Người học Phật ai ai cũng biết về Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Bốn đại nguyện này có ý nghĩa như thế nào, tại sao người học Phật lại nên phát nguyện?
Người đọc tụng kinh sách thường đọc lướt qua về Tứ hoằng thệ nguyện. Hiếm người biết rằng việc “phát nguyện” trong Phật pháp vô cùng trọng yếu. Bởi phát nguyện chính là động lực âm thầm dẫn dắt người tu. Nó đặc biệt quan trọng khi tâm thức ta mất phương hướng, nhất là ở trong trạng thái hôn mê của Cận tử nghiệp.
- A La Hán là gì.
- Tôn giả Mục Kiền Liên.
- Tôn giả A Nan.
- Tôn giả Ma Ha Ca Diếp.
- Sự thật về hạn Tam Tai.
- Sự thật về Đồng bóng.
- Sự thật về Cầu cơ
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Sự trọng yếu của chữ Nguyện được khái quát trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện – Kinh Hoa Nghiêm: “Người này khi sắp mạng chung, trong khoảng sát na rốt sau, tất cả các căn thảy đều tan hoại, tất cả quyến thuộc thảy đều lìa bỏ, tất cả oai thế thảy đều lui mất. Duy có nguyện vương này chẳng rời bỏ nhau, trong tất cả thời, nó đều dẫn dắt ở trước. Và trong khoảng một sát na, kẻ ấy liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.”
Tứ Hoằng Thệ Nguyện là gì
Tứ là bốn. Nguyện là ý nguyện, tức là chỗ ý hướng đến, tâm nghĩ đến điều gì đó rồi phát ra lời nguyện. Như vậy, Tứ Hoằng Thệ Nguyện là bốn đại Nguyện căn bản, lớn lao và vô cùng trọng yếu của người học Phật, đó là:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Chư Phật cùng Bồ tát thuở quá khứ; Chư Phật, Bồ tát ở hiện tại; Chư Phật, Bồ tát trong tương lai cũng đều y theo Tứ hoằng thệ nguyện này mà tu hành chứng quả.
Tứ Hoằng Thệ Nguyện do đâu mà phát ra
Tứ hoằng thệ nguyện này là y theo bốn đế mà phát ra. Bốn đế là: Khổ đế, Diệt đế, Tập đế và Đạo đế. Y theo Khổ đế thì phát ra lời nguyện “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”; Y theo Tập đế thì phát ra lời nguyện “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”; Y theo Đạo đế thì phát ra lời nguyện “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”; Y theo Diệt đế thì phát ra lời nguyện “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.
Hơn nữa, Tứ hoằng thệ nguyện cũng là chiếu theo ba khổ: Khổ khổ, Hành khổ, Hoại khổ của chúng sanh mà phát ra.
Khổ khổ chính là những nghèo cùng khốn khổ của chúng sanh.
Hoại khổ chính là chúng sanh dù được giàu sang, nhưng sự giàu sang đó hư hoại đi.
Hành khổ chính là đã không phải bị khổ sở vì nghèo thiếu, cũng không phải là giàu sang bị hư hoại, mà là hành khổ của vô thường biến đổi.
Từ nhỏ đến lớn, từ lớn đến già, từ già đến chết, suốt cả một đời niệm niệm đổi dời, cho nên có ba khổ.
*
Ngoài đại lược về ba khổ ra, kiếp người không ai không tránh được Tám khổ: Sanh, già, bệnh, chết, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh. Sanh là khổ, già là khổ, có bệnh là khổ, lúc chết lại càng khổ, sanh già bệnh chết đều là khổ; Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhơn nhìn thấy khổ sanh già bệnh chết liền phát tâm xuất gia, tu hành. Ái biệt ly khổ là nỗi khổ đối với người mình yêu thích mà vì hoàn cảnh nào phải xa lìa.
Yêu mà phải xa lìa là một thứ khổ, mà không yêu lại thường hội tụ ở một chỗ cũng là một thứ khổ, đó gọi là Oán tắng hội khổ. Ví dụ: Anh không thích người ấy, ở một nơi nào đó lại chạm mặt với người ấy và cùng làm việc chung với họ, nỗi khổ ấy gọi là Oán tắng hội khổ. Lại có một thứ gọi là Cầu bất đắc khổ, nghĩa là không được toại lòng mong muốn, mong muốn được mà không thể được. Khi chưa được thì lo lắng cho được, khi đã được rồi thì lại sợ mất mát.
Nhưng cái thứ khổ lo được lo mất không kể gì lợi hại, chính là Ngũ ấm xí thạnh khổ. Ngũ ấm là Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm thứ này giống như là ngọn lửa cháy bừng bừng. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, năm ấm này giờ giờ khắc khắc đều đi theo trên thân thể chúng ta khiến cho nhận lấy vô vàn sự thống khổ.
*
Ngoài tám khổ ra còn có vô lượng vô biên khổ nữa. Tại sao có quá nhiều khổ như vậy? Đó là vì chúng ta trong đời quá khứ gieo trồng quá nhiều nhơn khổ, cùng làm bạn bè với chúng mà không muốn xa lìa, vì thế gieo trồng nhơn duyên của khổ này mà nhận lấy khổ quả. Cho nên nói:
“Muốn biết nhơn đời trước, hãy xem đời nay nhận quả gì”. (Cái mà anh nhận lấy đời này chính là do những việc làm của anh từ đời trước).
“Muốn biết quả đời sau, hãy xem đời này gieo nhơn gì “. (Đời này anh làm việc gì, thì đời sau sẽ kết thành quả đó).
Vì thế, anh gieo trồng nhơn lành thì sẽ hưởng kết quả lành, anh gieo trồng nhơn ác thì sẽ nhận kết quả ác, đương lúc quả thành thục thì lòng rất sợ hãi. Bồ tát thì sợ nhơn chớ không sợ quả; còn chúng sanh thì sợ quả chớ không sợ nhơn.
*
Sợ tức là sợ hãi. Bồ tát thì sợ nhơn chớ không sợ quả, cho nên cẩn thận, dè dặt, không trồng nhơn khổ, vì thế các Ngài không có quả khổ. Ở thời quá khứ, khi chưa rõ ràng, các Ngài cũng gieo trồng nhơn khổ; hiện tại quả khổ đến, các Ngài vui vẻ tiếp nhận, vì hiểu rõ rằng thọ khổ thì hết khổ, hưởng phước thì hết phước.
Nhưng chúng sanh sợ quả mà không sợ nhơn, khi gieo trồng nhơn bất kể là nhơn tốt hay xấu, nhơn thiện hay ác, cứ cho là việc nhỏ không ăn thua gì, cho nên mặc tình gây tạo, không để tâm cẩn thận một tí nào. Nhơn gì cũng gieo, nên khi thọ khổ thì thọ hoài không hết, rồi than van rằng: “Sao mà gặp cái thứ hoàn cảnh trớ trêu như vầy?”
Đã sợ nhận lấy quả khổ, thế thì trước kia đừng gieo trồng nhơn khổ có hơn không? Sanh về thế giới Cực Lạc ở phương Tây thì không có các khổ, chỉ thọ các điều vui. Không có một chút khổ nào là vì người ở đó đều thanh tinh, không có tâm tranh đua, tham dục, si mê và ba ác đạo. Vì không có ba độc tham sân si cho nên không có ba thứ ác đạo. Ba ác đạo là do ba độc biến hiện ra.
Tứ Hoằng Thệ Nguyện: 1. Chúng sanh vô biên thề nguyện độ.
Chúng sanh trong pháp giới là vô lượng vô biên. Kinh dạy: “Phật đạo kiến lập trên thân chúng sanh. Nếu chẳng có chúng sanh được độ thì chư Phật chẳng thể thành chánh giác.” Vì thế nếu muốn thành Phật nếu chẳng phát nguyện độ chúng sanh ắt chẳng thể thành tựu. Phật độ tất cả chúng sanh mà không thấy một chúng sanh nào được diệt độ, đó chính là phát tâm khiến cho tất cả người tu Bồ tát đạo, khiến tất cả người lìa khổ được vui, khiến tất cả người đều được thành Chánh giác.
Dầu độ chúng sanh nhưng không có tướng độ chúng sanh. Độ sanh lìa tướng, lìa tướng độ sanh, không dính mắc vào tướng, nói: “Chúng sanh này là của tôi độ, chúng sanh kia cũng của tôi độ, độ 1 người, … 10 người, tôi độ được 10 chúng sanh”.
Độ chúng sanh phải là không tính số, có tính số thì có chấp trước, không tính số thì không chấp trước. Độ mà không độ, không độ mà độ, đó mới thiệt là độ chúng sanh. Chúng sanh bên ngoài dĩ nhiên là đáng độ. Chúng sanh trong tự tánh cũng phải đáng độ. Trong tự tánh có 84.000 chúng sanh, càng cần phải độ cho nó tu hành thành Phật, nhập Niết bàn.
Tứ Hoằng Thệ Nguyện: Phiền não vô tận thề nguyện dứt
Độ chúng sanh, có độ là độ phiền não của chúng sanh, không độ thì chúng sanh vẫn còn phiền não, mà phiền não có 84.000 thứ … Hàng Nhị thừa dứt được Kiến hoặc và Tư hoặc, nhưng vẫn còn Trần sa hoặc. Bồ tát có Vô minh hoặc. Vô minh là thứ nặng nề nhứt.
Chúng sanh trừ được Kiến tư hoặc, Trần sa hoặc, nhưng vẫn còn Vô minh hoặc. Bồ tát Đẳng giác dứt được Trần sa hoặc, khi sắp thành Phật, hãy còn một phần Sanh tướng vô minh rốt sau, cũng giống như 84.000 sợi lông chỉ còn thừa lại một sợi, chỉ cần nhổ được sợi lông đó là xong. Bồ tát Đẳng giác dứt được Sanh tướng vô minh, liền chứng Diệu giác, tức thành Phật.
Sao gọi là Kiến hoặc?
Kiến là đối cảnh khởi tâm tham ái. Đối cảnh giới khởi tâm tham cùng tâm ái, không thấy rõ cảnh giới này mà nhận rằng tất cả là thật có. Vì nhận cho là thật nên ăn cơm cũng là thật, ngủ nghỉ cũng là thật, không có bạn bè cũng cho là thật, đó chính là không rõ ràng. Thấy (kiến), cho là tốt đẹp, rồi sanh ra tham ái vô cùng vô tận, không bao giờ biết đủ biết chán, đó chính là Kiến hoặc, đối cảnh khởi tâm tham ái.
Sao gọi là Tư hoặc?
Tư hoặc chính là mê lý khởi phân biệt, đối lý không rõ ràng mà khởi ra phân biệt. Không biết vị Pháp sư đó giảng có đúng không? Có chỗ nào hay không? Có lợi ích gì cho mình không? Không ích lợi thì không muốn làm. Việc mình làm nhất đinh phải có lợi ích, chỉ thấy trước mặt 3 tấc, mà chẳng thấy được trước mặt 4 tấc. Chỉ thấy cảnh trước mắt mà chẳng thấy được nơi chốn xa xôi kia. Đó đều là Tư hoặc.
Tư hoặc chính là những tư tưởng không rõ ràng, mơ mơ hồ hồ. Không đúng cho là đúng. Vừa rồi tôi nói nhận cho ăn cơm là thật, mặc áo cũng là thật, nếu không phải là giả thì anh thấy cái gì là thật ư? Mặc áo, ăn cơm, ngủ nghỉ đều là quá trình của đời người. anh không cần chấp trước phải nhận chân là thế nào. Nếu anh không chấp trước thì có thể nhẹ nhàng tự tại.
Còn nếu anh chấp trước thì sẽ bị thống khổ. Nếu anh cho là tất cả đều không thật, thì sẽ không có tham ái, giống như trong chiêm bao làm những việc lung tung. Nghĩ ra như thế anh sẽ buông bỏ hết, mọi sự tình rồi sẽ qua đi. Nếu anh bỏ không được thì có chấp trước, mọi sự tình sẽ không qua được. Đó là Kiến hoặc.
*
Có 88 phẩm Kiến hoặc và 81 phẩm Tư hoặc. Phá được Kiến hoặc trong ba cõi thì chứng được Sơ quả A-la-hán. Kiến hoặc không phá được thì không thể nào chứng quả được. Đối với tất cả cảnh giới anh có tâm ái không? Có tâm tham không? Đối vời cảnh có khởi tâm tham ái không? Đối với cảnh giới vừa lòng có khởi tâm tham ái không? Đối với cảnh giớì không vừa lòng có khởi tâm giận ghét không? Anh có thể trừ bỏ được tâm tham ái không?
Nếu anh thiệt không có, thì rốt cuộc nó sẽ không còn tồn tại. Làm sao biết “anh không có tham ái?” Nhơn vì anh còn biết có chính mình trong đó cho nên anh nói không tham không ái, nhưng mà lại còn có cái Ngã ở trong, vì chưa chứng Sơ quả nên chưa phá được. Việc đó không phải nói không là không một cách dễ dàng.
Ngũ lợi sử là gì?
Ngũ lợi sử là: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ kiến, Giới cấm thủ kiến. Sao gọi là Lợi? – Lợi là đến nhanh chóng, trái với Độn là đến chậm chạp.
1. Thân kiến: Chấp trước đây là thân thể của ta. Thân thể của ta gầy đi, cảm thấy ăn không ngon, mặc không vừa ý, ở không thoải mái. Thân thể ta như thế thì làm sao an toàn được? Suốt ngày từ sáng tới tối cứ lo nghĩ về mình.
2. Biên kiến: Chính là chấp đoạn chấp thường. Chấp đoạn thì cho rằng người ta chết đi trở về với hư không, không còn gì nữa, như dầu hết đèn tắt. Chấp thường thì cho là con người chết đi, thì sao? Vẫn làm người nữa; chó mãi mãi làm chó, mèo cứ làm mèo hoài; người luôn luôn làm người, chớ không đổi làm chó mèo được. Những kiến chấp như trên lạc vào nhị biên nên gọi là Biên kiến, không hợp với Trung đạo. Đời nay làm người, đời sau vẫn làm người. Cỏ vẫn là cỏ, cây vẫn là cây, người không thể làm súc sanh, cũng không thể làm quỷ. Đó chính là Biên kiến.
*
3. Tà kiến là thế nào? – Tà kiến là cho rằng làm lành không có quả báo lành, làm ác cũng không có quả báo ác. Họ bác không nhơn quả, hoàn toàn không nhơn không quả. Họ không tin làm lành được phước, làm ác phải tội.
4. Giới cấm thủ kiến: Dạy người giữ giới bò, giới chó. Giữ giới bò là bắt chước theo bò ăn cỏ. Tại sao thế? Nhơn vì họ thấy biết sai lầm, thấy bò được sanh lên trời cho nên bắt chước theo bò, thấy chó được sanh lên trời cho nên bắt chước theo chó. Giới kiến: Không phải nhơn chấp là nhơn, cũng là giới thủ. Người xuất gia giữ giới có tâm chấp trước này, họ chấp rằng ta hay giữ giới, giới này là giới của ta giữ, có một thứ tâm hay giữ giới và những giới được giữ. Họ không biết rằng bản thể của giới xưa nay vốn là rỗng không, không nên chấp trước. Hễ có chấp trước thì biến thành Giới thủ.
5. Kiến thủ kiến: Không phải quả chấp là quả. Không phải là quả rốt ráo, họ cho đó là quả rốt ráo. Họ cho Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Xứ là Niết bàn, đó gọi là “không phải quả chấp là quả”.
Tứ Thiền gồm: Sơ thiền thiên, Nhị thiền thiên, Tam thiền thiên, Tứ thiền thiên.
*
- Người tọa thiền lên đến cảnh giới Sơ thiền có thể không còn thở nữa, không có sự hô hấp. Ở cảnh giới này tuy không còn hô hấp nhưng vẫn có một niệm động, một khi phát sanh niệm động này thì hô hấp sẽ trở lại. Đó là Sơ thiền.
- Nhị thiền là mạch đứt rồi, khí hô hấp không còn nữa thì mạch cũng ngừng luôn, giống như người chết. Tuy mạch ngừng đập nhưng không phải chết. Đó là cảnh giới của Nhị thiền.
- Tam thiền là ngồi cho đến ý niệm cũng ngừng bặt. Ở Sơ thiền, Nhị thiền không còn hô hấp nữa, mạch cũng ngừng đập, nhưng lại còn có ý niệm, đến Tam thiền thì ý niệm đó cũng không còn nữa vì thường ở trong định.
- Đến Tứ thiền thì chỉ còn thức mà thôi. Tam thiền không có ý niệm là không có ý niệm thô, nhưng ý niệm tế vẫn còn; đến Tứ thiền cả ý niệm tế cũng dứt luôn. Cảnh giới này chỉ là con đường cần phải kinh qua của người tu Thiền, chớ không phải là quả chứng.
*
Không chỉ nói Tứ thiền, mà ngay cả Tứ không xứ: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng chẳng qua chỉ là một thứ định, chớ không phải là quả chứng; nếu có chấp lấy (Kiến thủ) thì có thể cho cảnh giới này là Niết bàn và cho là chứng đắc quả A-la-hán thứ tư. Như Vô Văn Tỳ kheo cho Tứ thiền là Tứ quả, đó là vì anh ta không hiểu. Những Kiến hoặc… ở trên là Ngũ lợi sử. Tư hoặc… là Ngũ độn sử. Độn tức là đến chậm chạp. Ngũ độn sử là tham, sân, si, mạn, nghi.
Tại sao người ta có phiền não?
Đó là vì có vô minh. Sau khi Vô minh sanh ra thì có Trần sa hoặc. Trần sa hoặc còn gọi là Vô minh hoặc, tức là không có hiểu biết đúng đắn. Tư hoặc cũng có thể gọi là Vô kiến hoặc, tại vì sau khi Vô minh sanh ra bèn có Tham, anh nghĩ ra phải có được cái gì đó, bèn sanh ra tâm tham, rồi sanh ra các thứ phiền não; phiền não một khi sanh ra, sẽ sanh ra tâm Sân; tâm Sân một khi sanh ra thì chỉ biết về mình mà chẳng biết có người khác.
Vì chỉ biết có mình, cho nên khi tâm sân hận sanh ra thì muốn hạ thấp giá trị của người khác. Có thứ tâm này chính là ngu si, không phân biệt được phải quấy trắng đen, bất kể tất cả. Nguyên do chính là không biết đạo lý, ngay đến ngu si, phải quấy, cong ngay, đen trắng đều không nhận ra. Vì có ngu si mới sanh ra tâm kiêu mạn.
Vì có tâm kiêu mạn nên lại sanh ra một thứ nghi, nên không tin đạo lý do bất cứ ai giảng giải. Thiệt cũng không tin, giả càng không tin nữa. Sanh ra mọi thứ hoài nghi, đó chính là Tư hoặc. Do Kiến hoặc, Tư hoặc, Trần sa hoặc mà thành các thứ Vô minh phiền não. Cho nên các thứ phiền não vô cùng vô tận không có lúc nào hết. Trước tình hình này người tu hành phải nương vào Tứ đế mà phát lời thệ nguyện: “Phiền não vô tận thệ dứt trừ”.
Tứ Hoằng Thệ Nguyện: 3.Pháp môn vô lượng thề nguyện học.
“Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, nghĩa là người tu hành cần phải hiểu rõ các thứ pháp môn. Các thứ pháp môn nhiều vô lượng vô biên, cũng chính là một thứ pháp môn để tu hành. Nếu anh không rõ biết phương pháp thì anh không thể tu hành được, vì muốn tu hành thì phải rõ phương pháp. Phương pháp này rất nhiều, nhiều đến vô lượng vô biên, cho nên phải nương theo Đạo đế mà phát nguyện lực: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Sao gọi là pháp môn vô lượng? Vô lượng pháp môn từ đâu mà có?
– Ấy là: Phật nói tất cả pháp nhơn vì tất cả tâm của chúng sanh. Nếu không tất cả tâm, thì cần gì tất cả pháp? Tất cả pháp đều do tâm chúng sanh mà có, vì tâm chúng sanh có ngàn sai muôn khác, các thứ không giống nhau, tâm của mỗi con người đều không giống nhau, cho nên pháp môn cũng có nhiều thứ không đồng.
Tóm tắt lại pháp có ba thứ: Phật pháp, tâm pháp và chúng sanh pháp. Ba pháp này sanh ra Tứ đế, Lục độ, 12 nhơn duyên, 37 phẩm Trợ đạo… Cho nên nói: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Pháp môn có rất nhiều, giống như chúng ta giảng kinh này xong lại giảng đến bộ kinh khác, đó không phải là vô lượng hay sao? Chúng ta hiện tại giảng kinh cũng như một giọt nước trong biển cả mà thôi! Chớ không phải là tất cả nước trong biển cả đều được hết.
Tứ Hoằng Thệ Nguyện: 4. Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.
Chúng ta học Phật pháp để làm gì? Tại sao phải học Phật pháp? Nhơn vì học Phật pháp chính là muốn được thành Phật. Nhưng thành Phật có phải là vọng tưởng không? Thành Phật không phải là vọng tưởng đâu! Vì quả vị Phật là quả vị xưa nay sẵn có của chúng ta, mọi người đều có thể thành Phật. Vì thế chúng ta phải nhanh một bước để sớm thành quả Phật, và y theo Diệt đế mà phát lời nguyện: “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.
Diệt đế chính là đạt đến Niết bàn, đạt đến quả vị rốt ráo thanh tịnh bất sanh bất diệt, cho nên nói là: “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Chúng ta đối với sự kiện thành Phật không cần phải hoài nghi nữa; Nhưng nếu anh có hoài nghi, cũng có thể thành Phật, duy có điều chậm một chút mà thôi.
Nếu anh không có tâm hoài nghi thì sẽ thành Phật sớm hơn. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể làm Phật, nhưng không thể nói: “Tất cả chúng sanh đều là Phật”. Nếu chịu tu hành thì mới có thể thành Phật, nếu không chịu tu hành thì tất cả chúng sanh vẫn chỉ là chúng sanh mà thôi, không thể thành Phật được. Làm Phật là lý, nhưng cũng có một cái “Đạo thành Phật”, với điều kiện anh phải nương theo pháp tu hành. Nếu anh không nương theo pháp tu hành thì các tâm Tham, sân, si, mạn, nghi đều không từ bỏ được, không thể nào mau thành Phật được. Vì thế nên phải phát Tứ hoằng thệ nguyện.
Tứ Hoằng Thệ Nguyện: Sự trọng yếu của phát nguyện.
Chúng ta bất luận là làm việc gì cũng cần phải phát lời nguyện trước, rồi sau mới theo lời nguyện mà thực hành. Có thế mới đạt đến mục đích, hy vọng mới có thể thành tựu được. Nói đến đây, tôi nhớ lại một công án:
Có một lần đức Phật Thích Ca Mâu Ni mang theo rất nhiều đệ tử đến một nước nọ để giáo hóa chúng sanh. Người trong nước này thấy Phật đến liền đóng cửa lại, không có ai chịu bố thí, cũng không ai đến cung kính chào hỏi. Phật đã đến nước ấy rồi, không có ai ra đón rước, vì không có duyên với các đại thần và nhơn dân ở đó. Nhưng khi ngài Mục Kiền Liên đến thì cả quốc vương, đại thần và nhơn dân đều hướng về Ngài cung kính đảnh lễ, tranh nhau đến cúng dường.
Các đệ tử Phật thấy thế, nhưng không biết tại sao, bèn đem hỏi Phật: “Tại sao Phật đến nước này không ai chịu cúng dường cả, mà Ma ha Mục Kiền Liên, đệ tử Phật, đi đến đây lại được mọi người tranh nhau cúng dường?”
Phật đáp: “Đó là do nhơn duyên đời trước”.
*
Từ vô lượng kiếp về trước, Mục Kiền Liên cùng Phật ở chung một chỗ. Mục Kiền Liên lên núi đốn củi, còn Đức Phật xuống dưới núi sửa đường. Nơi hai Ngài ở có một bầy ong lớn, Phật rất ghét bầy ong, còn Mục Kiền Liên lại rất thích chúng. Đức Phật Thích Ca lúc ấy, khi còn tu nhơn, thường lấy khói hun đốt xua đuổi chúng. Ngài Mục Kiền Liên thường bị chúng đốt đau nhức. Tuy bị đau nhức, nhưng Mục Kiền Liên không dùng lửa để hun đốt, trái lại còn phát nguyện: “Về sau tôi đắc đạo sẽ độ trước bọn ong có nhiều tánh Tu-la này”.
Đời đời kiếp kiếp về sau, bọn ong này biến thành ra người trong một nước. Ong chúa là vua, các ong thợ là dân. Ngày xưa Phật Thích Ca nhơn vì ghét chúng, từng dùng khói hun đốt chúng, nên bây giờ đến nước ấy không có ai ra đón tiếp; Quốc vương, đại thần, nhơn dân cũng không chịu cúng dường Ngài. Trái lại, ngài Mục Kiền Liên phát nguyện sau khi đắc đạo sẽ độ bọn ong này; Cho nên đời này gặp lại nhau thì quốc vương và nhơn dân nước ấy tranh nhau đến cúng dường.
Do đây chúng ta biết rằng nhơn quả rất trọng yếu, vì thế nhất định phải phát nguyện.
(Tứ Hoằng Thệ Nguyện – Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng)
Tuệ Tâm 2021.