Tùy hỉ là gì
Pháp Giới 10 tháng trước

Tùy hỉ là gì

Tùy hỉ là khi thấy trên từ chư Phật, Thánh nhơn, dưới cho đến các loại chúng sanh, có làm được công đức gì, dù là nhỏ mọn cũng vui mừng theo. Và khi thấy ai được sự phước lợi, hưng thạnh, thành công, an ổn, cũng sanh niệm vui vẻ mừng giùm. Lòng tùy hỉ vừa trừ được chướng tật đố nhỏ nhen, lại là một trong những pháp bố thí dành cho người không có tiền bạc.

  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Thập thiện là gì.
  • Bố thí là gì.
  • Âm đức là gì.
  • Sự thật về hạn tam tai.
  • Chuyện tâm linh có thật.
  • Hành dịch bệnh quỷ vương Lệ quỷ.
Tùy hỉ là gì
Tùy hỉ là gì

Lời đức Phật dạy về Tùy Hỉ

Theo Kinh Ưu Bà Tắc Giới, Đức Phật dạy: “Nếu người có tiền của, thấy có người đến cầu xin, mà nói không có; nên biết người này đã nói rằng mình ở đời sau sẽ nghèo túng ít phước đức. Người như vậy gọi là trốn tránh bừa bãi; tự nói mình không có tiền của, nghĩa này không đúng tại, vì sao? Bởi vì tất cả nguồn nước cỏ cây thì không người nào không có. Tuy là hàng vua chúa nhưng không phải là có năng lực bố thí; tuy là người nghèo túng mà không phải không có thể bố thí.

Tại vì sao? Bởi vì người nghèo túng cũng có phần ăn; ăn xong rửa dọn đồ dùng, lấy nước chùi rửa đã bỏ đi để bố thí cho những loài cần ăn, cũng cảm được phước đức. Nếu dùng một chút bột rang bố thí cho loài sâu kiến, thì cũng cảm được quả báo phước đức vô lượng. Nghèo nhất trong thiên hạ thì ai mà không có một chút bột rang này chăng? Có ai một ngày không ăn ba nắm bột rang mà mạng sống không giữ được? Vì vậy mọi người nên lấy một nửa phần ăn của mình bố thí cho người cầu xin.

*

Này người thiện nam! Người nghèo túng nhất có ai lõa lồ thân thể mà không có áo quần? Nếu có áo quần, há không có một mảnh vải bố thí cho người buộc chặt vết thương; hoặc một chút tiền bạc để làm bấc đèn hay sao? Người trong thiên hạ có ai nghèo túng đến nỗi không có thân hình? Nếu như có thân hình thì thấy người ta làm phước, tự mình nên đi đến phụ giúp, hoan hỉ không chán, cũng gọi là người bố thí, cũng cảm được phước đức; hoặc là có phần, hoặc có giúp như nhau, hoặc có người gánh vác.

Vì nhân duyên này, Ta nhận đồ ăn của vua Ba Tư Nặc thì cũng chú nguyện; nhà vua và người nghèo túng đều cảm được công đức như nhau không có gì sai biệt. Như người mua hương, hương xoa-hương bột-hương rải hay hương thắp, bốn loại hương như vậy có người tiếp xúc; người mua-người bán cùng ngửi thấy không có sai khác, mà các loại hương không mất đi chút nào.

Đức của tu hạnh bố thí cũng lại như vậy. Hoặc nhiều hoặc ít, hoặc to hay nhỏ; hoặc là tâm tùy hỷ mà thân hướng về phụ giúp; hoặc từ xa thấy hay nghe mà tâm sinh ra hoan hỷ, tâm ấy như nhau cho nên cùng cảm được quả báo không có gì sai biệt. Nếu như không có tiền của vật dụng mà thấy người ta bố thí rồi tâm không vui mừng tin tưởng, nghi ngờ đối với ruộng phước, thì gọi là nghèo túng chẳng có gì.

*

Nếu như nhiều tiền bạc châu báu tự tại vô ngại có ruộng phước tốt lành, mà bên trong không có tín tâm không có thể cúng dường bố thí, thì cũng gọi là nghèo túng chẳng có gì. Vì vậy cho nên người trí tự quán xét còn lại một nắm cơm, mình ăn thì sống, cho người ta thì mình chết, mà còn phải bố thí, huống là nhiều hay sao?

Người trí lại quán xét, thế gian nếu có người trì giới đa văn cho đến đạt được quả vị A La Hán, còn không thể nào ngăn chặn được những nỗi đói khát khổ đau, hoặc nhà cửa-áo quần-ăn uống-giường chiếu-bệnh tật-thuốc thang, đều do nhân duyên đời trước không bố thí. Người phá giới nếu vui với hạnh bố thí, người này tuy rơi vào ngạ quỷ súc sanh, nhưng luôn được no đủ không hề thiếu thốn; tuy giàu có nhất bốn thiên hạ, thọ nhận vô lượng niềm vui, mà hãy còn không biết đầy đủ. Vì vậy cho nên Ta phải vì đạo Vô thượng mà thực hành bố thí, chứ không vì quả báo trời người.

Tại vì sao? Bởi vì vô thường, bởi vì có giới hạn. Nếu người bố thí hoan hỉ không hối tiếc, thì gần gũi với người thiện, của cải tự nhiên tùy ý, sanh vào gia đình dòng dõi cao quý, cảm được niềm vui của trời người, đạt đến quả Vô thượng, có năng lực xa lìa tất cả phiền não ràng buộc muôn đời.”

Không biết Tùy hỉ chỉ làm hại chính mình

Nhiều người không biết Tùy hỉ nên bị sự tật đố nhỏ nhen che mất thiện tâm. Kết cục cả một đời khổ hải trong sự ganh tị nghèo túng, chẳng một chút bình an.

Bởi thói đời thấy người giàu sang thành đạt thường sanh tâm ghen ghét. Ngoài miệng ngợi khen cầu cạnh, nhưng trong tâm âm thầm rủa xả không nguôi. Thấy nhà người phát đạt thì nghĩ trăm lý ngàn do áp đặt cho thỏa lòng tị nạnh. Nào là: Chắc nhà nó buôn gian bán lận, làm chuyện tổn đức mới giầu nhanh như thế; Hoặc nhà nó có người quen làm quan nên giàu sang cũng toàn tiền ăn cướp cả…vv và vv…

Cứ nghĩ và nói cho sướng miệng mình. Chẳng cần quan tâm họ nằm gai nếm mật, lên voi xuống chó bao lần…mới có ngày hôm nay. Ta chẳng tùy hỉ với sự thành công của họ nên bị tâm ganh tị dày vò, khổ sở. Chẳng biết rằng ganh tị chẳng được lợi lộc chi lại làm hại chính mình. Bởi tâm ganh tị khiến ta khởi bao niệm xấu ác. Ta khiến mình xấu xa hơn rồi cạu cọ với người thân, khiến họ vô cớ bị mắng chửi mà muộn phiền. Gia đình ta rối loạn mà nào có ảnh hưởng chi đến kẻ ta ghét đâu?

  • Quỷ thần là gì

Lại khi ta sanh tâm xấu ác. Tuy bên ngoài chẳng ai hay nhưng trong vô hình quỷ thần đều thấy biết. Người không biết thì chẳng gì lắm, nhưng quỷ thần biết thì vô cùng tai hại. Họ thấy tâm bạn ám đen bởi tị nạnh và khí đen trong thân bạn bốc lên ngùn ngụt.

Thiện thần nhìn thấy tâm bạn tất sẽ giận giữ mà hoặc trách phạt hoặc rời xa bạn. Ác thần và quỷ mị thì ngược lại. Chúng do bị chiêu cảm bởi tâm xấu ác của bạn nên kéo đến ở cùng bạn. Chúng hoặc xúi dục bạn làm việc xấu, hoặc quậy phá trong nhà khiến gia đình bạn không an: Hoặc công việc long đong chẳng thành; Hoặc con cái nay ốm mai đau; Hoặc người thân vô cớ xung khắc, cãi cọ mắng chửi…

Tâm không biết tùy hỉ nó làm hại ta kinh khủng như thế đó!

Tùy hỉ là pháp bố thí tạo công đức dễ nhất

Tùy hỉ là cách tạo công đức dễ nhất. Tại sao thế? Bởi tùy hỉ chính là một trong những pháp bố thí. Đặc biệt pháp này dành cho người nghèo, vì người nghèo thì rất khó để bớt chút của cải ra bố thí.

Người đời không biết rằng: Tạo công đức không nhất thiết cứ phải là bố thí tiền bạc mới tích lũy được công đức. Bởi đức Phật có dạy pháp tạo công đức gọi là tùy hỉ, công đức cũng nhiều vô lượng vô biên. Nghĩa là ta chẳng cần phải giầu có mới bố thí tạo phước được. Như ta thấy người làm một điều lành, nói một điều lành mà sanh tâm vui chung với họ, đó gọi là tùy hỉ công đức. Pháp này đơn giản, dễ thực hiện và ai cũng có thể làm được.

Đức Phật dạy: “Tâm bố thí quan trọng hơn vật bố thí.” Bởi thế nên trong Kinh Địa Tạng đức Phật bảo đại ý: “…Không cứ là nhiều hay ít. Nếu có thể đem công đức hồi hướng cho pháp giới chúng sinh thì phước báo không thể ví dụ thế nào cho được.” Không ai bắt buộc ta phải bố thí cả, vậy nên nếu ta cảm thấy thoải mái thì bố thí. Nếu không thấy vui vẻ thoải mái thì không nên bố thí. Còn khi đã bố thí rồi, tâm không mảy may suy nghĩ về người bố thí, người nhận bố thí và vật đem bố thí. Đấy gọi là Bố thí Ba La Mật!

*

Vì tâm quan trọng hơn vật nên nếu ta bố thí bằng tâm không thoải mái, dù có đem cả vạn lạng vàng bố thí, phước đức cũng chẳng được bao nhiêu. Cũng vì tâm quan trọng hơn vật nên tùy hỉ sanh ra nhiều công đức là như thế. Đây là lời Phật, lời Tổ dạy, chớ không phải Tuệ Tâm tôi tự nghĩ ra dâu nhé!

An sĩ toàn thư chép lại câu chuyện điển hình về sự trọng yếu của tâm. Nay chép thêm vào đây cho bạn cùng đọc. Để bạn thấy rằng tâm quan trọng hơn vật không phải là điều hư dối:

Thuở xưa, Vệ Trọng Đạt là một quan chức Hàn Lâm viện. Một hôm ông ta tự thấy mình bị bắt đưa đến âm ty. Diêm chúa sai thư lại trình lên những ghi chép thiện ác của Trọng Đạt đã làm ở dương gian. Khi so sánh thì thấy những ghi chép xấu ác quá nhiều, bày ra choáng đầy cả sân. Còn việc thiện thì quá ít, chỉ được ghi trên một mảnh lụa cuộn tròn lại nhỏ như chiếc đũa.

Diêm chúa sai đặt tất cả lên hai bên đòn cân để so sánh nặng nhẹ. Hóa ra hết thảy những ghi chép xấu ác bày ra đầy sân kia lại nhẹ hơn cuộn giấy lụa ghi việc thiện cuộn lại chỉ nhỏ như chiếc đũa.

Trọng Đạt thưa hỏi: “Tôi năm nay chưa đến 40 tuổi, sao có thể nhiều việc xấu ác đến như thế?”

Diêm chúa đáp: “Một niệm tà vạy khởi lên đã là xấu ác, không đợi đến lúc ông thực sự làm.”

*

Nhân đó, Trọng Đạt lại hỏi xem trong cuộn giấy lụa kia ghi chép những gì. Diêm chúa đáp: “Triều đình trước đây huy động rất nhiều dân công tu sửa cầu đá ở Tam Sơn. Ông có dâng sớ can ngăn việc ấy. Trong đó ghi lại bản sớ của ông.”

Trọng Đạt thắc mắc: “Tuy tôi có can ngăn thật, nhưng triều đình không nghe theo thì việc ấy nào có ích lợi gì. Làm sao lại có tác dụng mạnh mẽ hơn tất cả những điều xấu ác như vậy?”

Diêm chúa đáp: “Triều đình tuy không nghe theo việc ấy. Nhưng một ý niệm của ông khởi lên vốn đã là vì lo lắng cho tất cả muôn dân nên được như vậy. Ví như triều đình chịu nghe theo ông thì tác dụng của việc thiện ấy lại càng mạnh mẽ hơn thế nữa.”

Cho nên, nếu tâm niệm hướng về khắp cả muôn người thì dù việc thiện nhỏ cũng thành lớn lao; Nếu chỉ riêng lo cho bản thân mình, tuy có làm nhiều việc thiện cũng chỉ xem là nhỏ nhặt. Tâm tùy hỉ cũng cần được hiểu như thế: Tuy không bỏ tài vật ra bố thí. Nhưng một niệm tùy hỉ với người, công đức tạo được cũng vô lượng vô biên.

Tại sao thế? Bởi khi bạn thấy người làm một việc thiện lành mà khởi tâm tùy hỉ vui mừng, ấy là pháp tích âm đức. Mà tích âm đức trong ngắn hạn được được trời đất, quỷ thần tôn kính; Trong dài hạn tất được hưởng phước báo giầu sang, hưng thịnh.

 ( Tùy hỉ là gì )

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ tạ pháp hậu an cư tại hạ trường chùa An Vinh

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog