Trưởng lão hòa thượng Thích Minh Châu đã dành cả cuộc đời mình để cống hiện cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam cũng như thế giới. Ngài là bậc cao tăng, một học giả lỗi lạc với nhiều công trình nghiên cứu, những tác phẩm đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn kỹ hơn về tiểu sử, cuộc đời của ngài.
Tiểu sử Trưởng lão hòa thượng Thích Minh Châu
Hòa Thượng Thích Minh Châu có thế danh là Đinh Văn Nam, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918 (năm Mậu Ngọ), tại làng Kim Thành, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ngài là con thứ tư trong một gia đình có 11 người con. Dòng tộc của ngài vốn có truyền thống khoa bảng, hiếu học. Cha của ngài là cụ ông Đinh Văn Chấp, người làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, từng đỗ Hoàng giáp khoa Quý Sửu 1913, niên hiệu Duy Tân thứ 7, khi mới 21 tuổi. Mẹ của ngài là cụ bà Lê Thị Đạt. Ông nội của ngài là Tiến sĩ Đinh Văn Chất, một văn thân yêu nước, thủ lĩnh phong trào Cần Vương tại Nghệ An. Kỵ nội là Tiến sĩ Đinh Văn Phác, đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa thi đầu Triều Nguyễn (1822).
Chịu ảnh hưởng từ gia đình có truyền thống hiếu học, đỗ đạt làm quan cao, chức trọng, thế nên ngay từ thuở nhỏ, hòa thượng Thích Minh Châu rất chăm học và trí tuệ phát triển sớm so với các bạn đồng trang lứa. Vào năm 1939, ngài đã thi đỗ bằng Cao đẳng Tiểu học Đông Dương, đến năm 1940 thì đã thi đỗ Tú tài Toàn phần tại trường Khải Định (nay là trường Quốc Học – Huế). Cũng trong thời gian này, ngài còn được bổ nhiệm làm Thư ký tòa Khâm sứ, tỉnh Thừa Thiên (vào năm 22 tuổi).
Bên cạnh đó, hòa thượng Thích Minh Châu cùng em trai là GS.Minh Chi đến tham gia với phong trào học Phật từ năm 1936 do Bác sĩ Lê Đình Thám tổ chức (Hội An Nam Phật học), ngài được đảm nhiệm chức Chánh Thư ký của Hội. Ngài còn là hạt nhân nòng cốt, hỗ trợ phát động phong trào thanh niên tham gia nghiên cứu đạo Phật và là một trong những người sáng lập Đoàn Phật học Đức dục và Gia đình Phật hóa phổ, sau này đổi tên thành Tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam GĐPT.
Quá trình hoạt động và đạo nghiệp của hòa thượng Thích Minh Châu
– Năm 1946, Hòa thượng Thích Minh Châu xuất gia với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết – Ðệ nhất Tăng Thống GHPGVNTN tại chùa Tường Vân, Thừa Thiên – Huế.
– Từ năm 1952 đến năm 1961, Hòa thượng Thích Minh Châu đã đi du học và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Phật học với đề tài “So sánh tạng Pali Trung bộ kinh với tạng Hán A Hàm” tại Ðại học Phật giáo Nalanda, Ấn Ðộ.
– Năm 1964, Hòa thượng Thích Minh Châu trở về nước và giữ chức vụ Viện trưởng Viện Ðại học Vạn Hạnh, chuyên lo sự nghiệp giáo dục và phiên dịch Kinh tạng Pali.
– Năm 1976, Hòa thượng thành lập Viện Phật học Vạn Hạnh.
– Năm 1980, Hòa thượng Thích Minh Châu tham gia vận động thống nhất và thành lập GHPGVN.
– Năm 1981, GHPGVN được thành lập, Hòa thượng đã được Ðại hội suy cử giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN liên tiếp trong ba nhiệm kỳ I, II và III (1981 – 1997).
– Cũng trong năm 1981, Trường cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở I tại Hà Nội được thành lập, Hòa thượng Thích Minh Châu được Giáo hội cử làm Hiệu trưởng (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội).
– Năm 1984, Trường cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở II tại thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, do Hòa thượng làm Hiệu trưởng (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh).
– Năm 1989, Hòa thượng Thích Minh Châu thành lập và làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Ðại Tạng kinh Việt Nam.
– Năm 1996, Trường đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya (Thái Lan) đã phong tặng danh hiệu Tiến sĩ Phật học danh dự cho Hòa thượng để tuyên dương công đức phiên dịch năm bộ kinh Nikaya ra tiếng Việt, gồm Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya), Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya), Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya), Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) và Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya).
– Tại Ðại hội Ðại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV (1997-2002), Hòa thượng Thích Minh Châu đã được Ðại hội suy tôn vào ngôi vị Thành viên Hội đồng Chứng minh và suy cử chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN liên tiếp hai nhiệm kỳ IV và V (1997-2007).
– Tại Ðại hội Ðại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007-2012) toàn thể Ðại hội đã suy tôn Hòa thượng lên ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
– Tham gia công tác Quốc hội: Hòa thượng Thích Minh Châu là Ðại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, IX, X (từ năm 1981-2002); cũng trong thời gian này Hòa thượng được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh.
Những thành tựu mà hòa thượng Thích Minh Châu đã đạt được
Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh GHPGVN
Các chức vụ mà Trưởng lão hòa thượng Thích Minh Châu đã từng trải qua:
– Nguyên Ðại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, IX và X.
– Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN.
– Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HÐTS GHPGVN.
– Nguyên Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục GHPGVNTN.
– Nguyên Viện trưởng Viện Ðại học Vạn Hạnh.
– Nguyên Viện trưởng sáng lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Ðại Tạng kinh Việt Nam.
– Nguyên Hiệu trưởng Trường cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở I, chùa Quán Sứ, Hà Nội.
– Nguyên Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.
– Trụ trì Tổ Ðình Tường Vân, TP Huế, Viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh TP Hồ Chí Minh.
– Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh GHPGVN.
Hiện Trưởng lão hòa thượng Thích Minh Châu đã được Nhà nước tặng thưởng:
– Huân chương Hồ Chí Minh.
– Huân chương Ðộc lập hạng nhì.
– Huân chương Ðại đoàn kết và nhiều huy chương, bằng khen và giấy khen.
– Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng Bằng Tuyên dương Công đức.
Những tác phẩm, bộ sách mà hòa thượng Thích Minh Châu biên dịch
1. Các bộ kinh thư
– Trường bộ kinh (2 tập)
– Trung bộ kinh (3 tập)
– Tương ưng bộ kinh (5 tập)
– Tăng chi bộ kinh (5 tập)
– Tiểu bộ kinh: gồm các tập sau
- Pháp cú (Kinh Lời vàng)
- Kinh Phật tự thuyết
- Kinh Phật thuyết như vầy
- Kinh Tập
- Trưởng lão Tăng kệ
- Trưởng lão Ni kệ
- Bổn sanh (2 tập)
2. Các tác phẩm dịch từ Abhidhamma
Thắng pháp tập yếu luận (Abhidhammatthasangaha)
3. Các bộ sách viết bằng tiếng Anh
– Hsuan T’sang, The Pilgrim and Scholar (Huyền Trang – nhà chiêm bái và học giả, NS.Trí Hải dịch sang tiếng Việt)
– Fa-Hsien, The Unassuming Pilgrim (Pháp Hiển – nhà chiêm bái khiêm tốn, NS.Trí Hải dịch sang tiếng Việt)
– Milindapanha And Ngasenabhikhustra – A comparative study (Cư sĩ Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch sang tiếng Việt)
– The Chinese Madhyama gama and The Pli Majjhima Nikaya (A comparative study) – Luận án tiến sĩ Phật học (NS.Trí Hải dịch sang tiếng Việt)
– Some Teachings Of Lord Buddha On Peace, Harmony And Humadignity.
4. Các bộ sách viết bằng tiếng Việt
– Phật pháp (đồng tác giả)
– Đường về xứ Phật (đồng tác giả)
– Những ngày và những lời dạy cuối cùng của Đức Phật
– Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa (dịch)
– Sách dạy Pali
– Dàn bài Kinh Trung bộ (chưa in)
– Toát yếu Kinh Trường bộ (chưa in)
– Toát yếu Kinh Trung bộ (chưa in)
– Chữ Hiếu trong đạo Phật (đồng tác giả)
– Hành thiền
– Lịch sử Đức Phật Thích ca
– Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi
– Chánh pháp và hạnh phúc
– Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người (2002)
– Những mẩu chuyện đạo (2004)
– Đức Phật – nhà đại giáo dục (2004)
– Đức Phật của chúng ta (2005)
– Tâm Từ mở ra, khổ đau khép lại (2006)
– Những gì Đức Phật đã dạy (2007)
– Hiểu và hành Chánh pháp (2008)
– Chiến thắng ác ma (2009)