Kinh Bách Dụ ♦ Quyển 4
Pháp Giới 11 tháng trước

Kinh Bách Dụ ♦ Quyển 4

Kinh Bách Dụ ♦ Quyển 4

Thuở xưa có một con trai của một ông đại trưởng giả. Y cùng với các thương nhân vào biển tìm trân bảo. Chàng thanh niên này rất giỏi đọc làu làu về phương pháp lái thuyền trên biển. Ví dụ, nếu vào trong biển mà gặp nước xoáy, đi ngược dòng, hoặc gặp đá ngầm, thì hãy lái như vầy, hãy làm như vầy, và hãy dừng như vầy.

Hắn nói với mọi người rằng:

“Những phương pháp lái thuyền trên biển, tôi đều biết hết.”

Khi mọi người nghe xong, ai nấy đều rất tin tưởng lời nói của y. Lúc thuyền ra khơi chưa được bao lâu, chẳng may thuyền trưởng lâm bệnh và đột ngột qua đời. Bấy giờ chàng trưởng giả tử liền nhận trách nhiệm lái thuyền.

Khi thuyền gặp dòng nước chảy xiết do nước xoáy tạo ra, hắn cứ lẩm bẩm trong miệng rằng:

“Hãy lái như vầy, phải làm như vầy!”

Thế là thuyền bị nước cuốn quay vòng và chẳng thể tiến về phía trước để đến nơi châu báu. Toàn bộ thương nhân trên thuyền đều bị nước dìm chết.

Nhiều kẻ phàm phu thì cũng như thế. Họ biết một chút kiến thức về cách ngồi thiền, như là quán tưởng hơi thở và quán thân bất tịnh. Mặc dù họ đọc văn tự nhưng chẳng hiểu nghĩa lý. Thật ra, họ chẳng biết gì về thiền cả. Thế nhưng, họ tự nói là mình đã thấu hiểu, rồi vọng truyền phương pháp tu thiền, khiến người tu theo đều mê loạn, đánh mất tâm tánh, điên đảo pháp tướng, và suốt cả bao năm mà chẳng đạt được gì. Đây cũng như kẻ ngu kia đã khiến người khác bị chìm đuối nơi biển cả vậy.

Thuở xưa có một cặp vợ chồng có được ba miếng bánh. Vợ chồng cùng chia cho mỗi người một miếng.

Đến lượt miếng bánh thứ ba còn dư lại, họ đánh cược với nhau rằng:

“Nếu ai mở miệng trước sẽ không được miếng bánh đó.”

Khi bắt đầu cá cược, chỉ vì một miếng bánh mà họ chẳng dám nói chuyện. Chẳng bao lâu sau đó, có một tên trộm lẻn vào nhà lấy cắp tài vật. Tuy hai vợ chồng đã thấy mọi thứ đều lọt hết vào trong tay của tên trộm, nhưng chẳng ai hé một lời. Khi tên trộm thấy chẳng ai nói gì, hắn liền tấn công cô vợ ở ngay trước mặt người chồng. Người chồng tuy thấy nhưng cũng chẳng lên tiếng.

Bấy giờ cô vợ la lên có trộm, rồi hét người chồng rằng:

“Sao ông ngu vậy? Chỉ vì một miếng bánh mà tuy thấy tên trộm nhưng vẫn không la lên!”

Người chồng vỗ tay, cười và nói rằng:

“A, bà thua rồi đó! Miếng bánh thuộc về tôi nhé. Tôi sẽ không cho bà miếng nào đâu!”

Khi mọi người nghe câu chuyện này, chẳng ai mà có thể nhịn được cười.

Nhiều kẻ phàm phu thì cũng như thế. Chỉ vì một chút danh lợi mà họ giả vờ lặng câm. Khi bị phiền não hư giả và đủ mọi ác tặc xâm nhiễu, họ đều chẳng sợ mất Pháp lành, hoặc đọa ba đường ác, và cũng không cầu ra khỏi thế gian. Trái lại, họ đam mê vui chơi nơi năm dục; tuy gặp lắm ách khổ, nhưng vẫn không cho đó là hoạn nạn. Đây cũng như kẻ ngu kia vậy–không chút sai khác.

Thuở xưa có một người buồn bực không vui vì hắn đang oán hận kẻ khác.

Khi ấy có người hỏi rằng:

“Sao nay anh lại buồn bực như vậy?”

Y liền trả lời:

“Có người nhục mạ tôi, nhưng sức của tôi thì chẳng thể trả thù. Tôi không biết làm cách nào để có thể báo thù đây nữa. Đó là lý do tại sao tôi buồn bã.”

Có người bảo rằng:

“Duy chỉ có chú khởi thi quỷ mới có thể hại hắn. Tuy nhiên, nó có một chút bất lợi. Trước khi hại người, anh phải tự hại mình trước.”

Khi nghe lời ấy xong, kẻ ấy mừng rỡ vô cùng mà nói rằng:

“Xin hãy dạy cho tôi đi. Dù chính tôi phải bị hại đi nữa, nhưng tôi vẫn mong hắn tổn thương.”

Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Chỉ vì sân hận mà muốn cầu chú khởi thi quỷ để não hại kẻ khác. Nhưng còn chưa kịp hại người, thì trước đó đã bị sân hận hại ngược chính họ rồi, khiến phải đọa địa ngục, hoặc sanh làm ngạ quỷ hay bàng sanh. Đây cũng như kẻ ngu kia vậy–không chút sai khác.

Thuở xưa có một người từ miền bắc của nước Thiên Trúc xuống miền nam sinh sống. Sau một thời gian ở đó khá lâu, anh ta cùng với một nàng con gái kết làm phu thê. Có một hôm, cô vợ dọn cơm nước cho chồng. Người chồng nuốt ăn lia lịa, bất chấp thức ăn vẫn đang nóng hổi.

Khi ấy cô vợ ngạc nhiên và nói với chồng rằng:

“Ở đây chẳng có ai cướp giật thức ăn cả. Anh cần gì mà phải gấp rút dữ vậy? Sao không ăn từ từ cho ngon?”

Người chồng trả lời với vợ rằng:

“Đó là việc bí mật. Anh không thể nói cho em biết.”

Cô vợ nghe nói thế thì cho là có điều khác lạ, nên cứ năn nỉ hỏi mãi.

Một hồi lâu sau thì anh ta mới chịu giải thích:

“Tổ tiên của anh từ xưa đến nay có tục lệ là phải luôn ăn nhanh. Anh giờ cũng bắt chước, cho nên mới ăn nhanh vậy đó.”

Nhiều kẻ phàm phu ở thế gian thì cũng như thế. Do chẳng thông đạt nghĩa lý chân chánh và chẳng biết lành dữ, họ làm những việc quái gở mà chẳng hề xấu hổ. Họ bảo rằng tục lệ này là do cha ông đã truyền lại. Thế là họ vâng làm theo và cho đến lúc chết mà vẫn không thể rời bỏ. Đây cũng như kẻ ngu kia bắt chước tổ tiên ăn nhanh mà cho đó là một lối ăn tuyệt vời vậy.

Thuở xưa có một trưởng giả. Ông sai hạ nhân hãy cầm tiền đến trong vườn của người kia và mua về một số trái nại để ăn.

Ông căn dặn rằng:

“Hãy lựa những trái nào ngon ngọt thì mới mua về.”

Thế là hắn cầm tiền đi mua trái cây.

Khi ấy, chủ vườn nói rằng:

“Tất cả trái trên cây này của tôi đều rất ngon ngọt, chẳng có trái nào hư cả. Anh cứ nếm thử một trái thì sẽ đủ biết rồi.”

Kẻ mua trái cây nói rằng:

“Bây giờ tôi sẽ nếm thử từng trái, nếu được thì sau đó tôi mới lấy. Nhưng nếu chỉ nếm một trái thì làm sao biết được toàn bộ đây?”

Thế là hắn cầm mỗi trái và đều nếm qua hết, rồi mang chúng về nhà. Khi ông trưởng giả nhìn thấy những quả trái cây gớm ghiếc như thế, chẳng những đã không ăn trái nào mà còn mang chúng quăng bỏ hết.

Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Tuy họ nghe rằng, trì giới và bố thí sẽ được giàu sang, an vui, thân luôn bình an, và không gặp các hoạn nạn.

Thế nhưng họ chẳng chịu tin mà nói như vầy:

“Chỉ khi nào chính tôi trải nghiệm qua thì sau đó tôi mới tin rằng bố thí sẽ được phước.”

Ngay trước mắt ở hiện đời, họ thấy có người phú quý, có kẻ bần cùng. Đây đều là do nghiệp của đời trước nên nay mới thọ quả báo như vậy. Thế nhưng đối với Đạo lý nhân quả, họ ngờ vực chẳng tin và bảo là cần phải đích thân trải qua mới được. Rồi thì một mai chết đi, tài vật đều tan mất. Đây cũng như kẻ nếm thử những quả trái cây kia vậy–rốt cuộc, tất cả đều phải liệng bỏ.

Thuở xưa có một người lấy hai cô vợ. Hễ anh ta gần gũi cô vợ này thì cô vợ kia nổi giận. Do chẳng thể nào giải quyết tình trạng này, khi ngủ, hắn nằm ở giữa hai bà vợ và mặt ngửa lên. Có một đêm trời mưa tầm tã, mái nhà bị dột. Khi ấy, nước với đất nhiểu xuống và rớt vào trong mắt, nhưng anh ta chẳng dám xoay đầu để tránh. Hậu quả là đã khiến cặp mắt phải bị mù.

Nhiều kẻ phàm phu ở thế gian thì cũng như thế. Họ gần gũi bạn xấu, rồi làm những việc phi pháp và kết tạo nghiệp ác. Sau khi chết, họ phải đọa ba đường ác và lưu chuyển mãi ở chốn sanh tử. Và như thế, họ đã đánh mất con mắt trí tuệ. Đây cũng như người chồng ngu si kia, chỉ vì hai bà vợ mà khiến đôi mắt bị mù vậy.

Thuở xưa có một chàng rể đến nhà của cha mẹ vợ. Khi thấy họ đang giã gạo, anh ta liền đến chỗ ấy, rồi lén bốc gạo và ngậm giấu ở trong miệng. Khi thấy chồng mình ở đó, cô vợ đi đến và muốn trò chuyện. Nhưng bởi trong miệng toàn là gạo nên y chẳng thể đáp. Anh ta lại sợ sẽ làm xấu hổ trước mặt vợ, nên chẳng chịu nhổ ra. Thấy chồng mình chẳng nói lời nào, cô vợ kinh ngạc. Cô vợ lấy tay sờ lên mặt xem sao thì tưởng rằng miệng của chồng bị sưng.

Thế là cô ta nói với cha rằng:

“Cha ơi! Chồng con vừa mới tới thì thình lình bị sưng miệng và chẳng thể nói năng gì được.”

Người cha lập tức cho gọi thầy thuốc đến chữa trị.

Sau khi xem, thầy thuốc bảo:

“Chứng bệnh này quá trầm trọng. Tôi phải dùng dao rạch thì mới có thể trị lành.”

Thế là thầy thuốc dùng dao rạch miệng của người chồng. Bấy giờ gạo rớt ra ngoài và câu chuyện bại lộ.

Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Họ làm những việc ác và vi phạm giới thanh tịnh, rồi che giấu tội lỗi của họ mà chẳng chịu phát lộ sám hối. Thế là họ phải đọa địa ngục, hoặc sanh làm ngạ quỷ hay bàng sanh. Đây cũng như kẻ ngu kia, chỉ vì sợ một chút xấu hổ mà chẳng chịu nhổ gạo ra. Mãi đến khi dùng dao rạch miệng thì lỗi lầm của y mới được phơi bày.

Thuở xưa có một người cưỡi một con ngựa màu đen xông ra trận đánh giặc. Do sợ hãi nên hắn không thể chiến đấu. Thế là y liền lấy máu dơ bôi lên mặt và giả vờ nằm chết ở giữa mấy xác chết. Trong khi ấy, ngựa của anh ta cưỡi bị kẻ khác đoạt mất. Sau khi quân lính thoái lui, hắn cắt cái đuôi của con ngựa màu trắng thuộc về người khác, rồi mang trở về nhà.

Khi về tới nhà, có người hỏi rằng:

“Con ngựa của anh đã cưỡi giờ ở đâu mà sao không cưỡi?”

Y trả lời:

“Con ngựa của tôi đã chết, nên tôi mới cầm đuôi của nó mang về.

Những người xung quanh bảo rằng:

“Con ngựa của anh vốn màu đen, sao cái đuôi lại màu trắng chứ?”

Khi ấy gã im re không trả lời, và đã bị mọi người cười một trận.

Nhiều người ở thế gian thì cũng như thế. Họ tự khoe là mình tốt lắm, nào là thực hành lòng từ và không ăn thịt uống rượu. Thế nhưng họ giết hại chúng sanh và còn làm nhiều việc ác độc, rồi nói dối là mình hiền lành và không hề làm điều ác. Đây cũng như kẻ ngu kia đã nói dối là con ngựa đã chết vậy.

Thuở xưa có một vị vua ban hành một sắc lệnh rằng, tất cả Phạm Chí ở trong nước này phải tắm rửa sạch sẽ và nếu ai không tắm rửa sạch sẽ thì sẽ bắt đi làm đủ mọi lao dịch. Khi ấy có một Phạm Chí luôn cầm một cái bình trống rỗng và giả vờ nói rằng mình đã tắm rửa sạch sẽ.

Xem Thêm:   Kinh Đại Thừa Đại Phương Quảng Phật Quan ♦ Quyển hạ

Khi có người đổ nước vào bình, thì ông ta liền đổ ra và còn nói thế này:

“Tôi không muốn tắm rửa sạch sẽ đâu. Có tắm rửa thì nhà vua tự làm đi. Bởi nếu ai trái ý vua thì sẽ bị bắt đi lao dịch, cho nên tôi mới nói dối là đã tắm rửa sạch sẽ, chứ thật ra không có tắm rửa gì cả.”

Có những kẻ phàm phu xuất gia thì cũng như thế. Họ cạo đầu đắp y nhưng thật ra thì hủy phạm giới cấm, rồi giả vờ hiện ra vẻ trì giới để mong cầu lợi dưỡng. Họ làm ra vẻ giống như Đạo Nhân, nhưng thực tế đang lừa dối. Họ cũng như kẻ Phạm Chí kia, vì trốn lao dịch của vua nên cầm cái bình trống rỗng; họ chỉ có hình tướng bên ngoài mà thôi.

Thuở xưa có một người dùng một cái hũ đựng lúa. Một hôm, có một con lạc đà đút đầu vào trong cái hũ đó để ăn lúa, nhưng nó lại không rút đầu ra được. Người kia đã thử hết mọi cách nhưng vẫn không thể lấy ra nên rất sầu khổ.

Bấy giờ có một ông già đi tới và bảo:

“Cậu chớ buồn nữa. Tôi sẽ dạy cậu lấy cái hũ ra. Cậu cứ làm theo cách của tôi nói thì sẽ lấy ra mau lắm. Cậu hãy chặt đầu con lạc đà thì cái hũ sẽ tự động ra được thôi.”

Người kia liền nghe theo lời nói của ông già và đã dùng dao chém đầu con lạc đà. Chẳng những y đã giết con lạc đà, mà trong quá trình ấy cũng đã làm vỡ cái hũ. Kẻ ngu si như vậy thật đáng bị người thế gian chê cười.

Kẻ phàm phu ngu si thì cũng như thế. Với lòng mong mỏi giác ngộ, họ chí cầu thánh Quả ở trong ba thừa. Đáng lẽ phải nghiêm trì giới cấm và không làm việc ác, tuy nhiên họ lại đắm chìm trong năm dục, rồi phá hủy tịnh giới. Khi đã phạm giới cấm, họ liền xả bỏ ba thừa, phóng túng tâm ý, và không việc ác nào mà chẳng làm. Kết quả là ba thừa lẫn tịnh giới đều xả bỏ. Đây cũng như kẻ ngu kia, cả lạc đà và cái hũ đều mất vậy.

Thuở xưa có một chàng nông phu lên kinh thành dạo chơi. Ở đó, hắn thấy qua một cô công chúa với diện mạo đoan chánh và nghĩ rằng nàng thật quý hiếm trên cõi đời. Và thế là từ đó, suốt ngày lẫn đêm gã nhung nhớ khôn nguôi. Hắn khắc khoải muốn làm quen với công chúa, nhưng do chẳng thể nào được, nên sắc mặt bỗng trở nên xanh xao và lâm trọng bệnh.

Mọi người thân quen thấy vậy nên mới hỏi rằng:

“Tại sao lại đến nông nỗi này?”

Y trả lời rằng:

“Hôm qua tôi chợt trông thấy công chúa với nhan sắc xinh đẹp. Tôi mơ ước muốn làm quen với công chúa, nhưng do chẳng thể nào được nên tôi mới ngã bệnh. Nếu như chẳng được, chắc tôi sẽ chết mất.”

Các người thân bảo rằng:

“Chúng tôi sẽ tìm cách để cho cậu được gặp. Thôi chớ buồn nữa!”

Vài hôm sau, họ đến thăm và nói rằng:

“Chúng tôi đã tìm ra cách để cậu có thể gặp rồi, nhưng rất tiếc là công chúa không muốn.”

Khi gã nông phu nghe xong, hắn cười hớn hở và kêu lên rằng:

“Nhất định sẽ được mà!”

Đây cũng như mấy kẻ ngu ở thế gian. Họ chẳng phân biệt được mùa nào là xuân, hạ, thu, đông. Và thế là ở mùa đông, họ gieo hạt xuống đất và hy vọng sẽ có trái. Họ đã lãng phí biết bao công sức mà kết quả chẳng thu hoạch được gì. Mầm, thân, cành, và lá thảy đều mất sạch. Những người ngu muội ở thế gian chỉ tu tập một chút phước, nhưng nghĩ rằng đã đủ và cho là đã chứng đắc Phật Đạo. Đây cũng như kẻ nông phu kia mơ tưởng công chúa vậy.

Thuở xưa ở vùng biên giới có một nhóm người chẳng hề biết gì về con lừa. Họ nghe người ta đồn rằng sữa lừa rất ngon. Tuy nhiên, không một ai biết gì về nó cả.

Lúc bấy giờ họ có được một con lừa đực và ai ai cũng muốn tranh nhau để vắt sữa của nó.

Ở trong bọn họ, có kẻ nắm giữ nào là đầu, tai, đuôi, chân, hoặc dương vật của nó. Ai nấy đều muốn có sữa để uống trước. Kẻ cầm giữ dương vật của con lừa thì hô là có thể lấy sữa từ nơi đó, nên hắn liền hì hục mà vắt. Cuối cùng, cả bọn chúng đều mệt rã rời nhưng chẳng ai vắt được gì. Không những họ đã tự chuốc khổ mà còn chẳng được gì. Thật là đáng bị hết thảy người đời cười chê.

Có những ngoại đạo và phàm phu thì cũng như thế. Họ nghe giảng rằng tu Đạo thì không nên khởi sanh tham cầu. Thế nhưng, họ lại nảy sanh vọng tưởng và khởi sanh đủ mọi tà kiến, như là lõa hình, nhịn đói, quăng mình xuống đá, hoặc lao đầu vào lửa. Bởi làm theo những tà kiến này, kết cục là phải đọa đường ác. Đây cũng như mấy kẻ ngu kia đã vọng cầu sữa ở nơi con lừa đực vậy.

Thuở xưa có một người cha đã dặn dò con mình vào một buổi tối nọ:

“Ngày mai cha sẽ cùng với con đi đến ngôi làng kia để lấy một số đồ lặt vặt.”

Khi đứa con nghe lời ấy xong, rồi vào lúc hừng sáng, nó một mình đi đến chỗ kia mà chẳng báo cho người cha tiếng nào. Khi đã đến chỗ đó, không những thân thể mệt nhoài mà chẳng được gì. Lại không có thức ăn nên phải chịu đói khát đến nỗi tưởng chừng như sắp chết. Thế là đứa con ráng lết về nhà gặp cha.

Khi thấy con đến, người cha quở trách thậm tệ:

“Con thiệt là ngu si quá cỡ và chẳng có một chút lý trí. Tại sao không đợi cha? Con đến đó rồi quay về và chẳng được gì–chỉ tự chuốc khổ vào thân.”

Đứa con ngu muội ấy thật đáng bị hết thảy người đời chê cười.

Nhiều kẻ phàm phu thì cũng như thế. Giả sử họ được xuất gia, cạo bỏ râu tóc, và mặc ba Pháp y. Thế nhưng, họ chẳng cầu bậc minh sư để tham vấn Đạo Pháp. Kết quả, họ đánh mất thiền định, công đức từ các Phẩm Trợ Đạo, và những diệu Quả của Đạo Nhân thảy đều mất sạch. Tuy có hình dáng của Đạo Nhân, nhưng thực tế thì họ chẳng có điều gì sở đắc. Đây cũng như đứa con ngu khờ kia, nó đến đó rồi quay về và chẳng được gì–chỉ tự chuốc khổ vào thân.

Thuở xưa có một quốc vương muốn vào trong vườn Vô Ưu để thưởng ngoạn vui chơi.

Vua ra lệnh cho một quần thần rằng:

“Khanh hãy kéo một cái ghế đến khu vườn đó để trẫm ngồi nghỉ.”

Khi ấy người đó cảm thấy xấu hổ với công việc này nên chẳng chịu kéo.

Thế là hắn tâu với nhà vua rằng:

“[Tâu đại vương!] Thần thà vác ghế trên lưng chứ thần không thể kéo nó đi.”

Lúc đó nhà vua liền bỏ 36 cái ghế trên trên lưng của kẻ kia và sai phải vác chúng đến trong vườn. Người ngu như vậy thật đáng bị người thế gian chê cười.

Nhiều kẻ phàm phu thì cũng như thế. Nếu thấy một sợi tóc của người nữ ở trên đất, thì nói rằng họ đang trì giới nên chẳng chịu nhặt. Về sau khi bị phiền não làm mê muội, 36 thứ của thân thể, như là lông, tóc, răng, móng, hay phân với nước tiểu dơ dáy, thì họ chẳng cho là xấu xa. Chẳng những thế, họ còn luôn giữ chúng và không hề thấy xấu hổ, rồi mãi cho đến chết mà vẫn không thể xả bỏ. Đây cũng như kẻ ngu kia thà chịu vác ghế trên lưng vậy.

Thuở xưa có một người bị bệnh ở hạ bộ.

Sau khi khám, thầy thuốc bảo rằng:

“Tôi cần áp dụng phương thức trị táo bón thì anh mới có thể lành.”

Nói xong, thầy thuốc lập tức đi kiếm dụng cụ để định bơm chất lỏng vào hậu môn của người bệnh. Trong lúc thầy thuốc đi chưa bao lâu, bệnh nhân lấy chất lỏng trị táo bón để uống, khiến bụng trương phình và hắn tưởng chừng như sắp chết.

Khi quay lại, thầy thuốc kinh ngạc nên liền hỏi rằng:

“Sao đến nông nỗi thế này?”

Người bệnh trả lời với thầy thuốc rằng:

“Hồi nãy tôi lấy loại thuốc đó để uống, cho nên mới bị như vậy.”

Khi nghe anh ta nói, thầy thuốc quở trách thậm tệ:

“Anh là kẻ ngu si quá mức. Sao không hiểu lý lẽ vậy!”

Thầy thuốc liền lấy loại thuốc khác để cho uống, khiến anh ta nôn mửa và sau đó cái bụng mới như xưa.

Kẻ ngu như thế thật đáng bị người đời chê cười.

Nhiều kẻ phàm phu thì cũng như thế. Họ muốn tu học thiền quán với rất nhiều phương pháp, nhưng lại chẳng thông hiểu. Lúc nên quán thân bất tịnh thì họ lại quán tưởng hơi thở. Lúc nên quán tưởng hơi thở thì họ lại quán sáu giới [đất, nước, gió, lửa, hư không, và tâm thức]. Điên đảo trên dưới và không có căn gốc như vậy, nên phải bị khốn khổ, hoặc có thể mất đi thân mạng. Họ tu tập thiền pháp điên đảo, nhưng lại chẳng hỏi bậc minh sư. Đây cũng như kẻ ngu kia đã uống chất lỏng không sạch sẽ vậy.

Thuở xưa có hai cha con cùng đi ngang qua gần một khu rừng. Trong lúc nghỉ ngơi, đứa con bỏ vào rừng và bị một con gấu cào cấu, khiến thân thể trầy xước khắp nơi. Nó chạy hớt hơ hớt hải ra khỏi rừng để trở về gặp cha. Khi người cha thấy con mình với thân thể đầy thương tích.

Ông sửng sốt và hỏi rằng:

“Sao con bị thương đến nông nỗi này?”

Đứa con lập bập nói với người cha rằng:

“Cha ơi! Có một con quái vật lông lá dài thườn thượt. Nó đã đến cào xé con.”

Nghe xong, người cha cầm cung tên đi vào rừng và thấy một vị tiên nhân với lông tóc dài lòng thòng. Thế là ông liền giương cung muốn bắn.

Khi ấy có người ở xung quanh bảo rằng:

“Tại sao lại muốn bắn ngài? Vị ấy chẳng có hại ai hết. Anh phải nên trừng trị kẻ phạm tội thì mới đúng.”

Đây cũng như mấy kẻ ngu ở thế gian. Khi bị nhục mạ bởi mấy kẻ tuy mặc quần áo của hàng tu sĩ nhưng thật chẳng có tu Đạo, thế là họ đi hại người lương thiện và bậc có đức độ một cách bừa bãi. Thí dụ này cũng giống như người cha kia, khi thấy con mình tổn thương, rồi nổi cuồng mà muốn gây hại ngay cả thần tiên vậy.

Thuở xưa có một kẻ quê mùa đi đến cánh đồng nọ.

Xem Thêm:   Kinh Danh Hiệu và Thần Chú của 5.500 Vị Phật để Diệt Trừ Tội Chướng ♦ Quyển 3

Khi thấy những cây lúa tẻ non mượt và sanh trưởng tươi tốt, nên y mới hỏi người trồng lúa tẻ rằng:

“Anh làm thế nào mà có thể khiến những cây lúa tẻ này tươi tốt dữ vậy?”

Chủ ruộng trả lời:

“Trước tiên, tôi san bằng đất đai, rồi bỏ phân và dẫn nước vào. Cho nên chúng mới được như thế.”

Kẻ kia liền y theo phương pháp đó. Gã cũng san bằng đất đai, bỏ phân và dẫn nước vào. Tuy nhiên, khi sắp gieo những hạt giống xuống đất, y sợ chân mình đạp lên đất bùn và sẽ khiến chúng không thể sanh trưởng.

[Hắn thầm nghĩ:]

“Mình sẽ ngồi trên một cái ghế và sai người nhấc nó lên, còn mình thì ở trên đó gieo những hạt giống xuống. Như vậy mới là cách chu toàn.”

Thế là ở cánh đồng, hắn sai bốn người, mỗi người nhấc một cái chân ghế, còn y thì ở trên đó gieo những hạt giống xuống. Kết quả, những chỗ đất đi qua càng thêm rắn rỏi. Thoạt đầu, gã sợ đôi chân của mình sẽ giẫm lên đất bùn, nhưng rồi chẳng ngại có tám cái chân đạp lên. Đây quả thật đáng bị người chê cười.

Nhiều kẻ phàm phu thì cũng như thế. Sau khi đã gieo trồng giới điền và đợi hạt giống lành sắp sanh trưởng, lẽ ra họ phải nên tham vấn bậc minh sư để thọ trì giáo Pháp và làm cho hạt giống Pháp sanh trưởng. Trái lại, họ vi phạm giới luật và làm nhiều việc ác, nên khiến hạt giống của giới chẳng sanh trưởng. Thí dụ này cũng giống như kẻ ngu kia vậy, gã sợ đôi chân mình sẽ giẫm lên, song chẳng ngại có tám cái chân đạp lên vậy.

Thuở xưa có một con khỉ bị một người lớn đánh đập. Vì chẳng thể làm gì hơn, nên nó trút nỗi oán hận lên một đứa con nít.

Kẻ phàm phu ngu si thì cũng như thế. Giả như có người nào đó trước đây đã làm cho họ giận dữ, thì họ vẫn ôm lòng hận thù ấy mà chẳng hề thay đổi. Tuy đã là dĩ vãng, nhưng nó vẫn còn nối tiếp. Về sau, họ gán cho ai đó mà cho là người trước đây. Rồi họ khởi sanh phẫn nộ đối với người ấy một cách vô cớ, và cũng khiến độc tánh của sân hận càng mãnh liệt. Đây cũng như con khỉ ngu si kia, khi bị một người lớn đánh đập, rồi nó trút nỗi oán hận lên một đứa con nít vậy.

Thuở xưa có một phi thiên vương khi thấy mặt trời và mặt trăng trong sáng thì lấy tay che. Tuy nhiên, mấy kẻ vô trí khi thấy vậy thì đổ thừa cho những con chó vô tội. Thế là họ lôi chúng ra đánh tơi bời.

Có những kẻ phàm phu thì cũng thế. Do bị tham sân si khổ bức thân tâm, vậy là họ nghĩ rằng nằm trên chông gai, hoặc phơi thân xác dưới trời nắng gắt với xung quanh đốt lửa, thì sẽ có thể diệt trừ chúng. Đây cũng như mấy kẻ vô trí kia, khi thấy nguyệt thực thì nổi cuồng mà đánh chó vậy.

Thuở xưa có một người phụ nữ bị chứng đau mắt dữ dội.

Khi ấy có một cô bạn đã hỏi rằng:

“Mắt của cậu đang đau lắm phải không?”

Đáp rằng:

“Phải rồi, mắt của mình đang đau lắm.”

Cô bạn kia lại nói rằng:

“Hễ có mắt thì phải bị đau thôi. Tuy chưa bị đau nhưng tớ cũng muốn móc con mắt ra, vì sợ sau này chúng sẽ làm mình đau đớn.”

Thấy vậy nên những người xung quanh mới nói rằng:

“Người có mắt thì có lúc đau lúc không. Tuy nhiên, kẻ không còn mắt nữa thì suốt đời sẽ luôn chịu đau đớn.”

Những kẻ phàm phu ngu si thì cũng như thế. Họ nghe rằng phú quý là nguồn gốc của mối họa suy tàn. Thế là họ sợ hãi mà chẳng chịu làm bố thí, vì sợ sau này sẽ được quả báo, bởi có tài vật tràn đầy thì sẽ chịu khổ não càng nặng.

Khi ấy có người nói rằng:

“Người làm bố thí sẽ có lúc vui lúc khổ. Tuy nhiên, kẻ không làm bố thí thì sẽ nghèo khổ tột cùng.”

Đây cũng như người phụ nữ kia, vì chẳng thể chịu nỗi đau tạm thời sắp đến mà liền muốn móc bỏ con mắt, để rồi phải luôn chịu đau đớn.

Thuở xưa có hai cha con vì có công việc nên cùng đi chung với nhau. Trên đường đi, họ bất chợt gặp bọn đạo tặc muốn đến đánh cướp. Lúc đó, ở trên tai của đứa con đang đeo đôi hoa tai vàng ròng. Khi thấy bọn cướp đang tiến tới, người cha vì sợ mất đôi hoa tai nên hấp tấp dùng tay giật, nhưng chẳng sao lấy được. Thế là chỉ vì đôi hoa tai, ông liền chém đầu của đứa con để đi giấu. Ít lâu sau đó thì bọn cướp bỏ đi. Khi ấy, ông lấy đầu của đứa con để ráp lên cổ lại. Thế nhưng, nó chẳng thể nào sống lại như xưa.

Kẻ ngu si như vậy thật đáng bị người thế gian chê cười.

Nhiều kẻ phàm phu thì cũng như thế.

Chỉ vì danh lợi, họ tạo ra những luận lý tranh cãi, như là:

– Đời sau, có hay chẳng có.
– Thân trung uẩn, có hay chẳng có.
– Cái tâm bao gồm các chức năng khác nhau, có hay chẳng có.

Với đủ mọi vọng tưởng như vậy, họ chẳng thể nào đắc như thật của các pháp.

Khi có người dùng Phật Pháp để vạch ra điều sai về lý luận của họ, thì họ biện luận rằng:

“Trong lý luận của tôi không hề nói như vậy.”

Những kẻ ngu si như thế, chỉ vì một chút danh lợi mà sẵn sàng nói dối. Và thế là, họ mất đi Đạo Quả của Đạo Nhân. Lúc mạng chung, họ phải đọa ba đường ác. Đây cũng như kẻ ngu kia, chỉ vì tiếc chút của mà không ngại chém đầu của đứa con vậy.

Thuở xưa có một đám đạo tặc cùng đi ăn cướp và đã lấy được rất nhiều tài vật. Khi xong việc, bọn chúng tùy theo cấp bậc mà phân chia tài vật với nhau. Duy chỉ có một bộ y phục dệt bằng lông cừu sản xuất ở Lộc Dã thì màu sắc phai nhạt, nên nó dùng để chia cho kẻ nào thấp hèn nhất. Khi nhận được, gã thấp hèn sân hận và than trách là đã mất đi những lợi lạc to lớn. Sau đó, hắn mang đến thành thị để bán. Lúc ấy có mấy trưởng giả giàu sang trả giá muốn mua. Cuối cùng kẻ thấp hèn đã bán cho một người trong đó và giá bán được còn gấp bội chúng bạn. Khi ấy, hắn hân hoan vô cùng và vui mừng khôn xiết.

Việc làm bố thí của những người ở thế gian thì cũng vậy. Họ chẳng biết việc đó có quả báo hay không. Do họ đã làm một chút bố thí nên được sanh lên trời và thọ hưởng vô lượng vui sướng. Khi đã sanh lên trời, họ lại hối hận, là sao trước đó đã không làm bố thí rộng lớn. Đây cũng như gã thấp hèn vui mừng vô cùng khi bộ y phục dệt bằng lông cừu đã trở thành rất quý giá về sau vậy. Bố thí thì cũng như thế. Tuy làm ít mà được nhiều. Khi ấy, những người thọ phước rất vui mừng, nhưng đồng thời, họ cũng hối hận vì nếu biết vậy thì đã làm nhiều hơn nữa rồi.

Thuở xưa có một con khỉ cầm một nắm đậu. Do sơ ý, nó làm rớt một hạt đậu xuống đất. Thế là nó buông cả nắm đậu trong tay để đi tìm một hạt đậu kia. Trong khi nó còn chưa tìm được hạt đậu kia thì tất cả những hạt đậu đã bị gà vịt ăn sạch.

Có những kẻ phàm phu xuất gia thì cũng như thế. Mới đầu họ chỉ phạm một giới nhưng lại chẳng chịu sám hối. Do bởi không sám hối, họ càng buông lung hơn nữa, và kết cục là tất cả giới đều xả bỏ. Đây cũng như con khỉ kia, chỉ vì mất một hạt đậu mà khiến tất cả những hạt đậu đều mất vậy.

Thuở xưa có một người đang đi trên đường thì lượm được một con chồn làm bằng vàng. Người ấy mừng rỡ và lấy bỏ vào trong vạt áo, rồi tiếp tục lên đường. Khi đến bờ sông, người ấy muốn lội qua nên phải cởi quần áo đặt xuống đất trước. Lúc đó con chồn vàng bỗng biến thành con rắn độc. Người ấy ngẫm nghĩ là thà bị rắn độc cắn chết, chứ vẫn phải mang theo. Với lòng cảm động sâu sắc, con rắn biến lại thành vàng như xưa.

Khi ấy, có một kẻ ngu bên cạnh thấy con rắn độc kia bỗng biến thành vàng ròng. Thế là hắn cho việc đó cứ luôn xảy ra như vậy. Sau đó, gã lấy một con rắn độc bỏ vào trong vạt áo. Ngay lập tức, kẻ ngu bị con rắn độc cắn chết và phải mất cả tánh mạng.

Mấy kẻ ngu ở thế gian thì cũng thế. Khi thấy người thiện có được phước lợi, rồi chỉ vì lợi dưỡng, họ đến nương cậy trong giáo Pháp nhưng trong lòng chẳng có chút tha thiết cầu Pháp. Sau khi mạng chung, họ sẽ đọa đường ác. Đây cũng như kẻ ngu kia bị rắn độc cắn chết vậy.

Thuở xưa có một người nghèo đang đi trên đường thì tình cờ lượm được một túi tiền vàng. Người ấy rất mừng rỡ và lập tức đổ ra đếm. Trong khi còn chưa đếm xong thì chủ nhân của túi vàng chợt đến và đoạt lại hết số tiền đó. Bấy giờ người ấy mới hối hận là sao không vội mang đi. Anh ta cảm thấy buồn bã và đau xót vô cùng.

Có những người gặp gỡ Phật Pháp thì cũng lại như thế. Tuy đã gặp được phước điền của Tam Bảo nhưng họ chẳng siêng năng tu hành phương tiện hay làm những việc lành. Thế rồi bỗng nhiên mạng chung và đọa ba đường ác. Đây cũng như kẻ ngu kia bị chủ nhân của túi vàng đoạt lại số tiền và mang đi.

Cho nên mới có kệ rằng:

Hôm nay tính việc này
Ngày mai làm việc kia
Chấp trước chẳng thấy khổ
Không biết giặc chết đến

Bận rộn lo việc đời
Phàm phu nào hiểu thấu
Như kẻ đếm tiền kia
Việc đó cũng như vậy

Thuở xưa có một người nghèo. Tuy nghèo nhưng cũng sở hữu một ít của cải. Sau khi gã gặp qua mấy đại phú hào, thì trong lòng cũng muốn bằng họ. Nhưng do chẳng thể nào bằng được nên hắn gom chút của cải dành dụm bấy lâu và muốn liệng xuống nước.

Khi ấy, những người xung quanh bảo rằng:

Xem Thêm:   Kinh Công Đức của Xây Tháp

“Các đồ vật đó tuy chẳng đáng gì, nhưng chúng có thể giúp anh sống thêm vài ba hôm. Tại sao anh lại muốn quăng bỏ xuống nước?”

Những kẻ ngu ở thế gian thì cũng như thế. Tuy đã xuất gia và cũng được chút ít lợi dưỡng rồi, nhưng lòng họ vẫn có điều mong cầu. Họ luôn chẳng biết đủ và cảm thấy không ngang bằng với sự lợi dưỡng thọ nhận của những vị Đạo cao đức trọng. Khi thấy những vị trưởng lão với đức cao, học rộng, và có nhiều người cúng dường, thì trong lòng cũng muốn bằng họ. Nhưng do chẳng thể nào bằng được, thế là họ ôm lòng sầu khổ và muốn bỏ việc tu Đạo. Đây cũng như kẻ ngu kia muốn giàu bằng người phú quý, nhưng do không thể nên đã vứt bỏ đi tài vật của chính mình vậy.

Thuở xưa có một bà vú nuôi bồng một em bé đi trên đường. Do đi đường quá mỏi mệt nên bà vú nuôi dừng nghỉ và đã ngủ say mê man. Lúc ấy có một người cầm một viên kẹo thơm ngon đến cho đứa bé. Khi đứa bé được viên kẹo, nó ham mùi vị ngon đó mà chẳng hề để ý gì về đồ vật trên thân. Thế là người đó lập tức cởi vòng đeo cổ, xâu chuỗi anh lạc, và quần áo của đứa bé, rồi lấy đi hết.

Có những Bhikṣu [bíc su] thì cũng giống như vậy. Họ ưa thích những việc thế tục của mấy chỗ huyên náo. Chỉ vì tham lam chút ít lợi dưỡng mà bị giặc phiền não đoạt mất công đức và giới báu anh lạc của họ. Đây cũng như đứa bé kia, chỉ vì ham một chút mùi vị mà mọi thứ trên thân đều bị kẻ giặc lấy đi hết vậy.

Thuở xưa có một bà cụ đang nghỉ ngơi ở dưới gốc cây nọ, thì bất chợt có một con gấu chạy đến tấn công. Bấy giờ bà lão chạy vòng quanh gốc cây để trốn. Trong khi ấy, con gấu thì rượt đuổi theo sau, rồi một tay của nó bấu thân cây, còn tay khác thì muốn chụp lấy bà lão. Đương lúc cấp bách, bà cụ kéo cành cây lại và đè bẹp hai tay con gấu, khiến nó không cử động được.

Đúng lúc có một người xa lạ đến nơi đó, bà lão liền hô lên rằng:

“Anh hãy phụ với tôi bắt giết con gấu này. Khi xong, chúng ta sẽ chia thịt của nó.”

Lúc ấy người kia liền vội tin theo lời nói của bà lão và cùng phụ bắt. Khi hắn đã ôm chặt con gấu, bà cụ liền buông tay mà tháo chạy. Sau đó, người ấy đã bị con gấu làm tổn thương. Kẻ ngu si như vậy thật đáng bị người thế gian chê cười.

Nhiều kẻ phàm phu thì cũng như thế. Họ lập ra các dị luận với văn từ rườm rà. Chẳng những không có điều gì tốt đẹp mà chúng còn chứa đầy lỗi lầm. Cuối cùng, ngay cả họ mà cũng phải bỏ đi luận thuyết của chính mình. Về sau có những hàng hậu bối bắt gặp và muốn tìm hiểu, nhưng chỉ khiến họ càng mơ hồ và ngược lại còn bị chúng làm cho khốn khổ. Đây cũng như kẻ ngu kia giúp người khác bắt phụ con gấu và kết cục là tự mình bị hại vậy.

Thuở xưa có một gã đàn ông cùng với vợ người thông gian. Trong lúc hai người còn âu yếm chưa xong thì chẳng may người chồng trở về. Người chồng liền phát hiện, nên chực sẵn ở ngoài cổng để khi kẻ gian phu bước ra thì sẽ giết hắn.

Khi ấy, cô vợ nói với tình lang rằng:

“Chồng em đã phát giác. Không có chỗ nào để thoát đâu. Duy chỉ có maṇi [ma ni] thì anh mới có thể ra được.”

[maṇi còn có nghĩa là lỗ thoát nước.] Ý của dâm phụ là muốn tình nhân của nàng từ lỗ thoát nước chui ra khỏi, nhưng kẻ đàn ông đó đã hiểu sai mà cho là như ý châu. Thế là hắn ở đó lục lạo mà vẫn không tìm thấy gì.

Gã liền nghĩ thầm:

“Nếu quả không tìm thấy như ý châu thì mình quyết sẽ không rời khỏi.”

Kết cục chỉ trong chốc lát, hắn đã bị người chồng giết chết.

Nhiều kẻ phàm phu thì cũng như thế.

Tuy đã có người bảo rằng:

“Ở trong chốn sanh tử chỉ có khổ, không, vô thường, và vô ngã. Hãy xa lìa nhị biên: chấp đoạn diệt và chấp thường hằng. Hãy trụ nơi Trung Đạo. Nếu được như vậy thì mới có thể được giải thoát.”

Tuy nhiên, kẻ phàm phu đã hiểu sai, rồi cứ truy tìm xem thế giới có giới hạn hay không giới hạn, hoặc chúng sanh có ngã hay vô ngã. Họ chẳng thể thấu hiểu nghĩa lý của Trung Đạo. Thế rồi khi cái chết chợt đến, họ bị vô thường giết hại và phải đọa ba đường ác. Đây cũng như kẻ ngu kia cứ đi tìm như ý châu và kết quả là bị người khác giết hại vậy.

Thuở xưa có cặp vợ chồng chim bồ câu cùng sống chung ở một cái tổ. Vào một mùa thu nọ, chúng nhặt trái cây chín chất đầy tổ. Một thời gian sau, các trái cây khô teo lại và chỉ còn một nửa ở tổ.

Con trống nổi sân mà nói với con mái rằng:

“Chúng ta chịu biết bao khổ nhọc để cùng tha trái cây về. Sao em nỡ ăn hết một mình? Bây giờ chỉ còn một nửa ở tổ.”

Bồ câu mái trả lời:

“Em đâu có ăn hết một mình. Nó tự giảm bớt đó thôi.”

Bồ câu trống chẳng những không tin mà còn giận dữ nói rằng:

“Nếu không phải em đã ăn hết một mình, thì sao nó giảm bớt được hả?”

Thế là con trống liền dùng mỏ mổ chết con bồ câu mái. Nhưng chưa được mấy hôm thì trời đổ trận mưa lớn. Trái cây được thấm ướt nên phình to lại như cũ.

Khi thấy vậy, chim bồ câu trống mới hối hận trong lòng:

“Em quả thật đã không ăn. Anh đã giết lầm em rồi.”

Nó liền cất tiếng kêu thảm thiết và gọi chim bồ câu mái rằng:

“Em ơi! Em đã về xứ nào?”

Nhiều kẻ phàm phu thì cũng như thế. Với cái điên đảo giữ chặt vào lòng, họ đắm chìm trong dục lạc. Chẳng những đã không quán sát vô thường mà còn vi phạm trọng giới. Về sau dù có hối hận thì cũng đã quá trễ. Tới lúc đó chỉ có thể ngậm ngùi than vãn như con chim bồ câu ngu ngốc kia vậy.

Thuở xưa có một người thợ làm việc cho vua. Bởi chẳng thể kham nổi khổ nhọc nữa, nên hắn giả vờ nói rằng mắt bị mù để được thoát miễn khổ dịch. Khi một người thợ khác nghe vậy, hắn liền muốn tự hủy đi mắt của mình để mong trốn khỏi lao dịch.

Lúc ấy có người bảo rằng:

“Sao anh lại muốn tự hủy đi mắt của mình? Anh sẽ chuốc lấy khổ đó.”

Kẻ ngu như vậy đáng bị người thế gian chê cười.

Nhiều kẻ phàm phu thì cũng như thế. Chỉ vì chút ít danh dự cùng lợi dưỡng, họ thản nhiên nói dối và hủy hoại giới thanh tịnh. Cho nên sau khi chết, họ phải đọa ba đường ác. Đây cũng như kẻ ngu kia, chỉ vì một chút lợi ích mà tự hủy đi mắt của mình vậy.

Thuở xưa có hai người cùng đi qua một nơi hoang dã. Giữa đường, người mặc áo khoác lông bị đạo tặc chặn cướp. Người kia may mắn trốn được và núp vào trong bụi cỏ. Trước khi bị cướp lột mất, kẻ mặc áo khoác lông đã giấu một đồng tiền vàng vào trong cổ áo.

Sau đó hắn nói với bọn cướp rằng:

“Cái áo này đáng giá đúng một đồng tiền vàng. Cầu xin các anh hãy cho tôi dùng một đồng tiền vàng để chuộc nó về.”

Giặc cướp nói rằng:

“Đồng tiền vàng đó giờ đang ở đâu hả?”

Thế là y liền mở cổ áo ra và chỉ cho bọn cướp xem, rồi nói rằng:

“Đây là vàng thật đó nha. Nếu không tin lời tôi thì ngay bây giờ, các anh hãy tìm đến ông thợ vàng rất giỏi đang ở trong bụi cỏ kia mà hỏi.”

Và thế là, bọn giặc phát hiện người kia và cũng lấy áo của anh ta luôn. Kẻ ngu như thế đã làm mất đi áo khoác lông, đồng tiền vàng, và tất cả mọi thứ. Chẳng những đã tự làm mất tài vật của mình, mà hắn cũng khiến người kia mất theo luôn.

Nhiều kẻ phàm phu thì cũng như thế. Họ tu hành các Phẩm Trợ Đạo và làm những công đức. Nhưng chẳng may bị giặc phiền não cướp bóc, thế là họ đánh mất Pháp lành và công đức của mình. Chẳng những đã tự làm mất phước lợi của bản thân, mà họ cũng khiến người khác mất đi Đạo nghiệp. Và rồi sau khi mạng chung, họ phải đọa ba đường ác. Đây cũng như kẻ ngu kia, khiến mình và người bạn đều mất sạch vậy.

Thuở xưa có một đứa bé đang vui chơi ở trên đất liền, thì tình cờ bắt được một con rùa rất to. Tuy nó muốn giết con rùa nhưng lại chẳng biết làm sao.

Và thế là nó đi hỏi những người khác rằng:

“Cháu phải làm thế nào mới giết được nó đây?”

Có người bảo rằng:

“Cháu chỉ cần ném xuống nước thì nó sẽ chết ngay thôi.”

Lúc bấy giờ đứa bé do tin theo lời nói ấy, nên nó liền ném xuống nước. Khi rùa đã gặp nước, nó lập tức bơi đi.

Nhiều kẻ phàm phu thì cũng như thế. Tuy họ muốn gìn giữ sáu căn và tu các công đức, nhưng lại chẳng biết làm sao.

Cho nên, họ đi hỏi những người khác rằng:

“Tôi phải làm thế nào mới được giải thoát?”

Khi ấy hàng ngoại đạo tà kiến, Thiên Ma Ác Giả, và kẻ xấu ác bảo họ rằng:

“Anh chỉ cần buông thả tâm ý với sáu trần và phóng túng theo năm dục. Nếu làm theo lời tôi, anh chắc chắn sẽ được giải thoát.”

Kẻ ngu như thế, do chẳng tư duy kỹ càng nên liền tin theo lời nói ấy. Cho nên sau khi mạng chung, họ phải đọa ba đường ác. Đây cũng như đứa bé ném con rùa xuống nước vậy.

Luận này do tôi soạn
Xen lẫn tiếng cười vui
Cốt ý hiển chánh giáo
Quán nghĩa hợp hay không

Nó như phương thuốc đắng
Trộn chung với đường mật
Thuốc thang chữa trị bệnh
Luận này cũng như vậy

Tiếu lâm trong Chánh Pháp
Ví như thuốc cuồng kia
Tịch diệt Phật Chánh Pháp
Chiếu sáng khắp thế gian

Giống như uống thuốc xổ
Như bơ lấy bôi thân
Tôi nay dùng nghĩa này
Hiển hiện Pháp tịch diệt

Ví như thuốc vô bệnh
Bọc trong lớp lá cây
Lấy thuốc xoa độc rồi
Lá cây phải vứt đi

Tiếu lâm như lá bọc
Thật nghĩa ở trong đó
Người trí giữ chánh nghĩa
Cười đùa nên bỏ đi

Tôn giả Chúng Quân đã soạn xong vòng hoa của những kẻ ngu.

Nguồn Bài Viết : https://daitangkinh.net/ ( Đại Tạng Kinh )

1 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog