Nguyên nhân gây nên khổ đau là gì
Pháp Giới 5 tháng trước

Nguyên nhân gây nên khổ đau là gì

Khổ đau là một phần căn bản của cuộc đời. Nhưng chúng ta mải quay cuồng với kiếp sống nhân sinh nên hiếm khi nhận ra. Bởi thế nên ta bị “nó” trói buộc, hành hạ suốt một đời mà chẳng tự biết. Từ lúc chào đời cho đến lúc lìa bỏ thế gian, ta liên tục bị các cảm xúc như sướng khổ, buồn phiền, đau đớn… chi phối.

  • Chú Đại Bi Tâm Đà Ra Ni.
  • Sự thật về hạn tam tai.
  • Học Phật pháp bắt đầu từ đâu.
  • Hành dịch bệnh quỷ vương Lệ quỷ
  • Cách thay đổi vận mệnh
  • Âm đức là gì.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
Khổ đau là gì
Khổ đau là gì

Khổ đau là những trạng thái và cảm xúc tiêu cực dẫn đến những hành động tiêu cực. Và rõ ràng hầu hết chúng ta ai cũng đều đau khổ ở mức độ không ít thì nhiều. Điều ngộ nghĩnh là tất cả những thứ làm ta khổ đau đều được gây ra bởi sự vận hành rối loạn của một thứ duy nhất: Cái “Trí”, tức là cái suy nghĩ thông thường của ta. Chúng ta bị cái “trí” này điều khiển và hành hạ suốt cuộc đời mà không biết rằng: Cái “trí” này cũng giống như tay chân và ta hoàn toàn điều khiển được nó!

Khổ đau là gì

Tổng quan thì khổ đau bao gồm tất cả những trạng thái cảm xúc nào đem đến phiền não. Theo đó thì đau khổ sẽ mang những ý nghĩa sau đây:

  • Tất cả những cảm xúc nào KHÔNG PHẢI là hạnh phúc, là tình yêu thương, là hoan hỉ. (Thí dụ như: Tức giận, ganh tỵ, buồn bã, sợ hãi, đau  đớn, lo lắng, cay đắng; Hoặc đau thương, tiếc thương, thù oán, căm ghét, khinh bỉ, cô đơn, v.v.)
  • Tất cả các trạng thái nào KHÔNG PHẢI là an bình, đầy đủ, hài hoà. (Thí dụ như: Bạo lực, cần nơi người khác đáp ứng; Hoặc hoang mang, hoảng loạn, bối rối hồi hộp, trốn chạy; Hoặc thiếu thốn, tuyệt vọng, lo sợ, trầm cảm, v.v.) 
  • Tất cả hành động nào KHÔNG xuất phát từ thân ái, không bao dung hay không từ bi. (Thí dụ như sự kềm chế và áp đặt, phán xét, phê bình; Hoặc sự nhục mạ, tấn công, ngược đãi, than phiền, cằn nhằn, hạ nhục v.v…)

Nguyên nhân thực sự gây ra đau khổ

Sau đây là một số lý do mà chúng ta thường nói: Tôi đau khổ, tôi không hạnh phúc là bởi:

  • Tôi không có được những gì tôi muốn hay tôi cần.
  • Có người làm điều không tốt đối với tôi.
  • Có người không làm cho tôi những việc mà đúng ra họ nên làm.
  • Sự việc xảy ra không đúng như ý tôi muốn.
  • Tôi luôn sống trong sự sợ hãi canh cánh là sẽ phải mất một người hay một vật nào đó.
  • Tôi thất bại trong mọi việc tôi làm.
  • Cuộc sống không có ý nghĩa gì cả.
  • Tình trạng sức khoẻ của tôi rất tồi tệ.
  • Tôi đã mất tất cả người thân và tất cả mọi thứ.  
  • Những người trong đời tôi chẳng ai giữ được một tiêu chuẩn tối thiểu hay một khuôn phép nào tề chỉnh cả.

Dĩ nhiên những tình huống trên đây làm ta đau khổ – nghe thì có vẻ rất hợp lý. Tuy nhiên, cũng có những người vẫn vui vẻ, hạnh phúc mặc dầu họ cũng đang ở trong nhiều tình huống kể trên.

Khổ đau hay hạnh phúc là bởi sự khác biệt của cái trí

Vậy cái khác biệt giữa họ và chúng ta là cái gì? Câu trả lời: “Cái trạng thái của cái trí”. Một cái trí thì yên lặng và một cái trí thì nói liên tục, thường là những lời than phiền. Vậy thì có khi nào bạn chợt ý thức rằng biết đâu bạn KHÔNG PHẢI là cái trí của bạn chăng? Khi bạn muốn yên bình và thanh tịnh, cái trí đó có chịu dừng sự cằn nhằn ồn ào của nó lại không? Phải chăng hầu hết là nó phớt lờ đi ý muốn được yên tịnh của bạn?

Lần sau, khi nào một trong những ý niệm nêu trên xuất hiện, bạn hãy thử tách rời mình ra khỏi cái trí và bảo nó: “Yên lặng!” Hy vọng rằng nó sẽ nghe lời, chịu yên lặng hoặc nghĩ sang chuyện khác. Nếu nó chịu nghe lời, bạn hãy thử xem chừng bao lâu thì nó sẽ len lén trở lại vấn đề cũ. Dường như chúng ta không hề làm chủ được cái trí của mình. Nếu ai cũng điều khiển được cái trí tuân theo mệnh lệnh của mình mọi lúc, mọi nơi. Vậy thì nó đã không còn nói liên miên những ý tưởng tạo nên phiền não.

Nguồn gốc của khổ đau

Nguồn gốc của hầu hết mọi đau khổ, phiền não là chính từ sự hoạt động không bình thường của một bộ máy quan trọng và đặc biệt của con người: Đó là cái trí.

Hầu hết chúng ta không biết rằng: “Cái trí” cũng chỉ là một trong những bộ phận như tim, gan, mắt, mũi… v.v của con người. Nó không thể bị ngộ nhận là toàn thể cái ta được. Nghĩa là trí không phải là chính bản ngã của ta. Do vậy, ta không phải là những suy diễn hay những phản ứng của cái trí khi nó chủ động đẩy chúng ta đến những cảm xúc buồn phiền, đau đớn hay giận dữ.

Dựa vào hai nhận thức trên, chúng ta nhận ra được sự lầm lẫn khi đồng hóa cái “ta” với cái “trí” loạn động; Hoặc khi đồng hóa “ta” là những cảm xúc phiền não: Buồn, giận, căm thù…. Sự lầm lẫn này có thể dẫn ta đến những hành động có tính cách hủy hoại như: Tự tử, giết người, nghiện ngập, trả thù. v.v.

Nguồn gốc của khổ đau là sự vận hành không chính xác của cái Trí

Vấn đề được đề cập đầu tiên là tính thiếu chính xác của cái trí. Những cái gọi là “kiến thức” của cái trí thường này quả thật “không chính xác”. Dưới đây là ba thí dụ về những kết luận thiếu chính xác của nó:

Sự lầm lạc của cái trí gây nên khổ đau: Thí dụ thứ nhất

Khi mắt bạn nhìn thấy bạn gieo một hạt giống xuống đất. Một thời gian ngắn sau, mắt lại thấy nơi đó mọc lên một cái cây. Cái trí kết luận là “cây đó tôi trồng” và thậm chí còn đi xa hơn: Nó quả quyết rằng “cây đó của tôi”. Nói thực tế thì mắt chỉ nhìn thấy hai việc: Một là tay bạn gieo hạt giống, hai là tại chỗ ấy có một cây mọc.

Chỉ thấy hai điều trên nhưng cái trí đã vội kết luận rằng hiện tượng thứ hai (cây) là kết quả của hiện tượng thứ nhất (gieo hạt giống). Cái sai hoặc không chính xác ở đây là: Mắt không hề nhìn thấy nhiều yếu tố khác nữa đã tạo nên cái cây kia như: Đất, nước, không khí, ánh nắng mặt trời, khoáng chất, phân bón v.v.

*

Nhưng nếu kết luận rằng: “Cái hạt giống là do tôi gieo và rồi nhờ đất, nước, mặt trời v.v. mà cây mọc lên”. Thì cái kết luận của trí phàm này cũng vẫn không chính xác. Tại sao? Đó là bởi vì mắt “thật sự” chỉ “thấy” việc gieo hạt giống và thấy có cây mọc lên mà thôi, chứ có thấy gì khác đâu! Cái trí lấy kiến thức có sẵn từ “kho trí nhớ” (đất, nước, ánh sáng, v.v…) ráp chúng với các hiện tượng thấy – biết (gieo hạt và cây mọc lên) rồi đưa ra một kết luận. Tuy nhiên, nó đâu biết rằng cái cây đó có thể là do một hạt giống khác; Hoặc do một người khác trồng, hoặc do một ngàn lẻ một lý do khác thì sao?

Do đó, khi mắt nhìn thấy “A” rồi thấy tiếp theo là “B” thì cũng chưa có gì chắc chắn “B” là kết quả của “A”. Vì vậy, cái trí chính xác là cái trí chỉ thấy – biết “A” là “A” và “B” là “B”. Không tự động suy luận hay kết luận thêm gì nữa.

Sự lầm lạc của cái trí gây nên khổ đau: Thí dụ thứ hai

Khi vị thầy thuốc “chữa bệnh” xong, bệnh nhân hết bệnh. Cái trí của vị thầy thuốc kết luận: “Tui chữa hết bệnh”. Cái trí đó có thể cũng không chính xác. Vì biết đâu sau khi vị thầy thuốc “chữa bệnh” xong, rất có thể là muôn ngàn thứ khác như: Thực phẩm, hơi thở điều hòa, tinh thần thay đổi, tâm trí yên vui, duyên nghiệp đã dứt v.v… Hợp với cái “chữa bệnh” kia đã làm cho bệnh nhân hết bệnh.

Cái trí không hề nhận được những thông tin này. Giả như nó có nhận được đi nữa, nó vẫn tự động kết luận theo những cái biết sẵn có của nó. Cũng như khi thầy thuốc chữa mà bệnh nhân chết hoặc không hết bệnh. Ta cũng không thể kết luận là do thầy thuốc tồi quá hoặc kết luận là thuốc dở quá.

Sự lầm lạc của cái trí gây nên khổ đau: Thí dụ thứ ba

Vợ chồng giao hợp, sau chín tháng sinh ra một “con người” nhỏ xíu. Cái trí kết luận rằng: “Con người đó tôi tạo nên, nó là con của tôi và nó thuộc về tôi”. Trí kết luận như thế mặc dù nó không biết rằng có thể còn có những nhân duyên nào; Hoặc lực nào khác đã đưa cái “sinh linh” kia vào cuộc đời này?

Trong ba thí dụ trên, cho dù cái trí có dùng những kiến thức cất chứa sẵn để kết luận khác đi thì cũng vẫn không chính xác. Vì cái trí luôn bị giới hạn trong cái “biết” của nó. Trong cái giới hạn quan sát, nó có thói quen diễn giải, lý luận. Nó đem những “kiến thức” cũ lắp vào các khoảng trống của hiểu biết rồi kết luận.

Khái niệm trên có thể áp dụng cho cả hữu hình lẫn vô hình. Khi người có khả năng “nhìn” thấy một hình ảnh trong cõi vô hình. Hoặc “nhìn thấy” được tiền kiếp của một người rồi đi đến một kết luận nào đó. Mức độ chính xác vẫn còn tùy vào quá trình nhận biết và đi đến kết luận của trí lúc đó.

Làm sao để hết khổ đau

Câu trả lời vô cùng đơn giản: Hãy để cái trí của bạn vận hành một cách chân thực và chính xác. Điều này có nghĩa là gì? Một cái trí chân thực và chính xác chỉ nhận thông tin mà không hề thêm bớt. Nó trụ trong một Tĩnh Lặng không có phán xét hay suy diễn. Hoặc khi cần diễn giải, suy luận thì cái trí chân thực ấy nhận thức vấn đề trong Tĩnh Lặng; Đồng thời biết rằng mình đang suy luận, diễn giải và cũng tự ý thức rằng cái kết luận của mình có thể là không chính xác.

Tại sao chúng ta cần phải dùng cái trí “chân thực” trên đây? Vì phiền não là do sự sai lệch trong tiến trình nhận biết và suy diễn của trí phàm gây nên. Cứ mỗi lần ta cảm thấy đau khổ về việc gì, chỉ cần bình tâm, tự hỏi vài câu như sau là sẽ thấu hiểu được sự khổ đau của mình ngay:

*

Điều ta đang than phiền có phải là do trí ta suy luận dựa trên quan niệm, kiến thức cũ, định nghĩa về vai trò, trách nhiệm, mối liên hệ gia đình, xã hội không? Ta có bị phiền não vì trí ta đang suy diễn không? Khi người yêu trễ hẹn, có phải trí ta tự đặt ra hằng bao nhiêu lý do, diễn giải lung tung rồi cảm thấy đau khổ chăng? Khi ta nhìn thấy ông hàng xóm chở một người đàn bà lạ mặt trên xe, có phải trí của ta tự động và nhanh chóng kết luận về sự liên hệ của họ không?

Nói tóm lại, cứ mỗi khi trí ta đi đến một “kết luận” nào, ta nên ý thức tiến trình nhận biết của nó. Tiến trình nào của cái trí được gọi là chính xác? Đó là tiến trình được diễn ra trong sự Tĩnh Lặng hoàn toàn. Nó diễn ra mà không xét đoán, phê phán, đề nghị hoặc diễn giải. Nó chỉ là những quan sát và nhận biết trong yên bình.

(Nguyên nhân gây nên khổ đau là gì – Theo Tại và Hiện)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tam Tịnh Nhục là gì

1 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog