ ngu)”.

Sao gọi là đại trí huệ? Ngược với ngu si. Vì Ngài khác biệt hẳn với những người ngu. Người ngu si làm những việc điên điên đảo đảo. Dù nói lời tốt đến đâu nhưng khi hành lại làm những việc hư hoại. Tạo những việc hư hoại gọi là người ngu. Người có trí huệ không si mê, không phải biết mà vẫn cố phạm, không điên điên đảo đảo, nên gọi là đại trí huệ.

“Thiện biện kỷ tại nương phục sanh, (biện tài giỏi nhờ thai sanh trợ)”.

Chắc chư vị nhớ rõ những lần tôi giảng kinh Lăng Nghiêm, có đề cập đến mẹ của ngài Xá Lợi Phất, không thể biện luận thắng cậu Ngài. Sau này, lúc mang thai ngài Xá Lợi Phất, mẹ lại cùng cậu Ngài biện luận. Khi ấy, cậu Ngài không thể thắng, bắt bẻ được mẹ Ngài. Do đó, cậu Ngài ra ngoài học luận nghị ngoại đạo. Khi trở về, ngài Xá Lợi Phất đã theo Phật xuất gia. Vì lúc còn ở trong bào thai, Ngài đã trợ giúp mẹ Ngài biện luận thắng cậu Ngài, nên gọi là thuyết thiện biện tài từ trong bào thai.

“Nhân giai cụ thử chân trí huệ, (người người đầy đủ chân trí huệ)”.

Trí huệ này không phải chỉ ngài Xá Lợi Phất có thôi mà ai ai cũng đều có hết cả. Tuy có nhưng không biết dùng, nên quên mất. Nếu mọi người biết dùng trí huệ này thì đều đạt được lợi ích cả.

“Thủ chư Tào Khê Bảo Lâm phong, (giữ phong cách Bảo Lâm Tào Khê)”.

Trí huệ chân thật này ở đâu? Tại Tào Khê? Tào Khê ở nơi nào? Tại chùa Nam Hoa, Mã Bá, Quảng Ðông, Trung Quốc. Xa không? Mình có thể tới được không? Chùa Nam Hoa tại núi Bảo Lâm là đạo tràng của ngài Lục Tổ, rất xa nơi này, tôi không thể đến. Ðược! Nay không cần phải đi, chư vị mỗi người cũng đều có sẵn phong cách Tào Khê Bảo Lâm, không cần phải chạy đâu tìm cầu. Tự chính chư vị có sẵn trí huệ này. Chính bổn thể của chư vị là phong cách Tào Khê Bảo Lâm, nên chẳng cần phải ra ngoài tìm cầu.

Trí huệ này cũng chính là chư vị. Sao lại tìm cầu bên ngoài? Chư vị phải xả bỏ tâm vọng tưởng điên đảo, tự mình dụng công tham thiền đả tọa thì sẽ đắc được trí huệ này. Ðó cũng là Tào Khê Bảo Lâm phong. Lúc ngồi tham thiền đả tọa cũng là lúc ngồi tại núi Bảo Lâm.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc, (sắc không khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc).

*

Sắc bất dị không hữu nhược vô

Không bất dị sắc thể dụng thù

Sắc tức thị không chân nguyên triệt

Không tức thị sắc vọng lưu khô

Sơn hà đại địa duy thức hiện

Mộng huyễn phao ảnh như thị hồ

Thận vật ngoại cầu trì trung đạo

Phóng hạ nhiễm duyên tức lai như

Dịch:

Sắc chẳng khác không có lại không

Không chẳng khác sắc cùng thể dụng

Sắc tức là không thấu nguồn chân

Không tức là sắc nguồn vọng cạn

Núi sông non nước hiện duy thức

Bọt ảnh huyễn mộng như thế đấy

Chớ cầu ngoài, nên giữ trung đạo

Xả bỏ nhiễm duyên tức Lai Như”.

“Sắc bất dị không hữu nhược vô, (sắc chẳng khác không có lại không)”.

Sao gọi là sắc? Tức là hình tướng. Sao gọi là không? Tức là vô hình tướng. Sao lại gọi sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc? Ðây nói về đạo lý cùng tột, liễu nghĩa triệt để. Tất cả núi non, sông biển, đất đá, nhà cửa, phòng xá, v.v… đều là sắc.

Sắc trụ ở nơi đâu? Sắc trụ tại hư không. Không trụ tại nơi đâu? Không cũng trụ tại nơi sắc. Sắc và không có thể bảo là không hai. Sắc không khác không, lại không phải là hai. Không chẳng khác sắc. Hư không cùng sắc không có hai. Không bao gồm sắc. Sắc cũng bao gồm không. Bên ngoài thì thấy có hai, nhưng thật tế vốn là một.

*

Ví dụ, nơi đây vốn trống rỗng, mà chư vị lại đem cái bàn để ra đây, tức là có. Trước khi đem bàn ra, nơi đây vốn là hư không. Khi đem bàn ra thì còn có hư không nữa không? Cũng là có. Không gian cũng vẫn còn, bất quá bị cái bàn chiếm một khoảng thôi. Lại nói hư không này có sắc hay không? Không này vốn cũng có sắc. Sắc tức là không. Chúng ta phân tích hình sắc mãi thì cuối cùng sẽ biến thành không.

Tại sao thế? Thân thể chúng ta dựa nơi sắc pháp. Do gì tạo thành? Do bốn đại tạo thành. Sắc thân do bốn đại đất, nước, gió, lửa, hợp thành, cũng là sắc. Phân tích kỷ thì khi chúng ta chết đi, bốn đại này sẽ trở về cội gốc. Ðất trở về với đất; nước trở về với nước; gió trở về với gió; lửa trở về với lửa. Sắc thân tan biến mất. Sắc tức là không. Tuy nay có sắc tướng mà tương lai thì không có, nên nói là sắc chẳng khác không, thực có thực không. Tuy có nhưng lại đồng với không.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

“Không chẳng khác sắc thể dụng thù, (không chẳng khác sắc cùng thể dụng)”.

Không chẳng khác sắc, nhưng có thể có dụng. Không là thể không. Sắc là dụng của không. Thể và dụng tuy hai nhưng vốn là một.

“Sắc tức là không chân nguyên triệt, (sắc tức là không thấu nguồn chân)”.

Chư vị phải biết sắc thật chất vốn từ không. Cội gốc này nếu chư vị đạt đến được thì sẽ hiểu rõ triệt để.

“Không tức thị sắc vọng lưu khô, (Không tức là sắc nguồn vọng cạn)”.

Chư vị phải hiểu rõ không tức là sắc. Không có vọng tưởng thì nguồn vọng khô cạn. Lại sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Ðấy, có thể nói là chư vị tu đạo thì mới đắc được cảnh giới đó. Sắc này cũng là sắc đẹp. Sắc đẹp đại biểu cho sắc đẹp nam nữ. Chư vị chân chánh tu đạo đắc được cảnh giới an lạc thì cùng cảnh giới này như một, nên sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Khi tu đạo đắc được an lạc này thì so với vấn đề khoái lạc nam nữ gấp trăm ngàn lần, không thể so sánh được. Vì vậy, không chẳng khác sắc.

Sắc tức là không. Trên hình sắc, chư vị phải hiểu rõ lý không, đừng trụ vào, chẳng có gì để chấp trước, không nắm giữ, không xả bỏ, cũng không thọ, chính là không. Không chẳng khác sắc; không tức là sắc. Trên lý không đắc được an lạc chân chánh. Khi đó, những tư tưởng hay vọng tưởng của chư vị đều không còn. Vì sao? Ðạt đến cảnh giới an lạc này thì càng an lạc thêm, vì đã xả bỏ tâm vọng tưởng.

“Sơn hà đại địa duy thức hiện, (sông núi nước non hiện duy thức)”.

‘Sơn hà đại địa’ tức đất đá núi sông, là sắc pháp. Sắc pháp này xuất hiện từ đâu? Từ tâm thức phân biệt của chúng ta xuất hiện ra. Nếu chúng ta năng chuyển hóa tâm thức phân biệt thì núi sông đất đai cũng không còn.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

“Mộng huyễn phao ảnh như thị hồ, (bọt ảnh huyễn mộng như thế đấy)”.

Tất cả tướng đẹp đều là mộng cả. Ai ai cũng biết mộng mị, đều nằm mộng, nhưng hỏi nằm mộng như thế nào, thấy mộng ra sao? Chỉ tự trả lời cho chính mình thôi. Có mà không phải thật, không chính xác nhất định. Hoặc nói :” Ban ngày nghĩ tưởng như thế nào thì đến tối mơ như thế ấy.”

Hoặc nói :”Trước kia tôi đã thấy những cảnh giới này, nên gọi đó là mộng”.

Lại có khi không nghĩ đến việc đó, nhưng đến tối thì mơ thấy, vậy giảng giải làm sao? Có lúc không thấy qua cảnh giới mà lại nằm mơ thấy, thì giải thích thế nào? Giải thích không được. Có phải tỉnh từ trong giấc mộng không? Cũng rất mơ hồ. Thậm chí nằm mộng rồi mà quên, không nhớ gì cả. 

Chư vị hãy suy nghĩ xem, khoảng mười tiếng sau khi mơ mộng, chúng ta đều quên hết những gì xảy ra trong mộng, huống chi những sự việc trong đời quá khứ, lại nói không tin có đời trước. Tất cả việc đời quá khứ chúng ta đều quên cả. Chỉ sau mười giờ là chúng ta hoàn toàn quên hết những gì xảy ra trong mộng, nói chi tất cả sự việc trong đời quá khứ.

*

Một người đang lúc mộng mị, giả như có người bảo: “Ðạo hữu nay phát tài, làm quan lớn, có nhiều vợ con, nhiều tài sản, nhưng chúng đều không thật, chỉ là mộng thôi.”

Nhưng người đang mộng mị đó, không tin tưởng cho rằng lời kia là thật. “A! Cái gì! Hiện tại tôi đang phát tài, làm quan lớn, vợ con nhiều, tài sản to tát, sao lại nói là mộng? “

Họ không tin tưởng chính họ đang mơ mộng. Ðợi khi thức giấc, không ai bảo cho mà chính tự họ biết rằng họ vừa trải qua cơn mộng mị, thấy mình phát tài làm quan lớn, vợ con nhiều, tài sản giàu có. Chúng vốn không thật; không nói cũng tự biết vì đã tỉnh giấc mộng.

Chư vị phải biết rằng chúng ta hiện đang mơ mộng! Tôi bảo: “Chư vị đang nằm mộng, nếu không tin, đợi khi tu đạo đắc quả thì mới biết rõ. A! Xưa kia, bất cứ những việc gì mà tôi làm đều là ảo mộng hết, vì mình vốn chưa tự làm chủ chính mình. Bây giờ mới biết là những việc xưa kia mình làm xác thật chỉ nằm mơ thôi.

‘Huyễn’, sao gọi là huyễn? Huyễn tức là xuất phát từ huyễn hóa. Nhà ảo thuật từ không mà tự hóa thành có, tự có mà hóa thành không, biến hóa không lường, khiến trẻ con cho pháp huyễn thuật là thật, mà người lớn khi nhìn xem thì biết đó là không vọng, giả tạo chế ra. Ðó là huyễn.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

‘Phao’ tức là bọt nước, không lâu bền, không thường hằng. Ảnh tức là bóng ảnh. Bóng ảnh là thật hay giả ? Chư vị nói nó giả, nhưng nó thật có tồn tại. Chư vị nhìn thấy, nói nó là thật, nhưng lại không thể nắm bắt lấy. Vậy, chư vị nói nó là thật hay giả? Những bóng ảnh này phát sanh từ đâu? Nghiêng về phía dương thì không có bóng. Ngã về phía âm thì có bóng. Chư vị đi nơi đâu thì nó đi theo đến đó. Bóng ví như ma. Nó luôn đi theo chư vị mãi. Thế nên, người nhút nhát sợ ma, thấy bóng ma liền sợ hãi, chạy lánh xa, nhưng ma đó chính là bóng dáng của người thật.

Nhưng bóng ảnh này, khi sống thì hiện bóng, khi chết không còn thân thể thì bóng biến thành ma. nếu không có bóng thì biến thành thần, nhưng thần và ma không hai, mà là một. Nếu khí dương sung túc thì lúc đi không có bóng ngã theo. Khí âm nếu đầy đủ thì khi đi liền có bóng chạy theo. Thế nên, chúng ta thường nghiêng về bên có khí lực mạnh. Nếu chư vị tạo công đức nhiều thì được sanh lên trời. Nếu chư vị tạo tội ác nhiều thì phải bị đọa xuống địa ngục. Vì vậy bảo rằng bọt nước, bóng ảnh huyễn mộng như thế.

“Thận vật ngoại cầu trì trung đạo, (chớ tìm cầu ngoài, trì trung đạo)”.

Chư vị chẳng nên hướng ngoại tìm cầu. Tự trong thân tâm đã có đầy đủ.

” Phóng hạ nhiễm duyên tức lai như, (xả bỏ duyên nhiễm tức Lai Như)”.

Sao gọi là duyên nhiễm? Nhiễm tức là nhiễm ô. Duyên tức là nhân duyên. Chư vị phải nên phóng xả. Sao gọi là duyên nhiễm? Duyên tức là tâm tham, sân, si, giết hại, uống rượu, dùng nha phiến. Chư vị phải xa rời duyên nhiễm thì đồng vào nhà Như Lai. Lai Như tức là từ nay cho đến ngày thành Phật không xa. Khi thành Phật thì gọi là Như Lai.

Chúng ta chưa thành Phật nên gọi là Lai Như. Lai thì năng Như. Không lai thì không như. Lai đến nơi nào? Lai đến nơi thành Phật. Những duyên nhiễm này phải nên xả bỏ hết thì mới là Lai Như. Như nghĩa là mọi việc đều hợp lý, không có việc gì chướng ngại. Nếu mọi việc còn chướng ngại thì không gọi là Lai Như.

Không này chính là chân không. Sắc cũng là diệu hữu. Diệu hữu phi hữu cũng là chân không. Chân không này xuất sanh từ đâu? Xuất sanh từ nhất như, cũng từ sắc pháp phát khởi ra. Nơi nào cũng có sắc pháp. Từ hư không cũng hiện ra sắc pháp, nên nói sắc không khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, cũng là thuyết chân không mà chẳng phải không, diệu hữu mà chẳng phải hữu. Tại nơi chẳng không chẳng có, chư vị nên hiểu kỹ. Ðấy là chân chánh hiểu rõ Phật pháp.

*

Giống như bên trên bàn về mộng. Chư vị mộng đến mộng lui mà không biết. Mộng rồi tỉnh, tỉnh rồi mộng cũng thế. Vì vậy chúng ta sanh ra như thế nào, chết đi ra sao, vẫn không biết. Trong cái không biết mà hiểu rõ đó là giác ngộ. Do đó, bảo rằng sắc tức là cội nguồn của chân không. Hiểu rõ chân lý không tức là sắc thì dòng vọng tưởng khô cạn. Vọng tưởng đoạn hết, không còn nữa. Vì thế, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý không và sắc, và cũng phải lãnh hội đạo lý phi không, phi sắc. Ngài Lục Tổ nói: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy, cái gì là bổn lai diện mục của Thượng Tọa Minh?”

Không nghĩ thiện là không phải không, không nghĩ ác, cũng là không phải sắc. Nơi chẳng phải sắc, chẳng phải không đó, chư vị hãy nghiên cứu kỹ, đó chính là giác ngộ được cảnh giới vừa là không mà vừa là sắc. Do đó, chư vị phải hiểu rõ sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Trong chân không có chân sắc; trong chân sắc có chân không, tức là tại sắc pháp cũng có bổn thể của chân không, và tại pháp không cũng là sắc. Như núi là sắc pháp. Chư vị san bằng thì thành không.

*** Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải ***

Trước lúc san bằng núi thì có không chăng? Cũng tại chỗ đó. Khi có không rồi thì sắc còn hay mất? Sắc cũng còn nơi đó. Hãy xem coi chỗ nào là không? Sắc cũng tại nơi đó. Không cùng sắc là một như băng với nước. Sao không biến thành sắc? Như trời lạnh thì nước biến thành đá. Sao sắc biến thành không? Trời nóng khiến nước đá tan thành không. Lại có thể nói rằng trong không trung, nhiều hạt bụi hợp lại thành một sắc tướng, nhân duyên tán thì biến thành không.

Thế nên, không cũng là sắc, sắc cũng là không. Bảo rằng hạt bụi đó không thể chuyển hóa, cũng là một ví dụ, lại không bảo hạt bụi là nước đá được. Sợ chư vị chưa hiểu rõ nên lấy ví dụ nước đá và nước lỏng. Chư vị đừng hiểu lầm là hạt bụi và không biến thành nước và nước đá. Chư vị hãy suy nghĩ, giống như đầu đặt lên đầu, lại biến thành chấp trước. Gốc vốn không chấp trước. Tôi không có phương cách khiến chư vị hiểu rõ đạo lý sắc không chẳng khác. Từ từ thì chư vị sẽ tham ngộ đạo lý này hoặc sẽ minh bạch rõ ràng.

****

Xem Thêm:   Kinh Danh Hiệu và Thần Chú của 5.500 Vị Phật để Diệt Trừ Tội Chướng ♦ Quyển 7

866 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog