Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát khai thị niệm Phật
Pháp Giới 10 tháng trước

Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát khai thị niệm Phật

Tây Phương Xác Chỉ - Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát chỉ đường Chánh đạo.

Phải dè dặt đừng có vừa thật hành đặng nửa năm hay mười tháng, rồi tự cho là mình đã có công tu hành. Phải biết rằng quan niệm tự đắc ấy, chính là chỗ chướng đạo.

Rất phải cẩn thận! Mặc dầu có gắng sức công phu, nhưng nếu niệm lực chưa vững như núi đồng, chắc như vách sắt, xô không ngã, lay không động, thời vẫn chưa phải đã thành nhứt phiến đâu. Chớ có mới vừa được đôi chút đắc lực bèn dừng tay, mà thành lỗi “bán đồ nhi phế”…

Nhà Minh, năm Sùng Trinh thứ 16, Bồ Tát giáng thần ở Ngô Môn. Nhà Thanh, năm Thuận Trị thứ tư, Bồ Tát ứng cơ thuyết pháp dạy truyền pháp môn Tịnh độ.

Ngài dạy rằng: Pháp yếu của chư Phật rất vi diệu bí mật không thể nghĩ bàn. Vì không thể nghĩ bàn nên không ai diễn nói hết cả được.

Ðức Bổn Sư Mâu Ni Phật thương xót chúng sanh mà nói chỗ chẳng có thể nói, để dạy dỗ dắt dìu trong đời nay và đời sau.

Ðức Phật lại dùng phương tiện đặc biệt hiển bày cõi Cực Lạc, bảo người phát nguyện vãng sanh hầu thoát khỏi luân hồi một cách mau tắt.

Do đại nguyện lực của đức Phật A Di Ðà nhiếp thọ mọi loài, nên hễ ai nghe danh hiệu A Di Ðà Phật mà siêng thọ trì thời quyết định được vãng sanh Tịnh độ.

Nếu người nào dõng mãnh tinh tấn chuyên niệm Phật thường nhứt, thời thành tựu “Niệm Phật tam muội” hiện tiền cũng được thấy đức Phật A Di Ðà.

Ngày nay ta theo đúng như lời đức Phật đã dạy mà giảng dạy môn Tịnh độ. Ta nghĩ vì các người mê mờ nên chỉ thiệt con đường chơn chánh. Ðây chẳng phải là nhơn duyên nhỏ, các người phải gắng trân trọng. Cực Lạc đường xa muôn ức, một niệm tin chắc thời chính là đấy.

Ngài lại dạy: Pháp môn Tịnh độ đây thật là tâm tông của chư Phật. Là con đường đi đến quả vị giải thoát tắt nhứt của mọi loài.

Nay các người dầu cũng cầu vãng sanh mà tâm lại không thiết, thời cũng như người vào biển mà không được bảo châu, luống nhọc vô ích. Ðể ta thuật việc đời trước của ta cho các người rõ:

Nhà Tấn, thời vua Minh Ðế, ta là một gã nghèo cùng. Vì thiếu hụt khốn khổ quá, nên sau khi ta được biết pháp môn Tịnh độ, ta bèn lập nguyện lớn như vầy: “Vì đời trước tôi gây tạo nghiệp ác nên nay mang lấy quả báo khổ sở này. Nếu bây giờ tôi không được thấy đức Phật A Di Ðà sanh về Cực Lạc hầu thành tựu tất cả công đức, thời dầu cho thân này chết rã tôi cũng quyết không ngơi nghỉ”.

Thề nguyền xong, ta chuyên cần nhớ Phật niệm Phật luôn đêm ngày. Ðến ngày thứ bảy, tâm trí ta bỗng khai thông, thấy đức Phật A Di Ðà tướng hảo quang minh chiếu sáng mười phương, đức Phật đưa tay vàng xoa đầu ta mà thọ ký. Năm 75 tuổi, ta ngồi kiết già niệm Phật mà bỏ thân. Ðược Phật và Thánh Chúng rước về Cực Lạc. Nhưng vì bổn nguyện độ sanh nặng nơi lòng, nên ta trở lại cõi trược này, tùy thời theo cơ mà hiện thân giáo hóa. Có lúc ta làm thầy Tỳ kheo, nhà Cư Sĩ. Có khi ta làm vua, làm quan. Lắm lúc ta làm người nữ hay gã ăn mày, v.v… Dùng các phương tiện hoặc ẩn hoặc hiển, hoặc thuận hoặc nghịch mà dìu dắt mọi người vào chánh pháp.

Ðến nay, ta lại vì các người mà chỉ dạy môn Tịnh độ. Các người phải nhứt ý nhứt tâm bền tu pháp môn này quyết sẽ được lợi ích lớn. Nếu các người tinh tấn bền chí nhứt tâm, thời không đợi gì đời sau mới được gần Phật, mà hiện tiền đây cũng được thấy Phật.

Ngài nói kệ:

Ít nói một câu chuyện,

Nhiều niệm một câu Phật,

Ðánh chết được vọng niệm,

Pháp thân ngươi hiển lộ.

Có người bạch hỏi: “Niệm Phật mà không được nhứt tâm thời làm thế nào?”

Ngài dạy: Ông phải dứt tưởng đừng lo, rồi chầm chậm mà niệm. Phải làm sao cho tiếng hiệp với tâm, tâm duyên theo tiếng. Niệm như vậy lâu lâu thời các vọng niệm tự đứng lặng, tâm cảnh tuyệt chiếu chứng nhập “niệm Phật tam muội”. Nhưng hằng ngày cần phải niệm cho thường, từ nghìn đến muôn, tâm đừng gián đoạn thời rất dễ thuần thục. Nếu cố ép tâm cho nhứt, thời trọn không thể nhứt được.

Rồi ngài lại dạy: – Vọng niệm diệt dứt, đó là chơn tâm thường trụ của chư Phật. Vọng niệm mà còn đó là nghiệp tâm sanh tử của chúng sanh. Nếu các người có thể niêm mật gia công, tâm không một mảy hở trống thời mới đặng tương ưng đôi phần.

Phải dè dặt đừng có vừa thật hành đặng nửa năm nay hay mười tháng, rồi tự cho là mình đã có công tu hành. Phải biết rằng quan niệm tự đắc ấy, chính là chỗ chướng đạo. Rất phải cẩn thận! Mặc dầu có gắng sức công phu, nhưng nếu niệm lực chưa vững như núi đồng, chắc như vách sắt, xô không ngã, lay không động, thời vẫn chưa phải đã thành nhứt phiến đâu.

Xem Thêm:   Địa Ngục Du Ký – Cô Ba Cháo Gà

Chớ có mới vừa được đôi chút đắc lực bèn dừng tay, mà thành lỗi “bán đồ nhi phế”, có khi rồi phải hỏng cả công phu trước, đây là chứng bịnh lớn của các nhà tu hành, cần phải biết. Nên hiểu rằng: Phật pháp như biển cả càng vào càng sâu, không phải đôi chút tri kiến mà thấu hết được. Phải gia công tu tập trọn đời, đi mãi đến nguồn đến đáy làm mục đích, không nên có quan niệm xem thường.

Có Ông Cố Ðịnh Thành thỉnh giáo.

Bồ Tát dạy: – Tâm vốn vô niệm. Niệm theo tư tưởng mà sanh. Vì tư tưởng là thứ hư vọng nên lưu chuyển sanh tử.

Ông nên nhận biết: một câu A Di Ðà Phật đây, chẳng phải là từ tư tưởng sanh, chẳng phải do ức niệm mà có, không phải ở trong, không phải ở ngoài, không có tướng mạo. Ðó chính là bặt hết các vọng tưởng, cùng với chơn thân vi diệu thanh tịnh của Như Lai không phải đồng, không phải khác, không thể phân biệt là đồng là khác. Niệm Phật như vậy, thời phiền não trần lao không đoạn dứt mà cũng không hệ phược, duy là nhứt tâm thôi. Ðược nhứt tâm rồi mới phải là “Chấp trì danh hiệu”, mới được gọi là “nhất tâm bất loạn”. Ðến đây thời tịnh nghiệp thành công, thẳng lên bực “thượng phẩm”.

Trước hết ông nên phát đại nguyện: “Nguyện sanh Cực Lạc thế giới”. Rồi chí thành tha thiết xưng niệm A Di Ðà Phật. Tiếng niệm phải duyên theo tâm, tâm niệm phải duyên theo tiếng. Tiếng và tâm khắn chặt vào nhau, như mèo vồ chuột. Niệm Phật như vậy được lâu lâu không xao lãng, thời sẽ chứng nhập “Chánh Ức Niệm Tam Muội”. Chứng tam muội rồi, nếu muốn tiến thêm lên, thời nên tham phỏng với các bực cao minh đại tri thức để được tự ngộ diệu lý “Tức Tâm Thị Phật”.

Ngài có lời bảo ông Vô Hủ rằng: Người tu tịnh nghiệp đại để lúc đứng ngồi nằm, lúc ở lúc ăn, đều nên xây mặt về hướng Tây, thời cơ cảm dễ thành, thiện căn mau thục. Trong thất chỉ cúng một tượng Phật, một bộ kinh, một bàn thờ, một lư hương, một giường, một ghế.

Chẳng nên để nhiều đồ vật khác. Ngoài sân lại nên quét dọn trống trải sạch sẽ để kinh hành cho tiện. Cần phải làm sao cho tâm mình không còn phải bận rộn một việc gì khác, trừ ngoài việc chuyên niệm Phật, cũng không lo tính một sự gì, rảnh rang vô sự. Không nhớ thân, không duyên cảnh.

Cho đến hiện tại đương niệm Phật hành đạo đây, cũng không có quan niệm là mình tu hành. Ðược như vậy, thời ngày càng gần với đạo mà việc đời ngày xa, có thể thành tựu tịnh nghiệp. Lúc hiện sống đây mà ông dũ sạch việc trần trong tâm niệm không có mảy may vướng víu thời lúc mạng số đến ông sẽ thanh thoát vui vẻ mà đi. Như thế há chẳng phải là tư cách của bực đại trượng phu đấy ư!

Ta bảo như vậy là muốn ông không còn rộn ràng với những sự vặt vạnh, để nhứt tâm tu hành. Vì chính đó là điều kiện quan trọng.

Ðến như phương pháp tu Tịnh độ không ngoài hai chữ “chuyên” và “cần”.

“Chuyên” thời không quản đến một việc nào khác.

“Cần” thời không bỏ phí một phút một giây.

Từ nay, mỗi sáng sớm, sau khi thức dậy, ông tụng một quyển kinh “A Di Ðà” niệm hiệu Phật một nghìn câu, rồi lạy Phật hồi hướng với bài văn “Nhứt tâm quy mạng”, vì bài văn này lời gọn mà đủ ý. Nếu lạy Phật được một trăm lạy càng tốt. Ðây là khóa tụng niệm một thời.

Ban đầu chưa quen, nên ngày đêm bốn thời. Khi đã quen thì tăng lên sáu thời, lần đến mười hai thời. Thành mỗi ngày thêm được mười hai quyển kinh, một muôn hai nghìn câu Phật, dùng số nầy làm thường khóa mỗi ngày. Cũng có thể hiệp lại chia thành bốn thời. Ngoài số này ra, những công phu khác thời không kể.

Về việc niệm tụng, hoặc ra tiếng, hoặc tưởng thầm, đều được cả. Chỉ cần phải nhiếp tâm niệm cho chắc mà thôi.

Lại, phép trì danh cần phải mỗi chữ mỗi câu rõ ràng ràng rẽ, tiếng và tâm hiệp nhau, không cho xen lộn một mảy tưởng niệm thế sự. Lâu lâu tự thành thục, quyết định đặng sanh Cực Lạc, ngồi tòa sen báu trụ bực “bất thối chuyển”. Ông phải cố gắng lấy!”.

Xem Thêm:   Lễ hội Obon: Tình yêu thương và sự kết nối vượt thời gian

Bồ Tát thuyết pháp kể được 24 hội, đệ tử của ngài là ông Thường Nhiếp chép lời dạy của ngài thành bộ “Tây Phương Xác Chỉ”, khắc bản lưu truyền.

Lời Phụ:

– Về sự hạ thủ công phu nơi pháp môn tịnh độ, lời dạy của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát rất rõ và rất thiết. Ta có thể nắm lấy đại cương như thế nầy:

Tông Chỉ của pháp môn Tịnh độ là “tín” “hạnh” và “nguyện”. Tín và Nguyện làm cơ bổn cho hạnh.

I.- Về “Tín”, ngài dạy:

Cực Lạc đường xa mười muôn ức, một niệm tin chắc thời chính là đấy!

Trong lời dạy trên đây, ta nên chú ý nơi hai chữ “tin chắc”. Tin chắc cõi Tây phương Cực Lạc thanh tịnh trang nghiêm. Tin chắc nguyện lực của đức Từ Phụ A Di Ðà Phật nhiếp thọ mọi loài. Tin chắc ta y pháp tu hành quyết được vãng sanh trụ lực “bất thối chuyển”. Với ba điều trên, không một mảy may nghi ngờ, không một niệm dụ dự, đó gọi là “tin chắc”.

II.- Về “Nguyện”, ngài dạy:

Nên phát đại nguyện “Nguyện sanh Cực Lạc”.

Nguyện sanh Cực Lạc là một đại sự. Vì chúng ta, hay chúng sanh trong cõi Ta Bà ngũ trược ác thế, từ vô lượng đời, vô lượng kiếp, lăn mình trong vũng lầy, ngũ dục, mê say trong cảnh lục trần, dục vọng tràn ngập tâm thần, phiền não chứa đầy cả bụng, tình ái khó dứt, tham nhiễm khó rời. Nếu chẳng phải là người thống niệm trược ác, lòng quyết thoát ly, thời chí nguyện quyết sanh Cực Lạc khó thể lập vững được.

Ðây là điều phát nguyện thứ nhứt. Muốn về Cực Lạc phải có đại thừa tâm: thượng cầu hạ hóa. Mà nơi chúng ta ngã chấp quá dày, tư kỷ đã quen. Nay phải dẹp ngã nhơn để cầu Phật quả, bỏ tư kỷ để thành chí độ sanh, nếu không phải là hạng đại trượng phu, chơn liệt nữ, thời chí nguyện quyết về Cực Lạc khó lập vững được. Ðây là điều khó phát nguyện thứ hai.

Vì vậy nên Bồ Tát gọi nguyện sanh Cực Lạc là phát đại nguyện. Nơi đây ta nên chú ý “lập nguyện cho vững”, nghĩa là không một hoàn cảnh nào có thể dời đổi chí nguyện vãng sanh của ta, dầu đó là sự khổ như tròng vòng lửa đỏ vào đầu, hay sự vui như ngôi Luân Vương cùng Thiên Ðế, Bồ Tát có lời răn: “Các người dầu cũng cầu vãng sanh mà tâm không thiết”. Và chính tự ngài đã nêu gương: “Nếu ngày nay tôi không được thấy Phật A Di Ðà, không được sanh về Cực Lạc hầu thành tựu tất cả công đức, thời dầu thân này có chết rã, tôi cũng không nghĩ”. Nhờ lập nguyện vững, mà Bồ Tát đã được thành tựu!

III.- Về “Hạnh” ngài dạy:

A.- Nơi cảnh: Phải xa tránh tất cả cảnh duyên có thể rộn tâm chướng đạo. Chỗ ở phải đơn giản, để khỏi bận rộn. Hằng ngày phải rảng rang vô sự, để khỏi lo tính.

B.- Nơi tâm: Phải không lo phiền, dứt tưởng vọng, dừng tư lự.

C.- Về sự tu: Phải định thời khóa trong mỗi ngày. Theo ngài dạy, mỗi ngày đêm ít nhứt 4 thời. Mỗi thời ít nhứt là một biến kinh Di Ðà và một nghìn câu niệm Phật. Thế là mỗi ngày đêm ít nhứt 4 biến kinh Di Ðà và 4.000 câu hiệu Phật. Rồi tăng dần lần lên đến mỗi ngày đêm 12 biến kinh và 12000 câu hiệu Phật. Lại phải lạy Phật hoặc 100 lạy hay ít hơn trong mỗi thời. Và sau mỗi thời đều phải hồi hướng công đức nguyện sanh Cực Lạc với bài văn “Nhứt tâm quy mạng”.

Nhưng nơi đây ta có thể châm chước mà dùng nếu là người vì hoàn cảnh không được thuận tiện hay yếu kém, cũng có thể mỗi ngày đêm ít thời hơn và tụng niệm ít hơn, đó là sự bất đắc dĩ chớ không phải giải đãi. Còn nếu là người có đại lực và được hoàn cảnh thuận tiện cũng có thể tăng nhiều hơn, đó là tinh tấn chớ không phải vội gấp.

Ðiều cốt yếu là sau khi đã ấn định rồi, phải giữ cho thường, không nên nay vầy mai khác. Thà lúc đầu ít sau tăng dần thêm chớ không nên vội ham nhiều mà rồi sụt ít. Cũng không nên để gián đoạn, nghĩa là không được bữa có bữa không.

Hồi hướng cũng có thể đọc văn “Thập phương tam thế Phật” hoặc các văn nguyện về Cực Lạc khác, theo sở thích đều được. Nếu khỏe và nhiều giờ, nên đọc bài “Khể Thủ Tây Phương An Lạc Quốc”. Vì bài nầy, lời cùng nghĩa rất đầy đủ thiết tha.

Ðiều kiện thứ nhứt, trong lúc tụng niệm, phải rành rẽ rõ ràng.

Rành rẽ là chữ câu ràng rẽ không lộn lạo, mù mờ. Rõ ràng, là tiếng nói rõ ràng, không trại tiếng.

Xem Thêm:   Trung ương GHPGVN cáo phó Hòa thượng Thích Chơn Minh viên tịch

Ðiều kiện thứ hai, tiếng phải hiệp với tâm, tâm phải duyên theo tiếng, tâm và tiếng hiệp khắn với nhau.

Ðiều kiện thứ ba, phải chí thành tha thiết, với đức Từ Phụ, lòng ta như con thơ nhớ mẹ, với cõi Cực Lạc lòng ta như viễn khách tưởng cố hương.

Ðiều kiện thứ tư, không cho xen lộn một mảy tưởng niệm thế sự; nghĩa là phải luôn nhiếp tâm trụ nơi tiếng niệm Phật, không xao lãng. Nếu lỡ xao lãng phải liền nhiếp thâu lại. Với trường hợp đây, chú tâm nhận chắc lấy tiếng của mình niệm là công hiệu nhứt.

Bồ Tát lại bảo ta lúc đi đứng nằm ngồi, khi ăn khi uống, v.v… đều nên xây mặt về hướng Tây, để tâm ta lúc nào cũng tưởng nhớ Cực Lạc thế giới, hầu giúp cho công phu tịnh nghiệp chóng thành. Về điều này ta có thể trừ lúc khạc nhổ, đi đại tiểu tiện, còn tất cả thời đều nên hướng về Tây phương.

Nếu theo đúng các điều kiện đã dạy trên đây mà gia công thực hành, trong một thời gian tiếp tục luôn không gián đoạn sẽ được “bất niệm tự niệm”. Tổ Thiện Ðạo và Tổ Vân Thê gọi là được niệm lực tương tục.

Ðược niệm lực tương tục nầy mà giữ vững trọn đời thời sự vãng sanh đã bảo đảm. Tiến thêm, nếu càng gia công chí thành khẩn thiết chuyên niệm không hở, trong quên thân ngoài quên cảnh, thời chứng nhập “Chánh ức niệm tam muội” cũng gọi là “Sự niệm Phật tam muội” mà cũng chính là “Sự nhứt tâm bất loạn”.

Ðược tam muội nầy, thời ở trong tam muội được hiện diện thấy đức Từ Phụ cùng chư Bồ Tát Thánh Chúng và cõi Cực Lạc. Tức là “Hiện tiền được thấy Phật” lời của ngài đã dạy ở trên, mà cũng là lời của đức Ðại Thế Chí Bồ Tát trong pháp hội Lăng Nghiêm.

D.- Về lý quán: Ngài dạy “Tâm vốn vô niệm”, Niệm không ngoài tâm, nên chính niệm tức vô niệm. Niệm đã tức vô niệm, nên câu A Di Ðà Phật hiện tiền đây, chẳng phải từ tư tưởng, chẳng phải do ức niệm, không phải trong, không phải ngoài, không có tướng mạo, ba thuở suy cùng, bốn vô sở đắc, rời tất cả hư vọng, toàn thể là chơn tâm. Ðã toàn thể là chơn tâm nên cùng với chơn tâm vi diệu của chư Phật không đồng không khác, không thể phân biệt. Ðược chứng ngộ toàn niệm tức là tâm, toàn tâm tức là Phật, tâm và Phật không hai, thời vô minh diệt, pháp thân hiển lộ, trần lao sanh tử chuyển thành niết bàn, phiền não vọng hoặc chuyển thành Bồ đề.

Ðây chính là “Lý niệm Phật nhứt tâm bất loạn”, mà cũng là “Lý niệm Phật tam muội”. Người thành tựu “lý tam muội” nầy thời sẽ vãng sanh thượng phẩm, trụ “Thường tịch quang tịnh độ”.

E.- Sau khi chỉ dạy công hạnh “sự tu” và “lý quán” xong, ngài dùng hai chữ, “chuyên cần” để tổng kết.

“Chuyên cần” tức là tinh tấn. “Chuyên” thời ròng rặc chuyên tu một môn niệm Phật, không xen tạp chuyện khác. “Cần” thời siêng năng thắng tấn, không bỏ một thời nào, nhẫn đến một phút một giây cũng không bỏ phí. Thật hành đúng pháp mà tinh tấn chuyên cần thời công hạnh chắc chắn thành tựu.

Ta có thể đem bài kệ của ngài để phối hiệp với lời dạy về phần công hạnh nầy.

“Ít nói một câu chuyện”: chính là không xen tạp chuyện khác để một mặt chuyên tu niệm Phật.
“Nhiều niệm một câu Phật”: niệm Phật nhiều, chính là siêng cần, mà cũng là chuyên ròng niệm Phật.

Như thế hai câu đầu của bài kệ tổng quát về phần “sự tu”, tức là ngài dạy phải chuyên cần niệm Phật. Y theo đây mà thật hành sẽ thành tựu niệm lực tương tục và nhẫn đến chứng nhập “sự niệm Phật tam muội”, mà nhiều phiền não vọng hoặc đã bị ngăn đè vậy:

“Ðánh chết được vọng niệm”

“Pháp thân ngươi hiển lộ”.

Hai câu sau cùng của bài kệ là chỉ về phần chứng “Lý niệm Phật tam muội”. Ðạt diệu lý “Toàn niệm tức tâm, toàn tâm thị Phật”, thời là chứng ngộ pháp thân, mà phiền não vọng hoặc đã bị dứt trừ vậy.

Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dạy về pháp môn niệm Phật bao quát cả tín, hạnh, nguyện. Nhứt là công hạnh, từ cảnh duyên đến tâm niệm, cả sự tu cùng lý quán rất rành rẽ xác đáng và rất đầy đủ.

Chúng ta nên thường ngày đọc đi đọc lại, kiểm điểm công hạnh niệm Phật của mình, cho được hoàn toàn đúng theo lời Bồ Tát đã dạy. Nếu dụng công hoàn toàn đúng theo lời Bồ Tát đã dạy thời quyết định sẽ thành tựu tịnh nghiệp, chín phẩm sen vàng sẽ nắm chắc trong tay vậy.

18 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog