Sơ Thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền là bốn cảnh giới Thiền Định. Người tu Thiền nếu giữ giới hạnh tinh nghiêm và dụng công miên mật thì may ra mới có ngày chạm đến cảnh giới của Sơ Thiền. Các cảnh giới còn lại duy có bậc đại hùng tâm may ra chạm được đến.
Một bạn đọc nhắn hỏi: “Tuệ Tâm biết gì về cảnh giới của Thiền Định không:”
Tôi trả lời: “Thú thực, ngoài niệm Phật ra thì tôi chẳng biết gì”
Lại hỏi: “Tuệ Tâm đọc sách, có biết chư Tổ giảng gì về các cảnh giới hay không?”
Tôi bảo: “Có, nhưng tôi tài hèn trí bạc, sợ dẫn sai lời chư Tổ. Phải để xem lại sách hẵng rồi mới gửi cho bạn xem được…”
Về sau tôi tra lại thì thấy Ngài Tuyên Hóa có giảng chi tiết về bốn cảnh giới này. Nay chép vào đây cho bạn đọc hữu duyên cùng biết.
*
Tổ Thiền Tâm bảo: “Đời mạt pháp, người tu có mấy ai ngộ đạo? Ngộ đạo không phải là dễ. Như thuở xưa, Hương Lâm thiền sư dụng tử công phu trong bốn mươi năm mới dung luyện thành một khối. Ngài Trường Khánh Nhàn ngồi rách mười mấy chiếc bồ đoàn mới được thấy tánh bản lai.
Người đời nay, trừ một vài vị Thánh nhơn ứng thân thị hiện để làm mô phạm cho quần chúng, ngoài ra các vị khác tu thiền, chỉ tạm được thân tâm an tỉnh hoặc thấy thiện cảnh giới là cùng! Dù đã ngộ đạo, khi chuyển sanh vẫn còn có thể bị chướng nạn như những điều đã kể trên. Đường sanh tử có nhiều nguy hiểm đáng e ngại với kẻ chưa đắc đạo là thế. Cho nên nếu bảo không sợ sanh tử, đó là chỉ lối suy tư của người thiển cận mà thôi.”
Nguyện người tu thiền Chân chánh khắp thế gian đều kiêm tu thêm niệm Phật. Bởi tu hành dựa vào tự lực để giải thoát là vô cùng khó. Lại thời pháp chướng duyên trùng trùng lớp lớp, tà thần ác quỷ lộng hành khắp nhân gian; nếu tọa thiền mà chẳng chứng đạo, vẫn có thể nương nơi bản nguyện của đức Phật A Di Đà mà ra khỏi sanh tử luân hồi!
- Tự lực và Tha lực niệm Phật.
- Thiên Ma là loại ma gì.
- Cách thay đổi vận mệnh.
- Cách tụng kinh tại nhà.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- 10 chuyện Tâm linh có thật.
- Cảnh giới trên bước đường học Phật.
Các Cảnh Giới Thiền Định
Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Tọa thiền đừng tham đắc vị thiền. Thế nào là vị thiền? Ðó tức là cảm giác sung sướng của thiền. Ngồi một thời gian khá lâu, tự nhiên mình sẽ có cảm giác rất là tự tại, thoải mái và sung sướng vô cùng. Nếu mình tham trước cảnh giới tự tại sung sướng đó, thì không dễ dàng mà tiến bộ. Mình sẽ ngưng trệ, cứ khởi ý tìm lại thiền vị đó.
Nếu như cảnh giới đó qua rồi, lại đi tìm cầu rằng: “Khi nào thì tôi sẽ có được cảnh giới như vậy nữa? Cảnh giới vô nhân, vô ngã, vô chúng sinh, vô thọ giả, vô phiền, vô não, hết sức tự tại an lạc đó, đến lúc nào thì tôi được nữa?….” Khi chờ đợi thiền vị nầy đến, thì mình sẽ quên dụng công, đây gọi là chấp trước vào vị thiền.
Người tọa thiền cần vô quái vô ngại, vô tham vô cầu, vô hỉ vô ưu, vô khủng vô bố. Nên đem thân mình ví như là hư không trong Pháp giới vậy, không cần phải chấp trước tham cầu. Nếu có tham cầu thì sẽ rớt vào đệ nhị nghĩa. Sau đây là bốn cảnh giới Thiền Định:
Cảnh giới Thiền Định: Sơ Thiền
Sơ Thiền Thiên còn gọi là Ly Sinh Hỷ Lạc Ðịa: Nghĩa là mình sẽ ly khai được phiền não của chúng sinh, đắc được món ăn thiền, sung mãn Pháp hỷ an lạc, ra khỏi sự mê đảo của chúng sinh và hướng tới con đường bồ-đề của thánh nhân. Ðạt tới cảnh giới thiền này thì không được mạo xưng, không được tự mình nói ra, mà phải được một vị thiện-tri-thức ấn chứng cho.
Cảnh giới này có cách để chứng minh: Tức là khi hơi thở của mình ngừng lại không còn hô hấp nữa, nhưng không phải là chết, đây tức là nhập định hay nhập sơ thiền. Sơ thiền này khác hẳn với sự ngủ nghỉ, quý vị đừng cho rằng ngủ tức là nhập định. Ngủ không những là còn hô hấp, mà nhiều người còn ngáy pho pho khiến kẻ khác nghe như sấm vậy. Bởi vậy sự hô hấp của quý vị đã ngừng hay chưa, những vị thiện-tri-thức nhìn sẽ biết ngay.
Có kẻ nói rằng: “Tôi cảm thấy là tôi không còn hô hấp nữa.” Ðó tức là giả, tức là mạo xưng. Nếu mà biết thì mình vẫn chưa nhập được sơ thiền. Nên không thể đem nhãn hiệu giả ra rao bán được. Nếu muốn phân tích tường tận e phải viết cả khối sách. Nếu nói nhiều quá, sẽ sinh ra chướng ngại cho quý vị. Nên nói một chút thôi, để tránh quý vị đừng sinh ra tâm cống cao tà kiến, rằng mình đã nhập vào sơ thiền; cho mình như vậy, tức là lừa dối kẻ khác.
Cảnh giới Thiền Định: Nhị Thiền
Nhị Thiền Thiên còn gọi là Ðịnh Sinh Hỷ Lạc Ðịa: Cảnh giới này thì cao hơn một bước, không những hô hấp đã đoạn rồi, mà mạch tim cũng ngừng lại.
Cảnh giới này không phải mình có thể biết hoặc là có thể nói ra. Nếu nói mình đã đạt cảnh giới đó, thì thử hỏi làm sao cảm thấy nó? ắt hẳn mình chưa hề nhập định, rồi lại mạo xưng để lừa người khác chăng?
Cảnh giới Thiền Định: Tam Thiền
Tam Thiền Thiên còn gọi là Ly Hỷ Diệu Lạc Ðịa: Tới được cảnh giới này thì hô hấp và mạch tim đều ngừng lại, đến ý niệm cũng không còn. Tới cảnh giới này thì mình ra khỏi sự hoan hỷ, xả đi vị thiền, không còn đắm trước gì nữa.
Cảnh giới nầy so với sơ thiền và nhị thiền thì cao hơn nhiều, lúc bấy giờ thì mọi sợi tóc mình cũng sinh ra hoan hỷ khác thường, lông mày con mắt đều tươi cười hết sức vui sướng vô ngần.
Cảnh giới Thiền Định: Tứ Thiền
Tứ Thiền Thiên còn gọi là Xả Niệm Thanh Tịnh Ðịa: Ðến lúc nầy tất cả mọi thứ đều là không, “nhất niệm bất sinh toàn thể hiện” Nghĩa là khi một niệm chẳng dấy lên, chân tâm bản thể hiện bày. Tới được chỗ: Thiên đàm hữu thủy thiên đàm nguyệt. Vạn lý vô vân vạn lý thiên. Nghĩa là: Ao hồ ngàn nước, ngàn trăng hiện. Vạn dặm không mây, vạn dặm xanh.
Ở cảnh giới nầy thì mọi nơi đều thuyết Pháp cho mình nghe. Bởi vì “Lạc hoa lưu thủy diễn Ma-ha,” nghĩa là hoa rơi, nước chảy đều như nói Pháp Ðại-thừa. Cảnh giới nầy mình không biết được nó đâu, và cũng không được nói rằng: “Tôi đến được Tứ Thiền Thiên rồi.” Nếu vậy là mình sinh ra đại ngã mạn, nói ra lời hết sức láo lếu. Ðiều nầy cũng cần phải có vị thiện-tri thức ấn chứng cho mình thì mới đúng được.
*
Tại sao gọi thiện-tri-thức là người có con mắt sáng? Bởi vì vị đó có thể nhìn và biết ngay công phu của mình đã đến trình độ nào rồi. Nếu mình muốn khảo nghiệm Ngài, thì cứ thử xem! Ngài chẳng quan tâm gì đến điều đó cả. Nếu là chân chính thiện-tri-thức thì không có cách gì bị chúng ta khảo nghiệm đặng. Ngài không vì lẽ bị hỏi mà liền nói toạc ra đâu. Chỉ cần mình thân cận với Ngài sau một thời gian lâu, thì Ngài sẽ nói cho mình biết. Nhưng chưa chắc là Ngài nói rõ hết đâu. Có lúc Ngài dùng ví dụ hoặc chỉ thuyết vài câu đơn giản mà thôi.
Cho nên mình không thể đi đâu cũng đánh chuông nổi trống mà nói rằng: “Tôi đã thành Phật rồi!” Nói như vậy là hết sức láo lếu, làm trò hề, tương lai sẽ đọa địa ngục, bị cắt lưỡi. Ðó là điều hết sức đáng thương xót vậy.
Cảnh giới Thiền Định: Khai Thị Về Thiền Vị
Bây giờ nói về tư thế tọa thiền, mình cần phải ngồi cho đúng mới có ích lợi cho thân tâm. Nếu không, tọa thiền không có giá trị gì. Trong khi tọa thiền, trước hết phải để thân tâm mình tự nhiên nhẹ nhàng, không nên gấp rút khẩn trương. Tốt nhất là ngồi thế kiết già, đó là thế căn bản của pháp ngồi thiền.
Thế kiết già phu tọa (hoặc là thế kiết già) là gì? Tức là lấy chân trái để lên chân mặt, sau đó để chân mặt lên đùi trái. Ðó là thế Kim-cang tọa, nghĩa là thế kiên cố bất động. Trong quá khứ chư Phật đã ngồi thế Kim-cang tọa mà thành Phật; tư thế này có thể hàng phục thiên ma và chế chỉ ngoại đạo. Khi chúng thấy mình ngồi trong tư thế này thì chúng liền thối lui, không dám lại quấy phá.
Sau khi đã ngồi kiết già rồi, mắt phải nhìn vào chóp mũi, không được nhìn phía đông cũng không được nhìn phía tây. Ðó gọi là: Nhãn quán tỷ, tỷ quán khẩu, khẩu quán tâm. Nghĩa là: Mắt nhìn mũi, mũi hướng về miệng, miệng hướng về tâm. Như vậy thì mình mới có thể nhiếp trì được thân tâm; đem tâm đang chạy loạn xạ đó mà định trụ lại, không cho nó chạy ra bên ngoài nữa. Khi được như vậy thì gọi là: Chuyên nhất tất linh, Phân chi tất tệ. Nghĩa là: Tâm chuyên nhất, mới linh cảm. Tâm phân tán, thì bế tắc.
*
Mình cần phải đoan nghiêm chính tọa, xương sống phải thẳng, đầu phải ngay, không cúi về trước cũng chẳng ngã ra sau; không nghiên bên trái hoặc ngã bên phải. Mình phải ngồi như cái chuông lớn, vững vàng không động đậy. Ðừng ngồi giống như cái chuông treo, lắc qua bên đông lắc qua bên tây. Ngồi kiết già là tư thế thích hợp nhất để tham thiền.
Người sơ học sẽ cảm thấy không quen, nào là đau chân, mỏi lưng, không nên coi đó là quan trọng. Mình cần phải cắn răng chịu đựng, nhẫn nại một thời gian lâu dài thì tự nhiên hiện tượng đó không còn nữa. Ðó gọi là “cửu tọa hữu thiền” nghĩa là ngồi lâu tự nhiên sẽ có thiền, tự nhiên sẽ đắc được thiền vị.
Thế nào gọi là thiền vị? Thiền vị tức là đắc được sự an lạc của thiền định, nếm được mùi vị khinh an nhẹ nhàng. Mùi vị đó thật là ảo diệu vô cùng, không thể dùng tâm tư cũng không thể dùng ngôn ngữ diễn tả được. Cũng giống như người uống nước, tự y mới biết nóng hay lạnh; mình cũng không thể dùng ý dùng tâm mà hội được, không thể dùng ngôn ngữ mà truyền đạt. Quý-vị muốn biết thiền vị đó là ngọt hay đắng thì phải nổ lực tham thiền, tới được cảnh giới tương ưng thì tự nhiên sẽ hiểu được mùi vị đó.
*
Cho nên quý-vị phải tham thiền. Tham tới lúc “thủy lạc thạch xuất”, nghĩa là nước cạn thì đá sẽ lộ ra, lúc đó mình mới nếm được thiền vị. Thiền thì không thể nói được, cần phải tham. Nên thiền tông thì không lập văn tự, không lập chữ nghĩa, là truyền thừa ở ngoài giáo điển. Trực chỉ tâm của con người để mình thấy tánh, lập tức thành Phật.
Người tham thiền, khi tham đến chỗ hỏa hầu của mình đã đủ thì tuyệt đối không còn nổi giận nữa, không còn tranh luận với người khác, tới chỗ gọi là vô-tranh tam-muội. Lại cũng không cầu danh, cầu lợi; coi phú quý như giọt sương trên lá, công danh như bọt nước trên ngói. Trong khoảnh khắc giọt sương, hơi nước sẽ tan mất đi.
Người chân chánh tu hành thì xa lánh danh lợi; không vì danh lợi mà giao động tâm mình. Quý vị muốn trắc nghiệm kẻ đó có chân chính tu hành hay không, thì coi tâm hắn có bị danh lợi làm giao động chăng? Nếu y cầu danh không được thì nổi nóng, cầu lợi không xong thì tức giận, nổi phừng ngọn lửa vô minh, tánh dữ như cọp, hung tợn hơn ai hết, không cần hỏi mình cũng biết nhất định y là kẻ cầu danh lợi rồi.
*
Ðời nhà Thanh, hoàng đế Càn Long có lần đi tới Kim Sơn Thiền Tự ở tỉnh Trấn Giang để thưởng ngoạn phong cảnh.
Nơi sông Trường Giang hoàng đế hỏi Pháp Thanh Thiền-sư rằng: “Trên dòng sông này một ngày có bao nhiêu con thuyền qua lại?”
Thiền-sư đáp rằng: “Chỉ có hai lần thuyền qua lại.”
Vua Càn Long không hiểu hỏi: “Ông làm sao mà biết được chỉ có hai lần thuyền qua lại?”
Thiền-sư trả lời: “Một con thuyền gọi là danh, một con thuyền gọi là lợi.”
Do chuyện này mình biết rằng những kẻ độ thuyền qua sông, nếu không vì danh cũng vì lợi. Nhưng họ không biết rằng kẻ cầu danh thì chết vì danh, kẻ cầu lợi chết vì lợi. Cuối cùng chỉ tay trắng tới gặp ông Diêm Vương.
Cho nên:
Vạn bang đãi bất khứ.
Chỉ hữu nghiệp tùy thân.
Nghĩa là: Mọi thứ nào đem đặng. Chỉ nghiệp là theo hoài. Người tu đạo nếu không có lòng nóng giận, có thể nhẫn nhục, nại khổ thì dễ thành pháp khí, có thể ở trong Phật-giáo là bậc đống lương, là bậc rường cột, có thể đem Phật-giáo truyền bá sâu rộng. Người tu mà thường hay nổi nóng là người phá hoại Phật giáo, là kẻ làm hại tập thể…
( Bốn Cảnh giới Thiền Định – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị )
Tuệ Tâm 2021.