Định lực là gì
Pháp Giới 11 tháng trước

Định lực là gì

Định lực là gì? Định nghĩa là kiên cố, bất biến. Định lực là khả năng vững chãi, kiên cố và không bị xoay chuyển của Tâm trước bất cứ sự tác động nào của ngoại cảnh. Người có định lực thì bên trong không còn tham sân si, bên ngoài không bị ngoại cảnh tác động, trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch đều giữ được tâm như như bất động, an nhiên tự tại. Người học Phật nếu giữ giới hạnh tinh nghiêm thì bất kể là thiền, tịnh hay mật, đều cảm được Định lực từ Chân tâm lưu xuất ra.

Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Ðịnh có nghĩa là bất biến. Có kẻ tu hành đầy vọng tưởng. Hôm nay tu thiền, ngày mai nghe nói niệm Phật công đức to lớn, liền bỏ tham thiền mà niệm Phật. Sau vài ngày lại nghe nói trì chú là thù thắng bèn bỏ niệm Phật mà trì chú. Người như vậy, nay tu pháp môn này, mai tu pháp môn khác, kết quả chẳng tu thành cái gì. Lại còn có kẻ niệm Phật, niệm Bồ-tát một ngày niệm, mười ngày nghỉ, hoặc ngày nay niệm ngày mai nghỉ, đó đều gọi là không có định lực. Ðịnh lực đối với người tu hành rất là quan trọng; không có định lực, tu đạo đương nhiên thất bại. Thiếu định lực thì đạo tâm chẳng kiên cố, dễ dàng bị ảnh hưởng bên ngoài chi phối làm đọa lạc.”

  • Thập thiện nghiệp đạo là gì.
  • Bố thí là gì.
  • Trì giới là gì.
  • Nhẫn nhục là gì.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai. 
  • Sự thật về Cầu cơ.
Định lực là gì
Định lực là gì

Định lực là gì

Định lực có nghĩa là không bị vật xoay chuyển. Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “Nếu chuyển được vật, tức đồng Như Lai.” Tu tập đạt được định lực cũng như vậy. Tôi sẽ giải thích đạo lý nầy cho quý vị biết đó là điều chân thật chứ không phải là chuyện đùa.

Nếu là người có định lực, thì khi thấy phụ nữ, bất luận cô ta đẹp đến cỡ nào, thì anh ta vẫn kiềm chế được tâm mình. Anh ta không móng khởi dục vọng. Đó là định lực. Nếu khi vừa thấy phụ nữ mà quý vị trở nên loạng choạng chao đảo và thấy như có bàn tay chặn ngang họng, thì đó là không có định lực. Quý vị có thể đảo ngược chủ ngữ trong câu văn, có nghĩa là tương tự như khi phụ nữ gặp đàn ông. Quý vị phải giữ trạng thái như như bất động, và nếu quý vị có thể giữ mình không bị xoay chuyển bởi dục vọng, thì quý vị có được định lực. Đó mới chỉ là bước đầu tiên.

*

Bước đầu tiên là đạt được năng lực không bị xoay chuyển bởi dục vọng, thế nên thấy đồng nghĩa với không thấy. Quý vị đối đầu với hoàn cảnh mà không móng tâm. Quý vị nếm mùi chịu đựng mà vẫn không động tâm. Đó là định lực.

Quý vị có thể đo lường định lực của mình đến đâu. Chẳng hạn, nếu quý vị giữ được tâm bất động không khởi ham muốn dục vọng nam nữ trong tâm, thế là quý vị đã có chút ít định lực. Xa hơn, nếu quý vị có thể giữ không sinh khởi chút rắc rối nào khi đi với bạn gái mình, thì đó là công phu chân chính. Nhưng công phu nầy không thể dễ đạt được. Nếu quý vị đạt được định lực ấy, có nghĩa là quý vị có khả năng tu tập và đạt được thân kim cương bất hoại.

Nếu quý vị thiếu định lực ấy, thì phải làm gì? Là đừng bao giờ thỏa mãn với hoàn cảnh hạn hẹp nầy, rồi nói: “Tôi chẳng cần định lực ấy nhiều như thế đâu. Tôi chẳng cần tu. Tôi chịu thua thôi.” Thật là uổng công. Quý vị chỉ chuốc lấy sự thất bại thôi. Quý vị càng có ít định lực thì càng phải tu tập nhiều. Chẳng hạn, “Tôi ngồi thiền là thấy đau nhức. Càng đau, tôi càng muốn ngồi thiền. Tôi phải tự nỗ lực làm những việc khó làm.” Đó cũng là định lực.

*

Lý do khiến mọi người chạy ngược chạy xuôi, chạy Đông chạy Tây là vì họ không đạt được định lực. Buổi sáng họ chạy đến cửa ông Chu, chiều họ đến lớp ông Chin; họ chạy đi khắp nơi, vì họ không có được chút định nào. Để có được định lực, quý vị phải chịu khổ nhọc, khi quý vị chịu khó tu tập như thế, quý vị sẽ đạt được một số kinh nghiệm khác nhau. Nhưng ngay khi có được chút ít kinh nghiệm này, quý vị phải thận trọng đừng để cho nó xoay chuyển mình. Đó được gọi là định lực.

Nếu chỉ bị một tình huống xoay chuyển tâm thức, thì quý vị chưa có định lực, chẳng hạn như khi quý vị nhận được một bức thư báo tin xấu khiến cho quý vị bận lòng, như vậy là chưa đủ định lực, là chưa qua được cuộc khảo nghiệm. Hoặc nếu quý vị gặp chuyện vui và quý vị truy đuổi theo việc ấy, như thế cũng là chưa có được định lực. Nếu quý vị đối đầu với một tình trạng bất như ý và quý vị nổi sân, cũng là do chưa có định lực. Quý vị nên không vui cũng chẳng buồn; không phấn khích cũng chẳng buồn rầu. Có định lực là ứng xử mọi việc mà tâm không dao động. Đó là quý vị ứng xử theo tâm đạo.

Khi tu tập định lực, quý vị khai mở được trí huệ nếu không có định lực, thì không thể nào có được trí huệ lực. Không có năng lực của trí tuệ, làm sao quý vị tu học Phật pháp được?

*

“Định lực và trí huệ lực do đâu mà có?” Do giữ giới mà có. Hằng ngày quý vị phải thường hộ trì giới luật, rốt cuộc quý vị sẽ có được sự hành xử tương ứng với Phật pháp một khi được tưới tẩm dòng nước pháp.

Sa-môn phải tinh tấn tu tập giới định huệ, dừng hẳn tham, sân, si. Ba món độc này là lý do khiến cho quý vị không chứng được Phật quả. Nếu quý vị đình chỉ hẳn ba món độc này thì sẽ rất mau thành Phật.

Bất luận thứ gì, hễ quý vị muốn được càng nhiều càng tốt, thì đó gọi là tham. Quý vị gặp một vài tình huống không thích rồi nổi giận, đó gọi là sân hận. Si là những vọng tưởng phát sinh từ tâm niệm vô minh và ̣ lang thang trong những tâm niệm này với tinh thần bối rối. Nếu quý vị chuyển hóa sạch ba món độc này sẽ tương hợp với đạo, là rất dễ dàng thành tựu đạo nghiệp.

*

Có rất nhiều pháp môn trong việc tu tập định lực. Ngoại đạo cũng có nhiều loại định. Vậy nên trong khi tu tập định lực, chỉ cần:

Sai chi hào ly,

Thất chi thiên lý”

(Chỉ cần sai lầm bằng một mảy tóc, thì sẽ uổng công đi xa cả ngàn dặm)

Do vậy nên quý vị nên tu tập theo chánh định, tránh tu tập theo lối tà định. Các loại định do ngoại đạo và Tiểu thừa tu tập đều là tà định, chẳng phải là chánh định. Vì các loại định ấy không lưu xuất từ chân tánh, nên sẽ không bao giờ đạt được Thánh quả, bất luận tu tập dụng công lâu hay mau. Nên nói:

Tánh định ma phục triêu triêu lạc

Vọng niệm bất khởi xứ xứ an”

(Chân tánh an định, ma chướng bị hàng phục, nên ngày ngày đều sống trong an vui. Vọng niệm không sinh, mọi nơi chốn đều an nhiên.)

Tại sao hành giả bị ma chướng khi tu tập? Tại sao nghiệp chướng sinh khởi. Chỉ vì trong tự tánh của họ chưa có được định lực. Nếu tự tánh thường an trú trong định, tất cả ma sự đều bị hàng phục.

Sự quan trọng của Định lực

Có rất nhiều loại ma, trong kinh Thủ-lăng-nghiêm giảng giải về Năm mươi loại ấm ma. Thực ra, có rất nhiều, rất nhiều loại ma: Thiên ma, địa ma, nhân ma, quỷ ma, yêu ma. Thiên ma là ma ở các cõi trời, thường đến đây để nhiễu loạn những người tu tập thiền định. Địa ma cùng với các loài nhân ma, quỷ ma, yêu ma thì ở trên đất và các loài quái dị khác thường quấy phá thiền định của quý vị.

“Tại sao nó làm việc ấy?”

Vì trước khi quý vị chứng được Phật quả, quý vị đã từng là quyến thuộc với ma. Khi quý vị quyết định xa lìa quyến thuộc nhà ma để tu tập thiền định, chấm dứt sinh tử, phá vỡ vòng luân hồi, thì ma vương vẫn còn yêu thích quý vị. Nó yêu thương quý vị, không muốn quý vị bỏ đi. Thế nên nó đến não loạn tinh thần và nhiễu loạn công phu thiền định của quý vị.

Nếu không có đủ định lực, quý vị có thể bị xoay chuyển bởi ma sự và kết cuộc là thành đồ chúng của ma. Nếu quý vị có được định lực thì không bị nó sai sử, quý vị sẽ được “như như bất động,  liễu liễu thường minh.”

Như như bất động là có định lực, liễu liễu thường minh là có năng lực trí tuệ sáng suốt. Có được đầy đủ năng lực trí tuệ và có định lực thì chẳng có loài ma nào có thể xoay chuyển được quý vị. Nhưng nếu không có được đầy đủ năng lực định huệ, quý vị sẽ thành quyến thuộc với ma, thành con cháu của chúng. Điều ấy cực kỳ nguy hiểm.

Phân biệt Định lực

Lý do ngoại đạo không có được tánh định vì họ chỉ dụng công ở ngành ngọn chứ không dụng công ở phần gốc rễ, họ công phu ngay nơi xác thân hư huyễn. Sai lầm của họ là đồng nhất thức thứ sáu, là tâm thức thường nghiệm với chân tâm. Kết quả của sự dụng công ấy là đạt được một chút ít kinh nghiệm ở cảnh giới tịch diệt, nhưng những gì họ cảm nhận được đều là không thực.

Họ bắt ép mình không được sinh khởi vọng tưởng nhưng họ không khai quật ra được căn nguyên của vọng tưởng ấy, nên không thể nào chấm dứt sinh tử được. Điều ấy cũng giống như dùng đá đè cỏ vậy… khi dời đá đi, cỏ mọc lại ngay. Khi những người tu theo ngoại đạo buông xả nỗ lực ngăn ngừa vọng niệm, thì cũng như dời đá đi nơi khác. Phương pháp tu tập ấy không đạt được cứu cánh rốt ráo.

Trong công phu thiền định, hành giả nên tham thoại đầu “Ai là người niệm Phật?”  Do tham cứu miệt mài đề tài ấy nên hành giả quét sạch tất cả các pháp và lìa tất cả các tướng. Khi tham cứu “ai”, hành giả thâm nhập vào cội nguồn của vọng tưởng và chuyển hóa chúng. Nếu quý vị công phu theo chiều hướng này, sẽ có ngày quý vị hoát nhiên khai ngộ. Lúc ấy quý vị mới biết được mặt mũi mình dọc hay ngang. Còn khi chưa khai ngộ, quý vị chẳng thể biết được mặt mũi mình hướng về phía nào. Nhưng một khi đã khai ngộ rồi, quý vị sẽ biết được hết thảy và đạt được tự tại.

Định lực của ngoại đạo và Tà đạo

Khi Đức Phật giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm, có rất nhiều phái ngoại đạo ở Ấn Độ không quan tâm đến ý nghĩa giác ngộ, họ thích bắt chước những thói quen của bò và chó. Đây là một pháp tu do một số người khi nhập định, thấy được một con bò được tái sinh trong cõi trời, nên họ kết luận. “Ta phải tập theo thói quen của loài bò.” Anh ta bắt đầu ăn cỏ, sống trong chuồng bò, học cả cách ngủ như bò. Khi không ngủ, anh ta có được chút định lực, nhưng anh ta không đạt được kết quả chân thực, vì đó hoàn toàn là tà định.

Thời ấy có ngoại đạo làm như vậy là vì trong khi ngủ, họ mơ thấy một con chó được tái sinh trên cõi trời. Người này quyết định rằng nếu mình bắt chước những hành vi của loài chó thì mình cũng có thể được sinh ở cõi trời. anh ta tự rập khuôn mình theo loài chó, canh chừng cổng nhà, dùng thức ăn và ngủ như loài chó. Nhưng cuối cùng cũng không thành tựu rốt ráo.

*

Có những ngoại đạo kỳ cựu khác tu tập Vô tưởng định, khi ấy hành giả không còn suy nghĩ về một điều gì cả. Hành giả không còn vọng niệm nữa, cuối cùng hành giả được sinh vào Vô tưởng thiên. Nhưng tái sinh ở Vô tưởng thiên không phải là cứu cánh tối hậu, cuối cùng cũng phải đọa lạc. Đây cũng được xem là một loại tà định. Tất cả phương pháp tập định do ngoại đạo truyền dạy đều không rốt ráo, không có căn bản, không như công phu tu tập chân chính là để nhận ra tự tánh vốn sẵn có nơi mình.

Đem tâm phân biệt (thức) và vọng tưởng mà tu học Phật pháp cũng giống như nấu cát mà mong thành cơm, không thể nào thành tựu được, dù quý vị có tu hành như thế trải qua vô số kiếp, cũng không thể nào thoát khỏi vòng luân hồi, chẳng thể nào thành Phật được. Điều cần yếu cho những người thiết tha tu tập là phải thân cận một bậc minh sư có tri kiến chân chánh, để giúp cho hành giả đạt được định lực chân chính.

Định lực luôn kèm theo khảo nghiệm

Để đạt được năng lực chánh định, có khi hành giả cũng phải trải qua sự khảo nghiệm của ma vương.

Như tôi đã đề cập trước đây, có rất nhiều loại ma: Nội ma và ngoại ma. Ngoại ma thì hàng phục không khó mấy, nhưng loài ma phát sinh từ trong tâm minh thì rất khó hàng phục.

Có loại ma thường gây bệnh tật cũng rất khó hàng phục. Khi tôi vào khoảng mười bảy, mười tám tuổi, đang học Phật pháp nên rất tự cao. Tính tự cao đã sai sử tôi phát biểu những lời ngông cuồng như sau: “Ai cũng sợ ma, nhưng tôi chẳng sợ. Đúng ra ma phải sợ tôi.”

Quý vị có bao giờ nói những lời ngông cuồng như thế không? “Bất luận là loại ma gì, thiên ma, địa ma, nhân ma, yêu ma, quỷ ma, tinh ma… tôi đều chẳng sợ.”

*

Sau khi tôi vừa tuyên bố như thế xong, quý vị đoán biết điều gì xảy đến không? Tôi liền bị ma bệnh tấn công. Sau đó chính tôi là kẻ sợ ma, không phải ma sợ tôi. Vì căn bệnh làm cho tôi không thể nào cử động được, giống như bị kẹp trong cái ách, thân tôi không tuân theo sự điều khiển của tôi nữa. Tôi bảo nó đi nhưng nó không thể đi, tôi bảo nó ngồi cũng không ngồi được.

Từ sáng đến tối, tôi phải nằm trên giường, không ăn uống gì được cả. Tôi đã bị mắc vào bẫy ma. Tôi nhận ra những gì tôi đã tuyên bố đều là sai trái. Tôi đã huênh hoang rằng mình không sợ ma, nhưng bây giờ khi gặp ma bệnh, tôi chẳng còn chút sức lực nào cả.

Tôi bệnh đến nỗi quên hết mọi chuyện, như thể là sắp chết đến nơi. Nhưng ngay khi tiến dần đến hơi thở cuối cùng–khi tôi hầu như chết rồi–thì một việc xảy ra, tôi thấy ba vị Vương hiếu tử ở Mãn Châu gồm một tăng sĩ, một đạo sĩ và một cư sĩ, cả ba đến rủ tôi đi chơi.

Tôi theo họ ra ngoài. Ngay khi ra khỏi cửa, tôi liền bước đi, nhưng chân tôi không hề chạm đất dù chẳng phải ở trên máy bay mà thấy như ở trong khoảng không. Cũng chẳng phải như đằng vân giá vũ, mà giống như mình được bao bọc bởi một lớp hư không. Tôi như bước đi trên những nóc nhà và chẳng bao lâu thấy mọi vật ở phía dưới đều rất nhỏ.

*

Tôi đi qua rất nhiều ngôi chùa danh tiếng, những rặng núi cao, những dòng sông rộng lớn. Tôi đến được Tứ đại danh sơn của Trung Hoa: Ngũ đài sơn, Nga mi sơn, Cửu hoa sơn và Phổ-đà sơn. Bất kỳ ở đâu, tôi cũng đến được rất nhiều chùa và gặp rất nhiều người.

Chúng tôi không dừng lại ở Trung Hoa, một lát sau chúng tôi đi qua nước khác, nơi ấy người dân có tóc vàng và mắt xanh. Chúng tôi đi nơi này đến nơi khác rất nhanh tựa như xem phim, từng cảnh từng cảnh chớp nhoáng trên màn hình, chuyển cảnh thường xuyên, nhưng đây chẳng phải là màn ảnh hoặc máy chiếu phim, thực sự là tôi thấy mình từ nơi này đến nơi khác rõ ràng.

Sau khi được thấy và nghe nhiều nơi, nhiều việc, tôi trở về lại trước cửa phòng mình. Tôi mở cửa rồi nhìn vào căn nhà của mình, trên giường là một người như tôi. Ngay đó, tôi nhận ra mình mang hai thực thể hoàn toàn giống nhau. Hơi thở đã kéo tôi nhập lại làm một. Cha mẹ tôi kêu lên “chưa chết.” Họ đang ngồi bên xác tôi mừng rỡ nói: “Còn sống.” Rồi tôi nhận ra được, biết  mình đang nằm bất động trên giường. Tôi biết mình đang bị bệnh, tôi hỏi cha mẹ tôi chuyện gì đã xảy ra. Song thân tôi bảo rằng tôi đã bất tỉnh nặng suốt bảy tám ngày nay, dường như đã chết.

*

Thế nên tôi là xác chết biết đi. Tôi nghĩ rằng mình đã chết và cũng vừa như mới sinh ra. Sau đó tôi không còn dám ngông cuồng nữa. Tôi không bao giờ nói rằng tôi chẳng sợ ma mà ma phải sợ tôi nữa. Hãy nhớ lời khuyên nhủ này: “Bất luận làm việc gì cũng đừng tuyên bố những lời như tôi nói. Nếu quý vị tuyên bố: “Tôi chẳng sợ gì cả.” thì trong tương lai quý vị sẽ gặp ngay những sự kiện làm cho quý vị phải hốt hoảng. Còn nói: “Tôi thận trọng trong tất cả mọi việc.” thì rất tốt. Nói chung đừng nuôi dưỡng ngay cả những chuyện vô ích như thế.”

Trước khi tôi bị bệnh, tôi là giảng viên ở Hội Đạo Đức. Tôi thuyết giảng về sự lợi ích của lòng khoan dung, hạnh đoan chính. Không những tôi chỉ khuyến khích mọi người khác làm việc thiện, mà chính tôi cũng thực hành hạnh lợi tha. Tôi thực hành đến mức độ cảm thấy mình có đạt được chút ít công phu.

Có lần tôi đọc bài viết về mẫu mực trong đời sống của Chang-Yu-Husuan, tôi quyết định được làm theo như ông ta. Tôi nguyện thề với trời rằng tôi sẽ thực hành giống như Chang-Yu-Hsuan. Nhưng sau khi tôi phát lời thề rồi tôi lại tiếc.

*

Tôi tự vấn mình một cách nghi ngờ rằng: “Có ích gì khi bắt chước như ông ta?” Và lạ thay, ngay vào chiều đó ma liền đến để thử xem tôi có thực sự giữ vững lời thề hay không? Nếu quý vị có lời phát nguyện, chư vị bồ-tát sẽ đến để thử nghiệm quý vị. Cốt yếu là quý vị đừng tuyên bố một cách ngạo mạn. Cẩn trọng tránh xa những điều dễ dãi làm mình hài lòng và cả những điều khiến mình bực bội, bằng cách giữ tâm mình thường hướng vào việc tu đạo. Đừng sống với tâm phàm phu và đem tâm chân chính hướng vào công phu.

Tu có nghĩa là đi ngược chiều với hư vọng. Người tu tập với tâm mong cầu hư vọng thường nghĩ rằng: “Ta phải chứng được quả vị Phật ngay.” Nên trong khi ngồi thiền, anh ta thấy thân thể của mình như thân thể của Đức Phật đang phóng hào quang làm chấn động quả đất. Thực ra, chẳng có điều gì xảy ra cả. Sự chứng nghiệm ấy chỉ là hư vọng, chẳng phải là thành tựu đạo nghiệp.

Có người nghĩ rằng: “Khi tôi ngồi thiền, tôi thấy Đức Phật thọ ký cho tôi rằng: “Ông sẽ thành Phật, đừng bận tâm tu hành làm gì nữa. Ông đã là Phật rồi.” Đây cũng là một sự chứng nghiệm hư vọng, không phải là chân thật thành tựu đạo quả.

Đức Phật dùng Định lực hàng Ma

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo khi ngồi thiền dưới cây bồ-đề. Ngài thiền định suốt bốn mươi chín ngày. Đến một sáng khi Ngài thấy sao mai vừa ló dạng, Ngài bừng ngộ. Ngài nói: “Lạ thay! Lạ thay! Lạ thay! Tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tánh. Tất cả đều có thể thành Phật.”

Tuy nhiên, trước khi Ngài thành Phật, thiên ma đã khảo nghiệm Ngài. Nó biến thành gái đẹp đến trước Ngài, nói những lời quyến rũ, tìm cách làm cho Ngài từ bỏ con đường tu đạo để kết hôn với cô ta. Nhưng Đức Phật thường ở trong chánh định, không hề lay động bởi cái nhìn của loài yêu quái này. Ngài chỉ có tâm niệm: “Cô tưởng mình đẹp lắm sao? Thực ra, cô chỉ là đàn bà xấu xa ác độc. Có vô số nếp nhăn chạy trên khuôn mặt cô, từ mắt mũi cô đang chảy ra những nước mắt, ghèn, đầy nước và đờm dãi trong mũi, và nước miếng trong cổ họng. Toàn thân cô thật dơ bẩn, thế mà cô còn đến để lừa tôi.”

Đức Phật đã quán sát được tâm niệm của Ma vương từ trong chánh định. Ngài hóa giải ma lực ấy, bắt nó hiện thành người đàn bà già nua xấu xí, tóc bạc, răng long, mũi chảy đầy dãi, bà ta trông thật ác độc. “Bà hãy tự nhìn ngắm mình xem.” – Đức Phật bảo. Ma vương nhìn lại mình, xấu hổ bỏ chạy. Có rất nhiều ma vương đến để thử thách Đức Phật, nhưng Đức Phật không hề bị xoay chuyển. Do không bị ma vương xoay chuyển nên Đức Phật thành tựu giác ngộ.

*

Khi hành giả tận lực công phu tu đạo cũng giống như vậy. Giai đoạn quan trọng nhất là trải qua sự khảo nghiệm của ma vương. Khi quý vị chưa có được công phu, ma vương chẳng cần thử thách. Nhưng một khi đã có được chút ít công phu rồi, thì ma vương rất thích thử thách. Nếu không nhận ra ma sự đến như một cuộc khảo nghiệm, thì quý vị liền bỏ cuộc tu hành và theo làm đồ chúng của ma.

Nếu quý vị muốn công phu đến mức thành tựu thực sự, quý vị phải có được tánh định. Khi ấy chân tánh của quý vị không hề lay động, tự nhiên quý vị sẽ có được định lực và sự thành tựu của quý vị là rất chân thực, không phải là hư vọng. Còn nếu quý vị bị xoay chuyển bởi ma, thì định lực của quý vị không phải chánh định mà là tà định; Tà định này không bao giờ đưa quý vị đến quả vị Phật được.

*

Trước đây, tôi đã đề cập đến tà định do những người học theo hành vi của bò và chó. Làm sao loài bò và chó mà họ bắt chước lại tái sinh được ở cõi trời? Vì trong một đời kiếp trước, con bò ấy đã tu tập mười thiện nghiệp, nhưng trước đó nó hoàn toàn làm những việc ác. Quả báo của ác nghiệp khiến nó phải thọ thân bò. Còn quả báo của việc tu tập mười thiện nghiệp khiến sau khi chết được tái sinh ở cõi trời. Con chó cũng như thế.

Họ không biết những nhân duyên trong quá khứ đã dẫn con bò và chó tái sinh ở cõi trời. Những người nầy tưởng rằng nó chỉ làm bò và chó trong kiếp hiện tại rồi hưởng được phước báo sinh ở cõi trời thôi. Thế nên họ mù quáng bắt chước theo bò và chó. Họ chẳng được gì khi tu tập như vậy, dĩ nhiên là chẳng thành tựu được điều gì cả.

Thực ra, thành tựu đạo nghiệp có nghĩa là chân thực nhận ra năng lực chánh định và trí tuệ sáng suốt vốn tự có sẵn, đầy đủ, tròn đầy, trong mỗi người. Năng lực chánh định và trí tuệ ấy hỗ tương dung nhiếp, hoàn chỉnh cho nhau, không ngăn ngại nhau. Đó là nhận ra thể tánh chân thực vốn có của chính mình. Đó có nghĩa là nhận ra được chân tâm của mình.”

(Định lực là gì – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Ban Hướng dẫn Phật tử TP.HCM tổ chức"Đêm hội trăng rằm" cho thiếu nhi tại chùa Hưng Phước

11 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog