Đôi khi ta đã nghe điều đó, hiểu nhưng lắm lúc cũng chẳng thể vượt qua được, không tránh được việc vì lợi mình mà hại vật, thậm chí đạp lên trên hạnh phúc của người khác để đạt được. Đạo Phật gọi là “nghiệp lực chi phối”.
1. Nghiệp lực là gì?
Nghiệp là thói quen hành động, nói năng hay suy nghĩ hằng ngày của chúng ta trong cuộc sống, trong khi làm việc, trong khi giao tiếp, ở tại nhà, ở tại sở làm hay bất cứ nơi đâu.
Nghĩa là: Nghiệp do thân hành động, khẩu nói năng và ý suy nghĩ, nên thường được gọi là tam nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.
Theo nguyên tắc, có hai loại nghiệp: thiện và bất thiện. Tuy nhiên, khi nói đến chữ “nghiệp”, người ta thường nghĩ đến những nghiệp ác hay nghiệp bất thiện.
Nghiệp do thân hành động, khẩu nói năng và ý suy nghĩ, nên thường được gọi là tam nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Là những thói quen hành động, do thân tạo tác hằng ngày.
Có người luôn luôn thích giúp đỡ kẻ khác, làm việc phước thiện, làm việc xã hội. Có người luôn luôn thích đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, đi nhà thờ xem lễ, cầu nguyện. Cũng có người luôn luôn thích đánh nhau, đánh đập súc vật, giết hại sinh mạng chúng sanh, chơi đấu bò, đi câu cá, đi săn bắn, như thú vui tiêu khiển.
Có người luôn luôn thích hút thuốc, uống rượu, bài bạc. Có người luôn luôn thích việc trộm vặt dù họ không túng thiếu. Có người luôn luôn thích kiện tụng, thích xúi người khác thưa kiện để thủ lợi.
Có người luôn luôn thích hăm dọa người khác, theo thói chưa đậu ông nghè đã đe làng tổng, họ gửi bài đăng báo, tòa báo không đăng nguyên văn, sửa bản thảo, họ bảo xin lỗi, viết thư dọa làm con kiến đi kiện củ khoai!
2. Sức mạnh và sự tồn tại của nghiệp lực
Nghiệp lực không có hình tướng nên không có thể trông thấy được, nhưng nó có một tác dụng vô cùng mãnh liệt. Như điện lực, tuy không trông thấy được hình dáng ở đâu và như thế nào, nhưng khi đã đủ điều kiện thì nó phát sinh ra nào là ánh sáng, sức nóng, hơi lạnh với sức mạnh vô cùng.
Cũng tương tự, nghiệp lực thúc đẩy con người ta cũng theo nhiều trạng huống: người này thích hoàn cảnh này, người kia thích hoàn cảnh nọ… Nó là nòng cốt của mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi việc làm.
Chúng ta thường thấy có nhiều người quen thói đánh bạc, nhiều lần thua lỗ, vợ con khóc lóc, bạn bè khuyên bảo, đã quyết tâm xa con bài lá bạc nhiều lần, thế mà mỗi khi làm gì, cũng không quên được sòng bạc. Người ta bảo rằng người ấy có nghiệp đánh bạc. Những người nghiện thuốc phiện, nghiện rượu và trai gái cũng có cái nghiệp riêng của họ cả. Càng đi sâu vào một con đường nào thì cái nghiệp do con đường ấy huân tập càng nặng nề, mãnh liệt chừng ấy.
Nghiệp không chỉ có sức mạnh mà còn tồn tại dai dẳng, không bao giờ chấm dứt, nếu chưa giác ngộ được. Điều này cũng rất dễ hiểu: có nghiệp nhân thì tất có nghiệp quả, nghiệp quả khi đã phát hiện thì lại làm nhân cho nghiệp quả sau, cứ xoay vần như thế mãi, như một bánh xe lăn xuống dốc, sức đẩy của vòng thứ nhất làm nhân cho vòng lăn thứ hai, sức đẩy của vòng lăn thứ hai làm nhân cho vòng lăn thứ ba và cứ tiếp tục như thế mãi cho đến bao giờ hết dốc mới dừng nghỉ.
Nghiệp cũng nằm trong luật nhân quả và bị chi phối của luật nhân quả. Thời gian từ khi nhân phát sinh đến khi quả hình thành, có khi nhanh, khi chậm thì thời gian từ nghiệp nhân đến nghiệp quả cũng có khi mau khi chậm, có khi chỉ trong một đời, có khi hai đời, có khi nhiều đời. Nhưng dù chậm hay mau, đã gây nghiệp thì thế nào cũng chịu quả báo. Trong Khế Kinh có dạy: “Giả sử trăm nghìn kiếp, nghiệp nhân đã làm cũng không mất, khi nhân duyên hội ngộ, thì quả báo đến”.
3. Làm gì khi nghiệp lực chi phối?
Cuộc sống, với những gì đã và đang diễn ra giống như một màn hình lớn để ai đó chịu khó nhìn vào thì sẽ thấy những quy luật nào đó, tùy cách nhìn, hướng nhìn của mình cũng như độ sáng của đôi mắt người nhìn. Ở đó, có thể có những “cảnh báo” nhất định, rằng nếu đi theo con đường đó, làm như thế, hành xử vậy… thì sẽ khổ đau đó, không chỉ khổ cho mình mà còn cho người, thậm chí nhiều người.
Đôi khi ta nhìn thấy những cảnh báo đó cũng như hình dung được kết cuộc đa số của con đường mình đi nhưng ta vẫn liều mình hoặc không thể vượt qua được “sức hút” của nó. Cái đó là do tập khí – hay thói quen vốn đã ăn sâu vào trong tâm thức con người, chúng sinh từ đời này tới đời khác nên cứ thế mà “tự động” làm một cách vô thức, đôi khi rất xấu xí nhưng ta xem nó là bình thường.
Ví như, có người thấy rằng loài khác sinh ra là để “phục vụ” con người nên xem loài khác là đối tượng để săn đuổi, ăn thịt, giết hại. Nhưng, với đôi mắt quán chiếu nhân quả, bằng tâm độ lượng, thương yêu của mình thì Phật xem tất cả chúng sinh đều là anh em, cha mẹ, bạn bè… của ta trong vòng luân hồi sanh tử, chỉ vì “chiếc áo” khác nhau nên bây giờ không nhận ra, vì vậy phải thương nhau, chớ giết hại, càng không nên vì lợi dưỡng mà ăn thịt, săn đuổi.
Tuy nhiên, đôi khi ta đã nghe điều đó, hiểu nhưng lắm lúc cũng chẳng thể vượt qua được, không tránh được việc vì lợi mình mà hại vật, thậm chí đạp lên trên hạnh phúc của người khác để đạt được. Đạo Phật gọi là “nghiệp lực chi phối”. Còn Nguyễn Du trong Truyện Kiều thì bảo “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
Người thích đùa có câu “Yêu thì khổ, không yêu thì… lỗ. Thà chịu khổ, chứ không chịu lỗ”, để chỉ cho một tập khí cần-một-ai-đó đồng hành trong những vui buồn của mình là khát khao chung của con người, dẫu biết rõ, có thể sẽ khổ rất nhiều, như lời bài hát “đường vào tình yêu, có trăm lần vui, có vạn lần buồn”. Tỷ lệ chênh lệch giữa vui buồn quá lớn theo cấp số nhân, gấp nhiều lần phần buồn nhưng người ta vẫn khó “thoát”, dù không phải không biết.
Thậm chí, có người nằm lòng rằng, hễ còn yêu ai đó, theo kiểu luyến ái thế gian, ham thích, ích kỷ, chiếm hữu… thì sẽ còn luân hồi tử sanh nhưng rồi cũng bị tình cảm ấy chi phối một cách mãnh liệt, lắm lúc bứng hết mọi gốc rễ của những lý luận khác để lao vào tình yêu “giống như con thiêu thân lao vào trò chơi thế gian”.
Vậy đó, nên Đức Phật mới dạy, không có thứ gì thu hút người nam bằng thanh-sắc người nữ và ngược lại. Chính vì “sức hút” đó mà người ta nhiều lúc quên tất tần tật những điều mình đã đeo đuổi được gọi tên là lý tưởng, thế nên mới có… mỹ nhân kế, mỹ nam kế ở đời.
Thấy điều đó để nhận diện rằng, khi chúng sinh còn long đong trong biển khổ sanh tử, bất chấp những cảnh báo để lao vào (không chỉ chuyện yêu, còn có khối thứ khác hút người ta đến chết như tiền tài, danh vọng, hưởng thụ dục lạc…) đã được báo trước cho một kết cuộc không ra gì nhưng lòng tham, tâm sân si luôn nông nổi để rồi người ta cứ năm lần bảy lượt, hết đời này tới đời khác, hết lần này tới lần khác trong đời này cứ phải khổ rồi đau, rồi ân hận, nuối tiếc rồi “bổn cũ soạn lại”, cứ thế mà xuống lên sáu đường. Do vậy mới có luân hồi, mới có chuyện để nói, nói mãi luận bàn, chia sẻ dẫu đã “biết rồi, khổ lắm…”.
Có những cái cứ nói mãi nhưng làm hoài không được, như là chuyện bỏ bớt vài ham muốn, giảm bớt vài đòi hỏi… để mình không phải say, không phải mê và không phải tê tái khi nó mất đi hoặc thay đổi mà mình vẫn chưa thể làm được. Vì mình thiếu một quyết tâm, vì nghiệp mình còn nặng quá, vì cuộc đời xung quanh khắc nghiệt quá… Nghĩ thế để mình phải thương mình hơn (chứ không phải chán mình quá) bằng cách phát nguyện cho con được đi trên đường sáng, vững chãi hơn nơi mỗi bước chân trên thực địa ở hiện tại này và cả tương lai, xin cho ai cũng dễ thương để họ bớt khổ và con không bị nhấn chìm trong bể khổ nhân gian vì con chưa phải là tay bơi cự phách, vô nhiễm trước mọi thứ nơi biển đời…
Đừng xem những lời nguyện và “xin xỏ” ấy là vô ích, nó sẽ giúp mình rất nhiều, đôi khi là kim chỉ nam để mình đi cho đúng đường, lắm lúc là tiếng chuông nhắc mình tỉnh lại nếu mình mê mải đi vào đường hiểm, tối tăm… – “Lưu Đình Long”!
Tâm Hướng Phật!