Khái niệm Pháp thân trong văn học Phật giáo sơ kỳ
Pháp Giới 2 tuần trước

Khái niệm Pháp thân trong văn học Phật giáo sơ kỳ

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

NSGN – Thuật ngữ pháp thân (dharmakāya) được sử dụng ở nhiều nơi khác nhau trong những nguồn văn học Phật giáo sớm nhất, tức là trong các Nikāya Pāli và các A-hàm Hán ngữ.

1.jpg
Tượng Phật tại thành phố Kandy, Srilanka – Ảnh internet

Bài viết này trích dẫn và phân tích một vài đoạn văn quan trọng nhất trong các Nikāya và những đoạn tương ứng trong các A-hàm có liên quan đến khái niệm này.1 Có bốn đoạn có liên quan mà ở đó khái niệm Pháp thân được đề cập như là giáo pháp của Đức Phật.

1- Ở đoạn đầu tiên cần thảo luận, quan điểm xem những lời dạy của Đức Phật như là một vị đạo sư sau khi Ngài nhập diệt được nói rõ. Trong kinh Đại bát Niết-bàn (Mahāparinibbānasutta), Đức Phật nói với Tôn giả Ananda rằng, “Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya) mà Ta thuyết giảng sẽ là đạo sư của ông sau khi Ta diệt độ.”2 Việc các Tỳ-kheo nên nương tựa vào Pháp và Luật sau khi Đức Phật diệt độ cũng được nói đến nơi kinh Gopaka-Moggallāna thuộc Trung bộ (Majjhimanikāya).3 “Pháp và Luật” ở đây rõ ràng đề cập đến giáo pháp và giới luật mà Đức Phật đã giảng dạy và chế định. Một đoạn tương tự cũng được tìm thấy nơi bốn phiên bản Hán ngữ của kinh Đại bát Niết-bàn (Mahāparinirvāṇasūtra), một ở trong Trường A-hàm (Dīrghāgama) và ba tồn tại dưới dạng những bản dịch độc lập. Ý nghĩa cơ bản của đoạn này cũng giống như ý nghĩa trong bản Pāli mặc dù thuật ngữ có khác. Bây giờ chúng ta hãy xem xét chi tiết những phiên bản khác nhau này.

Trước hết, đoạn liên quan ở trong Trường A-hàm là như sau:

“Đức Phật nói, ‘Này A Nan, ông không nên nghĩ rằng sau khi Như Lai diệt độ, [ông] sẽ không còn có người che chở và nương tựa. Pháp và Luật mà Ta đã thuyết giảng từ sau khi Ta giác ngộ sẽ là nơi che chở và nương tựa của ông.’”4

Thứ hai, đoạn ở trong kinh Phật Niết-bàn (Buddhaparinirvāṇasūtra) thì tương tự đoạn ở trên, sự khác nhau duy nhất là ở chỗ Đức Phật nói điều này không chỉ riêng cho A Nan, mà cho cả nhóm Tỳ-kheo. Ngài nói:

Sau khi Ta diệt độ, [tất cả các ông] chớ nên nói rằng Như Lai không còn và không có người nâng đỡ. Pháp và Luật sẽ là nơi nương tựa của các ông. Sau khi Ta diệt độ, [tất cả các ông] nên học Pháp và tuân giữ Luật từ đời này đến đời khác. Các ông nên tuân giữ và truyền bá 250 giới với sự kính trọng giống như một người kính trọng cha mẹ của mình.”5

Thứ ba, đoạn ở trong kinh Niết-bàn (Parinirvāṇasūtra) thì tương tự với đoạn ở trên mà ở đó Đức Phật nói với một nhóm Tỳ-kheo:

Này các Tỳ-kheo, các ông nên tinh tấn, chớ biếng nhác và giải đãi, [khi nghĩ] rằng Như Lai không còn và không có nơi nương tựa. [Tất cả các ông] nên hành theo Pháp, giảng giải giới luật mỗi nửa tháng và tụng đọc kinh sáu thời một ngày để tâm luôn an trí nơi Pháp, giống như lúc Như Lai còn tại thế.”6

Thứ tư, ở trong kinh Đại-bát Niết-bàn(Mahāparinirvāṇasūrtra), do Pháp Hiển dịch, đoạn này rất giống với bản Pāli. Ở đây Đức Phật nói với A Nan:

Các giới ba-la-đề-mộc-xoa (prātimokṣa) mà Ta chế định cho tất cả Tỳ-kheo và diệu Pháp mà Ta đã thuyết giảng trong quá khứ sẽ là đạo sư của các ông [sau khi Ta diệt độ], giống như Ta bây giờ.7

Mặc dù ba bản dịch đầu không nói rằng Pháp và Luật nên được xem như “đạo sư”, ở đó có những hàm ý rằng giáo pháp của Đức Phật là nơi nương tựa của các Tỳ-kheo, những người nên tôn kính giáo pháp. Quan điểm nơi bản thứ tư giống với quan điểm ở nơi bản Pāli, đó là xem Pháp và Luật như là đạo sư sau khi Đức Phật diệt độ. Giống như phiên bản Pāli, kinh Gopaka Maudagalyānasūtra của Trung A-hàm Hán ngữ cũng phản ánh quan điểm rằng nên nương tựa vào Pháp sau khi Đức Phật diệt độ.8 Như vậy, quan điểm xem giáo pháp Đức Phật như đạo sư sau khi Ngài diệt độ như được thấy nơi hai nguồn văn học Pāli và Hán ngữ là chung với tất cả những tông phái Phật giáo sơ kỳ. Ở đây Pháp (Dhamma) được đồng nhất với Đức Phật.

2- Ở đoạn thứ hai, Đức Phật so sánh Ngài với Phạm thiên (Brahma). Đoạn Pāli là như sau: “Giống như một Bà-la-môn (brāhmaṇa) nói rằng vị ấy sinh ra từ miệng Phạm thiên (Brahma), cũng vậy, một Sa-môn Thích tử (Sakyaputtiyasamaṇa) có thể nói rằng vị ấy là con của Thế Tôn (Bhagava), sinh ra từ miệng Ngài, sinh ra từ Pháp, được tạo thành bởi Pháp, một người thừa tự Pháp (dhammakāyāda).”9

Có một sự tương đồng rõ ràng được suy ra giữa một Bà-la-môn và một Sa-môn Thích tử, và ngụ ý rằng pháp thân (dharmakāya) thì giống với Phạm thân (brahmakāya).10

Phật Âm (Buddhaghoṣa), khi bình luận về từ Dhammakāya ở trong đoạn kinh Trường bộ, đã nói:

Tại sao Như Lai được nói có một pháp thân (dhammakāya)? Bởi vì Như Lai, luôn nghĩ đến lời Phật, đó là Tam tạng (Piṭaka), khao khát những lời nói đó. Do đó, thân đó là Pháp, bởi vì nó được tạo ra bởi Pháp.11

Vì vậy nơi cách hiểu của Theravāda, thuật ngữ pháp thân chỉ có nghĩa là giáo pháp của Đức Phật.

Đoạn giống như vậy được tìm thấy trong Trường A-hàm. Bản kinh này nói rằng Mahābrahmā là tên gọi khác chỉ cho Như Lai, Bậc là mắt của cuộc đời, Chúa tể của cuộc đời; và Pháp là trí tuệ của cuộc đời, là cam lồ của cuộc đời.12 Trong Tạp A-hàm, những quan điểm tương tự được tìm thấy ở hai nơi. Thứ nhất, Đức Phật đã nói với các Tỳ-kheo: “Tất cả các ông là con Ta, sinh ra từ miệng Ta, được sinh ra bởi Pháp, là những người con của Pháp của Ta.13 Thứ hai, chúng ta tìm thấy đoạn giống như vậy được nói bởi Đại Ca Diếp (Mahākāśyapa), người ví mình với con trai của Chuyển luân vương (Cakravartin). Đoạn kinh như sau: “Cũng như vậy, Ta là con của Phật pháp (Buddhadharma), sinh ra từ miệng Phật, được sinh bởi Pháp, một người thừa tự Pháp tạng.14

Khó để xác minh ở đây từ Sanskrit gì được sử dụng cho cụm từ “người thừa tự Pháp”, nhưng rõ ràng rằng từ Dharma được sử dụng trong cùng ý nghĩa như nơi những kinh Pāli, chỉ cho giáo pháp. Lời nói rằng các Tỳ-kheo là con của Pháp, sinh ra từ miệng của Đức Phật, hàm ý rằng họ có đời sống mới thông qua Pháp được thuyết giảng từ miệng của Đức Phật. Nói cách khác, Pháp là mẹ cũng như thầy của họ.

Xem Thêm:   Đời người như giấc mộng, kiếp nhân sinh như mộng như huyễn

3- Đoạn thứ ba được tìm thấy trong Tăng chi bộ (Aṅguttaranikāya), ở đó Đức Phật nói rằng Ngài không phải là một vị trời cũng không phải là một Càn-thát-bà (Gandharva) hay một con người, mà là một vị Phật.15 Một vài học giả cho rằng đây là dấu vết sớm nhất của khái niệm kāya của Đại thừa, nhưng một phân tích về đoạn kinh cho thấy Đức Phật nói lời này chỉ là nhằm nói rằng Ngài đã đoạn trừ những nhiễm ô (asrava), thứ khiến cho một chúng sinh tiếp tục tái sinh trong vòng luân hồi.16 Quan điểm ở nơi đoạn kinh tương ứng trong Tăng nhất A-hàm Hán ngữ cũng tương tự vậy.17 Như vậy, đoạn kinh này không đưa ra bất kỳ hàm ý triết học nào khác với khái niệm rằng Đức Phật đoạn trừ hoàn toàn các nhiễm ô.

4- Nơi trường hợp thứ tư, một đoạn kinh vô cùng ý nghĩa đối với bài viết này, Đức Phật tuyên bố rằng Ngài giống như Pháp, và nên nhìn Ngài qua Pháp mà không nên nhìn qua thân thể vật lý. Nơi đoạn Pāli, Đức Phật đã nói như sau với Vakkali: “Này Vakkali! Có gì đáng thấy nơi thân thể hôi hám này? Này Vakkali, ai thấy Pháp (dhammakāyo), người ấy thấy Ta; ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp.18 Tuy nhiên, đoạn này không tìm thấy nơi các A-hàm Hán ngữ, mặc dù câu chuyện Tỳ-kheo Vakkali đau bệnh được tìm thấy ở hai nơi, một trong Tạp A-hàm và một trong Tăng nhất A-hàm.19 Nơi đoạn này, Đức Phật rõ ràng được đồng nhất với Pháp. Nhưng sau khi phân tích kỹ ngữ cảnh mà ở đó lời nói này được đưa ra, rõ ràng rằng Đức Phật đang nhấn mạnh việc thực hành Pháp và hiểu rõ nó thay vì tập trung vào thân thể vật lý của Ngài.

Đức Phật nói điều này bởi vì Ngài biết vị Tỳ-kheo bị bệnh Vakkali từ lâu mong muốn được gặp Ngài, nhưng do vì sức khỏe yếu nên không thể đến gặp được. Ở đó không cho thấy những hàm ý triết học nào ở nơi lời nói thấy Phật qua Pháp của Ngài. Khi bình luận về điều này, Phật Âm miêu tả thân Như Lai như là Pháp siêu việt ở trong chín phần.20 Rõ ràng Pháp ở trong ngữ cảnh này chỉ có nghĩa là giáo pháp của Phật, khi “chín phần” là sự phân loại sớm nhất giáo pháp Phật. Vì vậy Phật giáo Theravāda xem Tam tạng (Tipiṭaka) là pháp thân (dharmakāya). Tuy nhiên, nếu ta xem xét lời nói này cùng với những tuyên bố tương tự khác mà Đức Phật đã nói ở những nơi khác trong kinh điển, ta có thể thấy những dấu vết mà từ đó cả những người Đại chúng bộ (Mahāsanghika) và những nhà Đại thừa có thể đã đưa ra một vài kết luận liên quan đến khái niệm Phật.

Ở nhiều nơi trong cả Nikāya Pāli và A-hàm Hán ngữ, nói rằng Pháp như là duyên khởi (pratītyasamutpāda) tồn tại vĩnh cửu cho dù một vị Phật có xuất hiện ở nơi đời hay không.21 Và ở trong Tạp A-hàm, nói thêm rằng chư Phật chỉ là những người phát hiện pháp duyên khởi này, mà không phải là người tạo ra nó.22 Trong cả Trung A-hàm Trung bộ, có một phát biểu nổi tiếng khác rằng ai nhìn thấy duyên khởi người đó thấy Pháp, và ai thấy Pháp người đó thấy duyên khởi.23 Như vậy, khi chúng ta xem xét tất cả những phát biểu trên, ta có thể suy luận logic rằng Đức Phật vĩnh hằng bởi vì duyên khởi tồn tại vĩnh hằng và Đức Phật giống với duyên khởi. Đức Phật ở đây không phải là con người lịch sử bằng xương bằng thịt mà là một khái niệm triết học. Đây có lẽ tại sao những người biên soạn các kinh Bát-nhã (Prajñāpāramitāsūtra) sử dụng từ Như Lai (Tathagata) thay vì từ Phật (Buddha) trong những thảo luận của họ về mối liên hệ giữa Tahagata và tathatā (chân như), bản chất thật sự của vạn vật.

Những tác giả của các kinh Bát-nhã có thể đã đưa ra những khẳng định của mình về sự vĩnh hằng của Đức Phật trên cơ sở những phát biểu được thảo luận ở trên. Trong kinh Đạo hành Bát-nhã (道行般若經), bản kinh Bát-nhã sớm nhất hiện còn, tathatā được miêu tả theo nhiều cách giống như duyên khởi được miêu tả trong những kinh điển sơ kỳ. Nó tồn tại vĩnh hằng cho dù một vị Phật có xuất hiện ở trong đời hay không. Tathagata được đồng nhất với tathatā ở trong kinh Đạo hành Bát-nhã. Và bởi vì tathatā vĩnh hằng, nên Tathagata cũng vĩnh hằng.

Xem Thêm:   Vì sao câu khởi đầu Kinh luôn là: “Tôi nghe như vầy, một thời đức Phật…”

Có lẽ những quan điểm được thể hiện nơi những đoạn này thuộc trong những yếu tố đưa những người theo Đại thừa đi đến cho rằng Pháp tương ưng với pháp thân, mà đó là Đức Phật chân thật và tồn tại vĩnh hằng. Quan điểm này cũng được thể hiện nơi câu chuyện liên quan đến việc Đức Phật đi lên cõi trời Đâu-suất (Tuṣita) để thuyết pháp cho mẹ của Ngài.

Nghĩa túc kinh (義足經), một bản kinh nói về tiểu sử Đức Phật, thuật lại rằng Tỳ-kheo-ni Utpalavarṇā là người đầu tiên đón Đức Phật khi Ngài từ cõi trời Đâu-suất trở lại trái đất.24 Trong lúc đó, một vị Tỳ-kheo nghĩ rằng hành thiền thì tốt hơn tìm đến gặp Đức Phật và kết quả là thầy đã chứng được sơ quả (srotāpanna) khi thầy quán vô thường (anitya), khổ (duḥkha), không (śūnyatā) và vô ngã (anātman). Tuy nhiên, bản kinh không đề cập đến tên của vị Tỳ-kheo cũng không nói rằng thầy này, thay vì là vị Tỳ-kheo-ni, là người đầu tiên nhìn thấy Phật. Khi nhận xét về câu chuyện này, kinh Bát-nhã nói rằng Tu-bồ-đề/Subheti (có thể tác giả của kinh Bát-nhã là người đã liên kết Tu-bồ-đề với câu chuyện này), mà không phải là vị Tỳ-kheo-ni, là người đầu tiên nhìn thấy Phật, bởi vì Tu-bồ-đề quán về Tính không (śūnyatā) của tất cả pháp và ông đã nhìn thấy pháp thân (dharmakāya).25 Câu chuyện này dường như mang âm hưởng của lời nói “thấy Pháp là thấy Phật”. Điểm quan trọng trong câu chuyền này là rằng Tính không (śūnyatā) của tất cả pháp được xem như là Pháp thân. Tất nhiên, kinh Bát-nhã là một bản kinh Đại thừa nên nó đương nhiên chứa đựng những quan điểm Đại thừa.

Thêm vào những trích dẫn ở trên, thuật ngữ Pháp thân xuất hiện nhiều lần trong các A-hàm Hán ngữ, nhưng những đoạn tương ưng không tìm thấy trong các Nikāya Pāli. Trước hết, thuật ngữ pháp thân được đề cập nhiều lần trong chương mở đầu của Tăng nhất A-hàm, mà nó hầu như có khả năng được những người kiết tập thêm vào về sau. Bản văn nói: “Tôn giả A Nan nghĩ rằng pháp thân của Như Lai sẽ không mất đi, mà vẫn còn mãi trong thế giới; và chư thiên và loài người sẽ đạt được giác ngộ khi nghe nó.”26

Lại nữa:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện trong đời với một thọ mạng vô cùng ngắn ngủi, nhưng pháp thân sẽ vẫn còn cho dù thân thể xác thịt bị diệt mất. Với mục đích đảm bảo rằng Pháp sẽ không bị diệt mất [ở nơi cuộc đời], A Nan được thỉnh cầu tụng đọc nó.27

Một đoạn tương tự xuất hiện nơi chương 48 của Tăng nhất A-hàm.28 Ở tất cả những nơi này, thuật ngữ Pháp thân mang ý nghĩa giáo pháp là rất rõ ràng, khi chỉ đơn thuần nói rằng giáo pháp của Phật sẽ tồn tại mãi mãi.

Thứ hai, thuật ngữ pháp thân được đề cập một lần nơi một bản kinh thuộc Tạp A-hàm, mà nó tương ứng với A Dục vương kinh (Aśokasūtra). Bản kinh nói:

Thân của Như Lai là pháp thân mà bản chất của Ngài là thanh tịnh… Ngọn đèn Pháp sẽ vẫn còn mãi nơi đời để diệt trừ bóng tối vô minh… Chỉ A Nan là người có thể nhớ tất cả [giáo pháp của Phật], không quên bất cứ điều gì khi ông nghe qua chỉ một lần.29

Bản kinh này rõ ràng có mặt rất trễ bởi vì nó đề cập đến vua Aśoka. Nhưng những hàm ý của thuật ngữ pháp thân vẫn giống như vậy, là chỉ cho giáo pháp của Đức Phật.

Cuối cùng, Tăng nhất A-hàm cũng đề cập ba lần cụm từ “năm phần pháp thân”: giới (śīla), định (samādhi), tuệ (prajñā), giải thoát (vimukti) và giải thoát tri kiến (vimukti-jñāna-darśana).30 Tuy nhiên, những điều này không chỉ dành riêng cho Đức Phật mà cũng cho những đại đệ tử của Ngài chẳng hạn như Đại Ca Diếp và Xá Lợi Phất. Thể thức pháp thân năm phần xuất hiện về sau, vì nó không được đề cập trong kinh tạng Pāli. Có quan điểm rằng Tăng nhất A-hàm Hán ngữ được những nhà kiết tập về sau duyệt lại vì một vài yếu tố Đại thừa được tìm thấy trong đó. Pháp thân năm phần chỉ được tìm thấy nơi những bản văn về sau như Mi Tiên vấn đáp (Milindapañha) và Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga).31 Trong Thanh tịnh đạo luận, Phật Âm nói:

Thế Tôn (Bhagavat), Bậc có một sắc thân (rūpakāya) tú hảo, được phú cho 30 hảo tướng và 80 vẻ đẹp của một đại nhân, và có một pháp thân (dhammakāya) thanh tịnh trong mọi cách, được tô điểm bởi giới (śila), định (samādhi), tuệ (paññā), giải thoát (vimutti), và giải thoát tri kiến (vimutti-ñāṇa-dassana), đầy đủ oai nghi và phẩm hạnh, giác ngộ viên mãn và không gì có thể so sánh được.”32

Nơi những đoạn này, thuật ngữ pháp thân chỉ có nghĩa là thân thể thanh tịnh bao gồm năm phần giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến, những thứ đạt được nhờ vào tu tập.

Việc phân tích trên về những đoạn kinh được tìm thấy trong các Nikāya Pāli và A-hàm Hán ngữ cho thấy rằng thuật ngữ pháp thân đã có mặt trong nguồn văn học Phật giáo sớm nhất. Từ những đoạn này, rõ ràng rằng thuật ngữ pháp thân là chỉ cho giáo pháp của Đức Phật, và không có ý nghĩa triết học vượt qua khỏi nghĩa đó. Phật giáo Theravāda hiểu khái niệm pháp thân theo nghĩa này ít nhất cho đến thời Phật Âm. Như được thảo luận ở trên, có những hàm ý mờ nhạt về một vị Phật vĩnh hằng ở nơi những đoạn kinh này. Tuy nhiên, chỉ khi những đoạn kinh và những phát biểu liên quan được đối chiếu mà những suy luận có thể được rút ra và đưa đến một kết luận. Cần phải nhớ rằng mỗi và mọi lời nói mà Đức Phật đưa ra là nhằm trực tiếp vào một con người cụ thể (chẳng hạn như thầy Tỳ-kheo bị bệnh Vakkali), ở trong ngữ cảnh của một tình huống cụ thể. Do đó, những lời nói này không nên được đọc riêng biệt mà nên đọc bên trong chính những ngữ cảnh của chúng.

Xem Thêm:   Chùa Linh Bửu, Từ Phước (Q.8) tặng quà người dân có hoàn cảnh khó khăn

Do đó, sẽ chỉ là suy đoán khi đưa ra bất kỳ kết luận nào mà nó vượt qua sự hiểu chung rằng thuật ngữ pháp thân được sử dụng trong văn học Phật giáo sơ kỳ là tượng trưng cho giáo pháp của Đức Phật. Chúng ta biết rằng, chính những người Nhất thiết hữu bộ (Sarvastivadin) là những người đầu tiên đã liên kết 18 pháp thanh tịnh của Đức Phật với khái niệm pháp thân. Tuy nhiên, 18 pháp này, mà nó có mặt riêng lẻ trong các Nikāya và A-hàm, là những pháp thanh tịnh thuộc về tâm thức, sở đắc của Đức Phật. Những nhà Đại chúng bộ (Mahāsanghika) không bao giờ sử dụng thuật ngữ pháp thân trong bất kỳ nguồn văn học nào của họ mà chúng ta hiện có, nhưng có lẽ Đức Phật chân thật mà họ quan niệm có thể được xem như là pháp thân. Chính những nhà Đại thừa sơ kỳ đã gán những hàm ý triết học và bản thể học cho khái niệm pháp thân thông qua việc đồng nhất Tathagata với tathatā – bản chất chân thật của vạn vật. Về sau tathatā này đồng nhất với khái niệm pháp thân. Bởi vì tathatā có mặt trong vạn vật và tràn khắp vũ trụ, do đó pháp thân trở thành thân vũ trụ. Khái niệm pháp thân về sau được phát triển sâu rộng trong Phật giáo Đại thừa. 

Quảng Hưng

_________

(1)  Trong Mahāyana Buddhism của mình, N. Dutt đã trích dẫn và phân tích những đoạn kinh trong các Nikāya Pāli nói về khái niệm Phật. Xem N. Dutt, Mahāyana Buddhism, Delhi: Motilal Banarsidass, tr.138-40.

(2)  D ii, 154.

(3)  M, no. 108.

(4)  T1, 26a.

(5  T1, 172b.

(6)  T1, 188a.

(7)  T1, 204b-c.

(8)  T1, 654b.

(9)  S ii, 221; M iii, 29; D iii, 84. Những đoạn tương tự cũng được tìm thấy trong M i, 12f, ii, 84, iii, 195, 224.

(10)  N. Dutt cũng có cùng quan điểm rằng nơi đoạn này từ Pháp (Dhamma) hoàn toàn không mang ý nghĩa siêu hình.

(11)  Sumaṅgalavilāsinī, iii, 865. Dīghanikāya commentary, iii, 865: ‘Kasmā Tathāgato Dhammakāyo ti vutto? Tathāgato hi tetipiṭakam Buddhavacanaṃ hadayena cintetyā vācāya abhinīchari. Ten’ assa kāyo Dhammamayattā Dhammo va.’

(12)  T1, 37b.

(13)  T2, 457b.

(14)  T2, 303c.

(15)  A ii, 38

(16)  Trích từ Dutt, Mahāyana Buddhism, tr.140

(17)  T2, 717c-718a.

(18)  S iii, 120: “Alam Vakkali kin te pūtikāyena diṭṭhena. Yo kho Vakkali dhammaṃ passati so maṃ passati. Yo maṃ passati so dhamman passati.” Tham chiếu bản Anh ngữ, C.A.F. Rhys Davids (tr.) (1995), The Book of Kindred Sayings, Oxford: PTS, vol. III, tr. 103.

(19)  The Saṃyuktāgama, T2, 346b; The Ekottarāgama, T2, 642c.

(20)  The Sāratthapakāsinī, ii, 314: “Yo kho, Vakkali, dhamman ti, idha Bhagavā ‘dhammakāyo kho dasseti. Nava-vidho hi lokuttara-dhammo Tathāgatassa kāyo nāma. Idāni therassa tiparivaṭṭa-dhamma-desanam ārabhanto tam kim maññasī tiādim aha”.

(21) Nó được tìm thấy ở những nơi khác nhau trong nguồn văn học sơ kỳ: Saṃyutta, ii, 25; Saṃyukta, T2, 84b, 85b-c; Aṅguttara, I, 286. Quan điểm này cũng được thấy nơi một số tác phẩm về sau, chẳng hạn như Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga), 518; Pañcaviṃsati, 198; Aṣṭasāhasrikā, 274; Laṅkāvatāra, 143; Daśabhūmika, 65.

(22) Lời nói rằng không phải Đức Phật cũng không phải người nào khác là người tạo ra luật duyên khởi chỉ được tìm thấy trong Tạp A-hàm Hán ngữ (T2, 85b-c), kinh số 299, mà không ở trong kinh tạng Pāli. Tham khảo C. Akanuma (1956) The Comparative Catalogue of Chinese Āgamas and Pāli Nikāyas, Tokyo: Hajinkaku-Shobo, tr.45, số 17. Được cho rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giác ngộ thông qua việc nhận chân luật này và sau đó Ngài thuyết giảng nó cho tất cả chúng sinh.

(23) T1, 467a, 象跡喻經, M I, 191. Ngay cả tiêu đề của bản kinh mà ở đó đoạn này được tìm thấy ở trong Tạp A-hàm và Trung bộ là giống nhau: Mahāhatthipadopama.

(24) T4, 185c. Bản kinh này bao gồm 16 câu chuyện và câu chuyện Tỳ-kheo-ni Utpalavarṇā là chuyện thứ 14.

(25) T25, 137a

(26) T2, 550a.

(27) T2, 549c.

(28) T2, 787b.

(29) T2, 168b.

(30) T2, 711c, 712b, 772c.

(31) The Milindapañha đề cập năm yếu tố Pháp thân ở trang 98. Tuy nhiên, phần đầu của bản Pāli từ trang 1 đến trang 89 thì sớm hơn phần từ trang 90 đến hết, khi nó phần nào tương ứng với bản dịch Hán ngữ Nāgasena Bhikṣu Sūtra (Kinh Na Tiên Tỳ-kheo). Và ở trang 89, có một câu kết luận như sau: “Ở đây chấm dứt trả lời những vấn đề về những câu hỏi của Milinda”.

(32) Visuddhimagga, 234.

Nguồn: https://giacngo.vn/

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

0 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog