Cách tu Tâm tích Đức tại nhà
Pháp Giới 12 tháng trước

Cách tu Tâm tích Đức tại nhà

Tu Tâm tích Đức là thiện pháp căn bản của thế gian nhưng cũng là nền tảng của pháp xuất thế gian. Hết thảy những gia tộc hưng thịnh trên thế gian đều bắt nguồn từ tổ tiên tích chứa âm đức sâu dày. Những nhà ấy nếu cha mẹ lại biết tu tâm tích đức thì con hiền cháu thảo, đời đời thịnh vượng; bằng ngược lại thì cũng chỉ hưởng phước được một thời gian, về sau không nhà nào chẳng lụn bại nghèo túng.

Phước thường hữu hạn, cho nên phải biết tài bồi. Nếu chẳng biết tài bồi thì càng thọ hưởng bao nhiêu, phước càng nhanh hết bấy nhiêu. Chuyện nhà quyền quý cao sang, bị cháu con ăn chơi, nghiện hút cờ bạc, phá sạch sành sanh nhiều vô kể.

Cách tu tâm tích đức không khó, dù người giàu sang hay kẻ nghèo hèn, hễ muốn thì ai ai cũng thực hành được. Chữ “Tu Tâm” nghe có vẻ cao xa nhưng thật ra hành trì rất dễ, bởi: “Chỉ cần bạn giữ được cái tâm hiền thiện hằng ngày, đó chính là tu tâm. Cái tâm hiền thiện ấy lưu xuất ra vô lượng vô biên công đức vậy.”

  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Sự thật về hạn Tam tai. 
  • Bản nguyện niệm Phật.
  • Âm đức là gì.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • Niệm Phật A Di Đà được cảm ứng.
Cách tu Tâm tích Đức tại nhà
Cách tu Tâm tích Đức tại nhà

Tu Tâm tích Đức nghĩa là gì

Tu Tâm tích Đức nghĩa là gì? Chữ “Tu” nghĩa là sửa; Sửa cái xấu trở lại cái tốt; sửa các dở trở lại hay; sửa cái sai quấy trở lại phải. Chữ “Tâm” ở đây có nghĩa là Tâm Tánh, hay tính tình của ta. Còn Tích Đức, nghĩa là tích chứa Âm Đức hay Công Đức. Âm đức hay Công đức có được nhờ những hành động hay việc làm mang lợi ích cho người. Phàm khi ta âm thầm làm việc có lợi ích cho người, cho đời, mà không ai hay biết, thì đó chính là tạo ra âm đức vậy.

Như vậy, cái tâm tánh ô trược, đầy những tham lam, tật đố, tà kiến, si mê v.v…của ta trước đây, nay ta sửa cho nó trở nên thiện lành, tốt đẹp, đó gọi là “Tu Tâm”. Do cái Tâm hiền thiện lưu xuất ra công đức, cho nên ngắn gọn thì Tu Tâm cũng chính là Tu Tâm Tích Đức!

Văn Xương Đế Quân bảo: “Hết thảy việc ác quyết không làm, hết thảy việc lành xin vâng theo. Giữ được cái tâm như thế ắt tích âm đức lớn lao, sẽ vĩnh viễn không gặp điềm dữ, thường thường được thiện thần giúp đỡ. Phước báo gần thì tự thân được hưởng, xa thì ảnh hưởng đến cháu con. Trăm điều phúc lành đồng thời đến, ngàn việc tốt đẹp hội tụ về, chẳng phải nhờ việc tích tạo âm đức mà được như thế đó sao?

Luận về Tu Tâm tích Đức

Những gì người thế tục tích lũy được, có những thứ người khác có thể cướp đoạt, mà bản thân mình không thể mang theo khi chết. Lại có những thứ người khác không thể cướp đoạt, nhưng bản thân mình cũng không thể mang theo khi chết. Lại có những thứ mà mình có thể mang theo khi chết nhưng người khác không thể cướp đoạt.

Vàng bạc châu báu, nhà cửa ruộng vườn… đó là những thứ người khác có thể cướp đoạt, mà ta không thể mang theo khi chết. Học thức uyên bác, tài năng xuất chúng, đó là những thứ người khác không thể cướp đoạt, nhưng ta cũng không thể mang theo khi chết. Còn nói về những thứ mà ta có thể mang theo khi chết nhưng người khác không thể cướp đoạt, thì không gì khác hơn chính là những việc thiện đã làm, phước đức đã tạo.

Làm thiện đạt đến mức cao nhất thì có thể giúp cho tổ tiên bảy đời đều được siêu thăng, thần thánh đều ủng hộ; tích phước đến mức cao nhất thì có thể khiến cho các nạn lũ lụt, lửa cháy đều không thể làm hại đến. Làm việc thiện chính là nền tảng của sự tu phước, mà phước đức có được lại chính là sự cảm ứng từ việc làm thiện. Nếu chỉ tu phước mà không tu trí huệ, mỗi khi hưởng phước lại nhân đó mà tạo thêm nghiệp xấu. Nếu chỉ tu trí tuệ mà không tu phước, e rằng đời sau phước mỏng, cuộc sống phải chịu nhiều khó khăn thiếu thốn.

*

Xưa vào thời đức Phật Ca-diếp tại thế, có hai anh em nhà kia đều xuất gia làm sa môn. Người anh trì giới tham thiền, hết lòng cầu đạo, nhưng không tu hạnh bố thí. Người em lại siêng tu phước nhưng thường phạm vào giới luật.

Về sau, khi đức Thích-ca Mâu-ni thành Phật, người anh chứng đắc quả vị A-la-hán; nhưng vì chưa từng tu phước nên thường đói thiếu, ăn chẳng được no. Người em do thường phạm giới nên phải sinh làm con voi. Tuy nhiên, do đời trước thường tu phước nên tuy sinh vào loài súc sinh, nhưng lại được đức vua yêu thích; thường cho mang trên thân đầy những thứ vòng ngọc châu báu; lại được ban cho thực ấp đến trăm hộ, thức ăn thường dư dật.

Cho nên nói rằng: “Tu phước không tu huệ, thân voi mang chuỗi ngọc. Tu huệ không tu phước, La-hán thường đói thiếu.” Chỉ duy nhất đức Phật được tôn xưng là bậc Lưỡng túc tôn; vì cả hai mặt phước, huệ của ngài đều đầy đủ.

Làm thiện tích đức: Tạo lập nhiều Ruộng nhân nghĩa

Vào đời nhà Minh, ở huyện Hoa Đình có người tên là Cố Chánh Tâm, tên tự là Trọng Tu. Cha ông là Cố Trung Lập làm quan Tham nghị ở Quảng Tây. Chánh Tâm thích làm việc thiện, thường quyên góp đến số 104.700 lượng bạc, mua ruộng đến 40.800 mẫu, dùng vào việc giúp đỡ người khác, gọi là nghĩa điền. Những ruộng ấy nằm phân tán trong 2 huyện Hoa Đình và Thanh Phố; lợi tức thu hoạch được đều dùng để cung cấp các khoản sưu dịch thuế má cho nhà nông gặp lúc khó khăn, giúp họ không rơi vào cảnh khốn cùng.

Một năm nọ, vào khoảng gần cuối năm, có quan tuần tra đến phủ Tùng Giang, hạ lệnh nghiêm cấm người dân vào lúc giao thừa không được nhóm lửa, đốt pháo… Có người dân trong phố vi phạm lệnh cấm. Quan sai người đến bắt, lại bắt nhầm Cố Chánh Tâm giam vào ngục. Nhân đó ông gặp được những tù nhân bị rách rưới rét lạnh, liền cấp phát quần áo cho; gặp những người đói khát, liền cấp phát cơm gạo; những người phạm tội có thể chuộc bằng tiền, liền xin nộp tiền thay cho họ; khiến cho phạm nhân trong nhà ngục được cứu ra hết gần như trống rỗng.

Chánh Tâm lại còn giúp tiền để tu sửa lại nhà ngục. Ông thường thi ân cho rất nhiều người dù biết họ không có khả năng báo đáp. Sau khi ông chết, các quan địa phương đem những việc làm tốt đẹp ấy báo lên triều đình; hoàng đế ban chỉ hết lời khen ngợi, cho được đưa vào thờ tự chung với các bậc tiền nhân hiền đức của địa phương.

Làm thiện tích đức: Một mình đảm nhận việc nghĩa

Vào đời nhà Minh, tại Hồ Châu thuộc tỉnh Chiết Giang có người tên Từ Nhữ Huy. Ông giàu có, thích làm việc bố thí giúp người. Bấy giờ, có ngôi chùa ở Hàng Châu tổ chức giới đàn, phí tổn rất lớn. Quan viên cả hai ty Bố chánh và Án sát cùng họp lại, kêu gọi các nhà hào phú ở địa phương phát tâm đóng góp. Từ Nhữ Huy tự nguyện xin được một mình lo liệu tất cả.

Vị Hiến trưởng là Dương Kế Tông gạn hỏi vì sao ông làm như vậy, Từ Nhữ Huy đáp: “Người ta dẫu có tích lũy được sản nghiệp, nếu có đứa con hư hỏng, ắt rồi tất cả cũng sẽ về tay người khác. Sao bằng đem dùng vào việc tốt đẹp vượt trội này, đời sau sẽ mãi mãi được thọ hưởng phước báo? Huống chi tiền tài là đầu mối tụ tập oán thù; con tôi không có tiền tài thì không phải nhận lãnh oán thù, hẳn sẽ được người thương yêu.”

*

Nhữ Huy hiến cúng một ngàn nén bạc. Quan chức hai ty Bố chánh và Án sát đều ngợi khen sự sáng suốt hào phóng của ông. Họ đặc biệt thiết đặt chỗ ngồi danh dự nơi hậu đường mời ông đến, tất cả quan thuộc đồng liêu cùng tụ họp chiêu đãi; lại kính tặng ông một bức trướng lụa và đưa tiễn về đến tận nhà. Ai nghe đến việc này cũng đều kính phục, ngưỡng mộ. 

Kinh Đại Bảo Tích dạy rằng: “Nếu ta không bỏ được tiền tài, tiền tài cũng sẽ bỏ ta. Nay ta nên xả bỏ tiền tài giả tạm, nên tạo tác tài bảo bền vững.” Từ Nhữ Huy làm như thế chính là đã tạo tác tài bảo bền vững.

Làm thiện tích đức: Bố thí cúng dường không mệt mỏi

Vào cuối đời nhà Minh, vùng Chiết Giang có người họ Sử thích làm việc thiện, thường bố thí giúp người, lại rất hoan hỷ tổ chức trai tăng cúng dường. Bấy giờ có vị tăng hiệu là Đại Thành, thường xuống núi hóa duyên rồi mang về chùa cúng dường chúng tăng. Đường về chùa đi ngang qua nhà họ Sử, hôm nào thấy hòa thượng quay về cơm không đầy bát, Sử quân lập tức vào nhà lấy cơm thêm vào cho đầy. Cứ như vậy trải qua nhiều năm, chưa bao giờ sinh lòng chán nản mỏi mệt.

Ngày kia, người vợ của Sử quân sắp đến ngày sinh nở, bỗng thấy hòa thượng Đại Thành đến nhà, xăm xăm đi thẳng vào phòng phu nhân. Mọi người nhìn thấy đều lấy làm kinh dị, vội đuổi theo vào thì không tìm thấy gì cả.

*

Sau đó, phu nhân hạ sinh một bé trai. Sử quân cấp tốc sai người lên chùa dò hỏi về hòa thượng Đại Thành, mới hay trong cùng ngày hôm đó ngài đã viên tịch. Sử quân nhân đó liền đặt tên cho con trai là Sử Đại Thành. Đứa bé hết sức thông minh, từ lúc ở trong thai đã khiến người mẹ chỉ ăn toàn thức ăn chay lạt. Khi trưởng thành, văn chương ngày càng trác tuyệt phi thường. Đến năm Ất Mùi thuộc niên hiệu Thuận Trị(Năm 1655) thì thi đỗ Trạng nguyên.

Lời bàn Chỉ biết làm việc thiện mà không tin Phật pháp, cách tu phước như vậy, bậc thức giả xem là đầu mối oan nghiệp của đời thứ ba. Vì sao vậy? Vì nhân việc làm thiện đó, trong hai đời được hưởng phước báo ắt không tránh khỏi tạo ra nhiều tội nghiệt, đến đời thứ ba hẳn phải nhận lãnh nghiệp báo khổ đau. Sử quân vốn là người trong Phật pháp, nên tuy được hưởng phú quý vinh hoa vẫn không vì thế mà đắm say mê muội.

Cách tu Tâm tích Đức

Tu Tâm không có chi khác, chính là chinh phục và chiến thắng được giặc phiền não trong tâm của mình. Đây là cách tu tâm tích đức dễ nhất nhưng có công đức lớn nhất. Giặc phiền não này gồm có 5 tên đầu đảng: 1. Tham lam. 2. Sân hận. 3. Si mê. 4. Ngã mạn. 5. Nghi ngờ. Đây cũng là năm món đầu tiên của Thập Sử, tức là mười thứ phiền não căn bản trói buộc và sai khiến chúng ta. Ta điều phục được 5 tên giặc này, không bị chúng nó sai sử quấy phá thì gọi là Tu Tâm. Về cách đối trị, Hòa Thượng Thiện Hoa dạy:

Cách tu Tâm tích đức: 1. Phải đoạn trừ tâm Tham

Tham là tham lam. Người tham lam, tánh hay để ý dòm rình những cái gì họ ưa thích: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, miếng ăn, chỗ ở v.v… Rồi họ lập mưu này kế nọ, để tìm kiếm cho được, được mấy cũng không vưà, nên tục ngữ có câu: ” Bể kia dễ lắp, túi tham khó đầy!”. Tham cho mình, rồi tham cho bà con quyến thuộc. Nói rộng ra, tham cho cả quốc gia, xã hội của mình.

Cũng vì lòng tham, mà nhơn loại tranh giành xâu xé cướp bóc giết hại lẫn nhau, chịu không biết bao nhiêu điều thống khổ. Tham không những có hại cho mình về hiện tại. Tham không những có hại cho mình về hiện tại, mà còn liên lụy đến người và về tướng lai nữa là khác.

Phật-tử tự xét mình, nếu có tâm tham lam, phải tập tánh thiểu dục tri túc, bỏ dần lòng tham đi; như thế gọi là “Tu Tâm”.

Cách tu Tâm tích đức:  2. Phải đoạn trừ tâm Sân

Sân là nóng nảy. Người có tánh nóng nảy, gẳp những việc trái ý thì nổi nóng lên, trong tâm bực tức, không an, ngoài mặt nhăn nhó, xấu xí vô cùng, mặt đỏ tía hoặc tái xanh. Bộ dạng thô bỉ, thốt ra lời nói thiếu nhã nhặn, có khi đánh đập hoặc chém giết người. Phật tử chúng ta, mỗi khi nổi sân lên, cắc cớ lấy kiến rọi mắt mình, thật “ngộ” hết sức…không phải là Phật-tử chút nào!

Tánh “nóng nảy” rất có hại: làm cho anh em chẳng ưa, trong gia đình không được hòa nhã, ngoài xã hội chẳng được kính yêu. Nhiều người vì nóng nảy mà đánh đập vợ con, lắm khi phải mang bịnh tật suốt đời; hoặc giết hại đồng bào, chủng loại. Cũng có người vì quá nóng nảy mà làm hư danh giá, quyền lợi và cả đời tu của mình.

*

Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy:”Nhứt niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai.” Nghĩa là: Một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra. Thuở xưa, ông Uất-Đầu-Làm-Phất, vì sân mà phải đọa làm con trùng. Ông Độc Giác Tiên Nhơn cũng vì sân, mà mất cả năm phép thần thông. Trong kinh nói: “Nhứt sân chi hóa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn”. Nghĩa là: Một đốm lửa sân, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công-đức.

Chúng ta thấy, trong hàng Phật tử, có người phát tâm tu được 5,7 năm hoặc đôi ba năm, cũng có thể gọi là người có công với Đạo. Một khi gặp cảnh nghịch, nổi sân lên rồi bỏ hết: Phật pháp không tưởng, việc Đạo cũng chẳng làm, trái lại còn tìm cách phá hoại. Thật “đốn củi ba năm chỉ tiêu trong một giời”, rất uổng cho công trình tu tập bao nhiêu năm của người ấy! Tổ xưa có quở rằng: “Sân si nghiệp chướng không chừa, bo bo mà giữ tương dưa gì!”

Sân rất có hại như thế, hàng Phật tử chúng ta phải tu pháp nhẫn nhục để lần lần dẹp lòng sân; như thể gọi là “Tu Tâm”.

Cách tu Tâm tích đức: 3. Phải đoạn trừ Tâm Si

Si là si mê (có chỗ gọi là vô minh). Đối với sự vật hiện tiền, tâm tánh mờ ám, không có trí huệ sáng suốt để phán đoán việc hay, dở, tốt, xấu lợi hại v.v… nên mới làm những điều nhiễm ô tội lỗi, có hại cho mình, và người. ( Theo thế tục gọi là “dại” hay “ngu”). Cái Si này thường ám ảnh trong tất cả việc làm, hại người chẳng phải nhỏ, mà nhứt là khi tham và sân.

Như anh chàng thanh niên kia, biết cô mỹ nhơn nọ bị ho lao và có bịnh truyền độc… Nhưng đến khi si mê ám ảnh, thì anh không còn thấy vi trùng lao và bịnh truyền độc nữa.

Một người tham tiền, đánh bài bạc, mê đề, vì si mê ám ảnh, nên đến lúc thua hết của tiền mà cũng không chán.

Có một người vì lòng tham, si nổi lên, giữa lúc ban ngày đông người, vào tiệm giựt vàng. Lính bắt được hỏi: “Anh không thấy lính tráng ở chung quanh và không sợ tù tội sao?”

Anh trả lời rằng: “Lúc đó tôi chỉ thấy vàng thôi; nếu thấy lính tráng tội, thì tôi đâu dám làm như thế!”

Đây là những bằng chứng, trong lúc tham, vì có si mê ám ảnh, nên anh chàng thanh niên kia phải mang bịnh ho lao và truyền độc; người đánh bạc nọ mới hết cửa hết nhà; anh giựt vàng kia mới mang gông cùm từ tội!

*

Nếu trong lúc ấy, được sáng suốt, phân biệt lợi hại, thì anh thanh niên kia có thể thắng lại được dục vọng của mình, đâu có lâm bệnh hiểm nghèo như thế; người đánh bạc, cậu giựt vàng, có thể thắng được lòng tham, không đến nỗi bị hết của và mang tù tội. Cho biết trong lúc tham mà có Si, thì có hại rất lớn! Khi nóng giận cũng vậy, nếu trong lúc nóng giận mà sáng suốt, biết suy xét việc lợi hại, lúc ấy có thể dằn bớt sự nóng giận ít nhiều! Trái lại vì bị si mê ám ảnh, nên nói càn làm bướng, đến khi hết giận rồi thì tội lỗi quá nhiều!

Nên lời tục nói: “Ăn nóng mất ngon, giận lắm mất khôn” là vậy. Có nhiều người trong lúc nóng giận, đánh đập vợ con đến tàn tật; hoặc phá hoại nhà cửa cho đến tiêu tan; hoặc uống thuốc độc hay trầm mình, để cho thoát kiếp thân đau khổ! Những tai nạn như thế, đều do si mê ám ảnh cả.

Tổ sư có dạy rằng: “Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì!; nghĩa là không sợ tham và sân nổi lên, mà chỉ sợ mình tự giác ngộ chậm. Nói cho dễ hiểu, là không sợ tham, sân mà chỉ sợ si mê đó thôi. Nếu tham, sân nổi lên, mà ta sáng suốt phán đoán kịp thời, không có si mê, thì tham sân kia cũng chẳng làm gì được. Người học Phật phải dẹp trừ lòng si mê của mình, lúc nào cũng phải sáng suốt đối với tất cả mọi việc. Như thế gọi là “Tu Tâm”.

Cách tu Tâm tích đức: 4. Phải đoạn trừ Tâm Mạn

Mạn là ngã mạn cống cao. Nói theo lối thông thường có hơi thô một chút là “phách lối” lấn lướt, hiếp đáp người. Vì ỷ tiền tài, tài năng và quyền thế của mình mà khinh rẻ người; chẳng kính người già cả, không kể người phước đức. Bởi hiêu hiêu tự đắc, coi không có người nên chẳng ai ưa. Vì lòng ngã mạn, cho mình hơn ai hết, không kính phục người, nên bị tổn đức. Vì thế mà phước lành tổn giả, tội lỗi càng thêm, nên phải sanh tử luân hồi, không bao giờ cùng tột.

Người học Phật nên tự kiểm thảo mình. Nếu có ngã mạn cống cao thì phải cố gắng dẹp trừ đi. Như thế mới phải là Phật tử, và như thế mới gọi là “Tu Tâm”.

Cách tu Tâm tích đức: 5. Phải đoạn trừ Tâm Nghi

Nghi ở đây là nghi ngờ. Đối với đạo lý chơn chánh, lại nghi ngờ không tin. Những pháp tu giải thoát và điều phước thiện, lại do dự chẳng làm. Nó chướng ngại lòng tin, cản trở việc từ thiện. Nghi có ba:

1-Nghi mình. Như nghe nó: “Tu hành sẽ được giải thoát”, rồi từ nghi ngờ: Không biết mình đã có tu được hay không? Vì lòng nghi ngờ, do dự ấy, nên không chịu tu.

2.- Nghi người; nghĩa là nghi người dạy mình. Như có người dạy ta: “Làm lành được phước, làm ác sẽ bị tội”. Chúng ta nghi: không biết người ấy nói có thiệt hay không? Bởi nghi nên không làm

3.- Nghi pháp; như nghe lời Phật dạy: “Người chí tâm niệm Phật, từ một ngày cho đến bảy ngày được nhứt tâm, thì người ấy đến khi lâm chung, sẽ được Phật Di Đà tiếp dẫn, sanh về nước Cực lạc”, rồi họ nghi rằng: Phương pháp ấy không biết kết quả có đúng như vậy hay không? nên họ chẳng siêng tu.

Nói tóm lại, vì lòng nghi ngờ, nó cản trở nhiều điều tiến triển. Những người có tánh đa nghi, đối với bạn bè, họ thấy không có ai là người tin cậy. Trong gia đình họ thấy không có người nào là thân mật. Phật tử nên cẩn thận đề phòng mọi việc, nhưng phải cương quyết dẹp trừ tánh nghi ngờ. Như thế gọi là “Tu Tâm’.

Có Đức mặc sức mà ăn

Ông bà tổ tiên hoặc cha mẹ tu tâm tích đức ắt chiêu cảm cái phước báo cháu con hiếu thuận, hiển vinh. Cho nên những người con cháu có phẩm hạnh tài trí hơn người, vẫn thường xuất hiện rất nhiều trong những gia đình đạo đức. “Kinh Thi có câu: “Nhà có đức độ thì con cháu đều được tốt đẹp hưng thịnh.”

Kinh Thư lại có câu: “Lấy công nghiệp với đức hạnh truyền lại cho con cháu về sau.” Chính vì phước báu nhiều nên không chỉ đời mình mà cho đến đời cháu con hưởng cũng không hết được. Đây chính là lý do tại sao dân gian có câu: “Có đức mặc sức mà ăn”. Quả thật không phải ngẫu nhiên cha ông ta có câu như vậy. 

Tu Tâm Tích Đức: Con cháu hiển vinh

Đời Bắc Tống, có người tên Đặng Chí, nhận học trò dạy tại nhà. Mỗi khi có người đưa con em đến xin học, ông đều hết sức thật lòng dạy dỗ. Trước tiên là lễ nghĩa, đức hạnh; sau đó là văn chương, tài nghệ. Học trò ông có rất nhiều người thành đạt. Con cháu ông cũng nhiều người đỗ đạt vinh hiển.

Vào niên hiệu Hy Ninh năm thứ chín; hoàng đế Bắc Tống là Tống Thần Tông ngự đến điện Tập Anh. Vua đích thân lựa chọn tiến sĩ. Lúc bấy giờ, con trai trưởng của Đặng Chí là Đặng Oản đang giữ chức Hàn lâm Học sĩ nên đứng cạnh hoàng thượng.

Khi xướng tên những người được tuyển chọn, đến tên em trai ông là Đặng Tích, Oản bước xuống trước điện lễ tạ. Lại xướng đến tên hai đứa cháu của ông, Oản cũng bước xuống trước điện lễ tạ. Hoàng thượng thấy cảnh ấy rất hài lòng, nhìn ông cười lớn. Vương Cung Công đứng bên cạnh cũng ngợi khen rằng: “Ấy nhờ người cha là Đặng Chí đem hết lòng thành dạy dỗ muôn người, nên kết quả cháu con mới được như thế!”

Lời bàn

Người khác đã gọi mình là thầy, quay mặt về hướng bắc phụng sự tôn thờ mình, thì mình phải đem hết lòng thành ra mà dạy dỗ. Như vậy mới không phụ lòng mong đợi của họ. Đặng Chí đã hết lòng giúp cho con em người khác được thành tựu, tất nhiên, trời cũng giúp cho con cháu của ông được thành tựu, tiếp nối sinh ra những bậc tài trí đức độ. Đó cũng là lẽ đương nhiên phải vậy.

Tu Tâm Tích Đức: Mất con quý rồi lại sanh con quý.

Vào đời Bắc Tống, ở Kiền Châu có người tên Vương Nhữ Bật. Ông ta thường rất cẩn trọng trong lời nói và việc làm. Khi ấy, ở thôn phía đông có người tên Lưu Lương, ở thôn phía tây có Hà Sĩ Hiền; cả hai đều có ông nội trước đây là người hết sức hiền thiện, thường làm nhiều việc tích đức.

Vào năm Quý Mùi thuộc niên hiệu Sùng Ninh, hai nhà Lưu, Hà đều sinh con trai; cả hai đứa con lớn lên đều thông minh xuất chúng. Hai nhà liền thỉnh Vương Nhữ Bật làm thầy dạy. Lưu Lương với Hà Sĩ Hiền, tuy nhà giàu có nhưng đối đãi với người khác hết sức khắc nghiệt, khinh bạc, thật kém xa ông nội của họ.

*

Đến tháng ba năm Tân Mão thuộc niên hiệu Chính Hòa. Một hôm Vương Nhữ Bật đang đứng trước cửa bỗng thấy một đoàn người ngựa đi qua, dáng vẻ giống như quan quân. Họ đi về phía nhà Hà Sĩ Hiền. Vào thẳng trong cửa rồi có người đưa ngón tay lên vẽ thành hình gì đó. Sau đó lại đi sang nhà Lưu Lương, cũng làm giống như vậy. Vương Nhữ Bật đến hỏi cả hai nhà, họ đều nói không thấy biết gì cả. Không bao lâu sau phát sinh nạn dịch; hai đứa con của Hà Sĩ Hiền và Lưu Lương đều chết cả.

Mùa thu năm ấy, Vương Nhữ Bật thấy mình bị bắt đưa đến Minh phủ dưới âm ty. Diêm Vương đầu đội mũ miện ngồi quay mặt về hướng nam, gọi Vương Nhữ Bật mà hỏi: “Ông là Vương Nhữ Bật ở Kiền Châu thuộc tỉnh Thiểm Tây phải không?”

Ông liền đáp: “Không phải! Tôi là Vương Nhữ Bật ở Kiền Châu, thuộc tỉnh Giang Tây.”

Diêm Vương liền lệnh Phán quan tra xét lại; thấy Vương Nhữ Bật này tuổi thọ còn dài, hóa ra đã bắt nhầm người. Vương Nhữ Bật nhân đó liền thưa hỏi về hai đứa con của Hà Sĩ Hiền và Lưu Lương, vì sao đều chết yểu.

*

Diêm Vương đáp: “Hai đứa ấy, lẽ ra sau này sẽ là hai trụ cột phò tá triều đình. Do Thiên tào xét âm đức ông nội của họ rất lớn nên xứng đáng cho con cháu được hiển vinh. Chỉ vì Lưu Lương với Hà Sĩ Hiền, hai người ấy tâm niệm không tốt, hành xử đối đãi hoàn toàn trái ngược với ông nội, vì thế mới thu hồi hai đứa con quý hiển. Không bao lâu nữa sẽ tước bỏ luôn toàn bộ sản nghiệp của hai nhà ấy.”

Vương Nhữ Bật được sống lại, mới biết đã chết hai ngày rồi. Vương Nhữ Bật liền gọi cả hai người Lưu Lương và Hà Sĩ Hiền đến, thuật lại tường tận mọi việc. Cả hai đều rơi nước mắt hối hận. Từ đó họ đem hết sức rộng làm việc thiện, cứu người giúp đời.

Đến năm Ất Mùi( Tức năm 1115), cả hai nhà lại sinh được con trai. Họ Lưu đặt tên là Lưu Triệu Tường, họ Hà đặt tên là Hà Ứng Nguyên; lại cũng thỉnh Vương Nhữ Bật làm thầy dạy. Đến năm Quý Sửu thuộc niên hiệu Thiệu Hưng, cả hai đều đỗ tiến sĩ, được ban phong địa vị cao quý, vinh hiển.

Lời bàn

Nhờ có ông nội tích âm đức nên được ban cho quý tử, nhưng do tâm tính không tốt, đối đãi khắc nghiệt, khinh bạc với người khác mà còn bị mất con. Nếu không có ông nội tu nhân tích đức thì phải gánh chịu quả báo còn đáng sợ hơn đến mức nào nữa? Lại ngay trong đời hiện tại đã bị báo ứng xấu mất đi quý tử; nhưng nhờ biết tu nhân tích đức nên lại sinh được quý tử. Nếu người chưa bị trời khiển trách mà sớm biết tu nhân tích đức, thì quả báo còn tốt đẹp hơn đến mức nào nữa?

Thế mới biết câu “Cầu con cái sẽ được con cái” quả là đúng thật, không phải lời hư dối; chỉ có điều là cần phải biết phương cách để cầu như thế nào mà thôi.

Tu Tâm Tích Đức: Cháu con nhiều đời hưng thịnh

Vùng Kiến Ninh có quan Thiếu sư là Dương Vinh, gia đình nhiều đời làm nghề đưa đò để sống. Có một năm mưa lớn kéo dài; nước sông dâng cao, ngập trôi các vùng dân cư. Người đuối nước theo dòng trôi xuống rất nhiều. Các thuyền khác đều tham vớt tài vật trôi sông; chỉ riêng ông cố với ông nội của Thiếu sư đem hết sức chuyên tâm cứu người, tuyệt nhiên không vớt lấy bất kỳ món đồ vật nào. Người làng đều cười chê là ngu dại.

Đến khi cha của Thiếu sư sinh ra thì gia đình đã dần dần khá giả lên. Một hôm có vị thần hóa thành đạo sĩ, đến nói với cha Thiếu sư rằng: “Ông nội của ông có âm đức lớn, con cháu về sau sẽ được phú quý vinh hiển. Nên cải táng nơi chỗ đất này.” Rồi chỉ cho một chỗ đất. Gia đình y theo đó mà cải táng. Thế đất ấy ngày nay các thầy địa lý gọi là gò bạch thố.

Sau sinh ra Thiếu sư, hai mươi tuổi đã đỗ đạt, địa vị lên đến hàng Tam công; ông cố và ông nội cũng được triều đình truy tặng quan tước như vậy. Con cháu về sau nhiều đời đều được phú quý hưng thịnh.

Lời bàn

Những cuộc đất chôn tốt hay xấu, đều có quan hệ đến những nguyên lý nhất định; không phải con người có thể cố sức gượng ép mà cầu được. Người đời không lo tu nhân tích đức, chỉ lo cầu thầy địa lý giỏi, mong được chỉ cho chỗ đất chôn tốt lành, quan niệm như thế thật hết sức sai lầm. Nhưng nếu hoàn toàn không tin phong thủy, chẳng quan tâm đến phương hướng ngày giờ; nói rằng chỉ cần chọn chỗ ngày sau không làm đường sá, không xây thành quách là có thể an táng được, ắt có thể nhầm chôn thân nhân vào nơi cuộc đất hung sát tuyệt địa, như thế cũng là sai lầm.

Cứ xem như cuộc đất táng của nhà Thiếu sư phát khởi được sự tốt lành, ấy là có quan hệ đến việc được thần nhân mách bảo, thì thấy rằng thuyết phong thủy thật không thể không tin. Nhưng lại xét việc ông cố, ông nội của Thiếu sư đã tu nhân tích đức như thế nên gia đình mới gặp được cuộc đất tốt lành như thế, thì biết rằng cũng không thể hoàn toàn dựa vào thuyết phong thủy.

( Cách Tu Tâm Tích Đức – Theo An Sĩ Toàn Thư )

Tuệ Tâm 2022.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Hộ pháp là gì? Bốn hệ tượng Thần Hộ Pháp trong các ngôi chùa Việt

14 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog