Pháp Giới 11 tháng trước

Sống an vui có đơn giản không? Làm sao để sống an vui, hạnh phúc?

Làm thế nào để sống an vui, hạnh phúc là câu hỏi tưởng chừng rất khó nhưng thật ra rất dễ, nếu bạn làm được những điều này thì cuộc sống tự ắt an vui, hạnh phúc.

1. Biết đủ

Bình an là hạnh phúc, biết đủ là phước lành, trái tim trong sạch là của cảc, ít ham muốn là trường thọ. Tâm trí con người bị thu hẹp bởi nhiều ham muốn và được khai mở nếu giảm bớt ham muốn của bản thân.

Thà nghèo khổ một chút mà vui vẻ, ngày đi làm, tối về ăn cơm no rồi lên giường đánh một giấc thật ngon, vô tư vô lo còn hơn giàu sang mà sống mệt mỏi, áp lực, ngày nào cũng lo lắng đủ thứ.

Chúng ta cần bớt phức tạp hóa mọi vấn đề lên thì tâm sẽ được thanh thản, đừng tham lam và ghen tị với người khác thì đêm về mới ngủ ngon. Người mà cứ bực dọc, ghen ghét, sân si thì khó có thể biết đủ.

Năng lực vô tận, phước báo vô tận, lợi ích vô tận, trí tuệ vô tận. Hạnh phúc là coi thường những ham muốn vật chất và những rắc rối của thế gian, bằng lòng và hạnh phúc với những gì mình đang có. Giàu có về tinh thần là giàu có thực sự.

Trong kinh Di Giáo, lời Phật dạy: “Người sống biết đủ, tuy nằm trên đất vẫn thấy an lạc; người sống không biết đủ, dù ở thiên đường cũng không vừa ý”.

Càng nhiều tham muốn, dục vọng thì càng nhiều phiền não khổ đau, đến lúc nhắm mắt xuôi tay trở về cùng cát bụi mới hay những gì đã trải qua như giấc mộng.

2. Làm việc tốt mỗi ngày

Phật giáo có chủ trương tuân thủ giới luật và làm việc thiện để thu thập phước báo, mở ra cánh cửa trí tuệ và dẫn đường đến quả vị là giác ngộ được tư tưởng của Phật. Nói theo cách khác thì làm việc thiện là cách duy nhất để đi đến con đường đạo Phật, tu tập.

Trong kinh, Đức Phật dạy “không làm các việc ác, nên làm các việc lành”, đó đích thực là chân lý của Phật hướng tới. Phật tử ở khắp thế gian này sống khá vội, nhịp sống rất nhanh, mỗi người đều ở trong trạng thái bận rộn, dấn thân vào xô bồ của cuộc sống.

Để tu tập thiện pháp, các Phật tử có thể tuân theo nguyên tắc “mỗi ngày làm một việc thiện”, nếu làm được như vậy thì công đức là vô lượng và vô biên. Vì vậy, làm một việc thiện mỗi ngày là một trong những cách tốt nhất để gieo trồng phước lành cho bản thân và cho đời.

Mỗi ngày hãy làm một việc tốt và tích lũy những điều tốt để trở thành người có nhiều phước đức, Phật tin rằng hững người sẵn sàng làm việc thiện, tâm trong sạch, muốn hướng thiện tích đức sẽ không dễ dàng bỏ qua cơ hội tốt này.

Tùy vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi người, nhưng cốt lõi của mọi việc thiện không phải đo bằng tiền bạc mà lấy chiều sâu chữ “tâm” làm tiêu chí. Làm từ thiện trước hết không nhất thiết là phải rộng rãi tiền bạc nhưng phải rộng cả tấm lòng. Tình yêu, lòng tin và lòng biết ơn, thực ra không cần quan trọng hình thức bên ngoài.

Xem Thêm:   Bố thí ba la mật là gì? Công đức của sự bố thí Ba-la-mật

Người làm việc thiện mà không cần nói, nhìn thấu từ những việc nhỏ nhặt, hòa tan vào bên trong mọi ý niệm, không vì cuộc sống tương lai, không vì hưởng thọ kết quả, chỉ vì một ý niệm cầu thiện, như vậy là đã có phước báu rồi.

3. Biết tận hưởng niềm vui

Trong cuộc sống, đa số con người đều có lòng tham, theo đuổi nhà cao cửa rộng, tiền đầy két, ống xa hoa truỵ lạc. Bạn chỉ cần một khung cảnh lãng mạn, một chiếc ghế đá dưới rặng hoa, một ngôi nhà đủ ấm cúng, mùa thu ngắm lá rơi, mùa hè ngồi nghe gió thổi nhè nhẹ, hát một bài hát, nghe một bản nhạc, thưởng thức một tách trà và tận hưởng phút giây thoải mái tự mình sẽ cảm thấy sung sướng.

Nhà ở thoải mái, tiện lợi thì sao phải thích nhà cao cửa rộng lên lầu, xuống lầu. Thật tuyệt vời khi có một bài hát, một tách trà, ngày ngày trồng hoa, trồng rau và thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên phải không?

Con người ở đời càng tham lam, không biết điểm dừng, không biết thỏa mãn, dành cả đời để theo đuổi sự xa hoa, đến cuối cùng cũng nhận lấy báo ứng, bẽ bàng với 2 bàn tay trắng mà thôi.

4. Luôn nở nụ cười

Nếu khuôn mặt của bạn luôn luôn tươi tắn, vui vẻ, truyền lòng tốt và sự tử tế đến những người xung quanh thì bạn sẽ hình thành được những mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh.

Nếu chưa thể tu theo đạo Phật, trước hết bạn nên kết thiện duyên. Giữa những điều đắt đỏ trong cuộc sống, nụ cười rất dễ cho đi. Khi bạn trao đi một nụ cười, bạn sẽ có ngay một nụ cười khác để cất giữ.

Người quen hay người lạ mà nhìn nụ cười cũng có thể cảm nhận được lòng tốt của bạn. Bằng cách này, bạn sẽ có ít kẻ thù và ít xung đột hơn trong cuộc sống, làm gì cũng trở nên suôn sẻ, mang trên mình vẻ đẹp thân thiện, dễ gần, điều này đã bắt đầu cải thiện số phận của bạn.

5. Giữ tâm đơn giản

Nếu tâm thái của bạn đơn giản rồi thì bạn sẽ có tâm trí để quản lý cuộc sống, khi cuộc sống đơn giản, thì sẽ có thời gian để tận hưởng cuộc sống.

Chúng ta phải học cách tự quản lý cuộc sống của chính mình, không phải ngày nào cũng sống theo lịch trình lộn xộn, cũng không phải là chịu đựng mọi thứ mỗi ngày, mà là để tận hưởng mỗi ngày, điều này đòi hỏi chúng ta phải có kinh nghiệm quản lý.

Có quá nhiều niềm vui và nỗi đau, quá nhiều niềm vui và nỗi buồn, quá nhiều rắc rối và phiền não trên thế giới này. Cách duy nhất để luôn bình yên là bạn phải sống đơn giản để được hạnh phúc.

Ở đâu có người hạnh phúc, ở đó có tiếng cười. Tự thân người hạnh phúc luôn có sẵn sự lạc quan, nên họ biết cách tạo bầu không khí tươi vui. Đối với họ, mang đến niềm vui và chia sẻ niềm vui chính là cách khiến bản thân hạnh phúc.

Người hạnh phúc luôn toát lên một nguồn năng lượng lạc quan khiến mọi thứ xung quanh trở nên nhẹ nhàng và ngập tràn cảm hứng. Hãy duy trì những cảm xúc tốt đẹp trong chính bạn để truyền hạnh phúc đến những người thân yêu!

Xem Thêm:   Những điều quan trọng mà Phật tử tại gia cần biết
6. Không đố kỵ

Tạo hóa ban cho mỗi người một phận số khác nhau. Có người giàu kẻ nghèo, có người giỏi, có người phấn đấu cả đời vẫn thất bại, có người chỉ một lần may mắn đã thành công. Chính vì vậy, sinh lòng đố kỵ ở tâm mỗi người là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thành công của người khác mà phấn đấu, thì đố kỵ đó theo chiều hướng tích cực và giúp bản thân mỗi người tự hoàn thiện hơn. Còn ngược lại, nếu chỉ vì lòng ganh ghét thù hiềm, sân hận với chính thành công của người khác, thì tất yếu sẽ chuốc lấy khổ đau cho chính mình.

Mỗi người trong chúng ta đều nên nhớ rằng, sở dĩ kiếp này có được an lạc và thành công, chính là vì những nghiệp duyên đã tạo nên từ kiếp trước. Thành công của một người được tạo nên từ rất nhiều nguyên do.

Chính vì vậy, nếu không có được sự thành công như của họ, thì chớ đem đó làm phiền muộn thù hiềm, sự đố kỵ mù quáng chỉ làm ta quên đi mục đích chính mà mình đến với thế giới này.

Thay vào đó, hãy tự mình vươn lên, lấy thành công của người khác làm động lực, lấy thất bại của chính mình làm bài học, đó mới chính là cách tốt nhất để an nhiên tự tại với những gì mình có được.

7. Không thù hận

Không khó để nhận thấy rằng, mãi ôm sân hận trong lòng thì khó lòng đạt đến cảnh giới của hạnh phúc. Con người ta, có những niềm hạnh phúc rất giản đơn, ăn một bữa ngon, gặp một người thân lâu ngày xa cách, gặt hái được một thành công nhỏ trong công việc… đó đã là một hạnh phúc. Tuy nhiên, giữ mãi trong lòng một mối hận thù nào đó, thì dù là bạn thành công bao nhiêu, vẹn toàn bao nhiêu, vẫn thấy canh cánh trong lòng nỗi sầu muộn.

Thù hận được tạo nên từ đâu? Có một câu chuyện rằng, chàng trai nọ yêu cô gái kia nhưng bị gia đình nhà gái cấm đoán vì gia cảnh nghèo khổ. Thế rồi vì bị sỉ nhục, chàng trai ôm mối hận trong lòng và quyết tâm trả thù. Chàng gạ gẫm ngon ngọt với người yêu, để đến khi cô trao thân và mang bầu với anh ta được 5 tháng thì mới báo gia đình cô gái biết. Cái thai lúc này quá lớn không bỏ được, nhà gái đành ôm hận mà cho cưới. Chàng trai hả hê vì đã trả thù được cha mẹ vợ tương lai, nhưng chính lòng hận thù đã khiến chàng quên đi tình yêu của mình và vợ, để rồi mỗi ngày lại nhiếc móc sỉ vả cô gái chỉ để thỏa cái tôi đã bị tổn thương của mình. Sự thù hận đã không cho chàng cảm nhận được hạnh phúc mà chàng đang có, để rồi một ngày cô vợ chịu đựng không được nữa và rời đi, thì lúc ấy, nỗi ân hận đã không thể nào mang hạnh phúc trở về.

Nỗi thù hận như một liều thuốc độc gặm nhấm tâm hồn con người, dần dần biến chúng ta theo một chiều hướng tiêu cực và mục đích trả hận sẽ ngăn chặn con đường đến an lạch hạnh phúc. Ngẫm ở đời, mấy ai trả được hận thù mà thanh thản, hay lại canh cánh trong lòng một nỗi niềm khác, để rồi khi thác đi, thì điều ân hận nhất lại chính là việc mình đã mang cả tuổi trẻ để đeo đuổi một mỗi hận thù vốn dĩ nên để chúng ta vào hư vô?

Xem Thêm:   Tây Phương Du Ký PDF – Truyện kể của Pháp Sư Khoan Tịnh
8. Đừng kiêu ngạo

Theo cá nhân của người viết bài này, thì sự kiêu ngạo cũng là một trong những điều cần phải được từ bỏ để tâm an lạc và tìm kiếm được an vui trong cuộc sống. Sự kiêu ngạo chính là một sự biểu đạt của cái tôi cá nhân quá lớn trong đời.

Người kiêu ngạo nhìn người khác chỉ bằng nửa con mắt, coi người khác luôn thấp kém hơn mình, và từ đó, nảy sinh thái độ khinh thường người khác mà tự tôn vinh chính mình. Tuy nhiên, thứ mà họ nhận được từ thái độ đó là gì?

Chúng sinh trên khắp cõi đời đều bình đẳng. Không phải vì bạn giỏi hơn, bạn làm chức to hơn, bạn có nhiều quyền lực hơn mà có quyền kiêu ngạo với người khác. Bởi điều này sẽ chỉ khiến bạn lu mờ trước khả năng thực tại của bản thân.

Thứ hào nhoáng bên ngoài mà bạn đang tạo nên chỉ khiến giá trị của bạn trong mắt người khác giảm xuống mà thôi. Rồi đến khi thất thế, mấy ai là người có thể cảm thông chia sẻ?

Nhân quả ở đời, vốn dĩ cũng từ thái độ cách sống của chúng ta mà ra. Hãy giữ lòng thanh bạch, giữ thái độ ôn hòa với tất cả, mỗi người đều có điểm mạnh và mặt yếu của họ, một người ăn xin vẫn có điều để chúng ta tôn trọng. Tu thân và tu tâm chính là từ những việc nhỏ nhất đó mà ra. Nguồn căn của hạnh phúc chính là vậy.

9. Không soi lỗi lầm của người

Soi xét lỗi lầm của người rồi lấy đó làm sự chế nhạo, khinh bỉ, dè bỉu? Liệu bạn có hạnh phúc với những điều đó?

Tôi còn nhớ một câu chuyện về 3 tỳ kheo đang trong một khóa luyện tu tịnh khẩu. Mỗi ngày, họ đều phải bê một thau nước, choàng lên đầu 1 cái khăn và nhắm mắt, tịnh tâm, không được trò chuyện. Thế rồi vô tình 1 tỳ kheo mở mắt và thấy chiếc khăn của người thứ 2 rơi vào thau nước. Vì không nói chuyện, nên người này chỉ biết rên ư…ư…như một cách báo hiệu cho người kia biết. Tỳ kheo bị rớt khăn thấy vậy mở mắt ra, khó chịu nói: đã tu tịnh khẩu còn ư…ư…cái gì chứ! Lúc này, vị thứ 3 lại cười lớn nói: nãy tới giờ chỉ có mình mình là giữ được im lặng!

Câu chuyện gây cười nhưng lại đọng cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Ai trong 3 người mới thật sự đang tu? Hẳn là không ai cả. Vốn dĩ người ta chỉ nhìn thấy được lỗi lầm của người khác nhưng lại không nhìn thấy lầm lỗi của chính mình. Đó là tình trạng chung của người. Và vì như vậy, chỉ mải đi soi lỗi lầm của người khác, để rồi lấy đó làm sự bực bội trong tâm, liệu rằng sự an lạc và hạnh phúc có thật sự đến?

Muốn hạnh phúc, không đơn giản nhưng lại cực kì đơn giản. Tu tập mỗi ngày, từ thiện bố thí mỗi ngày nhưng lại không tự giải quyết được trong tâm thì cũng không thể nào có được cuộc sống viên mãn không muộn phiền. Chính bởi thế, học cách buông bỏ những thứ không cần thiết trong cuộc sống mới chính là bí quyết để tìm đến hạnh phúc cho mình.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

6 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog