Dĩ nhiên, tiền bạc của mình làm ra thì mình có quyền tiêu xài theo sở thích riêng. Ai cũng biết, nếu tiêu xài xả láng thì của núi cũng tan mà cứ giữ khư khư không tiêu pha gì thì cũng chẳng lợi ích. Tiêu xài đúng đắn là một tuệ giác lớn, làm sao để lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội, đời này được an vui, đời sau càng thêm phước báo.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn, nước Xá-vệ này có gia chủ Ma-ha-nam, giàu có nhiều của cải, kho chứa vàng ròng có đến trăm nghìn ức, huống là những của khác. Bạch Thế Tôn, gia chủ Ma-ha-nam giàu có như vậy, nhưng đồ ăn chỉ dùng những thứ như: Ăn gạo tấm thô sơ, canh đậu, gừng cũ nát; còn mặc thì áo vải thô, mang giày da đơn; đi thì xe cũ kỹ, đội nón lá cây. Chưa từng nghe ông ta cúng dường, bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, hay thấy ông cung cấp giúp đỡ cho những người nghèo khổ, những người lỡ đường thiếu thốn, những người ăn xin. Khi ăn thì đóng cửa, không để cho các Sa-môn, Bà-la-môn nào hay những người bần cùng, những người lỡ đường, những người ăn xin, trông thấy.
Phật bảo vua Ba-tư-nặc:
– Đại vương, gia chủ này không phải là Chánh sĩ, được tài lợi thắng diệu mà không tự thọ dụng, không biết phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp cho vợ con, bà con quyến thuộc, đoái nghĩ đến tôi tớ, giúp đỡ cho người quen biết, không biết tùy thời cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, để gieo trồng vào ruộng phước thù thắng, để hướng đến chỗ cao quý, hưởng thụ an lạc lâu dài, đời sau sanh về cõi trời. Được những tài vật thù thắng mà không biết cách dùng rộng rãi để thâu lợi lớn.
– Đại vương, thí như nước được tích chứa trong ao hồ ở giữa đồng hoang, mà không có người dùng đến để uống ăn, tắm rửa, nước trong đầm bị nung khô tiêu hết. Cũng vậy, kẻ sĩ bất thiện được tài vật thắng diệu mà không tự thọ dụng; không biết phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp cho vợ con, bà con quyến thuộc, đoái nghĩ đến tôi tớ, giúp đỡ cho người quen biết; không biết tùy thời cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, để gieo trồng vào ruộng phước thù thắng, để hướng đến chỗ cao quý, hưởng thụ an lạc lâu dài, đời sau sanh về cõi trời. Được những tài vật thù thắng mà không biết cách dùng rộng rãi để thâu lợi lớn, cũng giống như hồ nước kia vậy….
Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về”.
(Kinh Tạp A-hàm, quyển 46, kinh 1232. Bỏn sẻn [trích])
Giàu có hiện tại nhờ thông minh, tháo vát và phước đức đã gieo trồng trong quá khứ. Trong đó, phước đức quá khứ có vai trò quan trọng. Tài năng hiện tại chỉ là điều kiện cần nên mới có câu “Có tài mà cậy chi tài”. Thiếu phước thì tài trí cũng chưa chắc đi đến thành công. Do vậy, cần tạo phước báu để thành công được lâu dài, không chỉ đời này mà còn cho cả đời sau.
Phước ở đây thật đơn giản, thiết thực và dễ làm. Trước hết là phụng dưỡng cha mẹ, lo cho bản thân và gia đình được đầy đủ. Kế đến là giúp đỡ bà con, những cộng sự gần gũi, xa hơn là người nghèo khổ, khó khăn cần được giúp đỡ. Trong đó, cúng dường và ủng hộ Sa-môn, Bà-la-môn tạo ra phước báo lâu bền. Sa-môn, Bà-la-môn là những người tu hành, truyền dạy đạo đức, phát huy các giá trị tinh thần và tâm linh. Tuy vô hình nhưng những giá trị đạo đức và tâm linh rất có ích cho cá nhân và xã hội.
Tài sản giống như một hồ nước giữa cánh đồng, nếu đem nước trồng trọt hoặc phục vụ đời sống con người thì nước ấy có lợi ích. Nếu để tự nhiên thì nước cũng bốc hơi. Tài sản vốn vô chủ, khó tìm mà dễ mất. Nên khi đủ nhân duyên có được tài sản cần phải biết thọ dụng, tiêu xài đúng pháp để sinh thêm phước mới, hạnh phúc dài lâu. Nếu giàu có mà bỏn sẻn, keo kiệt với bản thân, gia đình, bà con và xã hội hoặc tiêu xài vô bổ thì thật thiếu trí tuệ.
Theo Đức Phật, tài sản làm ra cần tiêu xài, thọ dụng đúng pháp. Đây chính là người “biết cách dùng rộng rãi để thâu lợi lớn”.