Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát và 10 Đại Hạnh Nguyện Vương giảng giải
Pháp Giới 11 tháng trước

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát và 10 Đại Hạnh Nguyện Vương giảng giải

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát là một trong bốn đại Bồ Tát, địa vị rất cao. Ngài thường ủng hộ Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp nơi các pháp hội. Trong hội Hoa Nghiêm thì Ngài là thuyết pháp chủ. Có Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, phát mười đại hạnh nguyện vương, đó là pháp môn Bồ Tát phải tu.

Trong hội Pháp Hoa, Bồ Tát Phổ Hiền hướng về đại chúng pháp hội nói sau cùng, khuyên đại chúng phát bồ đề tâm, thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép Kinh Pháp Hoa. Ngài là vị Đại Bồ Tát tu hành tinh tấn nhất, chẳng những nguyện lớn mà hạnh cũng lớn. Tên Ngài xuất hiện trong vô số Kinh Phật.

Đại Hạnh tiếng phạn là ‘’Tam mạn đa bạt đà la’’. Tam mạn dịch là Phổ, bạt đà la dịch là Hiền, do đó :

Thể tính khắp cùng là phổ.

Tùy duyên thành đức là hiền.”

Lại dịch là Biến Cát, biến (khắp) tức là phổ, cát tức là hiền. Tuy danh từ khác nhau, nhưng ý nghĩa như nhau. Ðịa vị của Bồ Tát Phổ Hiền chỉ khác Phật chút chút. Giống như trăng ngày mười bốn so với trăng rằm, chỉ sai một chút về tròn sáng.

  • Ma Ha Ca Diếp Tôn giả.
  • A Nan Tôn giả.
  • Cuộc đời& Đạo nghiệp của hòa thượng Hư Vân.
  • Cuộc đời& Đạo nghiệp của Hòa Thượng Tuyên Hóa.
  • Thiền Tông và Tịnh Độ Tông.
  • Cư sĩ Quả Khanh là hóa thân Bồ Tát
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát và 10 Đại Hạnh Nguyện Vương giảng giải
Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát

10 Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát

Mười Đại Hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát Phổ Hiền vô cùng rộng lớn và đều là những cảnh giới không thể nghĩ bàn. Chẳng có cách chi biết được hạnh nguyện của Ngài lớn cỡ nào, bởi hạnh nguyện của Ngài là vua trong các hạnh nguyện.

Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nếu ai muốn trọn nên công đức của Phật, thời phải tu mười điều hạnh nguyện rộng lớn. Những gì là mười điều?

  1. Một là kính lễ các Ðức Phật.
  2. Hai là khen ngợi Ðức Như Lai.
  3. Ba là rộng sắm đồ cúng dường.
  4. Bốn là sám hối các nghiệp chướng.
  5. Năm là tùy hỉ các công đức.
  6. Sáu là thỉnh Ðức Phật thuyết pháp.
  7. Bảy là thỉnh Ðức Phật ở lại đời.
  8. Tám là thường học tập theo Phật.
  9. Chín là hằng thuận lợi chúng sanh.
  10. Mười là hồi hướng khắp tất cả.

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát: Lược giảng 10 Đại Hạnh Nguyện

Hiện tại Bồ Tát Phổ Hiền phát hạnh nguyện rộng lớn nầy, tu hành nguyện nầy lớn cỡ nào? Nguyện nầy là nguyện cảnh giới không thể nghĩ bàn, chẳng có cách chi biết được nguyện của Ngài lớn cỡ nào, cho nên xưng Bồ Tát Phổ Hiền là nguyện vương, nguyện của Ngài là vua trong các lời nguyện.

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát: Một là lễ kính chư Phật 

Chúng ta không phải chỉ đảnh lễ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hoặc Phật A Di Đà, mà một cái lễ lạy, tức là tất cả lễ lạy, một vị Phật, tức là tất cả vị Phật; Lễ một vị Phật, tức là lễ tất cả vị Phật; Lễ tất cả vị Phật, tức là lễ một vị Phật. Lễ tất cả vị Phật, mà chẳng chấp tất cả vị Phật; Lễ một vị Phật, cũng chẳng chấp một vị Phật. Hành thật tướng bình đẳng lễ, tuy lễ tất cả vị Phật, hoặc một vị Phật, nhưng chẳng chấp vào hình tướng. Chẳng phải nói: “Công đức của tôi rất lớn, vì tôi lạy nhiều vị Phật. Những người khác chẳng tu hành giống như tôi”. Lạy Phật đừng có chấp tướng.

Lễ kính chư Phật, phải chăng chư Phật cần chúng ta lễ kính? Chúng ta lễ Phật, Phật cũng là Phật; Chúng ta chẳng lễ Phật, Phật cũng vẫn là Phật. Chứ chẳng phải chúng ta lễ Phật, thì Phật được nhiều lợi ích hơn một chút, lớn hơn một chút; Còn chúng ta chẳng lễ Phật, thì Phật chẳng được lợi ích, cũng nhỏ hơn một chút. Chúng ta lễ Phật, là đem hết lòng cung kính của chúng ta, đối với phần của Phật cũng chẳng tăng, chẳng giảm. Cho nên lễ Phật đừng chấp trước.

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát: Hai là khen ngợi Như Lai

Tại sao phải khen ngợi Như Lai? Như Lai cũng chẳng cần người khen ngợi. Chẳng giống như chúng ta, bạn khen ngợi họ, thì họ vui mừng lắm, lỗ mũi cũng cười, con mắt cũng cười. Bạn chẳng khen ngợi họ, thì con mắt của họ sẽ nổi giận, lỗ mũi cũng nổi giận. Nếu như thế thì Phật với người chẳng có sự phân biệt, vậy chúng ta không cần lạy Phật, cũng chẳng cần khen ngợi Phật. Tại sao? Vì Ngài vẫn giống như phàm phu, sao chúng ta lại phải lạy Ngài, sao phải khen ngợi Ngài? Vậy Ngài không cần người khen ngợi Ngài, tại sao chúng ta vẫn muốn khen ngợi Ngài? Đây chẳng phải là mâu thuẫn chăng?

Đây chẳng phải là mâu thuẫn, chúng ta khen ngợi Phật, thì đối với tự tánh của chúng ta có công đức. Có công đức gì? Trong tự tánh của mỗi người đều có quang minh. Nếu bạn khen ngợi Phật, thì ánh sáng của bạn sẽ hiện ra, chiếu phá đen tối của bạn. Bạn khen ngợi công đức của Phật, thì trong vô hình khiến cho bạn sẽ không tạo tội nghiệp, sẽ không khởi vọng tưởng. Bạn bớt khởi một chút vọng tưởng, thì trí huệ quang minh của bạn sẽ hiển lộ ra nhiều một chút.

Tại sao người tu hành sợ khởi vọng tưởng? Vì khởi một vọng tưởng, thì làm cho tự tánh nhiễm phủ một lớp đen tối. Chẳng khởi vọng tưởng, thì tự tánh quang minh sẽ hiển lộ ra. Khi khen ngợi Phật, trong tâm hoan hỉ Phật, thì trí huệ quang minh hợp với Phật, tự tánh quang minh cũng theo đó mà hiển hiện ra.

*

Thế nào là khen ngợi Như Lai? Ví như: “Thiên thượng thiên hạ vô như Phật” – Trên trời dưới nhân gian, chẳng có vị Bồ Tát, Bích Chi Phật, A La Hán, vị Thần nào, có thể sánh với Phật được.

“Thập phương thế giới diệc vô tỉ ” – Chẳng riêng gì trên trời, dưới nhân gian, chẳng có ai bằng Phật; Trong mười phương thế giới, cũng chẳng có ai bằng Phật được. Thế giới nầy của chúng ta có châu Mỹ, châu Phi, châu Á, châu Âu, châu Úc, năm châu lớn, nhưng chẳng có một người nào trên thế giới, cũng như trong mười phương vô lượng vô biên các thế giới. Hiện nay con người có thể dùng hoả tiễn đi đến mặt trăng, mặt trăng có thể nói là một thế giới khác, chỉ bất quá là một thế giới nhỏ. Con người và vạn vật trong mười phương thế giới, tuy rất nhiều, nhưng cũng không thể nào bằng Phật được.

“Hết thảy thế gian ta thấy hết”  – Hết thảy tất cả thế giới nầy, ta đều nhìn thấy hết. “Tất cả không có ai như đức Phật” – Tất cả chẳng có ai có thể sánh với Phật được.

Lại nói: “Phật A Di Đà thân sắc vàng” – Thân của đức Phật A Di Đà, giáo chủ cõi tây phương Cực Lạc thế giới, là màu vàng ròng. “Tướng tốt quang minh chẳng ai bằng” – Ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp của Ngài, quang minh chiếu khắp, chẳng có ai có thể sánh với Ngài được. “Tướng bạch hào uyển chuyển như Tu Di” – Tướng hào quang trắng giữa lông mi của Phật A Di Đà, uyển chuyển như núi Tu Di.

*

“Mắt Phật xanh biếc như nước bốn biển” – Mắt của Phật A Di Đà xanh biếc như nước bốn biển. “Trong quang minh có vô số hoá Phật” – Trong quang minh của Phật A Di Đà, hoá ra vô lượng vô biên chư Phật. “Hoá Bồ Tát cũng nhiều vô biên” – Ngài lại hoá ra rất nhiều Bồ Tát, chẳng những có hoá Phật, mà còn có hoá Bồ Tát, hoá Thanh Văn, Duyên Giác và sáu nẻo chúng sinh, vô lượng vô biên. “Bốn mươi tám nguyện độ chúng sinh” – Phật A Di Đà có bốn mươi tám đại nguyện, để độ thoát tất cả chúng sinh.

“Chín phẩm sen vàng lên bờ giác” – Hoa sen phân ra làm chín phẩm. Mỗi một phẩm lại phân ra chín phẩm, tộng cộng tám mươi mốt phẩm. Tám mươi mốt phẩm hoa sen nầy, đều tiếp dẫn chúng sinh đến Niết Bàn bờ bên kia. Đây là một bộ phận tán thán Như Lai, cho nên thứ hai tu công đức tức là phải tán thán Như Lai.

“Như Lai”: Trong Kinh Kim Cang có nói: “Bậc Như Lai, chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai”. Như là tĩnh, Lai là động. Như Lai có thể nói giống như đã đến rồi, nhưng bản thể của Ngài chẳng động. Lai – Chẳng từ đâu đến, đi – chẳng đi về đâu, Như là lý, Lai là sự, đây cũng là cảnh giới lý sự vô ngại của bản Kinh; Bản Kinh có lý pháp giới, sự pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới. Như Lai là cảnh giới lý sự vô ngại, cũng là một trong mười danh hiệu của Phật.

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát: Ba là rộng tu cúng dường

Rộng là rộng lớn, tu tức là phải thực hành. Tu hành cúng dường rộng lớn, cúng dường có rất nhiều thứ, như: Dùng thân cúng dường, dùng tâm cúng dường, cùng thân tâm để cúng dường.

Thế nào gọi là dùng thân cúng dường? Giống như hai chúng đệ tử xuất gia, đây tức là dùng thân cúng dường chư Phật, dùng thân làm Phật sự, tu hành Phật pháp. Chẳng những dùng thân để cúng dường, cũng có thể nói dùng tâm để cúng dường; Dùng chân tâm để tu hành Phật pháp, hằng ngày lễ lạy Phật, tụng kinh, niệm niệm không quên; Đều hoan hỉ tu hành Phật pháp, đây gọi là thân tâm cúng dường.

Cũng có dùng thân cúng dường, tức là một số người tại gia không thể chánh thức xuất gia; Hoặc trong sự bận rộn họ đến Chùa lạy Phật, thắp hương lạy Phật…Đây gọi là thân cúng dường. Hoặc thân chẳng đến, bận rộn chẳng có thời gian, mỗi ngày ở tại nhà thành tâm thắp lên bàn Phật một cây nhang; Cúi đầu lễ Phật, lạy Phật, hoặc quán tưởng lạy Phật: Đây gọi là tâm cúng dường. Hoặc dùng hương, hoa, để cúng dường, hoặc ở trước bàn Phật thắp đèn lên để cúng dường. Hoặc mua trái cây cúng Phật, hoặc đốt đèn cầy lên cúng Phật, hoặc dùng y mới để cúng dường Phật .v.v…

*

“Rộng tu cúng dường”, vốn có mười thứ cúng dường. Mười thứ cúng dường biến thành trăm thứ cúng dường. Trăm thứ cúng dường biến thành ngàn thứ, vạn thứ cúng dường. Khi chúng ta cúng dường một vị Phật, thì ở trước một vị Phật, chúng ta quán tưởng cúng dường vô lượng vô biên chư Phật khắp pháp giới; Ở trước mỗi vị Phật đều có thân của chúng ta đang cúng dường. Bạn quán tưởng như thế gọi là cúng dường pháp giới.

Cúng dường pháp giới, thì cũng sẽ thành tựu công đức pháp giới; Thành tựu công đức pháp giới, thì đắc được trí huệ pháp giới. Bạn đắc được trí huệ pháp giới, thì viên thành quả vị pháp giới. Cho nên rộng tu cúng dường, tức là tận hết sức lực của bạn, để cúng dường Phật Pháp Tăng Tam Bảo.

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát: Bốn là sám hối nghiệp chướng

Sám là ăn năn những lỗi lầm đã tạo trước kia; Hối là hối cải không làm nữa. Sám là sửa đổi những tội lỗi đã phạm trước kia, hối là sau này không làm những tội lỗi đã phạm trước kia. Đó là việc ác đã sinh, nay chấm dứt; Việc ác chưa sinh, nay không sinh ra nữa; Hối cũng là việc thiện đã sinh, nay làm cho tăng trưởng; Việc thiện chưa sinh, nay khiến cho sinh ra.

Nghiệp có rất nhiều thứ, nghiệp chướng là một trong ba chướng. Ba chướng là nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng. Hiện tại nói về sám hối nghiệp chướng, tức cũng là sám hối báo chướng, cũng là sám hối phiền não chướng.

Nghiệp chướng có ba thứ: Thân nghiệp, miệng nghiệp, ý nghiệp. Thân nghiệp tạo ra gồm có giết hại, trộm cắp, tà dâm. Giết hại: Thô thì giết hại những sinh vật lớn, như giết bò, dê, heo v.v… Tế, thì giết hại những sinh vật nhỏ, như giết kiến, muỗi, ruồi v.v… Ngoài thô và tế ra, còn có cố ý giết, trong tâm muốn giết, tuy chưa hành động, nhưng trong tánh giới thì đã phạm giới rồi. Trong tánh không nên giết, mà trong tâm động niệm giết, về Bồ Tát giới thì đã phạm giới giết hại.

*

Trộm cắp cũng như thế, lớn thì trộm chiếm nước khác, nhỏ thì trộm đồ vật của người khác. Tóm lại, người ta không cho mà lấy là trộm. Nghiệp dâm, cũng có lớn, có nhỏ, có thô, có tế, cho đến trong tâm khởi niệm dâm, thì trong tự tánh chẳng thanh tịnh.

Ý có ba điều ác: Tham, sân, si. Miệng có bốn điều ác: Nói dối, thêu dệt, hai lưỡi, chửi mắng. Thuở xưa đã tạo đủ thứ tội nghiệp, cho nên hiện tại chúng ta phải phát tâm sám hối. Đã tạo lỗi lầm, thì về sau đừng tái phạm nữa; Những điều ác chưa làm, thì đừng khiến cho nó sinh ra, đây gọi là sám hối nghiệp chướng.

Sám hối như thế nào? Thì phải ở trước Phật ăn năn hối cải, khóc lóc rơi lệ. Dùng chân tâm sám hối, thì nghiệp chướng tự nhiên sẽ tiêu trừ, do đó có câu: “Di thiên đại tội, nhất sám liền tiêu”, nghĩa là: “Dù tội có lớn, sám hối sẽ tiêu trừ”.

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát: Năm là tuỳ hỉ công đức

Tuỳ là tuỳ theo, hỉ là hoan hỉ, công là lập công, đức là làm đức hạnh. Tuỳ hỉ, cũng kêu người khác tuỳ hỉ chính mình để làm công đức, chính mình cũng tuỳ hỉ người khác làm công đức. Bạn muốn sám hối nghiệp chướng, thì nhất định phải tuỳ hỉ công đức, làm đủ thứ công đức.

Bạn sám hối nghiệp chướng của chính mình, hoặc không thể nhứt thời tiêu trừ hết, nên càng phải làm nhiều công đức. Tuỳ hỉ công đức tức là sám hối nghiệp chướng. Sám hối nghiệp chướng, cũng tức là tuỳ hỉ công đức. Tại sao thứ năm là tuỳ hỉ công đức? Vì thứ tư là sám hối nghiệp chướng. Bạn muốn sám hối nghiệp chướng, thì nhất định phải thực hành tuỳ hỉ công đức thứ năm.

*

Tuỳ hỉ công đức là bao quát làm tất cả việc thiện, hết thảy công đức lành đều phải tuỳ hỉ, tội nghiệt lỗi lầm đừng làm. Làm thế nào tuỳ hỉ công đức lành? Như có người đề nghị làm một việc gì đó có lợi ích cho người khác, đây gọi là lành (thiện).

Thế nào gọi là lập công? Công là việc công cộng, làm nhiều việc có ích cho đại chúng. Bạn xem chữ công là công tác, thêm chữ lực; Nghĩa là bạn phải bỏ chút sức lực, để làm việc công cộng, như làm đường xá, làm cầu. Việc bạn làm, khiến cho mọi người đều được lợi ích, thì gọi là làm công.

Công có thể tồn tại, có hình tướng. Một số người có thể thấy được, ai ai cũng đều biết việc đó là ai làm. Như bạn xây bao nhiêu trường học, trường học có khắc tên của bạn, đây gọi là lập công.

Đức là làm được nơi tâm, việc bạn làm, khiến cho trong tâm hoan hỉ, gọi là đức; Thứ đức hạnh nầy, một số người không nhất định biết. Đức có phân ra hiển đức và mật đức. Hiển đức là việc bạn làm, một số người đều rất vui mừng, hiển bày ra, mọi người đều biết hết.

*

Mật đức, tức là việc bạn làm, có lợi ích đối với mọi người, nhưng một số người không biết. Ví như có thần thông rồi, trong vô hình đi trợ giúp hết thảy chúng sinh, mà họ đều không biết, đây gọi là mật đức. Tuỳ hỉ công đức, là việc tốt mình làm được, nên khiến cho người khác tuỳ hỉ đến làm; Còn việc tốt của người khác làm, bạn biết rồi, cũng nên tận hết sức lực của mình đi trợ giúp người khác. Đây gọi là tuỳ hỉ công đức của người khác.

Tuỳ hỉ công đức, chẳng những tuỳ hỉ chính mình, mà cũng tuỳ hỉ người khác; Cho đến tuỳ hỉ hết thảy chúng sinh pháp giới hoan hỉ làm việc công đức lành, bạn đều đi trợ giúp họ làm. Lại có tuỳ hỉ công đức của Phật, công đức của Bồ Tát, công đức của Thanh Văn Duyên Giác, tuỳ hỉ công đức của tất cả chúng sinh.

Thế nào gọi là tuỳ hỉ công đức của Phật? Ví như giảng Kinh thuyết pháp, giáo hoá chúng sinh: Đây tức là tuỳ hỉ công đức của Phật. Đề xướng mọi người thực hành lục độ vạn hạnh, hành Bồ Tát đạo: Đây là tuỳ hỉ công đức của Bồ Tát.

Đề xướng tu mười hai nhân duyên, đây là tuỳ hỉ công đức của Duyên Giác. Bạn khiến cho tất cả mọi người tu pháp bốn đế, tức là tuỳ hỉ công đức của Thanh Văn. Sáu nẻo chúng sinh tuỳ hỉ công đức trời người, tức là tu năm giới mười điều lành. Cho nên nói về tuỳ hỉ công đức thì vô cùng vô tận.

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát:  Sáu là thỉnh chuyển bánh xe pháp

Thế nào là bánh xe pháp? Bánh xe có tác dụng nhiếp phục thiên ma ngoại đạo, khiến cho chánh pháp trụ lâu dài. Sau khi đức Phật thành Phật rồi, ba lần chuyển bánh xe pháp bốn đế độ năm vị Tỳ Kheo. Chuyển bánh xe pháp tức là thuyết pháp, như: Thỉnh Phật thuyết pháp, thỉnh Bồ Tát thuyết pháp; Thỉnh Thanh Văn, Duyên Giác thuyết pháp; Thỉnh A La Hán thuyết pháp, thỉnh hết thảy pháp sư thuyết pháp…Đây đều gọi là thỉnh chuyển bánh xe pháp.

Như mỗi ngày giảng Kinh, có hai vị cư sĩ, hoặc pháp sư ra thỉnh pháp: Đây gọi là thỉnh chuyển bánh xe pháp, đây là một trong mười hạnh nguyện Phổ Hiền.

Chuyển bánh xe pháp có ích lợi gì? Trên thế gian còn người chuyển bánh xe pháp, thì ma vương không dám xuất hiện. Nếu không còn ai chuyển bánh xe pháp, thì ma vương sẽ xuất hiện ra đời. Công đức chuyển bánh xe pháp, là do bạn thỉnh pháp mà thành tựu, bạn sẽ có công đức, tức cũng là tuỳ hỉ công đức.

*

Chuyển bánh xe pháp có thể khai mở trí huệ của bạn. Bạn thỉnh pháp sư vì mọi người thuyết pháp, thì đối với mọi người đều có lợi ích, đây tức là tuỳ hỉ công đức. Cho nên mười đại nguyện liên kết với nhau. Như muốn sám hối nghiệp chướng, thì phải tuỳ hỉ công đức; Bạn muốn tuỳ hỉ công đức, thì phải thỉnh chuyển bánh xe pháp. Thỉnh chuyển bánh xe pháp, chẳng riêng gì giảng kinh thuyết pháp: Phàm là làm tất cả mọi việc trong Phật giáo, có liên quan đến Phật giáo, đều gọi là chuyển bánh xe pháp.

Như làm việc thu âm giảng kinh thuyết pháp, phiên dịch kinh điển, cho đến viết bài về Phật giáo có lợi ích cho mọi người, đều là thỉnh chuyển bánh xe pháp. Hơn nữa như đọc Kinh, tụng Kinh, lạy Kinh, tham thiền đả toạ, đều là một phần trong thỉnh chuyển bánh xe pháp.

Cho nên thỉnh chuyển bánh xe pháp, chẳng phải riêng gì một việc giống nhau. Phàm là tất cả mọi việc làm trong Phật giáo, việc có lợi ích cho Phật giáo, đều là thỉnh chuyển bánh xe pháp. Chỉ cần bạn minh bạch, tức là thỉnh chuyển bánh xe pháp. Nếu chẳng minh bạch, làm những việc đó cảm thấy quá khổ cực, quá mệt mỏi, đây gọi là sợ chuyển bánh xe pháp.

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát: Bảy là thỉnh Phật ở lại đời

Phật ra đời, ở lại đời, sau đó vào Niết Bàn. Khi Phật ở lại đời, giống như thế gian có mặt trời, soi sáng thế gian. Phật vào Niết Bàn, thì thế gian đen tối. Do đó Bồ Tát Phổ Hiền phát đại nguyện muốn thỉnh Phật ở lại đời, thỉnh Phật đừng vào Niết Bàn, mãi mãi ở lại thế gian. P

hật thì hay làm mãn nguyện chúng sinh. Nếu hết thảy chúng sinh đều thỉnh Phật ở lại đời, thì Phật sẽ không vào Niết Bàn. Nếu chẳng thỉnh Phật ở lại đời, thì Phật giáo hoá những người đáng được giáo hoá, xong rồi sẽ vào Niết Bàn.

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát: Tám là thường theo Phật học

Là luôn luôn theo Phật để học tập Phật pháp. Phật pháp rất là bao la, nhưng học Phật pháp đừng sợ nhiều. Bởi học được nhiều, thì trí huệ càng nhiều. Ví như tôn giả A Nan, tại sao trí nhớ của Ngài tốt?

Do đó: “Phật pháp như biển cả, chảy vào tâm A Nan”. Vì tôn giả A Nan đời đời kiếp kiếp chú trọng về đa văn, cho nên trí nhớ của Ngài rất tốt. Thường theo Phật học thì đừng giải đãi, đừng làm biếng, đừng hôn trầm; Phải siêng tu giới định huệ, tiêu diệt tham sân si; Bạn phải siêng tu giới định huệ, tiêu diệt tham sân si, đó tức là thường theo Phật học.

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát: Chín là luôn thuận chúng sinh

Luôn là luôn luôn, luôn luôn không đổi, thuận là thuận theo, thuận theo cảnh giới chúng sinh. Luôn thuận chúng sinh, chúng sinh đều là điên đảo, phải chăng bạn luôn thuận chúng sinh điên đảo? Chúng sinh vốn chẳng có tri thức, nếu bạn luôn thuận chúng sinh chẳng có tri thức, thì phải chăng bạn đi vào con đường ngu si? Luôn thuận chúng sinh, là thuận tập quán của chúng sinh, và ở trong nghịch lưu cứu vớt họ ra, mới gọi là luôn thuận chúng sinh. Vì chúng sinh đều là điên đảo, điên đảo tức là nghịch lưu.

Nếu bạn thuận chúng sinh, thì không thể thành Phật. Nếu bạn muốn thành Phật, thì không thể thuận chúng sinh. Tại sao Bồ Tát Phổ Hiền muốn luôn thuận chúng sinh? Tức là muốn ở trong dòng nghịch lưu, làm cho chúng sinh thuận theo, và cứu vớt họ thoát ra, do đó: “Ngược dòng phàm phu sáu trần, nhập vào dòng pháp tánh Thánh nhân”, đây là luôn thuận chúng sinh. Chúng sinh hoan hỉ tạo nghiệp, e rằng bạn cũng muốn tạo nghiệp chăng? Chúng sinh khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ quả báo, nếu bạn theo chúng sinh khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ quả báo, thì đó chẳng phải là chúng sinh chăng ?

*

Luôn thuận chúng sinh, tức cũng là luôn luôn độ chúng sinh không biết nhàm mỏi, khiến cho chúng sinh bỏ mê về giác; Tức cũng là tu tinh tấn ba la mật, không chán ghét chúng sinh tạo tội; Dù có chúng sinh tạo rất nhiều tội nghiệp, cũng không bỏ họ, không có tâm niệm rằng: “Không độ họ, để họ đoạ địa ngục”, nên dùng tâm từ bi hỉ xả để độ họ, đây mới là chân chánh tinh tấn ba la mật.

Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu đạo tại nhân địa, thì ở trong núi tu bố thí tinh tấn ba la mật. Một ngày nọ, trời đổ tuyết xuống quá nhiều, hết thảy mọi vật trên núi đều bị tuyết bao phủ hết. Có một con hổ mẹ dẫn theo hổ con đi tìm thức ăn, nhưng tìm cách gì cũng chẳng có thức ăn. Nhìn thấy hổ mẹ và hổ con sắp chết đói, đi cũng đi hết nổi. Lúc đó đức Phật Thích Ca Mâu Ni tâm nghĩ: “Tôi muốn đem thân nầy bố thí cho hổ đói, để họ ăn rồi sẽ phát bồ đề tâm, thành vô thượng đạo”.

Phát nguyện đó rồi, Ngài bèn chạy đến chỗ hổ mẹ hổ con, xả thân cứu hổ. Đây là một phần trong luôn thuận chúng sinh, đồng thời cũng là bố thí ba la mật, cũng là tinh tấn ba la mật. Chúng ta luôn thuận chúng sinh là phải độ thoát chúng sinh, đưa chúng sinh ra khỏi đường mê; Khiến cho chúng sinh thuận theo mình tu đạo, chứ chẳng phải là chạy theo chúng sinh.

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát: Mười là hồi hướng khắp hết

Hồi là hồi lại, hướng là hướng tới; Hồi là hồi vào bên trong, hướng là hướng ra bên ngoài. Khắp là khắp cùng, hết thảy tất cả mọi việc, tất cả công đức, đều hồi hướng về chư Phật. Trước hết phải hồi lại, sau đó hướng ra bên ngoài. Tất cả tất cả đem phàm phu hồi hướng Thánh nhân, đem chúng sinh hồi hướng chư Phật. Hồi phàm hướng Thánh, đây là hồi hướng; Hồi chúng hướng Phật, đây là hồi hướng; Hồi sự hướng lý, đây là hồi hướng; Hồi tiểu hướng đại, đây là hồi hướng; Hồi tự hướng tha, đây là hồi hướng.

Thế nào gọi là hồi tự hướng tha? Ví như tôi đem công đức làm việc tốt, hồi hướng cho bạn bè của tôi; Khiến cho họ cũng phát bồ đề tâm, thành vô thượng đạo. Hồi sự hướng lý, tức là việc làm tuy là hữu hình, nhưng muốn hồi hướng lý, lý là vô hình; Đem công đức hữu hình, hồi hướng về pháp giới vô hình.

*

Hồi tiểu hướng đại, là hiện tại tuy tôi là tiểu thừa, nhưng chẳng tu pháp tiểu thừa, mà tu tập pháp đại thừa. Như chúng ta mỗi ngày giảng Kinh xong rồi, đều đọc bài kệ hồi hướng rằng:

Nguyện đem công đức nầy

Trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh.

Trên đền bốn ân nặng

Dưới cứu ba đường khổ.

Nếu có ai thấy nghe.

Liền phát tâm bồ đề.

Khi xả báo thân nầy.

Đồng sinh về Cực Lạc”.

Giảng Kinh là bố thí pháp, là bố thí thù thắng nhất, có thể nói là lớn hơn công đức đem bảy báu ba ngàn đại thiên thế giới ra bố thí. Tuy lớn như vậy, nhưng công đức đó tôi không cần, mà nguyện đem công đức giảng Kinh thuyết pháp nầy, để trang nghiêm cõi tịnh độ của mười phương chư Phật.

Trên báo đủ thứ ân trời đất, quốc vương, cha mẹ, sư trưởng; Dưới cứu địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, ba đường khổ. Giả sử, có ai gặp được pháp hội giảng Kinh, nghe thấy được pháp nầy, thì mau phát bồ đề tâm. Thân nầy hiện tại của chúng ta là báo thân,. Khi thân nầy không còn nữa, thì mọi người cùng nhau sinh về thế giới Cực Lạc – Đây tức là hồi hướng. Bồ Tát Phổ Hiền làm tất cả công đức, đều hồi hướng về chư Phật.

(Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Sự thực hành

40 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog