Tam nghiệp thân khẩu ý là gì? Làm thế nào để tịnh hóa nghiệp?
Pháp Giới 11 tháng trước

Tam nghiệp thân khẩu ý là gì? Làm thế nào để tịnh hóa nghiệp?

Tam nghiệp là hành động tạo tác của thân, miệng, ý của chúng sanh; là con đường đi từ Nhân tới Quả. Từ nghiệp nhân, tức hành động tạo tác của ba nghiệp, đến nghiệp báo, tức quả báo phải trả khi gây tạo nghiệp nhân đều gọi chúng là nghiệp.

1. Tam nghiệp là gì?

Nghiệp là hành động tạo tác của thân, miệng, ý của chúng sanh; là con đường đi từ Nhân tới Quả. Nếu kiếp trước mình làm điều lành thì tạo được nghiệp lành (thiện nghiệp), còn gọi là tạo phước nghiệp. Nghiệp lành này nó hình thành nên đời sống nhiều may mắn, được an vui, hạnh phúc cho kiếp hiện tại và ngược lại nếu kiếp trước mình làm điều xấu ác thì tạo nghiệp dữ, gọi là ác nghiệp hay bất thiện nghiệp. Nghiệp dữ này nó hình thành nên đời sống nhiều thất bại, hoạn nạn, bất hạnh cho kiếp hiện tại.

Tam nghiệp là hành động tạo tác của thân, miệng, ý của chúng sanh. Chúng ta cùng nhau luận bàn về Tam nghiệp để tích lũy thêm kiến thức Phật học, kinh nghiệm tu tập các bạn nhé.

Thân nghiệp: Là hành động tạo tác của Thân như: đánh đập người, dắt dìu người già qua đường, phá hủy môi trường sống…

Khẩu nghiệp: Là hành động tạo tác của Miệng như: khuyên dạy mọi người làm điều tốt, mắng nhiếc người, vu oan người khác…

Ý nghiệp: Là hành động tạo tác của Ý tưởng như: suy nghĩ làm điều thiện, toan tín làm điều ác…

Từ nghiệp nhân, tức hành động tạo tác của ba nghiệp, đến nghiệp báo, tức quả báo phải trả khi gây tạo nghiệp nhân đều gọi chúng là nghiệp. Trong tam nghiệp trên, ý nghiệp là hệ trọng hơn hết, bởi vì việc làm của thân hay lời nói phát khởi từ miệng đều do ý tưởng suy tính, quyết định cả. Do vậy, việc ác hoặc thiện chưa bộc phát ra nơi thân và miệng, nhưng nó đã móng khởi ở ý tưởng rồi. Thế nên, người nào có ý ác là đã phạm tội rồi mặc dù nó chưa bộc phát ra hành động.

2. Thân nghiệp là gì?

Thân nghiệp là một trong ba nghiệp, chỉ cho những nghiệp tạo từ thân, có thể chia làm ba loại: thiện, ác và vô ký; ác nghiệp của thân tức chỉ cho sát sanh, trộm cướp, tà dâm; trái lại là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, tức là thiện nghiệp của thân, không thiện không ác và không cảm được năng lực của quả báo thì gọi là thân nghiệp vô ký.

Thân nghiệp lại phân biệt thành Biểu nghiệp và Vô biểu nghiệp. Biểu nghiệp chỉ cho những động tác được biểu thị bên ngoài, như quơ tay hay lắc chân… Vô biểu nghiệp chỉ cho những nghiệp không biểu thị bên ngoài mà chỉ nhấn mạnh vào tự tánh ngăn ngừa những điều ác, đình chỉ những việc thiện.

“Tiểu Thừa thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ nói hai nghiệp chung là Tư kỷ nghiệp. Chủ trương Biểu Nghiệp dùng hình sắc làm thể; Vô biểu nghiệp lấy Vô biểu sắc làm thể. Kinh bộ thì chủ trương dùng tư Tâm sở làm thể, Vô biểu nghiệp dùng chủng tử làm thể. Đại thừa Duy Thức cũng dùng những phát động của thân và ngữ làm nghiệp thể, chủ trương Biểu nghiệp Vô biểu nghiệp đều là giả lập, chẳng phải là thật hữu, tức gọi Biểu Nghiệp chính là những biểu thị của những động thái bên ngoài,và những biểu thị những tác động giả lập của sự sanh diệt, Vô biểu nghiệp chính là những sự giả lập được tác tạo từ Tư tâm sở. Thành Thật Tông thì lập Nghiệp thể làm phi sắc phi tâm pháp.

(Chúng Sự Phân A-Tỳ-Đàm Quyển 5; Câu Xá Luận Quyển 1, 13; Thành Duy Thức Luận Quyển 1; Đại Tỳ Bà Sa Quyển 113; Thuận Chánh Lý Luận Quyển 33; Thành Thật Luận Quyển 7; Câu Xá Luận Quang Ký Quyển 13; Thành Duy Thức Luận Thuật Ký Quyển 2; Đại Thừa Nghĩa Chương Quyển 7; Đại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Quyển 3, phần cuối)”.

Chỉ xét riêng về thân nghiệp thì cũng có nhiều quan điểm và chủ trương khác nhau. Chính ngay trong đời sống con người, thì thân đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo Nghiệp của con người.

Chính những hành vi từ thân thể con người mà đã tạo ra nhiều ác nghiệp. Sát hại sinh mạng hay cắt đứt đời sống của chúng hữu tình, được xem như là một việc làm tạo Nghiệp trực tiếp. Tuy sự tạo nghiệp ấy trước hết phải được tác động từ sự suy nghĩ, nhưng sự suy nghĩ có trở thành hiện thực hay không là do thân thực hiện. Chính do Nghiệp báo sát hại mà chúng sanh phải chịu những quả báo thật thê thảm trong vòng luân hồi.

Không những con người bình thường mà chính những người có khả năng trong tu tập khi phạm vào tội Nghiệp sát hại vẫn chịu những quả báo thật khủng khiếp, chẳng hạn như chuyện của Ngộ Đạt quốc sư, đã mười đời làm cao tăng nhưng vì nghiệp sát hại vẫn phải chịu quả báo.

Trộm cắp cũng vậy, chính vì mang tội trộm cắp mà chúng sanh trong nhiều đời phải chịu kiếp sống hèn hạ, hoặc phải chịu trong những loài thú phải chịu những khổ sở của thân xác.

Không giết hại chúng sanh mà phải đem lòng từ ra cứu vớt chúng sanh, không gian tham trộm cắp còn biết đem tài sản vật chất ra bố thí giúp đỡ mọi người, không tà dâm mà còn trinh bạch thủy chung. Chuyển hoá những hành động xấu phát xuất từ thân trở thành những hành động đẹp, có ích cho người cho mình. Chính hành động chuyển hóa này tích cực góp phần làm cho Thân được thanh tịnh ngay trong đời sống hiện tại và tương lai.

Tam nghiệp thân khẩu ý là gì? Làm thế nào để tịnh hóa nghiệp?

3. Khẩu nghiệp là gì?

Khẩu nghiệp là nghiệp quả thiện ác phải gánh chịu do gây nhân từ lời nói tốt xấu gây ra. Các ác nghiệp do nói dối, nói ác khẩu, nói lời thêu dệt… đều chịu quả báo nặng nề và thế gian thì gần như không ai không mắc lỗi này!

Miệng là cửa ngõ vào ra của thân. Thức ăn đưa vào miệng, nhờ đó nuôi dưỡng thân xác. Lời nói phát ra từ miệng, nhờ đó biểu đạt những gì nuôi dưỡng trong tâm ý. Lời nói ra phải phù hợp với những gì suy nghĩ trong lòng, thì mới có thể khiến cho người khác phân biệt đúng sai, phải trái. Nếu không được như vậy, ắt chỉ là hạng xảo trá, gian ngụy khó lường. Kẻ chuyên dùng cơ mưu xảo trá với người, lời nói còn chưa lập được chút công đức gì thì trước đó đã tạo ra biết bao lầm lỗi.

Xem Thêm:   Có nên trì tụng Kinh Pháp Hoa ở nhà hay không?

Người đời thất bại do lời nói quả thật không ít. Miệng không thể suy xét, chỉ tâm mới có khả năng suy xét. Miệng do tâm sai khiến, nên nói ra lời dối trá là miệng, nhưng chủ ý nói ra lời dối trá để lừa gạt người khác lại chính là tâm. Con người khi giao tiếp mà trong lòng ngoài miệng chẳng được như nhau thì không phải lỗi của miệng, mà chính tại tâm. Chỉ cần giữ tâm trong sáng minh bạch thì lời nói tự nhiên sẽ không còn gian xảo trí trá.

Đức Phật dạy: “Người bình thường nếu nói ra điều chi thì nên nói lời tốt lành, không nên nói lời tệ hại. Nói lời tốt lành là thân thiện, nói lời tệ hại thì tự sanh ra phiền muộn bực bội”. Lại trong Thành Thật Luận nói: “Nếu người ác khẩu mắng nhiếc bới móc đủ loại, thì tùy theo lời nói mà nhận chịu báo ứng”.

Người thế gian, gặp thời uế trược này, dễ tạo nhất là khẩu nghiệp. Như trước mọi người dối trá mê hoặc, khiến người ta nhận thức sai lạc, làm cho muôn vàn khổ đau tranh nhau trói buộc, trăm mối ưu sầu thảy đều tụ tập. Gieo trồng nhân tố hư vọng, cảm lấy quả báo hèn hạ. Địa ngục khổ đau vô cùng lại thêm nước sôi đỏ. Mê mờ pháp tắc làm loạn chân lý thật sự đều do vọng ngữ mà ra. Kinh Chánh Pháp Niệm có bài kệ:

“Cam lộ cùng với những thuốc độc
Đều ở trong lưỡi của con người
Cam lộ là lời nói chân thật
Vọng ngữ thì trở thành thuốc độc
Nếu như người cần vị cam lộ
Thì người ấy nói lời chân thật
Nếu như người cần đến thuốc độc
Thì người ấy nói lời vọng ngữ
Thuốc độc không quyết định cái chết
Vọng ngữ thì quyết định không sai
Nếu như người nói lời vọng ngữ
Thì họ phải nói là người chết
Vọng ngữ không lợi ích cho mình
Cũng không lợi ích cho người khác
Nếu như mình và người không vui
Tại sao phải nói lời vọng ngữ
Nếu như người xấu xa phân biệt
Vui thích những lời vọng ngữ
Chết rơi vào trong lửa và dao
Phải chịu những khổ não như thế
Thuốc độc làm hại tuy rất dữ
Nhưng chỉ có thể giết một thân
Quả báo của ác nghiệp vọng ngữ
Làm cho trăm ngàn thân bị hoại”.

“Kinh Hộ Khẩu” ghi: “Có một ngạ quỷ thân hình xấu ác, nhìn là nổi ốc, ai cũng kinh sợ. Thân phát lửa dữ. Miệng đầy sâu dòi lúc nhúc, cả thân đầy máu mủ tanh hôi, mùi thối bay nồng, không ai dám đến gần. Miệng khạc ra lửa, thân bị lửa đốt, cất tiếng kêu khóc, rảo chạy cùng khắp.

Lúc đó ngài Mãn Túc La hán hỏi Ngạ quỷ:

Xưa kia ngươi tạo tội gì mà nay phải chịu khổ như thế?

Ngạ quỷ đáp:

– Kiếp xưa tôi từng làm sa môn, chẳng giữ oai nghi, nói năng thô ác, sống tham lam, keo xan không biết cho ra.

Hễ thấy người giữ giới tinh tấn thì mắng nhiếc, mạ nhục, ác kiến liếc nguýt, còn ỷ mình giàu mạnh, cho là sống lâu không chết nên tạo ra vô lượng tội ác. Bây giờ nhớ lại, có hối cũng chẳng thể cứu chuộc lỗi lầm xưa. Vì vậy, thà là cam tâm chịu khổ tự cầm dao bén cắt lưỡi mình kiếp này sang kiếp khác, chứ tuyệt đối không nên thốt lời phỉ báng việc lành của người!

Mong ngài trở về cõi Ta bà, kể lại quả báo và tình trạng ghê khiếp của tôi để răn dạy chư tu sĩ và các Phật tử, cảnh báo họ phải cẩn thận giữ khẩu đức, chớ tùy tiện buông lời nói ác. Dù thấy người giữ giới hay không cũng chỉ nên nói đức tốt của người. Tôi làm quỷ đói đã mấy ngàn kiếp, ngày đêm chịu đủ đau khổ. Thọ hết quả báo này thì phải vào địa ngục.

Ngạ quỷ nói xong thì bật khóc to, ngã nhào xuống đất như Thái Sơn đổ.

Ngày nay đại chúng nghe kinh dạy như vậy, rất là đáng sợ.

Chỉ vì lỗi của miệng mà mang tội nhiều kiếp, huống chi là còn bao nhiêu tội ác khác nữa? Xả thân thọ thân không ngừng chịu khổ, đều do nghiệp ác của mình đã tạo. Nếu không gây nhân thì đâu phải chịu quả. Đã gieo nhân quyết định phải gặt quả. Chưa từng thấy ai tu hành buông lung, lười biếng mà được giải thoát. Trái lại, người hay tinh tấn cẩn trọng tu hành, được phước đức vô lượng.

Đại chúng nên biết hổ thẹn, tịnh hóa thân tâm, sám hối lỗi cũ. Tội xưa hết rồi, không gây thêm tội mới nữa thì được chư Phật khen ngợi.

4. Ý nghiệp là gì?

Ý nghiệp là quan trọng hơn cả. Chính ý nghiệp chủ động điều khiển thân nghiệp và khẩu nghiệp. Tại sao vậy? Bởi vì nếu như tư tưởng luôn luôn có ý nghĩ thế nào thì hành động và lời nói sẽ y theo đó mà ra, không sai khác chút nào. Chính tư tưởng phát xuất ra hành động và lời nói. Thí dụ nếu trong tâm ý chúng ta nghi ngờ người nào ăn cắp đồ, thì từ hành động cho đến lời nói của người đó đều có vẻ khả nghi, đáng ngờ, và hành động cũng như lời nói của chúng ta đều không bình thường đối với người đó.

Thí dụ nếu chúng ta luôn luôn có tư tưởng, có ý nghĩ là kẻ nào ác thì phải bị tiêu diệt, phải bị đọa địa ngục, phải bị trừng phạt nặng nề, cho nên khi có cơ hội, có phương tiện, có quyền hành, có thế lực, chúng ta sẽ dễ dàng mắng chửi, mạt sát, giết hại, trừ khử, thanh toán kẻ đó không chút xót thương, không chút bận tâm! Nghĩ như vậy, nói như vậy, làm như vậy, tâm của chúng ta không từ bi, không bác ái chút nào, và như vậy chúng ta có khác gì kẻ ác kia đâu?

Giết người phải đền mạng, có luôn luôn hẳn là lẽ công bằng tuyệt đối chăng, có giúp nạn nhân sống lại chăng, có giúp xã hội an ninh, trật tự chăng, có giúp tình người thêm tốt đẹp chăng? Con người thường nhân danh cái thiện, nhân danh thế thiên hành đạo, để thi hành, thực hiện việc ác, việc trả thù ngay sau đó. Chính vì vậy mà oan oan tương tục không biết đến bao giờ mới dứt được. Thiệt là “tội nghiệp” thay!

Xem Thêm:   Tam khổ là gì? Cái gì làm cho ta đau khổ nhiều nhất?

Trên thế gian này, sân hận không bao giờ dập tắt sân hận. Duy có tình thương, tâm từ bi mới diệt được tâm sân hận. Ðó là định luật trường cửu. Cho nên, trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:

Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng
Lấy ân báo oán, oán nghiệp tiêu tan.

Ðây là cách dừng nghiệp và chuyển nghiệp hữu hiệu nhất. Thí dụ vì nghiệp duyên đời trước, có người nào đó khi gặp chúng ta, liền không có cảm tình, không ưa thích, có thái độ thù nghịch, chống đối. Nếu như chúng ta không hiểu luật nhân quả, bèn có thái độ tương ứng đáp lại, thì càng ngày quan hệ giữa chúng ta và người đó càng tệ hại thêm mà thôi. Còn nếu như khi họ gặp hoàn cảnh không may nào đó mà mình có thể giúp được và thực tâm giúp đỡ họ, thì có phải “oán nghiệp” trước đây tiêu tan hay không?

Thí dụ trong gia đình, nếu người cha hay người mẹ, vì tức giận người con đối xử tệ bạc với mình, không như mình mong ước, nên cũng đối xử lạnh lùng, hằn học, bực dọc đáp lại, thì thử hỏi câu chuyện sẽ đi đến đâu, sẽ kết thúc ra sao? Nếu cha mẹ có lòng từ bi, không chấp chặt những điều đó, vẫn thương yêu, chăm sóc người con, như lúc con còn nhỏ dại, thì ít ra còn hy vọng người con chuyển đổi tâm ý, gia đình hòa vui trở lại. Chuyện này “nói ra thì dễ, làm được mới khó”. Nhưng thử hỏi chuyện gì trên đời này mới là chuyện dễ làm đây?

5. Tịnh hóa tam nghiệp

Đức Phật dạy: “Ba cõi bất an, giống như ở trong nhà lửa”. Quả đúng như vậy, từ vô lượng kiếp, chúng sanh trôi lăn mãi trong tam giới chịu nhiều khổ đau, luôn sống trong lo âu sầu muộn, lắm lúc bức xúc khốn cùng không có lối thoát. Vì muốn chúng sanh vui hưởng nguồn hạnh phúc, an lạc đích thực, Đứa Phật Thích Ca đã thị hiện trên cõi đời này giáo hoá chúng sanh tu hành thoát khổ.

Suốt 49 năm truyền giáo, Ngài đã tuyên thuyết rất nhiều pháp môn tu học nhưng không ngoài mục đích giúp chúng sanh nhận ra bản chất khổ đau của nhân sinh và đưa ra nhiều phương pháp tu hành nhằm giúp chúng sanh diệt trừ những khổ đau ấy.

Đại Kinh Vacchhagotta trong Trung Bộ Kinh là một những bài pháp vô cùng thâm diệu, Đức Phật đã dùng trí huệ siêu việt hướng dẫn cho Vacchhagotta phương pháp tu tập “Tịnh hoá tam nghiệp” để thoát mọi khổ đau, đạt đến an lạc giải thoát. Để cảm nhận sâu sắc hơn thâm ý của Đức Phật qua bài Kinh này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu để tịnh hóa Tam nghiệp của mình tốt hơn nhé.

Tam nghiệp là hành động tạo tác của thân, khẩu, ý. Tịnh hoá tam nghiệp nghĩa là tu sửa, thanh lọc thân, khẩu, ý bất thiện dần dần trở nên thuần thiện, an lạc. Diệt trừ 10 điều ác (Thập ác), tu tập 10 pháp thiện (Thập thiện) tạo thành 10 phương pháp tịnh hóa tam nghiệp. Thực những phương pháp này sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho chúng ta trong cuộc sống.

1. Sát sanh là bất thiện, từ bỏ sát sanh là thiện: Từ bỏ sát sanh có nghĩa là không hủy hoại cuộc sống của mọi loài, của bản thân, không sai người khác giết hại, không sanh lòng vui mừng khi thấy người khác giết. Không những không sát chúng sanh mà chúng ta còn phải tìm mọi cách để cứu sống chúng sanh như cứu người trong lúc nguy nan, phóng sanh các loài động vật, không nuôi chim lồng, cá chậu v.v…

2. Trộm cắp là bất thiện, từ bỏ trộm cắp là thiện: Từ bỏ trộm cắp có nghĩa là chúng ta không được dùng bất cứ thủ đoạn nào để chiếm đoạt, trộm cướp tài sản của người khác. Là người đạo đức, tu hành đạo giải thoát giác ngộ, chúng ta không những không chiếm đoạt, trộm cắp tài sản của người khác mà còn đem tiền của, sức lực của mình giúp đỡ chúng sanh kém may mắn hơn mình, để họ được an vui, ấm no. Qua việc làm này, chúng ta vừa xả bỏ lòng tham lam, vừa tích phước để trang nghiêm đạo tâm.

3. Tà hạnh là bất thiện, từ bỏ tà hạnh là thiện: Từ bỏ tà hạnh có nghĩa là không sống trác táng, ăn chơi, cờ bạc, rượu chè, hút sách, gian dâm… Là người đạo đức, người tu đạo, chúng ta cần có cuộc sống phạm hạnh. Tu sĩ thì cấm hẳn tà hạnh, Cư sĩ thì phải biết tiết dục, vợ chồng chung thủy với nhau. Tà dục là gốc sanh tử luân hồi, vì thế chúng ta cần dứt bỏ nó, để tâm hồn ngày càng trở nên thanh khiết, đi dần đến an lạc giải thoát.

4. Nói dối là bất thiện, từ bỏ nói dối là thiện: Từ bỏ nói dối là thiện có nghĩa là không nói sai sự thật: thấy, nghe, biết như thế nào thì nói như thế ấy; chỉ khi nào gặp trường hợp đặc biệt, vì muốn đem đến an vui cho chúng sanh thì chúng ta có thể tạm thời nói sai sự thật.

5. Nói lời hung ác là bất thiện, từ bỏ nói lời hung ác là thiện: Từ bỏ nói lời hung ác là thiện có nghĩa là không được dùng lời ác độc, thâm hiểm chửi rủa mọi người. Là người đạo đức, người tu hành, khi nói ra điều gì, chúng ta luôn nói những lời dịu dàng, từ ái hợp với chân lí, được như thế tình cảm con người ngày càng trở nên sâu đậm, dắt dìu nhau tu theo thiện pháp để cùng nhau sống an vui, hạnh phúc.

6. Nói lời thêu dệt là bất thiện, từ bỏ lời nói thêu dệt là thiện: Từ bỏ nói lời thêu dệt là thiện có nghĩa là không nên thêm bớt trong lời nói để làm cho câu chuyện sai với sự thật. Hoặc dùng lời nói hoa mỹ, bóng bẩy mê hoặc nhằm hãm hại người… Là người đạo đức, tu hành đạo giải thoát, khi nói ra bất cứ điều gì đều là lời nói chân thật, đạo đức, khế hợp với ý đạo nhằm đem lại an vui cho bản thân và tha nhân.

7. Nói lưỡi hai chiều là bất thiện, từ bỏ nói lưỡi hai chiều là thiện: Từ bỏ nói lưỡi hai chiều là thiện có nghĩa là không được đến người A nói xấu người B; đến người B nói xấu người A… mục đích để gây chia rẽ họ, làm cho hai bên thù địch nhau, ẩu đả nhau để rồi gây thương tổn cho nhau. Là người đạo đức, chân tu, chúng ta cần phải dùng những lời nói đạo đức để hóa giải mọi sự oán thù của con người, giúp họ sáng suốt dứt bỏ hành động tạo đau khổ cho nhau, để không vướng vào nghiệp oan oan tương báo, khổ khổ chất chồng qua nhiều kiếp, mà cần phải biết nhường nhịn, yêu thương lẫn nhau, để cuộc sống luôn được bình an qua mỗi kiếp.

Xem Thêm:   Giữ gìn 5 giới là gì? Lợi ích của việc giữ giới cấm trong đạo Phật

8. Xan tham là bất thiện, từ bỏ xan tham là thiện: Từ bỏ xan tham là thiện có nghĩa là không tham đắm ngũ dục (tài-sắc-danh-thực-thuỳ). Khi hành giả đắm chìm trong ngũ dục là sa đọa vào con người đường tội lỗi, gieo tạo nhiều ác nghiệp và cuối cùng chuốc lấy khổ đau thống thiết, đọa đày mãi trong lục đạo luân hồi. Là người đang đi tìm hạnh phúc, người chân tu, chúng ta luôn làm chủ tâm mình, hạn chế và đi dần đến diệt trừ tất cả mọi sự tham muốn thấp hèn, sống tri túc tiết hạnh, siêng năng hành trì thiện pháp để tâm luôn được an tịnh và thăng hoa mãi trong cảnh giới Thánh thiện.

9. Sân hận là bất thiện, từ bỏ sân hận là thiện: Từ bỏ sân hận là thiện có nghĩa là không hung hăng, nóng giận khi đối đầu với những việc trái ý nghịch lòng. Sân hận là một tánh khí xấu ác, độc hại, nó như ngọn lửa mạnh, mỗi khi bừng cháy là có thể đốt cháy thân tâm ta và tất cả mọi vật xung quanh, vì thế Đức Phật từng dạy: “Một niệm sân nổi lên là trăm nghìn cửa nghiệp chướng đều mở”. Thế nên, lửa tức giận một phen phát ra, liền đốt cháy tất cả rừng công đức đã gieo tạo nhiều năm tháng. Sự tác hại của tâm sân vô cùng khủng khiếp, để có được hạnh phúc, để tiến thân mãi trên đường đạo, chúng ta chủ động tâm mình, luôn hành trì pháp quán từ bi, thương yêu tất cả mọi loài để diệt trừ lòng sân, vì khi tâm hồn ngập tràn yêu thương thì không tồn tại tâm lý sân hận. Bên cạnh đó, chúng ta dùng trí tuệ quán chiếu thật tướng của vạn pháp là “không”, nhờ thế chúng ta có thể chủ động đề phòng tâm sân, mỗi khi nó manh nha liền bị tiêu diệt ngay và tâm dần dần trở nên an tịnh, từ ái.

10. Si mê là bất thiện, từ bỏ si mê là thiện: Si mê là tâm tánh ám độn không phân định được chánh, tà, đúng, sai. Mỗi khi con người bị tâm si chi phối, thường gieo tạo nhiều lầm lỗi, dần dần sa đọa vào đường ác. Vì thế, si mê là nguồn gốc gây nên mọi tội lỗi, tạo nhiều khổ sầu cho con người. Muốn loại trừ những quan niệm sai lầm, những định kiến tà quấy, chúng ta cần phải siêng năng tu tập thiền quán, niệm Phật, làm nhiều việc thiện, xả bỏ dần cái tôi tầm thường… dần dần tâm chúng ta trở nên sáng suốt, an tịnh, lúc đó mọi suy nghĩ, mọi hành động của chúng ta đều khế hợp đạo lí, mang lại hạnh phúc cho bản thân và mọi người.

Trong 10 pháp thiện trên, ba pháp đầu thuộc về “thân nhiệp”, bốn pháp kế thuộc về “khẩu nghiệp” và ba pháp cuối thuộc về “ý nghiệp”. Trong ba loại nghiệp này, tu tập “Ý nghiệp” là khó khăn và quan trọng hơn hết. Vì tâm ý chính là người chỉ huy và cũng là thủ phạm. Còn thân và miệng chỉ là những kẻ tùng phạm mà thôi. Nói một cách rõ ràng hơn, tất cả lời nói, hành động của thân và miệng đều bắt nguồn từ sự sai khiến của tâm ý, vì thế trong Kinh Pháp Cú Đức Phật Dạy:

“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ tạo tác
Nếu với ý nhiễm ô (ác)
Nói năng hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như chiếc xe theo chân con vật kéo”.
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ tạo tác
Nếu với ý thanh tịnh (thiện)
Nói năng hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình”.

Bài kệ trong Kinh Pháp Cú trên giúp chúng ta nhận thấy rằng, chính mối tương quan nhân quả từ nơi tâm ý của con người đã hình thành nên nghiệp thiện hay ác mà con người phải thọ nhận. Tâm ý chính là chủ nhân tạo nên mọi khổ sầu hay an vui cho con người, mỗi khi ý ác khởi lên, nếu chúng ta không biết kìm chế, hóa giải thì miệng sẽ nói những lời ác độc, thân sẽ làm những việc ác, từ đó gây ra đau khổ cho bản thân và mọi loài xung quanh.

Ngược lại nếu chúng ta biết thanh lọc tâm ý, luôn phát khởi những ý tưởng thanh cao, đạo đức thì miệng sẽ nói ra những lời từ ái, thân làm những việc tốt, đem lại an vui hạnh phúc cho bản thân và mọi loài. Như vậy, tu tập “tâm ý” là vấn đề then chốt, là nền tảng của người tu đạo nhằm đạt đến an vui, giải thoát. Mỗi khi chúng ta thức tĩnh tâm ý, tu tập Giới, Định, Huệ là chúng ta đã mở ra cho mình một hướng đi rất chủ động trong việc tu tâm, tạo nên một đời sống an lạc giải thoát ngay trong kiếp sống hiện tại, để từ đó đạt đến cứu cánh giải thoát.

Qua sự luận bàn chúng ta nhận thấy 10 phương pháp tịnh hóa tam nghiệp là 10 phương pháp rất thâm diệu, có giá trị rất sâu sắc và thiết thực trong quá trình tu dưỡng đời sống tâm linh. Đây là giáo pháp tu tập căn bản, mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống hiện tại và tương lai. Mười thiện pháp này nếu hành giả khéo ứng dụng vào cuộc sống thì sẽ phát triển Giới, Định, Huệ; tịnh hoá tam nghiệp, làm cho nhân cách phạm hạnh ngày càng sáng ngời và đạt đến suối nguồn hạnh phúc an vui trong cuộc sống.

Tất cả các Tu sĩ, Cư sĩ đều đầy đủ nhân cách phạm hạnh thì cuộc sống Tăng đoàn sẽ vững mạnh, nội tình ổn định, hoà hợp hạnh phúc. Đây là yếu tố then chốt làm cho Phật Pháp hưng thịnh, thế giới an hòa… Thế nên, là đệ tử của bậc giác ngộ toàn năng, chúng ta phải nỗ lực tu hành, vun bồi phạm hạnh để cuộc sống luôn an bình hạnh phúc, để Phật pháp luôn trường tồn ở thế gian, giống như mặt trời luôn toả sáng và hiện hữu mãi trong vũ trụ.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

331 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog