Pháp Giới 11 tháng trước

Những câu chuyện linh ứng về tượng Phật, tượng Bồ Tát

Nghe lời ấy, ngày đêm Sư lại thêm tinh tấn tu hành, không khi nào biếng trễ. Đến năm tám mươi chín tuổi, một hôm nọ, Huệ Cảnh từ giã đại chúng, rồi an nhiên vãng sinh.

1. Chỉ cần một lần lễ bái tượng Địa Tạng Bồ Tát, có vào địa ngục cũng được cứu

Mùa hạ năm trước, tôi đưa mẫu thân đến miền Trung thăm người em mấy năm không gặp. Vừa bước vào gian giữa, thấy nhà có thờ hai thánh tượng Bồ-tát Địa Tạng, đèn nhang nghi ngút, trông hết sức trang nghiêm và thanh tịnh, tôi chắp tay xá. Đúng lúc dì đang lễ Phật. Chờ dì lễ xong, ngồi xuống ghế đâu vào đó, tôi cung kính thưa:

– Thưa dì! Dì quay về nương tựa Tam Bảo bao lâu rồi?

Dì cười hết sức sảng khoái:

– Thật cảm tạ sự gia hộ của 10 phương chư Phật, Bồ- tát, nếu không có duyên với Tam Bảo, dì bị đọa vào địa ngục rồi.

Tôi không hiểu ý dì muốn nói, lòng đầy nghi vấn, thưa hỏi:

– Là nhân duyên gì? Vì sao dì phát tâm quay về nương tựa Tam Bảo? Không ngờ chỉ có mấy năm không gặp, dì có nhiều thay đổi đến vậy!

Dì nhìn chăm chăm thánh tượng Bồ-tát, hồi tưởng:

– Mấy năm trước dì đến thăm nhà một người bạn cũ, thấy có thờ thánh tượng Bồ-tát Địa Tạng. Nhìn tôn tượng bỗng nhiên lòng dì hoan hỉ vô cùng, không hiểu động lực nào khiến dì chắp tay xá, sau khi ra về cũng không còn nhớ việc này. Giờ nghĩ hối hận vô cùng.

Trước đó, bất luận ngày lễ gì, dì cũng giết rất nhiều súc vật để cúng tế. Ngày 23.03 âm lịch hai năm trước, nhân ngày thị hiện của thánh mẫu Ma Tổ, nhà nhà đều giết súc vật cúng tế; nhà dì là nhà giàu có tiếng trong vùng, lại là tín đồ kiền thành của Ma Tổ, đương nhiên giết nhiều gà vịt cúng tế hơn các nhà khác.

Dì làm 20 mâm cỗ, mời bạn bè đến ăn uống nhậu nhẹt ca hát. Vô minh che lấp, dì cứ ngỡ như vậy là hãnh diện và công đức nhiều lắm, lại nghĩ mình khuyến hóa nhiều người tin Ma Tổ như vậy, nhất định sẽ được Ma Tổ gia hộ.

Ăn uống no say, hơn 8 giờ mọi người ra về hết. Dì chiêu đãi khách, chạy lên chạy xuống, bận rộn cả ngày, hết sức mệt mỏi. Khách vừa về, dì bảo người ở lấy nước nóng cho dì tắm, rồi lên giường nằm nghỉ. Nhưng không hiểu sao, nằm lăn qua lăn lại mãi vẫn không thể chợp mắt.

Đêm khuya tĩnh mịch, bỗng mưa gió ầm ầm, dì cảm thấy rờn rợn trong người. Dì ngửi thấy trong phòng đầy mùi máu tanh, lại nghe tiếng gà, vịt… kêu la. Khó chịu, muốn ói, hơi thở khó khăn, muốn gọi nhưng gọi không được, toàn thân cứng đờ, dì ngất lịm đi lúc nào không biết.

Sáng sớm hôm sau tỉnh lại, toàn thân đau buốt, tay chân nhấc không nổi, cử động không được, hai mắt thâm quầng, mặt mày xanh xao… Bệnh nặng phát khởi, nằm mê man, hơi thở yếu dần. Trong mê, dì thấy mình đến một nơi rất sâu tối tăm không gì sánh được. Dì sợ hãi, hoảng hốt kêu cứu. Bỗng phía trên xuất hiện một làn ánh sáng, chiếu thẳng đến thân, giúp dì hết sợ hãi, an ổn vô cùng.

Xem Thêm:   Cúng dường Tam Bảo hàng ngày tích lũy công đức thù thắng

Một vị tăng dung mạo như trăng tròn, đắp ca-sa, đi ra từ ánh sáng đó, vị ấy đưa tay kéo dì lên, dì được cứu thoát. Dì đi theo thầy đến một nơi rộng rãi sáng sủa, thầy nhẹ nhàng nói: “Bần tăng là Bồ-tát Địa Tạng mà mấy năm trước con lễ bái ở nhà bạn con đó! Vì con giết hại quá nhiều sinh mạng, do đó chúng đến đòi, bằng mọi giá cũng không chịu buông tha, nhất định sau khi chết con sẽ bị đọa vào địa ngục, thọ khổ vô lượng. Song nhờ một niệm chí thành, sinh tâm hoan hỉ khi chiêm ngưỡng hình tượng thầy, được miễn tội địa ngục, khỏi chịu khổ báo. Hiện tại nghiệp xấu ác trong con vẫn còn, từ đây về sau nên chí thành sám hối, phát nguyện làm mới, tuyệt đối không được sát sinh nữa, thương yêu bảo hộ chúng sinh, thường xuyên bố thí, làm thiện tích chứa phước đức.”

Nói xong Người liền ẩn mất. Tỉnh dậy, dì vẫn còn nhớ như in những chuyện xảy ra trong giấc mộng, kể lại cho cả nhà nghe, mọi người bán tín bán nghi, không biết thật hay giả. Nhưng thấy bệnh của dì khởi sắc rõ rệt, dì đã trở về từ cõi chết, có thể nói đây là kì tích.

Dì đến chùa đảnh lễ xin quay về nương tựa Tam Bảo, thỉnh thánh tượng Bồ-tát về thờ phụng cúng dường. Sáng sớm mỗi ngày đều trì niệm thánh hiệu Bồ-tát, buổi tối kiền thành tụng một quyển kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, hồi hướng công đức cho những sinh linh bị dì giết từ vô lượng kiếp đến nay, nguyện cho chúng được nghiệp chướng tiêu trừ, hóa giải lòng thù hận, sớm chuyển sinh về đường lành, cũng từ đó dì không nuôi súc vật và giết hại sinh linh nữa.

Dì thường xuyên cúng dường Tam Bảo, nghe Phật pháp, ấn tặng kinh sách Phật giáo, rộng kết duyên Phật, không làm các việc ác, chăm làm các điều lành, khéo léo khuyên người hồi đầu làm thiện.

Cả gia đình đều sống trong tình thương yêu, hòa nhã vui vẻ, được mọi người chọn là gia đình văn hóa, mọi người xung quanh không ai không hâm mộ, học tập theo. Dì hết sức hạnh phúc tuy vẫn chưa phai lòng hổ thẹn.

Đến đây, dì quá vui mừng nói không ra lời nữa. Tôi nghe những chuyện dì trải qua cùng hiển mộng khuyên người không giết hại của Bồ-tát Địa Tạng, liền sinh khởi tâm tôn kính Bồ-tát, sợ hãi sát sinh.

Trở về, tôi khuyến hóa gia đình và hàng xóm không được sát sinh cúng tế, bằng không, sẽ bị những sinh linh mình giết đến đòi mạng, nhất định mình sẽ đọa lạc vào ba đường xấu ác. Không kết duyên lành với Phật pháp, làm sao mình biết cầu Bồ- tát Địa Tạng đến giải cứu.

2. Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật

Vào triều nhà Đường, có một ngôi chùa, hiệu là Khai Thiện Tự, ở núi Chung Sơn. Trong chùa ấy có một pho tượng Địa Tạng rất xưa nên không biết ai tạo đem cúng vào đó. Sau quan Đô đốc xứ Dương châu, tên là Đặng tông, bị lâm bệnh mà từ trần, nhưng nơi ngực của ông còn hơi nóng nên gia quyến trong nhà chưa khởi cuộc tẩm liệm.

Qua ngày sau, quan Đô đốc vùng sống lại, chỉ khóc mà không nói một lời chi cả. Chừng một lúc trong mình thật khỏe lại như thường, ông bèn bảo con cháu dắt ông đi đến chùa Khai Thiện tự, rồi ông bạch hỏi một vị Tăng trưởng rằng:

Xem Thêm:   Phá trừ nghi chướng việc vãng sanh Tây Phương Cực Lạc

– Ở trong chùa của thầy đây có thờ pho tượng Địa Tạng Bồ Tát nào cao chừng ba thước không? Tôi muốn xin vào đảnh lễ cúng dường.

Vị Tăng trưởng bèn bảo người dắt quan Đô đốc đến chỗ thờ đức Địa Tạng, thì ông lễ lạy vừa xong, rồi bạch xin cho ông thỉnh tượng ấy trở về nhà để thờ. Vị Tăng trưởng hỏi duyên cớ, thì quan Đô đốc tỏ vẻ cung kính mà đáp lại rằng:

– Bạch thầy! Khi tôi chết thì thấy một vị quan Tứ phẩm dẫn tôi đến trước bệ rồng mà chầu lệnh Diêm Vương. Ngài liền phán rằng: “Ngươi chưa đến số chết, phải sớm trở về dương gian, nhưng những kẻ ở dương thế không khi nào thấy được các sự trừng phạt giữa chốn Âm ty này, nay ngươi có dịp đến đây, thì ta cho phép ngươi đi xem các địa ngục cho biết.”

Diêm Vương truyền lệnh đòi một vị quan mặc áo rộng màu xanh đến, rồi bảo tôi đi theo ông quan ấy ra khỏi điện, thẳng qua phía Đông Bắc vừa được năm sáu dặm đường, gặp một cái thành mà vách bằng sắt. Bỗng nhiên tôi thấy trong thành ấy lửa cháy lên đỏ rực cả bốn phía, làm cho trăm ngàn tội nhân trong ấy chịu khổ một cách rất thảm thiết.

Khi ấy, tôi thấy có một vị sa môn, tướng mạo đoan trang, ra vẻ một người từ bi khoan hậu, đi ngay vào trong ngục mà giáo hóa và an ủi các tội nhân, thì ngọn lửa kia đang cháy dữ lại dần dần tắt mất.

Tôi xem rồi bèn rảo bước tới một cái thành khác cũng vách bằng sắt, trong thành có mười tám cái ngục, tội nhân ở trong đó cũng chịu nhiều hình phạt rất thống khổ, nhưng cũng có vị sa môn kia đến dạy dỗ và an ủi như tôi đã thấy nơi ngục trước vậy.

Tôi đều có đi xem các cửa ngục cả, đến chừng tôi tính quay gót mà về, thì vị sa môn ấy bước tới hỏi tôi rằng:

– Ngươi biết ta chăng?

Tôi đáp lại rằng:

– Bạch thầy! Tôi không được biết thầy.

Vị sa môn ấy nói rằng:

– Ta đây là Địa Tạng Bồ Tát, hồi xưa Trí Pháp là đệ tử của Trí Tạng pháp sư, có tạo tượng của ta để thờ trong chùa Khai Thiện Tự. Ta đây thường cứu độ chúng sanh đương chịu khổ nơi chốn Tam đồ nên mỗi ngày ta đi khắp trong mười tám cái ngục lớn và vô số ngục nhỏ mà dạy bảo và an ủi những tội nhân bị hành phạt nơi các chốn ấy.

Tôi quan sát thấy vị sa môn ấy toàn thân đều sáng rực, trang nghiêm, đẹp đẽ lạ thường, được một lát thì Ngài biến mất. Nay tôi đến chùa thấy được pho tượng đức Địa Tạng Bồ Tát quả thiệt y như tôi đã thấy vị sa môn kia vậy, nên tôi muốn thỉnh về nhà thờ phượng cúng dường.

Vị Tăng trưởng nghe quan Đô đốc Đặng tông nói vừa dứt lời, thì ngài hoan hỉ tán thán và bảo ông lấy kiểu tượng đức Địa Tạng mà vẽ ra, hay là tạo cốt tự ý ông, chớ không cho ông ấy thỉnh tượng. Quan đô đốc nghe vị tăng trưởng nói như vậy bèn mướn một người thợ thiệt khéo, đến vẽ bức tượng đức Địa Tạng rồi đem về nhà để thờ phượng rất long trọng.

Xem Thêm:   Chú Lăng Nghiêm tiếng việt và lợi ích khi hành trì chú
3. Hai bức tượng Phật

Thích Huệ Cảnh, người Truy Châu, xuất gia tu ở chùa Ngộ Chân. Sau khi thế phát, Sư gắng công khai giới khổ hạnh. Lòng mến cảnh Tịnh độ, Sư tạo hai tượng Phật Thích Ca và Phật A Di Đà, hằng lễ bái cúng dường.

Đến lúc sáu mươi bảy tuổi, ngày rằm tháng giêng, Huệ Cảnh nằm mộng thấy một vị Sa môn thân sắc vàng ròng, bảo rằng:

– Ngươi muốn thấy Phật và cảnh Tịnh độ chăng?

Đáp:

– Thưa, từ lâu tôi rất ước mong được chiêm ngưỡng!

Sa môn trao bát cho và bảo:

– Hãy nhìn vào trong bát!

Huệ Cảnh tiếp lấy và nhìn vào, bỗng như lạc đến cõi khác, thấy cảnh Tịnh độ rộng rãi trang nghiêm, các thứ báu đẹp lạ. Đất toàn bằng vàng ròng, đường sá có dây vàng làm ranh giới. Cung điện lầu các trùng điệp không cùng tận, trong đó các thiên đồng vui vẻ nhàn du. Chúng Bồ tát, Thanh văn đông như mây, rộng như biển, hội lại vây quanh đức Thế Tôn nghe thuyết pháp.

Lúc đó, Huệ Cảnh thấy vị Sa môn đi trước, mình nối gót theo sau, lần tới chỗ Phật. Đến nơi, vị Sa môn bỗng biến mất. Huệ Cảnh chắp tay đứng trước kim dung, bỗng nghe Phật hỏi:

– Ngươi có biết vị Sa môn dẫn đường đó chăng?

Đáp:

– Bạch Thế Tôn! Con không được biết.

Đấng Từ Tôn bảo:

– Đó là Phật Thích Ca Mâu Ni, còn ta là Phật A Di Đà, hai vị mà người đã tạo tượng. Phật Thích Ca như ông cha, ta như bà mẹ, chúng sinh ở thế giới Ta bà như con khờ dại thơ ngây, lầm rớt xuống bùn lầy. Cha vào nơi bùn sâu bồng con lên, để trên bờ cao ráo sạch sẽ, mẹ lại ôm con nuôi nấng, dạy bảo đừng nên trở lại chốn bùn nhơ. Chúng ta cũng như thế. Phật Thích Ca dạy dỗ chúng sinh mê tối trược ác ở cõi Ta bà, làm vị mở đường dẫn lối về nơi Tịnh độ. Còn ta ở cõi Tịnh độ còn bổn phận nhiếp hóa, khiến cho các chúng sinh ấy không còn luân hồi thối chuyển.

Huệ Cảnh nghe nói vui mừng khấp khởi, muốn đến gần tham bái đức Thế Tôn, nhưng cảnh tượng bỗng biến mất.

Tỉnh giấc, Sư cảm thấy thân tâm an vui, như vào thiền định. Từ đó, Sư càng tin tưởng sự cúng lễ tượng hai đức Như Lai.

Một hôm, Huệ Cảnh lại mộng thấy vị Sa môn khi trước bảo:

– Hai mươi năm sau, ngươi sẽ sinh về Tịnh độ.

Nghe lời ấy, ngày đêm Sư lại thêm tinh tấn tu hành, không khi nào biếng trễ. Đến năm tám mươi chín tuổi, một hôm nọ, Huệ Cảnh từ giã đại chúng, rồi an nhiên vãng sinh. Đang lúc ấy, có vị tăng ở phòng bên, nằm mộng thấy trăm ngàn Thánh chúng từ phương Tây đến rước Sư đi. Trên hư không, tiếng âm nhạc dìu dặt rồi xa nhỏ lần, nhiều người khác cũng được nghe biết.

(Trích lục: Tân Lục)

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

7 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog