Kinh Cửu Sắc Lộc
Pháp Giới 4 tháng trước

Kinh Cửu Sắc Lộc

Kinh Cửu Sắc Lộc

“Thuở xưa Đức Bồ-tát làm thân cửu sắc lộc. Lông của nai có chín màu sắc và cặp sừng trắng như tuyết. Nó thường ở tại ven bờ sông Hằng ăn cỏ, uống nước và cùng kết bạn với một con chim quạ.

Một ngày nọ, có một người sắp chết đuối bị cuốn trôi theo dòng nước chảy, chìm nổi lênh đênh và may mắn bám được một khúc gỗ.

Kẻ ấy ngước đầu lên và kêu trời rằng:

‘Thần núi, thần cây và chư thiên long thần, tại sao không thương xót tôi?’

Khi nai nghe tiếng người kêu cứu, nó chạy vội đến bờ nước và bảo người sắp chết đuối rằng:

‘Ông chớ sợ hãi. Ông có thể cưỡi trên lưng và nắm chặt vào sừng của tôi. Tôi sẽ vác ông lên bờ.’

Khi đã lên tới bờ, nai mệt mỏi kiệt sức.

Kẻ thoát chết đuối leo xuống, nhiễu quanh ba vòng, hướng về nai khấu đầu và thưa rằng:

‘Tôi xin vì thần lộc mà làm nô tớ để hái cỏ và lấy nước.’

Nai nói rằng:

‘Không cần làm thế! Ông hãy trở về đi. Như muốn báo ân thì chớ nói với kẻ khác là đã gặp tôi ở nơi này. Người đời rất tham muốn da và sừng của tôi nên sẽ đến đây giết hại.’

Sau đó kẻ thoát chết đuối vâng lời và từ biệt.

Lúc bấy giờ phu nhân của nhà vua trong nước ấy, ban đêm bà mộng thấy cửu sắc lộc. Lông của nó có chín màu sắc và cặp sừng trắng như tuyết. Trong lòng muốn có da và sừng của nó nên liền mượn cớ mắc bệnh và không chịu ngồi dậy.

Khi ấy vua hỏi phu nhân:

‘Sao nàng không chịu ngồi dậy?’

Phu nhân đáp rằng:

‘Tối qua thần thiếp nằm mơ thấy một con nai kỳ lạ. Lông của nó có chín màu sắc và cặp sừng trắng như tuyết. Thần thiếp muốn có được da của nó làm đệm ngồi và sừng của nó làm cán cây phất trần. Xin đại vương hãy đi bắt cho thần thiếp. Nếu đại vương không thể tìm được thì thần thiếp sẽ chết mất.’

Xem Thêm:   Kinh Trường Thọ Diệt Tội và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé

Vua nói với phu nhân:

‘Nàng hãy ngồi dậy. Trẫm làm vua của một nước mà không thể tìm được hay sao?’

Nhà vua liền ra thông cáo trong nước:

‘Nếu ai có thể bắt được cửu sắc lộc thì sẽ cùng trẫm phân hưởng giang sơn, được ban cho chén vàng đựng đầy những hạt lúa bạc, và còn được ban cho chén bạc đựng đầy những hạt lúa vàng!’

Kẻ thoát chết đuối nghe chiếu chỉ trọng thưởng của nhà vua nên sanh lòng tà ác và thầm nghĩ:

‘Nếu ta nói con nai này ở đâu thì sẽ được vinh hoa phú quý. Nai là loài thú vật, việc sống hay chết đâu có xá là chi?’

Thế là kẻ thoát chết đuối liền nói với người truyền thông cáo rằng:

‘Tôi biết cửu sắc lộc ở đâu.’

Người truyền thông cáo liền dẫn kẻ thoát chết đuối đến chỗ vua và tâu vua rằng:

‘Khải bẩm đại vương! Người này biết cửu sắc lộc ở đâu.’

Nhà vua nghe xong liền rất vui mừng và nói với kẻ thoát chết đuối rằng:

‘Nếu ngươi có thể tìm được cửu sắc lộc, trẫm sẽ chia cho một nửa lãnh thổ. Quyết không nuốt lời!’

Kẻ thoát chết đuối tâu vua rằng:

‘Tiện dân có thể tìm được nó.’

Khi ấy, trên mặt của kẻ thoát chết đuối liền sanh ra đầy mụn nhọt.

Kẻ thoát chết đuối tâu vua rằng:

‘[Tâu đại vương!] Con nai này tuy là loài thú vật nhưng có uy thần lớn. Đại vương phải cho nhiều quân lính thì mới có thể bắt được.’

Nhà vua liền thống lãnh rất nhiều quân lính đi đến ven bờ sông Hằng.

Xem Thêm:   Kinh Cha Mẹ Ân Trọng

Khi ấy, chú quạ ở trên cây đã từ xa trông thấy đoàn người của nhà vua đang tiến tới và nghĩ họ đến để giết bạn nai của mình, nên liền hô réo chú nai rằng:

‘Bạn ơi, mau thức dậy đi! Nhà vua đến bắt anh kìa!’

Thế nhưng nai vẫn còn chưa tỉnh giấc.

Khi đó chú quạ liền từ trên cây bay xuống và đậu ở đầu nai, rồi kêu lớn vào lỗ tai của nai rằng:

‘Bạn ơn, hãy mau dậy! Quân lính của nhà vua đến kìa!’

Khi ấy nai mới kinh hoàng tỉnh giấc. Nai liền nhìn khắp bốn phía, thấy quân lính của nhà vua đã bao vây trùng trùng và không có cách nào chạy thoát được. Thế nên nai liền rảo về hướng chiếc xe của nhà vua. Lúc đó, quân lính của nhà vua giương cung muốn bắn.

Nai nói với thuộc hạ của nhà vua rằng:

‘Xin đừng bắn tôi! Tôi tự đến chỗ của đại vương và có điều muốn nói.’

Nhà vua liền ra lệnh quần thần:

‘Đừng bắn con nai này! Nai này rất khác thường. Có thể là thiên thần.’

Nai lại nói với nhà vua rằng:

‘Xin đừng bắn giết tôi! Tôi có một đại ân ở vương quốc này.’

Nhà vua hỏi nai rằng:

‘Ngươi có ân gì?’

Nai nói:

‘Tôi đã từng cứu sống một người trong vương quốc của ngài.’

Lúc đó nai quỳ hai gối và lại hỏi nhà vua:

‘Ai đã chỉ dẫn ngài là tôi ở đây?’

Nhà vua liền chỉ vào kẻ ở cạnh chiếc xe:

‘Chính là kẻ mặt mụn nhọt đó!’

Khi nai nghe lời nhà vua, nước mắt rưng rưng tuôn rơi mà chẳng thể nào ngăn được.

Nai nói:

‘Thưa đại vương! Ngày trước kẻ đó bị cuốn trôi theo dòng nước chảy, chìm nổi lênh đênh và may mắn bám được một khúc gỗ.

Kẻ ấy ngước đầu lên và kêu trời rằng:

Xem Thêm:   Kinh Phật Danh ♦ Quyển 4

“Thần núi, thần cây và chư thiên long thần, tại sao không thương xót tôi?”

Tôi lúc đó chẳng hề tiếc tánh mạng của mình và đã liều chết vào trong nước vác người đó ra. Người đó đã thề là sẽ không chỉ ra nơi này. Kẻ ấy lấy ân báo oán, bằng chi hãy mặc hắn ôm khúc gỗ để nước cuốn trôi.’

Khi nghe nai nói xong, nhà vua vô cùng hổ thẹn và quát kẻ kia rằng:

‘Ngươi thọ trọng ân của người khác nhưng tại sao trở lại muốn giết họ?’

Sau đó nhà vua liền hạ lệnh trong nước rằng:

‘Từ nay về sau, nếu có ai đuổi bắt con nai này thì trẫm sẽ tru di năm tộc của kẻ đó.’

Kể từ ấy, có vài ngàn con nai đều đến vây quanh cửu sắc lộc để làm nơi nương tựa. Chúng ăn cỏ uống nước và không xâm phạm rau lúa của người. Từ đó về sau, mưa gió thuận hòa, ngũ cốc chín rộ, dân chúng chẳng có bệnh tật, đất nước thái bình, trường thọ an khang.”

Đức Phật bảo:

“Cửu sắc lộc thuở đó là tiền thân của Ta đây vậy. Chim quạ thuở đó, nay chính là Thị giả Khánh Hỷ. Quốc vương thuở đó, nay chính là vua Tịnh Phạn. Phu nhân của nhà vua thuở đó, nay chính là Phu nhân Hảo Ái. Còn kẻ thoát chết đuối thuở đó, nay chính là Bhikṣu [bíc su] Thiên Nhiệt.

Bhikṣu Thiên Nhiệt đời đời có oán thù đối với Ta. Tuy ta đã dùng thiện ý tiếp đãi, nhưng ông ấy vẫn cố ý muốn hại ta. Từ xưa Thị giả Khánh Hỷ đã có lòng tốt như thế nên sẽ đắc Đạo vô thượng.

Bồ-tát đã trải qua gian khổ để tu hành Nhẫn Nhục Độ như thế ấy.”

Nguồn Bài Viết : https://daitangkinh.net/ ( Đại Tạng Kinh )

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog