Lục độ là gì
Pháp Giới 5 tháng trước

Lục độ là gì

Lục độ là sáu pháp tu căn bản của người học Phật, bao gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ. Sáu pháp tu này thô tế, sâu cạn khác biệt muôn trùng. Như thực hành ở mức thô gọi là Lục độ, thực hành ở mức tế hoặc vi tế gọi là lục độ ba la mật. Lục độ ba la mật duy có hàng Bồ Tát mới thực hành nổi, phàm phu chúng ta không rớ vô được!

  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • Ngũ giới là gì.
  • Tam giới là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Dấu hiệu đắc quả của bậc A La Hán.

Hòa thượng Tuyên Hóa bảo: “Nếu bạn muốn lập công, lập đức, lập ngôn thì bạn phải dựa vào lục độ.” Thời mạt pháp, người thực hành được Lục độ ở dạng thô thôi cũng đã cực hiếm rồi. Tại sao thế? Bởi để tu được lục độ ắt phải là người có chút định lực mới kham nổi. Nếu không có định lực ắt không thể kham nhẫn mà hành trì được.

Lục độ là gì
Lục độ là gì

Lục độ vạn hạnh là gì

Lục độ vạn hạnh: Chữ lục độ nằm ở trước, hàm nghĩa: Đây là nền tảng căn bản mà người tu cần phải hành trì cho được. Chữ vạn hạnh nằm ở phía sau có hàm nghĩa: Khéo nghiêm trì lục độ, thì tu pháp gì cũng đều được.

Kinh dạy: “Lục độ vạn hạnh, bố thí làm đầu. Trong các nhiệm vụ cấp bách của việc phát tâm thì hỷ xả là bậc nhất.” Pháp bố thí, từ tài thí cho đến vô úy thí, cạn sâu cũng muôn trùng sai biệt. Các pháp trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ cũng như thế. Nay ta chỉ xét Lục độ ở khía cạnh cơ bản nhất: Ý nghĩa của lục độ là gì?

“Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: Người học Phật biết rằng “từ, bi, hỷ, xả,” tứ vô lượng tâm là căn bản của pháp hành đạo Bồ Tát nhưng lại không chịu làm. Biết rõ đạo lý thì phải biết công dụng như thế nào? Ngày nào cũng học Pháp “Lục độ”. Nhưng đến lúc gặp thử thách thì: Bố thí mình không chịu bố thí, trì giới thì chẳng trì giới, nhẫn nhục cũng hết nhẫn nhục. Tinh tấn liền mất tinh tấn, thiền định cũng không thiền định, trí huệ thì cũng chẳng có trí huệ. Thành ra miệng tuy nói cao xa là tu lục độ, nhưng thực hành thì chỉ thấy đầy rẫy tham sân si. Học Phật pháp vậy thì phỏng có ích gì? Vậy ý nghĩa của Lục độ là gì?

Lục độ vạn hạnh: 1.Bố Thí

Bố thí đứng đầu trong lục độ và cũng là môn dễ thực hành nhất. Chúng sanh ít người biết phước báo của Bố thí là được giầu có nên ít người thực hành. Người hiểu đạo chịu bố thí chút còn khó huống nữa là người chưa từng biết Phật pháp. Đây là lý do tại sao trong đời người giầu thì ít mà người nghèo lại vô lượng vô biên. Bố thí về phần thô thôi đã hiếm kẻ thực hành, vậy còn nói chi đến Bố thí ba la mật?

  • Bố thí là gì.

Vậy nên bố thí ba la mật phải bậc Bồ Tát mới kham nổi. Tại sao thế? Gương năm xưa của Ngài Xá Lợi Phất là một điển hình: Ngài Xá Lợi Phất trong tiền kiếp chứng đến ngôi Lục Trụ, phát đại Bồ Đề tâm tu hạnh bố thí. Nhưng khi chịu khổ khoét một con mắt cho ngoại đạo, bị họ không dùng. Họ liệng xuống đất rồi nhổ nước dãi, lấy chân chà đạp lên trên. Chứng kiến cảnh ấy Ngài còn không chịu thấu mà thối thất Đại Thừa tâm. Thế thì biết Bố thí ba la mật không phải chuyện bàn suông nơi cửa miệng!

Bố thí tức là dùng tài sản vật chất hoặc Phật pháp để bố thí cho kẻ khác. Tuy nhiên thực tế thì lúc cần bố thí ta lại không chịu bố thí. Ngược lại, ta chỉ muốn kêu người khác bố thí cho mình, càng nhiều càng tốt. Nói rằng bây giờ tôi không muốn cho anh, anh cần phải bố thí cho tôi! Ta luôn tìm cách chiếm tiện nghi, không chịu thua thiệt một ai. 

Lục độ vạn hạnh: 2.Trì giới

Như trong bài viết này xin chỉ bàn đến trì 5 giới căn bản của hàng Phật tử: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.

Trì giới đứng thứ 2 trong lục độ bởi tánh quan trọng của nó trong giữ dìn pháp thân huệ mạng của ta. Tại sao thế? Bởi khi bạn giữ được giới tất có Giới Thần bảo hộ. Mỗi giới có 5 Giới Thần, vị chi bạn giữ được 5 giới sẽ có 25 Giới Thần ngày đêm che chở cho bạn. Vì thế nên hạng ma quỷ tạp nhạp trong nhân gian và hàng oan gia trái chủ vô phương đến gần bạn, đừng nói đến việc làm hại được bạn.

Lại nữa nếu không giữ giới tất không thể sanh định, định không sanh trí huệ vô phương khởi phát. Đây cũng là điểm cơ bản để bạn phân biệt được người thực tu hay không thực tu. Bởi nếu không giữ giới, nói tu học Phật pháp chỉ là lời nói suông nơi cửa miệng!

  • Trì giới là gì.

Chỉ tiếc là lợi ích như thế nhưng thời nay cực hiếm người giữ được 5 giới này. 5 giới cơ bản ở dạng thô còn hiếm người giữ được, thì Bồ Tát giới hoặc Trì giới ba la mật bàn đến nữa làm chi?

Ngài Tuyên Hóa bảo: “Thiên hạ người nào cũng biết trì giới là trì giới, nhưng đến lúc gặp thử thách không những không giữ giới mà lại phá giới nữa. Thọ giới tức là không động tâm. Bất luận cảnh giới nào đến mình cũng không động. Ðó là định lực có thể chuyển được cảnh giới. Bất kể là cảnh ác hay thiện, thuận hay nghịch, mình đều thản nhiên: Không sinh tâm phân biệt thì tự nhiên gió yên sóng lặng.

Lục độ vạn hạnh: 3.Nhẫn Nhục

Nhẫn nhục nghĩa là nhẫn thọ những gì không như ý. Đây là pháp duy nhất trong lục độ dùng để bác phá Sân giận! Người ta cứ tưởng Sân hận là bình thường mà chẳng biết: “Trong các phiền não, duy có sân hận tướng trạng rất thô bạo, phá hoại hành giả mạnh mẽ nhứt. Nên người xưa đã bảo: “Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai.” Câu này có nghĩa: Khi khởi một niệm giận hờn, tức đã mở muôn ngàn cửa chướng ngại.”

Chẳng hạn như lúc đang niệm Phật, ta chợt tưởng đến người ngoài bạc ác khắc nghiệt xấu xa, đối đãi với mình nhiều điều không tốt. Hoặc nhớ việc người thân cận phản phúc gây rối làm khổ mình, liền buồn giận bức rức không an. Từ nơi tâm trạng đó, miệng tuy niệm Phật, nhưng lòng phiền muộn, vọng tưởng sôi nổi. Có người bỏ chuỗi thôi niệm, xuống nằm gát tay suy nghĩ vẫn vơ. Có kẻ lại buồn tức đến quên ăn bỏ ngủ, muốn gặp ngay người đó la hét một hồi, hoặc tìm cách trả thù cho đã giận. Tâm niệm sân hận nó phá hại người tu đến như thế!

  • Nhẫn nhục là gì.

Kinh Pháp Hoa nói: “Lấy đại từ bi làm nhà, nhu hòa nhẫn nhục làm áo giáp, tất cả pháp Không làm tòa ngồi.” Phải nghĩ rằng: Ta cùng chúng sanh đồng là phàm phu chìm trong biển khổ sanh tử, tất cả đều do nghiệp phiền não, mà phiền não vốn hư huyễn không có thật.

Như một niệm sân hận, trước khi chưa khởi nó từ đâu đến, lúc tan rồi lại đi về đâu? Khi giận hờn ta tự làm khổ cho ta trước, vì đã nổi lửa phiền não thiêu đốt lấy mình, mà cũng không thể cải hóa làm lợi lạc chi cho người. Như thế có phải là si mê vô ích chăng?

Lại nên nghĩ: người có hành động xấu làm tổn hại cho ta, kẻ đó vì mê muội đã gây nhân ác tất phải chịu quả khổ. Họ đáng thương hơn là đáng giận, bởi nếu sáng suốt biết rõ lẽ tội phước, tất không khi nào lại dám làm điều ấy. Ta là Phật tử, phải áp dụng giáo lý đức Thế Tôn để tự cởi mở sự ràng buộc oan trái cho mình, vì mục đích tu hành là cầu sự giải thoát an vui, chớ không phải tìm lối khổ. Đối với hành động tàn hại đó, ta phải xót thương tha thứ, nhu hòa nhẫn chịu và xem mọi việc đều hư huyễn không không. Nên nhớ lời cổ nhơn: “Lửa sân si tam độc, đốt hết rừng công đức. Muốn hành Bồ Tát đạo, giữ thân tâm nhẫn nhục.”

Lục độ vạn hạnh: 4.Tinh Tấn

Tinh là tinh chuyên, thuần nhất, không xen tạp. Tấn là đi tới không thoái lui. Tinh tấn là luôn luôn chuyên tâm nhất trí, cố gắng không ngừng để đạt được mục đích của mình. Người học Phật nếu không tinh tấn ắt tu hành giải đãi. Mà tháng năm trôi nhanh như sương khói, độ mình còn chưa nổi bàn chi đến chuyện độ chúng sanh. Thế chẳng phải cô phụ ơn Phật lắm đó ư?

Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Ai ai cũng muốn tinh tấn, nhưng đến lúc tinh tấn thì không chịu tinh tấn, chỉ muốn lười biếng an phận thụt lui. Hoặc chạy đi pha trà hoặc cố ý đi nhà vệ sinh, hoặc cố ý xuống bếp để uống trà…Tất cả đều là cái cớ để cho qua thời giờ. Khi chưa đả thiền thất thì nói nghe rất là hăng hái, rằng tôi sẽ tham gia thiền thất thật giỏi. Ðến khi thiền thất bắt đầu thì không còn nhớ điều mình thề nguyền lúc trước nữa. Tại sao vậy? Ðây chính là biết rõ mà cố ý phạm lỗi. Tuy biết tham thiền là chuyện tốt mà vẫn cứ lười biếng.

Khi xưa, có vị tăng khuyên người bạn là Trương Tổ Lưu niệm Phật. Ông bạn bảo: “Tôi có ba việc làm chưa xong: Một là quan tài ông thân còn để ở nhà mồ chưa chôn. Hai là đứa con trai chưa cưới vợ. Ba là đứa con gái chưa gả chồng. Chờ ba việc đã xong, tôi sẽ vâng lời.”

Mấy tháng sau, ông bạn bị bạo bịnh chết. Vị tăng đến tụng kinh cầu siêu, và điếu một bài thi rằng:

  • Tinh tấn là gì.

Bạn tôi tên là Trương Tổ Lưu

Khuyên ông niệm Phật, hẹn ba điều.

Ba điều chưa vẹn, vô thường bắt

Đáng trách Diêm Vương chẳng nể nhau!

Trong bài thi, ý vị tăng nói: Ông hẹn khi xong ba việc sẽ niệm Phật, nhưng ngặt nỗi vô thường bất ngờ đến, nó có chờ hẹn ông đâu? Xem đấy chúng ta ai dám bảo đảm rằng mình chẳng là ông Trương Tổ Lưu thứ hai? Cho nên người quyết chí tu hành, được hở giây phút nào liền niệm Phật ngay lúc ấy, đừng nên đạp nhầm dấu xe đổ của người xưa mà để hận ngàn thu.

Trên đường tu, để ngăn trách về sự giải đãi, đức Phật đã răn dạy: “Thầy Tỳ Khưu thường hay có tám cách biếng trễ. Chẳng hạn, bữa nào đi khất thực đói, liền nghĩ rằng: “Hôm nay, khất thực đói, trong người tất thiếu sức khỏe, để huởn tu một đêm.” Bữa nào khất thực no, liền nghĩ: “Hôm nay ăn no, trong người nặng nề mệt nhọc, thôi tạm xả tu, mai sẽ tiếp tục.”

Như thế cho đến những khi: Sắp làm việc nhiều – lúc làm việc nặng vừa xong – sắp muốn đau – khi đau bịnh vừa mạnh – sắp đi xa – lúc đi xa mới về; trong các trường hợp ấy, lúc nào cũng nại cớ này, cớ khác, rồi bỏ tu để ngủ nghỉ. Trái lại, những vị Tỳ Khưu tinh tấn, trong tám trường hợp đó, luôn luôn nghĩ đến sự vô thường, hằng siêng năng tu tập.”

Tâm niệm giải đãi của người xuất gia đã như thế, tất tâm lý biếng trễ của hàng tại gia chắc có lẽ nhiều hơn.

Lục độ vạn hạnh: 5.Thiền định

Ngày nay hầu như đa phần chúng ta không hiểu Thiền Định là gì! Đa phần cứ tưởng ngồi xếp bằng, nhắm mắt là Thiền định. Bởi lầm lạc như thế nên cực hiếm người hưởng được chút Tịch tĩnh. Mức cơ bản đó còn hiếm người nói chi đến cắt đứt vọng tưởng mà nhập định.

Tu thiền cực khó chứ không hề đơn giản như nhiều người tưởng. Như trên đã nói, người vào được Tịch tĩnh còn hiếm, đừng nói đến chuyện giải thoát cho nhọc lòng. Tại sao thế? Bởi ngưởi tu thiền định chỉ hoàn toàn nương vào tự lực lực.

  • Thiền Định là gì.

Tổ Ấn Quang bảo: “Thiền chính là Chân Như Phật tánh vốn sẵn có của chúng ta. Trong nhà Thiền gọi đó là “bản lai diện mục trước lúc cha mẹ chưa sanh ra”; Nhưng nhà Thiền chẳng nói toạc ra, chính là để người khác tham cứu tự chứng ngộ nên mới nói như vậy. Ðó chính là tâm thể thuần chân, không Năng, không Sở, vừa tịch, vừa chiếu, linh tri ly niệm vậy. (Linh tri ly niệm nghĩa là trọn chẳng có ý niệm nhưng luôn nhận thức rõ ràng cảnh vật hiện tiền).

Hành nhân tuy triệt ngộ Thiền tông, minh tâm kiến tánh, nhưng Kiến Tư phiền não chẳng dễ đoạn trừ. Phải trải qua nhiều duyên trui luyện để trừ sạch hết chẳng sót, mới có thể xuất ly phần đoạn sanh tử. Người chưa đoạn một mảy nào thì chẳng cần bàn đến! Dẫu chỉ còn một mảy chưa đoạn sạch hết thì lục đạo luân hồi vẫn y như cũ khó thoát. Biển sanh tử sâu thẳm, đường Bồ Ðề xa vời vợi; Còn chưa về được đến nhà thì đã mạng chung!

Lục độ vạn hạnh: 6.Trí huệ

Trí Huệ là sự thấy biết sáng suốt được sinh ra bởi Định Lực. Đây là cảnh giới cao nhất của người học Phật trong tam vô lậu học “Giới, Định, Huệ”. Người tu học khi dụng công đến chỗ thuần thục, phá được Phiền hoặc thì trí Huệ tự khai mở.

Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Trí huệ là thứ đưa mình tới bờ bên kia, liễu sinh thoát tử. Nếu như muốn khai trí huệ mà lười biếng thì sẽ mất đi cơ hội khai ngộ. Nên tham thiền cần phải chăm chú không để thời gian qua uổng vì không biết mình sẽ khai ngộ trong giây phút nào.

  • Trí Huệ là gì.

Có người có vọng tưởng như vầy: “Tôi không muốn có trí huệ vì sự ngu si của tôi cũng tốt lắm mà! Tôi không hiểu mọi chuyện thì cũng chẳng sao.” Ðó là thứ gọi là: “Yếm nhĩ đạo linh.” Nghĩa là vừa đánh chuông vừa bịt tai, tưởng không ai nghe, mình chỉ tự lừa mình. Ðến lúc chết rồi mới hiểu rằng mình đến thế gian này một cách luống uổng. Lúc đó có hối hận cũng đã muộn rồi.

Trí Huệ rất khó đắc, tuy nhiên không phải là không thể đối với hàng Tại gia. Bởi thế Ngài Quả Khanh bảo: Hễ ai trì chí bền tâm nghiêm trì ngũ giới. Tu thập thiện dài lâu, chịu khó thiền tịnh song tu. Đối với những nghiệp đã tạo trong dĩ vãng sám hối triệt để thì trí tuệ nhất định sẽ xuất hiện. Hơn nữa, nếu sám hối càng triệt để, tha thiết, thì trí huệ xuất hiện càng sớm. Chỉ cần bạn chịu tu thực sự, tất sẽ được Phật lực gia trì, khai mở trí huệ có sẵn.

( Lục độ là gì – Ý nghĩa của Lục độ là gì )

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Sự thật về hạn Tam Tai

6 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog