Bản thể của hết thảy các pháp đều là không, xưa nay vốn chưa từng có sự sinh ra, vẫn luôn bình đẳng tịch diệt, vì sao lại bỏ nơi này cầu nơi kia, muốn sinh về Tây phương cực lạc?
1. Điều nghi thứ nhất
Hỏi: Chư Phật Bồ Tát lấy lòng đại bi làm bản nguyện, nếu như muốn cứu độ chúng sanh, lẽ ra nên hóa sanh vào ba cõi, ở giữa ba đường ác nơi cõi đời uế trược mà cứu khổ, vì sao lại cầu sanh về Tịnh Độ, hoàn toàn chỉ được lợi ích bản thân mình mà xa rời hết thảy chúng sinh, như vậy chẳng phải là thiếu lòng đại từ bi, ngăn chướng trên đường giác ngộ đó sao?
Đáp: Bồ Tát có hai hạng. Một là các vị Bồ Tát tu hành đã lâu, từng được thân cận với chư Phật, đã chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn. Hai là các vị Bồ Tát chỉ vừa với phát tâm, chưa từng thân cận với chư Phật, cũng chưa chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn.
Vị tu hành đã lâu ắt có sức thần thông lớn, cho nên có thể hóa hiện thành chư thiên, đế vương, quỷ thần hay súc sanh, vào ra trong sinh tử, rộng độ chúng sanh. Nếu như kẻ mới tu hành, sức lực yếu kém mỏng manh, tuy đã phát tâm Bồ-đề nhưng vẫn còn ở địa vị phàm phu, bệnh khổ của chính mình còn chưa thể tự cứu, làm sao có khả năng cứu độ người khác?
Cho nên, Đại trí độ luận có dạy: “Nếu nói rằng kẻ phàm phu còn đầy phiền trược, có tâm đại bi, nguyện sinh vào cõi đời ô trược để cứu khổ chúng sinh, thật không có lý ấy. Vì sao vậy? Vì trong cõi đời với năm sự uế trược, những thứ như âm thanh, hình sắc, tiền tài, danh lợi… từng giây từng phút không ngừng lôi kéo trói buộc, lại những kẻ oán thù, phiền não luôn vây quanh dày đặc, chỉ cần một chút sơ sẩy đã rơi ngay vào đường đọa lạc.
Ví như được sinh làm người, củng khó lòng gặp có lúc Phật ra đời. Ví như được gặp Phật ra đời, củng rất khó sinh lòng tin nhận. Lại như may mắn khởi lòng tin Phật, xuất gia tu hành, sang đời sau lại gặp hoàn cảnh phú quý sung túc, chưa hẳn đã tránh được sự mê đắm vào trần duyên mà tạo nhiều nghiệp ác. Nếu do đó mà không còn được sinh làm người, thì biết bao giờ mới có thể đạt được sự giải thoát?
Vì thế, người có trí tuệ thì muốn cứu độ chúng sanh, trước hết phải cầu cho tự thân mình được gặp Phật. Nếu như có thể phát tâm niệm Phật được nhất tâm bất loạn, chắc chắn được vãng sanh. Khi ấy tự mình đã được thân kim cương bất hoại, ắt có đủ khả năng thực hiện tâm nguyện cứu độ vạn loại chúng sinh. Cũng như muốn cứu người đuối nước giữa sông, ắt tự mình phải có được thuyền bè để nương theo, sau đó mới có thể cứu người ra khỏi nước. Nếu không có gì hổ trợ mà liều lĩnh nhảy xuống cứu người, ắt khó tránh khỏi phải cùng nhau chết chìm. Cho nên, không phải là thiếu tâm từ bi, mà là khéo biết sử dụng tâm từ bi ấy.
2. Điều nghi thứ hai
Hỏi: Bản thể của hết thảy các pháp đều là không, xưa nay vốn chưa từng có sự sinh ra, vẫn luôn bình đẳng tịch diệt, vì sao lại bỏ nơi này cầu nơi kia, muốn sinh về Tây phương cực lạc? Trong kinh dạy rằng: “Tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh”. Nếu muốn cầu được cõi thanh tịnh, trước hết phải làm thanh tịnh tâm mình. Vì sao không cầu tâm thanh tịnh mà lại cầu sinh về Tịnh Độ?
Đáp: Người muốn sinh về Tây phương cực lạc, nếu cho là bỏ nơi này cầu nơi kia, vậy người không cầu sinh về Tây phương cực lạc, có lẽ nào lại không phải là bỏ nơi kia cầu nơi này? Nếu nói rằng dù nơi này hay nơi kia củng đều không cầu sinh về, đó là rơi vào chấp đoạn, cho rằng sau khi chết là hết. Nếu nói rằng đối với nơi này hay nơi kia củng đều không buông xã, thì đó là rơi vào chấp thường, cho rằng tất cả đều còn mãi.
Kinh Duy-ma dạy: “Tuy biết rằng các cõi Phật cùng với tất cả chúng sinh đều là không, nhưng vẫn thường tu tập làm thanh tịnh cõi nước, giáo hóa tất cả chúng sinh.” Vì thế tuy phát tâm mãnh liệt cầu vãng sinh, củng không phải là chống trái với lý vô sinh.
Đến như lời dạy “Tâm thanh tịnh cõi Phật thanh tịnh”, củng phải được hiểu theo cả hai phương diện sự tướng và lý tánh. Nếu xét về lý tánh, vì sao lại cho rằng người cầu sinh về Tịnh Độ thì tâm không thanh tịnh, còn người không cầu sinh Tịnh Độ thì ngược lại có tâm thanh tịnh? Như xét về sự tướng, nếu giữ được tâm thanh tịnh giữa cõi đời xấu ác có năm sự uế trược, sao bằng củng giữ tâm thanh tịnh như thế mà ở giữa thế giới cực lạc? Huống chi là trong trường hợp người ở cõi đời uế trược này, tuy cầu thanh tịnh nhưng trong tâm thật không thanh tịnh, so với người sinh về cực lạc, tuy không cầu thanh tịnh mà tâm vẫn tự nhiên thanh tịnh?
BỒ TÁT LONG THỤ ĐƯỢC THỌ KÝ VÃNG SINH
Kinh Lăng-già có chép rằng: “Này Đại Tuệ, ông nên biết rằng, sau khi đức Như Lai nhập diệt Niết bàn, trong tương lai sẽ có một người thọ trì gìn giữ giáo pháp của Như Lai, là bậc Tỳ-kheo có danh tiếng lớn, có công hạnh lớn, hiệu là Long Thụ. Vị ấy có khả năng phá trừ những thuyết chấp có và chấp không, làm rõ Giáo pháp Vô thượng Đại thừa ở giữa thế gian này. Vị ấy sẽ chứng đắc địa vị ban đầu của Thập địa là Hoan hỷ địa, được vãng sinh về thế giới Cực Lạc.”
3. Điều nghi thứ ba
Hỏi: Các cõi Phật trong khắp mười phương, công đức đều bình đẳng như nhau. Vì sao không rộng nghĩ đến hết thảy các công đức, cầu sinh về hết thảy các cõi Phật thanh tịnh, mà chỉ riêng cầu sanh về cõi thanh tịnh của đức Phật A Di Đà mà thôi?
Đáp: Cõi nước thanh tịnh của chư Phật tất nhiên đều bình đẳng. Chỉ có điều là, đa số chúng sanh căn tánh ngu độn, uế trược tán loạn, nếu không chuyên tâm một nơi thì pháp định tâm khó lòng thành tựu. Cho nên, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà, đó chính là pháp định tâm hướng về một đối tượng duy nhất.
Kinh Tùy nguyện vãng sinh chép rằng: “Bồ tát Phổ Quảng thưa hỏi Phật: “Trong mười phương đều có các cõi Phật thanh tịnh, Thế Tôn vì sao nghiêng hẳn về việc xưng tán cõi tịnh độ ở phương tây của đức Phật A Di Đà, chỉ dạy người cầu sinh về đó?”
“ Phật dạy Bồ tát Phổ Quảng: Chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề, tâm tánh uế trược tán loạn, về thế nên ta nghiêng về xưng tán duy nhất một cõi Phật thanh tịnh ở thế giới Cực Lạc phương tây mà thôi, để giúp cho chúng sinh chuyên tâm vào một cảnh giới duy nhất mới dễ được vãng sanh.”
Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Hết thảy thân Phật củng đều là một thân Phật. Củng giống như một vầng trăng tròn sáng, phản chiếu trong hết thảy những nơi có nước”.
Cho nên biết rằng, niệm một vị Phật tức là niệm hết thảy chư Phật, vãng sinh về một cõi tịnh độ củng không khác gì vãng sinh về hết thảy các cõi tịnh độ.
CHUYỆN VÃNG SINH CỦA CÁC VỊ CAO TĂNG
Đại sư Đàm Loan
Đời hậu Ngụy có đại sư Đàm Loan, thuở nhỏ đến núi Ngũ Đài, cảm sự linh dị mà xuất gia nhưng trong lòng lại ưa thích thuật trường sinh của Đạo giáo, nên có nhận 10 quyển Tiên kinh của Đào Ẩn Cư.
Về sau, ngày được gặp Đại Sư Bồ -Đề -Lưu -Chi, thưa hỏi “Đạo Phật có thuật trường sinh bất tử không?” Ngài Bồ -Đề -Lưu-Chi cười nói: “Trường sinh bất tử chính là của đạo Phật.”Liền truyền cho một quyển kinh Thập Lục Quán, dạy rằng: ”Con học được kinh này thì không còn tái sinh trong ba cõi, không còn rơi vào 6 đường luân hồi nữa, còn nói về tuổi thọ thì dù tính số kiếp thạch nhiều như cát sông cũng không bằng được.”
Ngài Đàm Loan hết sức vui mừng, liền đốt sạch Tiên kinh, từ đó chuyên tâm tu theo pháp môn tịnh độ. Ngài hình trì tinh tấn, quanh năm dù thời tiết mưa nắng, nóng lạnh cũng chưa từng giải đãi chút nào. Vua Ngụy cung kính gọi ngài là Thần Loan.
Một hôm, ngài gặp một vị Tăng Ấn Độ đến bảo:” Tôi là Long thụ, vì cùng chí hướng tu tập với ông nên đến đây gặp mặt.” Ngài đàm loan nhân đó tự biết đã đến lúc ra đi, liền tập hợp tăng chúng rồi răn nhắc rằng: “ Những nỗi khổ ở địa ngục, các ông không thể không sợ sệt; chín phẩm tòa sen nơi tịnh độ, các ông không thể không gắng tu? Ngài răn nhắc rồi liền dạy đệ tử cùng nhau lớn tiếng niệm Phật. Ngài quay về hướng tây cung kính lễ lại xong rồi viên tịch. Tăng chúng đều nghe có tiếng nhạc trời vọng từ phương tây dần tới, hồi lâu mới dứt.
Trích: Tịnh Độ Thập Nghi Luận!