Lễ Vu lan đối với Phật giáo Việt Nam là một ngày lễ trọng đại. Bởi vì người Việt Nam xưa nay nặng về chữ hiếu, tổ tiên ông bà cha mẹ chúng ta đều lấy chữ hiếu làm đầu, đạo Phật cũng là đạo hiếu. Cho nên gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên là một gương sáng, rất thích hợp với phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam.
Tất cả chúng ta đều thừa hưởng sự trao truyền từ cha mẹ mới có hình hài này. Đó là huyết thống chớ không phải chuyện bên ngoài. Cho nên cái hay dở tốt xấu của con cái là niềm vinh dự hay tủi buồn của cha mẹ. Vì vậy phận làm con không thể quên ơn cha mẹ, một trọng ơn không ai có thể từ bỏ được.
Nếu một người nào đó thấy cha mẹ già cả lẩm cẩm mà xem thường, như vậy là lỗi lầm lớn. Dù cha mẹ có lẩm cẩm đi nữa, chúng ta cũng nhớ rằng bản thân mình là một phần thân thể của cha mẹ, không thể tách rời, không thể đứng riêng, dù muốn chối bỏ cũng không chối bỏ được. Đã là thân phần của cha mẹ mà mình phụ rẫy, vong ơn thì không xứng đáng là một con người.
Trên thế gian này không có ơn nào quý báu cao cả hơn ơn cha mẹ, nếu chúng ta quên đi ơn này, thì những cái ơn thường trong xã hội chắc gì chúng ta nhớ, chắc gì chúng ta có lòng biết ơn và đền ơn. Cho nên muốn thành con người đạo đức, trước tiên phải là người con hiếu thảo. Phật tử tu theo Phật, không phải chỉ để cầu thoát ly sanh tử, mà còn phải làm tròn bổn phận làm người, làm con, cho nên cha mẹ là trên hết.
Tôn giả Mục Kiền Liên đã chứng A-la-hán rồi, mà Ngài chưa quên công ơn của mẹ, huống nữa chúng ta là phàm tăng phàm ni, lại dám quên ơn cha mẹ sao? Vì vậy trong ngày lễ Vu lan, chúng ta vừa lễ Phật, lễ Bồ-tát, lễ Thánh tăng, vừa tưởng nhớ công đức sinh thành của cha mẹ. Lễ Vu lan trọng đại vì vừa mang tính đạo pháp vừa mang tính dân tộc. Đây là ngày gợi nhắc cho chúng ta nhớ công đức cao quý mà ông bà tổ tiên ta đã hun đúc, dạy dỗ mình nên người.
Trong đạo Phật, khi nghĩ đến ơn đức cha mẹ thì chúng ta cố gắng tu hành để đền trả công ơn lớn lao ấy. Có thế mới xứng đáng là người Phật tử Việt Nam. Có một số người thắc mắc ngài Mục Kiền Liên đã chứng lục thông, nên mới hóa thân đến chỗ của mẹ trong cảnh ngạ quỷ đói khát, vậy tại sao không dùng thần lục cõng mẹ đi chỗ khác, như đưa lên cõi trời cho sung sướng, mà lại buồn khóc rồi trở về, không làm gì được. Đó là một vấn đề chúng ta cần phải hiểu cho thấu đáo.
Nhà Phật có câu “Thần thông bất năng địch nghiệp”, nghĩa là thần thông không thể diệt được định nghiệp. Một khi đã là định nghiệp rồi thì thần thông không thể thay đổi. Như trường hợp dòng họ Thích của Đức Phật, bị vua Tỳ Lưu Ly cử binh sang đánh, Ngài nhiều lần khuyên ngăn nhưng không được, cuối cùng cũng đành chịu cảnh thân tộc bị chém giết. Nên biết thần thông không thể chuyển được nghiệp, chỉ tu mới chuyển được nghiệp.
Ác nghiệp của bà Thanh Đề, mẹ Tôn giả Mục Kiền Liên là gì? Bỏn sẻn là một phần nhỏ, hiểm ác mới là trọng tội. Từ nghiệp hiểm ác bỏn sẻn mà đọa vào kiếp quỷ đói. Bà phải chịu quả đau khổ, dù con có thần thông cũng không cứu được. Sau khi Tôn giả trình lên Phật nỗi đau khổ của Ngài, Đức Phật dạy thỉnh chư Tăng làm lễ cầu nguyện cho mẹ Ngài chuyển kiếp ngạ quỷ.
Vâng lời Phật dạy, ngài Mục Kiền Liên thiết lễ trai tăng trang nghiêm thanh tịnh dâng cúng dường chư Thánh tăng nhân ngày Tự tứ, nguyện cầu cho mẹ được chuyển tâm niệm hiểm ác keo sẻn thành tâm lương thiện. Nhờ công đức, hùng lực tâm thanh tịnh của chư Tăng, bà Thanh Đề chuyển tâm nên được sanh lên cõi trời. Cảnh tùy tâm sanh, cho nên chuyển tâm là quan trọng. Chư Thánh tăng giúp bà Thanh Đề chuyển tâm, chớ quý ngài không trực tiếp đưa bà lên trời được.
Một điều quan trọng nữa là Tăng Ni phải đủ giới đức, đạo lực mới có thể giúp người chuyển tâm. Bản thân mình không thanh tịnh, không tu tập thì lấy phước đức ở đâu mà hồi hướng cho người ta. Hiểu như vậy rồi chúng ta phải lo tu. Chúng ta tu làm sao cho hiện đời được an lạc và khi nhắm mắt đi trên đường lành. Đó là điều mà tất cả Tăng Ni Phật tử phải biết lo xa, chuẩn bị trước chớ không phải tới giờ lâm chung mới tu. Tu như vậy đâu có kịp!
Nhiều người nghĩ chừng đó giao hết cho Tăng Ni cúng kiếng là xong. Nghĩ như vậy là sai lầm. Tăng Ni đã xong chưa, ổn chưa, việc này ai biết? Tốt hơn hết là mình tự lo cho bản thân, tự bồi công lập đức, gieo nhân lành thì nhất định hưởng quả lành, tạo nhân ác thì chắc chắn chuốc quả ác. Người ngoài chỉ hỗ trợ phần nào thôi. Cho nên tôi khuyên tất cả quý vị hãy siêng năng tạo các thiện nghiệp, lánh xa ác nghiệp, nỗ lực tu tập để hồi hướng phước về cho cha mẹ. Đó là cách báo hiếu tốt đẹp, quý báu nhất trong nhà Phật.
Tăng Ni phải đủ giới đức, đạo lực mới có thể giúp người chuyển tâm. Bản thân mình không thanh tịnh, không tu tập thì lấy phước đức ở đâu mà hồi hướng cho người ta. Hiểu như vậy rồi chúng ta phải lo tu. Chúng ta tu làm sao cho hiện đời được an lạc và khi nhắm mắt đi trên đường lành. Đó là điều mà tất cả Tăng Ni Phật tử phải biết lo xa, chuẩn bị trước chớ không phải tới giờ lâm chung mới tu. Tu như vậy đâu có kịp!
Phật tử nỗ lực tu tập thế nào? Không có gì hơn là hỷ xả. Hỷ xả là vui lòng bỏ hết, đừng thèm chứa chấp giận hờn, thù oán. Tại sao phải bỏ những thứ đó? Vì khi sắp lâm chung, tâm niệm nào mạnh nó sẽ dẫn mình đi vào đường lành hay đường dữ. Thâm tâm mình thường nhớ những người nào? Người mình thương, người mình ghét? Người mình thương nhớ đã đành, mà người mình ghét cũng hay nhớ lắm. Đó là cái họa lớn.
Nhiều vị nói tôi giận cô ấy ba chục năm không quên. Tưởng như vậy là hay, là nhớ giỏi, nhưng không ngờ đó là họa lớn. Nhớ người oán thù làm cho mình khổ, như chứa lửa than trong lòng, chứ có sướng ích gì đâu mà ôm ấp mãi. Thế thì chúng ta nên nhớ hay nên bỏ? Nên bỏ. Đó là tôi chỉ nói cái họa lúc sống, còn khi chết càng họa hơn. Bởi vì khi sắp lâm chung, nhớ đến người mình ghét thì tìm cách trả thù, bản thân trả không trả được thì căn dặn con cháu phải trả thù thế. Từ đó nuôi dưỡng tâm niệm giết hại nhau, vay trả trả vay từ đời này tới đời khác, thật nguy hiểm vô cùng.
Như vậy muốn hiện tại sống an lành, mai kia đi một cách thanh thản nhẹ nhàng thì phải tập tu hạnh hỷ xả. Hờn ai, giận ai, oán thù ai… bỏ hết. Bỏ nhiều chừng nào tốt chừng nấy, bỏ sạch rồi thì bảo đảm quý vị ra đi an lành.
Thiền sư Thích Thanh Từ |
Có một Phật tử nhờ tôi trả lời câu hỏi của đứa con sáu tuổi:
– Thưa mẹ, mẹ dạy con niệm Phật, vậy Phật niệm ai?
Cô trả lời không được, nhờ tôi trả lời dùm. Tôi bảo:
– Chúng sanh niệm Phật thì Phật niệm lại chúng sanh.
Đó là chuyện đương nhiên, phải không? Bởi vì Phật đâu có cầu mong gì hơn là độ chúng sanh. Muốn độ chúng sanh thì phải nhớ chúng sanh, nghĩ tới chúng sanh mới độ được. Nếu không nhớ không nghĩ, làm sao độ? Mình nhớ Phật, nghĩ tới Phật, niệm Phật để được về với Phật, thì Phật cũng cảm được lòng mình nên sẵn sàng tiếp độ. Đó là điều rất công bằng. Bây giờ chúng ta chưa phải Phật, nhưng đang tu tập hạnh của Phật. Đức Phật thương Phật nhớ chúng sanh, thì mình cũng tập thương nhớ chúng sanh. Chúng sanh gần nhất là cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc của mình. Làm sao giúp họ tu tập, sửa đổi những nghiệp bất thiện thành nghiệp thiện. Đó là hạnh hiếu tốt nhất, xứng đáng nhất của người con Phật.
Nhân ngày Vu lan, tôi có đôi lời nhắn nhủ đến Tăng Ni Phật tử về cách báo đáp công đức lớn lao của cha mẹ, mong quý vị ghi nhớ và ứng dụng cho tốt. Có thế chúng ta mới xứng đáng là đệ tử Phật, là người con hiếu hạnh của dân tộc Việt, đất nước Việt.