Cách đi lễ Chùa
Pháp Giới 12 tháng trước

Cách đi lễ Chùa

Cách đi lễ Chùa vốn vô cùng đơn giản. Bạn chỉ cần chút hoa, quả cúng dường và giữ tâm chí thành cung kính lễ Phật là được. Hiềm vì đa phần người ta chẳng biết, lại mê tín nên vô tình tạo tội bất kính mà chẳng hay. Chư Phật và Bồ Tát thấy người tạo ác thì từ bi thương xót, chẳng quở trách, nhưng Hộ pháp thì không: Nếu bạn khởi tâm sai quấy hoặc bất tịnh nơi Chánh điện, sẽ dễ bị các Ngài trách phạt.

Người ta chẳng biết cách đi Chùa nên vừa tạo phước vừa tạo tội mà chẳng biết. Cho nên nếu bạn đang tìm hiểu về phép tắc khi đi Chùa thì bài viết này là dành cho bạn đấy!

  • Học Phật pháp bắt đầu từ đâu.
  • Sự thật về hạn Tam Tai.
  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Cách trị bóng đè linh nghiệm nhất.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Niệm danh hiệu Địa Tạng Vương Bồ Tát được vô lượng công đức.
Cách đi lễ Chùa
Cách đi lễ Chùa

Ruộng phước nơi Tam Bảo vô cùng mầu mỡ: Gieo một hạt giống nhỏ ắt sẽ bội thu trong muôn kiếp. Vì thế: Nếu bạn gieo một hạt nếp thơm, tất muôn kiếp về sau được phước báo no đủ. Ngược lại, nếu gieo một hạt giống gai góc, tất cũng muôn kiếp chịu quả báo lầm than. Tam Bảo là phước điền cho chúng sanh quay về nương tựa, để sám trừ tội lỗi và tăng trưởng phước lành. Đây là quy luật tự nhiên từ vô thỉ đến nay như vậy, chớ chẳng phải Tuệ Tâm tôi lạm ngôn đâu nhé!

Cách Đi Lễ Chùa 

Nhiều người lầm tưởng rằng đi Chùa là chỉ nên đi vào ngày rằm, mùng 1, hoặc các ngày lễ Tết… Không phải như thế đâu, ngày nào bạn đến Chùa cũng được. Cửa Phật từ bi luôn giang tay ôm đón chúng sanh nhiều tội khổ. Không phân biệt giàu sang, không phân biệt nghèo hèn và cũng chẳng phân biệt trí ngu…Bạn có khổ đau gì, phiền muộn gì, cứ lên Chùa lễ Phật cho thân tâm an tịnh.

Cái an tịnh này do đâu mà có, bạn có biết hay chăng? Do lòng từ bi của chư Phật, chư Bồ Tát cả đấy. Khi bạn đi Chùa mà trong tâm lo buồn, sầu khổ; Hoặc mong cầu gì hay bế tắc điều gì, các Ngài đều rõ biết. Bởi vậy nên khi bạn chí tâm quỳ lạy một lạy nơi chánh điện, trong vô hình sẽ được các Ngài âm thầm gia bị, lại rưới nước từ bi khiến thân tâm bạn được yên an. “Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng. Lạy Phật một lạy tội diệt hà sa” nghĩa là như thế đó!

Cách đi lễ Chùa: Ăn mặc, giày dép

Bạn khởi tâm đi Chùa phải ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ. Nhớ mặc quần áo dài, trang nghiêm, chớ dại dột ăn mặc hở hang mà mang tội. Kinh Nhân quả dạy: “Người chịu quả báo sanh vào nước lõa hình là bởi kiếp trước ăn mặc hở hang đến Chùa lễ Phật”.

Ngày nay ta đến Chùa hay gặp các bạn trẻ ăn mặc hở hang, khêu gợi. Quả báo bất tịnh họ phải chịu trong kiếp này sợ còn chẳng dám nghĩ đến, huống là ở những kiếp sau, thật vô cùng đáng sợ! Vậy nên khi đi Chùa bạn nên mặc bộ đồ dành cho Phật tử là tốt nhất. Nếu chẳng có bộ đồ dành cho Phật tử thì cũng phải quần dài, áo dài cho trang nghiêm.

Về giày dép, bạn nên để ở ngoài thềm. Dù nhà Chùa không bắt buộc cũng chớ mang giày dép vào chánh điện. Nhớ nhé, dù sàn nhà quý Thầy cô quên không lau, bạn cũng nên để giày dép ở ngoài. Thà chịu đi tất bẩn, chân bẩn, còn hơn mang theo giày dép mà lễ Phật. Tội bất kính quả báo nặng vô cùng, không thể không biết!

Cách đi lễ Chùa: Sắm đồ lễ đi Chùa

Những đồ lễ mà bạn bỏ tiền mua đi Chùa cần được hiểu là để cúng dường Tam Bảo. Mà cúng dường Tam Bảo thì được phước báu vô lượng vô biên. Nhưng bạn nhất thiết phải biết điều này: Phước báu đó được quyết định nơi tâm của bạn: Cúng dường thanh tịnh hay không thanh tịnh, chớ không phải ở nơi đồ lễ nhiều ít, đắt rẻ. Vì thế nếu bạn cúng dường Tam Bảo một hạt gạo bằng tâm thanh tịnh; Phước đức ấy gấp trăm vạn lần dâng cúng bằng mâm to, lễ lớn, mà tâm bất tịnh.

Kinh Địa Tạng Bồ Tát, Phật dạy: “Lại vầy nữa, Ðịa Tạng Bồ tát! Trong đời sau, như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào ở nơi cội phước lành đã gieo trồng trong Phật pháp; Hoặc là bố thí cúng dường, hoặc là tu bổ chùa tháp, hoặc sửa sang kinh điển; Cho đến chừng bằng một sợi lông, một mảy bụi, một hột cát, một giọt nước.

Những sự lành như thế không luận nhiều ít, chỉ có thể đem hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sinh; Thời công đức của người đó trong nghìn đời thường hưởng thọ sự vui thượng diệu. Còn như chỉ hồi hướng cho thân quyến trong nhà hoặc tự mình được lợi ích thôi; Như thế thời sẽ hưởng quả vui trong ba đời. Cứ làm một phần sự lành, thời được hưởng báo tốt một muôn lần trội hơn.

*

Vậy nên sau khi bạn lễ cúng dường Tam Bảo, nên khởi tâm thế này: “Con nguyện hồi hướng công đức cúng dường Tam Bảo này cho khắp Pháp giới chúng sinh. Nguyện cho tất cả cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây phương Tịnh Độ.” 

Vậy nên sắm đồ lễ đi Chùa thì bạn tùy sức của mình mà sắm sửa. Hoặc chút hương, hoa, quả, hoặc chút bánh kẹo đều được. Chỉ cần đồ vật thanh tịnh, được mua bởi đồng tiền thanh tịnh.(Tức tiền bạc do lao động mà có, không phải tiền trộm cắp, tham ô…) Đừng chấp tâm vào chuyện đắt rẻ, hay nhiều ít. Thậm chí nếu bạn chẳng có tiền thì không cần mua gì hết. Cứ mạnh dạn đến Chùa thành tâm lễ Phật. Hãy luôn nhớ rằng: Tâm quan trọng hơn ngàn lần đồ lễ.

Đặc biệt lưu ý: Cúng dường Tam Bảo xong bạn chỉ nên tạ lễ rồi về. Ngàn vạn lần chớ nên tạ lễ rồi mang đồ dâng cúng về! Dân ta đa phần chẳng biết điều này, nên cứ thắp hương lễ Phật xong thì mang hết đồ lễ về. Phải biết rằng: Những phẩm vật khi bạn đã phát tâm cúng dường Tam Bảo rồi thì đó là của Thường Trụ. Bạn để lại cho nhà Chùa thì mới đúng pháp, còn tự ý lấy về là xâm phạm của Thường Trụ. Trừ phi bạn được quý Thầy Cô cho phép mang vật gì về thì được, còn không thì tuyệt đối chớ mang gì về!

Cách đi lễ Chùa: Cần hiểu đúng về Cúng dường Tiền bạc

Cái tệ nạn lấy tiền xoa vào tượng và đặt lên mâm lễ cần phải triệt để xóa bỏ. Bạn không biết rằng việc này tổn phước và bất kính đến thế nào đâu. Vì sao thế? Vì tiền bạc là vật bất tịnh. Bạn đặt tiền lên mâm lễ Phật hoặc xoa vào tôn tượng, thì phạm đại tội Bất Kính. Tội bất kính này đặc biệt nguy hiểm. Nó khiến phước báo của bạn bị trừ sạch, lại bị chư Hộ Pháp trong vô hình phẫn nộ. Chư Phật từ bi không quở trách, nhưng trong vô hình, bạn gây nhân bất kính tất phải chịu quả báo vô cùng kinh khủng. Dù bạn biết hay không, dù vô tình hay hữu ý cũng phải thọ báo.

Đừng bảo “không biết không có tội”. Không phải vậy đâu! Đây là quy luật vận hành chung của tự nhiên, chẳng phụ thuộc vào việc bạn biết hay không biết. Ví dụ đơn giản thế này để bạn hiểu: Điện giật thì chết người. Nên dù bạn biết hay không biết, nếu cầm phải chỗ dây điện bị hở, bạn sẽ bị giật.

Vậy nếu bạn muốn cúng dường tiền bạc thì chỉ cần bỏ vào 1 hòm công đức là được. Bạn bỏ 1 ngàn hay 1 tỉ với tâm thanh tịnh, thì công đức như nhau. Đừng phân biệt cúng dường nhiều hay ít. Đừng nghĩ rằng: “Người cúng nhiều tiền thì được nhiều phước, kẻ cúng ít tiền thì ít phước”. Không phải như thế đâu! Lại chỉ nên bỏ tiền vào 1 hòm công đức, không nên hòm nào cũng bỏ một tí.

Cách đi lễ Chùa: Bài khấn vái ngắn gọn tại Chùa

Thực ra khi bạn đến Chùa, một niệm mong cầu khởi lên trong tâm, chư Phật và Bồ Tát đã biết hết cả rồi. Không chỉ chư Phật biết, quỷ thần do phước báo có Tha Tâm Thông nên họ cũng biết. Chính vì thế, khi đến chùa gắng giữ tâm thanh tịnh, chớ khởi niệm xấu ác. Bởi hết thảy mọi sự ta có ngày hôm nay là quả báo lành dữ của kiếp trước, cho nên chỉ khấn nguyện:

  • Xin sám hối tội lỗi đã gây ra cho chúng sanh trong vô thỉ kiếp đến nay.
  • Xin Tam Bảo gia bị cho sớm tiêu tai chướng nghiệp, cuộc sống bình an. 
  • Không mê tín cầu xin kiểu như cho con cái này, cái kia.
  • Không cầu việc hại người hoặc có tính trù ếm người.

Theo đó bạn có thể dùng bài khấn đi Chùa ngắn gọn như sau:

Bài khấn đi Chùa ngắn gọn

Chắp hai tay trước ngực, miệng niệm Nam mô A Di Đà Phật 03 câu, mỗi câu 01 lạy.( Nhớ lạy Phật đầu phải chạm đất. Tham khảo: Cách lạy Phật đúng pháp) Bạn chắp tay trước ngực đọc như thế này:

Kính bạch Từ Phụ, hôm nay ngày, tháng, năm…Đệ tử chúng con tên là…hiện ở địa chỉ…Hôm nay con lên Chùa thắp hương lễ Phật với tấm lòng thành, cùng chút lễ vật thanh tịnh cúng dường Tam Bảo.

Trước xin nguyện được sám hối hết thảy mọi tội lỗi do Thân, khẩu, ý của con đã gây ra cho chúng sanh trong từ vô thỉ kiếp đến nay. Sau cầu nguyện Tam Bảo gia bị cho con sớm được tiêu tai chướng nghiệp. Cho nghiệp nặng được chuyển thành nhẹ, nghiệp nhẹ thành không.

Nguyện từ nay đến tận cùng vị lai sau, con thề làm lành lánh ác, dù cảnh thuận hay nghịch cũng giữ thân tâm thiện lương. Nguyện ơn trên Tam Bảo, Chư tôn Pháp hiền Thánh Tăng, Chư tôn Long Thần Hộ Pháp chứng minh gia hộ.

Có chút phước báu cúng dường nào, con nguyện hồi hướng cho Pháp giới chúng sanh cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ.

Nguyện đức Từ Phụ A Di Đà phóng quang gia hộ cho pháp giới chúng sinh, cho linh hồn ông bà tổ tiên và thân gia quyến thuộc của con sớm phát tâm niệm hồng danh của Ngài. Nguyện tất cả cùng nương nơi Bản nguyện của Từ Phụ, đồng được vãng sanh Cực Lạc, vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Nam mô A Di Đà Phật (03 lần, mỗi lần 01 lạy).

*

Kết thúc bài khấn nguyện, bạn nên tiếp tục lạy Phật sám hối thêm khoảng 15 – 30 phút là tốt nhất. Nếu không thì lạy tạ rồi ra về.

Chư Tổ dạy: “Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng. Lạy Phật một lạy tội diệt hà sa”. Lại trong Niệm Phật Thập Yếu, Tổ Thiền Tâm bảo: “Chí tâm niệm Phật một câu hơn bố thí nhiều năm. Chân thật phát lòng Bồ đề hơn tu hành nhiều kiếp. Nắm chắc hai điểm này mà niệm Phật là chắc chắn vãng sanh”.

Lời của bậc Tổ sư, giới hạnh tinh nghiêm, quyết chân thật không hư dối. Vậy nên bạn đi Chùa lễ Phật lợi lạc vô cùng là như thế! Bởi lạy Phật sám hối thì nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận, phước tăng. Khi tội nghiệp tiêu trừ, phước đức tăng trưởng, bạn mong cầu phước báo nào mà chẳng được toại nguyện?

(Cách đi lễ Chùa)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật xin hãy thường niệm

11 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog