Tình yêu thương là biểu tướng cao đẹp và thanh khiết nhất của tâm hồn; là sự chia sẻ và hiến tặng chân thật, xuất phát từ tấm lòng muốn cho tha nhân cùng muôn loài được an vui và hạnh phúc. Bởi vậy nên nơi nào có tình yêu thương, nơi ấy có bình yên và hạnh phúc.
- Cảnh giới trên bước đường học Phật.
- Thập Thiện nghiệp là gì.
- Chánh kiến là gì.
- Tam giới là gì.
- Sự thật về Đồng bóng.
- Sự thật về Cầu cơ.
- Cách trị bóng đè linh nghiệm nhất.
Tình Yêu Thương là gì
Tình yêu thương là sự kết tinh của hai yếu tố: Sự hiến tặng và sự sẻ chia. Hiến tặng mang đến niềm vui. Và hiến tặng ở đây có nghĩa là mang đến cho người những điều tốt đẹp, những suy nghĩ tốt lành và những việc làm có ý nghĩa. Còn sẻ chia là lấy đi nỗi khổ. Như người gặp khó khăn đau khổ, ta chỉ cần lắng nghe câu chuyện của họ thôi, cũng đã giúp nỗi khổ của họ vơi đi một phần.
Sức mạnh của tình yêu thương có thể chuyển hóa tham sân si và có công năng hóa giải mọi hận thù:
Về mặt đời, nếu ta đối nhân xử thế bằng tình yêu thương thì ai gặp cũng tự nhiên sanh tâm cảm mến. Từ con trùng, cái kiến, cho đến oan gia trái chủ… Nếu có gặp cũng chẳng nỡ lòng nào đốt cắn hay đòi nợ làm chi.
*
Về mặt đạo, tình yêu thương là hiện tướng của tâm từ bi. Người chân chánh học Phật thì tình yêu thương tự tăng trưởng; nếu giữ giới và tinh tấn hành trì thì hạt giống yêu thương nẩy mầm thành hoa trái từ bi. Và bởi từ là cứu khổ, bi là ban vui, nên người phát triển được tâm từ bi thì: Trên cảm ứng đạo giao cùng chư Phật, dưới cảm hóa đến hàng dị loại.
Về mặt vô hình thì chúng sanh nơi cõi quỷ thần có tha tâm thông. Mọi khởi tâm động niệm của ta, chưa kịp nói ra họ đã biết hết rồi. Nếu người tu mà chẳng có tâm từ bi, không thể độ được họ. Bởi vậy nên phàm những ca bá láp, kiểu như bị vong nhập hay quỷ ám…Người chẳng có tình yêu thương chân thật, chẳng có tâm từ bi, mà dụng tâm danh lợi rớ vào, không ai chẳng rước họa vào thân. Ta nhìn các thầy bùa, thầy pháp thì biết: Sau độ dăm mười năm hành nghề, không vị nào chẳng thân tàn ma dại!
Nghị luận về tình yêu thương
Trong Hiểu về Trái Tim, Thầy Minh Niệm có viết bài luận rất hay về tình yêu thương. Xin trích đăng lên đây để lợi lạc cho nhiều người.
Tình yêu thương là sự Hiến Tặng
“Có bao giờ ta tự hỏi vì sao ta lại thương người ấy không? Vì họ dễ thương ư? Ồ, như vậy là ta chỉ đến để hưởng cái dễ thương ấy chứ ta đâu có thương. Điều đó thì ai cũng làm được, người nào cũng có thể thương một người dễ thương kia mà! Người dễ thương tức là người rất ngọt ngào, rất nhẹ nhàng, và đặc biệt lúc nào cũng quý mến hay nhún nhường trước ta. Nếu họ dễ thương với người khác mà không dễ thương với ta, thì chưa chắc ta thấy họ dễ thương và ta thương.
Trong những mối quan hệ ruột rà cũng vậy. Có phải ta thương họ vì trách-nhiệm-phải- thương, bởi họ có liên hệ ràng buộc với cuộc đời ta; hay vì ta biết họ đáng thương và đang cần đến tình thương của ta? Thực tế, không ít người đã cảm thấy mình chịu tổn thất quyền lợi quá nhiều vì những người thân. Bởi vậy nên họ đã đóng cửa trái tim lại mà không muốn thương nữa. Thân chỉ trở thành thương khi cái thân ấy ít nhiều có thể mang tới quyền lợi – Dù chỉ là thái độ nể trọng hay được tiếng là người tốt.
Ai thương ta thì ta mới thương lại, ai không thương ta thì tội gì ta phải thương. Nghe có vẻ đổi chác sòng phẳng quá, nhưng đó luôn là thực trạng.
*
Đúng là rất khó có thể thương một người mà họ không hề thương ta, thậm chí còn thù ghét ta hay làm khổ ta nữa. Thà họ thương ta ít hơn thì may ra cũng còn chấp nhận được. Trừ phi đó là tấm lòng của cha mẹ hay những bậc tu hành đạt tới từ bi. Lúc ấy mới có thể thương yêu mà không đòi hỏi điều kiện. Ta như thế nào họ cũng thương.
Nhưng ta cũng đã từng chứng kiến: Có nhiều bậc cha mẹ cam tâm dứt bỏ con mình chỉ vì nó bị tật nguyền, hư hỏng. Hoặc có những vị nổi tiếng làm công tác từ thiện, nhưng lại dễ dàng làm ngơ trước đứa trẻ bụi đời, khi chúng chìa tay xin ăn ở một nơi không ai hay biết. Thương yêu tuy là thiên tính của con người, nhưng ta phải luyện tập rất nhiều để chuyển hóa sự ích kỷ hẹp hòi. Khi đó tình thương mới thực là chân thật.
Tình thương chân thật trước tiên phải là thái độ hiến tặng. Ta đừng nhầm lẫn với thái độ lăng xăng cố làm mọi cách để vừa lòng người. Bởi thực ra đó chỉ là vì muốn “ghi thêm điểm”. Sự hiến tặng chân thật phải xuất phát từ tấm lòng muốn cho bên kia được an vui và hạnh phúc hơn. Vì vậy, mỗi vật phẩm ta đem tới phải hoàn toàn vì quyền lợi của họ, chứ không được xen ké quyền lợi của ta vào, dù chỉ cần họ thấy được tấm lòng của ta.
*
Muốn người kia thấy được tấm lòng của ta, thì cũng không ngoài mục đích khiến họ thương yêu thêm hoặc đánh giá cao về ta mà thôi. Dù biết rằng trái tim ta chưa quảng đại để có thể thương họ mà không cần được thương lại; nhưng cũng đừng vì thế mà ta cứ phải kèm theo điều kiện trong mỗi lần hiến tặng. Đó không còn là tình thương nữa.
Suy cho cùng, thương người khác đã là một sự hưởng thụ rồi. Chẳng phải trên đời này có biết bao người muốn thương mà không có người để thương đó sao. Người thì thiếu gì, nhưng người để thương ắt phải dính dấp gì đó đến ta, chứ đâu thể tự nhiên muốn thương ai là thương được đâu. Nói đúng hơn, đối tượng ấy phải từng có cảm tình hay ân nghĩa với ta; hoặc ít ra họ phải chấp nhận và cảm thấy vui sướng khi biết ta thương họ thì ta mới thương được. Nên có người để thương là hạnh phúc lắm rồi, đâu nhất thiết phải đòi hỏi họ làm gì thêm cho ta nữa.
Một ngày nào đó mọi người bỏ ta chạy hết, ta chẳng còn ai để thương thì khốn khổ. Sống mà không thể thương yêu thì đó là một tai nạn lớn. Vậy nên, ta hãy thương sao để đối tượng thật sự được thừa hưởng; mà ta vẫn không trở thành kẻ khổ lụy vì tình thương. Có như thế ta mới không làm lu mờ nghĩa đẹp của tình thương.
Tình yêu thương là sự sẻ chia
Nếu như hiến tặng là đem tới niềm vui, thì chia sẻ là lấy đi nỗi khổ. Ai cũng có lúc gặp hoàn cảnh khó khăn hay vướng vào nỗi khổ. Nhưng họ sẽ không cảm thấy buồn tủi, mà trái lại còn có thêm nghị lực để vượt qua, nếu họ luôn có người thương ở bên cạnh để chia sớt. Dù ta không đủ sức kéo họ ra khỏi vũng lầy khổ đau, nhưng ít ra sự có mặt kịp thời của ta cũng có thể làm cho nỗi khổ niềm đau kia vơi đi ít nhiều.
Bởi vì họ đã cảm nhận được sự chân thành của ta. Họ biết ta thật sự thương yêu cuộc đời họ; muốn gánh vác phần nào trách nhiệm cho cuộc đời họ; và muốn đồng hành với họ đi về tương lai. Một nỗi đau khi được chứa đựng bởi hai trái tim thì chắc chắn nó sẽ không đủ sức làm thành nỗi đau nữa. Đó là lý do mà ta luôn cần có nhau trong cuộc đời này.
Sống với một người lúc nào cũng nói thương ta, nhưng khi ta gặp khó khăn thì họ lại tỏ ra chẳng hề hay biết. Đến nỗi, ta đã trực tiếp báo cho họ biết và chỉ xin họ ngồi xuống lắng nghe để thấu hiểu thôi mà họ cũng có đủ thứ lý do để thoái thác. Tình thương như thế sẽ không mang lại hạnh phúc. Họ luôn nghĩ rằng, họ đã quá cực khổ để đem tiền bạc và danh dự về cho ta rồi. Cho nên họ không còn đủ sức để nhận thêm những phiền toái khác nữa. Ta hãy tự giải quyết lấy.
*
Đáng lẽ khó khăn kia chỉ là khó khăn thôi, nhưng chính thái độ hờ hững vô tâm của họ đã khiến cho khó khăn ấy biến thành nỗi khổ. Ta biết chứ. Ta biết họ đang rất bận rộn và không có nhiều năng lượng để giúp ta giải quyết vấn đề. Nhưng ta chỉ cần thái độ quan tâm chia sẻ của họ thôi. Bởi dù chỉ là một lời hỏi han cũng đủ làm ta cảm thấy ấm áp rồi. Vì thái độ ấy báo cho ta biết đó là người đang cùng chịu nỗi đau với ta.
Có hiểu mới có thương, không hiểu mà thương thì tình thương ấy sẽ rất hời hợt và có khi là giả tạo. Mà muốn hiểu nhau thì cần phải lắng nghe nhau; phải biết bên kia muốn gì hay không muốn gì để ta ứng xử cho hợp lý. Cho dù có những yêu cầu không thật sự chính đáng, nhưng ta cũng cần biết họ đang vướng kẹt vào tâm lý nào để kịp thời tháo gỡ. Nếu ta nhân danh tình thương rồi cứ làm theo kiểu của mình, thì rốt cuộc chẳng giúp được gì mà còn làm cho nỗi khổ lớn thêm.
Dĩ nhiên thiện chí là cần thiết. Bởi đôi khi ta phải kiên nhẫn lắm mới lắng nghe nổi; hoặc ta phải khuyên lơn hay nài nỉ thì người kia mới chịu nói ra hết những niềm đau chôn giấu. Ngoài ra, ta còn phải đón nhận những năng lượng rất nặng nề từ những lời kể lể, khóc than, hay đầy sân hận của họ mà không để bị tổn thương.
*
Vì vậy, thiện chí phải là thái độ biết nghĩ cho người kia hơn là nghĩ cho mình( thương); mà cũng phải biết cách nghĩ sao cho đúng đắn (hiểu) thì mới có thể giúp được. Cho nên nếu đã thật sự thương nhau thì ta phải luôn biết và hiểu được những gì đang xảy ra cho nhau mà không cần đợi loan báo. Lòng phải hiểu được lòng mới là tình thương chân thật. Đâu cần làm điều gì quá lớn lao mới gọi là thương yêu.
Chỉ cần thường xuyên quan tâm sâu sắc đến tình trạng sức khỏe của họ; nấu một món ăn đúng sở thích của họ; sẵn sàng xắn tay áo phụ họ rửa dọn bếp núc; giúp họ sửa lại cái thắng xe; không nỡ nhờ vả khi thấy họ đang bận bịu; không bao giờ bỏ mặc mỗi khi họ hoang mang hay lạc lõng. Như thế cũng đủ làm cho đối tượng thương yêu cảm nhận được sự chân thành của ta rồi.
Để có đủ năng lực làm tất cả những điều đó, ta phải ý thức rằng chia sẻ và hiến tặng là hai chất liệu không thể thiếu trong bất cứ tình thương nào. Không có nó thì không có gì để gọi là tình thương cả. Bởi vì nỗi khổ của người ta thương cũng chính là nỗi khổ của ta. Ta không giúp người thương của ta thì ai sẽ giúp bây giờ?
Tình thương yêu rộng lớn
Luôn đem tới niềm vui
Cùng sớt chia nỗi khổ
Dìu nhau về thảnh thơi.
Tình yêu thương hóa giải hận thù
Đây là một bài viết khá sâu lắng và ẩn tàng nhiều ý nghĩa đối với những người học Đạo. Tôi đọc được từ một diễn đàn từ năm 2008, thấy hay nên lưu lại. Nay mạn phép tác giả, đăng lên đây cho bạn cùng rộng đọc:
“…Sắp tới 30-04 rồi, ngày này với tôi cũng đặc biệt vì nếu ở nhà sẽ được ăn uống gia đình bên mâm đồ cúng. À, gia đình tôi không phải ăn mừng ngày này như những gia đình cách mạng vẫn làm. Chỉ vì ba tôi bảo rằng ngày này năm xưa có rất nhiều người chết – “Bên này” và “bên kia”, nhưng bên nào cũng là con dân Việt, bên nào cũng là con người. Suốt cuộc đời ba tôi chẳng sợ thần thánh hay ma quỷ, nhưng lại có duyên gặp…ma nhiều lần, nên ông bảo: Là ma cũng cần phải…ăn.
Ngày này nhiều người ăn mừng, ở “dưới” mà “bên này” chắc cũng cơm no áo ấm; vì gia đình tưởng nhớ vong linh liệt sỹ anh hùng, nên nhang khói nghi ngút, bia đá ghi danh. Còn “bên kia” thì hiu quạnh. (phải chi bay quay Mỹ thì chắc có ăn!) Đó là chưa kể những chiến sỹ vô danh của cả 2 bên, có ai biết tên mà cúng kiến? Chưa kể những người chả phải chiến sỹ gì: Suốt cuộc chiến tranh phi nghĩa, chết lãng nhách dù chả thuộc “bên” nào; chỉ vì mảnh pháo hay đạn lạc, chết không danh không phận, chết mà không kịp thấy ngày quê hương thanh bình.
*
Ba tôi cúng, với lòng yêu thương, tưởng đến những người gởi thân trên mảnh đất này. Nơi tôi ở cũng từng là chiến trường ác liệt năm nào. Nơi mà chỉ cần cuốc lên vài nhát là có cả kg vỏ đạn vỏ pháo; nơi mà thỉnh thoảng vẫn thấy ở gốc dừa có một cái sọ người vô danh…Ba tôi nói có sống trong chiến tranh mới hiểu thanh bình quý báu thế nào, mới hiểu rằng để có hòa bình không phải dễ. Rằng để yên bình mà sống, mà tu tập chẳng phải đơn giản. Nên phải cố mà giữ hòa khí, đừng để xảy ra lần nữa.
Ở Việt Nam, cứ vào mấy ngày này thì mở Ti Vi hay radio là nghe cứ như bổn cũ soạn lại: Nào là tự ca ngợi chiến công quân mình; nào là kể tội quân “Ngụy”… Ôi thôi đủ thứ. Sang tới Úc mới thấy còn…chán hơn: Nào là phục quốc, rửa hận,…toàn nghe mùi máu me háo sát. Có gì là vinh quang khi mảnh đất bé tí kia lại là chiến trường của 2 đế quốc Mỹ và Liên Xô -Trung Quốc. Mẹ Việt Nam bị giày xé vì những đứa con hư hỏng. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó, nhưng sự thật thì ít ai dám nhìn nhận: Tại sao có chiến tranh, tại sao có chia ly đổ máu?
Có người bảo: Ồ, tại thằng thực dân nó ác, nó chiếm nước mình.
Có người nói khác: Tại thời thế, thế thời phải…thế (nghe huề vốn).
Có người sâu sắc hơn, bảo rằng tại con người có bản chất tham lam. Thằng tư bản tham đã đành mà thằng chủ trương “Thế giới đại đồng” còn tham ác liệt hơn.
*
Vậy có ai đó trả lời giúp tôi: Tại sao cuộc chiến lại xảy ra trên nước Việt Nam, mà không phải tại một nước nào đó như Úc Tại sao người nước ngoài vào giết dân ta đã đành, còn dân ta cũng giết dân ta ?
Hãy quay lại lịch sử hơn 500 năm trước, khi mà nước Việt lúc ấy chỉ từ Thanh Hóa đổ ra Bắc. Lúc ấy miền Nam và Trung là của ai? Lịch sử ghi lại những từ rất đẹp rằng cha ông chúng ta đi “mở cõi”. Thế cái cõi ấy trước khi người Việt đặt chân đến, chắc là của…khỉ à?
Từ khi bước chân vào thế giới tâm linh huyền bí, không ít lần tôi gặp những linh cảnh và ảo cảnh. Có khi vì ngồi thiền bên bãi biển, có khi thì nằm ngủ trên núi gặp; có khi ở ngay tại Thành phố điện sáng choang nó vẫn hiện ra. Mà cũng có khi trong một giấc mơ xa xăm lắm: Tôi thấy cảnh giết chóc tàn sát mà những người làm nên lại là những kẻ tự xưng là khai phá. Hồn thiêng sông núi trả lời cho tôi câu hỏi:
Tại sao có cuộc chiến mấy chục năm trên đất nước này mà kết thúc vào cái ngày 30-04, nhưng hậu quả thì đến bây giờ vẫn còn. Có một lần trong buổi Thiền Biển, tôi gặp ảo cảnh những con người mang hình thù không phải của những thập kỷ gần đây. Họ đến không hận thù nhưng cũng không thân thiện. Họ chỉ đơn giản muốn chứng tỏ rằng họ đang hiện diện trên mãnh đất xưa kia từng là của họ.
*
Có một lần nọ lâu lắm, lúc đó tôi chưa biết nhiều, vẫn còn “ngây thơ”. Tham gia lễ Katê của Chămpa ở Ninh Thuận. Nơi tháp Poglongarai tôi chợt “vô tình” lọt vào tai câu chuyện về cái chết của một cường quốc khi xưa.
Chuyện kể rằng: Sau khi bình định xong vương quốc này, để ngăn ngừa “hậu hoạn”, vua Lê đã cho….thiến sạch những chàng trai Chăm Pa, và bắt hết con gái về làm đầy tớ. Vua Chăm phải chạy trốn vào núi rồi phải để lại áo mũ cho dân K’ho. Ít lâu sau, có vẻ cũng vô tình mà một cuốn sách tên là Tagalau (tên một loại hoa xương rồng) lọt vào tay tôi. Qua những câu chuyện bóng gió, tôi lờ mờ hiểu ra cái uẩn khúc, cái nổi niềm uất hận đã bị chôn vùi của dân Chiêm Thành.
Có lẽ những người ấy muốn kể cho tôi nghe một câu chuyện hào hùng của dân tộc họ; mà khi tôi nghe rồi thì cũng không biết làm thế nào để làm cho người khác hiểu. Tôi chỉ biết lắng nghe và cảm thông.
Và rồi tôi bỗng nhận ra cái nhiệm vụ của những con người trót mang cái khả năng “nghe và hiểu”. Rất nhiều nơi trên mảnh đất nhỏ hẹp ấy đang chứa những câu chuyện của nó; đang chứa trong nó một năng lượng xấu của sự uất ức; và những con người “vô tội” đang sống trên ấy phải lãnh cái họa vô hình.
*
Nhiều người tốt có khả năng, cũng âm thầm làm nhiệm vụ của họ: Đến để làm trung gian giải phóng những nỗi niềm. Như nặn những mụn nhọt trên khuôn mặt của Mẹ Việt Nam. Họ đến tháo giải từng cái gút, trong cái đống rối như tơ vò, mà cha ông ta đã tạo ra. Đó mới chính là những người yêu nước thật sự, hơn những kẽ cứ ra rả cái miệng đòi chiến tranh.
Có những nhà mà anh em chém giết nhau, con rượt cha mẹ…Khi chúng tôi đến thì mới vỡ lẽ ra rằng: Lúc xây nhà họ đã cho ủi luôn mộ mả người ta, cất cái nhà đè lên. Chuyện “dân ta giết dân mình” thì cũng tương tự như vậy thôi.
Muốn hóa giải thì phải đi từ cái nguyên nhân sâu xa, chứ không thể nhảy vào bênh vực phía nào cả.
Mỗi khi đến một đền đài hoang phế, tôi đều nghe những tâm linh rất mạnh vây quanh. Họ vẫn còn đấy chứ không chịu đi. Mỗi khi sờ vào một di tích cổ xưa, tôi nghe như cảnh vật quanh mình đang sống lại cái thời của nó. Có lẽ tôi còn nợ những tháp Chàm một lần viếng thăm nữa. Nơi vùng đồi núi ấy có lẽ ngày nào đó cũng cần phải có một “Trai Đàn Chẩn Tế” hẳn hoi.
*
Ngày 30-04 là ngày nhạy cảm, người ta sẽ hỏi tôi: “Mày yêu nước không, mày đứng về bên nào?” Tôi yêu nước chứ! Tôi yêu luôn cả những con người đã sống trong cái lịch sử ấy. Chính vì tôi yêu nước nên tôi muốn anh em hãy nhìn lại nhau mà bỏ qua hận thù. Hãy giải quyết chuyện quá khứ trước khi con cháu chúng ta lại phải chém giết lẫn nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà trong thập kỷ qua có rất nhiều những con người có khả năng tâm linh cao xuất hiện trên đất nước này. Nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với sự cần thiết. Cần hơn nữa là những con người có đủ “lực” và “tâm”; để rồi tập hợp đoàn kết lại, cùng giải quyết những chuyện…ba láp vô hình !
Khi có chút thời gian, tôi sẽ rủ rê vài người bạn đi lang thang khắp các miền đất nước, để hàn gắn những vết thương của quá khứ. Đó là một việc nặng nhọc và nguy hiểm, nhưng cũng là niềm vui của tôi…”
( Tình yêu thương là gì )
Tuệ Tâm 2021.