Làm thế nào mới có thể tu pháp sám hối có hiệu quả? Tôi lại nói với các vị một phương pháp rất đơn giản đó là niệm Phật.
Làm thế nào mới có thể tu pháp sám hối có hiệu quả? Tôi lại nói với các vị một phương pháp rất đơn giản (hai mươi điều này – sám trừ mười loại tâm thuận sinh tử luân hồi và tu mười loại tâm nghịch sanh tử luân hồi- thảy đều bao gồm trong đó), đó là “niệm Phật”, miệng niệm A Di Đà Phật, tâm tưởng A Di Đà Phật, thân lạy A Di Đà Phật, ba nghiệp của chúng ta đều cung kính A Di Đà Phật, vậy thì được rồi.
Cho nên, trong nhà chúng ta cúng một tượng A Di Đà Phật, thường hay tưởng một vị Phật này, trong lòng của bạn liền thật có Phật.
Cúng tượng Phật, chúng ta chỉ nên cúng một vị, không nên thường hay đổi, vì nếu thường hay đổi thì khi thì bạn tưởng vị này, khi thì tưởng vị kia, vấn đề phiền phức liền đến, đến khi lâm chung rốt cuộc thì A Di Đà Phật hiện ra tướng gì để tiếp dẫn ta? Cho nên, tốt nhất cả đời chỉ cúng một tôn tượng của A Di Đà Phật.
Khi tôi mới bắt đầu học Phật, có một vị lão cư sĩ tặng tôi một tượng A Di Đà Phật bằng sứ, cũng rất nổi tiếng, là đầu năm nhà Thanh, đại khái cũng có hơn 300 năm lịch sử, hiện tại được cúng ở trong Thư viện Hoa Tạng của chúng ta tại Đài Loan.
Tôn tượng này rất hiếm, chúng tôi thường hay đi khắp nơi, cho nên tôi liền thỉnh tượng Phật ra, chụp hình tượng Phật này. Sau khi chụp rồi, tôi liền in ấn số lượng lớn. Tôi đã in sắp gần một trăm mấy chục ngàn tấm, phân tặng cho mọi người cúng dường.
Hiện tại đi đến bất cứ nơi đâu, tôi đều mang một cuộn, không luận đến nơi nào, tôi nhìn thấy chính là tượng Phật này, như vậy ấn tượng của tôi sẽ rất sâu với tượng Phật này.
Mấy năm gần đây nhất, Đài Loan điêu khắc tượng Phật rất tiến bộ, họ chiếu theo kiểu dáng đó khắc ra cho tôi một tượng cũng rất giống. Hiện tại dường như đã làm ra khuôn rồi, giống như tượng Phật này. Ở Đài Loan đại khái đã có một hai trăm tượng rồi. Tượng này điêu khắc rất đẹp, rất khó được.
Cho nên nói là thường hay tưởng Phật, không nên khởi vọng tưởng, không nên nghĩ thứ khác, nghĩ thứ khác thì là tạo tội nghiệp. Chúng ta ngày ngày tưởng Phật, niệm Phật, lạy Phật. Nhất là người trung niên trở lên, hiện tại vận động quá ít, ra cửa là ngồi xe, ở tại nhà thì ngồi sa lông rất là thoải mái, đều ít vận động. Nếu không động thì cái máy này dần dần sẽ lão hóa, nó liền sanh ra bệnh tật, cho nên nhất định phải vận động.
Vận động lạy Phật là vận động tốt nhất, không hề rời khỏi Phật. Bạn mỗi ngày lạy một trăm lạy, một trăm lạy có thể phân thành hai lần, sáng sớm năm mươi lạy, buổi tối năm mươi lạy, đây là một vận động rất tốt.
Vận động cũng không rời khỏi ba nghiệp cung kính, bạn thấy tốt dường nào. Thật là thân động nhưng tâm không động. Trong tâm này đều là tưởng Phật, nhớ Phật, niệm Phật, đó là pháp sám hối thù thắng nhất.
Vào năm đầu nhà Thanh, Từ Vân Quán Đảnh Pháp sư trước tác rất là phong phú. Trong “Vạn Tục Tạng Kinh” Nhật Bản thâu tập trước tác của ông có mười loại, trong đó có một bộ sớ “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh” (chính là chú giải của “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh”).
Trong đó Ngài nói với chúng ta: “Tất cả chúng sanh tạo tội nghiệp ngũ nghịch cực trọng, bất cứ kinh luận sám pháp nào đều không cách gì sám trừ tội nghiệp đó của bạn. Sau cùng còn có một cách là niệm A Di Đà Phật có thể sám trừ tội nghiệp của bạn”.
Cho nên các vị phải nên biết, nếu các vị muốn cầu sám hối, muốn cầu tiêu tai diệt tội thì pháp nào có hiệu quả nhất? Niệm “A Di Đà Phật”! Lời nói của Ngài là có căn cứ, không phải tùy tiện nói. Ngài căn cứ ở đâu? Ngài chú giải “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh”, công án này ở ngay trong “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh”.
Trong “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh”, Vua A Xà Thế nghe lời xúi giục của Đề Bà Đạt Đa. Đề Bà Đạt Đa rất là đố kỵ đối với thành tựu hoằng pháp lợi sanh của Thích Ca Mâu Ni Phật. Ông rất thông minh, luôn là tìm mọi phương cách để phá hoại Phật pháp, trừ bỏ đi Thích Ca Mâu Ni Phật để ông thay thế vào. Đó là bá đồ của ông ấy.
Ông ấy xúi giục vua A Xà Thế (vào lúc đó vua A Xà Thế còn là thái tử), dạy ông mưu hại, dùng lời hiện tại mà nói chính là lật đổ, đoạt lấy ngôi vua của cha ông. Vua A Xà Thế nhất thời hồ đồ, giết phụ thân, hại mẫu thân, bắt mẹ ông giam lại, ông lên làm quốc vương. Đề Bà Đạt Đa nói: “Ngài làm quốc vương mới, ta làm Phật mới. Hai chúng ta hợp tác để thống trị quốc gia”.
Ông tạo ra tội ngũ nghịch thập ác, giết cha, hại mẹ, phá hòa hợp tăng, làm thân Phật ra máu, ông thảy đều làm hết. Tội nghiệp như vậy thì bao gồm tất cả pháp sám hối trong kinh luận của Phật đều không cách gì có thể sám trừ tội nghiệp của ông ấy.
Vua A Xà Thế đến lúc lâm chung mới hối hận, mới sám hối, niệm A Di Đà Phật, một lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Ông thật đã được vãng sanh. Cho nên pháp môn Tịnh Độ thật rất tốt, tạo tội nghiệp ngũ nghịch thập ác phải đọa A Tỳ địa ngục mà còn được cứu, chỉ cần bạn chân thật sám hối, thật hồi đầu.
Trong “Đại Tạng Kinh” có một bộ “A Xà Thế Vương Kinh”, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng những sự tích trong đời của ông. Chúng ta nghe Phật nói ở trên Kinh, ông vãng sanh thượng phẩm trung sanh, phẩm vị tương đối cao, đích thực là không thể tưởng tượng ra được.
Sự thật này khiến chúng ta sâu sắc cảm nhận, những người ác tạo tác tội nghiệp ở thế gian chúng ta nhất định không dám khinh khi họ. Vì sao vậy? Có lẽ họ đến lúc lâm chung sám hối vãng sanh phẩm vị còn cao hơn chúng ta, chúng ta vẫn không thể sánh với họ.
Cho nên, vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc là hai hạng người. Một là người bình thường niệm Phật, đoạn ác tu thiện tích công bồi đức, đó là chín phẩm vãng sanh. Ngoài ra còn một loại là khi lâm chung sám hối vãng sanh, những người này luôn luôn vãng sanh phẩm vị không thể nghĩ bàn, như chúng ta ở trên kinh xem thấy vãng sanh của vua A Xà Thế.
Trong lịch sử Trung Quốc có Pháp sư Oánh Kha, việc vãng sanh của ông tuy là chúng ta không biết ở phẩm vị nào, thế nhưng ở trong tưởng tượng của chúng ta thì phẩm vị nhất định không thấp. Đó là sám tội vãng sanh, chính mình chân thật biết được chính mình làm sai.
Pháp sư Oánh Kha là một người không giữ thanh qui, không giữ giới luật, một người xuất gia tạo tội nghiệp. Chỗ hay của ông chính là ông tin tưởng nhân quả báo ứng, ông chính mình biết được những gì mình đã làm thì tương lai nhất định đọa địa ngục. Nghĩ đến đọa địa ngục ông liền lo sợ, đó là cái tốt của người này.
Hiện tại có rất nhiều người khi nói đến địa ngục thì họ không sợ, cái gan này thì thật lớn, ta không thể không bội phục họ. Oánh Kha nghĩ đến đọa địa ngục thì lo sợ, cho nên ông liền thỉnh giáo với các đồng đạo là có biện pháp gì giúp ông không.
Trong đồng đạo có một người đưa cho ông quyển “Vãng Sanh Truyện”, bảo ông xem. Ông xem thấy những người niệm Phật vãng sanh trong “Vãng Sanh Truyện”, ông rất là cảm động, thế là ông hạ quyết tâm, đóng phòng của mình lại, chỉ niệm A Di Đà Phật.
Ông không ngủ, không ăn cơm, cũng không uống nước, chỉ một mạch niệm A Di Đà Phật. Ông niệm được ba ngày ba đêm quả nhiên niệm ra được A Di Đà Phật. Cho nên nói: “Thành tắc linh”.
A Di Đà Phật đến nói với ông: “Ông vẫn còn mười năm dương thọ, ông cố gắng mà tu học. Sau mười năm, đến khi ông lâm chung, ta sẽ đến tiếp dẫn ông”.
Pháp sư Oanh Kha nghe rồi liền thỉnh cầu với A Di Đà Phật, vì ông biết được tập khí của chính mình quá nặng, không cưỡng nổi mê hoặc, bên ngoài vừa dẫn dụ thì ông lại phải tạo tội nghiệp, ông biết được căn tánh của ông, cho nên ông nói: “Dương thọ mười năm con không cần. Hiện tại con muốn đi theo Ngài, nếu không thì ngay trong mười năm lại không biết là tạo thêm bao nhiêu tội nghiệp”.
A Di Đà Phật nghe rồi, liền gật đầu nhận lời ông. Ngài nói: “Như vậy tốt hơn. Ba ngày sau, ta sẽ trở lại tiếp dẫn ông”. Việc này ông vô cùng hoan hỉ, ba ngày quá tốt, ông liền mở cửa phòng ra, nói với đại chúng trong chùa: “Ba ngày sau A Di Đà Phật sẽ đến tiếp dẫn tôi vãng sanh”.
Người trong chùa nhìn thấy ông, cảm thấy đầu óc của ông có vấn đề, con người xấu đến như vậy, không phải là một người xuất gia tốt, ba ngày sau ông có thể vãng sanh sao?
Vừa mới đóng cửa ba ngày, không biết được ở bên trong đó làm những việc gì, vừa mở cửa ra thì nói ba ngày sau ông sẽ vãng sanh. Được rồi! Thời gian ba ngày rất ngắn, mọi người chờ ba ngày sau xem thử ông có vãng sanh hay không.
Đến ngày thứ ba, ông đi tắm, thay đổi bộ quần áo mới, trai giới tắm gội. Khi tụng khóa sớm, ông yêu cầu các đồng tu đưa tiễn ông, không tụng theo thời khóa thông thường, mà tụng Kinh A Di Đà, niệm A Di Đà Phật để tiễn ông.
Các bạn đồng tu đương nhiên cũng rất hoan hỉ, đây là việc tốt, khóa sớm hôm nay chúng ta chỉ niệm A Di Đà Phật. Niệm được đại khái khoảng một khắc (một khắc chính là mười lăm phút), Pháp sư Oánh Kha liền nói với mọi người: “A Di Đà Phật đến tiếp dẫn tôi rồi”. Ông từ biệt với mọi người rồi liền đi.
Bạn xem, ông không hề có bệnh, chỉ niệm có ba ngày ba đêm, thời gian không dài. Vì sao ông có thể vãng sanh? Các vị thử nghĩ xem, trong ba ngày ba đêm này cùng với nguyên lý nguyên tắc trên “Kinh Vô Lượng Thọ” đã nói là hoàn toàn tương ưng: “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm A Di Đà Phật”, cũng hoàn toàn tương ưng với Đại Thế Chí Bồ Tát nói: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục”.
Ông niệm câu Phật hiệu ba ngày ba đêm, không xen tạp, không hoài nghi, không gián đoạn, đích thực là tịnh niệm liên tục, cho nên tội của ông đều tiêu hết, cảm được Phật đến tiếp dẫn.
Cho nên sám tội này không thể không sám trừ được, vấn đề là bạn có thật phát tâm hay không, có phải chân thật muốn sám hối hay không? Nếu bạn chân thật muốn sám hối thì bạn phải học Pháp sư Oánh Kha. Ông chính mình tạo tội nghiệp nhưng không che giấu người, chính mình rõ ràng tường tận, biết chính mình đã tạo tác những gì, tương lai nhất định phải đọa địa ngục, ông có dũng khí dám nói ra. Khi nghĩ đến địa ngục thì ông lo sợ, ông chân thật cầu sám hối thì ông thật có thành công. Đó là tấm gương tốt cho chúng ta.
Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh – Tập 20
Giảng lần thứ 10 tại Singapore
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không