Nhiều người thường nhắc đến Phật duyên nhưng người như thế nào mới được coi là có duyên với Phật? Vì sao lại nói Phật độ người hữu duyên?
1. Phật duyên là gì?
Nhiều người thường nhắc đến “Phật duyên” nhưng người như thế nào mới được coi là có duyên với Phật?
Theo lời Phật dạy rằng, hết thảy chúng sinh ai cũng có “Phật tính”, tức là ai trong chúng ta cũng tiềm ẩn mối liên hệ tâm linh với Phật, có thể giao duyên với thần Phật. Khác biệt ở chỗ, nghiệp lực của mỗi người mỗi khác, căn cơ ngộ tính bất đồng, cho nên Phật duyên sâu nạn không đồng nhất.
“Phật tính” là bản chất vốn có của chúng sinh, nó không sinh ra cũng không mất đi, chỉ có thể ngày càng sâu sắc qua quá trình tu tâm dưỡng tính, giác ngộ hoặc bị che mờ bởi dục vọng, si mê và thù hận…
Bởi vốn dĩ mọi chúng sinh đều có khả năng để hoàn thiện và đạt được giác ngộ. Người có nghiệp chướng nặng thì kiếp này tạm thời không có duyên với Phật, khó được thần Phật phù hộ độ trì, cần phải tu dưỡng nhiều hơn, tích đức hành thiện đợi nhận thiện báo. Người có phúc báo sâu dày, tức là người đó đã lĩnh ngộ được chân lý nhà Phật, có thể dễ dàng kết duyên với Phật.
Con người chúng ta như những hòn ngọc quý nằm trong đá, nếu không mài không thể phát sáng được. Bạn có thể tự mình tôi luyện bản thân để một ngày có nào đó có thể phát sáng như những viên ngọc quý, tự rèn luyện bản thân cũng chính là tự gieo duyên với Phật.
Một khi đã có Phật duyên, chắc chắn sẽ có “Phật ân”, được trời Phật che chở và phù hộ độ trì bình an vượt qua mọi tai họa, khổ nạn trong cuộc đời này.
Cái duyên với Phật vốn bình đẳng cho tất cả mọi người, ai cũng có thể có, chỉ có điều là mỗi người có nhận biết được điều này hay không.
Đức Phật dạy rằng, muốn xem một người có Phật duyên hay không, không phải là xem khoảng cách xa gần, mà là nhìn vào khoảng cách giữa nội tâm và thần Phật của người đó.
Lục Tổ Đàn Kinh có câu: “Nhất thiết phúc điền, bất li phương thốn, tòng tâm nhi mịch, cảm vô bất thông.”
Ở đây, “phúc điền” chính là “tâm điền”, “tâm” cũng chính là “phúc”. Hạnh phúc và niềm vui thực sự mà con người ta luôn kiếm tìm thực ra đều nảy sinh bên trong chính “tâm điền” của mỗi người, chính là phía bên trong của trái tim.
Câu này ý muốn nói hạnh phúc hay cuộc sống mà mỗi người theo đuổi đều xuất phát từ chính nội tâm bên trong. Cát hung họa phước là từ trong tâm chúng ta biến hiện ra. Ngoài “tâm” chẳng tồn tại hạnh phúc nào để kiếm tìm cả, vì vậy, trong tim trồng phúc hay trồng họa, tất cả đều nằm ở bạn.
Người trong lòng đã có Phật, chẳng cần phải tới chùa khấn bái, không cần ngày ngày thắp hương lạy Phật cũng tự có Phật duyên thâm sâu.
Phật giáo vốn không truyền bá tư tưởng sùng bái thần linh, người tín Phật tức là người trí giả, dùng trí tuệ của bản thân để giải trừ những khổ não, cách xa thống khổ trong cuộc đời.
Tu Phật để trở thành một người có cái tâm thiện đẹp, sống lạc quan từ bi, thoải mái đối mặt với những phiền muộn mà cuộc sống đem đến. Tu Phật cũng không phải bắt chúng ta xuất gia, hồng trần cũng là một đạo giáo, sống tốt trên đời đã là một cách tu hành.
2. Nhận diện Phật duyên của mỗi người
Mọi chúng sinh đều có phật tính, nghĩa là có thể gieo duyên với Phật, chỉ có điều là liệu họ có nhận biết được điều này hay không. Mọi chúng sinh đều có khả năng để hoàn thiện và đạt được giác ngộ. Bởi phật tính là bản chất tinh khiết và giác ngộ thực chất của chúng ta mà chúng ta có thể hoàn thiện và vượt qua bất cứ ô nhiễm nào. Một số có thể hoàn toàn vô minh về phật tính, một số chúng sinh có thể nhận thức được, và một số khác có thể nhận thức đầy đủ về điều này. Nhưng trong tất cả ba giai đoạn phát triển, mọi chúng sinh đều có phật tính.
Chính do vọng tưởng khởi động, phiền não tham, sân, si che lấp Phật tính của mỗi chúng sinh tạo nên ác nghiệp. Con người chúng ta như những hòn ngọc quý nằm trong đá, nếu không mài không thể phát sáng được. Bạn có thể tự mình tôi luyện bản thân để một ngày có nào đó có thể phát sáng như những viên ngọc quý, tự rèn luyện bản thân cũng chính là tự gieo duyên với Phật. Dưới đây là mười điều chứng tỏ Phật duyên của mỗi người.
Trong tâm có Phật chính là Phật duyên
Phật vô xứ bất tại, tu Phật không ở vẻ bên ngoài mà ở tại trong tâm, bạn có tâm như thế nào thì cũng có Phật như vậy. Phật không cần chúng ta phải sùng bái, bắt chước. Biểu hiện giống với Phật không có nghĩa là bản chất tương đồng. Do vậy không nên cố chấp cái bên ngoài, trong tâm có Phật cũng chính là có duyên với Phật.
Có tín niệm tốt lành chính là Phật duyên
Phật duyên là trong tâm có tín niệm. Phật tổ có nói địa ngục thiên cung đều là tịnh thổ. Trong lúc bạn đau khổ nhất chỉ cần bạn có niềm tin rằng đau khổ không phải là mãi mãi bạn nhất định sẽ có sức mạnh để chiến thắng đau khổ, đây chính là một dạng tín niệm. Có thể nói tín niệm chính là con đường chủ đạo của đời người, thành Phật hay thành ma cũng chính là ở tại một niệm, nếu có tín niệm tốt lành đó cũng chính là có duyên với Phật.
Đối diện với cuộc sống một cách bình hòa chính là Phật duyên
Phật duyên chính là một loại tâm cảnh bình hòa. Tư tưởng của con người rất không ổn định, nó rất dễ bị dẫn dụ, nhất là những cám dỗ kì lạ càng dễ làm người ta mất phương hướng. Rất nhiều người trong tâm muốn chiếm hữu thì khó có được khoảnh khắc thanh nhàn, không những mất đi niềm vui trong cuộc sống mà còn đem lại cho cuộc sống sự căng thẳng và phiền não. Phật giáo dạy chúng ta biết cách dùng cái tâm bình lặng để nhìn nhận cuộc sống được và mất, làm cho thể tính bộc lộ một cách tự nhiên. Bình hòa đối diện với cuộc sống đó chính là có duyên với Phật.
Có trách nhiệm với việc làm của mình là Phật duyên
Phật duyên chính là trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Người có tâm phật không nhìn vào sai lầm của người khác, nếu chỉ nhìn vào sai lầm của người khác thì không nhìn thấy được sai lầm của mình. Do vậy cần phải hiểu rõ bản thân, nhìn rõ những việc bản thân cần làm và cũng cần nhìn rõ hậu quả của cái việc bản thân cần làm, bởi vì bạn cần có trách nhiệm với cái hậu quả đó. Đừng để cuộc đời của bạn lãng phí vào nơi mà bạn nhất định hối hận. Có trách nhiệm với việc làm của mình chính là có duyên với Phật.
Vứt bỏ đi cái dục vọng xấu chính là Phật duyên
Phật duyên chính là giảm bớt những dục vọng quá đà. Trong kinh Phật nói chưa đoạn ngã ái khó nhập cảnh giới khiết tịnh, yêu hận ơn thù đều là chướng ngại của tình cảm. Tất cả những đau khổ của con người đều ở tại sự theo đuổi những thứ sai trái. Sự cố chấp của ngày hôm nay có thể tạo thành sự hối hận của ngày mai. Nếu như bạn không đem lại phiền não cho chính bạn thì người khác cũng chẳng bao giờ có thể đem lại phiền não cho bạn. Mọi thứ đều là vì nội tâm của bạn không dứt bỏ được cái dục vọng xấu. Có thể buông bỏ được dục vọng xấu đó cũng chính là có duyên với Phật.
Làm việc có trí huệ chính là Phật duyên
Phật duyên là trí huệ thông suốt đại ngộ. Trong cuộc sống, nếu có thể dùng trí huệ để nhìn nhận vấn đề thì có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức, cũng có thể giảm bớt rất nhiều phiền não và ràng buộc, lại còn có hiệu quả làm ít hưởng nhiều. Nhận biết chính mình, hàng phục chính mình là trí huệ. Nếu có được dạng trí huệ này mới có thể thay đổi người khác, chỉ biết nói không biết làm không phải là trí huệ chân chính. Người hiểu được nhìn đời bằng trí huệ, làm việc có trí huệ cũng chính là có duyên với Phật.
Giỏi kiềm chế chính là Phật duyên
Phật duyên là kiềm chế tất cả, kiềm chế chính là sự rèn luyện trí huệ, cũng chính là tích lũy năng lượng, nó dùng ngọn lửa vô hình làm tan chảy băng đá. Kiềm chế đem lại cho bạn sự đau khổ, những ngày sau nó tất thành mật ngọt. Kiềm chế không giống với trốn chạy, bởi vì trốn chạy là sự sa đọa của ý chí, mà kiềm chế lại là không quên sứ mệnh của bản thân làm cho ý chí thêm kiên định. Hãy học cách cảm ơn những chúng sinh đem lại cho bạn nghịch cảnh, giỏi kiềm chế cũng chính là có duyên với Phật.
Rộng lượng đối với người chính là Phật duyên
Phật duyên là biết rộng lượng. Từ bi chân chính không phải là yêu thương những người yêu thương bạn mà còn phải khoan dung và yêu quý những người đối lập bạn. Hãy yêu người khác như yêu chính bản thân mình. Trong lúc người khác vì một sự hiểu lầm nào đó mà đối xử không tốt với bạn, cần phải đem cái tâm từ bi mà bao dung người đó. Hãy đem lý trí để cảm hóa người đó. Rộng lượng đối với người cũng chính là có duyên với Phật.
Biết yêu thương, cảm ơn và chờ đợi chính là Phật duyên
Phật duyên là tinh thần bác ái. Chỉ cần chúng ta có một cái tâm khát vọng chân – thiện – mỹ, truy cầu có được chân lý và trí tuệ cao nhất, chúng ta cũng chính là “người có duyên”. Lúc cơ duyên ở tại nhân quả đã thành thục, Phật duyên tự nhiên sẽ đến bên chúng ta. Chưa có duyên không có nghĩa là không bao giờ có duyên, mỗi người đều có Phật tính, ai cũng có thể gieo duyên với Phật. Hiểu được yêu thương và biết ơn những người xung quanh cũng chính là có duyên với Phật.
Là một thiện tri thức cũng chính là Phật duyên
Phật duyên là thiện tri thức, tức là những người luôn khuyên ta sống có đạo đức, khuyên ta làm điều hay lẽ phải hay đem lại cho ta phương hướng và niềm tin trong cuộc sống. Hãy luôn biết ơn và thân thiết với những người đó bởi họ đem lại sự tốt lành cho cuộc sống của chúng ta, họ cứu vớt chúng ta vượt qua khỏi sự đau khổ và phiền não. Và bạn lúc nào cũng có thể trở thành thiện tri thức của người khác. Hãy luôn luôn học hỏi những điều hay, lẽ phải và chia sẻ chúng cho mọi người xung quanh mà không mong nhân lại điều gì. Là một người thiện tri thức cũng chính là có duyên với Phật.
3. Phật độ người hữu duyên là sao?
Câu chuyện thứ nhất:
Một tín đồ sùng bái đạo đang lúc gặp phải một trận lũ lụt, buộc phải leo lên mái nhà để lánh nạn. Tuy nhiên, dòng nước lớn vẫn tiếp tục dâng lên mênh mông, khi nước sắp chạm tới bàn chân, tín đồ vội vàng cầu khấn với Đức Phật: “Phật Tổ đại từ đại bi xin hãy tới cứu con!”
Không lâu sau, một chiếc thuyền độc mộc đi qua, người trên thuyền muốn cứu tín đồ, nhưng người này lại nói: “Tôi không cần anh cứu đâu, Phật Tổ sẽ tới cứu tôi.”
Vì thế người lái thuyền độc mộc liền đi khỏi. Nhưng cơn đại hồng thủy vẫn dâng lên không ngừng, nước giờ đã sắp cao đến eo của vị tín độ kia rồi. Ông ta rất lo lắng, lại tiếp tục âm thầm cầu cứu Phật Tổ.
Ngay lúc này, lại một chiếc thuyền nhỏ nữa lướt qua, người trên thuyền muốn cứu tín đồ đưa đến vị trí an toàn. Song ông ta tiếp tục từ chối, lại còn nói rằng: “Tôi không thích chiếc thuyền này, Phật Tổ sẽ đến cứu tôi.”
Cũng như lúc trước, người lái thuyền chỉ đành bỏ lại tín đồ và đi khỏi.
Lại qua một lúc, mức nước khi này đã dâng cao ngập đến ngực, tín đồ tiếp tục lớn tiếng cầu khẩn Phật Tổ. Nhưng nước lũ dâng không ngừng khiến tín đồ đã bắt đầu ngộp thở.
Đúng vào lúc này, một vị thiền sư chèo thuyền đi qua vội đến cứu tín đồ. Tín đồ được cứu xong còn oán trách vị thiền sư: Tôi đã cầu khấn thành khẩn với Phật Tổ như thế, nhưng Phật Tổ lại không hề tới cứu tôi khi tôi đang gặp nạn.”
Thiền sư thở dài, rồi nói: “Ông đã trách oan Đức Phật rồi. Đức Phật đã từng mấy lần hóa ra thuyền tới cứu ông, nhưng ông lại chê này chê nọ, lần nào cũng từ chối. Xem ra ông và Phật Tổ không có duyên rồi.”
Câu chuyện thứ hai:
Lại có một câu chuyện nữa về chữ “duyên” với Đức Phật như sau:
Có một vị tín đồ nọ đứng trú mưa dưới mái hiên, nhìn thấy một vị thiền sư che ô đi ngang qua liền gọi lớn: “Thiền sư, xin ngài hãy phổ độ chúng sinh đi! Cho tôi đi nhờ một đoạn được không?”
Thiền sư đáp: “Tôi đang đi trong mưa, ông ở dưới mái hiên; dưới mái hiên không mưa, ông không cần tôi phổ độ nữa.”
Tín đồ kia lập tức bước ra khỏi mái hiên, cũng đứng dưới trời mưa và nói: “Giờ tôi cũng đứng ở trong mưa rồi, ông độ giúp tôi được chưa?”
Thiền sư trả lời: “Tôi đang đứng trong trời mưa, ông cũng đứng trong mưa. Tôi không bị mưa xối ướt vì tôi có ô che. Ông bị nước mưa tạt ướt, vì ông không có ô che. Cho nên không phải tôi độ giúp ông, mà là chiếc ô này đã độ tôi. Nếu ông muốn được phổ độ, không cần phải tìm tôi, hãy tự tìm cho mình một chiếc ô đi!”
Suy ngẫm về câu nói “Phật độ người hữu duyên”:
Ở câu chuyện thứ nhất, Đức Phật từ bi vô ngã đã cho thuyền tới cứu, vì tất cả chúng sinh hữu tình đều bình đẳng, chỉ cần có Phật tính, tin vào Phật thì Ngài sẽ tùy vào bản tính bất đồng của mỗi người mà mở ra cánh cửa cứu giúp. Bởi vì điều cốt lõi trong thuyết pháp của Phật Tổ chính là từng bước hướng người ta tới điều thiện.
Còn trong câu chuyện thứ hai, vị thiền sư không bằng lòng chia chung ô, đây chính là đại từ đại bi của thiền sư. Con người nếu muốn được độ giúp, đừng chỉ trông chờ vào người khác, mà hãy tự dựa vào chính mình.
Tự mình có một chiếc ô của mình, như vậy sẽ không bị mưa xối ướt. Tương tự, nếu trong lòng có Phật tính, tự nhiên sẽ không cần phải lo bị bụi phàm trần làm nhơ bẩn.
Đạo Phật dạy rằng: “Phật độ người hữu duyên” chính là đạo lý đó qua hai câu chuyện bên trên. Những người thành tâm kiên chí, chịu học theo những lời Phật dạy sẽ dần thoát ra khỏi bể khổ. Còn nếu không thành tâm, không kiên trì thì vĩnh viễn phải ngụp lặn giữa bể khổ vô biên.
Cho nên cái gọi là “Phật độ”, thực chất chính là việc chúng sinh noi theo lời chỉ dạy của Đức Phật để tự cứu lấy mình, tự lĩnh ngộ, tự độ chính mình mà thôi.
4. Độ người nông dân nghèo
Tại điện thờ Aggāḷava này, đức Phật thường để dành nhiều thì giờ thuyết pháp đến cho chư tỳ-khưu; đặc biệt là đức vua, triều đình bá quan, dân chúng sau câu chuyện hóa độ dạ-xoa Āḷavaka, đức tin của họ cuồn cuộn như sóng tràn. Đôi khi vì đáp ứng nhu cầu học hỏi và tu tập của mọi người, hai vị đại đệ tử phải thay đức Phật thuyết pháp, giáo giới cho họ, bất kể buổi sớm hay buổi chiều nếu thấy thời gian thuận tiện.
Hôm kia, đức Phật và chư vị trưởng lão được đức vua và triều đình Āḷavī thỉnh đặt bát ngay tại điện thờ Aggāḷava; khi tất cả đâu đấy đã xong, đức Phật thọ thực rồi, nói vài lời phúc chúc rồi nhưng ngài lại chưa ban pháp thoại. Các vị thánh có thắng trí biết rõ đức Thế Tôn đang cố ý chờ đợi một người: Đấy là một nông dân nghèo có duyên căn!
Người nông dân này bị lạc mất một con bò đực kéo cày nên đã đi tìm nó suốt buổi sáng. Trên đường gần ngoại ô thành phố, ông nghe mọi người bàn tán xôn xao về nhiều chuyện hy hữu, “thần thoại” của đức Phật và hiện ngài đang thuyết pháp ở tại điện thờ Aggāḷava. Dừng chân lại, ông suy nghĩ: “Ta nên tiếp tục đi tìm con bò lạc hay nên đi nghe pháp? Con bò cho mình sinh kế để nuôi được cái thân, nhưng nghe pháp thì nuôi được cái tâm. Vậy nuôi cái thân quan trọng hay nuôi cái tâm quan trọng hơn? Cái thân thì chỉ được một đời, còn cái tâm thì sống được nhiều đời”. Vì so sánh như vậy, biết cái tâm quý hơn nên người nông dân bỏ chuyện đi tìm bò, cũng quên cả chuyện ăn uống, bươn bả đi vào nội thành, tìm đến điện thờ thì trời đã khá trưa.
Với mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ông ta chen được đám đông vào đảnh lễ đức Phật với tâm vô cùng hoan hỷ.
Đức Phật quay sang bảo một vài cư sĩ là nên chuẩn bị một phần ăn cho người nông dân đang đói lả vì suốt buổi sáng ông ta chưa ăn gì.
Sau khi người nông dân độ thực xong đã lấy lại sức lực, đức Phật mới bắt đầu thuyết pháp; và ngài đã lấy ngay chính đề tài trong sự suy nghĩ của người nông dân là: “Vật thực nuôi thân và vật thực nuôi tâm”.
Người nông dân mắt chợt sáng lên, cảm giác là đức Phật đang chỉ dạy riêng cho mình nên ông ta uống từng lời, từng chữ.
Thời pháp hôm ấy, theo lệ thường, đức Phật nói tuần tự thứ lớp, từ thấp lên cao. Khi đề cập đến vật thực để nuôi thân, ngài nhấn mạnh, muốn nuôi thân cho được mạnh khỏe, ít ốm đau, bệnh tật thì phải biết tiết độ, chừng mực, vừa phải. Nếu uống ăn vô độ, tham muốn chạy theo khẩu vị thì sẽ phát sanh nhiều hệ lụy cho thân, lại còn tốn kém bạc tiền, đôi khi sinh ra những việc làm xấu ác.“Bệnh theo miệng mà vào, họa theo miệng mà ra!”, là câu châm ngôn răn đời đầy khôn ngoan của người xưa.
Đề cập đến vật thực nuôi tâm, đức Phật điểm qua về đức tin, về bố thí, về trì giới, về cách thức gìn giữ tâm bằng những pháp lành cao thượng. Khi tâm “ăn” được những pháp lành này thì nó có đủ năng lực, sức mạnh cung cấp sinh lực hạnh phúc cho nhiều đời.
Khi thấy người nông dân và đại chúng hôm ấy có một số người có thể lãnh hội những pháp cao hơn, đức Phật đề cập thêm bốn loại thức ăn tinh tế, cũng để nuôi thân, nuôi tâm nhưng chi tiết hơn, cao siêu hơn.
Ấy là đoàn thực (kabalikāra-āhāra): Thức ăn vo tròn. Đây là cách thức phổ thông ai cũng biết, là dùng những ngón tay phải vo tròn thức ăn để đưa vào miệng một cách gọn gàng, sạch sẽ. Hàm chỉ thức ăn của cõi người dùng để nuôi dưỡng cơ thể, những tế bào sắc chất, tức là toàn bộ cái thân tứ đại thô tháo này.
Xúc thực (phassa-āhāra): Thức ăn của xúc giác. Khi mắt tiếp xúc với các đối tượng sắc trần, khi tai tiếp xúc với các âm thanh, khi mũi tiếp xúc với các mùi hương… thì liền phát sanh các cảm thọ liên hệ. Nói cách khác, có xúc mới có thọ, có nghĩa là nhờ các xúc nó mới nuôi dưỡng các cảm thọ. Vậy, xúc sắc, thanh, hương, vị, địa, hỏa, phong(1) cung cấp chất bổ dưỡng để nuôi nấng các cảm thọ. Muốn cho các cảm thọ được mát mẻ, dễ chịu, êm đềm, khinh an, lạc hỷ thì phải biết tránh xa, xúc đừng ăn những thức ăn ngũ trần, bảy sắc đối tượng thô phàm, hạ liệt, nhiệt não…
Tư thực (cetanā-āhāra): Thức ăn của tư tác, của tư tâm sở, của sự suy nghĩ cố ý thực hiện việc này, ý chí muốn thành tựu việc kia. Vậy, thức ăn của tư chính là những nghiệp thiện, bất thiện và bất động. Chính ba nghiệp này cung cấp chất bổ dưỡng để nuôi chúng hữu tình tái sanh trong ba hữu, ba cảnh giới: Dục hữu, chủng nghiệp, nhân sanh cõi dục; sắc hữu, chủng nghiệp, nhân sanh cõi sắc; vô sắc hữu, chủng nghiệp nhân sanh cõi vô sắc. Như thế, ai muốn tái sanh, hóa sanh cõi nào đều tùy thuộc nghiệp xấu ác hay lành, tốt của mình chứ không phải do một vị thượng đế hay một vị hóa sanh chủ nào cả.
Thức thực (viññāṇa-āhāra): Hàm chỉ thức ăn của thức tái sanh. Vật thực của thức tái sanh chính là cận tử nghiệp, tức là năng lực cuối cùng trước khi lâm tử. Sau khi ăn “cận tử nghiệp” ấy, được chất bổ dưỡng của cận tử nghiệp ấy, nó nuôi dưỡng danh-sắc trong kiếp sống kế. Nói dễ hiểu hơn, sinh lực tiềm tàng trong cận tử nghiệp nó có khả năng cung cấp sức mạnh cho con người tái sanh, hóa sanh trong ba cõi, sáu đường.
Nói tóm lại, khi biết rõ các loại thức ăn có thô, có tế, có trược, có thanh, có độc, không độc, có xấu, có tốt… như vậy, người tu tập phải biết lựa chọn thức ăn cần thiết, hầu mang lại an vui và hạnh phúc cho mình trong nhiều đời kiếp.
Thế là đức Phật đã thênh thang mở cửa người và trời cho tất thảy hội chúng hữu duyên. Đức vua Āḷavī người nông dân đắc quả Tu-đà-hoàn(2) và rất nhiều cư sĩ thính pháp đạt được nhiều lợi lạc về tinh thần.
(1) – Mắt xúc với sắc, tai xúc với thanh, mũi xúc với hương, lưỡi xúc với vị, thân xúc với địa (đất, cái cứng, cái chiễm chỗ trong không gian), với hỏa (nóng, lạnh của vật), với phong (gió, chuyển động, rung động). Đây là 7 sắc đối tượng của ngũ căn.
(2) – Chú giải kinh Pháp cú. iii. 262-3.
Theo Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!