Kinh Pháp Cú Thí Dụ ♦ Quyển 2
Thuở xưa khi Phật vừa đắc Đạo, Ngài giáo hóa chúng sanh ở thành Vương Xá, rồi triển chuyển đến thành Phong Đức. Bấy giờ các quốc vương và quần thần, không ai là chẳng kính ngưỡng.
Đương thời có một đại thương chủ tên là Viên Mãn. Ông cùng với 500 thương nhân vào biển tìm châu báu.
Khi ấy thần biển xòe ra một bụm nước trên tay và hỏi Đại thương chủ Viên Mãn rằng:
“Nước trong biển nhiều hơn hay bụm nước trong tay ta nhiều hơn?”
Đại thương chủ Viên Mãn đáp rằng:
“Bụm nước trong tay ngài nhiều hơn.
Vì sao thế? Bởi nước trong biển tuy nhiều nhưng chẳng có lợi ích và không thể cứu người đang khát. Bụm nước trong tay ngài tuy ít nhưng nếu lấy cho người đang khát thì sẽ cứu sống họ. Cho nên một bụm nước có thể giúp người được lợi ích nhiều không thể tính kể.”
Thần biển hoan hỷ và ngợi khen lành thay, rồi liền cởi xuống tám loại hương sức anh lạc trên thân và tặng nhiều trân bảo bảy báu cho Đại thương chủ Viên Mãn. Thần biển cũng đích thân hộ tống, nên khiến ông trở về nước Phong Đức bình an. Sau đó Đại thương chủ Viên Mãn cầm những hương sức anh lạc dâng lên cho vua Thắng Quân và thuật lại mọi việc.
“[Tâu đại vương!] Những hương sức anh lạc quý báu này, hạ nhân không dám đeo. Hạ nhân kính cẩn dâng lên cho đại vương. Mong đại vương thu nhận.”
Khi được những hương sức anh lạc, nhà vua vô cùng phấn khởi và liền sai người gọi tất cả hậu cung mỹ nữ hãy đứng ngay ngắn ở trước điện.
[Ngài nghĩ:]
“Nếu ai là người mỹ lệ nhất, ta sẽ ban thưởng những hương sức anh lạc này.”
Khi 60.000 hậu cung mỹ nữ đều đã đến trình diện chỉnh tề, nhà vua hỏi rằng:
“Tại sao Phu nhân Man Hoa không đến?”
Thị nữ tâu rằng:
“[Tâu đại vương!] Hôm nay là ngày rằm, phu nhân thọ trì trai giới của Phật và mặc áo trắng đơn sơ. Cho nên phu nhân không đến.”
Nhà vua liền nổi giận và sai người truyền lời rằng:
“Hôm nay phu nhân thọ trì trai giới và dám làm trái ý trẫm, chẳng lẽ không sợ chết hay sao?”
Nhà vua sai người truyền lời ba lần như thế. Khi đó Phu nhân Man Hoa với quần áo trắng thanh tịnh đi đến. Bấy giờ ở giữa muôn người, Phu nhân Man Hoa sáng rỡ như vầng nhật nguyệt và đoan nghiêm gấp bội hơn lúc bình thường.
Nhà vua hết sức kinh ngạc và hỏi rằng:
“Nàng tu tạo công đức gì mà hôm nay sáng ngời như thế?”
Phu nhân tâu rằng:
“[Tâu đại vương!] Thần thiếp tự nghĩ mình kém phước, sanh làm thân nữ bất tịnh, tình thâm nghiệp trọng và ngày ngày chồng chất như núi. Thần thiếp nghĩ đến đời người ngắn ngủi và sợ đọa ba đường ác. Thế nên mỗi tháng vào ngày rằm, thần thiếp thọ trì trai giới của Phật, cắt ái phụng Đạo và mong đời đời được phước báo.”
Nghe xong, nhà vua hoan hỷ và liền ban cho Phu nhân Man Hoa những hương sức anh lạc.
Phu nhân tâu rằng:
“[Tâu đại vương!] Hôm nay thần thiếp thọ trì trai giới. Thần thiếp không nên đeo những trang sức này. Mong đại vương hãy thưởng cho các phu nhân khác.”
Nhà vua nói rằng:
“Trước đó trẫm đã quyết định là sẽ ban thưởng cho ai mỹ lệ nhất. Hôm nay nàng là người đẹp nhất, và còn phụng trì trai giới cao thượng của Phật, nên trẫm mới thưởng thí. Nếu nàng không nhận, thử hỏi trẫm phải làm sao?”
Phu nhân tâu rằng:
“Đại vương chớ ưu sầu. Xin đại vương cùng thần thiếp đi đến chỗ của Phật và cầm những hương sức anh lạc này để dâng lên cho Thế Tôn. Nhân đó chúng ta cũng sẽ nghe được lời dạy của Phật và gieo trồng phước báo cho đời sau.”
Nhà vua liền đồng ý và bảo hạ nhân chuẩn bị xe ngựa, rồi đi đến chỗ của Phật. Khi đến nơi, ngài cúi đầu sát đất và ngồi qua một bên.
Nhà vua bạch Phật rằng:
“[Bạch Thế Tôn!] Đây là những hương sức anh lạc mà thần biển đã tặng cho Đại thương chủ Viên Mãn. 60.000 hậu cung mỹ nữ đều mong muốn có được. Con chỉ ban thưởng cho Phu nhân Man Hoa, nhưng phu nhân đang thọ trì trai giới của Phật, lòng chẳng hề tham muốn và đã không nhận. Con nay kính cẩn dâng lên Đức Phật. Xin Thế Tôn hãy rủ lòng thương xót mà nhận lấy cho.
[Bạch Thế Tôn!] Các đệ tử nào của Thế Tôn với hết lòng tín tâm thọ trì trai giới như thế, họ sẽ được phước gì?”
Bấy giờ Thế Tôn nhận lấy những hương sức anh lạc và liền nói kệ rằng:
“Lấy nhiều hoa xinh đẹp
Kết thành vòng trang sức
Ai rộng tích thiện căn
Đời sau sanh chốn lành
Kỳ hoa dị thảo hương
Không ngược làn gió thổi
Hiền giả gần Chánh Đạo
Đức hạnh tỏa ngát thơm
Hương mộc và hương đàn
Cùng hương hoa sen xanh
Tuy ngửi thật ngát thơm
Không bằng giới đức hương
Hương hoa tỏa nhạt nhòa
Chẳng thể gọi là thật
Huân tu trì giới hương
Thù thắng thơm thấu trời
Thành tựu đầy đủ giới
Tu hành chẳng buông lung
Định tuệ đoạn sanh tử
Vĩnh viễn lìa tà ma”
Khi nói kệ xong, Đức Phật lại bảo nhà vua rằng:
“Phước đức của thọ trì trai giới sẽ được tiếng thơm vang xa. Cho dù khắp 16 đại quốc có toàn trân bảo và có người lấy hết để làm bố thí đi nữa, thì cũng không bằng phước đức của Phu nhân Man Hoa đã thọ trì trai giới của Phật chỉ một ngày một đêm. Phước của người bố thí ở trước mà so với phước trì trai, thì như một hạt đậu so với núi Diệu Cao. Bởi vậy, những ai tích phước và tu học trí tuệ thì sẽ có thể đến tịch diệt.”
Khi ấy nhà vua và phu nhân, quần thần bách quan, không ai là chẳng hoan hỷ và thọ trì phụng hành lời dạy của Phật.
Thuở xưa Đức Phật ở trên núi Thứu Phong gần thành Vương Xá. Đương thời trong thành có 50 trưởng giả tử đến chỗ của Phật, đảnh lễ rồi ngồi xuống.
Khi ấy Phật nói rằng, các pháp là khổ, không, vô thường, vô ngã. Ân ái như giấc mộng, có hợp ắt có tan. Tôn quý giàu sang cũng phải chịu khổ đau. Duy chỉ có tịch diệt là vĩnh viễn lìa xa sanh tử, diệt sạch mọi tai ương, và mới có thể đạt đến niềm an lạc cứu cánh.
Sau khi nghe Pháp, 50 trưởng giả tử hoan hỷ và xin làm đệ tử.
Đức Phật bảo:
“Thiện lai, Bhikṣu [bíc su]!”
Khi ấy râu tóc của họ tự rụng, Pháp y khoác trên thân và liền trở thành Đạo Nhân. Các vị Đạo Nhân này có một người thân hữu là trưởng giả. Khi nghe tin họ xuất gia, ông rất vui mừng và đi đến núi Thứu Phong để gặp.
Khi thấy họ, ông tán thán rằng:
“Các vị thật có phước lành lớn lao nên mới được xuất gia.”
Sau đó ông thiết lễ cúng dường và thỉnh Phật cùng chư Tăng đến nhà. Sáng hôm sau, Đức Phật dẫn đại chúng đến nhà của ông để thọ trai. Khi ăn xong, Đức Phật thuyết Pháp và khoảng xế trưa mới trở về.
Bấy giờ các vị Đạo Nhân mới xuất gia học Đạo đều lưu luyến thân thuộc và muốn hoàn tục. Đức Phật biết ý nghĩ của họ nên dẫn ra khỏi cửa thành. Ngài thấy trong mương ruộng có hoa sen đang mọc ở giữa phân bùn dơ bẩn. Các hoa sen có năm màu và tỏa hương thơm khiết. Mùi thơm của chúng phảng phất đến nỗi che lấp các mùi hôi thối.
Nhân đó, Phật liền nói kệ rằng:
“Ví như ở mương ruộng
Gần cạnh nơi đại lộ
Trong đó mọc hoa sen
Thơm khiết rất đáng yêu
Có sanh ắt phải chết
Phàm phu ưa nơi đó
Bậc trí quyết thoát ra
Đó là đệ tử Phật”
Khi nói kệ xong, Phật liền trở về trong núi.
Bấy giờ Hiền giả Khánh Hỷ ở trước Phật thưa rằng:
“[Thưa Thế Tôn!] Vừa rồi Thế Tôn đi qua chỗ mương ruộng và đã nói hai bài kệ. Tuy nhiên, con không hiểu ý nghĩa của chúng. Nay con mong muốn được nghe.”
Phật bảo ngài Khánh Hỷ:
“Ông có thấy trong mương ruộng có hoa sen đang mọc ở giữa phân bùn dơ bẩn bất tịnh chăng?”
“Dạ, con có thấy!”
Đức Phật bảo:
“Này Khánh Hỷ! Con người sống ở thế gian, họ triển chuyển trong vòng sanh tử. Họ có thể sống đến trăm tuổi hoặc bị đoản mạng, vợ con ân ái, hoặc chịu đói khát nóng lạnh, hoặc có lúc buồn hay vui. Đời người là nơi tụ hội của một xấu, hai tốt, ba độc, bốn đảo, năm uẩn, sáu nhập, bảy thức, tám tà, chín não, và mười ác. Đây ví như ở trong mương ruộng ẩn chứa phân bùn dơ bẩn bất tịnh.
Rồi ở chốn sanh tử kia, hốt nhiên có người giác ngộ, rằng thế gian là vô thường, nên họ phát tâm học Đạo, tu hạnh thanh tịnh, định tâm ý, diệt vọng tưởng, và tự đắc Đạo. Đây cũng như giữa bùn dơ mọc ra hoa sen xinh đẹp. Rồi sau đó, khi đã tự mình đắc Đạo, họ lại trở về hóa độ thân bằng quyến thuộc. Họ khiến tất cả chúng sanh đều được khai ngộ. Đây cũng như hương hoa tỏa lấp mùi xú uế vậy.”
Khi nghe Phật thuyết Pháp, Đạo tâm của 50 vị Bhikṣu được kiên cố và liền đắc Đạo Ứng Chân.
Vào thời Đức Phật giáo hóa chúng sanh ở thành Phong Đức, bấy giờ trong thành có một Phạm Chí, tuổi gần 80, giàu sang vô cùng, bổn tánh ngoan cố ngu ám, keo kiệt khó giáo hóa, chẳng biết Chánh Đạo và chẳng biết vô thường. Khi ấy ông muốn xây thêm một tòa nhà đẹp. Nhà của ông ta có đại sảnh ở trước và hậu đường ở sau. Có nhà nghỉ mát ở mùa hè và nhà sưởi ấm cho mùa đông. Còn hai bên của dãy nhà có khoảng vài chục căn phòng. Tuy nhiên chỉ có nhà che nắng ở phía sau đại sảnh là chưa xây xong.
Bấy giờ Phạm Chí luôn tự mình chỉ huy công nhân để xây dựng. Với Đạo nhãn, Đức Phật thấy ông lão này sống không qua khỏi hết ngày hôm nay. Thế nhưng ông chẳng thể tự biết mà cứ mải mê với công việc bận rộn, khiến thân gầy sức kiệt, tinh thần hoảng hốt–thật quá đáng thương.
Khi ấy Phật dẫn theo ngài Khánh Hỷ đi đến trước cổng nhà và hỏi thăm ông lão rằng:
“Ông bề bộn với công việc như thế mà không mệt mỏi à? Nay ông xây căn nhà này định để làm gì?”
Ông lão đáp rằng:
“Đại sảnh ở trước dùng để tiếp đãi quan khách. Hậu đường ở sau thì cho tôi ở. Những căn phòng ở hai bên dãy thì cho con cái chung sống, hoặc dùng cất chứa tài vật và cho nô bộc ở. Mùa hè tôi lên nhà nghỉ mát. Còn mùa đông tôi vào nhà sưởi ấm.”
Phật bảo ông lão rằng:
“Tôi đã từ lâu nghe đại danh của ông. Nay mới có dịp nói chuyện với ông. Tôi có những bài kệ trọng yếu, có thể khiến kẻ sống và người mất đều được lợi ích. Tôi muốn mang bài kệ này tặng cho ông. Không biết ông có thể tạm gác lại công việc để cùng ngồi xuống và đàm luận chăng?”
Ông lão đáp rằng:
“Hiện giờ tôi rất bận, không thể nào cùng ngồi với ngài để đàm luận đâu. Ngày khác ngài hãy đến, rồi chúng ta sẽ cùng đàm luận. Ngài nói là có bài kệ trọng yếu gì đó, hãy cứ nói ra đi!”
Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:
“Có tiền có con cái
Kẻ ngu mãi lo toan
Cả ta chẳng phải ta
Huống nữa tiền và con?
Mùa hè sống ở đây
Mùa đông sống ở đây
Kẻ ngu lo lắm việc
Chẳng biết tương lai biến
Dù ngu đần cực điểm
Tự nhận biết sẽ khôn
Ngu mà cho mình giỏi
Đó mới là cực ngu”
Phạm Chí nói rằng:
“Đạo lý trong bài kệ của ngài nói rất hay. Bây giờ tôi thật sự quá bận, thôi hôm khác ngài hãy đến để trò chuyện thêm vậy.”
Bấy giờ Thế Tôn chỉ biết thương xót mà ra đi. Sau đó ông lão tự mình sửa chữa sườn nhà, nhưng chẳng may bị sườn nhà mục nát rớt trúng đầu và lập tức thiệt mạng. Tất cả gia quyến khóc than và làm kinh động đến láng giềng xung quanh. Phật vừa đi chẳng xa thì liền có tai biến này. Bấy giờ Đức Phật đến đầu thôn và gặp khoảng vài chục Phạm Chí đang ở đó.
Các Phạm Chí hỏi Phật rằng:
“Ngài từ đâu đến đây?”
Đức Phật bảo:
“Ta vừa đến nhà của một ông phú gia để thuyết Pháp cho ông ấy. Tuy nhiên ông ta không tin lời Phật dạy và chẳng biết vô thường. Hiện tại ông ta hốt nhiên đã qua đời.”
Lúc ấy Đức Phật vì các Phạm Chí mà nói lại đầy đủ ý nghĩa của bài kệ đã nói trước đây. Khi nghe rồi, họ vui mừng và liền thấy dấu Đạo.
Lúc bấy giờ Thế Tôn nói kệ rằng:
“Ngu ám gần bậc trí
Ví như vá múc canh
Cho dù múc luôn khi
Vẫn không biết vị gì
Thông minh gần bậc trí
Ví như lưỡi nếm vị
Dù chỉ một thoáng thôi
Pháp yếu liền rõ thông
Hành động của kẻ ngu
Khiến thân chiêu hoạn nạn
Ưa khoái làm việc ác
Tai ương tự chuốc lấy
Hành vi mà bất thiện
Về sau lòng hối hận
Nước mắt chảy đầm đìa
Báo ứng nghiệp ác xưa”
Khi lại nghe được những bài kệ này, các Phạm chí có thêm lợi ích và càng tin sâu hơn. Sau đó họ đảnh lễ Phật và hoan hỷ phụng hành.
Thuở xưa Đức Phật thuyết Pháp cho hàng trời người ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức.
Bấy giờ vua Thắng Quân có một công chúa góa chồng tên là Kim Cang. Do bởi góa chồng từ thời còn trẻ mà vẫn chưa tái giá, nên cha mẹ rất thương yêu. Họ đặc biệt xây một cung điện xinh đẹp và cung cấp 500 nghệ nữ để cho cô sinh hoạt vui vẻ. Ở trong chúng nghệ nữ có một người nữ lớn tuổi tên là Độ Thắng, luôn được sai đến chợ để mua son phấn và hương hoa.
Khi thấy vô số đại chúng, nam tử nữ nhân, cầm theo hương hoa ra khỏi thành để đến chỗ của Phật, nên liền hỏi những người qua đường rằng:
“Xin cho hỏi các người đi đâu vậy?”
Mọi người đáp rằng:
“Nay Phật đã xuất hiện ở thế gian, là bậc tôn quý của ba cõi. Ngài độ thoát chúng sanh và khiến họ đều được tịch diệt.”
Khi nghe xong, trong lòng của Nghệ nữ Độ Thắng vui mừng khôn xiết và liền tự nghĩ thầm:
“Nay mình đến lúc tuổi già mới thấy được Phật. Đây quả thật là phước báo của đời trước đến.”
Thế là Nghệ nữ Độ Thắng liền lấy bớt một phần tiền dùng để mua hương mà mua hoa đẹp, rồi theo mọi người đến chỗ của Phật. Khi đảnh lễ xong, Nghệ nữ Độ Thắng đứng qua một bên và thắp hương rải hoa. Sau khi đã nhất tâm nghe Pháp, Nghệ nữ Độ Thắng ghé qua chợ lấy hương. Do nhờ công đức nghe Pháp và phước đức của đời trước nên mùi hương tỏa ngát gấp bội hơn trước đây. Nhân bởi đi lâu mới về nên khiến chủ nhân nghi ngờ và cật vấn.
Nghệ nữ Độ Thắng giữ chí phụng Đạo nên liền kể rõ sự tình:
“[Thưa công chúa!] Thế gian có một vị thánh sư, là bậc tôn quý của ba cõi. Ngài đánh trống Pháp vô thượng chấn động khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Có vô số người đến nghe Pháp ở chỗ Ngài và con cũng theo họ đi nghe Pháp, nên con mới về trễ.”
Khi nghe Nghệ nữ Độ Thắng nói Pháp của Thế Tôn rất vi diệu và thâm sâu, Công chúa Kim Cang và các nghệ nữ vừa mừng vừa sợ, rồi tự than thở rằng:
“Chúng ta đã tạo tội gì mà không có duyên được nghe Pháp?”
Công chúa liền nói với Nghệ nữ Độ Thắng rằng:
“Hãy vì ta mà nói lại Pháp của Thế Tôn.”
Nghệ nữ Độ Thắng thưa rằng:
“Thân con hạ tiện, lời nói bất tịnh, nên không dám tuyên nói. Xin chủ nhân cho phép con đi thưa hỏi Đức Phật, rồi sẽ phụng mệnh thuyết Pháp.”
Công chúa liền bảo đi và căn dặn thêm rằng:
“Hãy ráng nhớ mọi quy tắc lễ nghi, rồi trở về ngay!”
Trong khi Nghệ nữ Độ Thắng còn chưa về, các thị nữ của Công chúa Kim Cang đã đợi sẵn ở trước sân như con chờ mẹ.
Phật bảo Nghệ nữ Độ Thắng rằng:
“Con hãy trở về thuyết Pháp, sẽ độ thoát rất nhiều người. Nghi thức đầu tiên của thuyết Pháp là cần an trí một tòa cao.”
Nghệ nữ Độ Thắng tiếp thọ giáo sắc và tuyên lại tường tận lời chỉ dạy của bậc thánh. Mọi người đều vui mừng vô cùng, rồi ai nấy đều cởi y phục trên cổ xuống và chất làm tòa cao. Khi đã tắm gội sạch sẽ, Nghệ nữ Độ Thắng nương uy thần của Phật và như lời ứng thỉnh mà thuyết Pháp. Bấy giờ Công chúa Kim Cang và 500 nghệ nữ phá trừ lưới nghi và đắc Quả Nhập Lưu.
Đương lúc ấy có lửa bốc cháy ở cung điện, nhưng do họ chú tâm nghe Nghệ nữ Độ Thắng thuyết Pháp vi diệu thâm sâu, nên tất cả đồng thời bị lửa thiêu chết. Sau khi chết, họ liền sanh lên trời. Lúc ấy nhà vua dẫn người đến cứu hỏa nhưng thấy mọi thứ đã cháy rụi. Ngài cho người thu nhặt thi thể để chôn cất. Khi đã mai táng xong, nhà vua ghé qua chỗ của Phật, đảnh lễ Đức Phật và lui xuống ngồi ở chỗ thường ngồi.
Phật hỏi nhà vua rằng:
“Đại vương từ đâu đến?”
Nhà vua chắp tay thưa rằng:
“[Thưa Thế Tôn!] Công chúa Kim Cang của con bất hạnh. Tất cả lớn nhỏ chẳng may đều bị lửa thiêu chết. Con vừa mới an táng xong. Tuy nhiên, con không biết ái nữ đã tạo tội gì mà mắc phải hỏa hoạn. Kính mong Thế Tôn hãy nói rõ cho con hay.”
Phật bảo đại vương:
“Vào thuở quá khứ có một thành quách tên là Lộc Dã. Trong thành có một phu nhân của trưởng giả dẫn theo 500 thể nữ ra ngoài thành để làm đại lễ cúng tế. Trừ họ ra, nghi lễ của họ không cho bất cứ dòng họ nào khác đến gần. Hễ có ai đến gần, chẳng kể kẻ lạ người thân, đều bị ném vào trong lửa.
Thuở ấy trong đời có một vị Độc Giác sống ở trên núi, tên là Thời Phân. Buổi sáng ngài hạ sơn khất thực và chiều tối trở về lại trong núi. Có một hôm vị Độc Giác đi khất thực và đi đến ngôi đền đó. Khi thấy vậy, bà phu nhân của trưởng giả tức giận dữ dội và bắt vị Độc Giác quăng vào trong đám lửa, khiến toàn thân cháy chín. Lúc ấy vị Độc Giác liền hiện thần túc và bay lên hư không.
Khi đó mọi người kinh hoàng, khóc lóc sám hối, hai gối quỳ, và ngẩng đầu lên mà ăn năn rằng:
“Nữ nhân chúng con ngu xuẩn, chẳng biết bậc thánh nhân. Chúng con ngu si mê muội mà dám hủy nhục đến thần linh. Chúng con hối hận về tội ác nặng như núi đã làm. Xin ngài rủ lòng thương xót mà tiêu trừ tai ương cho chúng con.”
Khi nghe tiếng sám hối của họ, vị Độc Giác bay hạ xuống và vào tịch diệt. Sau đó, các người nữ cùng nhau xây tháp để cúng dường xá-lợi.”
Bấy giờ Đức Phật nói kệ cho nhà vua rằng:
“Kẻ ngu lúc làm ác
Không thể tự hiểu thấu
Ương họa đuổi theo đốt
Nghiệp tội cháy phừng phừng
Kẻ ngu chốn ước mong
Không nhận đó là khổ
Mãi khi đọa hiểm nguy
Mới biết nó chẳng lành”
Phật bảo đại vương:
“Phu nhân của trưởng giả thuở đó, nay chính là Công chúa Kim Cang. Còn 500 thể nữ, nay chính là 500 nghệ nữ, gồm có Nghệ nữ Độ Thắng và những người khác. Tội phước luôn theo sát và không bao giờ mất. Thiện ác theo người như bóng theo hình.”
Khi Phật thuyết Pháp này xong, nhân dân lớn nhỏ ở trong nước đều tín thọ và vui mừng. Họ cùng nhau quy y Tam Bảo, thọ trì Năm Giới, và liền thấy dấu Đạo.
Thuở xưa có một Phạm Chí khoảng 20 tuổi, là một thiên tài bẩm sanh. Bất cứ sự việc gì, chỉ cần nhìn qua là có thể thông triệt.
Thế nên anh ta lập thệ rằng:
“Mọi kỹ xảo nghệ thuật trên đời ta phải biết hết. Nếu có một thứ chẳng thông thạo thì ta không phải là người minh trí thông đạt.”
Và thế là, anh ta du học khắp nơi và không một danh sư nào mà chẳng đến học hỏi. Do đó một vài năm sau, mọi việc của thế gian, như là: lễ nghi, âm nhạc, bắn tên, cưỡi ngựa, thư pháp, toán số, những kỹ năng nghệ thuật khác, thiên văn địa lý, y thuật chữa bệnh, núi lở địa chấn, đánh bạc ca vũ, may vá thêu thùa, và nghệ thuật nấu ăn–không việc gì là chẳng rõ thông.
Anh ta tự nghĩ rằng:
“Bậc trượng phu như ta đây, ai có thể ngang bằng chứ? Ta phải chu du các nước để đánh bại các đối thủ và dương danh bốn biển. Ta phải cho mọi người biết kỹ nghệ tài ba vang thấu trời và sẽ để lại tiếng tăm vang dội của mình đến muôn đời.”
Thế là anh ta du hành đến một quốc gia nọ, rồi vào trong một thành thị để xem xét. Anh ta thấy có người đang ngồi làm một cây cung và chỉnh góc độ của nó, thủ pháp mau như chớp, vừa đẹp vừa bền, và ai nấy tranh nhau tới trước để mua.
Anh ta tự nghĩ rằng:
“Sở học từ trẻ cho đến nay, mình luôn tự cho đã đầy đủ. Bây giờ bất chợt nhìn thấy người này, mình mới hối hận là đã chẳng học qua cách làm cung. Nếu so tài với hắn, mình nhất định sẽ không bằng. Thế nên mình phải theo ông ấy để học tập mới được.”
Vì thế, anh ta liền theo ông thợ cung để xin làm đệ tử và tận tâm học tập. Chỉ trong một tháng mà anh ta đã hiểu hết tất cả phương pháp làm cung, và kỹ thuật tinh xảo của anh còn vượt hơn cả thầy mình. Sau đó, anh dâng lên tài vật để bái tạ và từ biệt.
Khi đi ngang qua một nước nọ và chuẩn bị qua sông, anh ta thấy có một thuyền phu đang chèo thuyền như bay, xoay lượn trên dưới rất mau và điêu luyện.
Anh ta tự nghĩ rằng:
“Tài nghệ của mình tuy nhiều, nhưng chưa từng học cách chèo thuyền. Nghề chèo thuyền tuy thấp hèn nhưng mình chẳng biết. Mình cũng nên học nghề này để cho muôn kỹ nghệ được vẹn toàn.”
Vì thế, anh ta liền theo ông thuyền phu để xin làm đệ tử, cung kính hết lòng, và tận tâm học tập. Chỉ trong một tháng mà anh ta đã hiểu rõ phương pháp thuận nghịch với xoay chuyển khi chèo thuyền, và tài nghệ của anh ta còn vượt hơn cả thầy mình. Sau đó, anh dâng lên tài vật để bái tạ và từ biệt.
Anh ta lại đi qua một nước khác và thấy cung điện của nhà vua thật nguy nga tráng lệ.
Anh ta tự nghĩ rằng:
“Ông thợ mộc nào mà xây được một cung điện tinh xảo đến thế! Từ khi ẩn danh du hành đây đó, mình chưa từng học qua loại kỹ xảo như thế. Giả như mình cùng với người ấy so tài, chắc chắn mình sẽ không thắng nổi.
Vì thế, anh ta liền theo ông thợ mộc để xin làm đệ tử, cung kính hết lòng, và tận tâm học tập. Chỉ trong một tháng mà anh ta đã hiểu rõ khoảng cách đo lường, quy tắc vuông tròn, và kỹ thuật chạm trổ. Mọi kỹ xảo trong nghề thợ mộc anh ta đều biết rõ, là bậc thiên tài sáng chói, và còn vượt hơn cả thầy mình. Sau đó, anh dâng lên tài vật để bái tạ và từ biệt.
Rồi anh ta chu du khắp thiên hạ của 16 nước lớn để tìm đối thủ so tài kỹ nghệ, nhưng không một ai dám ứng chiến.
Trong lòng tự cao ngạo rằng:
“Khắp thiên hạ này, ai còn có thể giỏi hơn mình chứ?”
Lúc bấy giờ Đức Phật đang ở Tinh xá Kỳ Viên và từ xa nhìn thấy người này đáng được hóa độ, nên Ngài dùng Thần Túc Thông biến hóa làm một vị Đạo Nhân, tay chống tích trượng và cầm bát đi ngược hướng Phạm Chí.
Do trong nước của Phạm Chí này không có Phật Pháp và chưa từng thấy qua Đạo Nhân bao giờ, anh ta hiếu kỳ và nghĩ:
“Đây là người gì? Thôi hãy chờ ông ấy đến gần rồi hỏi.”
Thoáng chốc thì vị Đạo Nhân đến gần và Phạm Chí hỏi rằng:
“Tôi đi khắp thiên hạ mà chưa từng gặp qua người như ngài, cũng chưa từng thấy qua y phục ngài mặc và đồ vật ngài mang theo. Xin hỏi ngài là ai mà hình tướng khác thường như thế?”
Đạo Nhân đáp rằng:
“Tôi là một người điều phục thân tâm.”
Lại hỏi rằng:
“Điều phục thân tâm nghĩa là sao?”
Nhân bởi sự học tập của Phạm Chí, khi ấy Đạo Nhân nói kệ rằng:
“Thợ cung chỉnh góc độ
Thuyền phu chèo lái thuyền
Thợ mộc gọt đẽo gỗ
Bậc trí khéo điều thân
Ví như khối đá nặng
Cuồng phong không thể dời
Bậc trí ý kiên định
Chê khen chẳng động dao
Ví như vực nước sâu
Tĩnh lặng lại trong veo
Người trí nghe Đạo mầu
Tâm tịnh ý an nhiên”
Khi nói bài kệ này xong, vị Đạo Nhân liền bay lên hư không và hiện lại thân Phật với 32 tướng hảo và 80 vẻ đẹp, quang minh rực rỡ chiếu sáng khắp đất trời.
Từ hư không hạ xuống, Đức Phật bảo người ấy rằng:
“Đạo hạnh biến hóa của Ta chính là do năng lực của điều phục thân tâm vậy!”
Bấy giờ người ấy đảnh lễ sát đất và cúi đầu thưa rằng:
“Con xin muốn nghe Pháp yếu của điều phục thân tâm!”
Phật bảo Phạm Chí:
“Năm Giới, Mười Pháp Lành, Bốn Tâm Vô Lượng, Sáu Độ, bốn cảnh giới thiền, và ba môn giải thoát là những Pháp để điều phục thân tâm. Học làm cung, chèo thuyền, đẽo gỗ, và kỹ thuật hiếm lạ của sáu nghề đều chỉ tô điểm cho việc tiếng tăm. Chúng khiến thân tâm buông thả và dẫn đến con đường sanh tử.”
Khi nghe xong, Phạm Chí vui mừng tín thọ và xin làm đệ tử.
Đức Phật bảo:
“Thiện lai, Bhikṣu!”
Lúc đó râu tóc của Phạm Chí tự rụng và liền trở thành Đạo Nhân. Khi ấy Đức Phật lại giảng về Pháp yếu của Bốn Thánh Đế và Tám Giải Thoát. Bấy giờ vị Bhikṣu liền đắc Đạo Ứng Chân.
Vào thời Đức Phật giáo hóa chúng sanh ở thành Phong Đức, bấy giờ cách thành 500 dặm có một ngọn núi. Nơi đây có một thôn làng với khoảng 50 đến 60 hộ gia đình đang sinh sống. Trong thôn có một gia đình nghèo, người vợ mang thai mười tháng và sanh đôi được hai đứa con trai rất tuấn tú khôi ngô. Cha mẹ hết mực thương yêu và liền đặt tên cho chúng. Một đứa tên là Song Đức, còn đứa kia tên Song Phước.
Khoảng 50 đến 60 ngày sau đó, có một hôm người cha của chúng chăn bò trở về và nằm nghỉ trên giường, còn người mẹ của chúng thì ra đồng nhặt củi chưa về. Khi ấy hai đứa bé này liếc trái nhìn phải mà không thấy cha mẹ nên chúng liền than trách với nhau.
Một đứa bé nói rằng:
“Ở đời trước khi sắp đắc Đạo, mình ngồi ngay thẳng và khởi niệm ngu si mà bảo rằng thọ mạng là thường hằng, nên phải đọa sanh tử nhiều không thể tính kể số kiếp. Mãi cho đến nay mới được sanh làm con trong một gia đình bần cùng, ở trong nhà tranh, mặc áo vải thô để che thân, và dùng thức ăn nước uống đạm bạc mà nuôi sống. Cứ như thế thì đến bao giờ mới đắc Đạo? Đây đều là do ở đời trước tham luyến phú quý và buông thả thân tâm. Vui sướng chỉ một lát mà từ đó đến nay luôn mãi chịu khổ. Hôm nay ưu sầu khổ não và cũng chẳng biết nơi nào để cậy trông.”
Một đứa bé khác nói rằng:
“Còn mình ở lúc trẻ ưa thích vui chơi mà chẳng tinh tấn tu hành, nên khiến cho nhiều đời phải tao ngộ biết bao khổ nạn. Đây đều là do mình tự làm, chứ chẳng phải do cha mẹ làm. Bây giờ chúng ta cùng chung thọ báo, thử hỏi trách ai được đây?”
Khi nghe hai đứa con than thở như thế, người cha vô cùng kinh hãi và cho là quỷ đến gieo rắc tai ương.
[Ông nghĩ:]
“Làm sao hai đứa bé chỉ sanh mới vài chục ngày mà có thể nói ra những lời đó? E rằng về sau chúng sẽ giết hại thân tộc. Thừa lúc chúng còn nhỏ chưa lớn, mình hãy giết chúng đi.”
Và thế là, người cha kinh hoàng chạy ra ngoài và đóng cửa lại. Rồi ông ra đồng lấy củi và muốn thiêu chết chúng.
Đúng lúc cô vợ trở về, khi thấy thế nên hỏi chồng rằng:
“Anh định lấy củi này để làm gì?”
Người chồng trả lời:
“Thật hết sức kinh quái! Hai đứa con của chúng ta đã tâm sự với nhau. Đó chắc chắn là quỷ đến để phá hoại gia tộc. Thừa lúc chúng còn nhỏ, anh muốn thiêu chết chúng.”
Khi cô vợ nghe thế, trong lòng ngạc nhiên và do dự chưa tin. Hai vợ chồng quyết định đợi thêm vài ngày nữa để nghe lén chúng nói chuyện. Đến ngày hôm sau, hai vợ chồng giả vờ cùng ra ngoài, rồi núp lại để nghe ngóng. Quả nhiên hai đứa trẻ ở trong nhà cũng lại than trách lẫn nhau như trước đây. Khi nghe được chúng nói chuyện với nhau thêm một lần nữa, hai vợ chồng hết sức kinh quái. Họ liền cùng nhau âm thầm chất củi và muốn thiêu sống chúng.
Với Thiên Nhãn Thông, Đức Phật nhìn thấy hai vợ chồng này muốn thiêu chết hai đứa con của mình. Với lòng thương xót và do biết phước đức của hai đứa bé ở đời trước đáng được hóa độ, Ngài đi đến thôn đó, rồi phóng quang minh chiếu sáng khắp nơi. Bấy giờ trời đất chấn động mạnh; sông núi và tất cả cây cối đều thành màu vàng. Khắp kẻ lớn người nhỏ trong thôn đều kinh ngạc và cùng đến chỗ của Phật, rồi đảnh lễ Phật và không ai là chẳng hoan hỷ. Họ biết Đức Phật là bậc chí tôn, không một ai trong ba cõi có thể sánh bằng.
Sau đó Đức Phật đến nhà của hai đứa bé song sinh. Khi thấy quang minh của Phật, hai đứa bé vui mừng khôn xiết. Cha mẹ của chúng cũng kinh ngạc, rồi mỗi người bồng một đứa bé đến trước chỗ của Phật.
Họ hỏi Đức Phật Thế Tôn rằng:
“[Bạch Thế Tôn!] Hai đứa bé này mới lọt lòng khoảng 50 đến 60 ngày mà đã nói chuyện với nhau. Đây quả thật là điều kỳ quái. Chúng con sợ chúng sẽ gây tai họa cho gia tộc nên định dùng lửa thiêu chết. Đúng lúc Phật đến đây và còn chưa kịp thiêu, chúng con không biết hai đứa bé này là yêu tinh quỷ quái phương nào? Kính mong Thế Tôn hãy nói ra hai đứa bé này sẽ mang đến tai vạ gì?”
Khi thấy Phật, hai đứa bé vui mừng hớn hở. Khi Đức Phật nhìn thấy hai đứa bé, Ngài mỉm cười. Bấy giờ từ trong miệng của Phật có ánh sáng năm màu phóng ra và chiếu sáng khắp đất trời.
Phật bảo cha mẹ của hai đứa bé và toàn thể dân làng rằng:
“Hai đứa bé này không phải là yêu ma quỷ quái, mà là hai đứa con phước đức. Vào thời của Đức Phật Ẩm Quang, hai đứa bé này đã từng làm Đạo Nhân. Họ là đôi bạn từ thuở nhỏ và đồng chí hướng xuất gia tu Đạo. Ai nấy đều rất tinh tấn và sắp sửa đắc Đạo, nhưng bỗng nhiên họ dấy khởi vọng tưởng nên cả hai đều bị trở ngại. Họ khởi vọng tưởng yêu thích vinh hoa của thế gian, nghĩ tưởng nương nhờ phước đức để sanh lên trời, hoặc sanh xuống nhân gian làm vua chúa hay trưởng giả. Khi hốt nhiên khởi ý nghĩ này, họ liền thoái chuyển và không thể đắc tịch diệt.
Trải qua liên tục nhiều kiếp, họ luôn bị sanh tử lôi dắt và thường sanh đôi với nhau. Cho đến mãi hôm nay, họ mới gặp Phật ở thế gian. Do nhờ công đức cúng dường Phật thuở quá khứ nên nương phước lực mà được hóa độ. Khi tội diệt, phước liền sanh và họ tự biết việc của đời trước. Bởi vậy mà hôm nay Thế Tôn đến đây là để hóa độ chúng. Nếu không đến hóa độ, Ta e chúng sẽ bị lửa thiêu chết.
Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:
“Trượng phu tâm vô cầu
Nơi ở tuệ sáng soi
Dù gặp vui hay khổ
Thái độ chẳng tự cao
Thánh hiền xa việc đời
Chẳng mong tiền và con
Giữ giới luôn tu Đạo
Không tham tà phú quý
Người trí biết niệm động
Như cây giữa bãi cát
Bằng hữu chí chưa vững
Theo ý nhiễm bụi trần”
Khi Phật nói lời ấy xong, hai đứa trẻ nhìn Đức Phật, rồi thân thể của chúng liền tự nhiên vụt lớn như đứa trẻ tám tuổi. Họ liền trở thành Cần Sách Nam và đắc Đạo Ứng Chân. Khi dân làng thấy tướng hảo quang minh của Phật và lại thấy thân hình của hai đứa bé tự nhiên vụt lớn, họ đều vui mừng khôn xiết và đắc Quả Nhập Lưu. Còn sự hoài nghi của cha mẹ hai đứa bé thì được giải trừ và cũng được Pháp nhãn thanh tịnh.
Thuở xưa có một quốc gia ở gần bờ biển phía nam, tên là Thiên Khắc. Trong nước đó, nhân dân chủ yếu đi nhặt trân châu và hương đàn để sinh sống. Trong nước ấy có một gia đình với hai anh em. Khi cha mẹ đều đã qua đời, họ muốn phân chia tài sản. Trong nhà có một nô bộc tên là Mãn Túc, tuổi trẻ thông minh, việc làm ăn buôn bán hay việc vào biển để mưu sinh–không việc gì là chẳng biết. Toàn bộ gia tài được chia làm một phần và Nô bộc Mãn Túc chia làm một phần. Hai anh em bóc tăm và người em được phần của Nô bộc Mãn Túc. Thế nên người em chỉ dẫn theo vợ con và tay không ra khỏi nhà.
Do gặp thời đói kém mà chỉ có được Nô bộc Mãn Túc nên người em buồn bã ưu sầu và sợ sẽ không sống nổi.
Khi ấy Nô bộc Mãn Túc thưa với chủ nhân rằng:
“Xin chủ nhân chớ buồn lo! Trong vòng một tháng, con sẽ gắng sức tìm cách để chủ nhân được giàu hơn anh mình.”
Chủ nhân nói rằng:
“Nếu có thể làm được như thế, ta sẽ phóng thích con để trở thành thảo dân.”
Lúc ấy vợ của chủ nhân có một vật riêng bằng ngọc châu và đã đưa nó cho Nô bộc Mãn Túc để làm vốn.
Bấy giờ hải triều dâng lên, dân chúng trong thành đến bờ biển để nhặt củi. Đúng lúc Nô bộc Mãn Túc cầm ngọc châu ra ngoài thành thì thấy có một đứa trẻ xin ăn đang vác một bó củi. Trong bó củi có một cây hương đàn ở Đỉnh núi Ngưu Đầu. Loại cây hương này có thể chữa trị trọng bệnh và một đoạn của nó đáng giá đến 2.000 lượng vàng.
Vào thời ấy, một đoạn của nó cũng rất hiếm có được. Nô bộc Mãn Túc biết vậy nên dùng hai đồng tiền vàng để mua, rồi mang về nhà và chặt ra thành vài chục đoạn.
Bấy giờ có một trưởng giả đang lâm trọng bệnh. Ông cần hai lạng hương đàn ở Đỉnh núi Ngưu Đầu này để pha thuốc nhưng tìm mãi cũng không ra. Biết thế nên Nô bộc Mãn Túc liền mang đến và bán được 2.000 lượng vàng. Sau đó chàng mang chúng ra bán hết và tổng số tiền thu về còn giàu gấp mười lần hơn người anh của chủ nhân.
Khi ấy chủ nhân cảm niệm ân tình và không quên lời hứa xưa kia, ông đã thả Nô bộc Mãn Túc để trở thành dân thường và được tự do tùy ý.
Và thế là Mãn Túc từ biệt để đi học Đạo.
Chàng đến thành Phong Đức, đảnh lễ Đức Phật, hai gối quỳ và thưa với Phật rằng:
“[Thưa Thế Tôn!] Con xuất thân bần tiện, nhưng lòng rất ưa thích Phật Pháp. Ngưỡng mong Thế Tôn rủ lòng từ bi mà cứu độ con.”
Đức Phật bảo:
“Thiện lai, Bhikṣu!”
Lúc đó, tóc trên đầu của ngài tự rụng, Pháp y khoác lên thân, và liền trở thành Đạo Nhân. Rồi Đức Phật thuyết Pháp và Bhikṣu Mãn Túc liền đắc Đạo Ứng Chân.
Một thời gian sau, Tôn giả Mãn Túc tĩnh tọa một mình và tư duy:
“Nay mình đã đắc Sáu Thần Thông, sanh tử tự tại. Đây đều là nhờ ân huệ của chủ nhân xưa kia. Bây giờ mình nên trở về để hóa độ chủ nhân xưa kia và dân chúng trong nước ấy.”
Lúc bấy giờ Tôn giả Mãn Túc trở về cố hương, rồi đi đến nhà của chủ nhân xưa kia. Gia chủ rất vui mừng, cung thỉnh mời ngồi, và dọn thức ăn để cúng dường. Khi ăn xong và đã rửa tay, Tôn giả Mãn Túc bay lên hư không. Từ một thân ngài phân ra làm nhiều thân, rồi phần trên của thân vọt ra nước, phần dưới của thân phun ra lửa, và phóng quang minh chói lòa.
Sau đó ngài từ trên cao hạ xuống và nói với người chủ xưa của mình rằng:
“Uy đức thần thông này đều là do ân huệ của chủ nhân xưa kia đã phóng thích, và sau đó tìm đến chỗ của Phật để học Đạo nên mới được như thế.”
Người chủ xưa kia thưa rằng:
“Thần thông biến hóa của Phật vi diệu đến như thế! Con mong muốn gặp Thế Tôn để được Ngài giáo huấn.”
Tôn giả Mãn Túc trả lời:
“Gia chủ chỉ cần chí tâm và chuẩn bị thức ăn thịnh soạn để cúng dường, Đức Phật với diệu trí của Ba Minh sẽ tự nhiên đến đây.”
Và thế là tối hôm đó, gia chủ chuẩn bị trai soạn để cúng dường, rồi quỳ hai gối, cúi đầu và thắp hương thỉnh Phật:
“Kính mong Thế Tôn hãy giáng lâm đến nhà con vào ngày mai để thọ cúng dường và rộng độ tất cả chúng sanh.”
Phật biết được tâm ý của gia chủ nên sáng hôm sau liền dẫn theo 500 vị Ứng Chân. Mỗi vị tự dùng thần túc của mình mà đến nhà của gia chủ. Bấy giờ quốc vương và nhân dân trong nước ấy, không ai là chẳng cung kính tôn trọng. Họ đồng đến chỗ của Phật, rồi cúi đầu đảnh lễ sát đất và ngồi qua một bên.
Sau khi thọ trai và rửa tay xong, Đức Phật rộng thuyết diệu Pháp cho gia chủ, quốc vương, quần thần và quyến thuộc. Tất cả họ đều thọ Năm Giới và xin làm đệ tử của Phật.
Sau đó, họ đồng đứng dậy và ở trước Phật mà tán dương Tôn giả Mãn Túc rằng:
“Tại gia tinh cần, xuất gia đắc Đạo. Thần đức của ngài cao viễn và khắp cả nước đều nhờ ơn hóa độ. Chúng con phải làm gì để báo đáp ân đức của ngài đây?”
Lúc bấy giờ Thế Tôn lại ngợi khen Tôn giả Mãn Túc mà nói kệ rằng:
“Vọng niệm đã dừng nghỉ
Chánh ngữ lại chánh hạnh
Chánh Đạo khiến giải thoát
An nhiên vào tịch diệt
Lìa dục không chấp trước
Chặt đứt chướng ba cõi
Vọng niệm đã đoạn tuyệt
Đó là bậc thượng nhân
Hoang dã hoặc xóm làng
Đất bằng hay đồi cao
Chỗ qua của Ứng Chân
Chẳng ai không nhờ ơn
Thánh nhân thích vắng vẻ
Phàm phu chẳng thể ở
Lành thay không dục vọng
Không chỗ để cầu mong”
Khi Phật nói kệ xong, gia chủ, quốc vương, cùng hàng quyến thuộc thảy đều vui mừng và được thêm nhiều lợi ích. Sau khi đã cúng dường bảy ngày, họ đều đắc Quả Nhập Lưu.
Vào thời Đức Phật giáo hóa chúng sanh ở thành Phong Đức, bấy giờ có một vị Bhikṣu lớn tuổi tên là Tiểu Lộ, vừa mới xuất gia và bẩm tánh ám độn. Khi đó Đức Phật sai 500 vị Ứng Chân mỗi ngày thay phiên chỉ dạy ông ấy. Thế nhưng suốt ba năm ròng mà thầy cũng không nhớ một bài kệ. Bốn chúng đệ tử khắp cả nước đều biết ngài tối dạ.
Với lòng từ mẫn thương cảm, Đức Phật liền gọi ông ấy đến và truyền dạy cho một bài kệ:
“Nhiếp ý gìn giữ lời
Thân cũng chớ vi phạm
Hành giả tu như thế
Sẽ vượt khỏi thế gian”
Bấy giờ ngài Tiểu Lộ hết sức cảm động trước ân đức từ bi của Phật, ngài rất vui mừng, tâm khai mở, và miệng đọc tụng bài kệ chẳng ngớt.
Phật bảo ngài rằng:
“Ông nay đến già mới thuộc được một bài kệ mà ai cũng biết. Đó không có gì kỳ lạ hết. Ta nay sẽ thuyết giảng ý nghĩa của nó cho ông. Hãy nhất tâm lắng nghe!”
Ngài Tiểu Lộ vâng lời lắng nghe.
Đức Phật liền dạy:
“Thân có ba nghiệp, ngữ có bốn nghiệp, và ý có ba nghiệp. Ông hãy quán sát sự sanh diệt của chúng. Hữu tình luân chuyển không ngừng ở năm đường trong ba cõi. Do chúng mà sanh lên trời, do chúng mà đọa đường ác, nhưng cũng do chúng mà đắc Đạo và tịch diệt tự nhiên đến.”
Sau đó Đức Phật lại phân biệt và thuyết giảng vô lượng diệu Pháp. Bấy giờ ngài Tiểu Lộ hoát nhiên được tâm khai ý giải và liền đắc Đạo Ứng Chân.
Vào thời ấy có một tinh xá dành riêng cho 500 vị Bhikṣuṇī [bíc su ni]. Mỗi ngày Đức Phật sai một vị Bhikṣu tới đó để thuyết giảng Kinh Pháp.
Khi nghe rằng ngày mai tới lượt của Tôn giả Tiểu Lộ sẽ đến, các vị Bhikṣuṇī đều cười nhạo và nói rằng:
“Ngày mai khi ông ta đến, chúng ta hãy cùng nhau đọc ngược bài kệ để khiến ông ta xấu hổ mà chẳng thể thốt ra một lời.”
Hôm sau khi Tôn giả Tiểu Lộ đi đến, hết thảy các vị Bhikṣuṇī lớn nhỏ đều ra ngoài đảnh lễ, rồi nhìn nhau mà cười. Khi Tôn giả Tiểu Lộ đã ngồi xuống, thọ trai và rửa tay xong, họ thỉnh ngài thuyết Pháp.
Bấy giờ Tôn giả Tiểu Lộ liền bước lên tòa cao và kể ra điều xấu hổ của mình rằng:
“Tôi kém đức tài mọn, xuất gia chưa lâu, bổn tánh lại ngu độn và sở học chẳng nhiều. Tôi chỉ biết ý nghĩa thô thiển của một bài kệ, nay xin nói ra. Kính mong các vị hãy yên tĩnh lắng nghe.”
Khi ấy các vị Bhikṣuṇī trẻ tuổi muốn đọc ngược bài kệ nhưng miệng chẳng thể mở. Họ kinh sợ tự trách và cúi đầu sám hối. Tôn giả Tiểu Lộ liền như lời Phật dạy, phân biệt rành rẽ nghiệp của thân ngữ ý, tội phước tạo bởi thân tâm, thăng thiên đắc Đạo, ngưng thần đoạn tưởng, và Pháp nhập định.
Khi nghe lời dạy của ngài, lập tức các vị Bhikṣuṇī vô cùng kinh ngạc, nhất tâm hoan hỷ, và đều đắc Đạo Ứng Chân.
Một ngày nọ, vua Thắng Quân thỉnh Phật và chư Tăng đến chánh điện để thọ trai. Lúc ấy Đức Phật muốn hiện uy thần của Tôn giả Tiểu Lộ nên đưa bát cho ngài cầm và bảo đi ở phía sau.
Khi ấy có một kẻ gác cổng nhận ra Tôn giả Tiểu Lộ nên chặn lại không cho vào và nói rằng:
“Ông là một Đạo Nhân mà cả một bài kệ cũng chẳng hiểu thì làm sao đáng tiếp thọ cúng dường? Tôi là kẻ phàm tục mà còn biết bài kệ, hà huống là một Đạo Nhân. Cúng dường cho người chẳng có trí tuệ như ông chỉ là vô ích. Cho nên không cần ông phải vào.”
Thế nên Tôn giả Tiểu Lộ đành phải đứng ngoài cổng. Khi Phật đã ngồi ở chánh điện và rửa tay xong, Tôn giả Tiểu Lộ liền từ xa duỗi cánh tay ra để đưa bát cho Phật. Nhà vua cùng quần thần, phu nhân, thái tử và bốn chúng đệ tử trong chúng hội chỉ thấy cánh tay tiến vào mà chẳng thấy người đâu cả.
Họ kinh ngạc và hỏi Phật rằng:
“Đây là cánh tay của ai vậy, thưa Thế Tôn?”
Đức Phật bảo:
“Đó là cánh tay của Bhikṣu Tiểu Lộ. Cách đây mấy hôm, ông ấy đã đắc Đạo. Vừa rồi Ta sai ông ấy cầm bát. Bởi người gác cổng không cho vào nên ông ấy đã duỗi cánh tay ra để đưa bát cho Ta vậy.”
Khi ấy Tôn giả Tiểu Lộ liền được mời vào và uy thần của ngài lúc đó còn gấp bội hơn bình thường.
Nhà vua bạch Phật rằng:
“[Bạch Thế Tôn!] Con nghe bổn tánh của ngài Tiểu Lộ ngu độn, đến một bài kệ cũng chẳng biết, vậy nhờ duyên gì mà đắc Đạo?”
Phật bảo nhà vua rằng:
“Muốn đắc Đạo thì không bắt buộc phải học cho nhiều, mà chủ yếu là thực hành. Tiểu Lộ đã liễu giải ý nghĩa của một bài kệ, nhất tâm tư duy, thân ngữ ý tịch tĩnh và thanh tịnh như vàng báu cõi trời. Có người tuy học rất nhiều nhưng chẳng thông hiểu và cũng chẳng tu hành, lãng phí tâm tư như thế thử hỏi có ích gì?”
Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:
“Dù tụng cả ngàn kệ
Chẳng hiểu có ích gì?
Đâu bằng hiểu một câu
Nghe rồi ý tịch nhiên
Dù tụng cả ngàn kệ
Chẳng hiểu có ích gì?
Đâu bằng chỉ một câu
Nghe rồi liễu thoát khổ
Dù tụng nhiều Kinh điển
Chẳng hiểu có ích gì?
Thông suốt chỉ một câu
Tu hành sẽ đắc Đạo”
Khi Phật nói kệ xong, 300 vị Bhikṣu đắc Đạo Ứng Chân. Nhà vua cùng quần thần, phu nhân và thái tử, không ai là chẳng hoan hỷ.
Thuở xưa Đức Phật thuyết Pháp cho hàng trời người ở thành Phong Đức.
Bấy giờ trong thành Phong Đức có một Phạm Chí trưởng giả giàu sang vô cùng, tên là Thùy Dữ. Gia tài của ông ta nhiều không thể tính xuể. Theo pháp của Phạm Chí, ông cần lập một lễ đàn lớn để tiếng tăm hiển hách, và dùng hết tài sản để làm một lễ hội bố thí rộng lớn. Ông cúng dường hơn 5.000 Phạm Chí suốt năm năm, nào là cung cấp y phục, giường nệm, thuốc thang, trân bảo quý hiếm, đồ vật cúng tế, và mọi thứ yêu quý nhất.
Các Phạm Chí suốt năm năm ròng cũng vì Trưởng giả Thùy Dữ mà thiết lập muôn sự cúng tế đến khắp chư thiên, tứ sơn ngũ nhạc, các vị thần linh của tinh tú và nhật nguyệt. Họ chú nguyện cho trưởng giả suốt ngày đêm sẽ hưởng thọ phước báo.
Vào một ngày cuối cùng của năm năm, ông tổ chức một ngày bố thí cực đại. Như pháp của trưởng giả, ông cho chuẩn bị những chén vàng đựng đầy những hạt lúa bạc, những chén bạc đựng đầy những hạt lúa vàng, voi ngựa xe cộ, nô tỳ tài vật, y phục và trang sức làm bằng bảy báu, lọng che, giày dép, áo da nai, tích trượng, giường nệm, chậu và lọ dùng để tắm rửa, ghế ngồi, chiếu lót. Hết thảy muôn loại tài vật đều dùng hết vào việc bố thí.
Ở ngày hôm đó, tất cả đều đến dự đại hội. Quỷ thần, quốc vương, đại thần, Phạm Chí, và những người thuộc dòng dõi đại tánh thảy đến ngồi trong đại hội. Quan cảnh rất đông đúc, náo nhiệt, và ai ai cũng vui vẻ.
Phật từ xa thấy như thế nên mới than tiếc rằng:
“Ông đại tánh Phạm Chí này sao ngu si thế? Sự bố thí rất lớn nhưng phước báo lại quá kém cỏi. Đây ví như gieo trồng bố thí trong lửa thì làm sao được phước báo? Nếu Ta không giáo hóa, ông ấy vĩnh viễn sẽ lìa xa Chánh Pháp.”
Bấy giờ Thế Tôn đứng dậy, chỉnh y phục, rồi từ dưới đất vọt ra và phóng ánh sáng lớn chiếu khắp chúng hội. Tất cả kẻ lớn người nhỏ đều kinh ngạc chưa từng có, kinh hoàng khiếp vía và chẳng biết là vị thần nào. Lúc ấy Trưởng giả Thùy Dữ cùng các đại chúng cúi đầu sát đất và đảnh lễ Đức Phật.
Khi thấy mọi người đều có lòng cung kính, và nhân bởi sự chí thành của họ nên Phật liền nói kệ rằng:
“Mỗi tháng tới miếu đền
Suốt đời không thôi nghỉ
Đâu bằng trong thoáng chốc
Nhất tâm niệm Chánh Pháp
Một niệm phước của Đạo
Hơn kẻ thờ trọn đời
Dù trọn cả trăm năm
Phụng thờ miếu thần lửa
Chẳng bằng trong khoảnh khắc
Cúng dường Phật Pháp Tăng
Phước đức một lần tu
Hơn kẻ thờ trăm năm”
Bấy giờ Thế Tôn bảo Trưởng giả Thùy Dữ rằng:
“Bố thí có bốn sự. Những gì là bốn?”
1. bố thí nhiều mà phước báo lại ít
2. bố thí ít mà phước báo lại nhiều
3. bố thí nhiều mà phước báo cũng nhiều
4. bố thí ít mà phước báo cũng ít
Bố thí nhiều mà phước báo lại ít là gì? Đó là những kẻ ngu si sát sanh để cúng tế trời, uống rượu ca vũ và làm hao tổn tài sản. Việc ấy chẳng có chút phước đức hay trí tuệ vậy.
Bố thí ít mà phước báo cũng ít là gì? Đó là những kẻ với lòng xấu ác và keo kiệt mà bố thí cho Đạo sĩ phàm tục. Do cả hai đều ngu si nên chẳng có phước.
Bố thí ít mà phước báo lại nhiều là gì? Đó là những người với lòng từ mà có thể cúng dường các vị xuất gia vì Đạo. Sau khi ăn xong, họ tinh tấn tu học. Sự bố thí này tuy ít nhưng phước lại rất lớn.
Bố thí nhiều mà phước báo cũng nhiều là gì? Đó là nếu có người hiền lương nào giác ngộ thế gian là vô thường. Rồi họ hảo tâm xuất tài, xây chùa dựng tháp và tinh xá viên lâm để cúng dường Tam Bảo. Lại cúng dường chư Tăng y phục, giày dép, giường nệm và thức ăn. Phước đức này như năm con sông lớn đổ vào biển cả. Phước báo chảy mãi như thế và đời đời chẳng đoạn tuyệt. Đó gọi là bố thí nhiều mà phước báo cũng nhiều.
Ví như đất đai của nhà nông. Có chỗ thì đất màu mỡ và có chỗ thì đất cằn cỗi. Do đó sự thu hoạch cũng chẳng giống nhau.”
Khi thấy sự biến hóa của Phật ở giữa chúng hội và lại nghe được Pháp âm, Trưởng giả Thùy Dữ sanh tâm đại hoan hỷ. Chư thiên, dân chúng, và quỷ thần đều đắc Quả Nhập Lưu. 5.000 Phạm Chí đều trở thành Đạo Nhân và đắc Đạo Ứng Chân. Gia chủ Thùy Dữ cùng toàn thể lớn nhỏ trong nhà xin thọ Năm Giới và cũng đều thấy dấu Đạo. Quốc vương và quần thần đều thọ Ba Quy Y, xin làm Thanh Tín Sĩ, và cũng được Pháp nhãn thanh tịnh.
Vào thời Đức Phật giáo hóa chúng sanh ở Tinh xá Kỳ Viên gần thành Phong Đức, bấy giờ trong thành Vương Xá có một kẻ hung bạo ngu si, bất hiếu với cha mẹ, khinh miệt người lương thiện, và bất kính người lớn tuổi.
Do đó cửa nhà suy sụp và luôn chẳng được như ý. Thế nên anh ta nảy ý nghĩ thờ lửa để cầu phước báo. Pháp thờ lửa là đợi khi mặt trời sắp lặn, rồi đốt một đống lửa lớn. Sau đó người ấy quỳ xuống và hướng về ngọn lửa mà lễ lạy. Thậm chí lễ lạy như thế cho đến nửa đêm và cho tới khi lửa tắt mới ngừng. Anh ta thờ lửa như vậy suốt ba năm ròng mà chẳng được phước gì.
Thế là anh ta chuyển sang thờ mặt trời và mặt trăng. Pháp thờ mặt trời và mặt trăng là đợi khi mặt trời xuất hiện ở ban ngày rồi hướng về đó lễ lạy, hoặc đợi khi mặt trăng tỏ sáng ở ban đêm rồi hướng về đó lễ lạy. Anh ta lễ lạy như thế suốt ba năm ròng, không chút ngừng nghỉ, mà cũng chẳng được phước gì.
Vì vậy anh ta lại chuyển sang thờ trời. Anh ta thắp hương quỳ lạy, dâng lên các đồ vật thơm ngon, hương hoa, rượu thịt, heo dê, và bê con. Anh ta làm như thế cho đến khi gia cảnh nghèo nàn mà cũng chẳng được phước gì. Anh ta phải chịu muôn vàn khổ sở, thân thể tiều tụy, và mắc bệnh nặng đến nỗi không thể ra khỏi cửa.
Một ngày kia, anh ta nghe ở thành Phong Đức có một vị thánh được chư thiên cung kính, gọi là Đức Phật. Anh ta muốn đến phụng sự và hy vọng được phước báo. Và thế là anh ta liền đến chỗ của Phật. Lúc vừa đến cổng của tinh xá, anh ta nhìn thấy quang minh và tướng hảo chói lòa của Thế Tôn, dung nhan thù đặc như mặt trăng ở giữa các vì sao.
Anh ta vui mừng hớn hở khi trông thấy Phật, rồi cúi đầu đảnh lễ, chắp tay và thưa với Phật rằng:
“[Thưa Thế Tôn!] Con xưa nay ngu muội và chẳng biết Tam Bảo. Suốt chín năm miệt mài thờ lửa, thờ nhật nguyệt và chư thiên thần mà chẳng hề có chút phước. Nay nhan sắc tiều tụy, khí lực suy yếu, bốn đại bất hòa, và cái chết chực chờ. Con nghe Thế Tôn là bậc thầy của trời người nên từ xa cố đến xin quy y. Cuối mong Thế Tôn rủ lòng thương xót để cho con được phước lành.”
Đức Phật bảo:
“Việc thờ bái của ông lúc trước đều là tà kiến, lễ bái yêu tinh quỷ quái. Dù có cúng tế cao như núi thì tội cũng sẽ sâu như sông như biển mà thôi. Phàm là việc sát sanh để cầu phước thì là cách xa phước báo vậy. Giả sử có trải qua trăm kiếp để khổ nhọc giết heo dê khắp thiên hạ, rồi mang đi cúng tế, thì tội chỉ nặng như núi Diệu Cao mà phước nhỏ như hạt cải cũng chẳng có. Chỉ tự mình hao tài phí sức, há chẳng phải mê muội lắm sao?
Lại nữa, ông làm người mà còn bất hiếu với cha mẹ, khinh miệt người lương thiện, và bất kính người lớn tuổi. Kiêu căng ngã mạn, ba độc bốc cháy phừng phừng, và tội sát sanh ngày càng sâu, thì làm sao được phước đây?
Nếu ông có thể thay đổi tâm tánh, kính lễ bậc hiền minh, lễ độ uy nghi, cung phụng trưởng lão, bỏ ác làm lành, và tu dưỡng phẩm đức, thì bốn phước sẽ ngày ngày càng tăng và đời đời chẳng gặp hoạn nạn.
Những gì là bốn?
1. nhan sắc đoan chánh
2. khí lực cường thịnh
3. an ổn không bệnh
4. thọ mạng tăng trưởng và không bao giờ bị chết oan
Nếu ông có thể thực hành như thế mà chẳng lười biếng thì cũng có thể đắc Đạo.”
Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:
“Cầu phước cúng tế thần
Hãy xem phước về sau
Bốn phần chưa được một
Đâu bằng lễ hiền nhân
Ai khéo làm việc lành
Thường kính bậc trưởng lão
Bốn phước tự nhiên tăng
Sắc, lực, thọ, an vui”
Khi nghe những bài kệ này của Phật, người ấy hoan hỷ tín giải, cúi đầu đảnh lễ, và lại thưa với Phật rằng:
“[Thưa Thế Tôn!] Con bị nghiệp tội cấu uế chồng chất và che lấp suốt chín năm. Nay nhờ ơn từ bi hóa độ của Phật nên mới được tỏ ngộ. Kính mong Thế Tôn cho phép con được xuất gia để trở thành Đạo Nhân.”
Đức Phật bảo:
“Thiện lai, Bhikṣu!”
Lúc đó, tóc trên đầu của ngài tự rụng và liền trở thành Đạo Nhân. Sau đó, ngài quán sát hơi thở ra vào và liền đắc Đạo Ứng Chân.
Vào thời Đức Phật giáo hóa chúng sanh ở thành Vương Xá, một ngày nọ, Thế Tôn sai một vị Ứng Chân tên là Hảo Ý, cầm tóc và móng của Phật đến trong một ngọn núi về hướng nam của nước A Thùy Nhân để xây tháp Phật. Nơi đây có 500 vị Ứng Chân thường trú trong ấy. Họ sớm tối thắp hương, nhiễu quanh tháp và lễ bái.
Lúc ấy ở trong núi kia có 500 con khỉ đang sinh sống. Khi thấy các Đạo Nhân cúng dường tháp tự, chúng liền cùng nhau đến bờ suối sâu mà vác đá và bùn để bắt chước làm tháp Phật. Chúng lại dựng lên một trụ cây và dùng lụa buộc ở trên chóp đỉnh làm cờ. Chúng sớm tối cũng lễ bái như các Đạo Nhân.
Bấy giờ thác nước ở trong núi bỗng nhiên dâng cao. 500 con khỉ đồng thời bị nước cuốn trôi. Thần hồn của chúng liền sanh lên cung điện bảy báu của tầng trời thứ hai là trời Tam Thập Tam. Họ có y phục và thức ăn tự nhiên hiện ra như ý.
Khi ấy mỗi thiên nhân đều tự nghĩ:
“Mình từ nơi nào đến mà được sanh lên trời?”
Thế là họ liền dùng thiên nhãn và tự thấy mình vốn từ thân khỉ, và bắt chước các Đạo Nhân mà vui đùa xây tháp tự. Dù thân xưa bị nước cuốn trôi nhưng thần hồn được sanh lên trời.
[Họ nghĩ:]
“Ta nay phải xuống nhân gian để báo ơn cái thây chết xưa kia.”
Và thế là mỗi vị dẫn theo tùy tùng, mang hương hoa và âm nhạc, rồi đến cái thây chết xưa kia để thắp hương, rải hoa lên đó, và nhiễu quanh bảy vòng.
Cũng vào thời điểm ấy ở trong núi có 500 Phạm Chí với ngoại học tà kiến và không tin tội phước.
Khi thấy các thiên nhân rải hoa khảy nhạc và nhiễu quanh tử thi của các con khỉ, họ quái lạ và hỏi rằng:
“Thân của chư thiên có ánh sáng chói lòa như thế. Vì sao lại hạ mình cúng dường mấy cái xác chết đó?”
Các vị trời bảo rằng:
“Những tử thi này là thân xưa kia của chúng tôi. Thuở xưa ở tại nơi đây, chúng tôi đã bắt chước các Đạo Nhân mà vui đùa xây tháp tự.
Một ngày nọ, thác nước ở trong núi bỗng nhiên dâng cao và dìm chết chúng tôi. Do nhờ chút ít phước kia nên được sanh lên trời. Nay chúng tôi rải hoa cúng dường là để báo ơn thân xác xưa kia, do đã vui đùa xây tháp tự mà được phước báo như thế.
Nếu ai chí tâm phụng sự Đức Phật Thế Tôn thì phước đức ấy chẳng thể nào ví dụ cho xuể. Các người tà kiến, không tin Chánh Pháp, dù có khổ nhọc trải qua trăm kiếp thì cũng chẳng được gì. Đâu bằng hãy cùng đến núi Thứu Phong để kính lễ và cúng dường Thế Tôn thì sẽ được phước vô tận.”
Khi ấy các Phạm Chí liền đều vui mừng. Họ cùng chư thiên đồng đến chỗ của Phật, đầu đảnh lễ sát đất, rồi rải hoa cúng dường.
Các vị trời thưa với Phật rằng:
“[Thưa Thế Tôn!] Chúng con vốn từ thân khỉ và mới lìa đời cách đây không lâu. Nhờ ân đức của Thế Tôn nên chúng con được sanh lên trời. Xưa chúng con ân hận đã không gặp Phật. Bởi vậy hôm nay chúng con đến quy y.”
Lại bạch Phật rằng:
“[Bạch Thế Tôn!] Đời trước chúng con đã tạo tội gì mà phải thọ thân khỉ, dù đã xây tháp tự nhưng vẫn bị nước cuốn chết?”
Phật bảo các vị trời rằng:
“Đây đều có nhân duyên chứ chẳng phải từ không mà sanh ra. Ta sẽ nói nguyên nhân của việc ấy cho các ông.
Vào thuở xưa có 500 Phạm Chí trẻ tuổi đều cùng lên núi để cầu tiên đạo. Bấy giờ ở trên núi có một vị Đạo Nhân muốn dùng bùn để xây tinh xá. Thế là ngài xuống thung lũng lấy nước và thân của ngài di chuyển như bay.
Khi ấy 500 Phạm chí khởi lòng đố kỵ mà cùng nhau cười chế giễu rằng:
“Cái ông Đạo Nhân đó thay phiên lên xuống mau lẹ cũng như con khỉ vậy. Sao mà kỳ lạ thế? Nếu cứ lấy nước mãi như vậy, sớm muộn gì cũng bị nước dìm chết.”
Phật bảo các vị trời rằng:
“Vị Đạo Nhân thuở xưa, nay chính là thân Ta vậy. Còn 500 Phạm Chí trẻ tuổi, nay chính là thân của 500 con khỉ. Do nghiệp tội của cười nhạo mà thân phải thọ báo ứng đó.”
Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:
“Vui cười làm việc ác
Đã tạo thân chịu lấy
Gào khóc thọ tội báo
Tùy nghiệp tội đến vây”
Phật bảo các vị trời rằng:
“Tuy ở đời gần đây các ông làm thân thú, nhưng đã vui đùa xây tháp tự, nên nay được sanh lên trời và tội diệt phước sanh. Hôm nay các ông lại cung kính phụng trì chánh giáo, nên sẽ do từ nhân duyên ấy mà vĩnh viễn lìa xa khổ ách.”
Khi Phật nói lời ấy xong, 500 vị thiên nhân liền thấy dấu Đạo.
Còn 500 Phạm Chí khi nghe quả báo của tội và phước, họ tự than thở rằng:
“Chúng ta học tiên đạo bao nhiêu năm qua để cầu mong phước báo, mà chẳng bằng như các con khỉ đã vui đùa làm phước và được sanh lên trời. Thần đức của Phật thật là kỳ diệu.”
Và thế là họ đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và xin làm đệ tử.
Đức Phật bảo:
“Thiện lai, Bhikṣu!”
Lập tức họ trở thành Đạo Nhân. Sau đó họ ngày ngày tinh tấn và đều đắc Đạo Ứng Chân.
Thuở xưa Đức Phật thuyết Pháp cho hàng trời người ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức.
Bấy giờ vương tử thứ nhì của vua Thắng Quân, tên là Lưu Ly, khoảng 20 tuổi, đã dẫn theo quan thuộc chiếm đoạt ngôi vua của phụ vương. Lại còn giết anh mình là Thái tử Chiến Thắng và tự lên làm vua.
Khi ấy có một ác thần, tên là Hữu Nạp, tâu với vua Lưu Ly rằng:
“Lúc ngài còn làm vương tử, bấy giờ đại vương đã về thăm gia tộc phía ngoại ở nước Hoàng Sắc. Khi đi vào trong tinh xá của Phật để xem, ngài bị người thuộc dòng tộc Năng Nhân mắng chửi thậm tệ.
Bấy giờ ngài đã ra lệnh cho thần rằng:
‘Nếu sau này ta làm vua, khanh hãy thưa lại việc này.’
Hiện giờ binh mã hùng mạnh, nên đến lúc phải báo thù.”
Vua Lưu Ly liền ra lệnh chuẩn bị binh mã và dẫn quân tấn công nước Hoàng Sắc.
Đức Phật có vị đệ tử tên là Đại Thải Thục Thị, khi thấy vua Lưu Ly dẫn quân tấn công nước Hoàng Sắc để báo thù xưa, bốn chúng đệ tử tất sẽ bị giết chết.
Bởi lòng thương xót cho họ nên ngài đến chỗ của Phật và thưa với Phật rằng:
“Nay vua Lưu Ly tấn công nước Hoàng Sắc. Con xót thương dân chúng sẽ gặp ách khổ. Con muốn dùng bốn phương tiện để cứu dân chúng của nước Hoàng Sắc.
1. đưa dân chúng của nước Hoàng Sắc đặt trong hư không
2. đưa dân chúng của nước Hoàng Sắc đặt trong biển cả
3. đưa dân chúng của nước Hoàng Sắc đặt giữa ở hai núi Thiết Vi
4. đưa dân chúng của nước Hoàng Sắc đặt ở trung tâm của một nước lớn khác
Như thế sẽ khiến cho vua Lưu Ly chẳng biết nơi họ ở.”
Phật bảo Tôn giả Đại Thải Thục Thị:
“Dù biết ông có thần lực này, có thể dời dân chúng của nước Hoàng Sắc, nhưng vạn vật chúng sanh có bảy điều chẳng thể chạy trốn.
Những gì là bảy?
1. sanh
2. già
3. bệnh
4. chết
5. tội
6. phước
7. nhân duyên
Bảy điều này, dù ý muốn chạy trốn nhưng cũng chẳng thể được tự tại. Tuy thần thông của ông có thể làm được việc ấy, nhưng nghiệp tội đời trước thì không thể nào lìa xa.”
Bấy giờ Tôn giả Đại Thải Thục Thị đảnh lễ Đức Phật và cáo lui. Rồi ngài tự mình bốc lấy khoảng 4.000 đến 5.000 thí chủ quen biết của nước Hoàng Sắc và bỏ vào trong bát, rồi đặt ở ranh giới của tinh tú giữa hư không.
Lúc đó vua Lưu Ly tấn công nước Hoàng Sắc và giết chết ba ức người, rồi dẫn quân trở về nước.
Bấy giờ Tôn giả Đại Thải Thục Thị đi đến chỗ của Phật, rồi đảnh lễ Phật và mừng thầm mà thưa rằng:
“[Thưa Thế Tôn!] Vua Lưu Ly tấn công nước Hoàng Sắc, đệ tử nương uy thần của Phật đi cứu nhân dân của nước Hoàng Sắc. Có khoảng 4.000 đến 5.000 người hiện đang ở giữa hư không và thảy đều thoát miễn.”
Phật bảo Tôn giả Đại Thải Thục Thị:
“Ông có đi xem những người ở trong bát chưa?”
Thưa rằng:
“Dạ, con chưa có đi xem họ!”
Đức Phật bảo:
“Ông hãy đi xem những người ở trong bát đi.”
Tôn giả Đại Thải Thục Thị dùng Đạo lực hạ bát xuống và thấy những người ở trong đó đều chết sạch. Khi ấy Tôn giả Đại Thải Thục Thị buồn bã than khóc và xót thương cho họ đã gặp ách khổ này.
Sau đó ngài lại thưa với Phật rằng:
“[Thưa Thế Tôn!] Nay những người ở trong bát đều đã chết sạch. Dù con dùng thần lực của Đạo mà vẫn không thể giúp họ thoát miễn nghiệp tội đời trước.”
Phật bảo Tôn giả Đại Thải Thục Thị:
“Đây là bảy điều mà Phật cùng chư thánh, thần tiên Đạo sĩ có khả năng ẩn hình hoặc phân thân, cũng đều chẳng thể miễn trừ.”
Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:
“Trên trời dưới biển sâu
Ẩn náu núi đá cao
Chẳng có một nơi nào
Thoát khỏi nghiệp ác xưa
Chúng sanh chịu khổ não
Già chết không thoát miễn
Chỉ có bậc thượng trí
Vô niệm đoạn ác tà”
Lúc Phật nói lời ấy xong, có vô số người đang hiện diện, khi nghe Phật thuyết giảng về pháp vô thường, họ thảy đều bi ai và nghĩ tưởng nghiệp báo thật khó trốn thoát, rồi lòng họ vui mừng và chứng Quả Nhập Lưu.
Thuở xưa có một quốc gia tên là Hiền Đề. Bấy giờ có một vị Bhikṣu già bị bệnh khốn khổ lâu ngày, gầy gò dơ bẩn, và nằm liệt ở trong một tinh xá của nước Hiền Đề mà chẳng ai săn sóc.
Biết vậy nên Đức Phật dẫn theo 500 vị Bhikṣu đến chỗ của ông ta, rồi sai các vị Bhikṣu cùng trông nom và nấu cháo. Tuy nhiên các vị Bhikṣu thảy đều gớm ghiếc khi nghe ông ấy rất hôi dơ. Đức Phật sai Năng Thiên Đế lấy nước nóng đến, rồi Phật dùng bàn tay kim cang mà tẩy rửa thân thể của vị Bhikṣu mắc bệnh.
Bấy giờ đại địa chấn động, bỗng nhiên có ánh sáng lớn phóng ra, khiến không ai là chẳng kinh sợ và cung kính.
Khi ấy quốc vương, quần thần, dân chúng, trời rồng quỷ thần, và vô số người đi đến chỗ của Phật, rồi cúi đầu đảnh lễ và bạch Phật rằng:
“[Bạch Thế Tôn!] Đức Phật là bậc tôn quý nhất của thế gian, Đạo lực viên mãn, và không một ai trong ba cõi có thể sánh bằng. Vì sao Ngài hạ mình tẩy rửa thân thể cấu uế của vị Bhikṣu gầy ốm này?”
Phật bảo quốc vương và toàn thể chúng hội:
“Như Lai sở dĩ xuất hiện ở thế gian chính là vì những kẻ chịu ách khổ tột cùng mà chẳng ai giúp đỡ. Phàm ai trông nom Đạo Nhân và Phạm Chí đang mắc bệnh, hoặc những kẻ bần cùng và người già côi cút, thì sẽ được phước vô lượng và sở nguyện như ý. Đây ví như nước của năm con sông lớn chảy vào biển; phước đến thì cũng như vậy. Khi công đức dần dần viên mãn thì họ sẽ đắc Đạo.”
Nhà vua bạch Phật rằng:
“[Bạch Thế Tôn!] Đời trước vị Bhikṣu này đã tạo tội gì mà nay phải chịu bệnh hoạn khốn khổ đến nhiều năm mà chữa trị chẳng lành?”
Phật bảo nhà vua rằng:
“Thuở xưa có một ông vua chuyên chế bạo ngược, tên là Ác Hành. Trước đây nhà vua sai một võ sĩ hùng mạnh, biệt hiệu là Ngũ Bách, giữ nhiệm vụ dùng roi quất tội nhân. Ngũ Bách cậy quyền thế của vua mà giả vờ hỷ nộ bất thường. Giả như khi có người sắp bị roi quất, hắn yêu cầu tội nhân dâng quà. Nếu người tội dâng quà thì chỉ bị quất nhẹ, còn không thì sẽ bị roi quất rất nặng. Thế nên mọi người trong nước đều sợ ông ta.
Bấy giờ có một người hiền lương bị kẻ khác vu oan.
Khi sắp sửa bị roi quất, ngài nói với Ngũ Bách rằng:
‘Tôi là đệ tử của Phật. Tôi không có phạm tội và bị kẻ khác vu oan. Xin hãy rủ lòng tha thứ!’
Khi nghe là đệ tử của Phật, Ngũ Bách chỉ dùng roi đánh qua một bên mà chẳng chạm vào thân. Sau khi mạng chung, Ngũ Bách đọa trong địa ngục và bị đánh rất tàn khốc. Khi tội ở địa ngục đã hết, Ngũ Bách được ra khỏi, rồi đọa trong loài bàng sanh và luôn bị gậy đánh đập. Trải qua hơn 500 đời như thế thì tội mới hết và được sanh làm người. Dù được thân người nhưng từ nhỏ đã mắc trọng bệnh và sự đau đớn luôn mãi chẳng lìa thân.
Quốc vương thuở đó, nay chính là Bhikṣu Thiên Nhiệt. Ngũ Bách thuở đó, nay chính là vị Bhikṣu đang mắc bệnh đây vậy. Còn người hiền lương chính là tiền thân của Ta.
Ta ở đời trước được ông ấy khoan hồng nên không bị roi quất vào thân. Bởi vậy mà hôm nay Thế Tôn mới hạ mình tẩy rửa cho ông ấy. Người làm thiện được phước đức, làm ác gặp tai ương, và chúng sẽ luôn tùy thân. Dù họ đã trải qua sanh tử nhưng nghiệp đó cũng không thể nào được thoát miễn.”
Lúc bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ rằng:
“Đánh đập bậc hiền lương
Gièm pha người vô tội
Ương họa tăng gấp mười
Tai vạ chóng không tha
Sanh thời chịu đau đớn
Thân thể gãy tổn thương
Tự nhiên gặp não bệnh
Hoảng hốt tâm điên cuồng
Bị người vu khống oan
Quan liêu làm khốn khổ
Tài sản hao hụt hết
Thân quyến biệt ly tan
Nhà cửa vật sở hữu
Hỏa hoạn thiêu cháy rụi
Khi chết đọa địa ngục
Đó là mười tai ương”
Khi nghe những bài kệ này của Phật, vị Bhikṣu mắc bệnh nhớ lại chuyện đời trước và tự biết việc làm thuở xưa của mình nên trong lòng tự trách khôn nguôi. Bấy giờ bệnh của ngài được tiêu trừ, thân tâm an định và liền đắc Đạo Ứng Chân ở trước Phật. Lúc đó quốc vương của nước Hiền Đề hoan hỷ tín giải. Ngài xin làm Thanh Tín Nam, suốt đời phụng hành Năm Giới và cũng đắc Quả Nhập Lưu.
Thuở xưa Đức Phật thuyết Pháp cho hàng trời người, rồng và quỷ thần ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức.
Về hướng đông của xứ này có một quốc gia tên là Thắng Cước. Bấy giờ có 500 Phạm Chí cùng nhau muốn đến bờ sông Hằng. Ở bờ sông có ba ngôi đền thờ có ao tắm. Nước trong ao có thể dùng để tắm gội cấu uế. Như pháp của ngoại đạo lõa hình, họ lõa hình để cầu tiên đạo. Trên đường họ gặp một cái đầm lớn nhưng không thể qua và do đó mà bị lạc. Vì thế giữa đường họ bị thiếu lương thực. Từ xa xa họ thấy có một cội cây to với thần khí ở xung quanh và nghĩ rằng có người ở đó. Họ vội chạy đến gốc cây nhưng chẳng thấy một ai. Khi ấy các Phạm chí kêu gào khóc lóc và nghĩ rằng sẽ bị chết bởi đói khát ở tại cái đầm này.
Bấy giờ thần cây hiện ra hình người và hỏi các Phạm Chí rằng:
“Các người từ nơi nào đến và nay muốn đi đâu?”
Các Phạm Chí đồng thanh đáp rằng:
“Chúng tôi muốn đến ao thần để tắm gội và hy vọng sẽ đắc tiên đạo, nhưng bây giờ rất đói và khát. Xin hãy xót thương cứu giúp!”
Khi ấy thần cây nhấc tay lên thì ẩm thực trăm vị liền từ trong tay tuôn ra để cung cấp thức ăn cho mọi người và ai nấy đều được no đủ. Về phần ẩm thực còn dư thì đủ để mang theo làm tư lương trên đường.
Lúc sắp từ biệt ra đi, họ đến thần cây và hỏi rằng:
“Xưa ngài tu hành công đức gì mà được uy thần như thế?”
Thần cây trả lời các Phạm Chí rằng:
“Xưa kia tôi vốn là người ở thành Phong Đức. Bấy giờ trong nước có vị đại thần tên là Thiện Thí chuẩn bị dọn thức ăn cho Phật và chư Tăng. Khi ấy ngài đến chợ mua sữa đặc nhưng thiếu người mang về. Thế là ngài nhìn xung quanh và thấy tôi, rồi nhờ mang phụ chúng đến tinh xá, và bảo tôi rót sữa. Khi đã thọ trai và rửa tay xong, mọi người chú tâm nghe Pháp. Tất cả đều hoan hỷ và ngợi khen công đức vô lượng.
Lúc đó tôi xin thọ Tám Giới Quan Trai và không ăn buổi tối.
Khi ấy vợ tôi kinh ngạc và hỏi rằng:
‘Anh giận gì mà không ăn?’
Tôi trả lời:
‘Không có giận gì hết! Hôm nay anh đến chợ và thấy Trưởng giả Thiện Thí mua thức ăn để cúng dường Phật ở tinh xá. Anh đã phụ giúp mang ẩm thực đến tinh xá và nhân đó đã thọ Tám Giới Quan Trai.’
Vợ tôi nổi sân và thốt ra lời giận dữ rằng:
‘Đạo sư Năng Nhân làm rối loạn thế tục. Sao lại có thể làm theo chứ? Nếu anh không vứt bỏ đi thì tai họa sẽ khởi sanh từ đây.’
Do vợ tôi cứ thúc giục mãi nên cuối cùng tôi cũng ăn cơm.
Vào nửa đêm hôm ấy, thọ mạng của tôi đã hết và thần hồn sanh đến chốn này. Do bị con vợ ngu si phá hoại Tám Giới Quan Trai nên nghiệp lành của tôi chẳng được viên mãn, phải sanh đến cái đầm này để làm thần cây. Với phước của mang hộ sữa đặc và tự tay dọn ẩm thực cúng dường, nếu tôi gìn giữ đầy đủ Pháp của Tám Giới Quan Trai thì tất sẽ sanh lên trời và có phước báo tự nhiên.”
Lúc ấy thần cây liền nói bài kệ cho các Phạm Chí rằng:
“Cúng tế gieo tai vạ
Ngày đêm càng sanh trưởng
Khổ nhọc hoại thiện căn
Trai Pháp vượt thế gian”
Khi nghe kệ xong, các Phạm Chí tín thọ và sự mê muội được giải trừ. Sau đó trên đường trở về thành Phong Đức, họ đi ngang qua một quốc gia tên là Bất Tĩnh. Trong nước này có một trưởng giả tên là Mỹ Âm. Ông là một người nhân từ tốt bụng và được mọi người cung kính ngưỡng mộ. Do đó các Phạm Chí đã nghỉ nhờ qua đêm ở chỗ của ngài.
Ông trưởng giả hỏi rằng:
“Các người từ nơi nào đến và nay muốn đi đâu?”
Khi ấy họ trần thuật tường tận về việc lạc đường của họ ở trong cái đầm kia và công đức của thần cây.
[Họ lại nói rằng:]
“Chúng tôi nay muốn đến nhà của Trưởng giả Thiện Thí ở thành Phong Đức và theo ngài đến chỗ của Phật để tu Tám Giới Quan Trai, hầu mong sẽ được phước.”
Nghe vậy, Trưởng giả Mỹ Âm rất vui mừng và cao hứng. Đó là bởi căn lành ở đời trước của ngài nên khi nghe liền hoan hỷ.
Ông thông cáo với mọi người trong dòng tộc rằng:
“Ai có thể cùng đi với tôi để thọ trì Pháp của Tám Giới Quan Trai?”
Bấy giờ có 500 người đồng thanh hưởng ứng. Đây đều là nhân duyên bổn nguyện của họ thuở xưa vậy. Tất cả đều nghiêm chỉnh ra khỏi nhà và cùng đến thành Phong Đức. Trên đường đến Tinh xá Kỳ Viên, giữa đường họ gặp Trưởng giả Thiện Thí. Tuy đã gặp nhưng vẫn không biết là ai.
Thế nên họ hỏi những kẻ tùy tùng rằng:
“Ông ta là ai?”
Đáp rằng:
“Ông ta là Trưởng giả Thiện Thí.”
Khi ấy các Phạm Chí và tất cả mọi người đều vui mừng, rồi cùng đuổi theo và nói rằng:
“Ước nguyện cầu gặp được người mong muốn của chúng ta sắp thành hiện thực!”
Và thế là họ cùng chạy tới để mong được thăm hỏi.
Họ đồng thanh ngợi khen rằng:
“Thần cây hết mực tán dương công đức của ngài!”
Lại với lòng thành kính, họ kể rõ sự tình và nguyên nhân đến đây là hy vọng được trưởng giả chỉ dẫn làm sao thọ trì Pháp của Tám Giới Quan Trai.
Trưởng giả Thiện Thí dừng xe và đáp rằng:
“Điều ước mong của các người thật chí thiện. Tôn sư của tôi gọi là Như Lai Thế Tôn và Ngài luôn hóa độ chúng sanh. Hiện giờ Đức Phật đang ở Tinh xá Kỳ Viên, chúng ta hãy cùng đến đó để thân cận.”
Họ đều cung kính vâng lời và uy nghiêm tiến về phía trước. Từ xa trông thấy Như Lai, lòng họ vui mừng khôn xiết. Tiếp đến họ cúi đầu đảnh lễ sát đất và lui xuống ngồi qua một bên.
Sau đó tất cả họ quỳ hai gối và thưa với Phật rằng:
“[Thưa Thế Tôn!] Chúng con vốn từ nhà ra đi, muốn đến ba ao thần để tắm gội và cầu tiên đạo. Trong lúc bị lạc đường, may nhờ có thần cây giúp đỡ và ngài cũng trần thuật lại việc đời trước của mình. Cho nên hôm nay chúng con muốn đến đây là mong được Phật giáo hóa.”
Lúc bấy giờ Thế Tôn nhân bởi sự tu hành của họ mà nói kệ rằng:
“Lõa hình cắt râu tóc
Thân luôn mặc áo cỏ
Tắm gội ngồi trên đá
Si mê có ích gì?
Không phạt, phóng hỏa, giết
Cũng không cầu chiến thắng
Nhân ái khắp thiên hạ
Nơi đến chẳng hận thù”
Khi nghe kệ xong, 500 Phạm Chí rất vui mừng. Sau đó họ xin làm Đạo Nhân và đều đắc Đạo Ứng Chân. Còn Trưởng giả Mỹ Âm và hàng quyến thuộc cũng được Pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ các vị Bhikṣu bạch Phật rằng:
“[Bạch Thế Tôn!] Thuở xưa 500 Phạm Chí, Trưởng giả Mỹ Âm và hàng quyến thuộc đã tu công đức gì mà mau đắc Đạo như thế?”
Thế Tôn bảo rằng:
“Vào thuở quá khứ lâu xa về trước, bấy giờ ở thế gian có Đức Phật hiệu là Ẩm Quang. Khi ấy Ngài thuyết Pháp cho các đệ tử về đời ác năm trược ở vị lai.
Khi ấy có các Phạm Chí, ông trưởng giả và hàng quyến thuộc, cả thảy là 1.000 người.
Họ đồng phát nguyện rằng:
‘Chúng con nguyện sẽ thấy Đức Phật Năng Tịch.’
Các Phạm Chí thuở đó, nay chính là các Phạm Chí đây vậy. Ông trưởng giả và hàng quyến thuộc thuở đó, nay chính là Trưởng giả Mỹ Âm và hàng quyến thuộc. Do bởi nhân duyên đó mà khi họ thấy Ta thì liền được khai ngộ.”
Lúc ấy các vị Bhikṣu hoan hỷ, đảnh lễ và phụng hành.