Tứ ma hay bốn thứ ma này đều làm chướng ngại lớn trên bước đường tu tiến của hành giả, chúng khuấy nhiễu làm cho người tu hành khó được giải thoát.
Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác có câu nói: “Tồi phục tứ ma, xuất ấm giới ngục”. Nói bốn loại ma đó là: Phiền não ma, ngũ ấm ma, thiên ma và tử ma. Bốn loại ma nầy, làm chướng ngại cho người tu hành rất lớn.
Thứ nhứt là Phiền não ma. Đây là ma trong tâm của mỗi người. Phiền não gồm có rất nhiều loại, nhưng không ngoài hai loại chính: căn bản phiền não và tùy phiền não. Căn bản là gốc rễ. Tức là những loại: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Đây là những loại có gốc rễ sâu dầy thật khó trừ khó đoạn. Chính nó là nguyên nhân gây ra cho người ta phải đau khổ triền miên.
Còn tùy phiền não, thì nhẹ hơn, nhưng chúng nó cũng gây ra cho người ta luôn luôn bất an. Chúng gồm có 20 thứ. Cường độ của chúng, cũng có loại mạnh loại yếu nên các nhà Duy Thức chia chúng ra làm ba loại: Tiểu tùy, Trung tùy và Đại tùy.
Tiểu tùy thì có 10 thứ: phẩn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, hại, kiêu.
Trung tùy gồm có 2 loại: vô tàm và vô quý.
Đại tùy gồm có 8 thứ: điệu cử (trạo cử), hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri.
Thứ hai là Tử Ma. Tử ma là ma chết. Con người sau khi chết thành loài ma quái yêu tinh khuấy nhiễu làm người ta sợ hãi sanh bệnh v.v… Hoặc người đang tinh tấn tu hành, bỗng bị vô thường xảy đến bệnh hoạn hay tai nạn rồi ngã ra chết làm trở ngại dở dang sự tu hành đó cũng thuộc về tử ma.
Thứ ba là Ngũ Ấm Ma. Ngũ ấm ma gồm có: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Tại sao gọi 5 thứ nầy là ma? Vì 5 thứ nầy không thật có mà người ta cố chấp cho là thật có, rồi từ đó mà tạo nghiệp thọ khổ nên gọi nó là ma.
Ngũ ấm ma là các loại ma chướng sinh ra từ Ngũ ấm (Ngũ uẩn). Trong năm ấm, mỗi ấm có 10 loại ma nên còn gọi là 50 hiện tượng Ngũ ấm ma, bao gồm:
10 loại ma sinh ra từ Sắc ấm.
10 loại ma sinh ra từ Thọ ấm.
10 loại ma sinh ra từ Tưởng ấm.
10 loại ma sinh ra từ Hành ấm.
10 loại ma sinh ra từ Thức ấm.
Kinh Pháp Diệt Tận đức Phật bảo: “Khi pháp diệt, kinh Lăng Nghiêm là bộ kinh bị biến mất đầu tiên và bản kinh cuối cùng biến mất trên thế gian là Kinh A Di Đà.” Vậy thì biết kinh Lăng Nghiêm có ý nghĩa sống còn như thế nào đối với Chánh Pháp. Ngài Tuyên Hóa cũng xác nhận rằng: “Lăng Nghiêm là một trong những bản kinh quan trọng bậc nhất của Phật pháp”.
Tại sao thế? Bởi ngoài những điều quan trọng cho người tu, Kinh Lăng Nghiêm còn nói đến một vấn đề vô cùng quan trọng: Ngũ Ấm Ma, tức 50 hiện tượng Ngũ ấm ma được sinh ra từ Ngũ ấm. Người tu chơi chơi thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu chí tâm tu trì hướng đến giải thoát thì nhất định phải một lần đọc Ngũ ấm ma. Bởi nếu không đọc tất khi tâm tịch tĩnh, cảnh giới phát hiện, chắc chắn sẽ lạc vào ma cảnh!
50 hiện tượng Ngũ ấm ma là thử thách thuộc dạng vi tế đối với người học Phật. Chỉ những vị trì giới cực tinh nghiêm, có sức tu rất lớn mới chạm đến cảnh giới này. Chư tổ dạy: “Người học Phật thời nay thực ra tu đến cảnh giới tịch tĩnh hoặc thấy Cảnh giới là cùng. Cực hiếm người chạm đến cảnh giới ngũ ấm ma, huống nữa là “phá ấm”.
Tuy vậy 50 hiện tượng Ngũ ấm ma người học Phật nhất định phải biết. Tại sao thế? Bởi người tu khi có chút thành tựu thường sanh tâm ngã mạn, tưởng vậy là đủ.
Chẳng biết rằng đường tu nhiều hiểm nạn chướng duyên. Nếu dừng lại nửa chừng tất vẫn y nguyên trong sanh tử luân hồi. Chẳng độ nổi mình thì vọng cầu chi độ được chúng sanh? Hoặc có kẻ không biết về Ngũ ấm ma, khi sức tu đã sâu chắc chắn bị ma ám nhập, rồi quay lại bài nhân bác quả; Bác luôn cả Phật pháp rồi rơi vào Vô gián địa ngục chẳng biết ngày ra. Ở Việt Nam ta, gần đây thôi, cũng có một số tấm gương điển hình… Thật vô cùng đau xót!
Tiên đức hằng răn nhắc: “Nếu tu mà không chuyên cầu giải thoát, thì sự tu nơi kiếp này là mối thù trong kiếp thứ ba.” Sở dĩ có việc ấy, bởi kiếp thứ nhứt lo kham khổ tu hành, nên chuyển sanh qua kiếp thứ nhì được hưởng quả báo thông minh giàu sang quyền thế. Trong kiếp thứ hai này, do giàu sang nên dễ mê theo cảnh quyền quý, vợ đẹp con xinh, cùng các thú vui vật chất nơi cõi trần. Đã nếm mùi dục lạc tất dễ sanh đắm nhiễm, càng đắm nhiễm càng đi đến chỗ sa đọa tối tăm, dám làm nhiều điều ác để củng cố lợi quyền và thỏa lòng tham vọng. Kiếp thứ nhì đã gieo nhân như thế, kiếp thứ ba làm sao khỏi bị đọa lạc tam đồ? (HT. Thiền Tâm).
Thứ tư là Thiên Ma. Thiên Ma còn gọi là Ma vương, đây là loại ma ở cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên, thuộc tầng thứ sáu của trời Lục Dục. Loại ma này có phước báo, hưởng sự vui mầu nhiệm cao tột của ngũ trần. Tự cho đó là cảnh khoái lạc tuyệt đối, nắm quyền hạn về dục nhiễm, không muốn ai thoát khỏi phạm vi ấy.
Thiên Ma là loại ma có thực, quyền năng cực lớn, bao trùm sáu tầng trời cõi dục, nắm quyền sinh sát thế gian. Đây là hạng siêu quyền năng, thân tướng trang nghiêm, xinh đẹp, chớ không phải hạng ma vương tầm thường nơi Địa Ngục mà bạn xem trong sách vở đâu nhé!
Thiên Ma chỉ phá những người tu cao, có định lực. Ở Việt Nam ta có kha khá trường hợp, do không nhận thức được loại ma này, rốt cuộc bị nhập ma, hỏng cả đời tu.
Khi hành giả đạt đến mức tu khá cao, tâm quang phát lộ. Ánh sáng của tâm quang chiếu thấu lên cõi trời Tha Hóa, làm cho cung điện ma rung động. Chúng liền phát giác và vì sợ e cho có người giải thoát, quyến thuộc mình sẽ bị giảm bớt đi, nên tìm cách phá hoại.
Chúng hiện ra nhiều cảnh, hoặc hăm dọa, hoặc khuyến dụ, hoặc giúp cho sức tà định tà trí cùng thần thông cốt để gạt gẫm. Lại thay phiên nhau rình rập không giây phút nào xa rời để chờ cơ hội thuận tiện. Nếu hành giả có một niệm sơ hở, liền bị chúng ám nhập, xúi giục làm những điều trái đạo đức. Đời tu đến đây kể như đã hư tàn.
Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Ma vương đến nhiễu loạn tâm người tu đạo thanh tịnh. Vì muốn chiến thắng Thánh nhân và chiếm độc bá một phương, cho nên Ma vương mới gây phiền phức khắp nơi để Thánh nhân phải đầu hàng và quỳ gối xưng thần.
Quý vị nên kiên nhẫn, đừng thối chí và tuyệt đối không được dựng cờ trắng đầu hàng. Quý vị phải phấn đấu cho đến cùng và thắng lợi sau cuối sẽ thuộc về quý vị.
Cho nên nói: “Muốn thành Phật ắt bị ma phá, muốn làm người tốt thời oan nghiệt tìm.” Kẻ không có đủ đức hạnh sẽ tùy theo gió thổi bập bềnh nổi trôi rồi đọa lạc.
Người có đủ đức hạnh sẽ không bị ma vương làm dao động. Tại sao vậy? Bởi đời đời kiếp kiếp họ đã có căn tu hành thâm hậu, thành thử bất cứ ma gì họ cũng không sợ.
Nói tóm lại, bốn loại ma này, lực dụng của chúng đều làm chướng ngại lớn trên bước đường tu tiến của hành giả. Vì bọn chúng khuấy nhiễu mà làm cho người tu hành khó được giải thoát.
Tâm Hướng Phật!