Phụng dưỡng cha mẹ là phước báu trong đời
Pháp Giới 5 tháng trước

Phụng dưỡng cha mẹ là phước báu trong đời

Ta lang thang, quay cuồng giữa thế cuộc, với cơm áo gạo tiền, con cái…Quên mất cha mẹ ngày càng già yếu, quên mất ngày khi ta bé dại, cũng từng được cha mẹ thương yêu chiều chuộng, chăm sóc đủ điều, thương quý như ngọc ngà. Cũng từng được bồng ẵm nâng niu, ôm ấp bảo bọc, chỉ lo con nóng lạnh bất thường. Ta dồn hết thân tâm lo cho gia đình của mình, mà quên mất một điều quan trọng: Phụng dưỡng cha mẹ! 

  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Âm đức là gì.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
Phụng dưỡng cha mẹ là phước báu trong đời
Phụng dưỡng cha mẹ

Phụng dưỡng cha mẹ là phước báu trong đời

Đức Phật dạy: “Cha mẹ là hai vị Bồ Tát ở trong nhà”, lại bảo” Hiếu đứng đầu trăm hạnh”. Lại kinh Thi có câu: “Hiếu tử chẳng nghèo, vĩnh viễn ban cho ngươi”. Người đời chẳng biết ruộng phước màu mỡ là đây, tích đức là ở đây, mà tổn đức cũng là ở đây. Giữ trọn bổn phận làm con hiếu thuận, chính là cách tích âm đức lớn nhất trong đời. Vì thế mà với thiên địa quỷ thần, tội bất hiếu trời không dung đất chẳng tha. Quả báo cực nặng và thường trổ sớm”. 

…Ðiều thứ ba thâm ân nuôi dưỡng/ Cực đến đâu bền vững chẳng lay/ Thứ tư ăn đắng uống cay/ Ðể dành bùi ngọt đủ đầy cho con/ Ðiều thứ năm lại còn khi ngủ/ Ướt mẹ nằm, khô ráo con lăn/ Thứ sáu bú sữa nhai cơm/ Miễn con no ấm chẳng nhờm chẳng ghê…”

*

Lần nào đọc đến đoạn này của Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân, tôi cũng thấy cay cay nơi khóe mắt. Cảm phận mình nghiệp nặng chướng sâu. Đã quá nửa đời người, mà đôi lúc vẫn để mẹ cha lo lắng…Nay thấy đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp. Người ta cho người già là một gánh nặng và đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão đang trở thành một xu hướng thời thượng…thật đau lòng lắm thay!!!

Tuệ Tâm tôi thu thập các sách viết bài này. Nguyện người hữu duyên đọc được xin hãy hiểu rằng: Phụng dưỡng cha mẹ là một trong Tứ trọng ân, vô cùng khó đền đáp! Được phụng dưỡng cha mẹ là phước cực lớn trong đời. Gia đạo hưng thịnh an lành hay không, con cháu hiển vinh hay không cũng khởi nguồn từ Hiếu. Vậy nên rau cháo cũng được, nhưng đừng để mẹ cha muộn phiền lo lắng!

  • Quả báo tội bất hiếu.

Bốn cách con cái phụng dưỡng cha mẹ

Người làm con thực hành hiếu hạnh, phụng dưỡng cha mẹ cũng có nhiều phương cách khác biệt nhau, có thể phân chia thành thứ bậc.

Có thể toàn tâm toàn ý phụng dưỡng cha mẹ theo bậc hạ, gọi là tiểu hiếu. Có thể toàn tâm toàn ý phụng dưỡng cha mẹ theo bậc thứ, gọi là trung hiếu. Có thể toàn tâm toàn ý phụng dưỡng cha mẹ theo bậc thượng, gọi là đại hiếu.

Chỉ riêng những ai có thể toàn tâm toàn ý phụng dưỡng cha mẹ theo bậc tối thượng mới được gọi là bậc đại hiếu trong hàng đại hiếu. Như vậy có nghĩa là thế nào?

*

1. Phụng dưỡng cha mẹ theo bậc hạ. Đó là nói chỉ phụng dưỡng cha mẹ đầy đủ cơm ăn áo mặc, miếng ngon vật lạ, không để cha mẹ phải có bất cứ điều chi than phiền. Đó cũng là điều mà người thế gian không dễ làm được, gọi là tiểu hiếu.

2. Phụng dưỡng cha mẹ theo bậc thứ. Đó là ngoài việc phụng dưỡng đầy đủ cơm ăn áo mặc, còn quan tâm đến chí hướng của cha mẹ. Những gì cha mẹ yêu thích, mình cũng yêu thích. Những gì cha mẹ kính trọng, mình cũng kính trọng, khiến cho cha mẹ luôn được vui lòng. Như thế gọi là trung hiếu.

*

3. Phụng dưỡng cha mẹ theo bậc thượng. Đó là ngoài những việc như trên, còn dẫn dắt, khuyến khích cha mẹ bước vào đường đạo. Thấy cha mẹ làm thiện thì tán thành. Thấy cha mẹ làm lỗi thì can ngăn, khiến cho lời nói việc làm của cha mẹ đều hợp theo Chánh đạo. Như thế gọi là đại hiếu.

4. Còn như việc phụng dưỡng cha mẹ theo bậc tối thượng. Đó là sau khi đã làm được như trên lại còn tiến thêm một bước nữa: Thường luôn nghĩ nhớ đến công ơn cha mẹ lớn lao như trời đất, mà tuổi thọ của cha mẹ ngày một suy giảm, biết phải dùng phương pháp nào để có thể báo đáp? Dùng phương pháp nào để có thể kéo dài thêm tuổi thọ của cha mẹ? Dùng phương pháp nào để có thể giúp cha mẹ thoát được ra khỏi vòng luân hồi sinh tử?

*

Có người hỏi: “Kẻ sĩ thành tựu công danh, làm rạng danh dòng họ, sáng đức tổ tiên. Có thể xem là hiếu chăng?”. Đáp rằng: “Việc thành tựu công danh tất nhiên là nên theo đuổi. Nếu biết dựa vào đó để làm thiện giúp người, ắt sẽ làm cho cha mẹ được vui mừng vinh dự. Nhưng nếu dựa vào đó để làm chuyện xấu ác, chẳng phải đã ngược lại làm nhục cha mẹ rồi sao? Cha mẹ của Tần Cối, Nghiêm Tung đều có con trai làm quan đến hàng Tể tướng đầu triều. Nhưng ví như họ sinh vào đời nay, ắt không khỏi bị người đời căm giận ghét bỏ.”. 

Cho nên phải biết rằng, người con hiếu muốn làm cho cha mẹ được vinh dự thì không gì hơn làm thiện tích đức. Việc thành tựu công danh chỉ nên xem là việc thứ yếu.

Phụng dưỡng cha mẹ

Nhị Thập Tứ Hiếu sáng ngời như thế nào, ai ai cũng biết. Nay xin trích đăng một số tấm gương hiếu thảo trong sách Quán Thế Âm Bổn Tích hầu bạn đọc.

Gương hiếu thảo

Theo sách Quái Viên, vào đời Minh. Vợ ông Vưu Tích Thụ là Thí Thị hiếu thảo và phụng dưỡng cha mẹ chồng bố mẹ chồng nổi tiếng trong vùng. Một hôm phát hiện bị ung thư thực quản. Có đạo cô bảo: “Ta từ Nam Hải đến, tên là Diệu Hải”. Đạo cô trao cho Thí Thị một viên thuốc màu đen bảo uống. Đạo cô hỏi: “Ngươi đã ăn chay hay chưa?” Thưa: “Có lúc giữ, có lúc không”.

Đạo cô bảo: “Ma đấy!” rồi vẽ một đạo bùa trên trán để trấn áp. Ra khỏi cửa, chợt chẳng thấy đạo cô đâu nữa! Ngày hôm sau, Thí Thị liền ăn uống được. Năm sau, cô theo mẹ chồng đến Phổ Đà lạy tạ, thấy ba chữ Diệu Hải Cung càng tin tưởng là Đại Sĩ hiển hóa.

Khi rở về, lại có một đạo cô đến bảo: “Ta công hạnh đã viên mãn, chỉ có tấm lòng độ người là chưa thỏa”. Lại than thở bảo: “Ngươi có năm tướng ngắn ngủi: Nhật nguyệt, tam quang ngắn ngủi (tuổi thọ ngắn ngủi). Gặp gỡ cha mẹ ngắn ngủi, duyên anh em ngắn ngủi. Duyên vợ chồng ngắn ngủi, duyên lục thân ngắn ngủi.

*

Ngươi chỉ thọ hai mươi chín tuổi nhưng do làm được ba việc lành: Bỏ tiền đúc một bức tượng vàng. Thí tiền khắc một bức ván in kinh. Tặng cho người đói một thố cơm. Ba điều lành ấy khiến cho ngươi thọ thêm ba năm. Lại gặp được nhục thân Bồ Tát điểm hóa nên chẳng chết yểu ngay”.

Thí Thị sụp lạy cầu tiếp độ, đạo cô liền truyền ba giới: “Một, đoạn tình chồng vợ. Hai, trừ phiền não. Ba, buông bỏ nghiệp duyên tài sản”. Đạo cô lấy ra một cái đỉnh, mùi hương lạ tỏa thơm ngát, cắm bốn thứ hoa: Hạnh, hoa sen, thù du tía, hồng mai. Trên hoa có đậu các thứ chim yến non, bướm, mỗi thứ một đôi, bảo: “Đây là món báu trong cung Đâu Suất”. Thí Thị lại sụp lạy, chớp mắt chẳng thấy đâu nữa. Lò hương, hoa, chim, đồng thời biến mất.

Những chuyện phụng dưỡng cha mẹ, hiếu thảo kinh động cả quỷ thần

1.Theo Khải Trinh Dã Thừa, vào đời Minh. Con gái ông Thường Mang ở Ích Phiên đức tánh chí hiếu, đã hứa gả cho con trai nhà họ Vương, nhưng chàng Vương đã chết sớm. Cô Thường về nhà họ Vương thủ tiết, mặc áo vải thô mộc, ăn chay, thêu tượng Đại Sĩ. Sáng dậy tụng phẩm Phổ Môn, chú Đại Bi. Tối tụng kinh Di Đà, chú Vãng Sanh. Cha bị bệnh nguy ngập, bèn cắt thịt đùi dâng lên. Cha mộng thấy Đại Sĩ bảo: “Do con gái ông hiếu thảo nên được tăng thọ”.

2.Theo Tự Cầu Tập, bà Tôn Kim Thị ở Vũ Tiến tánh tình hiếu thảo. Bố chồng ưa làm lành, bà Kim bán nữ trang, ruộng nương để cung cấp. Bố chồng bệnh ngặt nghèo, muốn ăn bánh ít trần. Bà Kim cắt thịt trên bắp tay để nấu súp và bún. Bố chồng ăn xong, ngủ yên. Thức dậy, bảo vợ: “Tôi vừa thấy Đại Sĩ đến, nói con dâu ông lòng hiếu chân thành thấu trời. Nên cho ông thọ thêm một kỷ”. Cụ lành bệnh, quả nhiên mười hai năm sau cụ mới mất.

*

3.Trong Tín Tâm Lục, Lưu Sơn Anh nói: “Tôi phát tâm quỳ tụng các kinh chú Quán Âm, Chuẩn Đề để cầu cho mẹ được lành bệnh. Thoạt đầu vì thân thể yếu đuối, gối đau không thể chịu đựng nổi. Lén nghĩ mẹ bệnh đàm hỏa đã lâu, chưa chắc tụng kinh sẽ lành ngay, hơi manh nha ý niệm thoái thất. Kế đó, nghĩ tới Khổng Tử đã nói: “Vô hằng vô khả tác vu y” (Người không có ý chí thường hằng sẽ không thể làm đồng cốt hay thầy thuốc được), bèn gắng sức làm.

Đối với chuyện giúp người lợi vật đều hoan hỷ phụng hành. Hơn một tháng, trọn chẳng còn cảm thấy đau khổ gì, nhưng bệnh mẹ chợt nguy kịch, bảo tôi: ‘Mẹ bệnh mấy chục năm, có lúc phát bệnh liền lành ngay. Nay con quỳ tụng kinh văn, đâm ra bệnh nặng hơn; chắc là mẹ phước bạc chẳng thể nhận lãnh đấy chăng? Hãy ngừng, đừng tụng kinh nữa’.

Tôi khóc thưa: ‘Đây là do con chưa đủ lòng thành, chưa trừ được vọng niệm’. Liền thắp hương, hướng lên trời, dập đầu đến chảy máu, thề trừ vọng niệm ngõ hầu mẹ được khỏi hẳn.

Đến đêm, mộng thấy Đại Sĩ kéo mẹ cùng ngồi, trao cho một chén nước màu xanh bảo uống. Ngày hôm sau, bệnh mẹ giảm hẳn một nửa, rồi lành. Bệnh dây dưa suốt ba mươi năm, từ nay vĩnh viễn khỏi hẳn”.

*

4.Theo Khải Trinh Dã Thừa, vào đời Minh, Bành Hữu Nguyên ở Ích Dương kiền thành tụng Quán Âm Kinh. Cha bị bệnh, ông Nguyên cắt tay để chữa chạy. Mẹ bị bệnh nguy ngập, ông Nguyên khóc lóc cầu đảo Đại Sĩ, nguyện cắt gan cứu mẹ.

Trong đêm, chợt thấy phan, tràng dẫn đường cho Đại Sĩ, ông Nguyên bèn đốt hương, đảnh lễ, cầm dao tự mổ. Rạch sáu lần mà tim cứ vọt lên, phải mò tìm gan để cắt, đau đớn ngất đi. Tỉnh lại, bảo vợ đem nấu dâng mẹ, bệnh liền lành ngay. Phổi của ông Nguyên thò ra ngoài, vết thương không khép miệng được.

Mọi người xót xa khẩn cầu Đại Sĩ; đến đêm, mộng thấy Ngài dạy: “Phổi rút vào chẳng khó khăn gì. Ta muốn để ở ngoài suốt một trăm ngày để người đời nhìn vào, nhằm dạy họ hiếu thảo mà phụng dưỡng cha mẹ”.

*

5.Theo Dị Đàm Khả Tín Lục, vào đời Thanh, Lưu Thị ở Vân Huyện, phụng dưỡng mẹ chồng rất hiếu thảo. Mẹ chồng bị bệnh nghẹn hơi, liền cắt thịt đùi mình nấu cháo dâng lên, mẹ liền lành bệnh, nhưng bệnh lại phát ra, lại cắt thịt. Thế nhưng cứ cách tuần, lại lên cơn.

Lưu Thị cầu đảo Đại Sĩ, nguyện bị bệnh thay. Thầy lang X… bảo xằng là gan người có thể trừ được gốc bệnh. Lưu Thị tin theo, dùng dao bén chọc dưới sườn, lôi gan ra cắt, ngã lăn ra, ngất đi. Chợt thấy Đại Sĩ vỗ về, bảo: “Con khổ quá!” rồi dùng hoàn thuốc bôi lên vết thương khiến Lưu Thị tỉnh lại, đem nấu miếng gan ấy dâng lên mẹ chồng, bệnh trọn chẳng còn phát ra nữa.

Về sau, mẹ chồng biết chuyện, hết sức đau lòng nói: “Con dâu [hiếu thảo] đến mức như thế, ta nỡ lòng nào” bèn bẩm với quan xin ban thưởng cờ quạt. Đấy là chuyện trong tháng Sáu năm Kỷ Hợi (1779) đời Càn Long.

*

6.Theo Củ Trai Tạp Ký, vào đời Minh, Lý Mộng Khang mộng thấy Đại Sĩ trao cho con phượng bằng ngọc bèn sanh ra con gái. Con gái tròn bốn tuổi thì mẹ mất, hết sức đau buồn! Thờ mẹ kế hiếu thảo, cha nghèo, cô dệt vải cho cha bán.

Có người dòng dõi nhà quan mến mộ, xin kết hôn. Cô nói với cha mẹ: “Bỏ cha mẹ mình để phụng dưỡng cha mẹ người khác, con không muốn, nguyện suốt đời phụng dưỡng cha”. Cha bệnh, cô xả thân cầu đảo. Sắc thuốc trong sân, có con chim xanh ngậm một quả đỏ chót bỏ vào siêu thuốc. Cha uống vào liền lành bệnh.

Năm Sùng Trinh thứ 2 (1629), cô mất năm bốn mươi bảy tuổi, đau lòng không được thỏa ý nguyện phụng dưỡng cha mẹ suốt đời. Hoàng Đạo Châu đề trên mộ cô ta như sau: “Gia Hòa hiếu trinh Lý thị nữ” (Cô gái hiếu trinh họ Lý ở Gia Hòa).

*

7.Theo Nhất Hạnh Cư Tập, vào đời Thanh, Bách Vạn An ở Thường Châu thích làm lành không mệt mỏi. Vào thời Càn Long, mẹ ông ta bị bệnh. Ông An từ Tô Châu vội trở về. Mẹ đã tắt hơi, mọi người sắp đặt quan tài, vải liệm. Ông An buồn thương, xót xa, cầu đảo Đại Sĩ, tụng chú Bạch Y một vạn hai ngàn lần, nguyện giảm tuổi thọ của chính mình để tăng thêm thọ mạng cho mẹ, rốt cuộc mẹ tỉnh lại.

Cụ bệnh mấy ngày rồi ngồi dậy nói: “Thoạt đầu, ta bị hai viên nha lại [cõi âm] dẫn đi, qua chỗ Thổ Địa, Thành Hoàng rồi mới đến Đông Nhạc. Vua Đông Nhạc nói: – Con của ngươi thành tâm cầu đảo, nhờ Đại Sĩ cứu khỏi chết, nên bèn tha về”. Ông An bèn khuyên mẹ tu Tịnh nghiệp. Về sau cụ được vãng sanh Tây Phương.

*

8.Theo Thánh Kinh Hội Toản, Vạn Văn Ngọc ở Kinh Sơn tự nói: “Tôi trì Đại Bi Chú, Tâm Kinh, linh dị khôn ngăn thuật trọn. Gặp hung hóa cát, khởi tử hồi sanh, quả thật chính thân tôi đã từng chứng nghiệm.

Nhớ khi mẹ tôi bị bệnh nguy ngập sắp mất, tôi đau lòng khóc lóc chảy cả máu, quỳ trước tượng Đại Sĩ, tụng một biến chú Đại Bi, mẹ liền cảm thấy có người dẫn trở lại dương gian, dần dần thở thong thả, nói năng, cử động được, mấy hôm sau là khỏe hẳn. Phật pháp vô biên, quả chẳng phải là lời nói dối”.

*

9.Theo Cầu Phước Chỉ Nam, vào đời Thanh, Trữ Cảnh Hiền ở Cao An, trong niên hiệu Đạo Quang, họng mẹ bị liệt, hơn mười ngày không thể uống thứ gì được, máu tươi ngập họng, hơi thở như sợi tơ.

Ông Hiền hết lòng phụng dưỡng mẹ, về sau ông hứa sẽ thí tặng bộ Nam Hải Từ Hàng đang khắc và sách Cầu Phước Chỉ Nam mỗi thứ một trăm quyển, kiền thành tụng Tâm Kinh và niệm thánh hiệu Quán Âm.

Mẹ ói ra từng khối huyết to như trứng gà rồi bèn uống thuốc được, mấy ngày sau khỏi bệnh. Căn bệnh này giống như gia nghiêm (cha) bị thoát chứng, đều cùng gặp nguy được an, càng thêm tin tưởng, trì tụng, lưu truyền thánh kinh (kinh Quán Âm, tức phẩm Phổ Môn và Tâm Kinh), quả thật là linh phù (bùa thiêng) bậc nhất để kéo dài mạng sống vậy.

(Phụng dưỡng cha mẹ là phước báu trong đời)

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tứ Trọng Ân là gì

3 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog