Tu Khổ Hạnh là gì – 12 Hạnh Đầu Đà là những gì
Pháp Giới 11 tháng trước

Tu Khổ Hạnh là gì – 12 Hạnh Đầu Đà là những gì

Nói đến tu khổ hạnh người ta hay nghĩ đến những đạo sư nhiều năm ẩn tu trong các hang động nơi rừng sâu núi thẳm; Hoặc các hàng ngoại đạo tu hành ép xác như ăn ngủ trên bàn chông…Hàng ngoại đạo tu hành tà vạy, khổ hạnh nằm chông, ép xác…Rốt cuộc hoặc bị loài tinh mị, quỷ thần âm thầm ám nhập, hoặc chỉ đạt được chút thần thông lặt vặt. Giỏi lắm khi bỏ thân này sanh lên cõi trời Vô Vân, hưởng hết phước lại đọa tam đồ, luân hồi sáu nẻo thế nào vẫn y nguyên như thế.

  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Cách tu tại gia.
  • Chú Đại Bi Tâm Đà Ra Ni.
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
  • Kinh niệm Phật Ba La Mật.
  • Cảnh tỉnh về tu tập 42 thủ nhãn ấn pháp.
Tu Khổ Hạnh Đầu Đà
Tu Khổ Hạnh Đầu Đà

Phật pháp cũng có pháp tu khổ hạnh, nhưng khổ hạnh trong Phật pháp khác rất xa với ngoại đạo. Bởi người hành hạnh khổ hạnh, không phải là đày đọa thân vị mình, mà là vì pháp giới chúng sanh và sự trường tồn của chánh Pháp. Lý này sâu rất vi tế, không phải người thâm hiểu về Phật pháp tất rất khó hay khó biết. Bởi phàm những việc như mặc áo vá, ngày ăn một bữa, ngủ ngồi…thế gian cho là khổ hạnh nhưng sự thực thì người hành hạnh ấy bởi ba lý do chính:

  1. Buông xả các bám chấp của Ngũ dục.
  2. Phát triển định lực của hành giả.
  3. Dùng phước của mình hồi hướng cho pháp giới chúng sanh để giải trừ khổ nạn cho thế gian.
*

Như vậy tu khổ hạnh là pháp tu dành cho người phát đại hùng tâm, vì pháp giới chúng sanh, vì sự trường tồn của Phật pháp, mà thực hành các hạnh khổ. Những việc gọi là khổ hạnh ấy, người tu nếu không có định lực tất sẽ không kham nổi. Người thế gian nhìn thấy nhà sư mình trần ngồi trong hang nơi núi tuyết, ngày ăn vài hạt gạo, uống chút nước suối, cho là khổ hạnh mà chẳng biết rằng: Để đạt được cảnh giới ấy, các Ngài đã thường ở trong định, dùng lửa tam muội làm ấm thân nên không thấy lạnh.

Lại người tu khi đã nhập định, cái xác phàm này vốn không còn nhu cầu trao đổi chất nên đói no chẳng còn nghĩa lý gì. Đây là mới chỉ ở cảnh giới của nhập định, chưa đến cảnh giới của bậc tu hành phá được Kiến hoặc mà thâm nhập được vào cảnh giới của Tứ thiền. Để biết về cảnh giới của Tứ Thiền, ta hãy nghe Hòa thượng Tuyên Hóa giảng:

Người tọa thiền lên đến cảnh giới Sơ thiền cơ thể không còn thở nữa, không có sự hô hấp. Ở cảnh giới này tuy không còn hô hấp nhưng vẫn có một niệm động, một khi phát sanh niệm động này thì hô hấp sẽ trở lại. Đó là Sơ thiền.

*

Nhị thiền là mạch đứt rồi, khí hô hấp không còn nữa thì mạch cũng ngừng luôn, giống như người chết. Tuy mạch ngừng đập nhưng không phải chết. Đó là cảnh giới của Nhị thiền

Tam thiền là ngồi cho đến ý niệm cũng ngừng bặt. Ở Sơ thiền, Nhị thiền không còn hô hấp nữa, mạch cũng ngừng đập, nhưng lại còn có ý niệm, đến Tam thiền thì ý niệm đó cũng không còn nữa vì thường ở trong định.

Đến Tứ thiền thì chỉ còn thức mà thôi. Tam thiền không có ý niệm là không có ý niệm thô, nhưng ý niệm tế vẫn còn; đến Tứ thiền cả ý niệm tế cũng dứt luôn. Cảnh giới này chỉ là con đường cần phải kinh qua của người tu Thiền, chớ không phải là quả chứng.

Không chỉ nói Tứ thiền, mà ngay cả Tứ không xứ: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng chẳng qua chỉ là một thứ định, chớ không phải là quả chứng; nếu có chấp lấy thì có thể cho cảnh giới này là Niết bàn và cho là chứng đắc quả A-la-hán thứ tư. Như Vô Văn Tỳ kheo cho Tứ thiền là Tứ quả, đó là vì anh ta không hiểu.”

Tu Khổ Hạnh Trong Phật Pháp

Năm xưa chư Tổ sư vào rừng khổ hạnh, đói ăn đọt tùng, khát uống nước suối. Như Hư Vân Hòa Thượng ba năm trong hang núi. Hòa Thượng Tuyên Hóa mấy năm ròng rã ở tại một nhà kho bên Mỹ…hết thảy đều là chờ nhân duyên chín muồi để hoằng pháp độ sanh. Nhờ sự khổ hạnh ấy của các Ngài mà cứu vãn được vô vàn kiếp nạn cho chúng sanh trên thế gian…Chỉ tiếc rằng ít người biết và hiểu được điều này đấy thôi.

Người tu khổ hạnh trong Phật pháp gọi là tu hạnh Đầu Đà. Đầu Đà là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Đẩu Tẩu (phủi dũ), tức là phấn chấn tinh thần, mạnh mẽ tinh tấn. Đầu Đà tức là thực hành khổ hạnh, có 12 thứ khổ hạnh, 12 thứ hạnh Đầu Đà này là biểu hiện sự trụ trì Phật pháp. Chỉ cần có người tu hạnh Đầu Đà thì Phật pháp còn trụ lâu ở thế gian; nếu không có người tu hạnh Đầu Đà thì Phật pháp bị diệt mất.

Tu Khổ Hạnh: 12 Hạnh Đầu Đà 

Một bạn đạo trước đây hỏi: “Tôi thấy có Người giảng rằng: Hạnh Đầu Đà gồm có 13 hạnh, việc này có đúng hay không?” Tôi bảo: “Tôi đọc sách, chỉ thấy chư Tổ dạy: Hạnh Đầu Đà gồm có 12 hạnh. Tuyệt chưa từng thấy có sách nào bảo là 13 hạnh. Không biết vị ấy lấy thêm hạnh thứ 13 ở đâu ra?”

Nay nhân bài viết này, xin trích dẫn lời giảng của Tuyên Hóa Thượng Nhân về 12 hạnh Đầu Đà cho người hữu duyên cùng đọc. Chỉ nguyện bạn đọc nắm vững giáo lý của Như Lai, ngoài ra thì: Một niệm hơn thua, đúng sai, được mất với người, Tuệ Tâm tôi tuyệt chẳng sanh khởi ở trong tâm! 

Đầu-đà là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Đẩu Tẩu (phủi dũ), tức là phấn chấn tinh thần, mạnh mẽ tinh tấn. Đầu-đà tức là thực tu khổ hạnh, có 12 thứ khổ hạnh, 12 thứ hạnh Đầu-đà này là biểu hiện sự trụ trì Phật pháp. Chỉ cần có người tu hạnh Đầu-đà thì Phật pháp còn trụ lâu ở thế gian; nếu không có người tu hạnh Đầu-đà thì Phật pháp bị diệt mất. Mười hai hạnh Đầu-đà là:

  1. Mặc Y Phấn Tảo.
  2. Chỉ có 3 y, bình bát, tọa cụ.
  3. Thường khất thực.
  4. Theo thứ lớp khất thực.
  5. Giữa ngày ăn một bữa.
  6. Ăn vừa chừng.
  7. Quá ngọ không uống nước cô đặc.
  8. Ở nơi A-lan-nhã.
  9. Ở dưới bóng cây.
  10. Ở lộ thiên.
  11. Ở gò mả.
  12. Hông không dính chiếu.
*

Thực hành tu khổ hạnh với mười hai hạnh Đầu-đà trong Phật pháp thì Tôn giả Ca Diếp là bậc nhất. Hiện Tôn giả vẫn còn sống và đang nhập định nơi núi Kê Túc, Vân Nam, Trung Quốc, chờ này đức Di Lặc hạ sanh thành Phật. Tôn giả Ca Diếp là người được hai cái bậc nhất trong số đệ tử Phật: 1. Tu khổ hạnh Đầu-đà bậc nhất, 2. Tuổi cao bậc nhất. Trong các đệ tử của Phật, luận về tuổi tác thì không có ai hơn ngài. Trong hàng đệ tử của Phật, ngài ăn rất kham khổ, thọ dụng rất kham khổ, tu hành cũng rất kham khổ, cho nên được tôn là hạnh Đầu-đà bậc nhất.

Tu Khổ Hạnh Đầu Đà: 1. Mặc y phấn tảo

Y phấn tảo là gì? Tức là loại y phục hoặc vải người ta dã dùng rồi không cần nữa, đem bỏ vào thùng rác, người xuất gia đem những thứ y phục đó về giặt sạch may thành y phục của mình. Mặc những thứ y phục này có những thứ lợi ích gì? Có lợi ích rất lớn là khiến cho mình không còn tâm tham, không thích y phục đẹp, mặc thứ y phục này khiến cho trong lòng rất an tịnh, bớt đi lòng tham, cũng khiến cho người khác không có tâm tham.

Nếu anh mặc bộ y phục quá đẹp người khác có thể sanh ra một thứ lòng hâm mộ, từ hâm mộ sanh ra ganh ghét, từ ganh ghét sanh ra tâm tham, kế đó sanh ra tâm trộm cắp. Nếu mặc y phấn tảo thì không có ai muốn đến lấy trộm y phục của anh, đó là có lợi cho anh mà cũng có lợi cho người khác; cũng là những y phục Phá nạp mà người xuất gia hay mặc. Vì thế người xuất gia cũng gọi là “Nạp tử”, có nghĩa là nói người xuất gia mặc y Phá nạp.

Tu Khổ Hạnh Đầu Đà: 2. Chỉ có 3 y, bình bát, tọa cụ

Chỉ có 3 y, bình bát, tọa cụ: Tức là những đồ vật mà chính mình chứa dể. Ba y là:

– Đại y: Có loại 25 điều, 108 miếng. Thứ y này đắp mặc khi giảng kinh thuyết pháp hay khi vào Hoàng cung.

– Thất điều y: Là y 7 diều, đắp mặc khi lễ sám lạy Phật.

– Ngũ y: Là y 5 điều, đắp mặc khi chấp lao phục dịch, đi ra vào, đón rước tiếp đãi khách khứa.

Tại sao chỉ có 3 y, bình bát và tọa cụ? Đó cũng là bảo người thường tri túc, chớ tham nhiều vật chất.

Ở trên là 2 mục nói về y, dưới đây là nói về vật thực:

Tu Khổ Hạnh Đầu Đà: 3. Thường khất thực

Thường khất thực tức là thường ôm bát di khất thực, tự mình không nấu nướng.

Tu Khổ Hạnh Đầu Đà: 4. Theo thứ lớp khất thực

Theo thứ lớp khất thực tức là ngừng ở mỗi nhà khất thực, không nói là bỏ nhà người nghèo khổ mà đến nhà người giàu có để khất thực. Nếu ngừng lại ở từng nhà thì 1 ngày hóa duyên trước cửa 7 nhà. Nếu 7 nhà đều không cúng dường thì ngày hôm đó không ăn cơm. Không thể lựa chọn mà phải bình đẳng khất thực.

Không nên giống như Tôn giả Tu-bồ-dề và Đại Ca Diếp có tâm phân biệt. Tôn giả Đại Ca Diếp chuyên đến cửa người nghèo khất thực, vì ngài nghĩ rằng người nghèo thật đáng thương, nếu không gieo trồng phước lành cho họ thì đời sau lại càng khổ hơn, vì thế ngài cứ đến hóa duyên người nghèo.

Trái lại, Tôn giả Tu-bồ-đề lại chuyên hóa duyên người có tiền mà không hóa duyên người nghèo khổ. Ngài có ý nghĩ riêng, vì cho rằng: “Người giàu, nếu đời nay không gieo trồng phước lành thì đời sau sẽ nghèo khổ”. Mỗi vị đều trình bày lý do của mình, Đức Phật mới quở trách các vị ấy là bậc A-la-hán mà có tâm phân biệt không bình đẳng.

Tu Khổ Hạnh Đầu Đà: 5. Giữa ngày ăn một bữa

Giữa ngày ăn một bữa nghĩa là sáng sớm và chiều tối không ăn chi hết, chỉ đúng trưa (từ 11 – 12 giờ) mới ăn cơm. Có người không hiểu Phật pháp, cho rằng giữa ngày ăn một bữa chính là Trì ngọ. Trì ngọ là buổi sáng ăn, buổi chiều không ăn. Nếu sáng, chiều và trưa đều ăn thì gọi là “Năng cật” (Cật và Trì, âm đọc hơi giống nhau).

Giữa ngày ăn một bữa, là tu hành theo chế độ của Phật dạy, nhơn vì giữa Ngọ là thời gian Phật ứng cúng. Sáng sớm là chư Thiên ăn, quá Ngọ là súc sanh ăn, chiều tối là ngạ quỷ ăn. Tại sao người xuất gia không ăn chiều? Vì ăn cơm chiều khua đũa bát, ngạ quỷ có thể đến cướp lấy thức ăn, nhưng mà thức ăn một khi vào miệng liền biến thành lửa đỏ, nhơn đó mà sanh lòng sân hận rồi làm cho người xuất gia sanh bịnh. Thế nên người xuất gia không ăn cơm chiều.

Tu Khổ Hạnh Đầu Đà: 6. Ăn vừa chừng

Ăn vừa chừng tức là không ăn quá nhiều. Nếu ăn quá nhiều, bụng không có chỗ chứa thức ăn cho nên phải bận rộn rất nhiều cho việc vào nhà xí.

Tu Khổ Hạnh Đầu Đà: 7. Quá ngọ không uống nước cô đặc

Quá ngọ không uống nước cô đặc: Nước cô dặc là nước ép từ trái cây, sữa bò, sữa đậu nành. Quá giờ Ngọ, người tu hạnh Đầu-đà chân chính thì không uống những thứ nước cô đặc ấy.

Có người chỉ tu một thứ hạnh Đầu-đà, hoặc 2, hoặc 8, hoặc 4 thứ, hoặc tu trọn vẹn các hạnh Đầu-đà, đều là tùy theo sức mình mà thực hành. Năm mục ở trên là về ăn uống, còn 5 mục sau đây là về mặc, ở. Người tu hành cũng không tránh khỏi các vấn đề ăn, mặc, ở, đi; cho nên có 12 thứ hạnh Đầu-đà.

Tu Khổ Hạnh Đầu Đà: 8. Ở nơi A-lan-nhã

A-lan-nhã dịch là Tịch tịnh xứ, tức là chỗ rất ít bóng người, không có thứ tiếng tạp loạn, đó là nơi mắt không thấy thì miệng không ham, tai không nghe thì tâm không phiền. Giống như người thấy đồ ăn ngon thì sanh ra lòng muốn ăn. Tai không nghe rất nhiều tiếng ồn ào thì trong lòng không sanh phiền não, còn ở chỗ vắng lặng thì dễ dụng công tu hành, dễ ngộ đạo.

Tu Khổ Hạnh Đầu Đà: 9. Ở dưới bóng cây

Người tu hành ở dưới bóng cây, nhưng không quá ba đêm. Ở qua hai đêm thì phải dời chỗ. Tại sao thế? Nếu anh ở đó ba đêm thì sẽ có người đến cúng dường. Vì người tu hạnh Đầu-đà không mong cầu có pháp duyên, không mong cầu được cúng dường thức ăn ngon.

Tu Khổ Hạnh Đầu Đà: 10. Ở lộ thiên

Tức là ngồi ở khoảng đất trống.

Tu Khổ Hạnh Đầu Đà: 11. Ở gò mả

Tức là ở bên gò mả khiến cho tự mình có một thứ cảnh giác để đối trị với tánh buông lung: “Này, ở đó có người chết, nếu không tu hành về sau ta cũng giống như thế, ta phải gấp rút tu hành mới được”. Ở bên gò mả thì không thể nào lười biếng được.

Tu Khổ Hạnh Đầu Đà: 12. Hông không dính chiếu

Tức là thường ngồi không nằm. Không có nằm ngủ nghỉ, như thế mới có thể đụng công mà không lười nhác.

Tu Khổ Hạnh Đầu Đà: Lời Kết

Tôn giả Ca Diếp chẳng phải chỉ tu một thứ hạnh Đầu-đà, mà cả 12 hạnh Đầu-đà đều tu trọn vẹn. Đến khi ngài hơn 200 tuổi, Phật thấy ngài tu hạnh Đầu-đà, không nhẫn tâm để ngài khổ cực quá, có một hôm Tôn giả Ca Diếp đến ra mắt Phật, Phật chia nửa tòa cho Tôn giả Ca Diếp cùng ngồi rồi nói với ngài rằng: “Ông nay tuổi đã quá già rồi, nên nghỉ bớt đi, chớ nên hành Đầu-đà cực khổ như thế nữa”.

Tôn giả Ca Diếp nghe Phật dạy, chỉ cười cười mà không đáp. Nhưng khi ngài trở về vẫn tu hạnh Đầu-đà, không cho rằng mình tuổi tác đã cao mà ngưng tu hạnh Đầu-đà. Đức Phật biết việc ấy nên vui vẻ nói: “Trong Phật pháp của ta, hạnh Đầu-đà của Ca Diếp có thể làm cho Phật pháp trụ lại 500 năm nữa”. Cho nên ngài Ca Diếp được khen là hạnh Đầu-đà bậc nhất.

(Tu Khổ Hạnh Đầu Đà  – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Báo Giác Ngộ số 1267: “Chúng ta phải sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ tiền nhân”

77 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog