Công Danh Sự Nghiệp – Vạn Sự Vốn Đã Có Nhân Duyên Từ Trước
Pháp Giới 11 tháng trước

Công Danh Sự Nghiệp – Vạn Sự Vốn Đã Có Nhân Duyên Từ Trước

Công danh sự nghiệp là thứ mê dược bậc nhất của đời người. Từ đứa trẻ lên năm cho đến ông già tám mươi, không ai không bị nó mê hoặc. Người chưa được thì trăm phương ngàn kế, lao tâm khổ tứ, khuya sớm lo toan…Kẻ được một chút cũng ngàn mưu vạn kế, cốt chỉ để nó huy hoàng hơn, hoặc chí ít cũng giữ nguyên chẳng bị suy hao.

Nếu ta hiểu được rằng: Thực ra Công danh sự nghiệp, vạn sự vốn đã có nhân duyên từ trước, chẳng thể do tham cầu mà được. Hết thảy những giàu nghèo, sang hèn, vinh nhục, được mất…đều là nhân ta đã gieo trong tiền kiếp. Tự mình làm tự mình chịu, tự mình gieo nhân tự mình gánh quả. Hiểu được điều này thì cuộc sống của ta luôn được an yên, tự tại, tâm không điên đảo bởi thế cuộc bên ngoài. Còn như chẳng hiểu được ắt trầm luân trong biển khổ của kiếp nhân sinh.

*

Thứ mê dược mang tên Công danh sự nghiệp ấy khiến chúng ta cả một đời điên đảo, tâm chẳng hưởng được chút an yên. Vậy nhưng lại rất ít người nhìn ra được việc ấy. “Ta thấy có nhiều vị lúc tuổi trẻ khí huyết phương cương, nhìn đời như hoa mộng. Tâm nhiệt thành sốt sắng, quyết chí xây dựng công danh sự nghiệp. Việc ấy nếu không cho thiên hạ, thì ít nhứt cũng cho người xung quanh hay cá nhơn mình được một cuộc đời tươi đẹp như lý tưởng.

Nhưng khi trải qua nỗi thăng trầm vinh nhục, rước lấy bao cuộc thất bại chua cay, đi sâu vào đời thấy rõ nhơn tình sơ bạc, thì đâm ra chán nản. Lúc trước nhiệt thành hăng hái bao nhiêu, bây giờ lại lạnh lùng dè dặt bấy nhiêu! Có người lại muốn đóng cửa tránh duyên xa lánh tất cả. Bởi người ngay thẳng thành thật thường bị vu báng nghi ngờ, kẻ thủ đoạn khéo bề ngoài lại được tin nghe quý trọng!”

Thế gian ngàn điều điên đảo, đảo điên là như thế!

  • Đời người như giấc mộng, kiếp nhân sinh như huyễn.
  • Cách thay đổi vận mệnh.
  • Cách vượt qua nghịch cảnh.
  • Cách thai giáo cho bé tốt nhất.
  • Lời Phật dạy về chữ Nhẫn.
  • Lời Phật dạy về Hiếu đạo.
  • Trùng Tang là thật hay cú lừa xuyên thế kỷ.
Công Danh Sự Nghiệp – Vạn Sự Vốn Đã Có Nhân Duyên Từ Trước
Công Danh Sự Nghiệp – Góc nhìn từ Phật pháp

Công danh sự nghiệp, vạn sự vốn đã có nhân duyên từ trước

“Phật dạy rằng tất cả nhân quả thiện ác trên thế gian như bóng theo hình, không sai chạy tơ hào. Song, những kẻ không tin tưởng luật nhân quả thì cho đó là lời rỗng tuếch. Ngoài ra, nhiều người do tin tưởng thuyết ‘An Mạng (an phận thủ thường)’ của Khổng Tử nên thường đổ trút cho vận mạng, và chỉ cầu phước báo, cùng thích nghe những điều tốt lành mà bỏ ngoài tai những việc xấu xa tai họa. Ðây là những kẻ hàm hồ ngu muội.

Thật ra, cuộc đời sanh tử chỉ như một ngày đêm. Khái niệm luân hồi trong ba thời (quá khứ hiện tại vị lai) giống như hôm nay và ngày trước. 

Ví như trong cuộc sống hằng ngày, lúc mời khách đến nhà dự tiệc, thì phải chuẩn bị đặt để thức ăn nước uống cho trang trọng đầy đủ. Nếu có thiếu sót món chi tức là lo lắng không chu đáo. Ðó là lẽ tất nhiên. 

Cuộc đời nhân sanh, những việc thọ mạng dài ngắn (chánh báo), gia sản tài vật (y báo), sự nghiệp công danh, cùng phú quý bần tiện đều tùy thuộc vào nghiệp nhân đã trồng trong tiền kiếp. Những sự thọ dụng trong đời nay đều không phải từ bên ngoài mang đến, mà hoàn toàn là do tự làm tự hưởng. Vì vậy có câu:” Muốn biết nghiệp nhân đời tiền kiếp, hãy nhìn báo ứng đang thọ. Muốn biết quả báo đời vị lai, hãy xem đang làm những gì.”

*

Thế nhân tự thị ỷ vào tài năng học thức để đạt công danh phú quý, nhưng chẳng hề biết rằng việc này khó xảy ra, vì chủ yếu chính là do nhân lành đã tự trồng trong tiền kiếp kết hợp với khả năng tài trí trong hiện tại mới tạo dựng được. Do đó, nếu vui mừng hớn hở khi được công danh phú quý thì rất sai lầm.

Lại nữa, lúc bị người khác phá hoại công danh phú quý, liền khởi tâm oán hận, mà chẳng biết rằng phần phước mình chỉ có thế thôi. Phần phước báo bị người khác phá tan thật ra chẳng phải là của mình, hoặc là vì thiếu nợ người đó nên phải trả. Vì vậy, đau khổ ưu sầu, oán trời trách đất, thậm chí kết thành cừu oán không thể xả bỏ thì cũng là sai lầm.

Do đó, phải nên biết pháp ‘An Mạng’ của Khổng Tử tức là thuyết nhân quả của Phật giáo. Nếu hiểu lý ‘An Mạng’ thì sẽ chấp nhận rằng sang hèn được mất đều tùy thuộc vào nhân xưa, vốn tự làm tự thọ. Nghèo cùng hay hiển đạt, mạng ngắn hoặc dài đều do nhân đời tiền kiếp chủ định.

*

Thật vậy, nếu hiểu rõ và tin tưởng quy luật nhân quả, thì sẽ chấp nhận rằng tất cả sự thọ dụng trong hiện tại đều phát xuất từ những nghiệp nhân đã trồng vào đời tiền kiếp, chớ chẳng phải do người khác đem đến, hay nhờ tài trí mới đạt được. Dẫu có đạt được bằng tài trí, thì đó chẳng qua là phần phước của mình.

Thế nên, sao lại khổ sở đắm chấp, lao tâm nhọc sức, lo lắng ưu sầu những việc được mất, thậm chí vọng tích bao oán thù! Nếu là người thông minh sáng suốt, thì phải thâm tín nhân quả báo ứng, mà không chấp trước vào những việc đắc thất trong hiện tại, chỉ nên căn cứ điều kiện hiện hữu, để trồng nhân lành vào ruộng phước cho tương lai. Ví như người nông dân, phải biết chọn đất phì nhiêu để gieo trồng giống tốt, rồi siêng năng cấy cày, thì nhất định sẽ thu hoạch được đầy ắp lúa mạ trong mùa thu. Ðây là việc hiển nhiên. Có khác biệt chăng trong sự thu hoạch là do việc bỏ phân bón ít nhiều. 

Ðức Phật dạy:” Cúng dường Phật, Pháp, Tăng thì gọi là gieo nhân lành vào ruộng phước thù thắng. Hiếu thảo với cha mẹ thì gọi là gieo nhân lành vào ruộng phước cung kính. Cứu giúp những kẻ nghèo cùng khốn khổ thì gọi là gieo nhân lành vào ruộng phước tâm thức.”

*

Tôi hy vọng những bậc trí sĩ sẽ không ưu sầu về những sự được mất trong dĩ vãng, mà chỉ lo gieo nhân lành vào ruộng phước cho tương lai. Nếu giảm bớt tiêu xài vào những việc phung phí hay vô ích cùng tiết chế chi tiêu cho việc ăn mặc, rồi dùng những phần được tiết kiệm trồng trong ba loại ruộng phước ở trên, thì không những đời vị lai được tăng phước đức trang nghiêm mà hiện thế thân an tâm lạc, và trở thành người có phước lành bậc nhất.

Nếu thường gieo giống lành vào ba loại ruộng phước bên trên, lại còn lưu tâm về Phật pháp như dùng cách niệm Phật để dẹp trừ tâm vọng tưởng, dùng từ bi để chuyển hóa sân si, dùng nhu hòa để cảm hóa cường bạo, dùng khiêm tốn để chiết phục ngã mạn, thì đó là hạnh của bậc Bồ Tát phát đại tâm. Nếu có tín tâm chân thật, thì được gọi là đại trượng phu dũng mãnh tối thắng!”( Đại Sư Hám Sơn)

Công danh sự nghiệp: Thế cuộc như ảo mộng

Trong Văn Sao, Tổ Ấn Quang có bài giảng về bản chất của Công danh sự nghiệp rất hay, nay chép thêm vào đây cho bạn cùng rộng đọc. Cư sĩ Vệ Cẩm Châu gặp đại nạn: Ông này do nhà hàng xóm cháy lan qua, nên nhà cửa, của cải mất sạch. Vợ kinh hãi thành bệnh, vì thế tâm thần mê loạn, như say, như cuồng. Tổ gửi thư dạy: 

“Kinh Pháp Hoa dạy: “Ba cõi không yên, ví như nhà lửa. Các khổ dẫy đầy, rất đáng kinh sợ”. Do trời muốn thành tựu người nên có khổ, có vui, có nghịch, có thuận, có họa, có phước, vốn không nhất định. Chỉ cần người trong cuộc có con mắt thông suốt, khéo hiểu ý trời thì không khổ, không vui, không nghịch, không thuận, không họa, không phước vậy! Do vậy, quân tử vui theo mạng trời, trên chẳng oán trời, dưới chẳng hận người, tùy ngộ nhi an, không lúc nào không tự tại tiêu dao. vì thế, vừa gặp nghịch cảnh bèn đâm ra cuồng loạn.

Nay tôi khuyên rằng: Rộng dày, cao minh nhất trong thế gian không gì hơn thiên địa, nhật, nguyệt. Mặt trời đứng bóng rồi chênh; trăng tròn rồi khuyết, bờ cao thành hang, hang sâu thành vách núi, biển xanh biến thành ruộng dâu, ruộng dâu biến thành biển xanh.

Xưa nay người đạo cao đức trọn vẹn nhất không ai bằng Khổng Tử, thế mà còn bị tuyệt lương nơi đất Trần, bị vây nơi đất Khuông, chu du liệt quốc, rốt cuộc không gặp được minh quân, chỉ có một người con, tuổi mới năm mươi liền bị chết mất; may còn một cháu nối dõi.

*

Tính trở xuống thì Nhan Uyên đoản mạng, Nhiễm Bá Ngưu[1] cũng đoản mạng. Tử Hạ [2]bị mù, Tả Khâu Minh[3] cũng bị mù. Khuất Nguyên tự trầm dưới sông. (Khuất Nguyên tận trung bị gièm, sau Sở Hoài Vương bị vua Tần bắt giữ. Ông ta khôn ngăn ưu phẫn nhưng không làm gì được. Ngày mồng Năm tháng Năm tự trầm nơi sông Mịch La) Tử Lộ[4] bị bằm vụn (chữ 醢 đọc là Hải, có nghĩa là thịt làm thành mắm. Tử Lộ làm quan nước Vệ, Vệ Khoái Quý và con toan chiếm nước. Tử Lộ bị chết trong nạn ấy, bị quân địch băm vụn ra).

Thiên địa, nhật nguyệt còn chẳng thể thường hằng bất biến, đại thánh đại hiền cũng chẳng thể chỉ có thuận không nghịch; chỉ vui theo mạng trời thì không chuyện gì chẳng an vui; lại được trăm ngàn đời sau, từ thiên tử cho đến thứ dân, không ai không ngưỡng mộ. Nếu luận theo tình cảnh khi ấy, tợ hồ họ vô phước; nhưng nếu luận trên mức độ được truyền tụng hậu thế thì không ai có phước bằng được họ!

Người sống trong thế gian, nghĩ ngàn lối, tính muôn bề, đặt bày mọi cách… Xét đến rốt ráo chẳng qua là để nuôi thân miệng, để lại của cải cho con cháu mà thôi. Nhưng thân thì vải thô cũng đủ che mình, cần gì phải lụa, là, the, đoạn? Miệng thì canh rau đủ nuốt trôi cơm, cần gì phải cá thịt, hải sản? Con cháu thì hoặc là đọc sách, hoặc cày ruộng; hoặc buôn bán tự nuôi được thân, cần chi phải giàu có trăm vạn?

*

Vả nữa, từ cổ đến nay, những kẻ mưu cầu phú quý muôn đời cho con cháu ai bằng Tần Thủy Hoàng: Thôn tính lục quốc, đốt sách, chôn học trò; thâu binh khí thiên hạ đúc thành chuông lớn; không chuyện gì chẳng nhằm làm cho nhân dân ngu yếu chẳng thể nổi dậy. Nào biết Trần Thiệp vừa khởi, quần hùng đua nhau. Sau khi nhất thống chưa đầy mười hai mười ba năm bèn đến nỗi thân chết nước tan, con cháu bị giết sạch hết; khác nào cắt cỏ trừ rễ, nào còn sót gì? Đấy là muốn cho con cháu yên vui, lại đến nỗi làm chúng mau chết sạch!

Thời Hán Hiến Đế, Tào Tháo làm Thừa Tướng, chuyên đoạt uy quyền. Những việc hắn làm không gì chẳng nhằm làm suy yếu quyền thế nhà vua, tăng thêm quyền lực cho bản thân; muốn khi mình chết đi, con mình sẽ làm vua. Kịp đến khi chết đi, Tào Phi bèn soán ngôi. Xác cha chưa liệm, Tào Phi đã dời hết cả phi tần đưa sang cung mình.

Tháo chết đi, mãi mãi đọa trong ác đạo. Đến hơn một ngàn bốn trăm năm sau, nhằm đời Càn Long nhà Thanh, tại Tô Châu có người giết heo. Khi moi gan phổi ra, thấy đề hai chữ Tào Tháo. Xóm giềng có kẻ trông thấy sợ hãi vô cùng, liền lập tức xuất gia, pháp danh là Phật An. Ông này nhất tâm niệm Phật liền được vãng sanh Tây Phương. Chuyện này được ghi trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục.

*

Ôi! Tào Tháo phí sạch tâm cơ, vì con bày mưu, dù làm hoàng đế nhưng chỉ được bốn mươi lăm năm, nước liền diệt vong. Nhưng hằng ngày cùng Tây Thục, Đông Ngô tranh chấp, có ngày nào được an lạc đâu? Sau đó, như hai nhà Tấn[5], Tống, Tề, Lương, Trần, Tùy và Lương, Đường, Tấn, Hán, Châu thời Ngũ Đại đều chẳng dài lâu.

Tựu trung, chỉ có nhà Đông Tấn dài nhất, cũng chỉ được 103 năm. Những triều đại khác hoặc hai ba năm, hoặc tám chín năm, mười, hai mươi năm; hoặc bốn mươi, năm mươi năm liền bị diệt vong. Đấy chỉ mới kể những triều đại chánh thống; chứ còn những kẻ chiếm cứ bừa bãi, tiếm xưng ngụy quốc; số lượng càng nhiều, thời gian tồn tại càng ngắn hơn nữa.

Xét đến cái tâm ban đầu, không ai không muốn cho con cháu được phú quý, tôn vinh; nhìn vào hiệu quả thật sự, trái lại khiến cho con cháu gặp phải kiếp nạn tru lục, diệt môn tuyệt hộ! Dù quý như thiên tử, giàu khắp bốn biển, còn chẳng thể khiến cho con cháu đời đời hưởng phước, huống hồ kẻ phàm phu hèn mọn. Từ vô lượng kiếp đến nay đã tạo ác nghiệp dầy hơn đại địa, sâu quá biển cả; há có thể giữ cho gia đạo thường hưng thạnh, có phước không tai ương được ư?

*

Phải biết vạn pháp trong thế gian đều là hư giả, trọn không chân thật; như mộng, như huyễn, như bọt, như bóng, như sương, như chớp; như ánh trăng trong nước, như hoa đốm trên hư không; như ánh nước gợn khi trời nắng, như thành Càn Thát Bà. (Phạn ngữ Càn Thát Bà, Hán dịch là Tầm Hương, chính là nhạc thần của Thiên Đế. Thành của họ huyễn hiện, không thật. Thế tục thường gọi là “thẩn lâu hải thị” (lầu sò chợ biển) chính là nó đấy).

Chỉ một niệm tâm tánh của chính mình hằng cổ hằng kim, chẳng biến, chẳng hoại. Dẫu không biến hoại nhưng thường tùy duyên. Hễ ngộ tịnh duyên bèn thành Thanh Văn, thành Duyên Giác, thành Bồ Tát, thành Phật. Do công đức có cạn – sâu nên quả vị có cao – thấp. Hễ mê nhiễm duyên bèn sanh lên trời, sanh trong nhân gian, đọa vào Tu La, đọa trong súc sanh, đọa vào ngạ quỷ, đọa xuống địa ngục. Do tội – phước có nặng – nhẹ nên khổ – vui có dài – ngắn. Nếu là người không biết Phật pháp thì không biết phải nên làm như thế nào…”

( Công danh sự nghiệp, vạn sự vốn đã có nhân duyên từ trước.)

Ghi chú:

[1] Nhiễm Bá Ngưu (tên thật là Nhiễm Canh), là người được Khổng Tử ngợi khen về đức hạnh. Khi Nhiễm Canh bị mù, Khổng Tử đến thăm, cầm tay than: “Là số mạng vậy! Người như thế này mà bị mù là vì số mạng vậy!”

[2] Tử Hạ tên thật là Bốc Thương, tự là Tử Hạ. Sau khi Khổng Tử mất, ông lui về Tây Hà dạy học. Khi con chết, ông khóc đến mù mắt.

[3] Tả Khâu Minh: Người thời Xuân Thu, làm quan thái sử nước Lỗ. Ông giám định, nhuận sắc tác phẩm Xuân Thu, nên bản ấy được gọi là Tả Thị Xuân Thu. Khi về già, ông bị mù.

*

[4] Tử Lộ: Tên thật là Trọng Do, tự Tử Lộ, hoặc Quý Lộ. Ông là đệ tử của Khổng Tử, tánh hiếu dũng, thờ cha mẹ rất có hiếu. Ông thường đi đội gạo thuê cả trăm dặm để có tiền phụng dưỡng cha mẹ. Ông là một trong số 24 gương hiếu tử trong tác phẩm Nhị Thập Tứ Hiếu Diễn Ca của Lý Văn Phức. Ông có tài cai trị nên thoạt đầu làm quan nước Lỗ, rồi sang làm quan nước Vệ.

[5] Tây Tấn (266-316) do Tư Mã Viêm thành lập. Đến thời Tấn Nguyên Đế (Tư Mã Duệ), chư hầu nổi dậy, phải dời đô sang Đông gọi là nhà Đông Tấn; truyền đến đời Tấn Phế Đế bèn bị diệt vong (năm 369), vừa đúng 103 năm. Nam Triều: Nhà Lưu Tống truyền được 59 năm (420-478); nhà Tiêu Tề truyền được 23 năm (479-501); nhà Tiêu Lương của Lương Võ Đế truyền được 55 năm (502-556); nhà Trần được 32 năm (557-588); nhà Tùy 29 năm (589-617). Thời Ngũ Đại gồm nhà Hậu Lương truyền được 16 năm (907-922); nhà Hậu Đường 13 năm (923-935); nhà Hậu Tấn 11 năm (936-946) và nhà Hậu Châu 9 năm (951-959).

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Thiện Nữ Thiên Chú – Thần Chú Tăng Trưởng Tài Vật

10 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog