Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo
Pháp Giới 1 tháng trước

Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

GNO – Tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật.

Khái niệm tự lực và tha lực

Tự lực là chỉ cho sự nỗ lực của chính bản thân mình nhằm đạt được mục đích hay điều gì đó. Ví dụ trong học tập, nếu ta cố gắng chăm chỉ thì có thể đạt được thành tích tốt trong thi cử. Tha lực là chỉ cho sự tác động của yếu tố bên ngoài đến tự thân, và tùy theo mức độ của sự tác động mà bản thân ta chịu sự ảnh hưởng nặng hay nhẹ. Ví dụ nếu ở trong một môi trường giáo dục tốt thì tri thức, nhân cách đạo đức… của chúng ta dễ phát triển theo chiều hướng tích cực.

Trong Phật giáo, tự lực và tha lực thường được nhắc đến. Thoạt đầu ta cứ nghĩ đây là hai khái niệm hoàn toàn đối lập và không liên quan gì với nhau, nhưng sự thật chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Phật giáo Nguyên thủy đề cao vai trò tự lực

Trong Phật giáo Nguyên thủy, tinh thần tự lực được thể hiện qua câu “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Lời dạy này nhằm khuyến khích hàng đệ tử phải nỗ lực tu tập, tự chuyển hóa chính mình, nương theo Chánh pháp để đạt giải thoát: “Vậy này Ᾱnanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một điều gì khác”(1). Lời di huấn này của Đức Thế Tôn khẳng định tinh thần tự nỗ lực và tự giác ngộ. Hàng đệ tử Phật cần phải tự mình soi sáng cho chính mình bằng cách nương tựa Chánh pháp. Chỉ bằng việc dùng Chánh pháp để tu tập mới có thể đạt được tuệ giác, thấy được nguyên nhân của khổ đau, đó là do nghiệp: “Này các Tỷ-kheo, các chúng sinh là chủ của nghiệp, là những kẻ thừa tự của nghiệp, là sinh căn của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm làm nghiệp gì, thiện hay ác, họ là những kẻ thừa tự của nghiệp ấy”(2).

Tự lực và tha lực trong Phật giáo Đại thừa

Nếu Phật giáo Nguyên thủy đề cao tinh thần tự lực thì đến giai đoạn Phật giáo Đại thừa lại xuất hiện thêm yếu tố tha lực, tức phải nhờ sức mạnh bên ngoài trợ duyên mới có thể đạt được giải thoát. Tịnh Độ tông(3) là tông phái nhấn mạnh tinh thần tha lực, tức nương tựa vào hạnh nguyện độ sinh của Đức Phật A Di Đà để được vãng sinh về quốc độ của Ngài. Trong kinh A Di Đà, Đức Phật dạy:

Xem Thêm:   Sự thật về Đồng bóng

“Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đến Đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của Đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung, Đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực lạc của Đức Phật A Di Đà”(4).

Theo Tịnh Độ tông, một người cho dù thiện hay ác, tốt hay xấu, nếu đặt niềm tin tuyệt đối và hết lòng trì niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà thì có thể sinh về thế giới Cực lạc. Trong kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Phổ môn, yếu tố tha lực cũng được nói đến:

“Phật bảo ngài Vô Tận Ý Bồ-tát. Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các sự khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ-tát này một lòng xưng danh. Quán Thế Âm Bồ-tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát”(5).

Tương tự như vậy, những bản kinh Đại thừa khác như kinh Dược Sư (Mười hai lời nguyện của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương), kinh Địa Tạng (Nguyện lực cứu khổ địa ngục của Địa Tạng Vương Bồ-tát), kinh Phổ Hiền hạnh nguyện (Mười hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát) v.v… cũng đề cập đến yếu tố tha lực.

Dung hòa yếu tố tự lực và tha lực

Về mặt tu tập giải thoát, Phật giáo Nguyên thủy nhấn mạnh yếu tố tự lực, còn Phật giáo Đại thừa bổ sung thêm yếu tố tha lực. Tuy nhiên nếu cho rằng Phật giáo Nguyên thủy chỉ dựa vào tự lực để đạt giải thoát còn Phật giáo Đại thừa dựa nhiều vào tha lực thì điều này có thể không chính xác. Chúng ta biết rằng, nếu không có bậc Đạo Sư chỉ dạy thì chúng ta không thể có được phương pháp tu tập đúng đắn. Và việc nương tựa vào những lời dạy của Đức Phật có thể được xem là một hình thức của nương tựa vào tha lực. Hẳn nhiên ở đây việc nương tựa vào lời dạy của Đức Phật chỉ là phương tiện, còn việc đạt được giải thoát hay không là do sự tu tập của mỗi người.

Xem Thêm:   Quả báo Phá thai cực nặng

Cũng vậy, nếu xem việc đạt được giải thoát trong Tịnh Độ tông là hoàn toàn dựa vào tha lực thì cũng là sai lầm. Trong kinh A Di Đà có nói rằng, nếu chúng sinh nào có lòng lành, nghe đến danh hiệu và hết lòng thọ trì danh hiệu Ngài từ một ngày đến bảy ngày thì khi mạng chung sẽ được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về thế giới Cực lạc. Ở đây ta thấy để vãng sinh về thế giới Cực lạc, một người phải cần đến cả yếu tố tự lực và tha lực. Bản nguyện độ tất cả chúng sinh của Phật đó là tha lực, nhưng chúng sinh đó muốn được sinh về cõi Tịnh độ thì trước tiên phải có đầy đủ thiện căn(6) và hết lòng trì niệm danh hiệu Phật đến “nhất tâm bất loạn”.

Tinh thần này cũng được thể hiện nơi hạnh nguyện đại bi cứu khổ của Bồ-tát Quán Thế Âm. Nếu có vô lượng chúng sinh chịu trăm điều khổ não nghe được danh hiệu Quán Thế Âm và hết lòng trì niệm danh hiệu thì Ngài sẽ quán sát âm thanh đó, liền đến cứu khổ khiến cho họ được an lạc, giải thoát. Tha lực là đại nguyện của Bồ-tát còn tự lực là sự “nhất tâm xưng danh” của chúng sinh, tức tha lực chỉ phát sinh khi có yếu tố tự lực.

Trong Phật giáo Đại thừa, có một số tông phái chú trọng vào tự lực, chẳng hạn như Thiền tông. Về mặt này, Thiền tông và Phật giáo Nguyên thủy khá giống nhau, tức không ỷ lại vào yếu tố bên ngoài mà dựa vào nỗ lực tu tập của chính bản thân để được chứng ngộ.

Nếu Đức Phật là bậc Đạo Sư tự tìm thấy con đường giải thoát và tự giác ngộ cho mình: “Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh giác chưa từng nghe pháp nhưng có thể tự mình giác ngộ Pháp, tự thông đạt Vô thượng Bồ-đề, rồi để giác ngộ cho hàng Thanh văn trong đời vị lai mà thuyết pháp”(7), thì còn lại tất cả chúng ta đều phải nhờ vào yếu tố tha lực trong bước đường tu tập, như phải nương vào Phật pháp, vào thầy tổ, bằng hữu v.v… Những điều đó còn được gọi là yếu tố trợ duyên. Sự tu tập cũng như đời sống hàng ngày của chúng ta đều không ra ngoài quy luật nhân duyên, đều có sự ảnh hưởng và chi phối lẫn nhau. Cho nên việc tự nỗ lực tu tập có khi chưa đủ mà còn phải cần đến những nhân duyên hỗ trợ mới có thể đạt được mục đích.

Xem Thêm:   Đà Nẵng: Lễ truyền đăng tại Liên trại huấn luyện Lộc Uyển - A Dục năm 2024

Như vậy, tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật. Dù cho đặt nặng yếu tố nỗ lực tự thân thì trong bước đường tu tập ta không hẳn hoàn toàn không nương vào tha lực. Còn nếu chỉ dựa dẫm vào tha lực mà không chịu tu tập thì đó là mê tín, tà kiến, không đúng với tinh thần Phật pháp.

Thích Thiện Đức

___________________________________________

(1) Kinh Tương ưng bộ, tập V, chương III, phẩm Ambapāli, Thích Minh Châu (dịch), NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.567.

(2) Kinh Tăng chi bộ, tập II, chương Mười, phẩm Thân do nghiệp sinh, Thích Minh Châu (dịch), NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.730.

(3) Tham khảo thêm Tinh hoa triết học Phật giáo (2019), Junjiro Takakusu, Tuệ Sỹ (dịch và chú), NXB.Hồng Đức, Hà Nội, tr.253-266.

(4) Thích Trí Tịnh (2012), kinh Nhựt tụng, kinh A Di Đà, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.60.

(5) Thích Trí Tịnh (dịch) (2011), kinh Diệu pháp liên hoa, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.244.

(6) Tức không tham, không sân, không si.

(7) Tiểu tạng kinh (2019), Tạp A-hàm, cuốn I, kinh 66 Quán, Thích Đức Thắng (dịch), Tuệ Sỹ (hiệu chỉnh và chú thích), NXB.Hồng Đức, Hà Nội, tr.145.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2018), kinh Tương ưng bộ, tập II, Thích Minh Châu (dịch), NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam (2018), kinh Tăng chi bộ, tập II, Thích Minh Châu (dịch), NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam (2018), kinh Tiểu bộ, tập I, Thích Minh Châu (dịch), NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

Thích Minh Châu (dịch) (2016), Kinh Pháp cú, Phẩm Phật-đà, kệ 183, NXB.Phương Đông, Hồ Chí Minh.

Tiểu Tạng Kinh (2019), Tạp A-hàm, cuốn I, Thích Đức Thắng (dịch), Tuệ Sỹ (hiệu chỉnh và chú thích), NXB.Hồng Đức, Hà Nội.

Tiểu tạng kinh (2019), Trung A-hàm, cuốn I, phẩm 2, kinh Tư, Tuệ Sỹ (dịch và chú), NXB.Hồng Đức, Hà Nội.

Thích Trí Tịnh (dịch) (2012), kinh Nhật tụng, kinh A Di Đà, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

Thích Trí Tịnh (dịch) (2011), kinh Diệu pháp liên hoa, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

Kimura Taiken (2012), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ (dịch), NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

Nguồn: https://giacngo.vn/

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

0 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog