Thần linh là gì
Pháp Giới 11 tháng trước

Thần linh là gì

Thần linh là những người khi sống thông minh chính trực, làm những việc có lợi cho nước cho dân. Sau khi chết hưởng phước báo làm thần, được người đời thờ cúng, đây là nói về bậc chánh thần. Các thần linh đều có thần thông, ưa xét việc thưởng thiện phạt ác, có thể can thiệp được vào cuộc sống của con người. Do đó người thiện lương thì được thần linh che chở hộ trì, kẻ xấu ác thường bị khinh ghét trách phạt.

  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Thiên ma là loại ma gì
  • Quỷ thần là gì
  • Âm đức là gì.
  • 10 chuyện Tâm linh có thật.
  • 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
Thần linh là gì, họ là ai?
Thần linh là gì, họ là ai?

Thần linh có hai hạng: Chánh thần và tà thần. Bậc chánh thần thì giữ lòng chân chánh hay giúp đỡ nhân gian. Hạng tà thần tâm niệm quỷ quyệt không chân thật, hoặc đa dâm đa sát, thường làm tổn hại cho người. Nói rộng ra thì như Kinh Địa Tạng liệt kê có vô số thần linh, như Thần Biển, Thần Sông, Thần Cây, Thần Núi, Thần Đất. Thần Ngày, Đêm, Thần chủ mạng v.v…Vì vậy thần linh có ở khắp nơi, mỗi vị đều có nhiệm vụ của riêng mình, coi sóc việc thế gian. Đa phần các thần linh như Thành hoàng, thổ địa, thần sông, hà bá.. đều có đức hiếu sinh, ghét sự giết hại.

Làm Thần linh có phải là siêu thăng không

Hiểu theo thế tục thì làm thần linh gọi là siêu thăng. Nhưng dùng sự thấu hiểu sáng suốt mà quán xét theo quan điểm Phật pháp thì đó chính là đọa lạc.

Ấy là vì người thế tục chỉ biết đời thứ hai mà không biết được đến đời thứ ba sau đó. Một khi đã là thần linh, tất phải thọ hưởng những phẩm vật cúng tế. Mà phần nhiều phẩm vật là do người đời sát sinh hại vật mà dâng cúng. Đã thọ hưởng những thứ ấy, ắt đời sau không tránh khỏi đọa vào các cảnh giới địa ngục, súc sinh.

Cho nên, người hiểu đạo trong lúc dạy người, phải luôn cảnh giác với mối nguy hiểm tiềm tàng là tái sinh vào cảnh giới thần linh. Phải gấp rút cầu sinh Tịnh độ, xác lập rõ ràng định hướng cho đời mình. Phải thường xuyên phát khởi thệ nguyện rộng sâu. Dựa vào đó mà làm kiên cố thêm nền tảng tâm đạo Bồ đề. Có như vậy thì mới tránh được mối nguy đọa lạc vào cảnh giới xấu ác.

Thần linh nếu không biết điều này cũng đọa Địa ngục

Những quỷ thần trên cạn dưới nước nói chung. Nếu thọ hưởng những vật do người đời sát sinh mà dâng cúng, đều đọa vào địa ngục. Người thế tục không biết điều này. Mỗi khi gặp phải tật bệnh liền bói toán cầu thần, buông thả làm việc giết hại sinh linh.

Việc này càng gây hại thêm cho người bệnh, khiến tội nghiệt chất chồng tội nghiệt. Từ khổ càng thêm khổ mà Thần linh do hưởng đồ sát sinh cúng tế, cũng đọa lạc Tam Đồ. Hạng thần linh này chính thật chỉ là những quỷ quái yêu tinh. Nếu nhờ đến bọn họ ban phước, bảo vệ hay giúp tăng thêm tuổi thọ, rốt cùng đều là chuyện không thể được.

Chuyện về Thần linh

Cũng đều là thần linh nhưng có vị thọ hưởng máu thịt cúng tế, có vị thì lại ưa chay tịnh. Vị thần linh nào hưởng máu thịt cúng tế, khi hết phước làm thần sẽ đọa vào địa ngục. Đời trước làm người chính trực nên mới trở thành thần. Trong số ấy, người sân hận nặng nề ắt rơi vào chỗ thọ hưởng máu thịt. Người có tâm từ ắt không thọ hưởng máu thịt.

Lại nữa, do đời trước làm thiện, bố thí nên mới trở thành thần. Trong số ấy, người không biết đến Tam bảo, chỉ tu việc thiện theo thế gian, ắt phúc đức nhiều hơn trí tuệ, sẽ rơi vào chỗ thọ hưởng máu thịt. Nếu người tin sâu nhân quả, bố thí theo pháp Phật, ắt trí tuệ vượt hơn phúc đức, sẽ không rơi vào thọ hưởng máu thịt

Ngài An Thế Cao độ Thần linh

Thời Đông Hán, ở Lạc Dương có vị cao tăng là An Thế Cao. Ngài vốn là thái tử của quốc vương nước An Tức, từ nhỏ đã nổi tiếng là người chí hiếu. Ngài thông minh trí tuệ hơn người, đọc hiểu thấu suốt sách vở trong thiên hạ. Thông thiên văn, hiểu rành y học. Có khả năng thông hiểu được ý nghĩa trong âm thanh của các loài chim thú…

Ngài An Thế Cao tự kể lại rằng: Trong đời trước ngài cũng xuất gia học đạo. Có người bạn đồng tu tính tình nóng nảy sân hận, can ngăn nhiều lần nhưng không thay đổi. Ngài có lời hứa đến đời này sẽ hóa độ cho người ấy.

Khoảng cuối đời Hán Linh Đế, ngài quyết định đến Giang Nam hoằng hóa, cũng là để hóa độ cho người bạn đời trước. Ngài đi đến một cái miếu ở hồ Động Đình, nổi tiếng rất linh thiêng. Khách buôn vãng lai đến đó cầu khấn thần linh đều có thể biết trước được hướng gió thuận hay nghịch. Vì thế nên người cầu đảo cúng tế ở đây không lúc nào ngớt.

Thần giữ miếu

Khi ngài An Thế Cao còn chưa đến, người giữ miếu nghe tiếng thần giữa hư không bảo rằng: “Trên thuyền sắp đến kia có một vị cao tăng, nên thỉnh vào miếu.” Người giữ miếu theo lời mách bảo của thần, đón thuyền mời ngài An Thế Cao vào miếu. Cùng đi trên thuyền có hơn 30 người cũng đều đi theo.

Khi vào miếu liền nghe tiếng thần nói rằng: “Tôi ngày trước cùng với thầy học đạo, kiếp này tôi làm thần ở miếu này. Trong phạm vi ngàn dặm quanh đây đều do tôi cai quản. Nhờ đời trước tu hạnh bố thí nên đời này được hưởng phước rất lớn. Nhưng do tâm nhiều sân hận nên phải đọa trong cảnh giới quỷ thần. Mạng tôi nay sắp dứt, chỉ còn trong sớm tối. Do những người vì tôi cúng tế cầu đảo thường giết hại sinh linh, nên tôi sợ rằng sau khi chết không khỏi đọa vào địa ngục, xin thầy từ bi cứu độ. Tôi có được ngàn cây vải lụa cùng nhiều đồ vật quý báu ở đây. Xin thầy vì tôi dùng những thứ ấy lo việc phụng sự Phật pháp.”

Độ Thần Linh siêu thoát

Ngài An Thế Cao bảo thần hiện thân gặp mặt, thần nói: “Thân hình tôi cực kỳ xấu xí, nếu hiện ra nhất định sẽ làm hại mọi người ở đây vì kinh sợ.” Ngài Thế Cao nói: “Không sao, mọi người đã biết, sẽ không lấy làm sợ hãi đâu.” Thần liền từ phía sau điện thờ hiện thân. Đưa phần đầu ra, thật là một con mãng xà cực lớn, không biết được phần thân với đuôi dài đến mức nào.

Mãng xà bò đến sát bên gối của ngài An Thế Cao. Ngài hướng về phía mãng xà tụng chú, rồi dặn dò dạy bảo nhiều điều. Mãng xà lắng nghe rơi lệ như mưa, thân hình sau đó dần dần biến mất. Ngài An Thế Cao nhận lấy vải lụa và những vật quý của thần miếu đã gửi gắm rồi từ biệt ra đi. Ngài mang những thứ ấy vì thần miếu mà xây dựng ngôi chùa Đông Tự. Hồi hướng phước báo cho thần linh trong miếu sớm tái sinh cõi lành.

Chẳng bao lâu sau, ngày nọ có một thiếu niên đến quỳ gối lễ tạ trước mặt ngài, sau đó biến mất. Ngài bảo người chung quanh rằng: “Đó là thần linh ở miếu hôm trước, nay đã thoát được hình thể xấu xí rồi.” Về sau có người nhìn thấy trong một cái đầm rộng lớn nổi lên xác con mãng xà cực lớn, thân dài nhiều dặm. Chỗ ấy nay chính là Xà thôn thuộc quận Tầm Dương.

Phật dạy về cúng tế thần linh

Người đời khi có bệnh tật liền giết hại vật mạng, cúng tế thần linh để cầu phúc cho mình. Họ không nghĩ đến việc mình cúng tế thần linh là vì muốn khỏi chết được sống. Lại giết hại sinh mạng khác để mong kéo dài mạng sống của mình. Thật không còn điều gì có thể trái nghịch lòng trời, ngược với lý lẽ hơn thế nữa.

Những người chính trực sau khi chết mới được làm thần, vậy lẽ nào thần linh lại có ý thiên lệch riêng tư? Mạng sống thật không thể kéo dài thêm bằng cách ấy. Nhưng nghiệp giết hại tạo ra thì còn đủ không mất, nhất định phải đền trả. Không riêng gì việc cầu khỏi bệnh sống lâu, hết thảy sự tế lễ cầu đảo tà thần ác quỷ để mong cầu những điều khác cũng đều như vậy. 

Cúng tế thần linh cầu đảo là vô ích

Kinh Dược Sư dạy rằng: “Giết hại muôn loài chúng sinh để cúng tế dâng lên thần linh. Hô gọi yêu ma quỷ quái, cầu xin ban phúc giúp đỡ cho mình. Muốn tăng thêm tuổi thọ, rốt cùng đều không thể. Hết thảy những sự cầu đảo tà thần như giết hại vật mạng cúng tế cầu sinh con. Cầu tiền tài của cải, cầu quan chức bổng lộc. Ví như có được sinh con, được tài lộc, được quan chức, vốn đều là do nghiệp riêng của người ấy mà được, không phải do quỷ thần.

Có những lúc ngẫu nhiên được thỏa nguyện, lại cho đó là có sự linh thiêng. Vậy nên niềm tin sai lệch càng thêm kiên cố, lại càng dốc lòng làm việc cúng tế như vậy nữa. Những kẻ rơi vào tà kiến quá nặng nề như vậy thật không thể cứu nổi, đáng thương thay!

Nếu quỷ thần không có khả năng tác động đến tuổi thọ dài ngắn của người, thì việc cầu đảo ắt không thể hiệu nghiệm. Người ta thấy có một số trường hợp bệnh nặng, thuốc men đều vô hiệu, đến khi cầu đảo thần linh thì được khỏi ngay. Vì thế mà tự cho là linh thiêng mà chẳng biết rằng: Cầu thần được lành bệnh, thì bệnh trước đó có thể là do quỷ thần gây ra. Nhưng tuổi thọ sau khi lành bệnh, chắc chắn không thể nhờ thần linh mà được kéo dài.

Cầu đảo rốt cuộc chỉ là mê tín mà thôi

Nếu thọ mạng chưa hết, dù không cầu đảo cũng sẽ lành bệnh. Nếu thọ mạng đã hết, dù cầu đảo cũng vô hiệu. Chẳng qua gặp phải những loại tà thần ác quỷ, tham muốn máu thịt, thừa cơ quấy nhiễu đòi hỏi. Kẻ ngu mê chỉ thấy sự trùng hợp ngẫu nhiên rồi tin chắc chẳng nghi ngờ.

Thấy người cầu đảo được khỏi bệnh thì cho là nhờ thần linh mà khỏi bệnh. Thấy người cầu đảo rồi vẫn bỏ mạng thì lại cho rằng vì người ấy không cầu đảo sớm hơn nên mới phải chết. Than ôi, hạng người như thế dám chắc rằng đời đời kiếp kiếp về sau sẽ phải sinh làm những con vật tế thần.

Kinh Thí dụ có nói rằng: “Quỷ thần có thể biết được thọ mạng, tội phúc của con người. Nhưng quỷ thần không thể cứu sống người hoặc giết chết người. Cũng không thể làm cho người trở nên giàu sang hay nghèo hèn. Họ chỉ muốn xúi giục người làm điều xấu ác, phạm tội giết hại. Rồi nhân lúc người bị suy yếu hao tổn tinh thần mà não loạn quấy nhiễu. Mục đích là để được người lập đền miếu thờ phụng, cúng tế.”

Thần linh Thổ Địa

Thần Thổ địa được tôn là “Phúc đức chánh thần”. Danh xưng này kết hợp bằng bốn từ, chẳng dễ dàng có hay tùy tiện tôn đại. Phần đông những người kém hiểu biết còn lầm Thổ địa với Thần tài, nhưng thực sự không phải thế. Là Thần Thổ địa thì phải hội đủ bốn điều:

  1. Phải có đủ phúc báu.
  2. Phải có đức hạnh.
  3. Phải thuộc chánh đạo (không tà).
  4. Phải là Yếu thần.(tức là vị thần rất quan trọng, không thể xem thường).

Trong kinh Địa Tạng phẩm mười từng nhắc và xác nhận: Nếu người nào ăn chay, tu tốt… thì thần Thổ địa rất hoan hỉ, luôn hộ vệ trú xứ đó hạnh phúc bình an. Bạn phải có đức hạnh tốt, thì quỷ thần mới khâm phục. Nếu đức hạnh thiếu, quỷ thần sẽ khinh chê bạn. Mà quỷ thần dù là hạng thấp nhất đi nữa, họ cũng có ngũ thông, còn chúng ta thì chẳng có thông nào. Điều mà chúng ta cần có là đức hạnh và lòng khiêm cung. Nếu ta tu mà có tâm cao ngạo, khinh rẻ quỷ thần, thì chẳng xứng đáng là kẻ học Phật chân chính. 

Chuyện về Thần linh Thổ Địa

Đại sư Thánh Nghiêm kể lại:

Khi ngài và đệ tử ở Pháp Cổ Sơn. Lúc đi trên đường có ngang qua một miếu Thổ địa nọ, ngài bèn bước vào xá lễ. Vị đệ tử thấy vậy hết sức bất bình, nói liền:

– Thưa sư phụ, đây đều thuộc phe đảng của Diêm la vương, chẳng nên dây dưa. Là người học Phật sao có thể xá lễ quỷ thần kia chứ?

Ngài Thánh Nghiêm đáp:

– Người học Phật đối với tất cả chúng sinh cần phải có tâm khiêm cung. Ta lễ kính là vì ông Thổ địa đây cũng là bậc đức cao hạnh quý, hộ trì một phương.

Nói xong hai người lại tiếp tục đi, nhưng chuyện xảy ra sau đó rất lạ: Khi họ đi qua một thửa ruộng, thì anh đệ tử không cẩn thận bị té nhào xuống. Anh càng cựa quậy lại bị lún càng sâu, không thể nào thoát ra được. Ngài Thánh Nghiêm lập tức hiểu ngay, mỉm cười bảo đệ tử:

– Con hãy mau mau hướng về Thần Thổ địa sám hối, nói: Là Đại thần chẳng nên chấp nhất lỗi người nhỏ mà chi.

*

Đệ tử làm y lời, thì chân liền bước lên được. Phải biết vị được làm thần Thổ địa không phải là chuyện dễ. Ít nhất lúc còn sinh tiền, đã tạo nhiều phúc đức, làm lợi cho một bá tính. Sau khi chết rồi, căn cứ vào phúc đức, phẩm hạnh sâu dày, mới có thể làm thần Thổ địa. Vì vậy bạn không nên xem thường công đức của Thổ địa. Thần Thổ địa cũng là hộ pháp.

Thí như bạn đến một địa phương nọ, tại địa phương này: Của người thì người quản, của quỷ thần thì thần linh quản. Mà cai quản chư quỷ thần đây chính là Thần hoàng, Thổ địa. Bạn nghĩ xem, nếu như chúng sinh cõi quỷ không ai quản, chẳng phải chúng sẽ làm loạn lên cả hay sao?

Là người học Phật, đối với mọi người cần có tâm khiêm cung lễ độ. Đã quy y rồi, nếu nhìn thấy Thần Thổ địa thì vẫn nên xá chào. Để tỏ lòng cảm tạ ngài đã hộ trì địa phương, khiến phong điều vũ thuận. Cần nên cảm ân và học tập theo gương tốt của Thổ địa, vì ông đã làm việc phúc thiện cho bá tính cả một vùng. Hành xử khiêm cung lễ độ như vậy mới là tô bồi thêm phúc đức cho mình. Điểm này rất quan trọng, không nên quên. Quy y Tam bảo: Là quy hướng, nương về Tam bảo. Còn cung kính đối với Thổ địa, là cảm ân ông. Phải biết chuyện xá lễ tuyệt đối không thể thay thế cho quy y, không phải là quy y ông.

*

Sống phải biết cung kính và cảm ân, đây chính là nhân cách cần có của con người. Chúng ta không nên kiêu căng khinh mạn. Vì cống cao ngã mạn là điều đại kỵ với người học Phật. Mỗi vị Phật đều có danh hiệu biểu trưng như: Phật là Vạn đức trang nghiêm, Bồ tát Quan Âm là Từ bi. Bồ tát Địa Tạng là Hiếu thuận, ngài Văn Thù là Trí tuệ. Thần Già lam là Trung nghĩa, còn Thổ địa thì là phúc đức chánh thần vì ông có phúc báu lẫn đức hạnh.

Chúng ta xá chào Thổ địa, không phải để cầu xin chi, mà chỉ là muốn làm giống như ông, học hạnh phụng hiến. Là chúng ta muốn tri ân ông mà thôi. Nên cung kính cảm tạ Thần hoàng, Thổ địa, đó là thể hiện lòng tri ân.

(Thần linh là gì – Theo An sĩ toàn thư )

Tuệ Tâm 2020.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Quảng Trị: Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh tổ chức Hội thi diễn giảng Phật pháp năm 2024

148 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog