Thất Bồ Đề Phần là gì
Pháp Giới 5 tháng trước

Thất Bồ Đề Phần là gì

Thất Bồ Ðề Phần là gì? Bồ Đề do phiên âm chữ Phạn Boddhi mà ra. Người Trung hoa dịch là Giác đạo, hay đạo quả giác ngộ. Phần là từng phần, từng loại. Thất Bồ đề phần là bảy pháp tu tập tuần tự hướng đến đạo quả Vô thượng Bồ đề, hay bảy pháp giúp người tu hành thành tựu đạo quả Ðại giác, bao gồm:

  1. Trạch Pháp.
  2. Tinh Tấn.
  3. Hỷ.
  4. Khinh An.
  5. Niệm.
  6. Định.
  7. Xả

Thất Bồ Đề Phần còn gọi là  Thất Giác Chi. “Giác” tức là Bồ đề, còn “Chi” tức cũng như phần vậy. Thất giác chi tức là bảy nhánh, bảy phương tiện đi đến đích giác ngộ. Thất Bồ Đề phần cũng là một pháp môn quan trọng không kém gì ngũ căn. Sở dĩ đức Phật chế ra nhiều pháp môn như thế là để tùy căn cơ từng người, ai hợp pháp môn nào thì tu pháp môn đó. Các pháp môn nầy về tên gọi, về chi tiết thì có khác nhau, nhưng về đại thể, về tinh thần, thì có nhiều chỗ giống nhau. Vì thế, chúng ta sẽ thấy trong pháp môn “Thất Bồ đề phần” có nhiều điểm giống như trong “Tứ Như ý túc” hay “Ngũ căn, Ngũ lực”.

  • Tứ Diệu Đế.
  • Sám hối là gì.
  • Tập Đế là gì.
  • Khổ đế là gì.
  • Diệt Đế là gì.
  • Tứ Chánh Cần là gì.
  • Chuyện tâm linh có thật.
Thất Bồ Đề Phần
Thất Bồ Đề Phần

 Nội Dung Của Thất Bồ Ðề Phần

Thất Bồ đề phần gồm có:

Thất Bồ Đề Phần: 1. Trạch pháp

Trạch là lựa chọn; Pháp là pháp môn, là phương pháp tu hành. Trạch pháp là dùng trí huệ để lựa chọn pháp lành và tránh pháp dữ để tu trì. Trong sự tu tập, nếu ta không có trí phân biệt chánh tà, tất phải lầm lạc. Như các bài trước đã nói, lòng tin của người Phật tử phải dựa trên lý trí chớ không phải là mê tín. Ðức Phật dạy: “Hãy dùng trí huệ suy nghiệm, giải trạch các pháp, rồi sẽ tin thọ, thật hành theo”. Nếu tu lầm, tin chạ, thì sự tu hành nguy hại gấp trăm nghìn lần người không tu.

Vì vậy, Phật tử chúng ta muốn thẳng tiến trên đường giác ngộ, giải thoát, cần phải có con mắt Trạch pháp nhãn: Không phải nghe ai bảo gì tin nấy, không phải tự bảo một cách bừa bãi “đạo nào cũng tốt cả”; Không dung hòa Phật giáo với ngoại đạo. Chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo phân biệt chánh, tà, chân, ngụy; Phải thường dùng trí huệ mà giản trạch cả những pháp ở ngoài và những ý tưởng chân vọng của tâm để tu, để đoạn.

Thất Bồ Đề Phần: 2. Tinh tấn

Một khi đã lựa chọn được pháp môn chân chính để tu rồi, thì phải tinh tấn. Nghĩa là luôn luôn dũng tiến trên bước đường tu tập, không quản ngại gian lao khó nhọc, không khiếp sợ; Không thối chuyển, không tự mãn, tự cao mà bỏ dở mục đích chưa đạt được .

Sau khi đã biết lựa chọn, biết pháp nào thiện pháp nào ác rồi trong thực hành chỉ ác hành thiện thì phải tinh tấn dùng phương pháp Tứ chánh cần để tu tập. Phải siêng năng tinh tấn kiểm soát và giữ gìn Tâm:

  • Vì muốn đoạn trừ các pháp ác, bất thiện đã sinh ra.
  • Vì muốn cho các pháp ác bất thiện chưa sinh sẽ không sinh.
  • Vì muốn pháp lành chưa sinh khiến sinh.
  • Vì muốn những việc thiện đã phát sinh được tăng trưởng vững bền.

Như vậy, muốn tăng trưởng rộng lớn nên hành giả phát khởi lòng mong muốn siêng năng, tinh tấn kiểm soát tâm mình, giữ gìn tâm mình lúc nào cũng thanh tịnh. Khi hành giả theo pháp tu Tứ chánh cần thì sẽ có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý; Những nổ lực tinh tấn, mạnh mẽ, kiên cường, gắng ý không dừng…Đều gọi là tinh tấn, tinh tấn căn, tinh tấn lực, cũng gọi là tinh tấn giác chi.

Thất Bồ Đề Phần: 3. Hỷ

Hỷ nghĩa là hoan hỷ. Nhờ tinh tấn tu hành, nên đoạn trừ được dần phiền não thành tựu vô lượng công đức, do đó, sanh tâm hoan hỷ và phấn chí tu hành.

“Khi chúng ta đã nỗ lực tinh tấn thực hành những pháp mà mình đã chọn. Nhờ tinh tấn nên vọng tưởng bớt sanh khởi nên tham, sân, si không trói buộc được tâm. Đối với Như lai, tâm hành giả ngay thẳng thì sẽ đạt được nghĩa và pháp oai thế; Đối với Như lai có khả năng dẫn khởi hân hoan, nhờ hân hoan nên sinh tâm hoan hỷ.

Khi được hoan hỷ thì thân an; Thân an thì sẽ hưởng lạc, được an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và, sẽ được dự vào dòng pháp mà tu tập tùy theo niệm đối với chư Phật, cho đến tác chứng cứu cánh Niết-bàn.”

*

“Lại nữa hành giả khi cùng nhau niệm chánh pháp, tức là chỉ cho chánh pháp của Phật khéo nói hiện tại, mát mẻ đúng thời, hướng dẫn trực quán khiến bậc trí giả nội chứng; Hành giả nhờ đó lúc cùng nhau niệm pháp như vậy thì tham không trói buộc tâm, sân không trói buộc tâm, si không trói buộc tâm. Đối với chánh pháp tâm hành giả ngay thẳng, nhờ tâm ngay thẳng nên được nghĩa và pháp oai lực; Đối với chánh pháp có khả năng dẫn khởi hớn hở.

Nhờ hớn hở nên sinh tâm hoan hỷ; Nhờ hoan hỷ nên thân an; Nhờ thân an nên hưởng lạc; Nhờ an lạc nên tâm định. Khi tâm hành giả định rồi thì đối với các loài hữu tình không bình đẳng sẽ trụ vào bình đẳng, đối với các loài hữu tình có não hại sẽ trụ vào không não hại và sẽ được dự vào dòng pháp. Đối với chánh pháp, nhờ tu tập tùy niệm nên cho đến có thể tác chứng cứu cánh Niết-bàn.”

Thất Bồ Đề Phần: 4. Khinh an

Khinh là nhẹ nhàng. An là an ổn. Nhờ sự tinh tiến tu tập nên thân tâm được thanh tịnh. Người tu hành cảm thấy nhẹ nhàng, khoan khoái, khinh an, như đã trút được gánh nặng dục vọng, mê mờ.

“Nhờ tâm tánh hoan hỷ đang hiện có, hành giả nhập vào sơ thiền, ngôn ngữ lúc bấy giờ dừng nghỉ. Nhờ duyên này mà các pháp khác cũng yên nghỉ, đó gọi là trạng thái thuận khinh an thứ nhất.

Khi nhập vào đệ nhị thiền, tầm và từ (giác, quán) yên nghỉ. Nhờ duyên này mà các pháp khác cũng yên nghỉ, đó gọi là trạng thái thuận khinh an thứ hai.

Khi hành giả nhập vào đệ tam thiền; Các hỷ ở đây bấy giờ cũng yên nghỉ, nhờ duyên này các pháp khác cũng lặng yên, đó là trạng thái thuận khinh an thứ ba.

Khi nhập vào đệ tứ thiền, hơi thở ra vào lặng yên, nhờ duyên này các pháp khác cũng an nghỉ, đó là trạng thái thuận khinh an thứ tư.

Tiếp tục lúc nhập vào diệt thọ tưởng định, ở đây tưởng thọ vắng bặt nhờ duyên này mà các pháp khác cũng không hiện hữu, đó gọi là trạng thái thuận khinh an thứ năm và cũng có khinh an thượng diệu thứ sáu là tối thắng tối thượng.

*

“Khinh an thượng diệu thứ sáu này là tối thượng tối diệu, không có khinh an nào khác vượt qua nó. Vì sao vậy? Vì tâm từ tham lìa nhiễm mà giải thoát; Từ sân, si lìa khỏi nhiễm mà giải thoát, nên gọi đây là trạng thái thuận khinh an thứ sáu. Hành giả tư duy về trạng thái này thì sẽ sở hữu được mọi sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý: Tâm nhẹ nhàng, tánh nhẹ nhàng, gọi chung là khinh an, cũng gọi là khinh an giác chi.

Đối với Thánh đệ tử chúng có khả năng diệt hết khổ; Đối với các hàng hữu học, các hành như sở kiến của mình mà tư duy quán sát sẽ đạt cứu cánh; Đối trong các hành thấy rõ lỗi lầm, đối Niết-bàn vĩnh viễn thấy rõ công đức. Nếu là A-la-hán cùng tâm giải thoát, tư duy quán sát, khiến đạt cứu cánh và có được sự tương ưng giữa vô lậu và tác ý; Thân, tâm, tính, loại khinh an, đó gọi là khinh an giác chi.”

Thất Bồ Đề Phần: 5. Niệm

Niệm nghĩa là thường ghi nhớ chánh pháp để thực hành. Tâm niệm của ta nếu không thường nhớ chánh pháp, tất tạp niệm phát sanh, phiền não tăng trưởng. Cũng như một đám đất nếu không trồng hoa thì cỏ mọc. Vì thế người tu hành cần phải để tâm ghi nhớ chánh pháp, đừng cho xao lãng buông lung nghĩ bậy.

Thất Bồ Đề Phần: 6 – Định

Khi hành giả nhờ vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ và Diệt tận định thì sẽ diệt trừ tận gốc rễ của các lậu.

Vì khi hành giả an trú vào sơ thiền thì trước hết nhờ vào tướng trạng các hành mà xa lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm có từ và, nhờ xa lìa này mà hỷ lạc sinh ra. Nếu ở sơ thiền mà hành giả an trụ đầy đủ thì hành giả sẽ không còn tư duy về tướng trạng các hành nữa mà chỉ tư duy về chỗ đạt được, chỗ hướng về sắc, thọ, tưởng, hành và, thức mà thôi. Ở đây các pháp này não hại chúng sanh như là bệnh hoạn, ung nhọt, tên độc…Chúng là vô thường, khổ, không, phi ngã.

Hành giả đối với pháp này tâm vừa ghét vừa lo sâu xa, sợ hãi đình chỉ, sau đó nhiếp tâm đưa về giới vức cam lồ. Tư duy cõi này là tịch tĩnh vi diệu. Xả bỏ tất cả trên nền tảng ái hết lìa nhiễm, vĩnh viễn tịch diệt Niết-bàn. 

Thất Bồ Đề Phần: 7. Xả

Xả nghĩa là bỏ ra ngoài không vướng bận. Xả tức là hành xả tâm sở, một trong 11 món Thiện tâm sở. Hành xả nghĩa là thế nào? Người tu hành, nhờ trí sáng suốt, nhận biết “thọ là khổ”, nên không nắm giữ một thứ nào, dù quý báu bao nhiêu. Ngay trong sự tu hành cũng vậy, họ không trụ trước ở các pháp mình đã tu, đã chứng; Trái lại họ luôn luôn xả bỏ những gì mình đạt đến, để tiến triển trên bước đường đi đến giải thoát.

Nếu người tu hành cứ mãi say đắm vào quả vị mình đã chứng, thì suốt đời sẽ bị trầm một nơi đó, không bao giờ có thể tiến lên, để đạt thành đạo quả vô thượng Bồ đề. Kinh Kim Cang sớ có nói: “Người tu hành phải như người nương thuyền qua sông, khi thuyền đã cập bến, nếu ta không bỏ nó để lên bờ, thì đừng hòng đến đâu và biết gì được. Người muốn thành đấng siêu việt tự tại, cần phải từ trước khước mọi đắm say”. Pháp hành xả nầy giúp chúng ta thành tựu sự siêu việt.

Thất Bồ Đề Phần: Lời kết

Tóm lại, người tu bảy pháp Bồ đề phần nầy, chắc chắn sẽ được bốn kết quả quý báu sau đây:

  1. Tất cả pháp ác đều được tiêu trừ.
  2. Tất cả pháp lành càng ngày càng tăng trưởng.
  3. Vì thường tu thiện, đoạn ác, nên luôn luôn được an lạc, không bị đau khổ.
  4. Sẽ chứng thành Phật quả.

(Thất Bồ Đề Phần là gì –  Theo Phật Học Phổ Thông )

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Lục căn, Lục trần và Lục thức là gì

11 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog