Lời Phật dạy về Đạo làm người
Pháp Giới 12 tháng trước

Lời Phật dạy về Đạo làm người

Lời Phật dạy về đạo làm người thường vô cùng giản dị, nhưng nghĩa lý thì sâu thăm thẳm, càng vào sâu càng không thấy đáy!

  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Lời Phật dạy về Đạo hiếu
  • Thiên Ma là loại ma gì
  • Chuyện tâm linh có thật.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • Sự thật về Cầu cơ.
  • Cách trị bóng đè linh nghiệm nhất.
  • Cách trị trẻ khóc dạ đề linh nghiệm nhất
Lời Phật dạy về Đạo làm người
Lời Phật dạy về Đạo làm người

Bởi thế xưa kia, ông Bạch Cư Dị hỏi Ô Sào Thiền Sư: “Thế nào là đại ý của Phật pháp?” Ngài Ô Sào đáp: “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”. Ông Bạch nói: “Hai câu ấy đứa trẻ lên ba cũng nói như thế được!”. Ngài Ô Sào nói: “Tuy đứa trẻ lên ba nói được, ông lão tám mươi làm không được!”.

Tổ Ấn Quang bảo: Phải biết đây chính là lời Phật dạy về đạo làm người tổng quan và thiết yếu nhất! Tại sao lại nói là lời Phật dạy đơn giản mà nghĩa lý sâu thăm thẳm? Bởi nội việc phân biệt được thế nào là việc thiện thế nào là việc ác thế gian đã chẳng mấy người thấu được rõ ngọn ngành.

Chúng ta đa phần không phân biệt được thế nào là làm việc thiện. Nên nhiều khi làm ác mà cứ tưởng là mình đang làm việc thiện. Do đây mà phước lành không đến. Lâu ngày dễ sanh tâm thối thất mà buông lung làm ác, cho rằng: “Làm việc thiện chẳng có lợi ích gì”. Vậy thế nào làm làm thiện?

Lời Phật dạy về Đạo làm người: Vâng làm mọi việc thiện

Xưa có một nhóm các nho sinh đến tham vấn hòa thượng Trung Phong, thưa hỏi rằng: “Nhà Phật đưa ra thuyết nhân quả báo ứng như bóng theo hình. Nhưng nay thấy người kia làm việc thiện mà con cháu họ không được hưng thịnh. Lại thấy người nọ làm việc ác mà con cháu họ sung túc thịnh vượng. Như vậy, thuyết của nhà Phật thật chẳng lấy gì để làm bằng cứ cả.”

Hòa thượng Trung Phong đáp: “Khi cảm xúc trần tục chưa dứt sạch thì con mắt chân chánh chưa thể khai mở. Đối với việc thiện mà xem là ác, đối với việc ác lại xem là thiện. Những việc như thế rất thường gặp. Sao các ông không tự trách chỗ thấy biết điên đảo sai lầm của mình mà ngược lại oán trách sự báo ứng của đạo trời cho là sai lệch?”

Các nho sinh liền hỏi: “Thiện và ác là hai điều trái ngược nhau, sao có thể nhận biết điên đảo như thầy nói?” Hòa thượng liền bảo họ mỗi người hãy đưa ra sự mô tả để phân biệt thiện ác.

Một người nói: “Mắng nhiếc, nhục mạ người khác là ác; Cung kính, lễ phép với người khác là thiện.”

Hòa thượng Trung Phong nói: “Chưa hẳn đã là như vậy.”

Một người khác nói: “Tham muốn tiền của, làm bậy để lấy của người khác là ác; Ngay thẳng thanh bạch không lừa gạt lấy của người khác là thiện.”

Hòa thượng Trung Phong lại nói: “Chưa hẳn đã là như vậy.”

*

Mỗi người trong nhóm nho sinh đều nói ra cách hiểu của mình, hòa thượng Trung Phong đều bảo là chưa đúng. Cuối cùng, cả nhóm cùng thưa thỉnh ngài nói ra lý lẽ đúng thật.

Hòa thượng bảo họ: “Việc làm mang lại lợi ích cho người khác, đó gọi là thiện. Việc làm chỉ mưu lợi ích riêng cho bản thân mình, đó gọi là ác. Nếu có thể mang lại lợi ích cho người, thì việc mắng nhiếc, nhục mạ người cũng đều là thiện. Nếu chỉ vì lợi ích riêng tư cho bản thân mình thì việc cung kính, lễ phép với người khác cũng đều là ác.

“Vì thế, người làm việc thiện lấy sự lợi ích cho người khác làm việc chung, thì việc chung ấy là chân thật. Xem lợi ích của bản thân mình là việc riêng tư, việc mưu lợi riêng tư ấy ắt là giả dối”. Làm việc thiện xuất phát từ tâm chân thành là chân thật. Không xuất phát từ bản tâm, chỉ bắt chước làm theo là giả dối.

“Làm việc thiện mà hoàn toàn không vướng chấp vào hình tướng là chân thật. Vướng mắc nơi hình tướng phân biệt là giả dối.“ Đối với hết thảy những việc tương tự khác, các ông đều nên dựa theo các nguyên tắc nêu trên mà tự mình khảo xét phân biệt giữa thiện hay ác, chân thật hay giả dối.”

Lời Phật dạy về Đạo làm người: Trọn hết bổn phận

Tổ Ấn Quang bảo: Phật pháp vốn chẳng lìa pháp thế gian. Con người sống trong thế gian phải biết giữ yên bổn phận. Với cha nói đến từ, với con nói đến hiếu, anh nhường, em kính, chồng xướng, vợ theo, ai nấy tận hết bổn phận để lập nền tảng. Từ đấy, lại thêm trọng lòng kính, giữ lòng thành, khắc kỷ, giữ lễ, hiểu nhân rõ quả, mong khỏi luân hồi; Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương.

Đối xử với người phải giữ lòng trung, với cha mẹ ông bà phải hiếu thảo; Với anh em phải giữ lòng kính trọng, thương yêu lẫn nhau, với bạn hữu phải giữ lòng tin cậy. Kế đó thờ Phật học kinh, thường nhớ nghĩ làm theo lời Phật dạy. Báo đáp bốn ơn sâu, thực hành rộng khắp theo Tam giáo.

Đây gọi là những điều trọng yếu về đạo làm người. Bởi thế Kinh Thiện Sanh, đức Phật dạy rất rõ ràng về Đạo làm người. Người học Phật nên một lần đọc qua kinh này để biết. Nay chỉ trích sơ lược những điều căn bản vào trong bài viết này mà thôi.

Lời Phật dạy về Đạo làm người: Bổn phận của người làm con

Phật dạy: “Này Thiện Sanh, kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều. Những gì là năm?

  1. Cung phụng không để thiếu thốn.
  2.  Muốn làm gì thưa cha mẹ biết.
  3. Không trái điều cha mẹ làm.
  4. Không trái điều cha mẹ dạy.
  5. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.
Lời Phật dạy về Đạo làm người: Bổn phận của Cha mẹ với con cái

Phật dạy: “Kẻ làm cha mẹ phải lấy năm điều này chăm sóc con cái:

  1. Ngăn con đừng để làm ác.
  2. Chỉ bày những điều ngay lành.
  3. Thương yêu đến tận xương tủy.
  4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp.
  5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng.

Này Thiện Sanh, kẻ làm con kính thuận và cung phụng cha mẹ thế thì phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.”

Lời Phật dạy về Đạo làm người: Bổn phận của người chồng

Phật dạy: “Này Thiện Sanh, chồng cũng phải có năm điều đối với vợ:

  1. Lấy lễ đối đãi nhau.
  2. Oai nghiêm không nghiệt.
  3. Cho ăn mặc phải thời.
  4. Cho trang sức phải thời.
  5. Phó thác việc nhà.
Lời Phật dạy về Đạo làm người: Bổn phận của người vợ

Phật dạy: “Này Thiện Sanh, chồng đối đãi vợ có năm điều, vợ cũng phải lấy năm việc cung kính đối với chồng. Những gì là năm?

  1. Dậy trước.
  2. Ngồi sau.
  3. Nói lời hòa nhã.
  4. Kính nhường tùy thuận.
  5. Đón trước ý chồng.

“Này Thiện Sanh, ấy là vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ.

Lời Phật dạy về Đạo làm người: Bổn phận với thân tộc

Phật dạy: “Này Thiện Sanh, người ta phải lấy năm điều thân kính đối với bà con:

  1. Chu cấp.
  2. Nói lời hiền hòa.
  3. Giúp đạt mục đích.
  4. Đồng lợi .
  5. Không khi dối.

Lời Phật dạy về Đạo làm người: Lời kết

Có người đến hỏi một vị tăng rằng: “Vì sao thân thể con người thì đứng thẳng mà đi, còn thân hình loài thú lại phải nằm ngang mà đi?”

Vị tăng đáp: “Sinh ra làm người, ấy là trong kiếp trước có tâm chính trực, ngay thẳng, nên kiếp này thân thể đứng thẳng mà đi. Sinh ra làm thú, ấy là trong kiếp trước tâm không chính trực, không ngay thẳng, nên kiếp này thân thể phải nằm ngang mà đi.”

Tâm ngay thẳng hoặc không ngay thẳng, vốn biến đổi trong từng khoảnh khắc, nên hình thể cũng theo đó mà biến đổi. Nay sinh làm người, mai sinh làm thú, chẳng phải chính là lẽ vô thường điên đảo đó sao? Lại chỉ riêng con người mới có sự hổ thẹn, do đó mà biết sử dụng y phục. Loài thú không biết hổ thẹn, mắc cỡ, nên không dùng y phục.

Con người lại nhờ có phước báo nên hai mùa nóng lạnh biết thay đổi dùng y phục thích hợp khác nhau. Còn loài thú do thiếu phước báo nên chỉ biết chịu đựng nóng lạnh hai mùa với bộ lông sẵn có.

*

Lại nữa, sinh ra làm người là trong đời trước thường nói những lời từ hòa, những lời lợi ích; Những lời thành thật, những lời tôn trọng, kính tin Tam bảo. Nên trong đời này tùy tâm biến hiện mà miệng có thể nói ra đủ điều.

Còn sinh ra làm thú là trong đời trước thường nói ra những lời ác độc, những lời dối trá; Những lời bới móc, soi mói việc riêng tư của người khác, những lời tranh chấp thị phi; Những lời nhơ nhớp xấu xa, phỉ báng Phật, phỉ báng Chánh pháp, không tin nhân quả. Vì thế nên đời này tuy có miệng mà không thể nói được thành lời; Dù chịu cảnh đói khát cũng không thể mở miệng xin cứu giúp; Dù bị hành hạ giết chóc, bị lóc da xẻ thịt cũng phải cam chịu chứ không thể nói lời biện bạch, kêu oan hay cầu xin tha mạng.

Lời Phật dạy về Đạo làm người: Trưng dẫn sự tích

Theo Quán Thế Âm Bổn Tích Cảm Ứng Tụng. Trong niên hiệu Thiên Khải đời Minh, thành Hàng Châu bị hỏa hoạn lớn. Có nhà buôn vùng Giang Hữu ở trên lầu cao chót vót, tự biết là không sao cứu được. Người ta thấy Quán Thế Âm Bồ Tát rưới nước bên lầu, người theo hộ vệ rất đông. Lửa tắt, mọi người hỏi ông ta đã làm điều lành nào? Thương nhân chối là chẳng làm điều lành nào.

Về sau, chú ông ta kể: “Khi cha nó mất, để lại năm trăm lạng vàng. Thằng cháu ấy là con vợ cả, đã trưởng thành, còn bốn em trai nó là con vợ kế hãy còn thơ ấu. Thằng cháu ấy buôn bán hai nươi năm, dành dụm được năm ngàn lượng vàng. Tới khi các em nó đã lập gia đình, bèn chia tài sản thành năm phần, chia đều cho các em. Cả họ đều khen ngợi là hiếu hạnh”.

Vâng làm các điều lành: Gia tộc nhiều đời Khoa Bảng

Huyện Thái Thương thuộc tỉnh Giang Tô có người tên Vương Tích Tước, tên tự là Nguyên Ngự, hiệu là Kinh Thạch. Vua ban tên thụy là Văn Túc. Ông bản tính khiêm tốn, nhân từ hòa ái, thường ngày luôn âm thầm làm rất nhiều việc công đức. Triều Minh, vào đời Minh Thần Tông, ông được phong đến chức Thủ phụ.

Tuy được sang quý hiển vinh, ông vẫn sống chung thủy trọn đời với vợ, không nạp tiểu thiếp. Chùa chiền các nơi bất kể lớn hay nhỏ ông đều ủng hộ, viết hoành phi cúng dường. Những năm về già, ông cho rước thợ về nấu vàng, bạc chế thành mực vẽ để vẽ tranh tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Sau tự tay viết bản Tâm kinh Bát-nhã lên mỗi bức, cúng dường phân phát cho rất nhiều người, bất kể số lượng.

Con trai của Vương Tích Tước là Vương Hoành, tức tiên sinh Câu Sơn, từng thi đỗ Bảng nhãn. Cháu nội của Vương Tích Tước là Vương Thời Mẫn, tức tiên sinh Yên Khách; Là người thường tu sửa đức hạnh, hết sức tin sâu Tam bảo. Mỗi buổi sáng đều dậy thật sớm súc miệng rửa mặt rồi lễ lạy tụng kinh. Ông thường nói với người khác rằng: “Ta từ năm 17 tuổi đã trì kinh Kim Cang mỗi ngày, cho đến nay gần 80 tuổi vẫn chưa từng bỏ sót ngày nào.”

Lời Phật dạy về Đạo làm người: Vâng làm các điều lành

Năm mất mùa đói kém, tiên sinh là người đầu tiên đề xuất việc bán gạo trong kho địa phương ra với giá thấp để bình ổn, cũng như nấu cháo cứu tế dân nghèo. Người cùng làng có ông Lục Doãn Thăng, hiệu là Hiếu Liêm, tên tự là Tử Tựu. Một hôm nằm mộng thấy mình đi đến một ngôi chùa lớn, có 6 người cùng gánh đậu tới. Nhìn vào chỗ đậu ấy thì thấy có đậu nành lẫn lộn với những hạt đậu ngựa rất to.

Hiếu Liêm lấy làm ngạc nhiên liền lên tiếng hỏi, có vị tăng già đứng bên cạnh đáp: “Đó là những việc thiện mà ông Yên Khách trước đây đã từng làm. Cứ mỗi việc thiện lớn thì tính bằng một hạt đậu ngựa, mỗi việc thiện nhỏ là một hạt đậu nành. Tất cả đã được 600 cân.”

Hiếu Liêm tỉnh dậy đem việc này kể với mọi người nên ai ai cũng biết. Tiên sinh Yên Khách sinh được 9 người con, hơn 20 người cháu, tất cả đều đỗ đạt cao, quan chức lớn. Người con thứ 8 là Vương Thiểm cũng được giữ cương vị quan trọng trong triều đình nhà Thanh. Tiên sinh cũng được triều truy tặng tước quan như con. Con cháu về sau nối đời vinh hiển không dứt.(An Sĩ Toàn Thư)

Lời Phật dạy về Đạo làm người: Công đức niệm Phật

Đời nhà Thanh, vào niên hiệu Thuận Trị năm thứ nhất. Vùng An Huy, huyện Thanh Dương, nhà Ngô Lục Phòng có người giúp việc tên là Ngô Mao. Ông này thường giữ Năm giới, làm nhiều việc thiện, niệm Phật không gián đoạn. Gặp lúc Tả Lương Ngọc đưa quân vượt Trường giang, cả nhà Ngô Lục Phòng đều phải đi lánh nạn, chỉ để lại một mình Ngô Mao thay chủ giữ nhà. Rốt lại Ngô Mao bị quân giặc bắt gặp đâm vào người 7 nhát mà chết.

Vừa khi ấy có người em của Ngô Mao đến, Ngô Mao chợt tỉnh lại nói với em: “Anh đời trước tạo nhiều tội nghiệp, lẽ ra phải thọ sinh làm thân lợn trong 7 kiếp. Nay nhờ công đức trì giới niệm Phật nên chịu 7 nhát dao đâm mà giải trừ hết sạch oan nghiệp đời trước. Từ nay anh được vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc.”

Về sau, người chủ là Ngô Lục Phòng có lần hốt nhiên nhìn thấy Ngô Mao trên đường thẳng đến, phía trước phía sau đều có cờ xí trang nghiêm che rợp. Ngô Mao đến trước Ngô Lục Phòng thi lễ rồi nói rằng: “Tôi là Ngô Mao, nhân có việc phải đến cõi trời, tình cờ ngang qua đây.” Nói xong thì biến mất. Ngô Lục Phòng liền cho người vẽ lại hình tượng Ngô Mao, mỗi ngày đều cung kính lễ bái.

Lời bàn

Chịu 7 nhát dao đâm thay đổi được 7 kiếp làm thân lợn, đó gọi là nghiệp báo nặng mà thọ báo nhẹ, dứt được tội đời trước. Nhờ công đức niệm Phật mà được vãng sinh, đó gọi là chuyển đổi thân phàm phu nhập vào dòng thánh. Do nền tảng tu tập chân chánh mà được hưởng quả siêu việt. (An Sĩ Toàn Thư).

(Lời Phật dạy về đạo làm người)

Tuệ Tâm 2021.

 

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Phật giáo Q.Bình Thạnh ủng hộ 150 triệu đồng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra

6 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog