Thọ uẩn là gì
Pháp Giới 12 tháng trước

Thọ uẩn là gì

Thọ là cảm giác, do sự tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng mà sinh ra, Uẩn nghĩa là tích tụ thành một khối. Thọ uẩn nghĩa là những cảm giác của chúng sanh được tích lũy lại từ vô thỉ kiếp đến nay. Khối cảm giác tích lũy này tạo ra sự ngăn che, khiến chúng ta không nhận ra được trí tuệ và sự thanh tịnh chân chánh của tâm mình.

  • Tam giới là gì.
  • Tham sân si là gì.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Ngũ trược ác thế là gì.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • 10 Chuyện tâm linh có thật.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Thọ uẩn là gì
Thọ uẩn là gì

Thọ uẩn là gì

Thọ là cảm giác, do sự tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng mà sinh ra thọ. Đức Phật dạy có sáu thọ: Mắt tiếp xúc với hình sắc mà sinh thọ. Tai với âm thanh. Mũi với mùi. Lưỡi với vị. Thân với vật cứng-mềm. Ý với đối tượng tâm ý. Cảm giác theo Phật giáo không dừng lại ở mức độ tiếp xúc đơn thuần mà là cảm xúc, một biểu hiện sâu hơn của cảm giác. Trong Phật giáo, thọ uẩn được chia làm ba loại: Lạc thọ, khổ thọ và vô ký thọ.

Lạc thọ

Lạc thọ là cảm nhận được cái vui, cái sung sướng ở thế gian nầy do sự tiếp xúc mà ra. Nếu lạc thọ thuộc về thân thì gọi là “lạc” và lạc thọ thuộc về tâm thì gọi là “hỷ”. Thí dụ mắt thấy nhà sang, xe đẹp. Tai nghe lời dịu ngọt êm đềm. Mũi ngửi hương thơm hay thân đang ở phòng mát mẻ thì sẽ sinh ra cảm giác sung sướng, thoải mái tức là lạc thọ. Muốn công hầu khanh tướng, đỉnh cao danh vọng, giàu sang phú quý là chạy theo lạc thọ.

Khổ thọ

Khổ thọ là cảm nhận sự đau khổ hay bất hạnh do cuộc đời đưa đến. Nếu khổ thọ thuộc về thân thì gọi là “khổ” và khổ thọ thuộc về tâm thì gọi là “ưu”. Thí dụ mắt thấy cảnh đau thương; Tai nghe lời nguyền rủa; Miệng ăn vật cay đắng tanh hôi; Mũi ngửi hương vị thối tha…khiến tâm cảm nhận khổ đau. Hoặc bị người đánh đập khiến thân đau đớn. Công danh thất bại, duyên số bẽ bàng là khổ thọ.

Xả thọ

Xả thọ hay vô ký thọ là không vui cũng chẳng buồn. Lúc nào cũng vậy thôi, trước sau như một. Thí dụ hằng ngay ra đường mắt thấy biết bao chiếc xe, nhà cửa…Tuy thấy tất cả mà chẳng quan tâm để ý thì tâm dửng dưng không vui mà cũng chẳng buồn.

Sự hình thành Thọ uẩn

Con người có sáu căn tức là sáu giác quan để tiếp xúc với ngoại cảnh vì thế sẽ có sáu loại thọ uẩn tương xứng. Thí dụ mắt thấy hình sắc thì phát sinh cảm thọ đẹp, xấu. Tai nghe âm thanh liền cảm thọ vui, buồn. Lưỡi nếm thức ăn liền cảm thọ ngon, dở. Thân đụng da mềm liền cảm thọ lưu luyến, khoái cảm hay đớn đau…Nói chung, tất cả thọ uẩn của con người từ thân đến tâm không ra ngoài lạc, hỷ, khổ, ưu và xả thọ.

Tóm lại có ba loại cảm thọ là lạc thọ, khổ thọ và vô ký thọ rồi sau đó sáu căn tiếp xúc với sáu trần tạo ra sáu lạc thọ, sáu khổ thọ và sáu vô ký thọ tổng cộng có 18 thọ. Sau đó có cảm thọ về quá khứ, hiện tại và tương lai. Tất cả những thứ nầy tích lũy lại trong vô thỉ kiếp đến này tạo thành thọ uẩn.

Tất cả những loại cảm thọ ấy tạo thành một dòng sông cảm thọ tâm lý chi phối hệ thống tâm thức. Dòng sông cảm thọ sinh khởi biến hiện thay đổi vô chừng. Chúng chuyển biến vô tận, vô thường, vô ngã và hiện hữu có điều kiện. Tuy nhiên, khi còn trẻ thọ uẩn hoạt động bình thường cho nên cảm thọ rất nhạy bén đến khi già nua thì miệng ăn không biết ngon, mắt nhìn không thấy rõ, tai nghe ùn ùn, tiếng được tiếng mất cho nên cảm thọ là vô thường vô ngã chớ có chi là chân thật. Chấp thủ vào những cảm thọ đó bao giờ cũng sai lầm và gặt hái khổ đau.

Thọ uẩn vốn là hư giả

Tuy nhiên, những cảm thọ sướng khổ cũng chẳng liên quan gì đến Cái Tôi bởi vì những cảm thọ đó có cũng bởi do duyên tạo từ bên ngoài chớ chẳng có cái gì thật sự là của tôi cả cho nên cuộc sống con người buồn vui lẫn lộn là vậy. 

Cảm thọ là do tác động của duyên từ bên ngoài nên nó không thật vì những ngoại duyên đó luôn biến đổi mà con người cứ chấp là thật, là bền chắc nên muốn giữ mãi những giây phút êm đềm đó. Nói cách khác khi tâm thọ nhận cảm giác liền bị vô minh che mờ mà không biết rằng cảm giác đó là do duyên hợp mà thành nên chúng là vô thường vô ngã mà để cho lòng tham Ái lung lạc, khiến tâm có những cảm giác vui hay buồn. Tệ hại hơn nữa là thọ uẩn chi phối khiến cho Ta thấy vui hay buồn.

Thí dụ vì không để ý, chúng ta đụng vào tường nên có cảm giác rất đau. Nếu biết quán thọ trên thân để thấy biết như thật thì cái đau trước đâu giống cái đau sau. Mỗi thời điểm có một cái đau khác nhau cho đến khi cái đau hoàn toàn biến mất. Vậy thế nào là thấy biết như thật?

*

Đức Phật dạy rằng thấy biết như thật là trước đó một sát na thì chúng ta không biết và sau một sát na xảy ra rồi chúng ta cũng không biết. Thế thì thấy biết như thật là ngay vào thời điểm đó sự hiện hữu xảy ra thì chúng ta cũng ngay thời điểm đó tiếp nhận sự hiện hữu đó chớ không phải một sát na trước hay một sát na sau.

Vậy thì cứ mỗi sát na toàn thân của chúng ta có sự thay đổi, chuyển hóa nhỏ mà chúng ta thấy biết như thật. Nếu chúng ta thấy sự chuyển hóa ở sát na trước mà chúng ta giữ lại thì chúng ta sẽ không biết sự chuyển hóa của sát na sau cho nên cái thấy biết này không còn thấy như thật nữa mà là cái thấy biết củ. Vì thế thọ uẩn chỉ là ảo giác, chẳng khác gì những gợn sóng nổi lên bất thường, có đến rồi lại đi chớ chẳng dính dấp gì tới cái Tôi cả.

*

Khi khổ đau hay hạnh phúc phát sinh, con người thường hay đồng hóa mình với những cảm xúc của mình. Họ bị hành hạ bởi sự hiểu biết sai lầm của thọ uẩn, bởi vì tất cả hạnh phúc hay khổ đau đó cũng chỉ là vô thường, vô ngã chớ không phải là Của Ta. Tại sao con người thích tích lũy tiền bạc, mơ ước thành ông này, bà kia, mong cầu đạt được danh vọng trong xã hội…? Bởi vì tất cả những thứ ấy sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc tức là lạc thọ.

Đơn giản chỉ có thế thôi. Nhưng rất tiếc không có niềm vui hay hạnh phúc nào vĩnh viễn ở mãi với chúng ta, nó đến rồi ra đi nhanh chóng cho nên cuộc sống con người luôn mãi khổ công nhọc kế đi tìm từ hạnh phúc này đến hạnh phúc khác. Thế thì cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc phải chăng đó là khổ đau cũng ví như viên thuốc bọc đường, khi chất ngọt tan mất thì vị đắng sẽ hiện ra.

Đức Phật dạy về sự hư giả của Thọ uẩn

Kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy: “A Nan! Ví như người tứ chi yên ổn, cơ thể điều hòa, không bị vui buồn tác động, tịch tĩnh như quên mình. Bỗng nhiên người kia đưa hai tay lên không xoa nhau, sanh cảm xúc: Nóng, lạnh, trơn, rít…Thọ uẩn cũng như vậy.

A Nan! Những cảm xúc hư vọng kia, không phải từ hư không đến. Không phải từ bàn tay ra. Nếu từ hư không đến sinh cảm giác từ bàn tay, sao không sanh cảm xúc nơi thân thể? Không lẽ hư không biết lựa chỗ để danh cảm xúc?

Nếu từ bàn tay ra, thì khi bàn tay hợp lại, biết có cảm xúc. Đến khi bàn tay rời ra thì cảm xúc phải chạy vào xương tủy cánh tay. Lẽ ra phải biết đường vào của cảm xúc, rồi lại phải có tâm hay biết, biết ra biết vào. Như thế phải có một vật đi lại trong thân chớ cần chi phải đợi hai bàn tay hợp lại xoa nhau mới gọi là cảm xúc. Vậy nên biết rằng thọ uẩn là hư vọng không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.”

Khi nói về thọ uẩn Phật đưa ra thí dụ rằng nếu có người lấy hai bàn tay xoa vào nhau thì phát sinh ra những cảm giác như nóng, lạnh, trơn, rít… Như khi vào mùa đông lạnh buốt, chúng ta thường xoa hai bàn tay lại với nhau khoảng vài phút thì sự cọ sát làm nóng hai bàn tay. Khi hai bàn tay nóng thì chúng ta cảm thọ sự ấm cúng làm cho toàn thân dễ chịu đôi phần.

*

Nếu chúng sinh dùng thức tâm để phân biệt thì chắc chắn sẽ nói rằng nhờ hai bàn tay xoa vào nhau mới sinh ra những cảm xúc nóng lạnh. Nhưng Đức Phật khẳng định rằng những cảm giác tức là thọ uẩn nầy không phải từ hư không đến mà cũng chẳng từ bàn tay mà ra. Tại sao vậy?

1. Nếu cho rằng những cảm giác lạnh, nóng, trơn, rít mà từ hư không mà đến. Vậy thì hư không bao trùm toàn thân chớ đâu có nhất định một chỗ bàn tay. Vì thế nếu luồng cảm giác này thật sự từ hư không đến thì toàn thân cảm nhận được. Nhưng cảm giác này chỉ nhận biết được ở bàn tay thế thì lý luận này không đúng.

2. Còn nếu cảm giác đến từ bàn tay mà ra thì không cần hai bàn tay cọ sát với nhau mới tạo nên cảm giác. Như thế nghĩa là mỗi bàn tay tự nó phát ra những cảm xúc này rồi. Nhưng trên thực tế nếu không có sự cọ sát của hai bàn tay với nhau thì không thể có nóng, lạnh được. Vì những cảm giác nóng lạnh có được là do sự cọ sát chớ tự nó không có được. Vậy nên thọ uẩn là tướng giả dối, không thật.

Cũng như khi mê chúng sinh thấy có địa ngục a tỳ vì đây là những tướng giả dối từ thức tâm sinh diệt hiện ra. Nhưng khi thức tỉnh, con người quay về với chơn tâm thanh tịnh thường trú của mình thì thức tâm biến mất, cảnh địa ngục a tỳ cũng tan biến theo.

(Thọ uẩn là gì – Theo Cư sĩ Lê Sĩ Minh Tùng)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Đóa hoa mùa hạ

11 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog