Quỷ Vô Thường là gì
Pháp Giới 5 tháng trước

Quỷ Vô Thường là gì

Quỷ Vô Thường là gì? Quỷ Vô Thường còn gọi là Thần Chết, là loài quỷ mà người đời sẽ gặp ngay khi rời bỏ thân xác của mình. Họ đón ta đi đâu? Họ đón ta đi gặp Diêm La Vương. Ta chỉ mơ hồ nghe biết như vậy rồi để đó, nửa tin nửa ngờ thôi chớ chẳng biết gì hơn. Cũng dễ hiểu thôi, bởi chẳng ai muốn nghe, chớ đừng nói là tìm hiểu làm gì đến vị thần có cái tên đáng sợ ấy. Sự thực là loài quỷ này hoàn toàn có thật, không phải chuyện để đọc chơi cho biết đâu.

Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: Có người hoài nghi: “Phải chăng có ông Diêm La Vương và có con quỷ Vô Thường (Thần Chết) thật?” Cái đó phải xét coi các vị có thể chẳng chết hay không? Nếu các vị có thể chẳng chết tức là không có con quỷ Vô Thường. Nếu các vị có bản lãnh ghê gớm, không thọ quả báo thì tức là không có ông Diêm La Vương. Bạn có thể chẳng chết hay không? Nếu không thể được thì đương nhiên là có ông Diêm La Vương và con quỷ Vô Thường.

Các vị đừng cho rằng mình hết sức thông minh, “tự bịt tai đi ăn cắp chuông, vừa rung chuông vừa chạy” tự mình lừa dối chính mình. Các vị phải biết, từ vô lượng kiếp đến nay bởi vì không tin có ông Diêm La Vương hay có quỷ Vô Thường cho nên mình mới ở trong Lục Ðạo luân hồi, quay đi quay lại, chẳng cách gì thoát khỏi vòng sinh tử được!

*
  • Thổ địa& bàn thờ ông Địa: Sự mê lầm khủng khiếp.
  • Cận tử nghiệp vô cùng đáng sợ.
  • Linh hồn người chết là gì.
  • Vô thường là gì.
  • Chuyện tâm linh có thật.
  • Cách tụng kinh cho người mới mất.
  • Người chết về đâu sau khi mất.
Quỷ vô thường là gì
Quỷ vô thường là gì

Quỷ vô thường là gì

Quỷ vô thường không phải chỉ vỏn vẹn có một loại, mà có ít nhất đến năm loại là: Xanh, vàng, đỏ, trắng, đen (Thanh, Hoàng, Hồng, Bạch, Hắc). Căn cứ theo lý luận đông y: ngũ hành phối hợp với ngũ tạng trong thân thể con người và cũng tương ứng với ngũ sắc năm màu, ngũ quý năm mùa và ngũ phương năm hướng. Dưới đây là phần sơ lược, nếu giảng giải tỉ mỉ về lý lẽ của nó thì vô cùng vô tận.

  1. Can – mộc – đông – xuân – thanh.
  2. Tâm – hỏa – nam – hạ – xích.
  3. Phế – kim – tây – thu – bạch.
  4. Tỳ – thổ – trung – trường hạ – hoàng.
  5. Thận – thủy – bắc – đông – hắc.

Ngũ hành có cái lý lẽ là “tương sanh tương khắc.” Mà năm loại quỷ vô thường cũng dựa theo cái lý ngũ hành tương khắc, và có thể làm cho ngũ tạng của chúng ta phát sanh nhiều thứ tật bệnh liên quan với nhau.

*

– Hắc Quỷ vô thường – Ví như người có bệnh thận. Và thận thuộc thủy có sắc đen. Bởi thủy khắc hỏa cho nên nó ảnh hưởng cả tim cũng sanh bệnh.

– Hoàng Quỷ vô thường – Tỳ thuộc thổ, sắc vàng. Tỳ có bệnh do thổ khắc thủy, do đó nó lần lượt ảnh hưởng đến thận.

– Thanh Quỷ vô thường – Can (gan) thuộc mộc, sắc xanh. Gan có bệnh do mộc khắc thổ, tiếp đến là nó sẽ làm ảnh hưởng khiến cho tỳ cũng bị bệnh.

– Bạch Quỷ vô thường – Phế (phổi) thuộc kim, sắc trắng. Kim khắc mộc nên phổi bị bệnh, khiến ảnh hưởng đến gan cũng có bệnh.

– Hồng Quỷ vô thường – Tim thuộc hỏa, sắc đỏ. Tim có bệnh do hỏa khắc kim. Cho nên khi tim có bệnh, nó cũng có thể ảnh hưởng đến công năng của phổi.

Như vậy, ngũ hành tương khắc, mà các chứng bệnh của ngũ tạng cũng là tùy theo ác tánh tuần hoàn của quy luật nhất định mà sanh ra. 

Một con quỷ vô thường có thể chiêu tập lại thành năm con quỷ vô thường. Như vậy cũng đủ thấy mạng người là vô thường, chỉ trong khoảng thở ra hít vào. Con người có thể chết đi, con người cũng có thể sống trở lại. Năm tên quỷ vô thường nầy có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với sinh lý và tâm lý của con người.

*

Nhưng bọn chúng không phải tự nhiên mà đến. Không phải là chuyện một sớm một chiều. Mà do trong khoảng thời gian con người từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, họ đã tích lũy từng chút từng chút một, đến nỗi cuối cùng gây ra tình trạng không thể nào thâu thập được nữa. Nghiên cứu về căn nguyên, tất cả các thứ bệnh tật quỷ quái, cho đến cả sanh tử cũng đều là từ “vô minh” mà ra. Nếu phá trừ được vô minh, thời tất cả các bệnh, tất cả các quỷ vô thường cũng sẽ không còn. Vô minh chính là cội gốc của tất cả tội ác, phiền não, bệnh khổ cho đến cả sanh tử.

Con người nên học cách mở mang trí huệ. Khi có trí huệ rồi, chúng ta sẽ vận chuyển được ngũ hành, đem các đạo lý “tương khắc” biến thành “tương sanh,” như có thể làm cho: kim sanh thủy, thủy sanh mộc, mộc sanh hỏa, hỏa sanh thổ, thổ sanh kim. “Tương sanh” tức là cùng giúp đỡ dẫn dắt lẫn nhau, có  thể biến  hóa  dao  mác  thành  ra  ngọc lụa.

Bởi vậy, chúng ta nhất định phải phá trừ vô minh để sanh trí huệ. Có trí huệ tức là chúng ta sẽ phá trừ được tất cả các chấp trước. Vì sao con người có chấp trước? Bởi vì vô minh tác quái đấy. Vô minh là đầu mối của tội ác và tai họa. Cho nên, người tu hành nhất định phải phá trừ vô minh. Một khi vấn đề căn  bản  đã  bị  diệt  trừ, các vấn đề khác sẽ nhân đó mà được giải quyết một cách dễ dàng.

*

Cho nên nói:

Đãn đắc bổn, mạc sầu mạt,

Như tịnh lưu ly hàm bảo nguyệt,

Ký năng giải thử như ý châu,

Tự lợi lợi tha chung bất kiệt.

Nghĩa là:

Chỉ lấy gốc, chớ lo ngọn,

Như gương trong sạch chứa bảo trăng,

Đã hiểu được ngọc như ý nầy,

Lợi mình, lợi người mãi không hết.

Bệnh hoạn là do nghiệp chướng và quỷ thần đang tác quái. Chúng ta cũng không thể dùng con mắt nhục nhãn để quan sát các hiện tượng bệnh tật một cách đơn giản như thế. Do bởi bản thân của bệnh nhân có nghiệp chướng, cho nên mới có nhiều loài quỷ quái đi theo đòi nợ và gây rắc rối cho người bệnh.

Do đó, tùy theo tình hình của chứng bệnh, nếu đơn thuần chỉ trông cậy vào thuốc men để trị liệu thì chưa đủ đâu. Mà người bệnh còn phải hiểu rõ về cái nhân duyên nghiệp chướng của bản thân mình. Thêm vào những bài linh chú Phật Pháp, như vậy trị bệnh sẽ được hiệu quả hơn; cho nên “thuốc đến là bệnh trừ,” có linh nghiệm liền. Bởi vậy, thời xưa có những vị thầy thuốc được danh dự là “thần y” như Hoa Đà đời Đông Hán, Tôn Tư Mạc đời Đường. Về đức độ trị bệnh của họ thì không thể nghĩ bàn. Những vị đó đều tin Phật, chẳng qua trên y án trị liệu không có ghi chép lại mà thôi.

*

Có số bệnh nhân được bác sĩ trị liệu có kết quả. Song, cũng có bệnh nhân được bác sĩ chữa lành bệnh nầy rồi, nhưng bệnh khác lại phát ra. Vừa trị hết bệnh nầy thì lại xuất hiện bệnh mới khác. Có khi họ liên tiếp bị hai ba thứ bệnh như vậy, cũng bởi vì nghiệp chướng cứ mãi quấy rầy ở phía sau. Như Bác sĩ đã đánh lui được con quỷ gây bệnh; nhưng con quỷ nầy sẽ đi tìm con quỷ khác đến giúp đỡ; rồi chúng trở lại tấn công vào hang huyệt khác của người bệnh. Bọn quỷ cũng thường có hành động tập thể theo từng đoàn, từng đám với nhau.

Trung Hoa có câu thành ngữ: “Bệnh nhập cao hoang,” bệnh đã vào tim, cho biết là bịnh tình trầm trọng, không thể cứu chữa được.

Trong Tả Truyện Thành Công Thập Niên có ghi chép như sau: Tấn Cảnh Công bị bệnh, Tần Bá mời Cao Hoãn chữa trị. Trong lúc Cao Hoãn chưa kịp đến, Tấn Cảnh Công nằm mộng thấy có hai đứa tiểu nhân.

Một đứa nói: “A! Lương y giỏi vậy, e rằng hắn sẽ làm tổn thương đến mình. Mình phải làm sao đây?”

Đứa kia nói: Chúng ta cư ngụ trên là hoang, dưới là cao thì làm gì được ta chớ! (Chỗ dưới quả tim gọi là Cao, Hoang là chỗ dưới tim trên hoành cách mô).

Sau đó bác sĩ đến bảo: Bệnh nầy không thể làm gì được, trên Hoang, dưới Cao, công không được, mà thông cũng không tới. Thuốc không thấm đến, không trị được đâu.

Tấn Cảnh Công nói: Lương y! Hoang là hoành cách mô, Cao là tung cách chướng đó.

*

Tấn Cảnh Công nhờ nằm mộng mà biết được vị trí hai đứa tiểu quỷ đã chui vào ở trong thân thể ông. Sau đó, tuy mời được thái y nước Tần là Cao Hoãn đến chữa trị. Cao Hoãn vốn là học trò giỏi của lương y Biển Thước, là vị nổi tiếng đương thời, nhưng ông cũng không có cách nào cứu vãn được bệnh tình của Tấn Cảnh Công. Bởi vì bộ phận trên hoang, dưới cao, châm cứu trị liệu gì cũng không thông được. Do đó người đời sau nhân câu chuyện nầy, lập nên thành ngữ “Bệnh Nhập Cao Hoang” để hình dung về chứng bệnh nan y, không thể nào cứu chữa được.

Ở trên thế gian, có cả trăm ngàn bệnh tật kỳ quái, cái gì cũng có hết, gọi là: “Nghi  nan  tạp chứng”. Những chứng bệnh nan y khó trị đã khiến cho cả đám bác sĩ cũng phải bó tay. Nhưng những chứng bệnh cổ quái linh tinh đó, ngay cả trong sách vở về y dược cũng không có ghi chép lại.

*

Khi tôi vừa mới xuất gia, tôi vẫn thường hay trị bệnh cho người ta. Nhưng tôi không có viết toa thuốc cho bệnh nhân. Tôi cũng không có dùng thủ thuật mổ xẻ hoặc châm cứu gì cả. Tôi chỉ dựa vào tấm lòng chân thành của tôi để niệm những bài linh chú Phật giáo mà thôi. Tâm chí chân thành đó là cứu người. Lúc bấy giờ, tôi đã không biết gì đến chuyện phải cứu quỷ, cứu ma. Trong tâm tôi chỉ có tư tưởng cứu người, vì thế tôi đã làm bọn quỷ không vui lòng. Bởi vì khi quý vị chữa bệnh cho người, bọn ma quỷ nghĩ rằng quý vị muốn chống đối chúng; thế là chúng giận lây đến người chữa trị.

Lúc tôi ở Đông Bắc, có vô số sơn yêu thủy quái đến từ bốn phương tám hướng, ngày đêm sáu thời chờ đợi thời cơ để báo thù tôi. Thật là dù có phòng ngừa thế nào đi nữa thì cũng không thoát nổi, nên lúc không cẩn thận tức bị vào rập; thậm chí còn liên lụy đến các người chung quanh tôi. Nhưng họ nào biết được các tình tiết ở bên trong, như chuyện ngập lụt tại đồn Đông Tỉnh lần đó chẳng hạn.

*

Tại sao gọi là Đông Tỉnh Tử? Vì địa thế bốn bên thôn thì cao, còn phía trong thì lõm xuống giống như dạng cái giếng. Vì thế nên bọn sơn yêu thủy quái mới đuổi theo tôi tới vùng địa phương lõm trũng này. Hơn nữa bốn bên nhà chỉ là hàng rào cây bao quanh, nên không cản nổi gió, cũng không ngăn được nước. Do đó, bọn thủy quái bèn thừa cơ hội này dâng nước lên muốn nhận chìm tôi.

Bởi làm Phật sự nên tôi thường đi các nơi. Bữa đó tôi dẫn bốn chú đệ tử đến trú tại nhà của Quách Ngọc Hà, gia đình cô này đều quy y tôi. Ở đó không bao lâu, vô duyên cớ trời bỗng đổ mưa to. Mưa rất gấp, nước trong giếng tự trào ra cao hơn 3 trượng, trời đất giáp công ráp lại công kích như vậy. Bởi vì sức nước chảy mạnh nên ai nấy trở tay không kịp. Nước lên và xuống như vậy trong 4 giờ đã khiến hơn 30 người chết chìm. Có người đứng trên cái kháng cũng bị ngập chết. Dọc theo đường từ Đông Tỉnh Tử tới cầu Thái Bình có hơn 800 căn nhà bị tàn phá. Sự kiện này không khác gì trận ngập lũ lụt ở Kim Sơn Tự.

Cho đến ngày hôm nay tôi vẫn khắc khoải không yên đối với sự việc đó và cảm thấy thật có lỗi với họ. Lúc nước lũ dâng lên, cao đến một trượng (10 thước), nhưng nước trong nhà tôi ở chỉ cao một, hai thước. Hàng rào tre tuy có rất nhiều lỗ hổng nhưng nước không tràn vào, mới là chuyện kỳ lạ!

*

Tại sao nước không vào được? Nói thật cho các vị nghe là bốn chú tiểu đệ tử theo tôi đều có ngũ nhãn lục thông; và cũng vì vô duyên cớ trời mưa to như vậy, chúng tôi bèn kết giới, nên nước mới không tràn vào được. Bên trong hàng rào chỉ đọng một, hai thước nước mưa mà thôi!

Lúc tôi còn trẻ tôi chuyên môn đi trị bịnh cho người ta. Bởi vậy nên đắc tội với rất nhiều thiên ma ngoại đạo cùng ngưu quỷ xà thần. Các loại yêu ma thủy quái này đều có thần thông, chúng chỉ đợi cơ hội là công kích tôi ngay. Lần này chúng đã không làm tôi chết chìm. Sau đó, đợi tôi đi thuyền từ Thiên Tân đến Thượng Hải thì loài thủy quái lại đến một lần nữa. Chúng nó muốn lật úp thuyền và tôi cũng xém bị cá mập ăn! Do vậy khi vào đất liền, tôi rất ít trị bịnh cho ai.

Bởi thế hiện nay có nhiều ma quỷ tới ăn hiếp tôi, nhưng tôi vẫn nhẫn nhịn. Tôi không muốn dùng bất cứ pháp gì để đối chọi với chúng nữa. Tôi chỉ muốn ban tỏa lòng từ bi để nhiếp thọ, cảm hóa chúng nó thôi! Không ai ngờ được đã có những sự việc như vậy xảy ra cho tôi. Lúc đó, Quách Ngọc Hà đã chính mắt chứng kiến các cảnh trạng này, nhưng cô không biết là do nguyên nhân gì. Bây giờ đến đây, nghe tôi kể lại cô mới biết ra.

Chuyện Nhị Tổ Thần Quang gặp Quỷ Vô Thường

Tổ Bồ-đề Ðạt-ma đến Quảng Châu, rồi lên bộ (Người từ Ấn-độ đáp thuyền đi tới Trung-hoa). Khi ghé Kim Lăng (Nam Kinh), Tổ đi ngang qua chỗ của Pháp sư Thần Quang, lúc Pháp sư đương giảng kinh.

Tổ bước ra hỏi: “Ông làm gì ở đây?”

Thần Quang đáp: “Tôi đương giảng kinh.”

Tổ hỏi: “Giảng kinh để làm gì?”

Ðáp: “Ðể thoát sanh tử.”

Tổ nói: “Pháp vốn không thể nói, không có pháp để nói. Cái ông giảng thì đen là chữ, trắng là giấy, vậy làm sao thoát được sanh tử?”

Thần Quang nghe xong, giận lắm, nói: “Cái tên Ma Vương này! Ngươi dám đến đây báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, há có lý nào?”

Nói xong Sư cầm chuỗi hạt bằng sắt ném mạnh vào mặt Tổ. Bồ-đề Ðạt-ma không kịp đề phòng nên bị chuỗi hạt ném trúng, gẫy mất hai cái răng cửa. Tổ có ý nghĩ rằng: “Nếu ta nhổ răng xuống đất, thì địa phương này sẽ bị hạn hán trong suốt ba năm.( Số là nếu răng của một vị thánh mà rớt xuống đất, chư thiên sẽ bắt tội, và phạt không cho mưa rơi xuống vùng đó). Tổ thấy bất nhẫn, không nỡ để cho dân chịu cảnh khổ vì hạn hán, nên Ngài nuốt luôn hai cái răng vào bụng. Sau này trong điển cố thấy có ghi lại câu: “Gẫy răng cửa nuốt luôn với máu” (đả lạc môn nha hòa huyết thôn).

*

Vốn tu hạnh nhẫn nhục ba-la-mật, Tổ không nói gì hết, ra khỏi giảng đường của Ngài Thần Quang. Ngài qua sông Trường-giang rồi đi về hướng núi Tung-sơn thuộc Hà Nam. Lúc bấy giờ, Diêm Vương sai quỷ vô thường đi mời Pháp sư Thần Quang tham gia tiệc yến.

Quỷ vô thường nói với Sư: “Ông có phải là Thần Quang không?”

Ðáp: “Phải!”

Quỷ vô thường nói: “Vua Diêm-la mời ông đi uống trà.”

Thần Quang nghe xong bèn nói rằng: “Trong lúc ta giảng kinh, hoa trời rơi xuống, đất mọc sen vàng. Ta phải chết sao?”

Quỷ vô thường đáp: “Dĩ nhiên là ông phải chết!”

Thần Quang hỏi: “Ai có thể không chết?”

Quỷ bèn cho biết như sau: “Chỉ có cái ông hòa thượng da đen vừa bị ông đánh gẫy răng cửa, mới là người không chết mà thôi.”

Lúc đó Thần Quang liền năn nỉ quỷ vô thường: “Cư sĩ Vô Thường, xin ông từ bi, phương tiện gia ân cho tôi, để tôi được chạy theo vị hòa thượng da đen kia học pháp bất tử, có thể được chăng?”

Quỷ vô thường chấp nhận lời yêu cầu này, và Thần Quang liền ngày đêm hướng về phía Bắc đuổi theo Ðạt-ma. Cuối cùng, Thần Quang tới núi Hùng Nhĩ, thấy Tổ ở trong hang núi quay mặt vào vách đá nhập định. Sư hướng tới Tổ đảnh lễ sám hối, quỳ chín năm, mới học được pháp bất tử. Ngày sau thành Tổ thứ hai của Thiền tông

( Quỷ Vô Thường – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng )

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Thập thiện nghiệp là gì

9 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog