Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Giảng Giải
Pháp Giới 5 tháng trước

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Giảng Giải

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là một trong những bộ kinh nổi tiếng bậc nhất trong Phật pháp. Trong các bản dịch Kinh này từ tiếng Phạn, thì bản dịch của Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang được dùng phổ biến nhất. 

Có hai bản giảng giải kinh nầy: Bản giảng của Tổ Ấn Quang và Bản giảng giải của Tổ Ngẫu Ích. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

  • Kinh Pháp Diệt Tận.
  • Kinh Lăng Nghiêm.
  • Kinh Vô Lượng Thọ.
  • Kinh Niệm Phật Ba La Mật.
  • Kinh Quán Vô Lượng Thọ
  • Cách tụng kinh tại nhà.
  • Cách niệm Phật tại nhà.
  • Kinh Thập Thiện Nghiệp.
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Giảng Giải
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

(Bản Hán Việt)

Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.

Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.

Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.

Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức.

Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.

Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.

Vô khổ, tập, diệt, đạo.

Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố.

Bồ đề tát đỏa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.

Tam thế chư Phật, y Bát nhã Ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.

Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.

Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:

Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

(Bản Việt Dịch)

Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.

Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.

Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.

Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức.

Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.

Không có vô minh,mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.

Không có khổ, tập, diệt, đạo.

Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.

*

Khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn.

Các vị Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.

Cho nên phải biết rằng Bát nhã Ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối.

Cho nên khi nói đến Bát nhã Ba la mật đa, tức là phải nói câu chú:

Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Giảng giải

(Tổ Ấn Quang)

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh:

Bát Nhã được cõi này dịch là trí huệ. Ba La Mật Đa cõi này dịch là Đáo Bỉ Ngạn (đến bờ kia). Nghĩa là dùng trí huệ quán chiếu, vượt qua biển khổ sanh tử, đến bờ kia Niết Bàn.

Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

(Quán Tự Tại Bồ Tát khi hành sâu xa Bát Nhã Ba La Mật Đa, soi thấy năm uẩn đều không, vượt hết thảy khổ ách).

Quán Tự Tại chính là Quán Thế Âm. Ngài Hiền Thủ bảo vị Bồ Tát này có đại trí, đối với cảnh “lý sự vô ngại” đã quán thông đạt, tự tại. Lại nữa, Ngài có lòng đại bi, quán sát căn cơ để đến cứu tự tại vô ngại, nên có tên như vậy. “Hành thâm” có nghĩa là tu luyện thành công đã lâu, chẳng phải là điều kẻ thô tâm hời hợt, vừa mới hiểu biết nông cạn đã ngừng tu tập mà dám mong mỏi.

“Ngũ Uẩn”

“Ngũ Uẩn” chính là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Chữ Sắc này so với chữ Sắc trong Lục Trần thì phạm vi bao gồm rất rộng, toàn bộ Ngũ Căn và Lục Trần, tổng cộng mười một pháp, đều là Sắc cả.

Thọ là lãnh nạp. Tưởng là tư tưởng. Hành là tạo tác.

Thức là phân biệt.

Thức gọi là Tâm Vương, Thọ, Tưởng, Hành đều là Tâm Sở. Ngài Tông Lặc nói Bồ Tát do soi thấy Ngũ Uẩn không tịch, lìa khổ sanh tử; Lại thương chúng sanh đang mê, điên đảo làm càn: Trái đạo lý, nghịch luân thường, tạo Thập Ác, Ngũ Nghịch, đến nỗi hứng chịu các nỗi khổ…Ngài bèn dạy họ dùng trí huệ quán sát hòng được giải thoát.

Ngài Hám Sơn nói: “Nếu chúng ta biết Ngũ Uẩn vốn là không, Tứ Đại chẳng có thì đâu còn có nghiệp lụy nào trói buộc? Đâu còn nhân ngã, thị phi để tranh cãi? Đâu còn cùng quẫn, thông suốt, được – mất để so đo? Đâu còn giàu sang, nghèo hèn để bận lòng nữa ư?” Đoạn kinh văn nói về mười bốn món Vô Úy trong chương Nhĩ Căn Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm có thể dùng để chú thích đoạn này.

Xá Lợi Tử! Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị.

(Này Xá Lợi Tử! Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc chính là Không, Không chính là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng giống như vậy).

“Sắc Bất Dị Không”

Xá Lợi Tử chính là Xá Lợi Phất. Chúng sanh chấp sắc thân là Ngã, khó dẹp trừ nhất, nên nêu Sắc đầu tiên. Ngài Tông Lặc nói: “Sắc chính là Tứ Đại huyễn sắc, Không chính là Bát Nhã Chân Không. Chúng sanh mê lầm chân không thành huyễn sắc, như nước đông thành băng. Bồ Tát biết huyễn sắc chính là chân không, như băng tan thành nước. Thể của chúng chẳng khác nên nói ‘bất dị’. Ấy là ‘sắc bất dị không’ nhằm phá Thường Kiến[1].

Phàm phu chấp sắc thân là thật, lầm lạc mong mỏi nó tồn tại thường hằng, mưu tính sao cho nó tồn tại trăm năm ngàn đời. Chẳng biết thân này niệm niệm đổi dời, như lửa thành tro, dần dần tiêu mất, rốt cuộc thành không.

Ngoại đạo đề xướng Kim Đan Giáo[2] muốn dùng cách nuốt nước miếng, vận chuyển hơi thở, lầm lạc cầu kết thành tiên đan[3], xuất hồn. Chẳng biết các chất dịch và hơi thở thuộc về Sắc; Hít ra thở vào thuộc về Thọ; Chú tâm giữ cho hơi thở đi theo đúng kinh mạch thuộc về Tưởng; Nung luyện hỏa hầu thuộc về Hành; Nguyên thần thuộc về Thức. Toàn thể hư vọng làm sao đạt được chân thường? Vì thế, dùng câu “bất dị Không” để cảnh tỉnh.

“Không bất dị Sắc”

“Không bất dị Sắc” nhằm phá Đoạn Kiến. Ngoại đạo chẳng biết thân do nghiệp mà khởi; Nghiệp từ tâm sanh, luân chuyển tuần hoàn, nhân quả chẳng mất; Bảo xằng “con người chết đi thần hồn cũng phiêu tán, chặt, đốt, xay, giã lấy đâu để thực hiện!” Chẳng biết thân chết nhưng tánh chẳng diệt. (Như quả hạt của cỏ cây, tuy nung, nướng, nấu, luộc, hễ tánh của nó là hòa hoãn thì quả hạt dẫu đã nấu nướng v.v…vẫn là hòa hoãn; Có tánh độc thì vẫn độc, tánh thăng thì vẫn thăng, tánh giáng thì vẫn giáng[4]. Loài vô tình còn như thế, huống hồ con người ư?)

Nhân quả rành rành chẳng sai. Nếu lại có người bảo: “Con người chết rồi sẽ làm người, loài vật chết đi lại làm loài vật. Trời sanh muôn vật nhằm nuôi dưỡng con người; Cho nên sát sanh ăn thịt, những loài vật ngu ngốc như thế làm sao có thể đòi nợ mạng được?”; Thì họ chẳng biết nghiệp có thăng trầm, tánh không sai khác, vốn bình đẳng; Sự lý luân hồi quả thật đáng làm căn cứ!

Đến nỗi hạng Nhị Thừa tuy y theo đạo để tu tập, nhưng chẳng thấu đạt: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Ngỡ chúng là có thật nên coi tam giới như lao ngục, tránh né chúng như lánh đồ dơ, chẳng dấy lòng độ sanh, nên nói: “Không bất dị Sắc”. Ấy là vì Bát Nhã Chân Không như tấm gương tròn lớn, hết thảy huyễn sắc như ảnh hiện trong gương. Nếu biết “gương chẳng khác ảnh”, sẽ hiểu ý nghĩa “Không bất dị Sắc”.

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Giảng giải

Lại sợ chúng sanh căn độn, vẫn giữ hai kiến chấp Sắc và Không, nên lại nói trùng điệp dung hội rằng: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”. Giống như băng chính là nước, nước chính là băng. Biết Sắc chẳng khác Không thì chẳng có thanh, sắc, của cải, lợi lộc để tham; Không có ngũ dục lục trần để luyến mến, nhanh chóng vượt khỏi cảnh giới phàm phu. (Đây chính là ý nghĩa của câu: “Phú quý phù vân” (phú quý như mây nổi) trong sách Luận Ngữ và câu “vạn chung hà gia”[5] (muôn chung có ích gì) trong sách Mạnh Tử).

Biết Không chẳng khác Sắc thì chẳng khởi Diệt Định, mà hiện các oai nghi, chẳng động bổn tế, thực hiện sự nghiệp độ sanh, nhanh chóng vượt trỗi ngoại đạo, Nhị Thừa (Đây chính là ý nghĩa của câu: “Bất kiến nhi chương, bất động nhi biến, vô vi nhi thành, cập vi vật bất nhị, sanh vật bất trắc”. (không thấy mà biểu lộ, không động mà biến đổi, không tạo tác mà thành; Chẳng khác gì với vật mà sanh thành muôn vật chẳng thể lường) trong sách Trung Dung).

Biết Sắc và Không bình đẳng, giống hệt như nhau thì niệm niệm độ sanh, chẳng thấy có chúng sanh để độ; Tâm tâm cầu Phật, chẳng thấy Phật quả để cầu, mà nhanh chóng chứng cùng một cảnh với Phật.

*

Sắc Uẩn đã như vậy thì quán sát bốn Uẩn kia tương tự. Vì thế nói “Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị”. Thử dùng chuyện hiện thời để làm chứng thì kẻ đắc Thiên Lý Nhãn: Từ núi, rừng, tường vách chẳng thể ngăn che được, chẳng phải là “Sắc tức thị Không” đó ư? Kẻ giỏi thuật Thôi Miên thì tâm niệm của người khác, người ấy đều có thể biết rõ, chẳng phải là Không tức Sắc đó ư?

Cái thân được chưng diện. Nhưng dùng tia X quang để chiếu thì y phục lẫn cái thân xác thịt đều như mây tiêu, khói tan, chẳng phải là Sắc tức Không đó ư? Mắt huệ quán chúng sanh, cố nhiên là như vậy! Dùng kính hiển vi để nhìn vào một giọt nước hay quan sát một kẽ hở trên không trung thì những loài động vật bé tí lăng xăng tụ họp chen chúc trong ấy; Đấy chẳng phải là “Không tức là Sắc” hay sao? Chư thiên nhìn chúng ta cũng giống như vậy đó! (Thân chư thiên cao trăm ngàn trượng cho đến cả trăm ngàn do-tuần). Cớ sao người đời cứ phải ở trong huyễn cảnh mà tranh giành man dại như thế?

Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.

(Này  Xá  Lợi  Tử!  Tướng  Không của các pháp ấy chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng tăng, chẳng giảm).

“Chư pháp” chính là Ngũ Uẩn. “Không” là nói về tướng, muốn cho con người hiểu rõ nên cưỡng chỉ tướng trạng. Nghĩa là Chân Không tuy chính là Sắc, Thọ v.v…, nhưng Sắc tùy duyên khởi, Chân Không chẳng sanh; Sắc tùy duyên diệt, Chân Không chẳng diệt. Lại nữa, thuận theo dòng mà chẳng nhiễm, ra khỏi chướng chẳng tịnh; Chướng hết chẳng giảm, đức viên mãn chẳng tăng. Đấy gọi là “một pháp chẳng lập” vậy.

Thị cố Không trung vô Sắc, vô Thọ, Tưởng, Hành, Thức, vô Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý, vô Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, vô Nhãn Giới, nãi chí Vô Ý Thức Giới.

(Vì thế, trong Không chẳng có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, chẳng có Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý, chẳng có Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, chẳng có Nhãn Giới, cho đến chẳng có Ý Thức Giới).

Đoạn này lần lượt đem cái Không ứng với những điều còn lại giống như cái Không [đã nói] trong phần Ngũ Uẩn ở trên. Tức là Lục Căn không, Lục Trần không cho đến Thập Bát Giới không. Thập Bát Giới là sáu căn hợp với sáu trần, thêm vào sáu Thức để nói.

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Giảng giải

Kinh Lăng Nghiêm có nói như người chẳng nháy mắt. Mắt nhìn trừng trừng, phát mệt, sẽ thấy hoa đốm bay tán loạn trên hư không; Và lại có hết thảy những tướng cuồng loạn chẳng thật. Hãy nên biết Sắc Ấm cũng giống như thế! Như người chà hai bàn tay vào nhau, liền hư vọng sanh ra những tướng rít, trơn, lạnh, nóng.

Hãy nên biết Thọ Ấm cũng giống như thế. Như người nói đến quả mơ chua, trong miệng ứa nước; Nghĩ đến trèo lên vách đá cheo leo, lòng bàn chân nhơm nhớp mồ hôi; Hãy nên biết Tưởng Ấm cũng giống như vậy. Ví như dòng nước chảy xiết, từng con sóng nối tiếp nhau, lớp trước lớp sau chẳng trái vượt; Hãy nên biết Hành Ấm cũng giống như thế (Ví như niệm niệm lưu chuyển chẳng ngơi).

Như người lấy cái bình Tần Già[6], nút hai lỗ lại, không gian bị chứa đầy trong đó, đem đi xa ngàn dặm, bù đắp cho nước khác; Hãy nên biết Thức Ấm cũng giống như vậy.(Ví như thức thần theo nghiệp thọ sanh trong tam giới). Tiếp đó, Lục Nhập, Nhị Thập Xứ, Thập Bát Giới, mỗi mỗi đều nói rõ nó là hư vọng, lời văn rườm rà chẳng thể chép trọn.

*

Lại nói: Lìa tối, lìa sáng, chẳng có bản thể của cái Thấy. Lìa động, lìa tĩnh, vốn không có tánh chất Nghe. Không thông, không tắc, tánh Ngửi chẳng sanh. Chẳng biến đổi, chẳng điềm nhiên, sự nếm không cách nào xuất hiện được. Chẳng lìa, chẳng hợp, giác xúc (sự nhận biết do đụng chạm) vốn không. Chẳng diệt, chẳng sanh thì sự hiểu rõ sẽ dựa vào đâu [mà có]? (Điều này có nghĩa là đã lìa khỏi Trần thì Căn và Thức sẽ chẳng có).

Lại nói: Chúng sanh từ vô thỉ đến nay chạy theo các thứ sắc, thanh, theo ý niệm lưu chuyển, chưa từng khai ngộ tánh “tịnh, diệu, thường”. Nếu bỏ sanh diệt, giữ lấy chân thường thì thường quang hiện tiền, căn, trần, thức tâm sẽ ngay lập tức tiêu mất (“Chân thường” chính là Chân Không bất sanh bất diệt được nói trong kinh này. “Thường quang hiện tiền” chính là trí huệ quán chiếu).

*

Đoạn này chỉ nói tiếp ý “Sắc tức thị Không”, nên biết rằng: Nếu hiểu “Không tức là Sắc” thì chữ Vô có thể thay bằng chữ Tức, nghĩa là “Không trung tức Sắc, tức Thọ, Tưởng, Hành, Thức, tức Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý” v.v… Theo kinh Bi Hoa, ngài Quán Âm trong suốt bảy năm không có dục tưởng, không có Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc tưởng, liền lấy sự trang nghiêm của vi trần số cõi Phật trong mười phương tạo thành sự trang nghiêm cho cõi Phật của chính mình.

Người học có thể rỗng không sự hôi nhơ nơi sáu căn này thì sẽ liền có thể đắc Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, Thần Túc Thông, Tha Tâm Thông, Túc Mạng Thông v.v… ba mươi hai tướng đại nhân, tám mươi vẻ đẹp phụ. Có thể rỗng không sự xen tạp nhơ bẩn nơi sáu Trần thì sẽ đắc Sắc “đất vàng, cát vàng, bảy báu trang nghiêm” và Thanh “tiếng linh báu, lưới báu xinh đẹp vượt trỗi nhạc trời”, Hương, Vị, Xúc, Pháp mỗi mỗi đều tuyệt diệu chẳng thể diễn tả được, chỉ là từ trong một chữ Tín mà chuyển dời vậy.

Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.

(Không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết).

 Đây chính là rỗng không mười hai nhân duyên. Vô Minh là một niệm vọng động của chúng ta từ vô thỉ đến nay khiến cho sự sáng suốt nơi tánh bị mê tối nên gọi là Vô Minh.

Vô Minh duyên Hành (Nên hiểu Duyên là Khởi (dấy lên)), ý nói tạo tác các nghiệp (Hai chi này (tức Vô Minh và Hành) chính là cái nhân đã tạo trong đời quá khứ).

Hành duyên Thức, nghĩa là nghiệp lực lôi kéo tám thức đầu thai.

Thức duyên Danh Sắc, nghĩa là hễ vào trong thai thì Ngũ Ấm đều đủ, một thức thuộc về Sắc, bốn thức kia thuộc về Danh.

Danh Sắc duyên Lục Nhập, nghĩa là sáu căn đã thành, đầy đủ thể chất để vào đời. Lục Nhập duyên Xúc, nghĩa là sau khi ra khỏi thai, sáu căn tiếp xúc sáu trần.

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Giảng giải

Xúc duyên Thọ nghĩa là tiếp nhận những sự tốt xấu trong thế gian (Năm chi này chính là Quả phải hứng chịu trong đời hiện tại).

Thọ duyên Ái, nghĩa là tham nhiễm những chuyện như Ngũ Dục v.v…

Ái duyên Thủ, nghĩa là từ nơi cảnh dấy tâm mong giữ lấy.

Thủ duyên Hữu nghĩa đã tạo nhân, ắt sẽ lại chuốc lấy quả (Ba chi này chính là nhân trong đời hiện tại).

Hữu duyên Sanh, nghĩa là gánh chịu cái thân trong đời vị lai.

Sanh duyên Lão Tử, nghĩa là trong vị lai lại quay về nơi biến đổi, tiêu diệt (Hai chi này là cái quả phải chịu trong đời vị lai).

Mười hai nhân duyên này bao trùm nhân quả ba đời, luân chuyển không ngớt, gọi là Lưu Chuyển Môn. Tu Giới – Định – Huệ Học, cầu cho Vô Minh hết, Hành hết, Thức hết, cho đến lão tử chấm dứt thì gọi là Hoàn Diệt Môn. Nếu pháp thật sự là có thì chẳng thể diệt được, [do pháp] có sanh có diệt nên nó chính là hư vọng, hễ mê thì đi theo nó nên có nỗi khổ đọa lạc tam đồ, hễ ngộ thì sẽ chuyển nó, nên có niềm vui vượt lên cõi Phật. Nghiệp lực to lớn nhưng tâm lực càng to lớn hơn nữa!

Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

(Không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo)

Đấy là rỗng không Tứ Đế. Khổ chính là quả khổ trong thế gian. Tập chính là cái nhân của sự khổ trong thế gian. Diệt chính là quả vui của sự xuất thế. Đạo chính là cái nhân của sự vui xuất thế. [Tứ Đế được nói ở đây] có cùng một ý nghĩa một đằng Lưu Chuyển, một đằng Hoàn Diệt như trong phần [nói về Thập Nhị Nhân Duyên] trên đây. Hễ hiểu phần trước thì sẽ ngộ được phần này.

Vô trí diệc vô đắc.

(Không trí mà cũng không đắc).

Hết thảy đã là không thì không có trí huệ để chiếu, mà cũng không có Bồ Đề để đắc. Đấy chính là cảnh giới của Pháp Thân.

Dĩ vô sở đắc cố, Bồ Đề Tát Đỏa y Bát Nhã Ba La Mật Đa Cố, tâm vô quái ngại. Vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn.

(Do không có gì để được nên Bồ Tát nương theo Bát Nhã Ba La Mật tâm không vướng mắc. Do không vướng mắc nên không có sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, rốt ráo Niết Bàn).

 Phần này tiếp nối ý của phần trên nhằm nói “không đắc mà đắc, đấy mới là chân đắc”. Bồ Đề Tát Đỏa dịch là Giác Hữu Tình, tức là Bồ Tát. Bồ Tát hành Bát Nhã sâu xa, trong tâm thuần là trí huệ, cho nên không vướng mắc, sợ hãi, chẳng khởi mộng tưởng điên đảo nơi cảnh, có nghĩa là tâm diệt thì mọi pháp diệt. Niết Bàn dịch là Viên Tịch, không đức nào chẳng trọn là Viên, không chướng nào chẳng tận là Tịch, tức là Tịch Quang Tịnh Độ, là cảnh giới tự thọ dụng của Phật. “Cứu cánh Niết Bàn” nghĩa là nhập Vô Dư Niết Bàn.

Tam thế chư Phật, y Bát Nhã Ba La Mật đa cố, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

(Ba đời chư Phật do nương theo Bát Nhã Ba La Mật nên đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).

“Tam thế” là quá khứ, hiện tại, vị lai. A là Vô, Nậu Đa La là Thượng, Tam Miệu là Chánh Đẳng, Tam Bồ Đề là Chánh Giác. Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là tên của Phật Quả. Tam thế chư Phật đều từ đây mà tu chứng, vì thế Bát Nhã là mẹ của chư Phật.

Cố tri Bát Nhã Ba La Mật thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư. Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa Chú.

(Cho nên biết Bát Nhã Ba La Mật là đại thần chú, là đại minh chú, là chú không gì hơn, là chú không gì có thể sánh bằng, có thể trừ hết thảy khổ, chân thật không dối. Vì thế, nói chú Bát Nhã Ba La Mật).

Đoạn này ca tụng công đức của Bát Nhã. Do có đại thần lực nên gọi là “đại thần chú”. Do có đại quang minh nên gọi là “đại minh chú”. Các pháp chẳng thể nào vượt trội Bát Nhã nên gọi là “vô thượng chú”. Các pháp không thể nào sánh bằng nên gọi là “vô đẳng đẳng chú”. Trên đây là phần Hiển Thuyết nhằm làm cho hành giả sanh huệ, diệt phiền não chướng. Tiếp theo là phần Mật Thuyết, khiến cho người tụng được phước, diệc ác nghiệp chướng.

Tức thuyết chú viết: “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”.

 “Chú” là lời bí mật của Phật, Bồ Tát, chỉ nên thành kính tụng trì, chắc chắn sẽ tiêu tai, được phước, không cần phải giải thích. Nếu cứ cưỡng giải thích, sẽ đâm ra chẳng đạt hiệu nghiệm.

          (Tâm Kinh văn từ tuy giản lược, lý cực rộng sâu, giải thích nông cạn chỉ nhằm lợi ích kẻ sơ cơ. Tác phẩm Thích Yếu thích hợp ba căn, không còn gì khéo hơn. Vì thế, tôi sao chép vào đây để lưu truyền rộng rãi. Thích Ấn Quang ghi).

         Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh giảng giải

(Tổ Ngẫu Ích)

Kinh này chỉ thẳng một niệm tâm nhỏ nhoi hiện tiền của chúng ta chính là Tam Bát Nhã[7]. Ba thứ “tâm, Phật, chúng sanh” không sai biệt. Nhưng chúng sanh pháp quá rộng, Phật pháp quá cao; Đối với kẻ sơ tâm chỉ có quán tâm là dễ. Vì thế, đại bộ (kinh Đại Bát Nhã) gồm hơn sáu trăm quyển đã dựa theo Phật pháp và chúng sanh pháp để trình bày Bát Nhã cặn kẽ; Còn nay kinh này chỉ dựa trực tiếp trên tâm pháp để hiển thị Bát Nhã.

Tuy kinh Đại Bát Nhã giảng rộng về Phật pháp và chúng sanh pháp. Nhưng những điều ấy chưa bao giờ chẳng phải là tâm pháp. Tuy kinh này giảng thẳng vào tâm pháp, vẫn chưa hề chẳng trọn đủ Phật pháp và chúng sanh pháp; Vì thế được gọi là “cả ba không sai biệt”, do một niệm tâm hiện tiền nhỏ nhoi của chúng ta rỗng sáng, thấu suốt, thường hiểu biết rành rành. Chẳng ở các nơi “trong, ngoài, trung gian”, mà cũng chẳng vướng nơi hình tích “quá khứ, hiện tại, vị lai”. Đấy chính là Quán Chiếu Bát Nhã.

Dùng một tâm niệm nhỏ nhoi hiện tiền của chúng ta để hiện rành rành từ Căn, Thân, Khí Giới[8]. Cho đến các cõi nước giả hay thật trong mười pháp giới, bình đẳng ấn trì; Không trước, không sau, đồng thời lập tức đầy đủ, đấy chính là Văn Tự Bát Nhã. Ấy là vì núi, sông, đại địa, sáng, tối, Sắc, Không v.v… Tánh của hết thảy các cảnh giới, không gì chẳng phải là văn tự, chứ không phải chỉ có giấy, mực, lời nói mới là văn tự!

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Giảng giải

Do một tâm niệm nhỏ nhoi hiện tiền của chúng ta, tánh của tất cả tri giác và tánh của cảnh giới không chia, không tách, không Năng, không Sở; Không đúng, không sai, đều chỉ là một pháp giới thể. Đấy chính là Thật Tướng Bát Nhã.

Thật Tướng Bát Nhã chẳng phải là bờ bên này, chẳng phải là bờ bên kia. Do đạt được Thật Tướng của niệm hiện tiền nên sanh tử chính là Niết Bàn, đó gọi là Ba La Mật.

Quán Chiếu Bát Nhã cũng chẳng phải là bờ bên này, chẳng phải là bờ bên kia; Do soi rõ một niệm hiện tiền này chính là Thật Tướng nên Hoặc biến thành trí, đó gọi là Ba La Mật.

Văn Tự Bát Nhã cũng chẳng phải là bờ bên này, chẳng phải là bờ bên kia; Do hiển hiện một niệm hiện tiền chính là Thật Tướng nên kết nghiệp chính là giải thoát, đó gọi là Ba La Mật.

Vì thế, tâm này chính là Tam Bát Nhã, Tam Bát Nhã chỉ là một tâm. Lý này thường hằng, chẳng thể thay đổi, nên gọi là Kinh. Nương theo đấy để thành hạnh, ba đời chư Phật, Bồ Tát cùng tuân hành, nên gọi là Kinh. Nói pháp môn này, thiên ma, ngoại đạo chẳng thể hoại loạn nên gọi là Kinh.

Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

Muốn biết đường trong núi, phải hỏi người từng trải; Vì thế nêu ra người quán tâm thành hạnh để làm gương mẫu. “Quán” chính là trí năng quán, tức là nhất tâm tam quán, gọi chung là Quán Chiếu Bát Nhã. Tự Tại là do chứng lý đế Thật Tướng, được đại giải thoát đối với các cảnh giới. Bồ Tát, dịch là Giác Hữu Tình chính là danh hiệu tự lợi, lợi tha; Trí khế hợp Thật Tướng nên tự lợi trọn đủ, trí tuyên nói văn tự nên lợi tha trọn khắp. Vì thế gọi là Bồ Tát. Điều này nhằm chỉ rõ người có thể hành phép quán chiếu này.

“Thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa”: Đắc tam trí nhất tâm, chẳng giống với Tam Thừa trong Quyền Giáo, vì thế gọi là “thâm”. Câu này nói chung về pháp được hành.

“Thời” là nói ngược lại từ bao kiếp về trước, từ lúc đã được sự tương ứng ấy mãi cho đến hết đời vị lai, từ đầu đến cuối chẳng lìa Bát Nhã sâu xa.

*

“Chiếu kiến” là nói riêng về cái trí dùng để quán sát (Năng Quán Trí), tức là Quán Chiếu Bát Nhã. “Ngũ Uẩn” là nói riêng về cảnh được quán, tức Văn Tự Bát Nhã.

“Giai không” là nói riêng về đế lý được hiển lộ bởi Quán Chiếu Bát Nhã, đấy chính là Thật Tướng Bát Nhã. Không ấm nào trong Ngũ Ấm chẳng phải là Không, Giả, Trung, lìa trọn bốn câu, bách phi tánh tuyệt, nên cưỡng gọi là Không.

“Độ nhất thiết khổ ách”: Tự thoát khỏi khổ nhân và khổ quả của hai thứ Tử (Phần Đoạn và Biến Dịch), mà cũng làm cho chúng sanh trong tam giới cùng thoát khỏi nhân quả của hai thứ Tử, đấy chính là hiệu quả của việc hành pháp ấy, đó cũng chính là Ba La Mật Đa.

Xá Lợi Tử! Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị. Xá Lợi Tử! Thị chư pháp Không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố Không trung vô Sắc, vô Thọ, Tưởng, Hành, Thức, vô Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, vô Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới, vô Vô Minh, diệc vô Vô Minh tận, nãi chí vô Lão, Tử, diệc vô Lão, Tử tận, vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo, vô Trí, diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố.

Đoạn này giải thích rộng về sự thật nơi cảnh “Ngũ Uẩn đều là Không” quán chiếu tự tại trong những thứ ấy (tức những cảnh được quán như Ngũ Uẩn v.v…), bởi lẽ: Nếu chẳng quán chiếu thì sẽ chẳng thể hiểu thấu suốt sự thật nơi cảnh này được. Hễ tâm chẳng khởi lên thì thôi, chứ tâm vừa móng lên chút xíu, ắt Căn, Thân, Khí Giới sẽ liền hiện ngay, đó gọi là Sắc Uẩn; Ắt sẽ có nhận lãnh các cảnh khổ hay vui, đó gọi là Thọ Uẩn; Ắt sẽ có chấp vào tướng, đặt bày danh từ, lời lẽ, đó gọi là Tưởng Uẩn; Ắt sẽ sanh diệt, dời đổi chẳng ngừng, đó gọi là Hành Uẩn; Ắt sẽ phân biệt các pháp rành rành, đó gọi là Thức Uẩn.

Do vậy biết: Hễ khởi lên một tâm nhỏ xíu thì theo lẽ tự nhiên sẽ trọn đủ cả năm tầng vẩn đục. Nay dùng Bát Nhã rất sâu để chiếu thì sẽ biết rõ Sắc chỉ là Tâm, chứ chẳng có Sắc thật sự nào khác; Hết thảy căn, thân, khí giới đều như hoa đốm trên không, như vật trong mộng; Cho nên Sắc chẳng khác Không! Không cũng chỉ là tâm, chứ không có cái Không nào khác. Nếu có một pháp nào vượt khỏi Niết Bàn thì ta cũng nói là như huyễn, như mộng; Cho nên Không chẳng khác Sắc. Đã nói “chẳng khác” (bất dị) thì đã thành ra “tương tức” (chính là lẫn nhau).

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Giảng giải

Vẫn sợ kẻ bị mê tình phủ lấp, hiểu bàn tay ngửa khác với bàn tay úp nên lại nói trùng lặp: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”. Nghĩa là hễ nhón lấy một Sắc chừng bằng vi trần thì Thể của nó chính là cả pháp giới; Theo chiều ngang trọn khắp, theo chiều dọc tột cùng.

Vì vậy, “tức thị Không” hàm ý: Toàn Sự chính là Lý, chẳng có chút xíu Lý tánh nào chẳng nằm trong Sự ấy; Tức là vi trần trọn đủ toàn bộ Lý chân không; Lại còn cùng lúc trọn đủ toàn bộ mọi sự trong pháp giới, nên chính là Sắc, nên được gọi là “toàn Sự chính là Lý”. Chẳng có chút xíu sự tướng nào chẳng nằm trong Lý ấy. Như vậy thì ở ngay nơi Thể, dứt bặt sự đối đãi, chẳng có hai vật. Đã hiểu thấu suốt Thật Tướng nơi Sắc Uẩn thì đối với Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều cứ suy theo đó sẽ biết.

Lại sợ kẻ mê chấp cho rằng Thật Tướng của Ngũ Uẩn do từ chiếu kiến sanh ra, nên lại chỉ rõ rằng: Bản thể của các pháp Ngũ Uẩn ấy chính là Thật Tướng của Chân Không; Nó vốn tự như vậy, chứ không phải là Thật Tướng sanh, Ngũ Uẩn diệt. Bởi lẽ, Ngũ Uẩn vốn tự chẳng sanh, chẳng diệt, nên gọi là “Không tướng”.

*

Lại sợ kẻ mê chấp cho rằng tướng Không của Ngũ Uẩn tuy chẳng sanh diệt, nhưng có nhơ, sạch. Nghĩa là tưởng rằng phàm phu thuận theo nhiễm duyên mà nhơ; Thánh nhân thuận theo tịnh duyên mà sạch, nên lại chỉ dạy rõ ràng rằng: Ngũ Uẩn của phàm phu cũng chính là tướng Không; Ngũ Uẩn của thánh nhân cũng chính là tướng Không, nào có nhơ, sạch ư?

Lại sợ kẻ mê chấp cho rằng tướng Không của Ngũ Uẩn tuy chẳng nhơ hay sạch, nhưng có tăng – giảm, ngỡ rằng phàm phu mê nên sanh tử khốc liệt, ấy là tăng, đức tướng ẩn lấp, ấy là giảm; do thánh nhân ngộ nên Chiếu có công dụng vô tận, đó là tăng, Hoặc nghiệp tiêu vong, đó là giảm. Vì thế, lại chỉ dạy rõ ràng rằng: Lúc mê thì cũng chỉ có tướng Không của các pháp này, mà lúc ngộ thì cũng chỉ là tướng Không của các pháp này, nào có tăng giảm ư?

*

Đã nêu rõ sự thật mầu nhiệm nơi Ngũ Uẩn này rồi, liền tiếp tục áp dụng rộng rãi vào hết thảy pháp tướng sai biệt để dung hội, dứt tuyệt tình kiến phân biệt thánh – phàm sai khác, bèn nói: “Thị cố Không trung vô Sắc” cho đến “diệc vô đắc”. Thế nhưng, nói “vô sắc” cho đến “vô sở đắc”, há có phải là đợi sau khi dung hội, dứt tuyệt những kiến chấp phân biệt rồi thì chúng mới không có hay sao? Ấy là vì chúng vốn có gì để đạt được! Do vốn là không có gì để đạt được nên gọi là Đế.

Hiểu thấu sự vô đắc này thì gọi là Quán, nhưng nói chung “chẳng lìa Ngũ Uẩn” là cảnh được quán. Lại nữa, dù là Cảnh, hay Đế, hay Quán…Nói chung đều chẳng rời khỏi một niệm tâm nhỏ nhoi hiện tiền. Một tâm rành rành trọn đủ ba nghĩa: Đế chính là Thật Tướng. Quán chính là Quán Chiếu. Cảnh chính là Văn Tự. Chẳng phân biệt là ngang hay dọc, mà cũng chẳng phải là một hay khác, vì thế gọi là “thâm Bát Nhã”.

Bồ Đề Tát Đỏa, y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, tâm vô quái ngại. Vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn. Tam thế chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Cố tri Bát Nhã Ba La Mật Đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.

Đoạn này nêu lên trọn khắp chư Phật, Bồ Tát để làm chứng; Nhằm giảng rõ Bát Nhã sâu xa, thật sự có thể độ thoát hết thảy khổ ách. Nghĩa là chư Như Lai trong quá khứ đã thành tựu môn này; Chư Bồ Tát trong hiện tại nay mỗi vị đều nhập viên minh; Những người tu học trong tương lai cũng sẽ y theo pháp như vậy, chứ chẳng phải chỉ mình ngài Quán Thế Âm.

“Vô quái ngại”: Kết nghiệp chính là giải thoát, rốt ráo phương tiện tịnh Niết Bàn.

“Vô khủng bố”: Khổ quả chính là Pháp Thân, rốt ráo tánh tịnh Niết Bàn.

 “Viễn ly điên đảo mộng tưởng”: Phiền Hoặc chính là trí sáng, rốt ráo viên tịnh Niết Bàn. Nương vào Thật Tướng Bát Nhã đắc Chân Tánh Bồ Đề. Nương theo Quán Chiếu Bát Nhã đắc Thật Trí Bồ Đề. Nương theo Văn Tự Bát Nhã đắc Phương Tiện Bồ Đề. Bồ Đề là Như Như Trí, Trí ắt phải ngầm hợp Lý. Niết Bàn chính là Như Như Lý, Lý ắt phải khế hợp Trí. Vì thế, mới nói đại lược nhằm soi rọi lẫn nhau.

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Giảng giải

Bát Nhã sâu xa này chính là đại thần chú vì có đủ diệu dụng. Nó là đại minh chú vì trí soi rọi tướng. Nó là vô thượng chú vì bản thể là Thật Tướng. Nó chính là vô đẳng đẳng chú (chú không có gì sánh bằng) vì không có một pháp nào có thể bằng được tâm này. Tâm này có thể bình đẳng với hết thảy pháp vì có thể khiến cho chúng đều quy về Thật Tướng ấn. Tâm chú này đích thực có thể trừ các khổ nhân, khổ quả của sự phân biệt tự tha; Phần Đoạn, Biến Dịch, chân thật chẳng dối, phải nên tin tưởng chắc thật vậy.

Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chú, tức thuyết chú viết: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ Đề tát bà ha.

Nơi phần Hiển Thuyết trong đoạn trước đã chỉ ra Bát Nhã chính là chú, ở đây là Mật Thuyết. Cần biết rằng: Chú chính là Bát Nhã, đã hiển thuyết lại còn mật thuyết. Hiển và Mật đều trọn đủ bốn lợi ích Tất Đàn[9]. Chẳng phiên dịch [ý nghĩa của chú] là hay nhất, chớ nên dò dẫm suy lường!

Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa: Phụ chú

[1] Thường Kiến (Sasvatadrsti), còn gọi là Thường Tà Kiến, hoặc Thường Luận. Đây là tà kiến chủ trương thế giới thường trụ, bất biến; Tự ngã của con người bất diệt, chấp trước các pháp hữu vi thế gian. Có nhiều loại Thường Kiến, nếu dựa theo ba đời và hữu tướng, vô tướng để phối hợp sẽ thành sáu mươi hai món tà kiến.

[2] Kim Đan Giáo, còn được biết dưới danh xưng Tại Lý Hội hoặc Học Hảo là một chi phái của Bạch Liên Giáo, do Dương Lai Như sáng lập tại huyện Tức Mặc, tỉnh Sơn Đông. Phái này rêu rao “dung hợp tam giáo thành một thể”. Chủ trương cấm uống rượu, cấm hút thuốc phiện…Mang tính chất hội kín nhằm lật đổ Thanh Triều, khôi phục nhà Minh. Năm Quang Tự 17 (1891), lãnh tụ Dương Duyệt Xuân đã sách động quần chúng khởi nghĩa. Họ thiêu hủy giáo đường Thiên Chúa Giáo, tấn công giáo sĩ, tấn công quân Thanh. Nhà Thanh phải tốn rất nhiều công sức mới dẹp yên được.

*

[3] Theo Nội Đan (nhằm phân biệt với Ngoại Đan phải dùng đến dược vật). Đạo Sĩ chủ trương hít thở, nung luyện tinh khí thần sao cho Tinh – Khí – Thần hợp nhất, tạo thành thân trường sanh bất tử. Họ chủ trương quá trình nung luyện ấy gọi là Hỏa Hầu; Tức là điều tiết vận chuyển sức nóng của nội hỏa phối hợp với 12 giờ Âm Dương trong một ngày.

Theo họ, Nội Hỏa chính là sức nóng bên trong cơ thể do hấp thụ khí vũ trụ (Thái Dương chân khí). Mỗi ngày có 12 giờ (12 thời thần), đi hết một vòng Giáp Tý là 60 giờ, tức là một “hầu”. Nói cách khác, luyện Hỏa Hầu là một quy cách nhằm nắm giữ ý niệm trong thuật luyện đan, khống chế nội khí trong cơ thể và mỗi trình độ tu luyện có cách tập Hỏa Hầu riêng.

*

[4] Thăng, Giáng là hai trong bốn cách phân chia tác dụng (thăng, giáng, trầm, phù) của từng loại thuốc trong Đông Y. Theo họ, các bệnh tật có thể chia thành bốn loại lớn: Hướng thượng (như ói mửa, ho suyễn v.v…). Hướng hạ (như tiêu chảy, băng huyết, lòi dom v.v…). Hướng ngoại (như đổ mồi hôi trộm). Hướng nội (như biểu hiện bệnh tình không rõ rệt). Để chữa các căn bệnh đó sẽ dùng các loại thuốc có tác dụng đối trị như Thăng (nâng lên), Giáng (hạ xuống) v.v…

Chẳng hạn như với căn bệnh hướng thượng thì dùng thuốc có tác dụng Giáng; Bệnh hướng hạ thì dùng thuốc có tánh Thăng; Bệnh hướng ngoại thì dùng thuốc có tánh Trầm; Bệnh hướng nội thì dùng thuốc có tánh Phù v.v… Những loại thuốc được coi là Giáng thường có tác dụng khử phong, tán hàn v.v…

[5] Đây là một câu trong thiên Cáo Tử Thượng của sách Mạnh Tử: “Vạn chung tắc bất biện lễ nghĩa nhi thọ chi, vạn chung ư ngã hà gia yên?” Chung là một đơn vị đo lường thời cổ, sáu thạch bốn đấu là một chung. Theo cụ Lý Bỉnh Nam, câu này phải hiểu như sau: “Đối với bổng lộc đến một vạn chung, có kẻ liền tiếp nhận chẳng cần suy xét xem bổng lộc ấy có hợp với lễ nghĩa hay chăng, bổng lộc vạn chung đối với ta có gì là tốt đẹp đâu?”

*

[6] Bình Tần Già: Ở Ấn Độ vào thời cổ, người ta thường làm bình có cái quai chạm thành hình chim Ca Lăng Tần Già (Kalavinka). Bình này có khoét hai lỗ để đổ chất lỏng vào.

[7] Trí Độ Luận nêu ra ba thứ Bát Nhã: Thật Tướng Bát Nhã, Quán Chiếu Bát Nhã và Văn Tự Bát Nhã.

[8] Khí giới (器界) chỉ y báo, tức “khí thế gian thế giới”. Tức những cảnh bên ngoài làm nơi nương tựa cho Căn và Thân (chánh báo).

[9] Tứ Tất Đàn: Tất Đàn (Siddhānta), có nghĩa là Thành Tựu. Phương tiện giáo hóa chúng sanh của Phật có thể chia thành bốn loại:

*
  1. Thế giới Tất Đàn: Thuận theo phương cách suy nghĩ, khảo sát của thế giới; Dùng văn tự, ngôn ngữ, quan niệm của thế gian để thuyết minh đạo lý chân thật. Khiến cho phàm phu thích nghe pháp, dần dần khế nhập chánh trí của Phật.
  2. Các các vị nhân Tất Đàn: Dùng lập trường lấy con người làm gốc, nhấn mạnh trách nhiệm của con người. Nhằm xoay chuyển tập quán phàm phu, kiến lập nhân sinh quan và vũ trụ quan Phật pháp cho con người. .
  3. Đối trị Tất Đàn: Những pháp được nói theo cách thế giới Tất Đàn chỉ trừ được ác tướng thô lậu, chẳng thể trừ dẹp cội rễ và tướng vi tế của ác nghiệp. Do vậy phải quán sát từng căn bệnh của chúng sanh để thuyết pháp phù hợp. Nhằm giúp họ đối trị phiền não, tập khí tận gốc.
  4. Đệ nhất nghĩa Tất Đàn: Khi kiến giải của chúng sanh đã sạch vọng tưởng, chấp trước. Bèn dẫn dụ họ tiến nhập Đệ Nhất Nghĩa Đế, chứng nhập Chân Như Thật Tướng.

(Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh giảng giải)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Quả báo tội ngoại tình – tà dâm

15 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog