Vui Khổ Của Kiếp Người
Pháp Giới 5 tháng trước

Vui Khổ Của Kiếp Người

Vui khổ của kiếp người chẳng đồng nhau, tùy theo nghiệp nhân đã gieo trong tiền kiếp mà cảm cái quả báo trong đời này. Trong khổ có vui, trong vui có khổ, chẳng một ai giống ai. Tuy vậy, nếu tĩnh tâm mà nhìn nhận, ta sẽ thấy kiếp nhân sinh vẫn lấy khổ làm căn bản.

Kinh Phật Phân Biệt nghiệp nói: “Đức Phật bảo với A-nan: Có người thân thực hành nghiệp thiện, miệng thực hành nghiệp thiện, ý thực hành nghiệp thiện, nhưng người này mạng chung lại rơi vào địa ngục. Có người thân làm nghiệp ác, miệng làm nghiệp ác, ý làm nghiệp ác, nhưng người này mạng chung lại sanh lên cõi trời.

A-nan thưa với Đức Phật: Vì sao như vậy?

Đức Phật dạy: Nhân duyên tội phước đời trước của người này đã thành tựu, mà nhân duyên tội phước của đời này chưa thành tựu; hoặc là lúc sắp mạng chung, khởi tâm thiện ác, chánh kiến hay tà kiến”. Tâm lúc sắp mạng chung vốn có sức mạnh vô cùng.”

  • Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo.
  • Kinh Pháp Diệt Tận.
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
  • Đức Lục Tổ Huệ Năng.
  • Sự thật về Cầu Cơ.
  • A Nan Tôn giả.
  • Hướng dẫn cách tu Tịnh Độ tại gia.
Vui Khổ Của Kiếp Người
Vui khổ của kiếp người

Vui Khổ của Kiếp Người: 1. Về Cuộc Đời

Theo Kinh Tăng Nhất A Hàm: “Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo với các Tỳ kheo: Nay có bốn người xuất hiện ở thế gian. Thế nào là bốn người? Đó là: Hoặc có người thì trước khổ mà sau vui; hoặc có người thì trước vui mà sau khổ; hoặc có người thì trước khổ mà sau cũng khổ; hoặc có người thì trước vui mà sau cũng vui.

Thế nào là có người trước khổ mà sau vui?

Nghĩa là có một người sanh trong nhà hèn hạ nghèo khó, cơm áo không có đủ; nhưng không có tà kiến, mà biết quả báo của phước đức bố thí ngày xưa cảm được gia đình giàu sang; không làm phước đức bố thí luôn luôn gặp phải quả báo nghèo hèn không có đủ cơn áo; liền thường xuyên sám hối sửa chữa những việc trước kia; tất cả đồ vật còn lại đều phân cho người khác; nếu sinh trong loài người thì có nhiều tài sản, nhiều châu báu, không có gì thiếu thốn. Đây gọi là người trước khổ sau vui.

Thế nào là người trước vui mà sau khổ?

Nghĩa là hoặc có người sinh trong nhà giàu có dòng dõi cao quý; cơn áo đầy đủ, nhưng người ấy luôn luôn ôm lòng tà kiến, cùng tương ưng với biên kiến, sau sanh trong địa ngục. Nếu được làm người thì sanh trong nhà nghèo khó, không có đủ cơm áo. Đây gọi là người trước vui sau khổ.

Thế nào là người trước khổ mà sau cũng khổ?

Nghĩa là hoặc có người sinh trong nhà nghèo, cơm áo không đầy đủ, nhưng ôm lòng tà kiến, cùng tương ưng với biên kiến, sau sanh trong địa ngục. Nếu sanh trong loài người thì thật là nghèo hèn, cơm áo không đủ sống. Đây gọi là người trước khổ mà sau cũng khổ.

Thế nào là người trước vui mà sau cũng vui?

Nghĩa là hoặc có người đời trước sanh trong nhà giàu sang, nhiều tài sản và nhiều châu báu, kính trọng Tam Bảo, luôn luôn thực hành bố thí; sau sanh trong đường trời người, luôn luôn nhận được quả báo giàu sang, nhiều tài sản và nhiều châu báu. Đây gọi là người trước vui mà sau cũng vui.

Lúc bấy giờ Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Hoặc có chúng sanh trước khổ sau vui; hoặc có chúng sanh trước vui sau khổ; hoặc có chúng sanh trước khổ, sau cũng khổ; hoặc có chúng sanh trước vui-sau cũng vui. Nếu người thọ một trăm tuổi, đích thực có thể một trăm năm như vậy không khác; hoặc trong một trăm năm làm các công đức, hoặc trong một trăm năm làm các nghiệp ác. Người ấy vào thời gian khác nhau, hoặc màu Đông được vui vẻ mà mùa Hạ chịu khổ sở. Hoặc ít khi làm phước thiện mà luôn luôn gây tội lỗi, thì vào đời sau ít khi nhận được phước đức mà luôn luôn nhận chịu tội lỗi.

*

Nếu như ít khi gây tội lỗi mà luôn luôn làm phước thiện, thì vào đời sau ít khi nhận chịu tội lỗi mà luôn luôn nhận được phước đức. Hoặc luôn luôn gây tội lỗi và còn mãi mãi gây tội lỗi, thì người ấy vào đời sau, trước nhận chịu đau khổ mà sau cũng nhận chịu đau khổ. Nếu như luôn luôn làm phước thiện mà lại mãi mãi làm phước thiện, thì người ấy vào đời sau, trước nhận được vui vẻ mà sau cũng nhận được vui vẻ.

Vui Khổ của Kiếp Người: 2. Về Thân Tâm

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo với các Tỳ kheo: Có bốn người xuất hiện ở thế gian. Thế nào là bốn người? Đó là: Hoặc có người thân vui mà tâm không vui; hoặc có người tâm vui mà thân không vui; hoặc có người thân và tâm cùng vui; hoặc có người thân và tâm đều không vui.

Thế nào là người thân vui mà tâm không vui?

Đó là người phàm phu làm phước, đối với bốn sự cúng dường như áo quần-ăn uống-đồ nằm-thuốc thang, tất cả không có gì thiếu thốn, nhưng không tránh khỏi khổ đau của ba đường ác. Đây gọi là thân vui mà tâm không vui.

Thế nào là người tâm vui mà thân không vui?

Đó lá A-la-hán không làm công đức, ở trong 4 sự cúng dường không có thể tự mình lo liệu, nhưng tránh được nỗi khổ của ba đường ác. Đây gọi là tâm vui mà thân không vui.

Thế nào là người thân và tâm đều không vui?

Đó là người phàm phu không làm công đức, không có được 4 sự cúng dường, lại không tránh khỏi nỗi khổ của ba đường ác. Đây gọi là thân và tâm đều không vui.

Thế nào là người thân và tâm cùng vui?

Đó là A-la-hán làm công đức, 4 sự cúng dường không có gì thiếu thốn, còn tránh khỏi nỗi khổ của ba đường ác. Đây gọi là thân và tâm cùng vui”.

Vui Khổ của Kiếp Người: 3. Sơ lược về Bố Thí chiêu cảm quả khổ vui

Như luận về kinh Di Lặc Bồ-tát Sở vấn nói: “Hỏi: Thế nào là quả báo của bố thí? Đáp: Nói sơ lược về bố thí, chỉ có một loại quả, đó gọi là quả thọ dụng. quả thọ dụng lại có hai loại quả, đó gọi là quả thọ nhận của hiện tại và quả thọ nhận của vị lai. Lại có ba loại quả, tức là hai loại này thêm vào Bát nhã. Lại có bốn loại quả, những gì là bốn loại? Đó là:

1- Có quả mà không có dụng; 2- Có dụng mà không có quả; 3- Có quả và cũng có dụng; 4- Không có quả cũng không có dụng.

1. Có quả mà không có dụng.

Nghĩa là bố thí không chí tâm, không tự tay mình bố thí, bố thí với tâm khinh mạn. Bố thí như vậy, tuy  cảm được vô lượng các loại quả báo, mà không thể nào thọ dụng được. Như Thiên chủ Xá vệ, tuy có được vô lượng các loại châu báu nhưng không thể nào thọ dụng được.

2- Có dụng mà không có quả.

Nghĩa là tự mình không bố thí, thấy người khác thực hành bố thí mà sinh tâm tùy hỷ. Bởi vì nghĩa này, cho nên tuy cảm được thọ dụng mà tự mình không có quả. Như vật của Thiên Tử thì tất cả Sa môn-Bà la môn.., tuy có được cơm áo cung cấp để thọ dụng, mà tự mình không có quả. Lại như Chuyển luân Thánh vương có bốn loại quân binh quý báu, tuy có được cơm áo mà không cảm được quả.

3- Có quả và cũng có dụng.

Nghĩa là bố thí với tâm chân thành, bố thí với tâm không khinh mạn, như các Trưởng giả là Thọ Đề Già… hành hạnh bố thí.

4- Không có quả cũng không có dụng.

Nghĩa là bố thí rồi từ đó liền chấm dứt, hoặc làm chướng ngại cho Thánh đạo xuất thế, giống như Thánh nhân xa lìa phiền não.

Lại có năm loại quả, nghĩa là cảm được Mạng-Sắc-Lực-Biện…, nhờ vào bố thí Mạng mà được mạng sống, cho nên bố thí thức ăn thì cảm được bố thí mạng sống. Vì nhân duyên này, đời sau cảm được mạng sống lâu. Như vậy bố thí Sắc-bố thí Lực-bố thí Lạc-bố thí Biện tài…, cũng đều như vậy.

Lại có năm loại quả thù thắng, đó gọi là cúng dưỡng đối với cha mẹ-người bệnh-pháp sư-Bồ-tát; thì cảm được quả báo thù thắng. Thân mạng sinh ra và lớn lên nhờ ân cha mẹ nuôi dưỡng; vì vậy cho nên cúng dưỡng cha mẹ thì cảm được quả báo thù thắng.

Vả lại, người bệnh hoạn thì cô độc đáng thương, bởi vì nghĩa này cho nên khởi tâm Từ Bi, bố thí cho người bệnh hoạn thì cảm được quả báo thù thắng. Còn người thuyết pháp, có thể phát sinh Pháp thân, tăng trưởng Pháp thân, mãi mãi dẫn dắt khiến cho nhận biết rõ ràng thiện-ác, ngay thẳng-không ngay thẳng, điên đảo-không điên đảo, vì vậy cho nên cúng dường Pháp sư thì cảm được quả báo thù thắng.

Vả lại, các vị Bồ-tát đều có năng lực nhiếp thủ lợi ích cho chúng sanh, khởi tâm Từ Bi làm nhân tố nhiếp thủ Tam bảo không khiến cho đoạn tuyệt. Bởi vì nghĩa này, cho nên cúng dường Bồ-tát thì cảm được quả báo thù thắng”.

Vui Khổ của Kiếp Người: 4. Bốn Điều Không Thể

Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Cuộc đời có bốn điều không thể nào có được. Như thế nào là 4 điều? Đó là:

Điều Không Thể Thứ nhất:

Tuổi trẻ thì nhan sắc rạng rỡ, tóc đen răng trắng, hình dáng dung mạo sáng sủa mịn màng, sức lực tràn trề khỏe mạnh; đi đứng sinh hoạt nhanh nhẹn, ra vào tự nhiên tùy ý; lái xe cưỡi ngựa ung dung, mọi người ngước nhìn tôn trọng, không có ai không kính mến. Một khi tuổi già đã đến, đầu bạc răng rụng, mặt nhăn sa chùng, thân thể nặng nề phải nhờ gậy chống, sức lực giảm nhiều đau nhức rên rỉ. Muốn làm cho trẻ mãi không đến tuổi già yếu, là điều không thể nào có được.

Điều Không Thể Thứ hai:

Thân thể cường tráng, khí chất thật sự mạnh mẽ, đi lại nhanh nhẹn tuyệt với. Ăn uống tùy ý, trang sức đẹp đẽ bậc nhất, cho là không gì sánh kịp. Giương nỏ kéo tên, cầm giáo vung gươm; gặp điều nguy hại, không nhận rõ thẳng cong; buột miệng quát tháo mắng nhiếc, cho là khí phách mạnh mẽ; nằm liệt trên giường, không thể nào cử động, thân đau như bị đánh, tai mắt mũi miệng không còn nghe được tiếng; không thấy cảnh sắc, không ngửi mùi thơm, không nếm vị ngon, mọi thứ rời xa tầm tay.

Ngồi xuống đứng lên cần phải nhờ người, những thứ dơ dáy tự nhiên thải ra, thân mình nằm trên chỗ ấy. Những hoạn nạn như vậy khó ví dụ được; giả sử mong muốn tránh khỏi, thường được an lành không có bệnh tật, thì điều này không thể nào có được.

Điều Không Thể Thứ ba:

Muốn cầu sống lâu, tồn tại giữa cuộc đời mãi mãi, có thể tránh được tai họa của bệnh tật chết chóc. Mạng sống đã rất ngắn, lòng đầy nỗi buồn muôn thuở. Tuổi thọ ít mà ưu sầu nhiều; không quán xét vô thường, buông thả theo năm dục; tâm ý luôn phóng túng, sát sinh-trộm cắp-dâm loạn; nói hai lưỡi-nói thô ác, nói dối-nói thêu dệt; tham lam ganh ghét-tà kiến, không hiếu thảo với cha mẹ; không thuận với thầy bạn, khinh khi thầy của mình, phản nghịch vô đạo; mong cầu giàu có dồi dào, cho là có thể tồn tại mãi mãi.

Gièm pha bài báng Thánh đạo, bởi vì tà kiến có một không hai; than trời mà đi một mình, ưa thích hoa giả tạo của đời, không biết trời đất trong ngoài do đâu; không biết nhân duyên hợp thành của bốn đại, giống như huyễn ư. Không biết cuộc đời hưng suy từ xưa đến nay; không tiếp nhận sự dẫn đắt; không biết từ đâu sinh ra-chết đi về đâu, tâm còn giữa trời đất cho rằng là mình tồn tại.

Vô thường bỗng nhiên xuất hiện, như gió thổi mây tan; ý niệm mong mỏi sống mãi, mạng mình bỗng nhiên kết thúc, không thể nào tự tại được. Muốn làm cho không gặp phải như vậy, là điều không thể nào có được.

Điều Không Thể Thứ tư:

Cha mẹ anh em, vợ chồng thân thích, bạn bè quen biết, âm ái vinh hoa, tài vật giàu sang, bổng lộc quan quyền, rong xe ruổi ngựa dạo chơi ngắm cảnh, vợ con nối dõi đời sau… tất cả đầy đủ lấy làm thỏa mãn. Vì vậy tự mình kiêu ngạo phóng túng; ăn uống tùy theo ý thích, tôi tớ khách bạn qua lại, đi nhanh nhìn xem vẻ đẹp, ngắm bóng mà bước qua, khinh miệt mọi người, nghĩ mình là tuyệt vời.

Mắng nhiếc khách bạn tầm thường, xem như súc sanh cầm thú; ra vào tùy tiện bừa bãi, không còn có gì giới hạn, không quán sát trước sau; nói rằng quyến thuộc của mình, mọi người tùy ý sai khiến, như ý có thể còn mãi. Nghiệp chướng vốn có bất ngờ xuất hiện, như nước nóng làm tan băng tuyết; tâm mới nơm nớp lo sợ, thỉnh cầu cứu giúp tai họa, làm sao được như ý nguyện?

Hơi thở ngừng lại, mạng sống chấm dứt, hồn phách thần thức ra đi một mình, cha mẹ anh em, vợ chồng con cái, thân thích họ hàng, bạn bè quen biết, quyến thuộc ấn ái, đều bỏ lại một mình đơn độc. Tài vật quan quyền, khách bạn tôi tớ, tất cả đều tản ra, lướt qua như sao băng. Mong cầu không chết, là điều không thể nào có được.

Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Từ xưa đến nay, trời đất bắt đầu thành lập cho đến bây giờ, không có ai tránh được tai họa của 4 nỗi khổ này. Vì 4 nỗi khổ này mà chư Phật xuất hiện giữa thế gian.”

( Vui khổ của kiếp người – Theo Pháp Uyển Châu Lâm)

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Bát chánh đạo là gì? Gồm những gì? Ứng dụng trong cuộc sống

16 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog