Nhân quả ba đời là gì
Pháp Giới 12 tháng trước

Nhân quả ba đời là gì

Nhân quả ba đời là nhân quả xảy ra thông suốt quá khứ, hiện tại và vị lai. Bao gồm nhân đời trước, quả đời này, nhân đời này, quả đời sau. Đây gọi là hiểu Nhân quả theo đúng Chánh kiến.

Còn nếu hiểu nhân quả mà chỉ gói gọn trọng một đời thì là nhân quả của Tà Kiến và Ngoại đạo. Loại nhân quả một đời này không thể giải tích được các hiện tượng trong thế gian, ví như: Tại sao có người làm ác, sống ác mà lại sống khỏe mạnh giầu sang? Tại sao có người sống thiện lành mà lại nghèo khó khổ sở?…

*

Chúng sanh trong sáu nẻo luân hồi, do nhân thiện ác đã gieo mà chịu quả báo phước họa tương ứng. Quả báo này thâu trọn trong “thông báo ba đời”, nghĩa là:

  1. Đời này làm thiện, làm ác, ngay đời này được phước, mắc họa, đó gọi là Hiện Báo.
  2. Đời này làm thiện, làm ác, trong đời sau hưởng phước, mắc họa, đó gọi là Sanh Báo.
  3. Đời này làm thiện, làm ác, đến đời thứ ba, hoặc đời thứ tư, hoặc mười, trăm, ngàn vạn đời, hoặc đến vô lượng vô biên kiếp sau mới hưởng phước, mắc họa, đó gọi là Hậu Báo. Hậu Báo sớm – trễ không nhất định. Hễ gây nghiệp quyết định không thể không thọ báo.

Tổ Ấn Quang dạy: “Hai chữ Nhân Quả gồm trọn hết thảy các pháp thế gian, xuất thế gian không sót chút gì”. Đây là quy luật vận hành của pháp giới chúng sanh, đức Phật nhìn thấy bằng Tuệ nhãn nên dạy cho chúng ta biết, chứ không phải là Ngài tạo ra Nhân Quả đâu nhé!

  • Cách giúp đỡ những người bị Ma nhập.
  • Cận tử nghiệp đáng sợ vô cùng.
  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Từ bi hỉ xả là gì.
  • Âm đức là gì.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
Nhân quả ba đời là gì
Nhân quả ba đời là gì

Ý nghĩa của Nhân quả ba đời

Biết được ý nghĩa của nhân quả ba đời này thì làm lành sẽ được điều lành giáng xuống. Làm điều chẳng lành phải vướng tai ương, thánh ngôn vốn chẳng sai lầm! Giàu – sang, nghèo – hèn, thọ – yểu, cùng, thông, mạng trời chưa hề thiên vị. Cảnh duyên xảy tới như gương hiện bóng. Người trí biết sửa hình dung ngoài gương, kẻ ngu uổng công ghét hình ảnh hiện trong gương.

Phải biết rằng: “Chuyện trong thiên hạ đều có nhân duyên. Sự được thành hay chăng đều do nhân duyên xui khiến. Dù có người làm cho việc thành hay hoại. Nhưng quyền lực thật sự là do nhân trước của ta, chứ chẳng do duyên hiện tại. Hiểu điều này sẽ vui biết mạng trời, chẳng oán, chẳng trách. Làm đúng theo địa vị, chẳng chứng nhập mà tự đạt được vậy. Cảnh nghịch xảy đến bèn thuận chịu mà tu thân lập đức, chẳng buồn phiền oán trách chi ai. Lâu ngày chày tháng, mọi phước báo thế gian chẳng cầu mà tự được.

Nhân quả ba đời và vận mệnh con người.

Người đời đa phần không biết nhân quả ba đời nên vừa gặp chút tai ương. Nếu không oán trời thì cũng trách người, trọn chẳng có ý tưởng trả nợ, sanh lòng hối tội. Phải biết: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Trồng cỏ dại chẳng thể được hạt thóc ngon, trồng gai góc mong chi thóc nếp!

Làm ác mà được phước là do đời trước tài bồi sâu xa. Nếu không làm ác, phước còn lớn hơn nữa! Ví như con cháu nhà giàu có: Ăn uống phung phí, xài vàng như đất, nhưng không đến nỗi đói rét là do vàng nhiều. Nếu cứ ngày ngày như thế. Dẫu giàu có đến trăm vạn, chẳng mấy năm sẽ nhà tan người chết, hết sạch sành sanh!

Làm lành mắc họa là do tội nghiệp đời trước sâu dày. Nếu không làm lành, tai ương càng lớn hơn. Ví như kẻ phạm tội nặng, chưa kịp xử phạt, lại lập công nhỏ. Do công nhỏ nên chưa được tha hoàn toàn, đổi tội nặng thành tội nhẹ. Nếu có thể ngày ngày lập công, do công nhiều thành lớn nên tội hết, được tha miễn. Lại còn được giàu sang vinh hiển, con thảo cháu hiền.

*

Lại nhiều người chẳng biết nhân quả và thiện ác đời trước, chỉ thấy việc tốt xấu trước mắt. Thấy làm thiện mắc họa bèn bảo “thiện chẳng đáng làm”. Thấy làm ác được phước bèn bảo “ác chẳng đáng kiêng”. Chẳng biết thiện báo, ác báo chẳng phải là chuyện một sớm, một chiều, phải xảy ra dần dần. Ví như ba thước băng, nào có phải là trời lạnh một buổi đã kết thành được đâu! Trăm sông đầy ắp nước nào có phải là trời nóng một ngày mà tan được băng đâu!

Nên phàm khi gặp hoạn nạn, chớ nên oán trời trách người, chỉ nên tự trách mình đức mỏng, phước bạc. Rồi phát tâm sám hối ác nghiệp đã gieo trong tiền kiếp. Tu nhân tích đức để cứu chuộc lại lỗi lầm xưa mà thay đổi vận mệnh của chính mình. Như ông Du Tịnh Ý tu thân hành thiện, cũng phải mất ba năm mới chuyển đổi được số mạng của mình. Ông Viên Liễu Phàm phát tâm làm 10 ngàn việc thiện trong ba năm để cầu con. Họ nào có phải hành thiện một sớm một chiều mà có thể thay đổi số mạng đâu?!

Kinh nhân quả ba đời

Trạng thái nhân quả thật vô cùng, gây nhân nào tất cảm quả ấy, duy sự báo ứng hoặc đến sớm hay muộn mà thôi. Trong đây, nếu có sự chuyển biến, là do những ảnh hưởng xấu hoặc tốt khác xen vào. Thí dụ, một ly nước trong, như ta chỉ bỏ muối vào, tất nước phải mặn. Nhưng nếu lại để xen thêm đường, vị nước sẽ đổi khác. Sự chuyển biến của nhân quả thiện ác cũng như thế.

Trong kinh Luân Chuyển Ngũ Ðạo, Đức Phật bảo:

– Nầy A Nan! Muôn vật giữa đời đều có túc duyên. Người được quả báo hào quý làm bậc quốc vương, trưởng giả: Từ nơi nhân lễ kính, phụng sự Tam bảo mà đến. Người được quả báo giàu có, của cải vô hạn, từ nơi nhân bố thí mà đến. Người được quả báo sống lâu, không đau bịnh, thân thể mạnh khoẻ cao lớn: Từ nơi nhân giữ giới mà đến. Người được quả báo đoan trang xinh đẹp, nước da trắng tươi sáng rỡ, ai thấy cũng đều ưa thích mến chuộng: Từ nơi nhân nhẫn nhục mà đến.

*

Người tánh nết siêng năng mau mắn, ưa làm việc phước thiện, từ nơi nhân tinh tấn mà đến. Người dáng điệu an nhàn, lời và hạnh đều có suy nghĩ, chừng mực, chắc chắn: Từ nơi nhân thiền định mà đến. Người thông minh tài trí, hiểu suốt thâm pháp, từ nơi nhân tu huệ mà đến. Người được tiếng nói thanh thao rõ suốt, ai cũng ưa nghe: Từ nơi nhân tụng kinh, ca ngợi Tam bảo mà đến. Người dáng vẻ sáng sạch hiền hòa, không đau yếu, ai thấy cũng mến: Từ nơi nhân từ tâm mà đến.

Ngài A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là “từ tâm”?

Ðức Phật bảo: “Từ tâm có bốn điều: 1.Thương tất cả chúng sanh như mẹ thương con. 2.Thấy chúng sanh khổ, xót xa muốn cứu độ. 3.Thấy chúng sanh hiểu đạo, biết làm lành, hướng về nẻo giải thoát, sanh lòng vui mừng. 4.Thường ái hộ chúng sanh, chẳng những săn sóc giữ gìn thân mạng, mà còn không có lời vô ý làm cho người bất mãn, buồn rầu. Ấy là những tướng trạng của từ tâm.

*

Lại nầy A Nan! Kẻ nào thân thể cao lớn, là do nhân ưa lễ bái, khiêm nhường, cung kính tất cả mọi người. Kẻ nào lùn thấp, là do nhân khinh mạn, tự cao. Kẻ nào dung mạo thô xấu, là do nhân giận hờn, nóng nảy. Kẻ nào sanh ra ngây ngô kém hiểu biết, là do nhân không thích học hỏi. Kẻ nào ngu si, là do nhân không chịu dạy dỗ người. Kẻ nào câm ngọng, là do nhân khinh ngạo, chê bai người. Kẻ nào đui điếc là do nhân hủy báng Tam bảo, không chịu nghe chánh pháp.

Kẻ nào làm thân tôi đòi là do nhân mắc nợ không trả, hoặc không kính lễ Tam bảo. Kẻ nào thân hình đen xấu, là do nhân che ánh sáng của Phật. Kẻ nào sanh ra ở nước Lõa- hình, là do nhân ăn mặc hở hang vào tinh xá, hay đến trước chỗ Phật. Kẻ nào sanh vào nước Mã đề (thân người, bàn chân ngựa), là do nhân mang giày dép đi trước chỗ Phật. Kẻ nào sanh ở nước Xuyên hung (mọi người đều xoi hông), là do nhân bố thí làm phước mà sanh lòng hối tiếc.

*

A Nan! Chúng sanh nào làm loài hươu nai, là do kiếp trước ưa làm cho người sợ hãi. Chúng sanh nào sanh làm loài rồng, là do kiếp trước ưa bỡn cợt và giận hờn, làm cho người phiền muộn. Kẻ nào nơi thân bị bịnh lác, ghẻ độc làm cho đau nhức khó chịu, chữa trị không lành, là do kiếp trước ưa đánh đập chúng sanh.

Kẻ nào mọi người trông thấy đều vui mừng cảm mến, là do kiếp trước khi thấy người, niềm nở vui mừng cảm mến. Kẻ nào mọi người trông thấy đều chán ghét, là do kiếp trước khi thấy người, rẻ rúng chán ghét. Kẻ nào thường bị gông cùm tù ngục, là do kiếp trước hay trói buộc hoặc giam nhốt chúng-sanh trong lồng chậu, khiến cho nó không được tự do. Kẻ nào bị rách miệng sứt môi, là do kiếp trước ưa câu cá.

*

A Nan! Kẻ nào trong hội thuyết pháp không để ý lắng nghe, lại nói trái ngược làm loạn ý người khác, kiếp sau sanh làm con lừa tai dài, hoặc loài chó xụ tai. Kẻ nào kiêu căng bỏn sẻn tham lam, thích lén ăn uống, chỉ hưởng thụ riêng một mình không đoái hoài đến người thân sơ, hạng nghèo khổ; lúc chết rồi bị đọa vào Địa ngục, kế làm loại Ngạ quỷ, khi được sanh làm người thì nghèo hèn đói khát, mặc chẳng kín thân, ăn không no bụng.

Kẻ nào thường ăn riêng thức ngon, cho người món dở, kiếp sau bị đọa làm loài chó, lợn, bọ hung. Kẻ nào thường tách mai, đánh vảy, lột da loài vật, đời sau làm sanh vật bị quả báo y như hành động của mình kiếp trước. Kẻ nào ưa giết hại, kiếp sau sẽ bị đọa vào Tam đồ, cho đến làm con phù du trên mặt nước, sớm sanh chiều chết. Kẻ nào trộm cướp, kiếp sau sẽ làm thân tôi tớ, hoặc trâu bò, lừa, ngựa để trả nợ người.

*

Kẻ nào hay nói dối, nói đâm thọc, mắng chửi, nói lời cay độc, bêu rêu việc xấu của người, khi chết sẽ sa xuống Địa ngục, bị rót nước đồng sôi vào miệng, hoặc bị cắt lưỡi, cày lưỡi, sau lại làm thân ác điểu, người nghe tiếng kêu đều kinh sợ bảo là điềm quái gở, nguyền rủa muốn cho nó chết. Kẻ nào quyến rũ dâm loạn vợ chồng con cái người, khi chết đọa vào Địa ngục, nam ôm cột đồng lửa, nữ nằm giường sắt nóng, sau lại làm loài thú đa dâm, hoặc làm loài ngỗng, vịt.

Kẻ nào ưa uống rượu, phạm nhiều tội ác, lúc chết bị đọa vào Địa ngục, sau sanh làm loài dã nhơn, khi được thân người lại ngu si khờ dại. Kẻ nào vợ chồng không biết nhường nhịn hòa thuận, thường hay tranh cãi, nặng lời xua đuổi nhau, kiếp sau đọa làm thân chim cưu (tu hú), chim bồ câu. Kẻ nào ưa lạm dụng sức người, kiếp sau sanh làm loài voi, bị người dùng sức lại.

*

Nầy A Nan! Trừ những vị làm quan, y theo pháp luật, hạch hỏi xử phạt một cách công minh, thì không tội. Nếu hạng quan liêu ỷ quyền thế xâm đoạt tài sản của dân, hoặc ăn hối lộ dung túng kẻ ác, tra tấn, gông cùm, xử hiếp người vô tội hay không đáng tội, thì khi chết sẽ bị đọa vào Địa ngục chịu thống khổ ngàn muôn kiếp, sau lại sanh vào loài trâu bò bị xỏ mũi, đánh đập, mang kéo nặng nề để đền tội trước.

Lại nữa, A Nan! Người nào từ thân thể đến cách ăn ở, lôi thôi không sạch sẽ, do từ loài lợn mà đến. Người nào tham lam bỏn sẻn không ưa bố thí, do từ loài chó mà đến. Người nào ngược ngạo, tự tung tự tác không chịu nghe lời ai, do từ loài dê mà đến. Người nào tánh lao chao, gặp việc không nhẫn nại, do từ loài khỉ vượn mà đến. Người nào có tâm độc ác ngầm, do từ loài rắn rết mà đến. Người nào thích ăn ngon, hung dữ, ưa khủng hại chúng sanh, không có tâm lành, do từ loài cọp, sói, mèo, chồn mà đến…”

*

Như trên, việc luân hồi nhân quả thật vô cùng. Như bánh xe quay tròn, vay trả trả vay, không biết khi nào là kết cuộc! Trong luân hồi đã hàm nhân quả bởi nhân quả nên mới có luân hồi. Cho đến chư Phật muốn thành đạo chánh đẳng bồ đề, trong nhân hạnh cũng phải tu vô biên phước huệ.

Nhưng đối với các bậc thánh giả, bởi đã dứt sạch ngã chấp, nên tùy ý đến hóa độ các cõi, hay muốn sống chết lúc nào cũng phải được tự tại. Và bởi chư thánh lấy pháp giới làm thân, đã thoát ly ngũ uẩn. Nên tuy thị hiện ở cõi trời, người, hay nơi ác đạo, cũng không bị sự khổ vui chi phối. Nên một vị thiền sư đã bảo: “Lão tăng tự có phương nhàn tịnh. Nào ngại trăm phiền tám khổ vây!”

(Nhân quả ba đời là gì – Theo Ấn Quang văn sao)

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Nên niệm Phật 4 chữ hay 6 chữ

73 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog