Giữ gìn 5 giới là gì? Lợi ích của việc giữ giới cấm trong đạo Phật
Pháp Giới 11 tháng trước

Giữ gìn 5 giới là gì? Lợi ích của việc giữ giới cấm trong đạo Phật

Theo tuệ giác của Thế Tôn, người nào tuân thủ trọn vẹn, giữ gìn 5 giới cấm này thì luôn gặt hái nhiều lợi ích và thành công trong cuộc sống.

1. Giới là gì?

Giới là hàng rào ngăn ngừa, ngăn giữ những hành động và nói năng xấu ác của thân, khẩu, ý để cho mình được tốt hơn, hiền thiện hơn, cao đẹp hơn. Giới của Phật giáo không có tính bắt buộc, không áp đặt người khác tin và thực hành theo như giới điều, tín điều của một số tôn giáo khác.

Trước khi tin để thực hành theo những giới này, người Phật tử có quyền hoài nghi, suy luận, nhận thức – rằng là điều nào thật sự đem đến lợi ích thiết thực cho mình và mọi người xung quanh; rằng là điều nào giúp mình tiến bộ tinh thần và rời xa những quả báo đau khổ trong mai hậu. Như vậy, giới của Phật giáo có tính cách tự do: Tự do trong nhận thức và tự do trong sự phát nguyện.

2. Ngũ giới: 5 giới cấm căn bản

Ngũ giới là 5 điều ngăn cấm mà Phật đã chế ra, để ngăn những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính. 5 giới ấy là: Không sát sanh; Không trộm cướp; Không tà dâm; Không nói dối; Không uống ruợu. Năm điều này y cứ trên tâm từ bi, bình đẳng trên phương diện dứt trừ tội lỗi cá nhân và đem lại trật tự, an vui cho xã hội mà thành lập.

Đức Phật không bắt buộc chúng ta phải triệt để tuân theo và cũng không hăm dọa nếu chúng ta không tuân theo thì phải bị Ngài trừng phạt. Sự giữ hay không giữ giới là do chúng ta hoàn toàn tự liệu lấy.

Giới thứ nhất là không sát sinh

Giới đầu tiên trong ngũ giới mà Đức Phật dạy là không sát sinh. Ngài muốn các các đệ tử luôn quý trọng mạng sống của chúng sinh, muôn loài, nuôi dưỡng lòng từ bi biết yêu thương tất cả. Điều thứ nhất là mình phải biết tôn trọng mạng sống của người và của cả muôn loài. Muôn loài tức là những loài động vật hữu tình, chúng sinh hữu tình. Đối với đạo Phật là tôn trọng kể cả sự sống của cỏ cây, mình cũng không vô ý, vô cớ tự nhiên phá hại cây cối, tức là rất quý trọng môi trường. Điều đạo đức này, đạo Phật gọi là giới không sát sinh, tức là giới quý trọng mạng sống của con người và của các loài, bình đẳng về mạng sống, tôn trọng mạng sống của họ.

Giới thứ hai là không trộm cắp

Để quý Phật tử hiểu vì sao nên giữ giới không trộm cắp, điều đạo đức thứ hai đó là chúng ta không được ăn trộm, ăn cắp. Đây cũng là sự bình đẳng về tôn trọng quyền sở hữu tài sản của mọi người. Tài sản là mồ hôi nước mắt của mọi người làm ra, cho nên chúng ta phải tôn trọng, phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản giúp mọi người. Cho nên đã là một người quy y Phật, quy y Tam Bảo thì không thể làm việc trộm cắp được, vì trộm cắp là mất đi đạo nghĩa. Khi trộm cắp, chúng ta phạm cả tội luật pháp của thế gian, có khi cũng phải bị xử lý về mặt luật pháp. Trong đạo Phật cũng thế, một người đã gọi là Phật tử thì không thể có tính trộm cắp được, phải từ bỏ việc này.

Xem Thêm:   16 kiếp luân hồi của Alan Lee: Kiếp người như một hành trình vô định

Chúng ta đều không muốn ai lấy đồ của mình, vậy nên mình cũng không nên lấy đồ của người, đây là sự công bằng trong xã hội. Mọi của cải làm ra đều dựa vào công sức lao động, chúng ta lấy trộm đồ vật là đang lấy đi công sức, trí tuệ của người đã bỏ ra. Việc này cũng dễ gây kết thù xấu, làm mất lòng tin của mọi người đối với mình.

Giới thứ ba là không tà dâm

Người có hành vi ngoại tình giống như đứa trẻ đang thưởng mật trên lưỡi dao vậy, ham mê một chút vị ngọt mà quên mất hậu quả bị đứt lưỡi. Người Phật tử phải thực hành điều đạo đức là không được ngoại tình, tức là phải sống chung thủy. Điều này đối với đạo Phật rất phù hợp, vì đạo Phật tôn trọng hạnh phúc gia đình. Gia đình hạnh phúc thì con cái mới tốt đẹp và xã hội mới tốt đẹp được. Cho nên, đạo Phật đặc biệt coi trọng giới đức này. Điều đạo đức này là nghiêm cấm việc những người đã xây dựng gia đình đi ngoại tình.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc ngoại tình trở nên khá phổ biến khi các nền tảng ứng dụng tìm bạn rất nhiều. Nhiều người dù có cuộc sống khá đầy đủ, hạnh phúc nhưng cũng đi ngoại tình gây đau khổ cho chính họ và những người liên quan. Đức Phật thấy được kết quả đau khổ của việc ngoại tình nên Ngài khuyên các Phật tử không nên có những hành vi ngoại tình để tránh những nghiệp báo không đáng có khi phá vỡ hạnh phúc gia đình của mình và của người.

Giới thứ tư là không nói dối

Điều đạo đức thứ tư mà người Phật tử phải giữ, đó là không được gian dối. Xã hội chúng ta càng phát triển, quan hệ của con người với con người càng phức tạp và việc mất lòng tin với nhau cũng rất nhiều. Cho nên, đạo Phật đặc biệt nhấn mạnh không gian dối, không lừa dối, không nói dối, không lừa gạt người khác mà phải sống chân thật, sống chân thành với nhau. Một xã hội mà người với người sống chân thành với nhau, chân thật với nhau thì rất tốt đẹp.

Giới thứ năm là không say sưa, nghiện ngập

Giới đức thứ năm trong ngũ giới mà người Phật tử cần gìn giữ là không nghiện ngập các chất gây nghiện như rượu, ma túy, xì ke… Nói về tác hại của những chất gây nghiện, bây giờ có nhiều thứ gây nghiện. Nhưng những cái làm ảnh hưởng đến thể chất, ảnh hưởng đến nhân cách, trí tuệ của con người thì người Phật tử đều không được dùng. Nó làm ảnh hưởng, làm mất nhân cách, suy giảm trí tuệ, suy giảm sức khỏe thì người Phật tử đều không được dùng. Vì đạo Phật là đạo rất tôn trọng trí tuệ, rất quý trọng trí tuệ. Những thứ ảnh hưởng đến thể chất thì cũng ảnh hưởng luôn đến trí tuệ của chúng ta. Cho nên, đạo Phật nghiêm cấm người Phật tử không được nghiện ngập những thứ gây bệnh hoạn cho mình, ảnh hưởng đến cả trí não, trí tuệ.

Khi ta sử dụng các chất gây nghiện đến mức nghiện ngập, sẽ không kiểm soát được hành vi của mình dẫn đến các hành vi ác như giết người, cướp của, gây nên nhiều lỗi lầm. Ngày nay, các bạn trẻ ham mê đua đòi mà dính vào ma túy, bóng cười, hay việc uống rượu bia mà gây tai nạn giao thông luôn là những vấn đề nóng mà xã hội quan tâm. Đối với người học Phật, tránh xa việc nghiện ngập những chất làm hại cơ thể sẽ giúp tránh được những lầm đường lạc lối, tránh gây ra những việc sai trái.

Xem Thêm:   Cõi Vô sắc giới là gì? Tìm hiểu những cõi trời thuộc Vô sắc giới

Giữ gìn 5 giới là gì? Lợi ích của việc giữ giới cấm trong đạo Phật

3. Lợi ích của việc giữ giới cấm trong đạo Phật

Sau khi quy y Tam bảo, người Phật tử được khuyến tấn thọ trì năm giới: Không giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu nhằm trau dồi đạo đức, trưởng dưỡng đạo tâm, xây dựng cuộc sống bình an và hạnh phúc.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, người nào tuân thủ trọn vẹn năm nguyên tắc đạo đức này thì luôn gặt hái nhiều lợi ích và thành công trong cuộc sống. Trước hết là giữ gìn được tiền bạc, tài sản do công khó làm ra. Tiền bạc tuy không phải là yếu tố chính quyết định hạnh phúc nhưng thiếu hụt cũng gây ra khốn đốn nhiều bề. Thế nhưng, do tập khí phóng dật, người ta thường để hao tán của cải vì đam mê rượu chè, cờ bạc và chi tiêu vô bổ.

Người có đạo đức, sống giữ giới thì mọi người đều yêu thương, tôn trọng và kính nể. Không chỉ có uy tín trong cộng đồng, tiếng tốt đồn xa, người sống có giới đức luôn thanh thản, tự tin với chính mình và mọi người. Họ không hề phân vân, hổ thẹn hay sợ hãi khi gặp gỡ bà con, bè bạn hay đi tới những chốn đông người. Quan trọng hơn, người một đời sống đạo đức khi lâm chung sẽ ra đi trong tỉnh giác, không mê loạn, không hối hận ăn năn về những việc ác đã gây tạo trong đời. Nhờ tâm thanh thản và thanh tịnh nên họ sẽ tái sinh vào cõi lành.

Vì vậy, sống đạo đức, có giới hạnh để mang lại lợi ích cho tự thân và xã hội trong hiện tại và cả tương lai luôn là nếp sống của những người con Phật.

Năm giới cấm này là nền tảng của trí tuệ, đạo đức, tình thương và giải thoát. Người có nhận thức rõ ràng nhân quả tội báo mới giữ giới luật được, nên gọi là người có trí tuệ. Người không phạm vào các hành động trộm cắp, tà dâm, uống rượu là người có đạo đức. Người không giết hại thú vật để ăn thịt là người có tình thương. Người giữ giới luật nghiêm túc sẽ không gây tạo ác nghiệp, không bị quả báo luân hồi trong ba ác đạo, là nhân của giải thoát, vì có giới sẽ có định, có định sẽ có huệ. Giới, định, tuệ là nền tảng của giải thoát. Như vậy, người giữ giới luật đầy đủ là người có trí tuệ, có đạo đức, có tình thương và giải thoát. Một người giữ trọn vẹn năm giới này là một người an vui hạnh phúc. Một nhà giữ trọn vẹn năm giới này là một nhà được hạnh phúc. Một xã hội giữ trọn vẹn năm giới này là một xã hội hạnh phúc. Một đất nước giữ trọn vẹn năm giới này là một đất nước hạnh phúc. Cả thế giới giữ được năm giới này thì thành Tịnh độ.

Xuất phát từ nhận thức bằng kinh nghiệm tự thân ấy, chúng ta tự động nguyện không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không dùng các chất làm say gây nghiện. Từ đây năm giới không còn được ngộ nhận như những điều ràng buộc, cấm đoán mất tự do nữa mà chính là giềng mối của đạo đức, của nếp sống an lạc giải thoát.

Xem Thêm:   Người niệm Phật gặp người phỉ báng Phật chỉ nên chắp tay mỉm cười

4. Tầm quan trọng của việc giữ giới theo kinh điển Phật giáo

“Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo rằng:

– Này chư Hiền, Tỳ-kheo phạm giới tất làm tổn hại việc thủ hộ các căn. Giữ giới thì không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

– Này chư Hiền, giống như cây nào mà rễ bị tổn hại thì thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá không thể thành được. chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Nếu ai phạm giới thì làm tổn hại việc thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.

– Này chư Hiền, Tỳ-kheo thủ hộ giới thì thường không có sự hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.

– Này chư Hiền, giống như cây nào mà rễ không hư thì thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá đều thành tựu. Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng như vậy. Nếu ai giữ giới thì thường không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết-bàn.

Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Tập tương ưng, kinh Giới [II], số 48)

Trong phẩm Tập tương ưng này, lộ trình căn bản hướng đến thành tựu Thánh quả A-la-hán căn bản vẫn là “Giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát, chứng đắc Niết-bàn”. Ở pháp thoại trước (kinh Niệm, số 44), Thế Tôn đã nói đến vai trò của hộ trì các căn, giúp cho hành giả thành tựu giới. Pháp thoại này, Thế Tôn nhấn mạnh đến vai trò hỗ tương giữa giữ giới và hộ trì các căn, “phạm giới tất làm tổn hại việc thủ hộ các căn”.

Thực ra giữ giới và hộ trì các căn tuy là hai nhưng lại không tách rời, liên hệ mật thiết với nhau. Phòng hộ các căn cũng là một hình thức giữ giới nhưng linh động hơn và không có giới điều. Không phòng hộ các căn là buông lung, phóng dật chạy theo nghiệp tùy duyên dấy khởi. Nếu hàng rào phòng thủ các căn bên ngoài sụp đổ thì lá chắn tiếp theo là giữ giới bị lung lay, nguy cơ phạm giới có thể xảy ra. Ngược lại, một khi đã phạm giới thì dễ duôi với việc hộ trì các căn, khả năng phòng hộ bên ngoài càng thêm yếu ớt. Từ đó phạm hạnh bị tổn hại và hành giả khó tiến xa trên đường đạo.

Vì vậy, khi tu tập giữ giới tinh nghiêm sẽ gia cố thêm cho phòng hộ các căn. Phòng hộ các căn vững chắc sẽ giúp cho giới hạnh thêm viên mãn. Nền tảng cho phòng hộ các căn chính là chánh niệm, tỉnh giác. Trong đó, chánh niệm thuộc chi phần Định, tỉnh giác thuộc chi phần Tuệ. Nên khi giữ giới nghiêm cẩn, phòng hộ các căn trọn vẹn thì ngay đó có mặt các phẩm tính của Giới – Định – Tuệ. Đã có các phẩm tính của Giới – Định – Tuệ thì hành giả có hy vọng sẽ tiến đến thành tựu giải thoát, Niết-bàn.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

114 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog