Tình ái và Dục vọng là tảng đá buộc chân người tu Đạo
Pháp Giới 11 tháng trước

Tình ái và Dục vọng là tảng đá buộc chân người tu Đạo

Tình ái và Dục vọng là lối đọa lạc của người thế gian. Còn với người học Đạo, chúng cũng chẳng khác chi tảng đá buộc vào chân. Nếu chẳng buông bỏ được thì trầm luân trong sanh tử thế nào, muôn kiếp vẫn y nguyên như thế.

Tình ái là gì? Thế gian thường quan niệm một cách hạn hẹp rằng:  Tình Ái là quan hệ tình cảm giữ nam và nữ. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Tình Ái bao hàm nghĩa rộng hơn nhiều. Do “Ái” nghĩa là ưa muốn, cho nên: Nhớ tới vui khổ muộn phiền, nhớ cha mẹ, nhớ anh chị em, nhớ con cái, nhớ đông, nhớ tây, nhớ nam, nhớ bắc, tất cả đều là hành tướng của tình ái.

Nếu đoạn được tình ái, chúng ta sẽ vô quái ngại, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng. Ngay cả mộng mơ cũng không có, thành thử thần khí của chúng ta sẽ trong sáng. Nhưng phàm phu thì như rễ ngó sen vậy, tuy đứt rễ mà dây nhợ vẫn còn vương vấn không rời.

Dục vọng là gì? “Dục” là ham muốn, “vọng” là hư giả, điên đảo. Cho nên Dục vọng hiểu một cách đơn giản là sự điên đảo của chúng sanh do tâm tham muốn thúc đẩy. Dục vọng của chúng sanh muôn hình vạn trạng, được thâu nhiếp trong ngũ dục, tức năm thứ: 1. Tiền tài. 2. Sắc đẹp. 3. Danh vọng. 4. Ăn uống. 5. Ngủ nghỉ. Người học Đạo nếu chẳng kiềm dục vọng thì vọng tưởng sanh khởi như sóng ở trong tâm. Tu học với cái tâm loạn trược ấy, thật chẳng khác chi “nấu cát mà mong thành cơm” vậy!

  • Sắc dục là xiềng xích của đời người.
  • Từ Bi Hỉ Xả nghĩa là gi.
  • Phiền não là gì.
  • Ngũ Dục là gì.
  • Tham Sân Si là gì.
  • Kinh Từ Bi Thủy Sám Pháp.
  • Làm thế nào để biết ai là bậc Chân tu.
Tình ái và Dục vọng là tảng đá buộc chân người tu Đạo
Tình ái và Dục vọng là tảng đá buộc chân người tu đạo

Tình ái và Dục vọng là tảng đá buộc chân người tu Đạo

Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Trong nghiệp sinh tử, tình ái và dục vọng là gốc chướng Ðạo. Là người tu Ðạo, bất luận đối với người hoặc đồ vật, nếu sinh ra lòng ái dục thì sẽ chướng ngại sự tu hành, làm mình không phát triển được. Nói một cách rõ ràng hơn, ái dục là sinh tử, sinh tử chính là ái dục. Ái dục là nguồn gốc của sinh tử. Nếu không phá vỡ tình ái dục vọng vô minh, thì mình sẽ không thể ra khỏi biển lớn sinh tử. Làm sao để thoát sinh tử? Rất giản dị, chỉ cần “đoạn dục khử ái,” nghĩa là dứt dục vọng, trừ ái tình, chẳng cách nào khác hơn.

Người tu Ðạo đừng nên suy nghĩ về tình ái dâm dục, càng không nên có hành vi yêu đương. Ðối với bất cứ người nào, không nên sinh lòng yêu đương; hễ có lòng yêu đương thì gốc khổ không thể tránh được; vì có lòng yêu đương thì khó thoát vòng sinh tử.

Có người nói: “Con người là động vật có tình cảm, chuyện ăn uống và dâm dục là việc tự nhiên.” Chính bởi vì nhân duyên đó, nên cần phải tu Ðạo. Trong Kinh Tứ-Thập-Nhị-Chương có dạy rằng:

Mình xem những người già như mẹ mình, những người lớn tuổi như chị, những cô trẻ là em và những đứa nhỏ là con. Hãy Sinh ra lòng độ thoát họ và diệt trừ những niệm ác.

*

Là kẻ tu đạo mình phải luôn luôn quán tưởng như vậy. Nếu quả không có ái, phải chăng khi gặp người khác mình cứ ngậm miệng chẳng để ý đến họ? Không đúng! Mình không chấp trước vào tình ái, không sinh lòng yêu đương, nhưng không sinh ra lòng ruồng ghét kẻ khác, cũng không thể nói rằng: “Bởi vì tôi không thương người ta nên tôi phải ghét họ.” Ðó là điều sai lầm. Như vậy thì thế nào là đúng? Tức là không thương mà cũng chẳng ghét ai. Không thương, không ghét chính là Trung-đạo.

Tu hành là tu cái gì? Chính là tu pháp Trung-đạo. Ðối đãi với người mình luôn luôn bình đẳng, dùng tâm từ bi; nhưng phải luôn cẩn thận, chớ để rớt vào cạm bẫy ái tình.

Quý-vị nên chú ý! Ðừng nên bị tình ái làm cho mê hoặc. Nếu có người gởi cho quý-vị phong thơ tình, quý-vị cảm thấy lòng mình vui mừng, giống như có con thỏ nhảy nhót, con tim hết sức hoan hỉ, cho rằng hễ có kẻ yêu mình, là chuyện tốt. Sự thật là người yêu quý-vị chỉ muốn kéo quý-vị đọa lạc mà thôi.

Quý-vị thiện-tri-thức nên tựa vào chỗ này mà dụng công phu, phải thật sự hiểu rằng: “Ái tình là thứ phiền hà vô cùng.” Từ vô lượng kiếp tới nay, sở dĩ sanh tử không thể chấm dứt được là vì sao? Chính là bị hai chữ “ái tình” làm hại. Nếu như mình có thể “đoạn dục khử ái” thì mới có thể siêu thoát Tam-giới, không còn sanh tử nữa.

*

Thứ mình thích thì mình yêu, không thích thì ghét bỏ. Hễ khi thích, tức là mình đã sinh lòng yêu thương. Hễ khi ghét lòng mình sinh ra sự ghét hận. Cả hai thứ, yêu, ghét đều là do tình cảm mà có. Người tu hành xử lý sự việc không dựa vào tình cảm. Tuy nhiên cũng không thể giống như ông Quan Công, ngồi chễm chệ trên bàn xử lý, người ta đảnh lễ, ông cũng không thèm nhìn tới. Ðối với người, mình phải có sự hòa nhã, lễ độ, không nên cống cao, ngạo mạn, coi thường kẻ khác.

Tóm lại, đối với người khác mình phải có lòng từ bi, tìm phương tiện giúp đỡ họ. Lúc nào cũng nên nghĩ đến người khác và khiến họ sinh lòng hoan hỉ. Cho đến hơi thở cuối cùng, cũng nên đối xử tốt với mọi người, nhưng đừng để tình ái xen vào. Các vị nhớ lấy! Ðó là pháp môn vô cùng trọng yếu.”

Dục Vọng không đoạn nên không thể tương ưng với Đạo

“Tu hành lâu rồi mà vẫn không tương ưng với đạo là do nguyên nhân gì vậy? Là vì vọng tưởng tác quái. Nếu tâm còn vọng tưởng thì nó sẽ phá hoại giới, phá hoại định, phái hoại huệ. Tâm có vọng tưởng thì trì giới không kiên cố, tu định cũng không kiên cố, còn nói gì tới huệ. Vọng tưởng nổi lên thì tâm chạy ngay theo duyên, nhân đó mà chuyển theo với vạn vật. Sắc trần do mắt tiếp nhận, thanh âm do tai nghe được, hương do mũi nhận ra, vị do lưỡi nếm, xúc do thân đụng chạm, và pháp do ý nhận thức, tất cả những thứ này hợp lại tạo thành vạn vật. Nếu cứ trụ vào các cảnh giới của các thứ trên tức là chạy theo vạn vật, nên từ đó mà tâm tham cầu sẽ nổi lên.

Trước một sự việc gì mà chúng ta cảm thấy hoan hỷ trong tâm, thì lòng tham cầu sẽ phát sanh. Một khi có tham, tức sẽ nghĩ ra cách chiếm lấy. Chiếm được rồi vẫn chưa biết đủ, nên lòng tham vẫn còn nguyên. Lòng tham không có đáy, chẳng bao giờ chất đầy lòng tham, cho nên nói: “Dục vọng không có chỗ ngừng.” Người tham tiền, khi đã có tiền rồi thì lại tham danh, có danh rồi, đến tham các thứ khác, tham nhà, tham xe hơi, tham máy bay, tham thuyền máy v.v.. tất cả đều do sự tham cầu. Cầu mà không được toại nguyện thì phiền não phát sanh.

*

Khi có phiền não thì bao nhiêu vọng tưởng ùn ùn kéo đến. Có vọng tưởng tức có sự ưu sầu, làm cho thân khổ, tâm khổ, bầy ra trước mắt nào những thứ tạp nhạp, những ý tưởng không thanh tịnh. Những quan hệ vừa kể dẫn tới tình trạng không hợp với đạo, không đưa tới sự dứt đường sanh tử, nên cứ quẩn quanh trong sáu nẻo luân hồi mà không nghĩ ra lối thoát. Càng luân chuyển nhiều thì càng đi xa hơn, lạc sâu vào biển khổ không rút chân ra được.

Bổn thể của tự tánh là đạo chân thường. Thế nào gọi là đạo chân thường? Nó là vô hình vô tướng, không hình tích cụ thể. Hiểu được như vậy thì có thể tới được đạo đó. Không hiểu như vậy thì mỗi ngày một đi xuống. Nếu lại giác ngộ đạo này thì trí huệ luôn luôn hiện tiền, tánh diệu chân như cũng hiện tiền, lúc đó gọi là tương ưng với đạo.”

Tình ái và dục vọng không đoạn không thể đoạn được Lậu Hoặc.

Người tu hành đắc ngũ thông nhiều nhưng được lục thông vô cùng hiếm. Bởi trong sáu món thần thông: Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Thần túc thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Lậu tận thông, thì đắc Lậu tận thông là ra khỏi sanh tử luân hồi.

Lậu Tận Thông là đoạn trừ tất cả phiền não tham sân si mạn nghi v.v… bao gồm phiền não thô lẫn tế. Lậu nghĩa là tài, sắc, danh, thực, thùy… bạn chấp trước gì, tham ái đều là lậu. Nếu đem so xác thân chúng ta với một cái bình nhựa, thì bạn tham tài giống như dùi vào bình một lổ, tham danh thì dùi một lổ, tham lợi, sắc, ăn, uống, chơi, ngủ v.v… mỗi mỗi đều dùi một lổ, như vậy bình này có vô số lổ. Nam nữ hành dâm là đại lậu, gây ra lổ thủng lớn nhất. Cho nên hễ đa hành dâm thì tinh mệt lực tận, sẽ khiến người mau mất mạng.

Hãy nghĩ xem, nếu một cái bình có đầy lổ thủng lớn nhỏ chi chít, thì đã thành đồ rỉ chảy, muốn chứa đầy nước cũng không làm sao được, bởi có quá nhiều rò rỉ. Cho nên người tu cần phải hành pháp gì để thành tựu? Phải hành pháp tu bổ, ngăn rỉ lậu tự thân.

*

Ngài Tuyên Hóa giảng có sáu cách: Không tranh, không tham, không cầu, không tự tư, không tự lợi, không vọng ngữ. Chữ cầu trong cụm từ không cầu bao gồm ý “Nam cầu nữ, nữ cầu nam”, nói đơn giản là phải đoạn dục khử ái. Vậy nên đoạn dục nào, khử những ái nào?

Trong giới luật Phật giảng cho đệ tử có liệt kê rất nhiều: Là đệ tử Phật thì phải nhiếp tâm giữ giới, nhân giới sinh định, nhân định sinh huệ gọi là tam vô lậu học. Lậu tức là dục, có dục thì có phiền não, dục hết thì phiền não hết. Phiền não hết thì trí huệ bừng khai đắc tam thân, trí huệ, ngũ nhãn lục thông, cứu cánh viên mãn, cùng trí huệ Phật tương thông!

Cho nên trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, chúng ta tu pháp gì cũng đều được cả, miễn là đừng quên ngăn rỉ lậu. Nếu không bít lổ thủng, thì tu pháp gì cũng không thành. Nếu lúc nào cũng biết bít lậu, thì bất luận là xuất gia hay tại gia, bất kể bạn tu tông phái nào, đều có thể thành tựu Tam đạt Phật trí.

*

Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Chư Phật Bồ-tát hiền thánh tăng đều có trí huệ quang minh vô lượng. Trí huệ đó là trí huệ vô lậu vô tận. Người thường ai cũng là hữu lậu bởi vì có vô minh. Phật Bồ-tát là vô lậu bởi vì các Ngài không còn vô minh nữa. Vô minh nghĩa là không hiểu biết, hồ đồ, không biết cái nào đúng cái nào sai, không phân biệt được trắng với đen.

Cái lậu lớn nhất là dục lậu (lòng dâm dục), nếu mình có lòng dâm thì cũng giống như tài sản (công đức) của mình bị bọn cướp (lòng dục vọng) đoạt mất đi. Cũng giống như thân cây bị sâu khoét không còn dùng đặng. Lại cũng giống như mâm đồ ăn thơm ngon lại bị bỏ một đống phân ở bên trên làm cho người ta buồn nôn đến ba ngày.

Có người lại nói: “ồ, tâm dâm dục nầy ai cũng có cả mà.” Ðúng, bởi vì do có lòng dâm đó, nên mình mới phải tu hành. Nếu mình không còn dục vọng thì bản lai trí huệ quang minh mới hiện ra. Nên “vô lậu” là chỗ mà người tu hành muốn tới; đó là đồ quý nhất người tu muốn đắc.

*

Quý-vị phải hết sức chú ý! Trong sáu thứ thần thông ( 1. Thiên nhãn thông. 2.Thiên nhĩ thông. 3. Thần túc thông. 4. Tha tâm thông. 5. Túc mạng thông. 6. Lậu tận thông.) Lậu-tận-thông nầy nghĩa là gì? Chính là không còn dục lậu nữa, hoàn toàn không còn lòng dâm dục nữa. Nên nói rằng mình phải “đoạn dục khử ái”. ( Cắt đứt lòng dâm dục, chặt phăng tâm ái tình.) Nếu có thể tu đến chỗ “lô hỏa thuần thanh” (công phu chín mùi) thì mình sẽ tự tại. Nếu không đoạn dục, không khử ái thì mình luôn bị vô minh chi phối làm điên đảo. Từ sớm đến tối không được tự tại, không được sung sướng là bởi vì lòng dâm dục cứ phá phách mình.

Các vị thiện-tri-thức! Ðây là chỗ thiết yếu mà mình cần phải đặc biệt dụng công. Bởi do nó mà mình phản bổn hoàn nguyên, khôi phục bản lai diện mục của mình, chứng được trí huệ vô tận; cái nguồn đó không bao giờ cạn, lấy không hết, dùng cũng không xuể.

Quý-vị cần phải phát tâm bồ-đề mới có thể phá được cửa sinh tử. Tự mình phải phản tỉnh hỏi lòng mình: Tại sao ta cần phải tin Phật? Tại sao ta muốn xuất gia? Tại sao xuất gia rồi mà mình không tu hành? Tại sao xuất gia rồi ta vẫn còn đủ thứ vọng tưởng? Ðó là những vấn đề mà mình đừng nên bỏ qua, phải nghĩ cho thông suốt thì mới thoát khỏi Tam-giới, liễu sinh thoát tử, đến chỗ Niết-bàn an lạc được.”

( Sự nguy hại của Tình ái& Dục vọng – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị )

Tuệ Tâm 2022.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tam Tạng Kinh Điển và 12 Bộ Kinh Đại Thừa là những gì

1 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog