Chánh niệm là gì
Pháp Giới 9 tháng trước

Chánh niệm là gì

Chánh Niệm là gì? “Chánh” nghĩa là Chân Chánh, “Niệm” nghĩa là “Nhớ hoặc Nghĩ”. Như vậy Chánh niệm nghĩa là luôn nhớ nghĩ đến điều Chân Chánh. Theo Hòa Thượng Thích Thiện Hoa thì: “Chánh niệm là ghi nhớ đến những điều hay lẽ phải, những điều lợi lạc cho mình cho người, những đạo lý chân chính quý trọng cao siêu. 

Chánh niệm có hai phần:

1. Chánh Ức Niệm:

Nghĩa là nghĩ nhớ đến các điều lỗi lầm để thành tâm sám hối, và nghĩ nhớ đến Tứ trọng ân: ân cha mẹ, ân tổ quốc, ân chúng sinh và ân Tam Bảo để lo báo đền.

2. Chánh Quán Niệm:

Nghĩa là dùng tâm từ bi xét nghĩ cuộc đời là khổ não, tật bệnh, mê mờ mà chúng sinh đang mắc phải, để mở rộng lòng thương yêu và quyết ra tay cứu độ.

Người theo đúng Chánh niệm, thường quán sát cảnh chân đế, năng tưởng niệm các pháp trợ đạo; bất luận ở đâu và làm gì, cũng nhớ nghĩ đến cái quả vô lậu xuất thế gian, dù trải qua bao nhiêu số kiếp cũng không thối tâm xao lãng.”

Chánh niệm hiểu đơn giản nhất là các ý niệm chân chánh. Chánh niệm khác chánh tư duy ở chỗ: Chánh tư duy là suy nghĩ chân chánh về một vấn đề gì đó, còn chánh niệm là ngay một niệm khởi ở trong tâm cũng phải là chân chánh. Điều này nghĩa là chánh niệm được hiểu ở mức độ vi tế hơn.

*
  • Lục căn, lục trần và lục thức là gì.
  • Thập thiện nghiệp là gì.
  • 10 Chuyện tâm linh có thật.
  • Tam giới là gì.
  • Hội Long Hoa là gì.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Chánh niệm là gì
Chánh niệm là gì

Để cho dễ hiểu, bạn hãy ngồi nhắm mắt lại và cố gắng “Không suy nghĩ gì trong khoảng 2 phút”. Bạn sẽ thấy vô cùng khó bởi sự vận hành hỗn loạn của tư tưởng: Nó khởi niệm liên tục, hết đông sang tây, hết trong nhà ra ngõ; Hết quá khứ đến hiện tại và ngay cả vị lai…Và đến khi bạn nhận ra được mình đang suy nghĩ một cách hỗn loạn thì 2 phút của bạn đã trôi qua lâu rồi.

Như vậy, khi tâm bạn khỏi lên một suy nghĩ đó được gọi là một niệm. Niệm được hiểu đơn giản như thế đó. Tâm ta luôn luôn khởi lên các niệm một cách hỗn loạn, đây gọi là vọng niệm. Còn nếu bạn kiểm soát được sự hỗn loạn của các ý niệm nghĩa là bạn đã có chánh niệm!

Vô cùng khó để có được Chánh Niệm

Để có được Chánh niệm là việc vô cùng khó. Nội việc kiểm soát được vọng tưởng ở phần thô thôi đã rất hiếm người. Bởi bạn phải trì giới cực tinh nghiêm mới mong có đôi chút thành tựu.

Về Vọng tưởng thì có ba mức độ: Thô, tế và vi tế. Vọng tưởng thô ai cũng biết, bởi hành tưởng nó rất rõ ràng. Như những suy nghĩ miên man hỗn loạn trong đầu bạn, đó là vọng tưởng phần thô. Khi bạn phá được phần thô này, mới chạm tới phần tế.

Trong niệm Phật thập yếu, Hòa thượng Thiền Tâm bảo: Người xưa bảo: “Mới tu sợ vọng tưởng, tu lâu sợ hôn trầm.” Lời này duy đúng một phần, không được cứu cánh lắm, vì đó chỉ nói về phần tán loạn thuộc vọng tưởng thô. Đến như về phần vọng tưởng vi tế, người tu già dặn cũng phải e ngại. Bởi khi niệm Phật dụng công chặt chẽ kín đáo, tạp tưởng thô phù cố nhiên phải lặng chìm, song rất khó nhận được tướng qua lại của phần vọng tưởng vi tế.

Ví như một ao nước đục, khi bọt nổi lên mặt ao ta mới nhận thấy. Còn phần khí thể nhỏ nhẹ từ dưới đáy ao được cổ động lên, hoặc sôi tim nhỏ trên mặt nước, hoặc đến nửa chừng rồi không lên được, muốn thấy rõ nó, cần phải có một ao nước thật trong. Người niệm Phật lâu, đến trình độ nước tâm trong lặng, mới thấy biết được vọng tưởng vi tế. Mà phá được vọng tưởng vi tế này bạn mới thực sự ở trong Chánh niệm!

Phá vọng tưởng

Bạch Thánh pháp sư, một buổi sáng từ nơi giường bước lại ghế ngồi, trong khoảng chừng ba giây đồng hồ, đã phát giác trong tâm mình nổi lên đến vài mươi vọng niệm sai biệt. Chừng ấy Ngài mới chứng minh được lời nói trong kinh Phật: “Một niệm có chín mươi sát na, một sát na có chín trăm sanh diệt.” Đây là vọng tưởng thuộc loại vi tế.

Câu chuyện về vọng tưởng vi tế sau đây cho ta thấy sự nhận thức về độ khó của chánh niệm.

Quang Huệ và Giới Diễn là hai vị thiền sư đều ngộ đạo. Một hôm trong khi đồng ngồi thiền, nơi tiềm thức của ngài Giới Diễn thoạt nổi lên một niệm sắc ái, Ngài liền diệt trừ; song bên kia Quang Huệ thiền sư đã hay biết. Sau khi xuất định, ngài Quang Huệ làm bài kệ có ý trêu cợt ngài Giới Diễn. Giới Diễn thiền sư buồn thẹn, liền thâu thần nhập diệt. Ngài Quang Huệ hối hận, gọi đệ tử đến phó chúc rằng:

*

“Bạn ta trong khi thiền định có một niệm sắc ái, sau tất lụy về sắc; vì phiền ta mà thị tịch, sau sẽ phá hoại Tăng Bảo. Lỗi ấy một phần do ở nơi ta, nếu ta không theo hóa độ, tất sẽ mang lấy hậu quả.”

Dặn dò xong, Ngài cũng viên tịch theo luôn. Sau Quang Huệ chuyển thân làm thiền sư Phật Ấn; Giới Diễn chuyển kiếp làm Tô Đông Pha. Đông Pha do kiếp trước có tu nên làm quan, thông minh trí huệ mà cũng đa tài đa tình. Ông có đến bảy người thiếp, và thường đem sự thông minh bác lảm của mình mà vấn nạn các vị thiền sư. Về sau bị ngài Phật Ấn chiết phục, ông mới quay lại đường lối tu Phật. Cho nên vọng tưởng vi tế, người tu lâu cũng phải e ngại là thế.

Bạn thấy không Ngài Giới Diễn đã Ngộ đạo mà còn như thế. Bởi tu hành mà khởi một niệm buồn rầu đã ra khỏi chánh niệm mất rồi… Ngẫm lại mình phàm phu, một góc tu hành của ngài Giới Diễn không biết đến kiếp nào mới chạm được tới. Huống nữa còn ảo vọng ra khỏi sanh tử luân hồi đó chăng?

Chánh niệm và sự tỉnh giác

Khi tâm bạn an trú trong hiện tại: Nghĩa là khi bạn đang làm bất cứ việc gì tâm bạn chỉ tập trung vào việc đó. Nó không suy đông nghĩ tây, nó không lang thang trong quá khứ, chẳng mơ tưởng đến tương lai…đó gọi là sự tỉnh giác. Ví dụ như khi ăn, hãy chỉ ăn và đừng để suy nghĩ của mình lăng xăng về những thứ linh tinh. Các việc khác trong cuộc đời bạn cũng như vậy. Hãy tập trung vào hiện tại, đây gọi là sự tỉnh giác.

Hãy xem bạn có thể chú ý đến bao nhiêu điều trong khi ăn. Bạn sẽ thấy tâm mình lăng xăng không khác gì một con rận. Đôi lúc thậm chí bạn không biết bạn đang bỏ gì vào miệng nữa. Không có gì đáng ngạc nhiên vì ai trong chúng  ta cũng vậy, chỉ là rất ít người nhận ra mà thôi! Vậy nên, dù bạn đang làm gì đi nữa, hãy biết rõ việc mình đang làm, đó gọi là sự tỉnh giác.

Chánh niệm là sự ý thức, chú tâm từng giây từng phút đến những gì đang xảy ra quanh và trong ta. Một cách vô thức, chúng ta cảm nhận bản thân và thế giới chung quanh qua những định kiến hẹp hòi; Theo thói quen hoặc được tạo ra bởi vọng tưởng. Do đó tư duy, ý thức tâm linh của ta đối với thực tại rất tản mạn, rối rắm.

Tu tập Chánh niệm

Chánh niệm giúp chúng ta tạm thời dừng lại mọi suy tưởng, hình ảnh, phán đoán giá trị, nhận xét nội tâm, ý kiến, và suy diễn. Sự tỉnh giác này giúp tâm an lạc chính xác, sâu lắng, cân đối, và không rối rắm. Tâm đó giống như một tấm gương phản chiếu mà không làm sai lệch bất cứ gì ở trước gương. 

Về tổng quan thì diệt trừ được vọng tưởng vào chánh niệm có nhiều phương cách:

*
  • Phật giáo Tiểu thừa dùng Thiền tập và quán Tứ niệm xứ. Đại khái bạn sẽ dùng Thiền tập và quán xét bốn bốn lãnh vực là: Quán niệm về thân. Quán niệm về thọ. Quán niệm về tâm. Quán niệm về đối tượng của tâm. Thành thực mà nói thì để quán được tứ niệm xứ là vô cùng khó. Bởi vậy chư Tổ sư dạy:  “Chúng sanh thời mạt đa phần nghiệp nặng tâm tạp, phép quán tưởng đa phần cực khó để thành tựu.”

  • Thiền Tông chủ trương khán thoại đầu, như: Khán câu “người niệm Phật là ai”. Pháp khán thoại đầu dùng một câu vô nghĩa để dứt trừ phân biệt phàm tình hòng chứng Chân Trí sẵn có. Bởi tâm đặt hoàn toàn nơi câu khán, nên vọng niệm dần dần không có chỗ để mà sanh khởi.

  • Mật Tông dùng trì chú. Bởi chẳng cần hiểu nghĩa lý câu chú, cứ chí thành khẩn thiết mà trì, dốc lòng thành đến cùng cực, tự sẽ được nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận phước cao. Dùng pháp này diệt trừ vọng niệm, không cho sanh khởi, tất có ngày vào được chánh niệm.

  • Tịnh Độ Tông lấy niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật làm pháp yếu. Người tu Tịnh Độ lấy niệm Phật để đè vọng niệm, lâu ngày chày tháng trong tâm chỉ có câu niệm Phật. Do đó vọng tưởng không còn sanh khởi.

Chánh niệm là gì: Lời kết

Mục đích sâu xa của chánh niệm là để khai mở con mắt huệ. Vì huệ giác về bản chất thực sự của thực tại là bí mật cuối cùng của hạnh phúc. Bạn tùy theo căn cơ và duyên nghiệp của mình mà chọn một trong các cách tu tập ở trên. Tuy nhiên cần phải nhớ một điều vô cùng quan trọng như sau:

Dù bạn có đang sống trong chánh niệm. Nếu quên mất mục đích tối cao nhất của người tu học là liễu thoát khỏi sanh tử luân hồi, thì chánh niệm đó vẫn chỉ là tà niệm mà thôi!

*

Bởi không có chánh niệm nên ta liên tục bị vọng tưởng sai sửa, nó khiến cuộc sống của ta không lúc nào được an. Người đời không nhận ra đã đành, người học Phật nhiều vị cũng chẳng hay. Nên tu trì mà không đoạn được phiền não nên chẳng được nếm hương vị thanh lương nơi giáo pháp của Như Lai. Lâu ngày chày tháng trầm luân trong phiền não rồi quên luôn cả đường giải thoát!

Chúng ta đã ở sâu vào thời ngũ trược ác thế. Chánh pháp suy vi, ngoại đạo lừng lẫy. Đường sanh tử lại nhiều nguy hiểm chướng duyên. Bởi thế trong Luận Khởi Tín, sau khi kết hợp tổng quát về tinh yếu của pháp Đại Thừa, và trình bày xong đường lối tu tập, Mã Minh Bồ Tát lại bảo:

“Cõi Ta Bà phiền não cang cường, chánh tín khó vững, không thường được gặp Phật nghe pháp, đường tu nhiều hiểm nạn chướng duyên. Nên biết Như Lai có phương tiện thù thắng, dạy cầu sanh về cõi Tịnh Độ ở tha phương. Như trong khế kinh nói: nếu chuyên tâm niệm Phật A Di Đà đem công đức tu hồi hướng cầu sanh Tây Phương, thì sẽ được về thế giới Cực Lạc, thường thấy Phật nghe pháp, không còn thối chuyển. Nếu hành giả y theo đường lối này tu tập, quyết định sẽ được vào chánh định tụ.”

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Tam Tịnh Nhục là gì

3 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog